cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư liên tịch số 04/1999/TTLT-BKH-BTC ngày 01/11/1999 giữa Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ trưởng Bộ Tài chính Thực hiện Quy chế quản lý và sử dụng nguồn viện trợ của các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài ban hành kèm theo Quyết định 28/1999/QĐ-TTg (Tình trạng hiệu lực không xác định)

  • Số hiệu văn bản: 04/1999/TTLT-BKH-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Cơ quan ban hành: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính
  • Ngày ban hành: 01-11-1999
  • Ngày có hiệu lực: 16-11-1999
  • Tình trạng hiệu lực: Không xác định
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ-BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04/1999/TTLT-BKH-BTC

Hà Nội , ngày 01 tháng 11 năm 1999

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

BỘ KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ, BỘ TÀI CHÍNH SỐ 04/1999/TTLT-BKH-BTC NGÀY 01 THÁNG 11 NĂM 1999 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUY CHẾ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN VIỆN TRỢ CỦA CÁC TỔ CHỨC PHI CHÍNH PHỦ NƯỚC NGOÀI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 28/1999/QĐ-TTg ngày 23/02/1999 của Thủ tướng Chính phủ)

Ngày 23 tháng 02 năm 1999, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 28/1999/QĐ-TTg ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ của các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài (PCPNN), sau đây được gọi tắt là Quy chế viện trợ PCPNN.

Thực hiện Điều 3 của Quyết định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn chung một số vấn đề chủ yếu (ngoài những nội dung hướng dẫn riêng từng lĩnh vực theo chức năng của các Bộ có liên quan) trong việc thực hiện Quy chế viện trợ PCPNN.

Việc quản lý các hoạt động của các tổ chức PCPNN được điều chỉnh theo Quyết định số 339/TTg ngày 24 tháng 5 năm 1996 của Chính phủ về việc thành lập Uỷ ban Công tác về các tổ chức phi Chính phủ; Quyết định số 340/TTg ngày 24 tháng 5 năm 1996 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế về hoạt động của các tổ chức PCPNN tại Việt Nam.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1.1- Nội dung và phạm vi điều chỉnh của Quy chế:

Nội dung của Quy chế viện trợ PCPNN nhằm điều chỉnh việc quản lý và sử dụng nguồn viện trợ của các tổ chức PCPNN.

Viện trợ của các tổ chức PCPNN là các khoản viện trợ không thuộc nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) hoặc thuộc nguồn này nhưng thông qua các trường đại học, các Viện nghiên cứu... hoặc các tổ chức PCPNN thực hiện tại Việt Nam.

Phạm vi điều chỉnh của Quy chế viện trợ PCPNN bao gồm:

a) Các Bên nước ngoài cung cấp trực tiếp nguồn viện trợ PCPNN với mục đích phát triển hoặc nhân đạo không vì mục đích lợi nhuận (sau đây được gọi tắt là Bên nước ngoài) gồm:

- Các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài.

- Các tập đoàn, công ty nước ngoài tài trợ.

- Các trường đại học, các viện nghiên cứu, các trung tâm, các quỹ, các cơ quan nước ngoài.

- Hội đoàn và các hội hữu nghị được thành lập ở nước ngoài.

- Các cá nhân là người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

b) Các đối tượng tiếp nhận viện trợ PCPNN (sau đây được gọi tắt là Cơ quan tiếp nhận viện trợ):

- Các bộ, các cơ quan quang Bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ.

- Các tỉnh, các thành phố trực thuộc Trung ương.

- Các tổ chức hội, đoàn thể Trung ương được thành lập theo luật pháp Việt Nam.

c) Viện trợ PCPNN là viện trợ không hoàn lại được cung cấp dưới các hình thức sau:

- Các chương trình, dự án: là khoản viện trợ để thực hiện các chương trình, dự án có mục tiêu và hoạt động cụ thể được mô tả chi tiết trong văn kiện chương trình, dự án theo nội dung nêu tại Phụ lục I.

- Viện trợ phi dự án: là các khoản viện trợ bằng tiền hay hiện vật (hàng hoá, vật tư, máy móc, thiết bị...) cho các mục đích phát triển kinh tế, nhân đạo, cứu trợ khẩn cấp, hợp tác khoa học, đào tạo, văn hoá, thể thao...

Các hình thức chuyển giao tài sản không thuộccác diện nêu trên được coi là quà tặng, không thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư này.

