Thông tư liên tịch số 2341/2000/TTLT/BKHCNMT-BTC ngày 28/11/2000 giữa Bộ trưởngBộ khoa học công nghệ và Môi trường và Bộ trưởng Bộ Tài chính Hướng dẫn Nghị định 19/1999/NĐ-CP về một số chính sách và cơ chế tài chính khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ
- Số hiệu văn bản: 2341/2000/TTLT/BKHCNMT-BTC
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Cơ quan ban hành: Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Tài chính
- Ngày ban hành: 28-11-2000
- Ngày có hiệu lực: 03-10-1999
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 18-09-2003
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 2: 01-01-2006
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 9182 ngày (25 năm 1 tháng 27 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG-BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Hà Nội , ngày 28 tháng 11 năm 2000 |
THÔNG TƯ LIÊN BỘ
CỦA BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG - BỘ TÀI CHÍNH SỐ 2341/2000/TTLT/BKHCNMT-BTC NGÀY 28 THÁNG 11 NĂM 2000 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 119/1999/NĐ-CPNGÀY 18/9/1999 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH VÀ CƠ CHẾ TÀI CHÍNH KHUYẾN KHÍCH CÁC DOANH NGHIỆPĐẦU TƯ VÀO HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Căn cứ Nghị định số 119/1999/NĐ-CP ngày 18/9/1999 của Chính phủ về một số chính sách và cơ chế tài chính khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ (sau đây gọi tắt là Nghị định số 119/NĐ-CP);
Căn cứ pháp luật về thuế, tài chính, khoa học và công nghệ hiện hành;
Liên Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các chính sách và cơ chế tài chính khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định của Nghị định số 119/1999/NĐ-CP như sau:
I. PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
1.- Phạm vi điều chỉnh:
Các hoạt động khoa học và công nghệ được khuyến khích theo Quyết định này tại Điều 1 Nghị định số 119/1999/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này, bao gồm:
1.1 Hoạt động nghiên cứu - Triển khai do doanh nghiệp tự thực hiện hoặc ký kết hợp đồng với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Hoạt động nghiên cứu - triển khai bao gồm các giai đoạn: Nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, triển khai thực nghiệm.
Ranh giới giữa nghiên cứu - triển khai và sản xuất được xác định như sau:
Giai đoạn cuối của hoạt động nghiên cứu - triển khai là tạo ra công nghệ mới, sản phẩm mới và sản xuất thử ở qui mô nhỏ nhằm hoàn thiện công nghệ mới, sản phẩm mới trước khi đưa vào sản xuất và đời sống. Khi quá trình sản xuất thử hoạt động bình thường thì giai đoạn nghiên cứu - triển khai kết thúc.
1.2. Ứng dụng các kết quả khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ, sản xuất sản phẩm mới:
- Ứng dụng các kết quả của hoạt động nghiên cứu - triển khai vào thực tế;
- Ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ đã có do chuyển giao công nghệ;
- Cải tiến đáng kể công nghệ đã có;
- Sản xuất các sản phẩm mới hoặc các sản phẩm hiện có nhưng đã được cải tiến đáng kể tính năng chất lượng sản phẩm.
1.3. Dịch vụ khoa học và công nghệ: Là những hoạt động gắn liền với hoạt động nghiên cứu - triển khai, hoặc đóng góp vào việc tạo ra, truyền bá, áp dụng, kiến thức khoa học công nghệ. Dịch vụ khoa học công nghệ bao gồm:
a) Các dịch vụ đòi hỏi kỹ thuật cao như: Phục hồi, sửa chữa, hiệu chỉnh máy móc, thiết bị, dụng cụ thử nghiệm, phương tiện đo kiểm, thiết bị khoa học kỹ thuật có bộ phận điều khiển tự động, kiểm định, thử nghiệm, kiểm tra chất lượng, kiểm chuẩn các vật liệu, sản phẩm;
b) Xử lý số liệu, tính toán, phân tích phục vụ trực tiếp nghiên cứu - triển khai;
c) Lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và khả thi, báo cáo đánh giá tác động môi trường;
d) Các hoạt động liên quan tới bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và chuyển giao công nghệ, áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất gồm:
- Các hoạt động bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích;
- Dịch vụ hỗ trợ chuyển giao công nghệ, áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất (Lựa chọn công nghệ, hướng dẫn lắp đặt thiết bị, vận hành thử các dây chuyền thiết bị nhằm áp dụng các công nghệ được chuyển giao, kiểm tra và bảo trì máy móc, hướng dẫn các qui trình công nghệ chuyển giao, đào tạo, huấn luyện nâng cao trình độ chuyên môn và quản lý nắm vững công nghệ được chuyển giao);
đ) Các dịch vụ về thông tin, tư vấn khoa học và công nghệ, tư vấn quản lý công nghệ, tư vấn quản lý kinh doanh, bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ nhằm nâng cao kiến thức khoa học, công nghệ và quản lý.
2. Đối tượng áp dụng bao gồm:
2.1. Các doanh nghiệp hoạt động theo Luật khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) gồm:
a) Công ty trách nhiệm hữu hạn;
b) Công ty cổ phần;
c) Công ty hợp doanh;
d) Doanh nghiệp tư nhân;
đ) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (gọi tắt là hợp tác xã);
e) Doanh nghiệp Nhà nước;
g) Doanh nghiệp của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, các hội nghề nghiệp có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;
h) Doanh nghiệp do người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư trực tiếp tại Việt Nam;
i) Doanh nghiệp do người nước ngoài cư trú lâu dài ở Việt Nam đầu tư trực tiếp tại Việt Nam;
k) Doanh nghiệp do công dân Việt Nam cùng thành lập với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, với người nước ngoài cư trú lâu dài tại Việt Nam.
