cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư liên tịch số 10/2002/TTLT-BGDĐT-BCA ngày 22/03/2002 giữa Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Công an Về công tác bảo vệ an ninh-trật tự trong trường học và cơ sở giáo dục (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 10/2002/TTLT-BGDĐT-BCA
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Cơ quan ban hành: Bộ Công An, Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Ngày ban hành: 22-03-2002
  • Ngày có hiệu lực: 06-04-2002
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 06-01-2010
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2832 ngày (7 năm 9 tháng 7 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 06-01-2010
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 06-01-2010, Thông tư liên tịch số 10/2002/TTLT-BGDĐT-BCA ngày 22/03/2002 giữa Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Công an Về công tác bảo vệ an ninh-trật tự trong trường học và cơ sở giáo dục (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Thông tư liên tịch số 34/2009/TTLT-BGDĐT-BCA ngày 20/11/2009 giữa Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Công an Hướng dẫn phối hợp thực hiện công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ CÔNG AN-BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10/2002/TTLT-BGDĐT-BCA

Hà Nội , ngày 22 tháng 3 năm 2002

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

SỐ 10/2002/TTLT-BGDĐT-BCA NGÀY 22/3/2002 VỀ CÔNG TÁC BẢO VỆ AN NINH - TRẬT TỰ TRONG TRƯỜNG HỌC VÀ CƠ SỞ GIÁO DỤC

Căn cứ Nghị định số 29/CP ngày 30/3/1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Nghị định số 37/1998/NĐ-CP ngày 09/6/1998 về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Công an; Thực hiện Nghị quyết số 09/1998/NQ-CP ngày 31/7/1998 của Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Để tăng cường công tác bảo vệ an ninh, trật tự trong tình hình mới, liên Bộ Giáo dục và Đào tạo - Công an hướng dẫn các trường học, các cơ sở giáo dục và công an các cấp chủ động phối hợp tổ chức thực hiện tất những chủ trương, nội dung công tác sau đây:

I- QUY ĐỊNH CHUNG

- Bảo đảm an ninh - trật tự trong các trường học và các cơ sở giáo dục bao gồm cơ quan quản lý giáo dục các cấp, các đại học, trường đại học, học viện, trường cao đẳng, viện nghiên cứu khoa học, trung tâm, trường trung học chuyên nghiệp, trường trung học, trường tiểu học, trường mầm non, các cơ sở sản xuất kinh doanh và dịch vụ thuộc ngành giáo dục là trách nhiệm của ngành giáo dục; ngành công an có trách nhiệm phối hợp, tham mưu, hướng dẫn.

- Các cơ quan quản lý giáo dục, trường học, cơ sở giáo dục và công an các cấp từ Trung ương đến địa phương có trách nhiệm phối hợp công tác theo nguyên tắc đồng cấp, thống nhất theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi đơn vị.

- Thông tư này nhằm tăng cường công tác vận động cán bộ, giáo viên, công nhân viên,... (gọi tắt là cán bộ, giáo viên) và học sinh, sinh viên, học viên,... (gọi tắt là học sinh, sinh viên) tham gia có hiệu quả hoạt động phòng ngừa và trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự trong các trường và các cơ sở giáo dục.

II- QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Đối với ngành giáo dục:

1.1. Các cấp quản lý giáo dục, các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học, các cơ sở giáo dục làm tốt các công tác:

- Phối hợp với các cơ quan chức năng và lực lượng công an để có kế hoạch, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao ý thức cảnh giác cho cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên về âm mưu và hoạt động "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, về phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội.

- Nâng cao hiệu quả giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, pháp luật và các quy định bảo vệ an ninh - trật tự trong chương trình nội khóa và các hoạt dộng ngoại khóa.

- Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trong trường học và các cơ sở giáo dục.