1.2- Các lĩnh vực ưu tiên sử dụng viện trợ PCPNN gồm:

a) Y tế, dân số và kế hoạch hoá gia đình, bảo vệ chăm sóc bà mẹ, trẻ em;

b) Giáo dục và Đào tạo;

c) Các vấn đề xã hội;

d) Phát triển nông thôn và miền núi, xoá đói giảm nghèo, cấp thoát nước quy mô nhỏ, tín dụng quy mô nhỏ...;

e) Bảo vệ môi trường, môi sinh;

g) Hỗ trợ nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ;

h) Văn hoá, thể thao...;

i) Cứu trợ khẩn cấp.

Chương 2:

VẬN ĐỘNG, ĐÀM PHÁN, PHÊ DUYỆT VÀ KÝ KẾT

2- Chuẩn bị và phê duyệt nội dung các chương trình, dự án và các khoản viện trợ phi dự án:

2.1- Đối với các chương trình, dự án:

2.1.1. Chuẩn bị:

- Căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cơ quan tiếp nhận viện trợ (nêu tại mục 1.1, điểm b của Thông tư này) hướng dẫn cơ quan thực hiện (chủ chương trình, dự án) xây dựng văn kiện chương trình, dự án theo nội dung nêu tại Phụ lục 1 để đề nghị Bên nước ngoài tài trợ.

- Sau khi Bên nước ngoài có văn bản thông báo cam kết cung cấp tài chính hoặc cam kết xem xét tài trợ cho chương trình , dự án thì Cơ quan tiếp nhận viện trợ hoàn chỉnh hồ sơ chương trình, dự án gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đồng gửi các cơ quan liên quan (Bộ Tài chính, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và cơ quan quản lý chuyên môn của Chính phủ liên quan tới nội dung chương trình, dự án) để đề nghị thẩm định hoặc đề nghị thoả thuận phê duyệt. Hồ sơ chương trình, dự án hợp lệ gồm:

a) Văn bản đề nghị thẩm định hoặc đề nghị thoả thuận phê duyệt của cơ quan tiếp nhận viện trợ.

b) Văn kiện chương trình, dự án - Programme/Project Document (bản tiếng Việt và bản tiếng Anh hoặc bản bằng ngôn ngữ của nước tài trợ). Đây là tài liệu đã được cơ quan tiếp nhận viện trợ và Bên nước ngoài nhất trí.

c) Văn bản thông báo cam kết cung cấp tài chính hoặc cam kết xem xét tài trợ cho chương trình, dự án của Bên nước ngoài.

d) Dự thảo Điều ước sẽ được ký kết giữa Cơ quan tiếp nhận viện trợ và Bên nước ngoài (như Biên bản ghi nhớ - Memorandum of Understanding, hoặc thoả thuận - Agreement) sau khi văn kiện chương trình, dự án đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

e) Bản sao Giấy phép được Uỷ ban công tác về các tổ chức phi chính phủ cấp cho các tổ chức PCPNN (theo Quyết định số 340/TTg ngày 24/05/1996 của Chính phủ). Trong trường hợp chưa có Giấy phép, cơ quan tiếp nhận viện trợ cần phối hợp với Bên nước ngoài làm việc với Uỷ ban công tác về các tổ chức phi chính phủ để tìm hiểu và hoàn thiện các thủ tục cần thiết.

2.1.2. Phê duyệt:

- Đối với các chương trình, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ (nêu tại Điều 5, Khoản 1, Tiết a và b của Quy chế viện trợ PCPNN):

Trong vòng 10 ngày, kể từ ngày Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan (Bộ Tài chính, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và cơ quan quản lý chuyên môn của Chính phủ) nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, các cơ quan liên quan phải có ý kiến chính thức bằng văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổ chức thẩm định. Sau thời hạn trên, nếu các cơ quan không có ý kiến bằng văn bản thì được xem là đồng ý với nội dung các tài liệu chương trình, dự án.

Trong vòng 10 ngày sau khi nhận được ý kiến của các cơ quan, tuỳ theo tính chất của từng chương trình, dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định hoặc tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ. Các cơ quan tham dự thẩm định gồm: Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các Bộ, ngành, địa phương liên quan do Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ vào chương trình, dự án cụ thể gửi giấy mời.

Kết quả thẩm định sẽ được thể hiện bằng biên bản thẩm định. Chậm nhất sau 5 ngày kể từ ngày thẩm định (nếu chương trình, dự án không cần chỉnh sửa), Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và phê duyệt.

Trong trường hợp chương trình, dự án cần chỉnh sửa thì Cơ quan tiếp nhận viện trợ có trách nhiệm phối hợp với Bên nước ngoài tiến hành chỉnh sửa theo kết luận ghi trong biên bản thẩm định. Đối với những vấn đề cần chỉnh sửa không được Bên nước ngoài chấp thuận thì Cơ quan tiếp nhận viện trợ phải có giải trình bằng văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình, dự án, Cơ quan tiếp nhận viện trợ thông báo cho Bên nước ngoài về kết quả phê duyệt để tiến hành ký kết và thực hiện chương trình, dự án.