2.2. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, bao gồm:
a) Doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài;
b) Doanh nghiệp liên doanh;
c) Bên nước ngoài tham gia hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng hợp tác kinh doanh theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
3. Điều kiện được hưởng ưu đãi:
Các đối tượng nêu tại điểm 2, Mục I tại Thông tư này được hưởng ưu đãi theo quy định của Nghị định số 119/1999/NĐ-CP khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Doanh nghiệp có hoạt động khoa học và công nghệ được khuyến khích nêu tại Điểm 1, Mục I tại Thông tư này;
b) Đã đăng ký nộp thuế;
c) Hoạt động đúng ngành nghề đã đăng ký kinh doanh;
d) Thực hiện chế độ hạch toán kế toán theo quy định.
II. HƯỚNG DẪN ƯU ĐÃI VỀ THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP
1. Về thuế suất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp:
1.1 Doanh nghiệp hoạt động theo Luật khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) có các hoạt động ứng dụng công nghệ cao, dịch vụ khoa học và công nghệ được áp dụng thuế suất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp nêu tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 119/1999/NĐ-CP.
Hồ sơ đề nghị hưởng thuế suất ưu đãi gồm có:
a) Đơn đề nghị được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp có đầy đủ chữ ký của người đại diện hợp pháp và con dấu của doanh nghiệp;
b) Quyết định thành lập (nếu có) và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bản sao có công chứng hoặc bản sao có ký tên, đóng dấu của doanh nghiệp);
c) Tờ khai đăng ký thuế;
d) Ý kiến của cơ quan quản lý khoa học và công nghệ;
Tài liệu gửi xin ý kiến cơ quan quản lý khoa học và công nghệ gồm có:
- Đối với từng loại doanh nghiệp có các hoạt động ứng dụng công nghệ cao (áp dụng công nghệ sản xuất linh kiện, bộ phận kỹ thuật cao, hoặc dây chuyền công nghệ tiên tiến theo quy định tại điểm 3, mục I, Thông tư số 2345/TT-BKHCNMT ngày 04/12/1998 "Hướng dẫn xác định và công nhận doanh nghiệp công nghiệp kỹ thuật cao hoạt động theo Luật đầu tư nước ngoài"):
+ Doanh nghiệp nhà nước: Báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc báo cáo đầu tư, thiết kế kĩ thuật được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, quyết toán công trình hoặc biên bản bàn giao đưa công trình vào hoạt động (nếu chưa có quyết toán);
+ Công ty TNHH, Công ty cổ phần, công ty hợp doanh: báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc báo cáo đầu tư, thiết kế kỹ thuật được hội đồng thành viên hay chủ sở hữu phê duyệt và quyết toán công trình hoặc biên bản bàn giao đưa công trình vào hoạt động (nếu chưa có quyết toán);
+ Doanh nghiệp tư nhân: Thiết kế kĩ thuật, hợp đồng và bản quyết toán hợp đồng đầu tư xây dựng, lắp đặt trang thiết bị. Trường hợp doanh nghiệp tự xây dựng phải xuất trình hoá đơn, chứng từ mua vật tư máy móc thiết bị và thực tế máy móc thiết bị đã được lắp đặt sử dụng theo thiết kế kỹ thuật.
+ Hợp tác xã: Báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc báo cáo đầu tư, thiết kế kĩ thuật được Ban quản trị phê duyệt và quyết toán công trình hoặc biên bản bàn giao đưa công trình vào hoạt động (nếu chưa có quyết toán);
- Đối với doanh nghiệp thực hiện dịch vụ khoa học và công nghệ, tài liệu bao gồm:
+ Hợp đồng dịch vụ khoa học và công nghệ;
+ Bản quyết toán hợp đồng.
1.2 Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có dự án đầu tư vào các lĩnh vực ứng dụng và phát triển công nghệ cao, dịch vụ khoa học công nghệ được hưởng các mức ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 119/1999/NĐ-CP. Mức ưu đãi được ghi cụ thể trong Giấy phép đầu tư.
Đối với các doanh nghiệp được cấp Giấy phép đầu tư trước ngày Nghị định số 119/1999/NĐ-CP có hiệu lực thi hành mà chưa được cơ quan cấp Giấy phép đầu tư điều chỉnh Giấy phép đầu tư thì vẫn thực hiện theo quy định tại Giấy phép đầu tư.
Trường hợp Giấy phép đầu tư không quy định mức ưu đãi mà doanh nghiệp muốn được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 119/1999/NĐ-CP thì phải gửi hồ sơ đến cơ quan thuế trực tiếp quản lý.
Hồ sơ đề nghị hưởng thuế suất ưu đãi gồm có:
a) Đơn đề nghị được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp có đầy đủ chữ ký của người đại diện hợp pháp và con dấu của doanh nghiệp;
b) Giấy phép đầu tư (bản sao có công chứng hoặc bản sao có ký tên, đóng dấu của doanh nghiệp);
c) Tờ khai đăng ký thuế;
d) Ý kiến của cơ quan quản lý khoa học và công nghệ;
Tài liệu gửi xin ý kiến cơ quan quản lý khoa học và công nghệ gồm có:
- Đối với doanh nghiệp có dự án ứng dụng và phát triển công nghệ cao (áp dụng công nghệ sản xuất linh kiện, bộ phận kĩ thuật cao, hoặc dây chuyền công nghệ tiên tiến theo quy định tại điểm 3, Mục I, Thông tư số 2345/TT-BKHCNMT ngày 04/12/1998 "Hướng dẫn xác định và công nhận doanh nghiệp công nghiệp kĩ thuật cao hoạt động theo Luật đầu tư nước ngoài"): Báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc báo cáo đầu tư, thiết kế kĩ thuật được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, quyết toán công trình hoặc biên bản bàn giao đưa công trình vào hoạt động (nếu chưa có quyết toán);
- Đối với doanh nghiệp thực hiện dịch vụ khoa học và công nghệ: Hợp đồng dịch vụ khoa học và công nghệ, bản quyết toán hợp đồng.
2. Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 119/1999/NĐ-CP:
2.1 Các hoạt động được miến thuế thu nhập doanh nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 4:
- Thu nhập từ việc thực hiện các hợp đồng nghiên cứu - triển khai.
- Thu nhập từ việc thực hiện các hợp đồng dịch vụ kĩ thuật trực tiếp phục vụ nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp bao gồm:
+ Cung cấp giống cây trồng mới (trước giai đoạn được cho phép sản xuất đại trà), vật nuôi được tạo ra trong nước hoặc do nhập khẩu (trước khi được công nhận là giống tiến bộ kỹ thuật), cung cấp giống nhằm mục đích khảo nhiệm hoặc khu vực hoá;
+ Dịch vụ bảo vệ thực vật (cây nông nghiệp, cây lâm nghiệp, cây dược liệu...);
+ Dịch vụ phòng chống bệnh vật nuôi (dịch vụ thú y, phòng chống bệnh cho gia súc, gia cầm, thuỷ sản nuôi trồng);
+ Hướng dẫn phổ biến kỹ thuật về: Canh tác, thâm canh cây trồng, qui trình chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản, bảo quản chế biến các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản;
+ Hoạt động tư vấn về khảo sát, quy hoạch, kiểm tra chất lượng các công trình thuỷ nông trực tiếp phục vụ nông nghiệp;
+ Hoạt động đo đạc bản đồ phục vụ quy hoạch nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản;
+ Hoạt động phân tích nông hoá, thổ nhưỡng, chất lượng sản phẩm phục vụ trực tiếp người sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản;
+ Các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư khác.
- Thu nhập từ việc đóng góp bằng quyền sở hữu trí tuệ, bí quyết kỹ thuật, qui trình công nghệ.
Hồ sơ đề nghị miễn thuế thu nhập doanh nghiệp gồm có:
a) Đơn đề nghị miễn thuế thu nhập doanh nghiệp có đầy đủ chữ ký của người đại diện hợp pháp và con dấu của doanh nghiệp;
b) Quyết định thành lập (nếu có) và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bản sao có công chứng hoặc bản sao có ký tên, đóng dấu của doanh nghiệp) hoặc giấy phép đầu tư;
c) Tờ khai đăng ký thuế;
d) Ý kiến của cơ quan quản lý khoa học và công nghệ;
Tài liệu gửi xin ý kiến của cơ quan quản lý khoa học và công nghệ gồm:
Hợp đồng, bản quyết toán hợp đồng nghiên cứu - Triển khai, hợp đồng dịch vụ kỹ thuật phục vụ trực tiếp nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, hoặc biên bản góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ, bí quyết kỹ thuật, quy trình công nghệ cùng tài liệu chứng minh quyền sở hữu.
2.2 Miễn thuế thu nhập bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 4
Các doanh nghiệp thuộc diện ưu đãi theo quy định tại Nghị định số 119/NĐ-CP không phải nộp thuế thu nhập bổ sung thu nhập cao do lợi thế khách quan mang lại từ các hoạt động khoa học và công nghệ, áp dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 10 của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
2.3 Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp quy định tại khoản 3 Điều 4
Hồ sơ đề nghị miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm:
a) Đơn đề nghị được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp có đầy đủ chữ ký của người đại diện hợp pháp và con dấu của doanh nghiệp;
b) Quyết định thành lập (nếu có) và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bản sao có công chứng hoặc bản sao có ký tên, đóng dấu của doanh nghiệp);
c) Tờ khai đăng ký thuế;
d) Ý kiến của cơ quan quản lý khoa học công nghệ;
Tài liệu gửi xin ý kiến của cơ quan quản lý khoa học và công nghệ của từng loại doanh nghiệp theo quy định tại Điểm 1.1-d, Mục II tại Thông tư này.
e) Báo cáo quyết toán tài chính và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của cơ sở kinh doanh của năm trước năm đầu tư và năm sau đầu tư xin miễn giảm thuế. Doanh nghiệp căn cứ vào mức độ miễn giảm thuế phải tự tính toán và hạch toán riêng phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mới mang lại, số thuế được miễn giảm và số thuế phải nộp từng kỳ cũng như cả năm, thực hiện quyết toán thuế với cơ quan thuế theo quy định. Trường hợp doanh nghiệp không hạch toán riêng được thu nhập chịu thuế tăng thêm do đầu tư vào hoạt động dịch vụ khoa học công nghệ, xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng qui mô, đổi mới công nghệ thì thu nhập chịu thuế tăng thêm được xác định căn cứ theo tỷ lệ giữa giá trị đầu tư tăng thêm trên tổng giá trị tài sản cố định hiện có của doanh nghiệp.
Hàng năm khi quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, cơ quan thuế xác định chính thức số thuế thu nhập doanh nghiệp được miễn giảm.
