cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư liên tịch số 03/2003/TTLT-BLĐTBXH-BTC-BNV ngày 13/02/2003 giữa Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Hướng dẫn chế độ đối với người lao động trực tiếp tham gia và phục vụ công tác phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 03/2003/TTLT-BLĐTBXH-BTC-BNV
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Cơ quan ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính
  • Ngày ban hành: 13-02-2003
  • Ngày có hiệu lực: 30-03-2003
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 12-12-2007
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1718 ngày (4 năm 8 tháng 18 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 12-12-2007
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 12-12-2007, Thông tư liên tịch số 03/2003/TTLT-BLĐTBXH-BTC-BNV ngày 13/02/2003 giữa Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Hướng dẫn chế độ đối với người lao động trực tiếp tham gia và phục vụ công tác phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 25/2007/QĐ-BLĐTBXH ngày 21/11/2007 của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật đến hết ngày 31/12/2006 nay đã hết hiệu lực pháp luật”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ NỘI VỤ-BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 03/2003/TTLT-BLĐTBXH-BTC-BNV

Hà Nội , ngày 13 tháng 2 năm 2003

 

THÔNG TƯ LIÊN TICH

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI, BỘ TÀI CHÍNH, BỘ NỘI VỤ SỐ 03/2003/TTLT-BLĐTBXH-BTC-BNV NGÀY 13 THÁNG 02 NĂM 2003 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI LAO ĐỘNG TRỰC TIẾP THAM GIA VÀ PHỤC VỤ CÔNG TÁC PHÂN GIỚI, CẮM MỐC BIÊN GIỚI TRÊN ĐẤT LIỀN VIỆT NAM -TRUNG QUỐC

Thi hành Quyết định số 166/2002/QĐ-TTg ngày 22/11/2002 của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ áp dụng đối với lao động trực tiếp tham gia và phục vụ công tác phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, sau khi trao đổi ý kiến với các Bộ, ngành liên quan, Liên tịch Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG

1/ Đối tượng áp dụng:

a) Những người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử vào các nhóm phân giới, cắm mốc biên giới, bao gồm: Cán bộ, công chức nhà nước; Kỹ sư, kỹ thuật viên, công nhân kỹ thuật trong các doanh nghiệp Nhà nước; Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang;

b) Những người làm việc tại Ban Chỉ đạo phân giới, cắm mốc biên giới của các tỉnh biên giới (Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh), bao gồm: Cán bộ, công chức nhà nước; Kỹ sư, kỹ thuật viên, công nhân kỹ thuật trong các doanh nghiệp nhà nước; Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang (kể cả những người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử vào làm việc không thường xuyên tại các Ban chỉ đạo phân giới, cắm mốc biên giới các tỉnh biên giới);

c) Những người làm việc tại Ban Chỉ đạo của Chính phủ và những người đang công tác ở các cơ quan, các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được huy động đi phục vụ cho các nhóm phân giới, cắm mốc biên giới.

d) Người lao động tại địa phương được huy động phục vụ cho các nhóm phân giới, cắm mốc biên giới.

2/ Đối tượng không áp dụng:

a) Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, chiến sỹ và những người hưởng lương trong lực lượng vũ trang rà phá bom, mìn, vật cản chiến tranh trên tuyến biên giới Việt Nam -Trung Quốc theo dự án riêng của Bộ Quốc phòng;

b) Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, chiến sỹ và những người hưởng lương trong lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ phát đường, tuần tra trên tuyến biên giới do kinh phí quản lý biên giới của địa phương chi trả.

c) Công chức, viên chức và người lao động thực hiện việc thiết kế, sản xuất, vận chuyển mốc giới đến các tỉnh biên giới theo dự án riêng của Bộ Xây dựng.

II. CÁC CHẾ ĐỘ ÁP DỤNG:

1/ Đối với các đối tượng qui định tại tiết a, điểm 1, Mục I nói trên được hưởng các chế độ sau:

a) Tiền lương:

Được hưởng nguyên lương cấp bậc, chức vụ, quân hàm và phụ cấp (nếu có) theo qui định tại Nghị định 25/CP và Nghị định 26/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ tiền lương mới của công chức, viên chức hành chính, sự nghiệp, lực lượng vũ trang và trong các doanh nghiệp. Được thực hiện chế độ nâng bậc lương, nâng ngạch, nâng lương quân hàm theo qui định hiện hành.

b) Mức sinh hoạt phí:

- Những ngày làm việc trên thực địa phân giới, cắm mốc biên giới (gọi là ngày làm việc ngoại nghiệp) ở những vùng có mức phụ cấp khu vực có hệ số từ 0,7 trở lên so với mức lương tối thiểu được hưởng 120.000 đồng/ngày; 100.000 đồng/ngày ở những vùng có mức phụ cấp khu vực có hệ số dưới 0,7 so với mức lương tối thiểu qui định tại Thông tư số 03/TTLT-BLĐTBXH-BTC-UBDTMN ngày 18/01/2000 của Liên tịch Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính - Uỷ ban Dân tộc và Miền núi;

- Những ngày làm việc trong nhà, lều, lán, trại đóng tại hiện trường biên giới (không làm việc ngoài thực địa gọi là ngày làm việc nội nghiệp), được hưởng 70.000 đồng/ngày.

Khi áp dụng các mức sinh hoạt phí trên thì không được hưởng chế độ trả lương làm thêm giờ, tiền ngủ rừng, tiền ăn giữa ca, tiền công tác phí theo qui định hiện hành.

c) Ngoài tiền lương, tiền sinh hoạt phí qui định tại điểm a, b nói trên, những người được giao làm Trưởng nhóm, Phó Trưởng nhóm phân giới, cắm mốc biên giới được hưởng trợ cấp như sau:

- Mức 150.000 đồng/tháng, áp dụng đối với Trưởng nhóm;

- Mức 100.000 đông/tháng, áp dụng đối với Phó Trưởng nhóm.

d) Được trang cấp các trang bị bảo hộ lao động, thuốc mem y tế và phương tiện bảo vệ cá nhân, trang cấp lều bạt, võng để đảm bảo sinh hoạt bình thường hằng ngày; được nghỉ phép hàng năm và được thanh toán tiền tàu, xe đi phép theo qui định hiện hành.

đ) Những người trực tiếp phân giới, cắm mốc biên giới, nếu bị chết hoặc bị thương theo một trong những trường hợp qui định tại Điều 11 và Điều 25, Nghị định số 28/CP ngày 29/4/1995 của Chính phủ qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng thì được xem xét, xác nhận là liệt sĩ hoặc thương binh. Việc lập hồ sơ, xem xét, xác nhận theo hướng dẫn tại Thông tư số 16/1998/TTLT-BLĐTBXH-BQP-BCA ngày 25/11/1998 của Liên tịch Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Quốc phòng - Bộ Công an.

2/ Đối với các đối tượng qui định tại tiết b, điểm 1, mục I nói trên được hưởng chế độ sau:

a) Được hưởng nguyên lương cấp bậc, chức vụ, quân hàm, phụ cấp (nếu có), chế độ nâng bậc lương, nâng ngạch, nâng lương quân hàm qui định tại Nghị định số 25/CP và Nghị định số 26/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ qui định tạm thời chế độ tiền lương mới của công chức, viên chức hành chính, sự nghiệp, lực lượng vũ trang và trong các doanh nghiệp.

b) Được hưởng trợ cấp theo tháng:

- Mức 200.000 đồng/tháng, áp dụng đối với Trưởng ban chỉ đạo phân giới, cắm mốc biên giới của tỉnh;

- Mức 150.000 đồng/tháng, áp dụng đối với Phó Trưởng ban chỉ đạo phân giới, cắm mốc biên giới của tỉnh;

- Mức 100.000 đồng/tháng, áp dụng đối với chuyên viên chuyên trách giúp việc Ban chỉ đạo phân giới, cắm mốc biên giới của tỉnh;

c) Những ngày trực tiếp làm việc trên hiện trường biên giới thì được hưởng các mức sinh hoạt phí như những người trực tiếp phân giới, cắm mốc biên giới qui định tại tiết b, điểm 1 nêu trên. Khi hưởng các mức sinh hoạt phí này thì không hưởng chế độ trả lương làm thêm giờ, tiền ngủ rừng, tiền ăn giữa ca, tiền công tác phí theo qui định hiện hành.

d) Được sử dụng trang bị bảo hộ lao động, được cấp thuốc men y tế và trang bị bảo vệ cá nhân trong những ngày làm việc trên hiện trường biên giới.