Trong thời hạn 15 ngày sau khi ký kết, Cơ quan tiếp nhận viện trợ gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan các văn kiện đã được ký kết.

- Đối với các chương trình, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ trưởng và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tổ chức đoàn thể (nêu tại Điều 5, Khoản 2, Tiết a của Quy chế viện trợ PCPNN):

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ khi nhận đầy đủ hồ sơ chương trình, dự án hợp lệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản thoả thuận gửi Cơ quan có thẩm quyền trên làm cơ sở xem xét, phê duyệt. Trong trường hợp các các chương trình, dự án đề xuất những thiết bị, vật tư, phương tiện vận chuyển... thuộc diện hạn chế nhập khẩu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan (nếu thấy cần thiết) trước khi có thoả thuận. Trong trường hợp các cơ quan liên quan còn có ý kiến khác nhau thì cấp có thẩm quyền phê duyệt phải báo cáo xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Trong thời hạn 15 ngày sau khi phê duyệt chương trình, dự án, Cơ quan tiếp nhận viện trợ thông báo cho Bên nước ngoài về quyết định phê duyệt chương trình, dự án để hoàn tất các thủ tục cần thiết tiếp theo, đồng thời gửi quyết định phê duyệt (bản chính) và các văn kiện đã được ký kết tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.

2.2- Đối với các khoản viện trợ phi dự án:

2.2.1- Chuẩn bị:

- Cơ quan tiếp nhận viện trợ gửi đến Bộ Tài chính và đồng gửi các cơ quan liên quan (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và cơ quan quản lý chuyên môn của Chính phủ liên quan tới nội dung khoản viện trợ) hồ sơ hợp lệ gồm:

a) Văn bản đề nghị cho phép tiếp nhận khoản viện trợ.

b) Văn bản của Bên nước ngoài thông báo cam kết tài trợ, kèm theo danh mục hiện vật (hàng hoá, vật tư, thiết bị, phương tiện vận chuyển...) đã được thoả thuận về chất lượng, số lượng, chủng loại, giá trị và đối tượng thụ hưởng; hoặc cam kết cung cấp tài chính (tiền), kèm theo các hạng mục cần thực hiện bằng nguồn tài chính đó. Trường hợp viện trợ được gửi chung cho nhiều đơn vị, phải có kế hoạch phân phối cho từng đơn vị về số lượng và trị giá trên cơ sở có yêu cầu bằng văn bản của từng đơn vị tiếp nhận viện trợ.

c) Dự toán và xác định vốn đối ứng bằng nguồn kinh phí trong nước để thực hiện việc tiếp nhận khoản viện trợ đã được cam kết trên tới đối tượng thụ hưởng (nếu có).

d) Bản sao Giấy phép được ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ cấp cho tổ chức PCPNN (theo Quyết định số 340/TTg ngày 24/05/1996 của chính phủ). Trong trường hợp chưa có Giấy phép, cơ quan tiếp nhận viện trợ cần phối hợp với Bên nước ngoài làm việc với ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ để tìm hiểu và hoàn thiện các thủ tục cần thiết.

2.2.2- Phê duyệt:

- Đối với các khoản viện trợ thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ nêu tại Điều 5, Khoản 1, Tiết c của Quy chế viện trợ PCPNN:

Trong vòng 10 ngày, kể từ khi Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan của Chính phủ nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, các cơ quan liên quan phải có ý kiến chính thức bằng văn bản gửi Bộ Tài chính. Sau thời hạn trên, nếu các cơ quan nói trên không có ý kiến bằng văn bản thì được xem là đồng ý.

Trong vòng 10 ngày, sau khi nhận được ý kiến của các cơ quan, Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và quyết định.

Đối với các hình thức viện trợ bằng hàng nhưng được thoả thuận của Bên nước ngoài bán tại Việt Nam chuyển đổi thành hàng hoá khác thì Bộ Tài chính sẽ lấy ý kiến của các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và quyết định.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khoản viện trợ, Cơ quan tiếp nhận viện trợ thông báo cho Bên nước ngoài về kết quả phê duyệt để ký kết và thực hiện khoản viện trợ.