2.4 Miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam theo quy định tại Khoản 4 Điều 4:
Hồ sơ đề nghị miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp gồm có:
a) Đơn xin đề nghị được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp có đầy đủ chữ ký của người đại diện hợp pháp và con dấu của doanh nghiệp;
b) Giấy phép đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nếu có (bản sao có công chứng hoặc bản sao có ký tên đóng dấu của doanh nghiệp);
c) Tờ khai đăng ký thuế;
d) Ý kiến của cơ quan quản lý khoa học và công nghệ;
Tài liệu gửi xin ý kiến của cơ quan quản lý khoa học và công nghệ gồm:
Báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc báo cáo đầu tư, thiết kế kĩ thuật được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, quyết toán công trình hoặc biên bản bàn giao đưa công trình vào hoạt động (nếu chưa có quyết toán);
Trường hợp doanh nghiệp sử dụng thu nhập được chia để tái đầu tư thì điều kiện, tỷ lệ và công thức tính hoàn thuế đối với thuế thu nhập đã nộp được thực hiện theo hướng dẫn tại Phần thứ hai mục I điểm 6 Thông tư số 89/1999/TT-BTC ngày 16/7/1999 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện về thuế đối với các hình thức đầu tư theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
2.5 Trình tự và thời hạn xem xét miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp:
a) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ xin ý kiến cơ quan quản lý khoa học và công nghệ, cơ quan quản lý khoa học và công nghệ phải có ý kiến trả lời doanh nghiệp.
b) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp gửi đến, cơ quan thuế trực tiếp quản lý phải thông báo cho doanh nghiệp mức ưu đãi về thuế theo quy định tại Nghị định số 119/1999/NĐ-CP Trường hợp kiểm tra hồ sơ của doanh nghiệp không hợp lệ hoặc không đúng đối tượng quy định của Nghị định số 119/1999/NĐ-CP hướng dẫn tại Mục I Thông tư này, thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan thuế phải thông báo cho doanh nghiệp biết.
III. HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MIỄN, GIẢM TIỀN SỬ DỤNG ĐẤT, TIỀN THUẾ ĐẤT, THUẾ SỬ DỤNG ĐẤT
1. Các doanh nghiệp hoạt động theo Luật khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) có đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ nêu tại Điểm 1, Mục I tại Thông tư này được hưởng ưu đãi về sử dụng đất đối với đất được giao, hoặc đất thuê để xây dựng cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ, phòng thí nghiệm, trạm trại, xưởng thực nghiệm theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 119/1999/NĐ-CP.
Thuế sử dụng đất nêu tại Khoản 1-c Điều 5 Nghị định số 119/1999/NĐ-CP bao gồm: Thuế sử dụng đất nông nghiệp quy định tại Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp được Quốc hội thông qua ngày 10/7/1993 và thuế nhà, đất quy định tại Pháp lệnh về thuế nhà, đất được Hội đồng Nhà nước (nay là Uỷ ban Thường vụ Quốc hội) ban hành ngày 31/7/1992 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Hồ sơ đề nghị miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất , thuế sử dụng đất gồm có:
a) Công văn đề nghị của doanh nghiệp;
b) Quyết định thành lập (nếu có) và giấy đăng ký kinh doanh (bản sao có công chứng hoặc bản sao có ký tên, đóng dấu của doanh nghiệp);
c) Tờ khai đăng ký thuế;
d) Quyết định giao đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc hợp đồng thuê đất;
e) Ý kiến của cơ quan quản lý khoa học và công nghệ;
Tài liệu gửi xin ý kiến của cơ quan quản lý khoa học và công nghệ của từng loại doanh nghiệp theo quy định tại điểm 1.1 - d, Mục II tại Thông tư này.
2. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng hợp tác kinh doanh theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được hưởng ưu đãi về tiền thuê đất đối với phần diện tích đất thuê để xây dựng phòng thí nghiệm, xưởng chế thử hoặc để thực hiện nghiên cứu - triển khai, thực nghiệm theo quy định của pháp luật hiện hành.
Hồ sơ đề nghị được hưởng ưu đãi về tiền thuê đất gồm có:
a) Đơn đề nghị được hưởng ưu đãi về tiền thuê đất theo quy định tại văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về tiền thuê đất áp dụng đối với đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có đầy đủ chữ ký của người đại diện hợp pháp và con dấu của doanh nghiệp;
b) Giấy phép đầu tư (bản sao có công chứng hoặc bản sao có ký tên, đóng dấu của doanh nghiệp);
c) Tờ khai đăng ký thuế;
d) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuê (bản sao có công chứng hoặc bản sao có ký tên, đóng dấu của doanh nghiệp);
e) Ý kiến của cơ quan quản lý khoa học và công nghệ;
Tài liệu gửi xin ý kiến của cơ quan quản lý khoa học và công nghệ gồm:
Báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc báo cáo đầu tư, thiết kế kỹ thuật được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, quyết toán công trình hoặc biên bản bàn giao đưa công trình vào hoạt động (nếu chưa có quyết toán);
3. Trình tự và thời hạn xem xét miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất:
Cơ quan quản lý khoa học và công nghệ có trách nhiệm trả lời ý kiến trong thời hạn theo định tại điểm 2.5-a, Mục II tại Thông tư này.
Cơ quan thuế trực tiếp quản lý sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất, sau khi nhận được hồ sơ hợp lệ đề nghị miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất, trong thời hạn 30 ngày phải ra quyết định miễn, giảm, thời hạn miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất.
