cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư liên tịch số 28/1999/TTLT ngày 03/02/1999 Hướng dẫn Quyết định 661/QĐ-TTg về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 28/1999/TTLT
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Cơ quan ban hành: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính
  • Ngày ban hành: 03-02-1999
  • Ngày có hiệu lực: 03-02-1999
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 16-06-2008
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3421 ngày (9 năm 4 tháng 16 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 16-06-2008
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 16-06-2008, Thông tư liên tịch số 28/1999/TTLT ngày 03/02/1999 Hướng dẫn Quyết định 661/QĐ-TTg về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Thông tư liên tịch số 58/2008/TTLT-BNN-BKH-BTC ngày 02/05/2008 giữa Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ trưởng Bộ Tài chính Hướng dẫn Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng giai đoạn 2007-2010 (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ-BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN-BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 28/1999/TTLT

Hà Nội , ngày 03 tháng 2 năm 1999

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT- BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ- BỘ TÀI CHÍNH SỐ 28 /1999/TTLT NGÀY 3 THÁNG 2 NĂM 1999 HƯỚNG DẪN VIỆC THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH 661/QĐ-TTG NGÀY 29/7/1998 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, CHÍNH SÁCH VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN DỰ ÁN TRỒNG MỚI 5 TRIỆU HA RỪNG

Thi hành Quyết định số 661/QĐ-TTg Ngày 29 tháng 7 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ "Về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng";

Liên tịch Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:

I. MỤC TIÊU, NGUYÊN TẮC CHỈ ĐẠO VÀ NHIỆM VỤ CỦA DỰ ÁN TRỒNG MỚI 5 TRIỆU HA RỪNG

1. Mục tiêu và nguyên tắc chỉ đạo:

Mục tiêu và nguyên tắc chỉ đạo của dự án trồng mới 5 triệu ha rừng đã được thể hiện trong Quyết định 661/QĐ-TTg vừa thực hiện trồng mới 5 triệu ha rừng vừa bảo vệ có hiệu quả 9,3 triệu ha rừng hiện có, nhằm góp phần đảm bảo an ninh môi trường, cung cấp đầy đủ lâm sản cho công nghiệp hoá, đồng thời đảm bảo ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân ở vùng trung du miền núi đặc biệt là trong vùng đồng bào dân tộc. Quyết định đã nêu rõ nguyên tắc chỉ đạo là huy động sức mạnh của toàn dân để trồng rừng, quản lý và bảo vệ rừng bền vững; đồng thời, huy động mọi nguồn lực, mọi thành phần kinh tế để phát triển rừng trong giai đoạn 1998-2010.

2. Nhiệm vụ.

a - Các địa phương và các ngành có liên quan chấp hành nghiêm chỉnh Chỉ thị 286/TTg và 287/TTg ngày 2/5/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển rừng, nhằm bảo vệ toàn bộ diện tích rừng hiện có, trọng tâm là rừng tự nhiên thuộc các khu rừng đặc dụng, phòng hộ ở nơi rất xung yếu và xung yếu, rừng sản xuất có trữ lượng giàu và trung bình, diện tích rừng đã trồng theo chương trình 327.

b- Trồng rừng.

- Trồng rừng phòng hộ, đặc dụng (2 triệu ha).

+ Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh kết hợp trồng bổ sung 1 triệu ha.

Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh kết hợp trồng bổ sung được thực hiện trên đất đã mất rừng nhưng có khả năng tái sinh thuộc vùng phòng hộ đầu nguồn rất xung yếu, xung yếu và thuộc khu phục hồi sinh thái của rừng đặc dụng. Bao gồm 2 hình thức:

* Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh do dân tự trồng bổ sung bằng các loại cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả, cây đặc sản có tán như cây rừng.

* Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có kết hợp trồng bổ sung bằng cây rừng do nhà nước đầu tư.

+ Trồng rừng mới 1 triệu ha: Trên vùng đất trống đồi núi trọc không còn khả năng tái sinh tự nhiên được quy hoạch là rừng đặc dụng, vùng phòng hộ rất xung yếu, xung yếu tập trung chủ yếu ở các lưu vực sông lớn, các hồ chứa và công trình thuỷ điện lớn, bảo vệ các thành phố lớn, các vùng đất ven biển đang xói lở, cát bay và những nơi có yêu cầu cấp bách về phục hồi sinh thái. Đặc biệt ưu tiên vùng miền núi phía Bắc có tỷ lệ che phủ rất thấp, vùng miền Trung thường xẩy ra lũ lụt.