- Đối với các khoản viện trợ thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ trưởng và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tổ chức đoàn thể (nêu tại Điều 5, Khoản 2, Tiết b của Quy chế viện trợ PCPNN):

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ khi nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính có văn bản thoả thuận để Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nêu trên phê duyệt và tổ chức tiếp nhận. Trong trường hợp các khoản viện trợ có những mặt hàng thuộc diện hạn chế nhập khẩu (ô tô, xe máy, hàng hoá và thiết bị đã qua sử dụng...), Bộ Tài chính sẽ lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan (nếu thấy cần thiết) trước khi có thoả thuận. Trong trường hợp các cơ quan liên quan còn có ý kiến khác nhau thì cấp có thẩm quyền phê duyệt báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Trong thời hạn 15 ngày sau khi phê duyệt khoản viện trợ do Bên nước ngoài tài trợ, Cơ quan tiếp nhận viện trợ thông báo cho Bên nước ngoài về quyết định phê duyệt, đồng thời gửi quyết định phê duyệt (bản chính) tới Bộ Tài chính và tiến hành các thủ tục xác nhận viện trợ.

2.3. Đối với viện trợ dưới hình thức cử chuyên gia tình nguyện thì Cơ quan tiếp nhận viện trợ phải có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các cơ quan liên quan để có ý kiến trước khi tiếp nhận.

2.4. Đối với viện trợ khẩn cấp:

Khi có nhu cầu về viện trợ khẩn cấp, các địa phương cần thông báo ngay những thông tin liên quan về mức độ thiệt hại do tai hoạ gây ra gửi Bộ Ngoại giao, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam làm căn cứ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Trong thời hạn 7 ngày, sau khi nhận được thông báo cam kết viện trợ khẩn cấp của Bên nước ngoài, Cơ quan tiếp nhận có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị cho tiếp nhận.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ khi Cơ quan tiếp nhận viện trợ gửi văn bản, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và phê duyệt khoản viện trợ khẩn cấp. Trong trường hợp khoản viện trợ khẩn cấp cần cung cấp cho nhiều đơn vị nhưng chưa có địa chỉ cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất phương án phân phối và quản lý tiếp nhận khoản viện trợ để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và phê duyệt.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài chính hướng dẫn Cơ quan tiếp nhận viện trợ thực hiện phương án đã được phê duyệt.

Đối với viện trợ khẩn cấp được triển khai dưới dạng chương trình, dự án mang tính chất phục hồi và phát triển cần làm các thủ tục phê duyệt như nêu tại điểm 2.1 của Thông tư này.

Chương 3:

THỰC HIỆN CÁC KHOẢN VIỆN TRỢ CỦA CÁC TỔ CHỨC PCPNN

1. Việc thực hiện các chương trình, dự án và các khoản viện trợ do Bên nước ngoài tài trợ chỉ được tiến hành sau khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Vật tư, hàng hóa, máy móc, thiết bị, ... thuộc chương trình, dự án hoặc các khoản viện trợ phi dự án nhập khẩu vào Việt Nam khi chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt đều bị coi là bất hợp pháp và bị xử lý theo pháp luật hiện hành.

Các khoản tiền, chuyển khoản trực tiếp của Bên nước ngoài cho cơ quan thực hiện (chủ chương trình, dự án) phải thực hiện thủ tục xác nhận viện trợ tại Bộ Tài chính trước khi sử dụng.

2. Điều chỉnh, bổ sung tăng vốn cho các chương trình, dự án:

Khi có yêu cầu điều chỉnh, bổ sung vốn, hoặc thay đổi mục tiêu, nội dung của chương trình, dự án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cơ quan tiếp nhận viện trợ có văn bản đề nghị, kèm theo giải trình chi tiết, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đồng gửi Bộ Tài chính, Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam và các cơ quan quản lý chuyên môn liên quan của Chính phủ. Sau 15 ngày, kể từ khi Cơ quan tiếp nhận viện trợ gửi văn bản đề nghị, nếu các cơ quan không có ý kiến bằng văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì được xem là đồng ý và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Việc điều chỉnh, bổ sung vốn mà không làm thay đổi mục tiêu, nội dung chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (không làm tổng số vốn viện trợ của Bên nước ngoài sau khi điều chỉnh, bổ sung vượt quá mức quy định tại Điều 5 Khoản 1 của Quy chế viện trợ PCPNN) sẽ do cấp phê duyệt chương trình, dự án quyết định sau khi Cơ quan tiếp nhận viện trợ có văn bản đề nghị và được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thỏa thuận.

Trong trường hợp các cơ quan liên quan còn có ý kiến khác nhau, thì cấp phê duyệt báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

3. Việc quản lý tài chính nguồn viện trợ PCPNN được thực hiện theo Thông tư 22/1999/TT-BTC ngày 26 tháng 02 năm 1999 của Bộ Tài chính.