3/ Đối với các đối tượng qui định tại tiết c, điểm 1, mục I nói trên được hưởng các chế độ sau:

a) Những ngày trực tiếp làm việc trên hiện trường biên giới thì được hưởng mức sinh hoạt phí như những người trực tiếp phân giới, cắm mốc qui định tại tiết b, điểm 1 nêu trên. Khi hưởng các mức sinh hoạt phí này thì không được hưởng chế độ trả lương làm thêm giời, tiền ngủ rừng, tiền ăn giữa ca, tiền công tác phí theo qui định hiện hành.

b) Được sử dụng trang bị bảo hộ lao động, được cấp thuốc men y tế và trang bị bảo vệ cá nhân trong những ngày làm việc trên hiện trường biên giới.

4/ Đối với các đối tượng qui định tại tiết d, điểm 1, mục I nói trên được hưởng các chế độ sau:

Khi có nhu cầu huy động lao động tại địa phương phục vụ các nhóm phần giới, cắm mốc thì Ban Chỉ đạo hoặc nhóm phân giới, cắm mốc phải thực hiện ký kết hợp đồng lao động với từng người lao động theo qui định của pháp luật lao động. Các chế độ thoả thuận trong hợp đồng lao động bao gồm:

a) Giá tiền công lao động theo loại công việc thực tế tại địa phương do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Tài chính - Vật giá quy định (trong giá tiền công lao động bao gồm cả tiền bảo hiểm xã hội bằng 15% giá tiền công).

b) Trong thời gian thực hiện hợp đồng lao động, người lao động nghỉ ốm đau được hưởng trợ cấp bằng 75% mức tiền công ghi trong hợp đồng lao động. Thời gian nghỉ ốm được hưởng trợ cấp tối đa không quá 12 ngày/tháng.

c) Được sử dụng trong bị bảo hộ lao động và trang bị bảo vệ cá nhân theo qui định hiện hành.

d) Trường hợp người lao động bị tai nạn lao động trong khi thực hiện công việc theo hợp đồng hoặc trên đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc thì được bên thuê thanh toán các khoản chi phí về y tế và 100% tiền công trong thời gian điều trị tại cơ sở y tế. Sau khi ổn định thương tật, được giới thiệu đi giám định để xác định mức độ suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng Giám định y khoa của Bộ Y tế. Nếu mức suy giảm từ 5% đến 10% thì được trợ cấp một lần bằng 06 tháng tiền lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm chi trả; từ trên 10% trên 20% thì được hưởng trợ cấp một lần bằng 09 tháng tiền lương tối thiểu; từ trên 20% đến 30% thì được trở cấp một lần bằng 12 tháng tiền lương tối thiểu; từ trên 30% thì cứ tăng thêm 1%, được công thêm 0,5 tháng lương tối thiểu.

Trường hợp người lao động bị chết do tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp trong thời gian thực hiện công việc theo hợp đồng thì thân nhân lo mai táng được trợ cấp tiền mai táng bằng 8 tháng lương tối thiểu và được trợ cấp một lần bằng 5 tháng tiền lương tối thiểu do Nhà nước quy định;

đ) Ngoài việc giải quyết quyền lợi khi bị tai nạn lao động, nếu người lao động bị tai nạn lao động bị khuyết tật thì tuỳ theo mức độ bị khuyết tật làm suy giảm khả năng lao động, được hưởng các chế độ theo qui định của pháp luật đối với người tàn tật.

III. LẬP DỰ TOÁN, CHI TRẢ VÀ QUYẾT TOÁN CÁC CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG

1/ Các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ phân giới, cắm mốc phải thực hiện việc lập dự toán, cấp phát, quyết toán các chế độ nếu tại phần II, Thông tư này theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

2/ Việc chi trả tiền lương, phụ cấp (nếu có), trợ cấp, sinh hoạt phí đối với các đối tượng trực tiếp tham gia và phục vụ công tác phân giới, cắm mốc biên giới được thực hiện như sau:

a) Đối với các đối tượng qui định tại tiết a, điểm 1, mục I:

- Tiền lương cấp bậc, chức vụ, quân hàm và phụ cấp (nếu có) do các cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý trước khi được cử vào các nhóm phân giới, cắm mốc biên giới trả theo qui định chung.

- Tiền sinh hoạt phí, trợ cấp đối với thành viên các nhóm phân giới, cắm mốc biên giới và trợ cấp đối với Trưởng, Phó trưởng nhóm do Ban chỉ đạo phân giới, cắm mốc biên giới các tỉnh biên giới chi trả theo số ngày công làm việc ngoại nghiệp hoặc nội nghiệp thực tế trên hiện trường biên giới (đối với người hưởng sinh hoạt phí) và theo tháng (đối với Trưởng, Phó trưởng nhóm hưởng trợ cấp).

b) Đối với các đối tượng qui định tại tiết b, tiết c, điểm 1, mục I:

- Tiền lương cấp bậc, chức vụ, quân hàm và phụ cấp (nếu có) do các cơ quan, đơn vị cử người tham gia hoặc giúp việc Ban Chỉ đạo chi trả theo qui định chung.