- Trồng 3 triệu ha rừng sản xuất bao gồm:

+ Trồng rừng sản xuất bằng cây lâm nghiệp : 2 triệu ha

Trong đó:

* Rừng nguyên liệu cho công nghiệp : 1,6 - 1,62 triệu ha, chủ yếu trồng các loài cây keo, tre luồng, thông, bồ đề, mỡ, bạch đàn,...

* Rừng gỗ trụ mỏ: 80.000ha, trồng các loài cây thông, sa mộc, bạch đàn,...

* Rừng cây đặc sản: 200.000ha, bao gồm các loài cây quế, hồi, thông nhựa, trúc sào, táo mèo, sở, cây lấy măng.v.v...

* Rừng gỗ quý hiếm: 100.000ha bao gồm các loài cây lim, đinh, sến, pơmu, cẩm lai, gõ đỏ... thuộc nhóm Ia, IIa theo nghị định 18/HĐBT ngày 17/1/1992 của HĐBT (nay là Chính phủ).

+ Trồng cây công nghiệp lâu năm và cây lấy quả : Khoảng 1 triệu ha.

Cây công nghiệp lâu năm được xác định nằm trong dự án trồng mới 5 triệu ha rừng bao gồm: Cao su, đào lộn hột, ca cao, cây đặc sản và các loại cây lấy quả vừa có giá trị kinh tế vừa có tán che phủ như cây rừng. Đối với cây chè và cây cà phê phải trồng theo đúng quy hoạch, không được phá rừng để lấy đất trồng và phải trồng kết hợp với cây rừng ít nhất 300 cây/ha: Riêng cây chè tuyết san có thể trồng thuần loại.

II. CHÍNH SÁCH VÀ GIẢI PHÁP

1. Cơ cấu cây trồng:

a- Đối với rừng đặc dụng: Về nguyên tắc tuyển chọn cây trồng phải phù hợp với mục tiêu phục hồi hệ sinh thái nguyên sinh, đó là các loài cây bản địa tại chỗ, nơi quá cằn cỗi thì trồng cây che bóng và cải tạo đất trước, cây bản địa sau, và phải lấy xúc tiến tái sinh tự nhiên là biện pháp chính để phục hồi rừng theo hướng nguyên sinh.

b- Đối với rừng phòng hộ đầu nguồn , ngoài cây gỗ lớn còn có thể trồng xen các loại cây công nghiệp, cây lấy quả, cây đặc sản có tán che phủ như cây rừng; số cây này được tính là cây phòng hộ chính. Đối với rừng phòng hộ bảo vệ đê sông đê biển, đồng ruộng, chống cát bay, phòng chống lũ lụt, chọn loài cây phù hợp mục tiêu phòng hộ và kết hợp tối đa với cây có lợi ích kinh tế cho người nhận trồng và khoán bảo vệ.

c- Đối với rừng sản xuất kể cả cây công nghiệp lâu năm và cây lấy quả trước hết phải căn cứ vào điều kiện khí hậu đất đai, điều kiện lưu thông chế biến và nhu cầu thị trường để chọn loại cây trồng phù hợp.

Phát triển rừng sản xuất phải gắn với công nghệ chế biến và tiêu thụ sản phẩm để sớm thu hồi vốn và có lợi nhuận.

Căn cứ vào các nguyên tắc và yêu cầu trên, từng tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương giao cho các cơ quan liên quan nghiên cứu lựa chọn các loại cây trồng cụ thể cho địa phương mình để trình Tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt.

2. Chính sách đất đai:

a- Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Tỉnh), chủ động rà soát lại quỹ đất Lâm nông nghiệp hiện có để xây dựng quy hoạch sử dụng đất cho dự án trồng rừng theo 3 loại rừng và phải làm từ xã đến huyện, tỉnh trên thực địa và trên bản đồ. Phối hợp với kết quả kiểm kê rừng tự nhiên bổ sung sửa đổi hoặc quy hoạch lại phương án phát triển lâm nghiệp (hay tổng quan lâm nghiệp ) trên địa bàn tỉnh. Đây là 1 trong các căn cứ xây dựng dự án mới và bổ sung sửa đổi dự án cũ.

b- Trên cơ sở quy hoạch phát triển rừng và các dự án đầu tư phát triển được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Uỷ ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo việc giao đất khoán rừng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân. Giao đất đến đâu phải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến đó.

c- Chỉ giao đất cho các đối tượng thực sự có nhu cầu, khả năng bảo vệ và phát triển rừng. Đối tượng được giao đất nếu sau 12 tháng kể từ ngày được giao đất chính thức mà không đưa vào sử dụng thì đất đó phải bị thu hồi vào quỹ dự trữ. Cần chỉ đạo chặt chẽ, không vì sự chậm trễ về thủ tục giao đất làm ảnh hưởng đến tốc độ phát triển rừng. Việc giao đất phải tiến hành công khai dân chủ và ưu tiên giao đất cho các hộ gia đình sống ngay tại địa bàn của địa phương đó. Việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phải đảm bảo hoàn thành trước ngày 31/12/2000.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Tổng cục Địa chính sẽ có Thông tư Liên tịch hướng dẫn riêng về vấn đề này.