Đối với trường hợp miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, trong vòng 10 ngày nếu xét đủ điều kiện cơ quan thuế trực tiếp phải gửi hồ sơ cùng công văn đề nghị Cục thuế xem xét. Trong thời hạn 20 ngày, Cục thuế phải trình UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra quyết định miễn, giảm thuế sử dụng đất cho từng trường hợp cụ thể.
Trường hợp hồ sơ đề nghị miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất không hợp lệ hoặc không đủ điều kiện, trong thời hạn chậm nhất 15 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ cơ quan thuế phải thông báo cho doanh nghiệp biết.
IV. HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MIỄN THUẾ NHẬP KHẨU:
Các đối tượng nêu tại Điểm 2, Mục I tại Thông tư này có hàng hoá nhập khẩu là máy móc, thiết bị, cụm chi tiết, nguyên vật liệu, thiết bị khoa học kỹ thuật có bộ phận điều khiển tự động, mẫu thí nghiệm, dụng cụ đo lường và thí nghiệm phục vụ trực tiếp cho các dự án, hợp đồng nghiên cứu - triển khai mà trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và số lượng được miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 119/1999/NĐ-CP.
Hồ sơ đề nghị miễn thuế nhập khẩu gồm có:
a) Công văn của doanh nghiệp đề nghị miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, thiết bị khoa học kỹ thuật có bộ phận điều khiển tự động, mẫu thí nghiệm, dụng cụ đo lường và thí nghiệm phục vụ trực tiếp cho các dự án, hợp đồng nghiên cứu - triển khai trong đó nêu rõ số lượng, trị giá và cam kết sử dụng đúng mục đích;
b) Giấy phép đầu tư hoặc đăng ký kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp;
c) Ý kiến của cơ quan quản lý khoa học và công nghệ về đề tài, hợp đồng, dự án nghiên cứu - triển khai, trong đó ghi rõ đối tượng được miễn thuế nhập khẩu là máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, thiết bị khoa học kỹ thuật có bộ phận điều khiển tự động, mẫu thí nghiệm, dụng cụ đo lường và thí nghiệm... phục vụ trực tiếp cho các đề tài, dự án, hợp đồng nghiên cứu - triển khai và hồ sơ đề tài, dự án, hợp đồng nghiên cứu triển khai kèm theo.
d) Kế hoạch nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu... phục vụ trực tiếp cho đề tài, hợp đồng, dự án nghiên cứu - triển khai của doanh nghiệp.
e) Hợp đồng uỷ thác nhập khẩu (nếu là hàng nhập khẩu uỷ thác).
Căn cứ vào hồ sơ trên, đối chiếu với danh mục nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị trong nước đã sản xuất được theo quy định hiện hành, Cục Hải quan nơi doanh nghiệp đăng ký làm thủ tục nhập khẩu hàng hoá sẽ theo dõi, làm thủ tục miễn thuế nhập khẩu cho từng chuyến hàng cụ thể. Định kỳ hàng quí, các Cục Hải quan phải tập hợp báo cáo tổng kim ngạch hàng hoá nhập khẩu và số lượng các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu được miễn thuế gửi về Tổng cục Hải quản, Bộ Tài chính và Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
V. HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN ƯU ĐÃI VỀ TÍN DỤNG
Doanh nghiệp hoạt động theo Luật khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) có các hoạt động quy định tại Điểm 1, Mục I Thông tư này được vay vốn trung hạn và dài hạn với lãi suất ưu đãi. Mức vốn vay được đáp ứng đến 70% số vốn đầu tư tại Quỹ hỗ trợ phát triển, Quỹ hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ.
Trong trường hợp doanh nghiệp được Quỹ hỗ trợ phát triển bảo lãnh vay vốn trung hạn và dài hạn tại Ngân hàng đầu tư và phát triển, doanh nghiệp sẽ được Quỹ hỗ trợ phát triển hỗ trợ lãi suất sau đầu tư.
Đối với doanh nghiệp vay vốn ngân hàng để sản xuất sản phẩm khoa học nhằm xuất khẩu (phần mềm máy tính, công nghệ...) được hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng từ Quỹ hỗ trợ xuất khẩu.
Thủ tục, trình tự để được bảo lãnh vay vốn, được vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng, được thực hiện theo quy định của Điều lệ của Quỹ hỗ trợ phát triển, Quỹ hỗ trợ xuất khẩu, Quỹ hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ và pháp luật về hoạt động của các tổ chức tín dụng hiện hành.
VI. HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CÁC CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH KHÁC:
1. Hướng dẫn ưu đãi sử dụng công nghệ là kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ do ngân sách Nhà nước đầu tư kinh phí quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 119/NĐ-CP:
Doanh nghiệp sử dụng công nghệ là kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ do ngân sách Nhà nước đầu tư kinh phí (trừ các công nghệ thuộc bí mật về an ninh quốc phòng và các đối tượng sở hữu công nghiệp khác đang được bảo hộ) chỉ phải trả thù lao cho tác giả đã nghiên cứu ra công nghệ đó. Mức tiền trả thù lao cho tác giả bằng 30% giá chuyển giao công nghệ theo quy định tại khoản 3, 4 Điều 23 Nghị định 45/1998/NĐ-CP ngày 1/7/1998 của Chính phủ "Quy định chi tiết về chuyển giao công nghệ" và Thông tư 1245/1999/TT-BKHCNMT ngày 12/7/1999 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường "Về hướng dẫn thực hiện Nghị định số 45/1998/NĐ-CP ngày 1/7/1998 của Chính phủ quy định chi tiết về chuyển giao công nghệ".
