cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư liên tịch số 21/2003/TTLT/BTC-BGDĐT-BNV ngày 24/03/2003 giữa Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập hoạt động có thu (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 21/2003/TTLT/BTC-BGDĐT-BNV
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Cơ quan ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính
  • Ngày ban hành: 24-03-2003
  • Ngày có hiệu lực: 01-01-2003
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 05-09-2006
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1343 ngày (3 năm 8 tháng 8 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 05-09-2006
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 05-09-2006, Thông tư liên tịch số 21/2003/TTLT/BTC-BGDĐT-BNV ngày 24/03/2003 giữa Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập hoạt động có thu (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Thông tư số 71/2006/TT-BTC ngày 09/08/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hướng dẫn Nghị định 43/2006/NĐ-CP quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO-BỘ NỘI VỤ-BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 21/2003/TTLT/BTC-BGDĐT-BNV

Hà Nội, ngày 24 tháng 3 năm 2003

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ TÀI CHÍNH - BỘ GD&ĐT - BỘ NỘI VỤ SỐ 21/2003/TTLT/BTC-BGD&ĐT-BNV NGÀY 24 THÁNG 3 NĂM 2003 HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO CÔNG LẬP HOẠT ĐỘNG CÓ THU

Thực hiện Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/1/2002 của Chính phủ về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu; Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư hướng dẫn số 25/2002/TT-BTC ngày 21/3/2002.

Để phù hợp với hoạt động đặc thù chuyên ngành giáo dục đào tạo, Liên tịch Bộ Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Nội Vụ hướng dẫn thêm một số nội dung về chế độ quản lý tài chính đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập hoạt động có thu như sau:

I- ĐỐI TƯỢNG:

Đối tượng áp dụng Thông tư này là các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân hoạt động có thu được ngân sách Nhà nước cấp một phần kinh phí hoạt động thường xuyên hoặc tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên (gọi chung là cơ sở giáo dục và đào tạo có thu - viết tắt là CSGD-ĐT CT), bao gồm:

- Các cơ sở giáo dục mầm non (nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non).

- Các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

- Các trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, các trung tâm đào tạo.

- Các trường trung học chuyên nghiệp, các trường dạy nghề.

- Các Đại học, các trường đại học, cao đẳng, các học viện.

Các đơn vị sự nghiệp có thu nêu trên thuộc đối tượng thực hiện Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/1/2002 của Chính phủ khi có đủ các điều kiện sau:

- Có quyết định thành lập đơn vị bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền.

- Có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng.

- Có tài khoản tại Kho bạc hoặc Ngân hàng.

- Có tổ chức bộ máy tài chính, kế toán.

- Có nguồn thu hợp pháp.

Các cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục và đào tạo thực hiện Nghị định số 10/NĐ-CP ngày 16/01/2002 của Chính phủ.

Những đơn vị dự toán trực thuộc các CSGD-ĐT CT như các Trung tâm đào tạo, Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ, Viện nghiên cứu, Nhà xuất bản, Tạp chí là đối tượng thực hiện Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2002, được áp dụng Thông tư này và các Thông tư hướng dẫn phù hợp với các lĩnh vực hoạt động (nghiên cứu khoa học, văn hoá thông tin...).

Đối với các CSGD-ĐT CT có nhiều đơn vị trực thuộc hạch toán độc lập như: Đại học quốc gia, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng..., cơ quan có thẩm quyền giao dự toán ổn định cho đơn vị dự toán cấp I hoặc cấp II để giao quyền tự chủ cho các đơn vị dự toán trực thuộc.

Các CSGD-ĐT không có nguồn thu sự nghiệp, không thuộc đối tượng áp dụng Thông tư này. Kinh phí hoạt động thường xuyên của các CSGD-ĐT không có nguồn thu sự nghiệp do ngân sách Nhà nước cấp và quản lý tài chính theo cơ chế hiện hành.

II- NGUỒN THU SỰ NGHIỆP CỦA CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO CÔNG LẬP:

Các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập có những nguồn thu sự nghiệp như sau:

1- Các loại phí, lệ phí hiện hành theo quy định:

1.1- Thu học phí của người học thuộc các loại hình giáo dục và đào tạo chính quy và không chính quy (hệ cấp bằng) trong phạm vi mức thu do nhà nước quy định.