3. Về chính sách đầu tư và tín dụng.

a- Vốn ngân sách nhà nước

- Đầu tư cho lâm sinh

+ Bảo vệ rừng:

* Đối với rừng đặc dụng: Chủ yếu dùng lực lượng kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, hưởng lương từ kinh phí sự nghiệp của các Ban quản lý rừng để bảo vệ. ở những khu rừng có dân đang sinh sống, có nguy cơ xâm hại đến rừng , thì Nhà nước hỗ trợ kinh phí để khoán bảo vệ rừng với mức tối đa là 50.000đ/ha/năm. Tuỳ theo từng địa bàn và từng dự án cơ sở, Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định mức khoán bảo vệ rừng cho phù hợp, nhưng phải được công bố công khai cho dân biết.

* Đối với rừng phòng hộ: Đối tượng rừng được đầu tư bảo vệ là rừng tự nhiên, rừng đã khoanh nuôi và trồng mới theo chương trình 327 thuộc vùng phòng hộ rất xung yếu và xung yếu, mà ở đó còn phá rừng làm nương rẫy xâm hại đến rừng, mức kinh phí khoán không quá 50.000đ/ha/năm. Tuỳ điều kiện từng nơi mà Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định mức đầu tư cụ thể cho từng dự án cơ sở, thời hạn dùng tiền để khoán tối đa 5 năm và phải công bố công khai cho dân biết.

* Đối với diện tích rừng đã giao khoán bảo vệ theo chương trình 327 nếu không đúng đối tượng xung yếu và rất xung yếu thì nay không đầu tư nữa, mà chuyển sang rừng sản xuất, nếu đúng đối tượng mà còn cần bảo vệ tiếp thì dùng tiền để khoán bảo vệ rừng tiếp cho đủ 5 năm, sau đó nhà nước sẽ có chính sách để người nhận khoán được hưởng lợi ích từ rừng.

+ Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh kết hợp trồng bổ sung:

* Diện tích khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, hộ nhận khoán tự trồng bổ sung cây công nghiệp, cây lấy quả, cây đặc sản coi như khoán bảo vệ rừng thì đầu tư không quá 50.000đ/ha/năm và đầu tư trong 5 năm. Tuỳ điều kiện từng nơi mà UBND tỉnh quyết định mức đầu tư cụ thể cho phù hợp và phải công bố công khai cho dân biết.

* Diện tích khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh, có kết hợp trồng bổ sung cây lâm nghiệp: Mức đầu tư tối đa là 1.000.000đ/ha trong 6 năm. Căn cứ điều kiện cụ thể để thiết kế, dự toán theo nhu cầu lâm sinh cần xúc tiến tái sinh ở các mức độ : Xới đất đón hạt, gieo hạt bổ sung, phát dây leo bụi rậm, trồng bổ sung cây gỗ theo rạch, đám, thì chia ra : Năm thứ nhất : Đầu tư cho xúc tiến gieo hạt hoặc trồng bổ sung gồm làm đất cục bộ, phát luỗng cây bụi cỏ dại. Gieo hạt hoặc trồng bổ sung bằng cây con theo đám hoặc theo rạch theo thiết kế ( bao gồm vật liệu và công lao động ) ; Hai năm tiếp theo: Tiếp tục chăm sóc, tra dặm cho số cây trồng bổ sung năm thứ nhất theo thiết kế được duyệt ; Bảo vệ 3 năm tiếp theo: Tuỳ từng nơi có yêu cầu bảo vệ khó dễ khác nhau để phân bổ kinh phí bảo vệ cho phù hợp nhưng không quá 50.000đ/ha/năm. Sau 6 năm nhất thiết phải tổ chức đánh giá kết quả để xử lý tiếp. Chi tiết thiết kế dự toán căn cứ QPN-21-98 theo quyết định 175-1998/QĐ-BNN-KHCN ngày 4/11/1998 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Căn cứ vào quy định trên, UBND tỉnh quyết định mức đầu tư cụ thể cho từng vùng, từng điều kiện lập địa và yêu cầu lâm sinh cho xúc tiến tái sinh

+ Trồng rừng mới:

* Đối với rừng đặc dụng: Bao gồm trồng rừng ở khu phục hồi sinh thái của rừng đặc dụng, rừng thực nghiệm, vườn sưu tập thực vật. Cơ cấu cây trồng, mật độ và suất đầu tư theo thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

* Đối với rừng phòng hộ vùng rất xung yếu và xung yếu.