4. Chế độ báo cáo thực hiện các khoản viện trợ của các tổ chức PCPNN được thực hiện theo Điều 18, Quy chế viện trợ PCPNN với các mẫu Phụ lục 2 và 3 kèm theo Thông tư này.

5. Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, dự án, nếu xuất hiện những vấn đề có thể ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện dự án hoặc có bất đồng giữa Bên tài trợ và phía Việt Nam, Cơ quan tiếp nhận viện trợ có văn bản báo cáo gửi Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam để xem xét và phối hợp giải quyết.

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện nếu có những vướng mắc, các Bộ, địa phương và các đơn vị có liên quan cần phản ánh kịp thời về Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính để tiếp tục bổ sung và hoàn chỉnh Thông tư hướng dẫn này.

Nguyễn Sinh Hùng

(Đã ký)

Trần Xuân Giá

(Đã ký)

 

 

PHỤ LỤC 1

VĂN KIỆN CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN DO TỔ CHỨC PCPNN TÀI TRỢ

Những thông tin cần có trong trang đầu của dự án

1. Tên/mã số chương trình, dự án:

2. Địa điểm thực hiện chương trình, dự án:

3. Cơ quan tiếp nhận chương trình, dự án (nêu ở mục 1.1 điểm b của Thông tư này):

4. Cơ quan thực hiện chương trình, dự án (chủ trương trình, dự án):

- Tên:

- Địa chỉ liên lạc:

5. Tổng giá trị của chương trình, dự án:

Trong đó:

+ Vốn do tổ chức PCPNN tài trợ (ngoại tệ và quy thành Đôla Mỹ):

+ Vốn đối ứng bằng tiền mặt hay hiện vật (Đồng Việt Nam):

6. Thời gian thực hiện chương trình, dự án (dự kiến bắt đầu và kết thúc):

Những nội dung cơ bản trong văn kiện chương trình, dự án:

1. Mô tả tóm tắt dự án:

2. Sự cần thiết phải có dự án (vị trí của dự án và những vấn đề đặt ra trong bối cảnh chung của ngành, của địa phương...):

3. Các mục tiêu của dự án:

- Mục tiêu dài hạn:

- Các mục tiêu ngắn hạn:

4. Các kết quả của dự án:

5. Các hoạt động của dự án:

6. Ngân sách của dự án:

7. Kế hoạch triển khai thực hiện dự án (trong trường hợp cần thiết phân thành các giai đoạn thực hiện).

8. Phân tích hiệu quả dự án:

- Sơ bộ đánh giá hiệu quả tài chính.

- Hiệu quả xã hội, nhất là tăng cường và phát triển nguồn lực nhân lực.

- Hiệu quả môi trường.

- Tính bền vững của dự án trong quá trình phát triển tiếp theo.


PHỤ LỤC 2

BÁO CÁO TIẾP NHẬN VÀ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH VIỆN TRỢ PHI CHÍNH PHỦ ĐỐI VỚI CÁC DỰ ÁN PHI DỰ ÁN
(Định kỳ 6 tháng, hàng năm và khi kết thúc dự án/khoản viện trợ) áp dụng cho đơn vị Chủ dự án

1. Tên tổ chức viện trợ.

2. Tên dự án viện trợ (với khoản viện trợ có dự án).

3. Mục tiêu của dự án/Khoản viện trợ.

4. Đơn vị chủ dự án và đơn vị trực tiếp nhận và sử dụng viện trợ.

5. Thời gian thực hiện dự án (theo thoả thuận).

6. Trị giá viện trợ theo thoả thuận (phân tích rõ các hạng mục viện trợ, bằng tiền, bằng hàng...). Vốn đối ứng (nếu có).

7. Văn bản phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

8. Kết quả tiếp nhận: Từ khi bắt đầu thực hiện dự án đến trước kỳ báo cáo, thực hiện kỳ báo cáo.

- Bằng tiền: nguyên tệ - quy USD - quy đ Việt Nam.

- Bằng thiết bị (có danh mục chi tiết, tình trạng, giá trị).

- Chi chuyên gia, hỗ trợ kỹ thuật, chi đào tạo, tập huấn...

9. Kết quả phân phối, sử dụng viện trợ.

10. Nhận xét đánh giá hiệu quả viện trợ (thuận lợi, khó khăn).

11. Chậm nhất 3 tháng sau khi kết thúc dự án/ khoản viện trợ đơn vị chủ dự án thực hiện phê duyệt quyết toán tài chính gửi Bộ Tài chính và các cơ quan theo quy định tại Quyết định 28/1999/QĐ-TTg.

Đơn vị chủ dự án