1.2- Thu từ phí dịch vụ đào tạo (hệ cấp chứng chỉ). Mức thu do Thủ trưởng đơn vị quyết định phù hợp với khả năng của người hưởng dịch vụ.

1.3- Lệ phí tuyển sinh theo quy định của Pháp lệnh phí, lệ phí và các văn bản hướng dẫn của Nhà nước.

2- Các khoản thu gắn với hoạt động của đơn vị:

2.1- Thu từ các dự án liên kết đào tạo với các tổ chức trong và ngoài nước.

2.2- Thu từ các hoạt động sản xuất, bán sản phẩm thực hành tại các xưởng trường, sản phẩm thí nghiệm... từ các hoạt động cung ứng dịch vụ gắn với hoạt động của đơn vị, khai thác cơ sở vật chất.

2.3- Thu từ các hợp đồng khoa học và công nghệ với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

2.4- Thu do cán bộ, giáo viên, giảng viên của cơ sở tham gia hoạt động dịch vụ với bên ngoài hoặc theo cơ chế khoán nộp về đơn vị.

2.5- Các khoản thu hợp pháp khác được để lại sử dụng theo quy định của nhà nước.

Mức thu đối với các khoản thu trên do Thủ trưởng đơn vị thoả thuận trong hợp đồng với bên yêu cầu theo nguyên tắc cơ sở giáo dục và đào tạo bảo đảm bù đắp chi phí, phù hợp với khả năng người học và có một phần tích luỹ.

3- Thu tiền đóng góp xây dựng trường phổ thông theo quy định của cấp có thẩm quyền.

4- Thu từ đơn vị trực thuộc để hỗ trợ hoạt động chung: Các đơn vị dự toán trực thuộc có thể trích một phần từ nguồn thu sự nghiệp để hỗ trợ hoạt động chung, tỷ lệ trích do Thủ trưởng đơn vị quyết định.

5- Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật như lãi tiền gửi ngân hàng từ các khoản thu sản xuất, cung ứng dịch vụ...

Ngoài các khoản thu sự nghiệp nêu trên, các CSGD-ĐT CT được phép huy động vốn hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để phục vụ cho hoạt động sản xuất và cung ứng dịch vụ theo đúng quy định hiện hành của pháp luật.

III- NỘI DUNG CHI HOẠT ĐỘNG THƯỜNG XUYÊN:

Các CSGD-ĐT CT được sử dụng nguồn ngân sách nhà nước cấp và nguồn thu sự nghiệp của đơn vị để chi cho các hoạt động thường xuyên theo những nội dung sau:

1- Chi cho cán bộ, giáo viên và lao động hợp đồng: Chi tiền lương; tiền công; tiền thưởng; phụ cấp lương; phúc lợi tập thể; các khoản đóng góp trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn theo chế độ hiện hành.

2- Chi cho học sinh, sinh viên:

- Chi học bổng, trợ cấp xã hội, tiền thuởng.

- Chi cho các hoạt động văn hoá thể dục thể thao của học sinh, sinh viên.

3- Chi quản lý hành chính: chi điện, nước, xăng dầu, vệ sinh môi trường, mua vật tư văn phòng, dịch vụ công cộng, công tác phí, hội nghị phí, thông tin liên lạc, tuyên truyền, cước phí điện thoại, fax...

4- Chi nghiệp vụ giảng dạy, học tập:

a- Chi mua sách, báo, tạp chí, tài liệu giáo khoa, giáo trình, sách tham khảo, thiết bị, vật tư thí nghiệm, thực hành, chi phí cho giáo viên và học sinh đi thực tập... theo chương trình của CSGD-ĐT CT (bao gồm cả giáo dục an ninh, quốc phòng).

b- Chi phí thuê chuyên gia và giảng viên trong và ngoài nước (chi tiền biên soạn và giảng bài), chi trả tiền dạy vượt giờ cho giáo viên, giảng viên của cơ sở.

c- Chi đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.

d- Chi cho công tác tổ chức tuyển sinh, thi tốt nghiệp và thi học sinh, sinh viên giỏi các cấp.

5- Chi nghiên cứu các đề tài khoa học, công nghệ cấp cơ sở của cán bộ, giáo viên và sinh viên.

6- Chi phí thực hiện các hợp đồng lao động sản xuất, khoa học công nghệ, cung ứng dịch vụ đào tạo, dự án liên kết đào tạo, thực hành thực tập, bao gồm: chi tiền lương, tiền công, nguyên nhiên vật liệu, khấu hao TSCĐ, nộp thuế theo quy định của pháp luật.