Cơ cấu và mật độ cây trồng: Mật độ bình quân khoảng 1.600 cây/ha, bao gồm cây phòng hộ là cây rừng khoảng 600 cây/ha và cây phù trợ là cây mọc nhanh cải tạo đất như đã quy định trong QĐ 556/TTg. Số lượng cây phù trợ tuỳ theo từng lập địa để quyết định . Trường hợp ở những lập địa không trồng cây phòng hộ ngay được thì phải thực hiện trồng xen cây mọc nhanh che bóng hoặc cải tạo đất trước và sau đó phải bổ sung trồng cây lâu năm, điều này phải được thể hiện cụ thể trong thiết kế . Mật độ của các loại rừng phòng hộ ven biển như phi lao chống gió cát, sú vẹt, đước, tràm... không theo quy định trên mà giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thiết kế cụ thể trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Nếu có trồng cây công nghiệp lâu năm, cây lấy quả có tán che phủ như cây rừng thì thực hiện mật độ theo quy trình trồng các loại cây đó.

Mức đầu tư:

Rừng phòng hộ đầu nguồn mức đầu tư bình quân 2,5 triệu đồng/ha bao gồm trồng và chăm sóc 3 năm. Dựa vào mức bình quân này, tuỳ điều kiện lập địa và cơ cấu cây trồng, ủy ban nhân dân Tỉnh xem xét quyết định mức đầu tư cụ thể.

* Đối với loài cây gỗ quý hiếm trồng rừng sản xuất có tác dụng bảo tồn cây lâu năm, chủ rừng phải có Dự án và quy trình kỹ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Nhà nước sẽ hỗ trợ cho khâu trồng mới và chăm sóc 2 triệu đồng/ha, chủ yếu hỗ trợ cây giống và một số vật tư, công lao động cần thiết. Ưu tiên đầu tư cho vùng phòng hộ ít xung yếu theo phương thức nhà nước và nhân dân cùng góp công sức thực hiện.

- Xây dựng cơ sở hạ tầng:

Các địa phương phải phối hợp lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn, huy động các nguồn vốn xây dựng cơ bản chuyên ngành để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho dự án trồng rừng, như giao thông nông thôn, thuỷ lợi, nước sạch, y tế, giáo dục,...

Vốn ngân sách dự án trồng mới 5 triệu ha rừng chỉ đầu tư xây dựng các công trình phục vụ lâm sinh, mức tối đa không quá 5% tổng vốn ngân sách Nhà nước đầu tư cho dự án hàng năm.

Loại công trình hạ tầng sử dụng nguồn vốn ngân sách của dự án này cho rừng phòng hộ và đặc dụng được quy định như sau: Đầu tư cho công trình trực tiếp phục vụ bảo vệ và xây dựng rừng phòng hộ và rừng đặc dụng như: Trạm bảo vệ rừng, công trình phòng chống cháy, phòng trừ sâu bệnh, vườn ươm, vv... Còn các công trình thuộc khu hành chính, công trình nuôi thả động vật hoang dã, công trình kết hợp du lịch sinh thái,... được đầu tư bằng nguồn vốn khác.

- Về kinh phí quản lý dự án:

+ Kinh phí quản lý dự án được chi cho các hoạt động điều hành dự án bao gồm:

* Khảo sát xây dựng dự án, thẩm định và xét duyệt dự án.

* Các chi phí tập huấn, hội nghị sơ kết, tổng kết; thông tin, tuyên truyền, thi đua khen thưởng.

* Bổ xung 1 số trang thiết bị cần thiết, văn phòng phẩm và chi phí cho hoạt động quản lý chỉ đạo chung.

* Phụ cấp, trợ cấp, công tác phí, ... theo chế độ hành chính sự nghiệp cho cán bộ Ban quản lý dự án rừng phòng hộ, đặc dụng, Ban quản lý dự án cấp tỉnh.

* Trợ cấp cho cán bộ Lâm nghiệp xã.