Tác giả công nghệ, mà công nghệ là kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học do ngân sách đầu tư kinh phí được hiểu tại Thông tư này là cá nhân chủ nhiệm đề tài và tập thể tham gia trực tiếp nghiên cứu khoa học có tên trong danh sách những người phối hợp thực hiện chính ghi trong giấy "Chứng nhận đăng ký kết quả đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ" do Bộ Khoa học, Công nghệ và và Môi trường cấp.
2. Hướng dẫn việc hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp thực hiện đề tài nghiên cứu tạo ra công nghệ mới thuộc ngành nghề, lĩnh vực Nhà nước ưu tiên theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 119/NĐ-CP:
2.1. Đối tượng hỗ trợ:
Ngoài các đề tài nghiên cứu khoa học mà doanh nghiệp tham gia tuyển chọn theo quy chế chung, các nhiệm vụ do Nhà nước đặt hàng, nếu doanh nghiệp có đề tài nghiên cứu khoa học tạo ra công nghệ mới thuộc những ngành nghề Nhà nước ưu tiên khuyến khích (Phụ lục 5) do doanh nghiệp thực hiện, hoặc phối hợp với các cơ quan khoa học thực hiện thì sẽ được Nhà nước hỗ trợ kinh phí tối đa không quá 30% tổng kinh phí thực hiện đề tài.
2.2. Tổ chức xét chọn:
Hàng năm Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thông báo trên phương tiện truyền thông đại chúng danh mục các lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ thuộc những ngành nghề Nhà nước ưu tiên khuyến khích doanh nghiệp thực hiện hoặc phối hợp với các cơ quan khoa học thực hiện và thời hạn nộp đơn đề nghị Nhà nước hỗ trợ kinh phí nghiên cứu khoa học.
Các doanh nghiệp căn cứ vào nhiệm vụ nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất kinh doanh của mình và doanh nghiệp các lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ mà Nhà nước khuyến khích để làm hồ sơ đề nghị Nhà nước hỗ trợ kinh phí.
Hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí gồm có:
a) Đơn đề nghị Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường xem xét hỗ trợ kinh phí nghiên cứu khoa học theo mẫu (Phụ lục 1).
b) Đề cương nghiên cứu khoa học theo mẫu thống nhất do Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ban hành (Phụ lục 2).
Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Bộ, Ngành thành lập các Hội đồng thẩm định chuyên ngành xem xét về tính khoa học, tính khả thi và thẩm định dự toán tổng kinh phí thực hiện đề tài làm căn cứ cho việc xem xét hỗ trợ, mức hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, nhưng số kinh phí hỗ trợ không quá 30% tổng kinh phí chi cho việc thực hiện đề tài nghiên cứu của doanh nghiệp.
Căn cứ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học hàng năm dành cho việc hỗ trợ các đề tài nghiên cứu khoa học của các doanh nghiệp và kết quả của các Hội đồng thẩm định chuyên ngành, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường quyết định danh mục các đề tài nghiên cứu khoa học của các doanh nghiệp được hỗ trợ, mức hỗ trợ của từng đề tài nghiên cứu khoa học.
Những đề tài nghiên cứu khoa học của doanh nghiệp đề nghị Nhà nước hỗ trợ kinh phí nếu trùng lặp với đề tài nghiên cứu khoa học các cấp có sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước đang thực hiện hoặc đã thành công, thì Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường không xem xét hỗ trợ kinh phí. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường có trách nhiệm thông báo với doanh nghiệp biết về việc trùng lặp này.
2.3. Nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan quản lý và doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí nghiên cứu khoa học:
Sau khi có thông báo về đề tài nghiên cứu khoa học được Nhà nước quyết định hỗ trợ kinh phí, doanh nghiệp phải mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước nơi đóng trụ sở chính theo quy định của Giám đốc Kho bạc nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và thông báo số tài khoản Kho bạc cho Bộ Tài chính biết để cấp kinh phí hỗ trợ.
Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí phải kí hợp đồng thực hiện theo mẫu quy định để triển khai thực hiện.
Doanh nghiệp phải thực hiện chế độ chi tiêu đối với kinh phí sự nghiệp khoa học theo đúng quy định hiện hành về tài chính cho khoa học và công nghệ. Kinh phí hỗ trợ này không phải chịu thuế.
Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra việc sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng mục đích và hiệu quả. Trong trường hợp phát hiện doanh nghiệp sử dụng kinh phí sai mục đích, cơ quan cấp kinh phí có quyền dừng cấp hoặc thu hồi kinh phí đã cấp.
Hàng năm doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí phải làm báo cáo định kì theo mẫu quy định (Phụ lục 3) gửi Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Bộ Tài chính. Trên cơ sở báo cáo, cơ quan hỗ trợ kinh phí mới quyết định cấp tiếp kinh phí theo kế hoạch được duyệt.
Khi kết thúc đề tài nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học phải có tổ chức nghiệm thu đánh giá kết quả khoa học và công nghệ đạt được và tình hình sử dụng kinh phí được hỗ trợ từ ngân sách. Sau thời hạn 15 ngày kể từ khi Hội đồng nghiệm thu kết thúc, doanh nghiệp phải gửi báo cáo kết quả đạt được của đề tài nghiên cứu khoa học theo mẫu quy định (Phụ lục 4), kèm theo biên bản của Hội đồng nghiệm thu gửi Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và doanh nghiệp sẽ tổ chức nghiệm thu và thanh lý hợp đồng.