7- Chi mua sắm sửa chữa thường xuyên: Chi mua sắm dụng cụ thay thế, sửa chữa thường xuyên tài sản cố định phục vụ công tác chuyên môn và duy tu bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng.

8- Chi hợp tác quốc tế: đoàn ra, đoàn vào.

9- Chi phí thường xuyên liên quan đến công tác thu phí, lệ phí theo quy định hiện hành.

10- Chi đào tạo, tập huấn cho công chức, viên chức trong đơn vị (không kể chi đào tạo lại theo chỉ tiêu của Nhà nước).

11- Chi khác: trả gốc và lãi vốn vay các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước (nếu có); Sử dụng nguồn thu sự nghiệp đóng góp từ thiện xã hội, chi trợ giúp học sinh nghèo vượt khó học giỏi, trật tự an ninh...

Các khoản chi không thường xuyên thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2002 của Chính phủ và Thông tư số 25/2002/TT-BTC ngày 21/3/2002 của Bộ Tài chính.

IV- CÁC CSGD-ĐT CT CÔNG LẬP ĐƯỢC TỰ CHỦ TÀI CHÍNH, TỰ QUYẾT ĐỊNH VÀ CHỊU TRÁCH NHIỆM NHƯ SAU:

1- Về sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp và nguồn thu sự nghiệp:

1.1- Đối với CSGD-ĐT CT tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên:

Được cơ quan có thẩm quyền giao dự toán ổn định trong 3 năm cho đơn vị trực thuộc như sau:

a) Giao dự toán thu phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước, bao gồm:

- Tổng số thu phí, lệ phí.

- Số phí, lệ phí được để lại đơn vị sử dụng theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với từng loại phí, lệ phí.

- Số phí, lệ phí phải nộp ngân sách nhà nước.

Đối với những loại phí, lệ phí được để lại và nộp ngân sách nhà nước theo tỷ lệ phần trăm (%) thì hàng năm cơ quan có thẩm quyền giao dự toán điều chỉnh cho phù hợp với hoạt động của đơn vị.

Cơ quan chủ quản không giao số thu sản xuất, cung ứng dịch vụ cho các CSGD-ĐT CT; đơn vị xây dựng kế hoạch thu để điều hành trong cả năm. Riêng những đơn vị sự nghiệp chỉ có nguồn thu sản xuất, cung ứng dịch vụ, không có nguồn thu phí, lệ phí thì cơ quan có thẩm quyền giao dự toán thu sản xuất cung ứng dịch vụ để làm căn cứ điều hành thu, chi.

b) Giao dự toán chi:

- Giao số tổng hợp chi hoạt động thường xuyên từ nguồn thu phí, lệ phí được để lại cho đơn vị sử dụng theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Chi không thường xuyên từ ngân sách nhà nước: Kinh phí thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, ngành; Chương trình mục tiêu quốc gia; kinh phí đặt hàng theo chế độ của Nhà nước; kinh phí thực hiện tinh giản biên chế; kinh phí đối ứng các dự án nước ngoài; vốn viện trợ, vốn vay, vốn đầu tư xây dựng cơ bản; kinh phí mua sắm, sửa chữa lớn tài sản cố định và các khoản chi không thường xuyên khác thì Bộ chủ quản (đối với các đơn vị sự nghiệp có thu do Trung ương quản lý), Cơ quan chủ quản địa phương (đối với các đơn vị sự nghiệp có thu do địa phương quản lý) giao dự toán cho đơn vị sự nghiệp theo quy định hiện hành.

c) Trường hợp đơn vị thực hiện vượt thu phí và lệ phí đã được giao ổn định thì đơn vị được sử dụng toàn bộ số thu vượt (phần để lại) nhằm bổ sung quỹ tiền lương và kinh phí hoạt động của đơn vị theo quy định.

Trường hợp đơn vị thực hiện hụt thu so với dự toán được giao thu phí và lệ phí (phần để lại) thì đơn vị phải điều chỉnh giảm chi tương ứng.

Đối với những đơn vị sự nghiệp được cơ quan có thẩm quyền giao thu về sản xuất, cung ứng dịch vụ, khi thu vượt thì đơn vị được sử dụng toàn bộ số vượt thu để tăng thu nhập. tăng cường cơ sở vật chất và khi giảm thu đơn vị phải giảm chi tương ứng.