+ Tỷ lệ phân bổ kinh phí quản lý dự án quy định cụ thể như sau:

* Chủ dự án rừng phòng hộ, đặc dụng ở cơ sở là 6% tổng mức đầu tư vốn ngân sách cho dự án. Đây là mức bình quân, những dự án nằm ở địa bàn xa xôi, khó khăn và cán bộ quản lý dự án không hưởng lương sự nghiệp thì được phân bổ tỷ lệ cao hơn so với dự án ở địa bàn thuận lợi hoặc cán bộ quản lý dự án thuộc biên chế lương sự nghiệp, mức cụ thể do Uỷ ban Nhân dân tỉnh quyết định.

* Tỉnh, huyện, xã là 1,3% tổng mức ngân sách của chương trình dành cho mỗi địa phương. Nguồn vốn này được sử dụng cho hoạt động của Ban quản lý dự án cấp tỉnh và trợ cấp cho cán bộ Lâm nghiệp xã. Số xã được trợ cấp và mức trợ cấp do Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định, nhưng tối đa không vượt định suất cho cán bộ đầu ngành của xã.

* Các ngành của Trung ương là 0,7% , ( bao gồm cả hệ thống Kho bạc phục vụ dự án ) để chi phí cho hoạt động của Ban điều hành dự án Trung ương, tổng kết thi đua khen thưởng.

- Vốn chuẩn bị giống:

Vốn chuẩn bị cây giống được ứng trước của chương trình 327, các ngành các địa phương xác định chính xác số vốn đã được cấp, tình hình sử dụng, số còn lại quyết toán vào cuối năm 1998 để chuyển sang dự án trồng mới 5 triệu ha rừng.

- Trình tự cấp phát vốn ngân sách.

Để đảm bảo dự án trồng rừng thực hiện đạt kết quả, việc cấp phát vốn ngân sách được quy định như sau:

+ Để được cấp phát vốn, dự án phải có các tài liệu sau:

* Quyết định phê duyệt dự án của cấp có thẩm quyền.

* Văn bản giao kế hoạch hàng năm về vốn và khối lượng của tỉnh đối với dự án địa phương; của Bộ, ngành Trung ương đối với dự án trung ương.

* Thiết kế, dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

* Biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành của Hội đồng nghiệm thu cấp tỉnh do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng các ngành hữu quan của tỉnh. (Thành phần cụ thể của hội đồng nghiệm thu do UBND tỉnh quyết định; Kho bạc nhà nước không tham gia hội đồng nghiệm thu cấp tỉnh). Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ ban hành quy trình nghiệm thu các công trình lâm sinh.

* Hồ sơ chứng từ khác có liên quan.

+ Việc cấp phát vốn thực hiện qua hệ thống kho bạc Nhà nước theo chế độ quản lý ngân sách Nhà nước hiện hành phù hợp với phương thức cấp phát vốn đã được quy định tại Quyết định 661/ QĐ-TTg ngày 29/07/1998 của Thủ tướng Chính phủ.

+ Vốn bố trí cho dự án năm nào được cấp phát cho khối lượng hoàn thành đến ngày 31/12 của năm đó, nguồn vốn còn lại được thu hồi để quyết toán với ngân sách Nhà nước.

Bộ Tài chính sẽ có thông tư quy định cụ thể về quản lý, cấp phát vốn ngân sách nhà nước cho dự án trồng mới 5 triệu ha rừng.

b- Về vốn tín dụng đầu tư

- Các cá nhân, các tổ chức đầu tư vào lĩnh vực trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh kết hợp trồng bổ sung, trồng cây công nghiệp lâu năm và cây lấy quả trên đất hoang hoá đồi núi trọc, phát triển các cơ sở chế biến Lâm nông sản, được hưởng các chế độ ưu đãi quy định tại Luật khuyến khích đầu tư trong nước ( sửa đổi tháng 5 năm 1998), văn bản hướng dẫn dưới Luật thực hiện từ ngày 1/1/1999.

- Điều kiện được hưởng các chính sách của luật khuyến khích đầu tư:

+ Các cá nhân, tổ chức, công ty kinh doanh được nhà nước Trung ương hoặc địa phương giao đất và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (hoặc thuê đất) theo Luật Đất đai.

+ Vùng đất phát triển Lâm nông nghiệp nằm trong quy hoạch phát triển nguyên liệu, chế biến tập trung, và có dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

+ Căn cứ vào Luật Khuyến khích đầu tư và dự án được duyệt, Uỷ ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ, ngành liên quan cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư kèm với giấy đăng ký sản xuất kinh doanh của cá nhân hoặc doanh nghiệp.