Doanh nghiệp có quyền yêu cầu các cơ quan liên quan đến việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách bảo vệ thông tin thuộc đề tài nghiên cứu khoa học mà doanh nghiệp thực hiện vì lợi ích của doanh nghiệp.
3. Hướng dẫn sử dụng thu nhập tăng thêm sau thuế do áp dụng công nghệ mới theo quy định tại khoản 3 Điều 8:
Doanh nghiệp hoạt động theo Luật doanh nghiệp nhà nước được trích 50% thu nhập tăng thêm sau thuế do áp dụng công nghệ mới để đầu tư lại cho hoạt động khoa học và công nghệ và thưởng cho cá nhân, tập thể trong và ngoài doanh nghiệp có công trong việc nghiên cứu, tạo ra và tổ chức áp dụng công nghệ mới đó.
Đầu tư lại cho hoạt động khoa học công nghệ gồm những hoạt động như sau: xây dựng cơ sở vật chất phục vụ hoạt động nghiên cứu - triển khai và cơ sở dịch vụ khoa học và công nghệ, mua sắm trang thiết bị khoa học, tài liệu khoa học và công nghệ, tiến hành nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm nắm vững kiến thức khoa học và công nghệ...
Việc trích thưởng được thực hiện hàng năm kể từ khi có thu nhập tăng thêm do áp dụng công nghệ mới mang lại. Thời hạn trích tối đa không quá 3 năm kể từ khi có thu nhập tăng thêm. Trường hợp có một năm nào đó không có lợi nhuận tăng thêm thì không được trích thưởng.
VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Xác định địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn:
Việc xác định địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được quy định tại danh mục B, C Nghị định 51/1999/NĐ-CP của Chính phủ ngày 8/7/1999.
2. Đối với đối tượng được hưởng ưu đãi theo Nghị định số 119/1999/NĐ-CP:
- Sau khi được hưởng các mức ưu đãi, nếu thay đổi chủ đầu tư của các dự án đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ thì chủ đầu tư mới vẫn tiếp tục được hưởng các mức ưu đãi cho khoảng thời gian còn lại và có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của chủ đầu tư cũ để được hưởng các mức ưu đãi.
- Trường hợp đã được hưởng các mức ưu đãi theo những điều kiện đã đăng ký về hoạt động khoa học công nghệ của doanh nghiệp, nhưng trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp có sự thay đổi về những điều kiện đã đăng ký dẫn đến thay đổi các mức ưu đãi theo Nghị định số 119/1999/NĐ-CP thì chậm nhất trong thời hạn 05 ngày, doanh nghiệp phải khai báo với cơ quan có thẩm quyền đề điều chỉnh các mức ưu đãi cho phù hợp.
- Doanh nghiệp có hành vi gian dối để được hưởng các mức ưu đãi theo Nghị định 119/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này, hoặc khi thay đổi điều kiện đầu tư vào hoạt động khoa học công nghệ cố ý không khai báo để vẫn được hưởng các mức ưu đãi, thì ngoài việc hoàn trả các khoản đã được ưu đãi, tuỳ theo mức độ vi phạm mà doanh nghiệp phải bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp doanh nghiệp được hưởng chế độ ưu đãi khác nhau quy định tại các văn bản pháp luật khác nhau có quyền lựa chọn cho mình một mức ưu đãi phù hợp.
3. Đối với cơ quan thuế, cơ quan tài chình và cơ quan quản lý khoa học và công nghệ:
- Các cơ quan thuế, cơ quan tài chính và cơ quan quản lý khoa học và công nghệ có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ và kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi lợi dụng để được hưởng các mức ưu đãi quy định tại Nghị định 119/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này.
- Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường có ý kiến bằng văn bản về các hợp đồng, dự án, đề tài nghiên cứu - triển khai từ 100 triệu đồng trở lên, các hợp đồng dịch vụ khoa học và công nghệ, hợp đồng dịch vụ kĩ thuật trực tiếp phục vụ nông nghiệp từ 200 triệu đồng trở lên, các trường hợp góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ, bí quyết kĩ thuật, quy trình công nghệ, các dự án đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ thuộc nhóm A.
- Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ý kiến đối với các hoạt động khoa học công nghệ còn lại, nơi doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ.
- Cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái nội dung quy định tại Nghị định 119/1999/NĐ-CP và hướng dẫn của Thông tư này gây thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước thì tuỳ theo mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
4. Thông tư này có hiệu lực từ ngày Nghị định số 119/1999/NĐ-CP ngày 18/9/1999 của Chính phủ có hiệu lực thi hành.
Những quy định trước đây trái với Thông tư này đều bị bãi bỏ.
Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đè gì vướng mắc, đề nghị các doanh nghiệp, các ngành, các địa phương phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường để nghiên cứu hướng dẫn bổ sung.
Bùi Mạnh Hải (Đã ký) | Trần Văn Tá (Đã ký) |
PHỤ LỤC 1
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
ĐƠN ĐỀ NGHỊ HỖ TRỢ KINH PHÍ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Kính gửi: Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường
1. Tên doanh nghiệp:
2. Địa chỉ trụ sở chính:
3. Điện thoại .................................. Fax............................