1.2- Đối với CSGD-ĐT CT tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên: Được cơ quan có thẩm quyền giao dự toán thu, dự toán chi ổn định trong 3 năm như sau:

1.2.1- Giao dự toán thu phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước, bao gồm:

- Tổng số thu phí, lệ phí.

- Số phí, lệ phí được để lại đơn vị sử dụng theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Số phí, lệ phí phải nộp ngân sách nhà nước.

Đối với những loại phí, lệ phí được để lại và nộp ngân sách nhà nước theo tỷ lệ phần trăm (%) thì hàng năm cơ quan có thẩm quyền giao dự toán thu điều chỉnh cho phù hợp với hoạt động của đơn vị.

Cơ quan chủ quản không giao số thu sản xuất, cung ứng dịch vụ cho CSGD-ĐT CT; đơn vị xây dựng kế hoạch thu để điều hành trong cả năm. Riêng những đơn vị sự nghiệp chỉ có nguồn thu sản xuất, cung ứng dịch vụ, không có nguồn thu phí, lệ phí thì cơ quan có thẩm quyền giao dự toán thu sản xuất cung ứng dịch vụ để làm căn cứ điều hành thu, chi.

1.2.2- Giao dự toán chi:

a) Chi hoạt động thường xuyên:

- Giao số tổng hợp chi hoạt động thường xuyên từ nguồn thu phí, lệ phí được để lại đơn vị sử dụng theo quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

- Giao số tổng hợp chi hoạt động thường xuyên từ nguồn ngân sách nhà nước cấp cho năm đầu của thời kỳ ổn định, hàng năm được tăng thêm theo tỷ lệ do cấp có thẩm quyền quyết định.

b) Chi không thường xuyên từ ngân sách nhà nước: Kinh phí thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, ngành; Chương trình mục tiêu quốc gia; kinh phí đặt hàng theo chế độ của Nhà nước; kinh phí thực hiện tinh giản biên chế; kinh phí đối ứng các dự án nước ngoài; vốn đầu tư xây dựng cơ bản; kinh phí mua sắm, sửa chữa lớn tài sản cố định và các khoản chi không thường xuyên khác thì Bộ chủ quản (đối với các đơn vị sự nghiệp có thu do Trung ương quản lý), Cơ quan chủ quản địa phương (đối với các đơn vị sự nghiệp có thu do địa phương quản lý) giao dự toán cho đơn vị sự nghiệp theo quy định hiện hành.

1.2.3- Trường hợp đơn vị tiết kiệm chi kinh phí thường xuyên hoặc tăng thu phần phí và lệ phí được để lại so với dự toán được giao thì đơn vị được sử dụng toàn bộ nguồn kinh phí tiết kiệm và số tăng thu để bổ sung quỹ tiền lương và kinh phí hoạt động của đơn vị. Trường hợp hụt thu so với dự toán được giao thì đơn vị phải điều chỉnh giảm chi tương ứng.

Đối với những đơn vị sự nghiệp được cơ quan có thẩm quyền giao thu về sản xuất, cung ứng dịch vụ, khi thu vượt thì đơn vị được sử dụng tòn bộ số vượt thu để tăng thu nhập, tăng cường cơ sở vật chất và khi giảm thu đơn vị phải giảm chi tương ứng.

Sau thời gian ổn định kinh phí 3 năm, các đơn vị sự nghiệp có thu báo cáo tổng kết trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định giao ổn định kinh phí cho thời gian tiếp theo.

2- Biên chế làm căn cứ xây dựng dự toán quỹ tiền lương là số biên chế được cơ quan có thẩm quyền giao đến ngày 31/12 năm trước liền kề.