- Quyền lợi và nghĩa vụ của nhà đầu tư:

+ Nhà đầu tư có quyền lợi:

* Được miễn giảm từ 50-100% tiền thuế sử dụng đất, tiền thuê đất, thời gian từ 3 năm trở lên đến hết chu kỳ trồng rừng tuỳ thuộc mức độ khó khăn của địa bàn nhận đất.

* Được miễn thuế đất chu kỳ trồng rừng đầu tiên đối với vùng sâu, vùng xa, để trồng rừng sản xuất. Được dùng quyền sử dụng đất làm tài sản thế chấp để vay vốn.

Lãi suất vay được quy định hàng năm từ nguồn ưu đãi của luật khuyến khích đầu tư trong nước.

Được vay với mức tối đa không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án được duyệt. Trường hợp được vay với mức cao hơn phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

+ Nhà đầu tư có nghĩa vụ:

* Sản xuất kinh doanh trồng rừng phải theo đúng nội dung nhiệm vụ của dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

* Phải tuân thủ mọi quy định về bảo vệ quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường, luật lao động...

* Trường hợp các nhà đầu tư không thực hiện được các yêu cầu, nội dung, tiến độ của dự án được duyệt thì cơ quan chủ quản dự án sẽ xem xét cụ thể để điều chỉnh từng phần hoặc huỷ bỏ toàn bộ các ưu đãi đối với nhà đầu tư.

- Về hạn mức vốn vay ưu đãi theo luật khuyến khích đầu tư trong nước.

Thực hiện theo các văn bản hướng dẫn dưới luật về mức đầu tư và lãi suất đối với từng đối tượng.

Ngoài nguồn vốn vay ưu đãi nêu trên, theo Luật khuyến khích đầu tư trong nước các dự án trồng rừng sản xuất còn được vay vốn tín dụng ưu đãi từ quỹ hỗ trợ đầu tư quốc gia, các nguồn vốn ưu đãi khác.

c- Vốn từ nguồn ODA

- Nguồn tài chính do các tổ chức quốc tế và các nước cho Việt Nam vay, được ưu tiên cho dự án trồng rừng sản xuất vay hoặc vay lại với lãi suất ưu đãi.

- Điều kiện vay, mức lãi suất và thời gian thu hồi sẽ được quy định trong từng dự án phù hợp với pháp luật của Việt Nam và thoả thuận của bên cho vay.

d- Vốn từ nguồn FDI

Nguồn vốn FDI (Vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài) được quy định rõ trong Luật đầu tư nước ngoài ( sửa đổi) ưu tiên cho các dự án trồng rừng nguyên liệu tập trung gắn với công nghiệp chế biến với các hình thức đầu tư (100% vốn nước ngoài, liên doanh và hợp tác kinh doanh)

4. Chính sách hưởng lợi và tiêu thụ sản phẩm.

a- Đối với rừng phòng hộ, đặc dụng.

Ngoài các chính sách quy định tại khoản 2 điều 7 của quyết định 661 /QĐ-TTg ngày 29/07/1998 của Thủ tướng Chính phủ, các hộ nhận khoán trồng rừng phòng hộ còn được hưởng sản phẩm tỉa thưa, nếu rừng phòng hộ trồng cây hỗn loại, đã đảm bảo có trên 600 cây phòng hộ, thì sẽ được hưởng 100% sản phẩm các cây phù trợ trồng trong rừng phòng hộ; nếu cây phòng hộ là cây lấy quả, cây lấy nhựa, lấy hoa thì người nhận khoán được hưởng sản phẩm hoa, quả, dầu, nhựa.

b- Đối với rừng sản xuất.

Thực hiện theo khoản 2 điều 7 của quyết định 661/QĐ-TTg ngày 29/07/1998 của Thủ tướng Chính phủ.

5. Về chính sách thuế.

Thực hiện như điều 8 của quyết định 661/QĐ-TTg ngày 29/07/1998 của Thủ tướng Chính phủ.

6. Về chính sách khoa học và công nghệ.

Ngoài những chính sách như quy định tại điều 9 của quyết định 661/QĐ-TTg ngày 29/07/1998 của Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng hoàn chỉnh mạng lưới sản xuất, cung ứng giống có chất lượng ở địa phương và hoàn thiện quy trình quy phạm trồng các loại cây của địa phương mình.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ QUẢN LÝ DỰ ÁN

1. Bộ máy quản lý dự án ở địa phương và Bộ Ngành.

a- Bộ máy quản lý dự án ở địa phương thực hiện theo điều 12 của quyết định 661/ QĐ-TTg ngày 29/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ.

b- Ban quản lý dự án cấp tỉnh được thành lập theo quyết định của Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh và là cơ quan giúp Ban điều hành tỉnh trong việc chỉ đạo thực hiện dự án, đặt tại Chi cục Phát triển Lâm nghiệp .