1.2. Hiệu trưởng các trường học, Thủ trưởng các cơ sở giáo dục có trách nhiệm: Giáo dục cho học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên ý thức tự giác chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp của Nhà nước, quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nội quy của nhà trường; không để học sinh, sinh viên bị kẻ xấu kích động, lôi kéo vào các hoạt động vi phạm pháp luật, gây rối an ninh - trật tự, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên. Để đạt được mục tiêu trên cần tập trung thực hiện một số biện pháp sau:

- Tiếp tục triển khai các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm và phòng chống tệ nạn ma túy trong nhà trường. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và lực lượng công an thực hiện kế hoạch liên ngành về làm trong sạch môi trường và phòng, chống tệ nghiện ma túy trong học sinh, sinh viên. Tổ chức cho các đơn vị và cá nhân học sinh, sinh viên ký cam kết tham gia phòng chống tội phạm, ma túy và tệ nạn xã hội.

- Củng cố các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trong trường học và cơ sở giáo dục (Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên, Công đoàn, Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Hội cha mẹ học sinh...) nhằm tạo sức mạnh tổng hợp, đấu tranh có hiệu quả với âm mưu và hoạt động "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, phòng chống tội phạm, ma túy và tệ nạn xã hội. Tạo điều kiện cho các hoạt động lành mạnh của học sinh, sinh viên, nhất là hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và các phong trào thi đua của Đoàn, Hội, Đội trong trường học và địa phương; không để học sinh, sinh viên tự phát lập hội, câu lạc bộ, ra báo, bản tin, tạp chí và các hình thức khác trái quy định của pháp luật.

- Tăng cường lực lượng chuyên trách làm công táo bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ cơ quan, dân quân tự vệ để đẩy mạnh thực hiện các chủ trương, kế hoạch về phòng chống sự phá hoại của kẻ địch, trấn áp tội phạm, bảo vệ an ninh - trật tự trong trường học và các cơ sở giáo dục.

- Hiệu trưởng các trường học trực tiếp chỉ đạo công tác quản lý học sinh, sinh viên. Rà soát, kiện toàn bộ máy, bố trí cán bộ có năng lực, nhiệt tình và có khả năng tập hợp để làm công tác quản lý học sinh, sinh viên. Cần đổi mới phương thức và nội dung công tác vận động học sinh, sinh viên phù hợp với yêu cầu của tình hình mới. Nêu cao vai trò của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên trong công tác quản lý học sinh, sinh viên. Tổ chức tốt công tác học sinh, sinh viên tự quản, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng thanh niên xung kích bảo vệ an ninh - trật tự.

- Định kỳ tổ chức đối thoại với học sinh, sinh viên theo tinh thần quy chế dân chủ trong trường học để chủ động giải quyết tại chỗ các kiến nghị của học sinh, sinh viên, không để tồn đọng các vấn đề phức tạp hoặc xảy ra khiếu kiện tập thể, gây rối về an ninh - trật tự. Nếu kiến nghị của học sinh, sinh viên vượt quá thẩm quyền hoặc những vấn đề khó khăn phức tạp chưa giải quyết được ngay thì cần giải thích cho học sinh, sinh viên và báo cáo xin ý kiến cấp trên. Bảo đảm dân chủ, công khai và công bằng trong giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của học sinh, sinh viên.

- Nghiêm cấm hoạt động tôn giáo trong trường học dưới mọi hình thức. Những học sinh, sinh viên theo đạo được sinh hoạt tôn giáo tại nơi thờ tự hợp pháp ngoài phạm vi nhà trường. Nhà trường phối hợp với các cơ quan chức năng đề ra các quy định cụ thể và biện pháp đảm bảo an ninh - trật tự cho các hoạt động tập thể của học sinh, sinh viên.

- Các cơ sở giáo dục sử dụng mạng Internet cần có biện pháp kiểm tra chặt chẽ việc khai thác, sử dụng thông tin. Ngăn chặn có hiệu quả việc in sao, tán phát và tuyên truyền các tài liệu, thư từ có nội dung xấu trong cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên. Có quy chế quản lý về quan hệ tiếp xúc, giao lưu, trao đổi thông tin giữa cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên với các tổ chức, cá nhân người nước ngoài.

- Chủ động phối hợp với các lực lượng công an trong việc đảm bảo an toàn các kỳ thi, tuyển sinh. Phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm quy chế thi, tuyển sinh, sử dụng văn bằng, chứng chỉ và giấy tờ bất hợp pháp.