Trong quá trình hoạt động, Thủ trưởng CSGD-ĐT CT được quyết định kế hoạch sử dụng lao động như sau:

2.1- Sắp xếp lại cán bộ, công chức, viên chức được giao (kể cả những người đã ký hợp đồng lao động trong chỉ tiêu biên chế) để nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của đơn vị. Những người trong diện giảm biên chế được hưởng chính sách chế độ theo quy định hiện hành;

2.2- Đối với CSGD-ĐT CT tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên, căn cứ nhu cầu công việc và khả năng tài chính của đơn vị, Thủ trưởng được ký hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động; những người được ký hợp đồng không xác định thời hạn phải có đủ tiêu chuẩn, cơ cấu chức danh nghiệp vụ, chuyên môn theo quy định của cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực và được xếp theo bảng lương hành chính sự nghiệp quy định tại Nghị định số 25/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn và được hưởng các quyền lợi, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật;

2.3- Đối với CSGD-ĐT CT tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên, căn cứ nhu cầu công việc và khả năng tài chính của đơn vị, Thủ trưởng được ký hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động nhưng phải phù hợp với định mức biên chế do cơ quan có thẩm quyền ban hành; những người được ký hợp đồng không xác định thời hạn phải có đủ tiêu chuẩn, cơ cấu chức danh nghiệp vụ, chuyên môn theo quy định của bộ quản lý ngành, lĩnh vực và được xếp theo bảng lương hành chính sự nghiệp quy định tại Nghị định số 25/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn và được hưởng các quyền lợi, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật;

2.4- Thủ trưởng đơn vị được chấm dứt hợp đồng lao động đối với những người do đơn vị ký hợp đồng lao động. Trình tự, thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về Lao động.

2.5- Thực hiện chế độ dân chủ, công khai theo quy định của pháp luật.

3- Quỹ tiền lương và thu nhập: Quỹ tiền lương và thu nhập của các CSGD-ĐT CT được sử dụng từ hai nguồn:

3.1- Nguồn ngân sách Nhà nước cấp để chi tiền lương, tiền công, các khoản phụ cấp theo lương của cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế và lao động hợp đồng (đối với các CSGD-ĐT CT bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên) thực hiện theo quy định tại Nghị định số 25/NĐ-CP ngày 23/05/1993 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn hiện hành về lương và phụ cấp lương.

3.2- Căn cứ vào kết quả hoạt động tài chính (nguồn thu sự nghiệp và tiết kiệm chi phí thường xuyên) và tình hình thực hiện chuyên môn, quỹ tiền lương và thu nhập của các CSGD-ĐT CT được xác định theo quy định tại Điểm 1 Mục IV Thông tư số 25/2002/TT-BTC ngày 21/3/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2002 của Chính phủ về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu. Đơn vị xây dựng quy chế chi trả tiền lương, tiền công và thảo luận công khai, thống nhất trong hội nghị cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị.

Căn cứ vào quy chế chi trả tiền lương, tiền công của đơn vị và quỹ tiền lương được xác định, Thủ trưởng đơn vị quyết định mức chi trả tiền lương, tiền công cho cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng theo hiệu quả công việc hàng tháng của từng người.

3.3- Tiền lương của CSGD-ĐT CT cuối năm nếu không chi hết được đưa vào quỹ dự phòng ổn định thu nhập và chuyển sang năm sau tiếp tục chi.

4- Xây dựng chế độ chi tiêu nội bộ:

- Trong phạm vi nguồn tài chính của đơn vị (bao gồm nguồn ngân sách Nhà nước cấp, nguồn thu sự nghiệp), Thủ trưởng CSGD-ĐT CT chủ động xây dựng tiêu chuẩn, định mức và chế độ chi tiêu nội bộ về chi quản lý và nghiệp vụ cao hơn hoặc thấp hơn mức chi do Nhà nước quy định phù hợp với đặc thù của đơn vị.

- Trong chế độ chi tiêu nội bộ, CSGD-ĐT CT ưu tiên chi nghiệp vụ để đảm bảo số lượng, chất lượng hoạt động giảng dạy, học tập, NCKH, dịch vụ của đơn vị.

- Các tiêu chuẩn, chế độ và định mức chi tiêu nêu trên được thảo luận công khai trong đơn vị, chế độ chi tiêu nội bộ là căn cứ để Thủ trưởng đơn vị điều hành việc sử dụng, quyết toán kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn thu sự nghiệp của đơn vị, là cơ sở pháp lý để Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát chi.

5- Cấp phát kinh phí từ ngân sách Nhà nước:

Căn cứ vào dự toán ngân sách nhà nước được giao, cơ quan tài chính cấp kinh phí chi thường xuyên do ngân sách đảm bảo (đối với đơn vị tự đảm bảo một phần chi phí) qua Kho bạc Nhà nước vào Mục 134 "Chi khác" theo từng loại, khoản tương ứng của Mục lục ngân sách Nhà nước.