4. Cơ quan quyết định thành lập (nếu có):
- Doanh nghiệp khác:
6. Họ tên chủ nhiệm đề tài nghiên cứu:
Chức danh khoa học:
Cơ quan công tác:
7. Tên đề tài nghiên cứu khoa học:
8. Tổng kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học:
9. Kinh phí đề nghị Nhà nước hỗ trợ:
10. Kiến nghị của doanh nghiệp về bảo mật thông tin:
- Thuộc loại bình thường:
- Thuộc loại không phổ biến:
11. Phần cam đoan: Chúng tôi cam đoan các hồ sơ gửi đến Quí Bộ là đúng sự thật. Nếu được Nhà nước hỗ trợ kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu của doanh nghiệp, chúng tôi xin đảm bảo thực hiện đầy đủ các nội dụng theo đề cương nghiên cứu được duyệt.
......., ngày tháng năm
Giám đốc doanh nghiệp
(Đóng dấu và kí tên)
PHỤ LỤC 2
THUYẾT MINH ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
1 | Tên đề tài |
2 | Thời gian thực hiện từ tháng..... năm đến tháng.....năm |
3 | Tên doanh nghiệp chủ trì đề tài: Địa chỉ trụ sở chính: Điện thoại: Fax: |
4 | Số đăng ký kinh doanh: ngày cấp: |
5 | Cơ quan cấp đăng ký kinh doanh: Địa chỉ: Điện thoại: Fax: |
6 | Nội dung kinh doanh |
| Loại hình doanh nghiệp: - Doanh nghiệp Nhà nước: - Doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài: - Doanh nghiệp khác: |
5 | Họ tên chủ nhiệm đề tài: Chức danh khoa học: Cơ quan công tác: Điện thoại: Fax: |
6 | Cơ quan chủ quản doanh nghiệp (nếu có) Địa chỉ: Điện thoại: Fax: |
| Hình thức nghiên cứu: - Tự nghiên cứu: - Phối hợp nghiên cứu: - Đặt hàng cho cơ quan khác nghiên cứu: |
8 | Cơ quan phối hợp nghiên cứu hoặc cơ quan thực hiện nghiên cứu trên cơ sở đặt hàng: Địa chỉ: Điện thoại: Fax: |
* Các trang sau giống mẫu thuyết minh đề cương do Bộ KHCN&MT ban hành.
PHỤ LỤC 3
BÁO CÁO ĐỊNH KÌ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Nơi nhận báo cáo: Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, 39 - Trần Hưng Đạo, Hà Nội; Bộ Tài chính, 8 Phan Huy Chú, Hà Nội.
1. Tên đề tài:
2. Tên doanh nghiệp chủ trì đề tài:
3: Địa chỉ:
4. Điện thoại: Fax:
5. Nội dung chính đã thực hiện từ ngày tháng năm đến nay
6. Kết quả khoa học công nghệ:
7. Tổng kinh phí:
Trong đó:
- Kinh phí của doanh nghiệp:
- Kinh phí hỗ trợ từ ngân sách:
8. Kinh phí nhận được từ ngân sách tính đến thời điểm báo cáo:
9. Tổng kinh phí đã sử dụng:
Trong đó:
- Kinh phí của doanh nghiệp:
- Kinh phí hỗ trợ từ ngân sách:
10. Báo cáo chi tiết việc sử dụng kinh phí từ ngân sách:
STT | Nội dung chi | Kinh phí sử dụng (tr đ) | Ghi chú |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
11. Tự đánh giá:
- Về kết quả đạt được:
- Thuận lợi:
- Khó khăn:
12. Dự kiến công việc cần triển khai trong thời gian tới:
13. Kiến nghị:
Chủ nhiệm đề tài (Ký tên) | ....., ngày tháng năm |
PHỤ LỤC 4
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
1. Tên doanh nghiệp chủ trì đề tài:
2. Địa chỉ trụ sở chính:
3. Điện thoại: Fax:
- Đạt mục tiêu theo thuyết minh đề tài:
- Không đạt mục tiêu theo thuyết minh đề tài:
- Có triển vọng nhưng phải hoàn thiện thêm:
Vấn đề phải hoàn thiện:
Lí do:
6. Kết quả cụ thể:
STT | Tên sản phẩm KHCN | Chỉ tiêu cần đạt | Chỉ tiêu đạt được | Ghi chú |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
7. Tình hình sử dụng kinh phí:
Tổng kinh phí đã sử dụng:
Trong đó kinh phí do Nhà nước cấp:
8. Báo cáo chi tiết việc sử dụng kinh phí từ ngân sách Nhà nước:
STT | Nội dung chi | Kinh phí sử dụng (trđ) | Ghi chú |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Chủ nhiệm đề tài (Ký tên) | ....., ngày tháng năm |
PHỤ LỤC 5
DANH MỤC LĨNH VỰC KHOA HỌC CÔNG NGHỆ NHÀ NƯỚC ƯU TIÊN KHUYẾN KHÍCH DOANH NGHIỆP THỰC HIỆN
- Nghiên cứu tạo ra sản phẩm mới nhằm xuất khẩu, hoặc thay thế nhập khẩu vật liệu mới, vật liệu quí hiếm, vật liệu có tính năng đặc biệt.
- Nghiên cứu tạo ra công nghệ mới về sinh học nhằm sản xuất các loại giống cây trồng vật nuôi, thuốc chữa bệnh cho người, vật nuôi, cây trồng có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế và có hiệu quả kinh tế cao.
- Nghiên cứu tạo ra dây chuyền công nghệ đạt trình độ tiên tiến, công nghệ sản xuất linh kiện bộ phận có kĩ thuật cao.
- Nghiên cứu tạo ra công nghệ sản xuất sử dụng ít nhiên liệu, nguyên liệu vật liệu so với công nghệ hiện có.
- Nghiên cứu công nghệ xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường, công nghệ xử lí chế biến chất thải rắn, chất lỏng, khí.