Nơi không có Chi cục Phát triển Lâm nghiệp, thì Ban quản lý dự án cấp tỉnh đặt tại Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ban này nằm trong biên chế và quỹ lương sự nghiệp của tỉnh. ở Tỉnh, Thành phố nào chỉ có một đến hai dự án cơ sở thì Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố không cần thành lập Ban Quản lý dự án cấp tỉnh mà giao chức năng quản lý này cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đảm nhiệm.

c- Ban quản lý dự án cấp Tỉnh giúp cho Ban điều hành thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Xây dựng và tổng hợp kế hoạch dài hạn, trung hạn và hàng năm trình Uỷ ban nhân dân tỉnh. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư phân bổ kế hoạch và vốn đầu tư hàng năm trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định giao nhiệm vụ cụ thể cho các dự án cơ sở.

- Chỉ đạo và điều hành thực hiện dự án trong phạm vi toàn tỉnh, kiểm tra các dự án cơ sở.

- Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan của Tỉnh để giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dự án.

- Xây dựng báo cáo định kỳ theo quy định. Tổ chức các cuộc họp của Ban điều hành dự án.

- Căn cứ hướng dẫn trên, Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ và quy chế hoạt động của Ban quản lý dự án cấp tỉnh.

d- ở các xã tham gia dự án trồng rừng có quy mô trên 500 ha hoặc có trên 1000 ha rừng cần bảo vệ (trừ những xã đã bố trí kiểm lâm viên) do Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định được bố trí 1 cán bộ lâm nghiệp chuyên trách giúp Uỷ ban nhân dân xã thực hiện công tác lâm nghiệp của dự án bảo vệ, trồng rừng và được hưởng một khoản phụ cấp từ nguồn kinh phí quản lý dự án. Số xã được bố trí cán bộ chuyên trách do Uỷ ban nhân dân Tỉnh quyết định. Trường hợp dưới mức quy định trên thì giao cho các Nông Lâm trường gần nhất để tổ chức thực hiện, nhưng phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền sở tại.

e- Ban quản lý dự án cơ sở do Bộ, Ngành hoặc UBND tỉnh quyết định thành lập có biên chế gọn nhẹ gồm giám đốc, kế toán trưởng và một số thành viên chỉ đạo hiện trường. Ban quản lý dự án cơ sở là đơn vị có tư cách pháp nhân, có tài khoản riêng. Ban quản lý dự án nào hiện đang hưởng kinh phí sự nghiệp của tỉnh thì tỉnh tiếp tục bố trí kinh phí sự nghiệp để hoạt động, Ban quản lý dự án nào không được hưởng kinh phí sự nghiệp thì trích trong kinh phí dự án để hoạt động.

f- Các Bộ Ngành có thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng thì thành lập Ban quản lý dự án như với cấp tỉnh để chỉ đạo, điều hành, không thành lập Ban điều hành dự án.

2. Chuyển giao các Ban chỉ đạo, ban quản lý chương trình 327 sang dự án trồng mới 5 triệu ha rừng.

Ban chỉ đạo chương trình 327 các cấp cần khẩn trương hoàn thành các công việc sau đây:

- Chỉ đạo việc thực hiện và hoàn thành kế hoạch năm 1998 chương trình 327 trước ngày 31/12/1998.

- Tổng kết việc thực hiện Chương trình 327 ở địa phương để rút ra những bài học kinh nghiệm giúp cho Ban điều hành và Ban quản lý dự án trồng mới 5 triệu ha rừng tổ chức thực hiện đạt kết quả.

- Tiến hành bàn giao cho Ban điều hành dự án mới.

3. Sắp xếp các dự án chương trình 327 chuyển tiếp sang dự án trồng mới 5 triệu ha rừng.

a- Các dự án 327 là rừng đặc dụng trong khi chờ Thủ tướng Chính phủ sửa đổi quyết định 194/CT thì được tiếp tục đầu tư theo dự án được duyệt.

b- Các dự án chương trình 327 là rừng phòng hộ thì cần rà soát sắp xếp lại như sau: Dự án nào nằm trong vùng quy hoạch là vùng phòng hộ rất xung yếu và xung yếu, và hoạt động có hiệu quả, thì chuyển tiếp sang thực hiện theo dự án này.