- Tiền sinh hoạt phí, trợ cấp đối với Trưởng, Phó trưởng ban và chuyên viên giúp việc Ban Chỉ đạo phân giới, cắm mốc của tỉnh; tiền sinh hoạt phí của những người làm việc tại Ban Chỉ đạo phân giới, cắm mốc của Chính phủ và những người đang công tác ở các cơ quan, các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được huy động đi phục vụ cho các nhóm phân giới, cắm mốc biên giới do các Ban chỉ đạo trả theo số ngày thực tế trên hiện trường biên giới (đối vơí người hưởng sinh hoạt phí) và theo tháng (đối với người hưởng trợ cấp).

c) Đối với những đối tượng tại địa phương được huy động đi phục vụ công tác phân giới, cắm mốc biên giới: tiền công và các quyền lợi khác được thoả thuận trong hợp đồng và qui định của Thông tư này do các Ban chỉ đạo phân giới, cắm mốc biên giới các tỉnh biên giới trả.

Khi trả tiền sinh hoạt phí tại điểm a, b và trả tiền công cho lao động được huy động đi phục vụ công tác phân giới, cắm mốc biên giới tại điểm c nêu trên, nếu có số ngày công lẻ thì làm tròn theo nguyên tắc: 1/2 ngày trở xuống làm tròn là 1/2 công, trên 1/2 ngày làm tròn thành 1 công.

3/ Các đối tượng qui định tại tiết a, điểm 1, mục I được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử vào các nhóm phân giới, cắm mốc biên giới trước khi Quyết định số 166/2002/QĐ-TTg ngày 22/11/2002 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành để làm công tác chuẩn bị thì những ngày làm việc thực tế cũng được hưởng mức sinh hoạt phí 70.000 đồng/ngày (ngày làm việc nội nghiệp). Người lao động nếu đã tạm ứng hoặc thanh toán với mức thấp hơn thì được thanh toán bù cho bằng mức sinh hoạt phí nêu trên.

Các Bộ, ngành, địa phương quản lý người lao động trực tiếp phân giới, cắm mốc biên giới có trách nhiệm trực tiếp trả và quyết toán từ nguồn kinh phí phân giới, cắm mốc biên giới cấp qua Bộ, ngành, địa phương khoản tiền thanh toán chênh lệch, trên cơ sở xác nhận của Ban Chỉ đạo phân giới, cắm mốc biên giới các tỉnh về số ngày công làm việc thực tế của người lao động tại các nhóm phân giới, cắm mốc biên giới đến ngày 31/11/2002.

4/ Các đối tượng qui định tại tiết a, điểm 1, mục I khi nghỉ phép, nếu các cơ quan, đơn vị không bố trí được phương tiện, đưa, đón thì được thanh toán tiền tàu, xe đi phép. Khoản kinh phí này do Ban Chỉ đạo phân giới, cắm mốc biên giới các tỉnh biên giới trả theo qui định hiện hành.

5/ Ban Chỉ đạo phân giới, cắm mốc các tỉnh biên giới lập dự toán, đề nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, cấp hiện vật hoặc cấp kinh phí mua và trang cấp các trang bị bảo hộ lao động, trang bị bảo vệ cá nhân, thuốc men y tế cho các đối tượng theo qui định hiện hành; lập dự toán kinh phí thuê lao động tại địa phương phục vụ các nhóm phân giới, cắm mốc biên giới và trả tiền công cho người lao động theo ngày công làm việc thực tế hoặc công việc thực tế thực hiện, sau khi có qui định về mức giá tiền công theo loại công việc của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Tài chính - Vật giá và xác nhận của các nhóm phân giới, cắm mốc biên giới.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1/ Các Bộ, ngành, địa phương có các đối tượng làm công tác phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc có trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện theo qui định của Thông tư này.

2/ Thông tư này thay thế Thông tư số 07/TTLT-BLĐTBXH-BTC-BTCCBCP ngày 27/5/2002 của Liên tịch Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính - Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2002.

Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phản ánh về Liên Bộ để giải quyết.

Đỗ Quang Trung

(Đã ký)

Nguyễn Thị Hằng

(Đã ký)

Nguyễn Sinh Hùng

(Đã ký)