Trường hợp đã thực hiện cấp phát theo các mục của Mục lục ngân sách Nhà nước, Thủ trưởng đơn vị đã được giao quyền tự chủ được quyền điều chỉnh các mục chi trong tổng số kinh phí chi thường xuyên cấp.

Đối với các khoản kinh phí chi không thường xuyên, cơ quan tài chính thực hiện việc cấp phát theo Mục lục ngân sách Nhà nước hiện hành.

6- CSGD-ĐT CT hoạt động sản xuất, dịch vụ có sử dụng TSCĐ thì thực hiện trích khấu hao TSCĐ. Mức trích khấu hao tài sản cố định theo quy định tại Quyết định số 166/1999/QĐ-BTC ngày 30/12/1999 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về ban hành chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định và các văn bản hướng dẫn hiện hành của Nhà nước.

Trường hợp đặc biệt Thủ trưởng đơn vị có thể quyết định việc áp dụng tỷ lệ khấu hao cao hơn quy định nhằm thu hồi vốn kịp thời nhưng phải phù hợp với thời gian và đổi mới kỹ thuật của tài sản, khả năng chi trả của người hưởng dịch vụ.

Toàn bộ số tiền khấu hao tài sản cố định được hạch toán vào giá thành sản phẩm dịch vụ trong các hợp đồng giữa CSGD-ĐT CT với các bên yêu cầu sản xuất dịch vụ.

7- Các CSGD-ĐT CT có nhu cầu thanh lý tài sản: Thành lập Hội đồng thanh lý tài sản theo Quyết định số 55/2000/QĐ-BTC ngày 19/4/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành quy chế quản lý việc xử lý tài sản Nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp. Số tiền thu được do thanh lý tài sản được hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước sau khi trừ chi phí thanh lý (cân, đong, đo, đếm, vận chuyển, xác định các thông số kỹ thuật, tiền công làm thêm giờ (nếu có)...) được đưa vào quỹ phát triển của đơn vị. Trường hợp thanh lý tài sản được hình thành từ nguồn vốn vay, đơn vị sử dụng số tiền thu được do thanh lý sau khi trừ chi phí thanh lý để trả vốn vay, sau khi trả hết vốn vay thì được đưa vào quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp.

8- Thu sự nghiệp thuộc ngân sách nhà nước (học phí, lệ phí) thực hiện theo quy định của Pháp lệnh phí và lệ phí và Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 3/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí. Trong khi chưa có văn bản hướng dẫn thì các cơ sở giáo dục và đào tạo thực hiện thu học phí theo Quyết định số 70/1998/QĐ-TTg ngày 31/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn hiện hành cho đến khi có văn bản mới. Cơ sở giáo dục và đào tạo được mở tài khoản chuyên thu tại Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch để quản lý thu, chi.

Hàng quý, năm cơ sở giáo dục và đào tạo có thu lập báo cáo số thu, chi có xác nhận của Kho bạc Nhà nước gửi cơ quan chủ quản để tổng hợp gửi cơ quan tài chính đồng cấp.

9- Cuối năm, kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách Nhà nước cấp và thu sự nghiệp của CSGD-ĐT CT nếu chi không hết được chuyển sang năm sau tiếp tục chi và quyết toán vào niên độ kế toán năm sau. Trên cơ sở đối chiếu giữa Kho bạc Nhà nước và đơn vị đến cuối ngày 31/12, Kho bạc Nhà nước làm thủ tục chuyển số kinh phí chưa chi hết sang năm sau cho CSGD-ĐT CT theo quy định tại Thông tư số 81/2002/TT-BTC ngày 16/9/2002 của Bộ Tài chính, đồng thời thông báo bằng văn bản cho cơ quan tài chính đồng cấp biết để quản lý.

10- Các CSGD-ĐT CT thực hiện hạch toán kế toán theo Thông tư số 121/2002/TT-BTC ngày 31/12/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn kế toán đơn vị sự nghiệp có thu.

V- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH:

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2003.

Các nội dung khác về quản lý tài chính được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 25/2002/TT-BTC ngày 21/3/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2002 của Chính phủ về cơ chế tài chính áp dụng cho các đơn vị sự nghiệp có thu.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương và các cơ sở giáo dục và đào tạo có thu phản ánh về Liên Bộ để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Lê Vũ Hùng

(Đã ký)

Nguyễn Trọng Điều

(Đã ký)

Nguyễn Công Nghiệp

(Đã ký)