2. Đối với ngành công an:

2.1. Công an các cấp theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, chủ động phối hợp chặt chẽ, tham mưu cho các cơ quan quản lý giáo dục, các trường học và các cơ sở giáo dục trong việc đảm báo an ninh - trật tự. Thường xuyên trao đổi thông tin liên quan đến âm mưu, thủ đoạn hoạt động tác động, lôi kéo cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên gây bất ổn định về an ninh - trật tự của các thế lực thù địch và bọn tội phạm khác để phòng ngừa chung.

2.2. Lực lượng bảo vệ an ninh văn hóa - tư tưởng chủ trì, phối hợp vôi các đơn vị nghiệp vụ liên quan và ngành giáo dục chủ động phát hiện, cảnh báo và đấu tranh ngăn chặn các dấu hiệu hoạt động lợi dụng danh nghĩa hợp tác, viện trợ, cấp học bổng, giảng dạy, hội nghị, hội thảo... của người nước ngoài và các thế lực thù địch nhằm tuyên truyền, kích động học sinh, sinh viên, hình thành tổ chức chính trị đối lập, lập hội, truyền đạo trái phép.v.v..., không để xảy ra phức tạp về an ninh - trật tự trong trường học và các cơ sở giáo dục.

2.3. Lực lượng an ninh các cấp làm công tác bảo vệ nội bộ các cơ quan quản lý giáo dục, trường học và các cơ sở giáo dục:

- Tham mưu cho cấp ủy, Hiệu trưởng các trường và Thủ trưởng các cơ sở giáo dục chủ động phòng ngừa, quản lý tốt các hoạt động của học sinh, sinh viên, tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên về tình hình chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước và chống lại những âm mưu hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch.

- Chủ động xây dựng phương án cụ thể bảo đảm an ninh - trật tự các địa bàn có trường học và cơ sở giáo dục. Phối hợp với các đơn vị thuộc ngành giáo dục rà soát, bổ sung sửa đổi các quy chế về công tác học sinh, sinh viên, thi tuyển sinh,... Xây dựng quy chế phối hợp giải quyết "điểm nóng", chống gây rối, gây bạo loạn; quy chế về an ninh thông tin trong các trường, các sở giáo dục phù hợp với tình hình mới.

- Phối hợp với các đơn vị chức năng phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc rộng khắp trong trường học và các cơ sở giáo dục nhằm tạo thế trận liên hoàn phòng chống tội phạm trong nội bộ và ngoài xã hội. Tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm bảo vệ an ninh - trật tự cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên để chủ động phòng chống tội phạm xâm nhập vào nhà trường và các cơ sở giáo dục.

2.4. Các lực lượng nghiệp vụ thuộc công an các cấp phối hợp nắm tình hình, quản lý chặt chẽ hoạt động của số đối tượng chính trị, hình sự ở các địa bàn trọng điểm, kết hợp giáo dục, phòng ngừa và đấu tranh, không để tác động xấu tới an ninh - trật tự các trường học và các cơ sở giáo dục.

2.5. Công an các quận, huyện, phường, xã đảm bảo an ninh - trật tự khu vực các cơ sở giáo dục đóng và có phương án phối hợp giải quyết kịp thời tình hình phức tạp xảy ra về an ninh - trật tự trong học sinh, sinh viên.

III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

- Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký. Các văn bản liên ngành giáo dục - công an đã ban hành trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

- Căn cứ chức năng nhiệm vụ, các cơ quan quản lý giáo dục, các trường học và các cơ sở giáo dục, công an các cấp, xây dựng kế hoạch phối hợp cụ thể để thực hiện.

- Định kỳ giao ban về an ninh - trật tự, mỗi năm sơ kết, rút kinh nghiệm 1 lần về công tác phối hợp bảo vệ an ninh - trật tự giữa công an với các trường học và các cơ sở giáo dục và xây dựng kế hoạch phối hợp trong năm tiếp theo.

- Quá trình thực hiện Thông tư, nếu có vướng mắc cần báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Vụ Công tác chính trị) và Bộ Công an (qua A11, A25) để hướng dẫn.

Nguyễn Văn Hưởng

(Đã ký)

Trần Văn Nhung

(Đã ký)