Những dự án không nằm trong vùng phòng hộ rất xung yếu và xung yếu, hoặc diện tích thuộc phòng hộ xung yếu, rất xung yếu chiếm tỉ lệ ít thì lồng ghép vào các dự án khác, chuyển sang dự án rừng sản xuất hoặc giải thể.

c- Uỷ ban nhân dân các tỉnh và các Bộ ngành liên quan chủ động đánh giá sắp xếp các dự án 327 và lập danh sách chuyển sang dự án trồng mới 5 triệu ha rừng trình Ban điều hành Trung ương trong năm 1999 để thực hiện từ năm 2000. Các dự án chuyển sang dự án trồng mới 5 triệu ha rừng đều phải lập tổng dự toán theo cơ chế chính sách của quyết định 661/QĐ-TTg trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý đầu tư và xây dựng.

4. Xây dựng tổng hợp giao kế hoạch hàng năm.

a- Xây dựng tổng hợp kế hoạch.

Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ Ngành liên quan xây dựng và tổng hợp kế hoạch dự án trồng mới 5 triệu ha rừng của địa phương, Bộ, Ngành mình gửi về Ban chỉ đạo Nhà nước và Ban điều hành Trung ương - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bộ Tài chính trước thời hạn Chính phủ quy định 15 ngày để tổng hợp trình Nhà nước.

b- Nội dung kế hoạch trình bao gồm:

- Đánh giá tình hình thực hiện từ khởi công đến năm kế hoạch và ước thực hiện năm kế hoạch (theo nội dung kế hoạch đã được giao)

- Phương án kế hoạch năm sau:

+ Các chỉ tiêu bảo vệ rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, khoanh nuôi có trồng bổ sung cây công nghiệp lâu năm, cây đặc sản, cây lấy quả và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có kết hợp trồng bổ sung cây lâm nghiệp.

+ Trồng rừng mới gồm :

* Diện tích trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng

* Diện tích trồng rừng sản xuất phân theo các loại: nguyên liệu cho công nghiệp (nguyên liệu giấy, dăm, ván nhân tạo,...), gỗ trụ mỏ, gỗ lớn, gỗ quý hiếm, rừng đặc sản,...

* Diện tích trồng cây công nghiệp dài ngày và cây lấy quả (phân ra : Cao su, điều, ca cao, cà phê, chè , cây lấy quả ... )

+ Chăm sóc rừng và cây công nghiệp :

* Diện tích chăm sóc rừng phòng hộ, đặc dụng.

* Diện tích chăm sóc rừng sản xuất.

* Diện tích chăm sóc cây công nghiệp và cây lấy quả.

+ Cơ cấu nguồn vốn :

* Vốn cho trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh kết hợp trồng bổ sung, từ nguồn ngân sách Nhà nước (cho rừng phòng hộ, rừng đặc dụng), vốn trồng cây gỗ quý hiếm.

* Vốn ODA, Phân ra :

�span> Vốn không hoàn lại ( PAM, Đức,...).

�span> Vốn vay của ADB ,WB (NH Châu á, Ngân hàng Thế giới,...).

* Vốn FDI (Vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài).

* Vốn tín dụng đầu tư ưu đãi .

�span> Cho trồng và chăm sóc rừng sản xuất.

�span> Cho trồng và chăm sóc cây CN, cây lấy quả.

* Vốn tự có của các doanh nghiệp.

* Vốn từ nguồn thuế tài nguyên, tiền bán cây đứng.

* Vốn xây dựng hạ tầng phục vụ lâm sinh.

* Vốn nghiên cứu khoa học, khuyến Lâm Nông.

* Vốn thiết kế phí cho rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

* Vốn sự nghiệp quản lý .

Riêng kinh phí cho công tác đo đạc lập bản đồ địa chính do Tổng cục Địa chính xây dựng kế hoạch hàng năm để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

+ Danh mục các dự án.

5. Việc giao kế hoạch.

Sau khi Quốc hội đã thông qua tổng mức vốn dành cho dự án, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phân bố chỉ tiêu kế hoạch và vốn đầu tư cho các địa phương và các Bộ, Ngành trình Chính phủ giao kế hoạch.

- Thủ tướng Chính phủ giao tổng mức vốn đầu tư cho các Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ nghành.

- Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư giao chỉ tiêu hướng dẫn:

+ Mục tiêu nhiệm vụ;

+ Cơ cấu vốn;

+ Danh mục dự án cơ sở.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng các ngành giao chỉ tiêu kế hoạch cụ thể cho các chủ dự án trực tiếp quản lý.

Chỉ tiêu kế hoạch giao bao gồm:

a- Các nhiệm vụ: Bảo vệ, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh kết hợp trồng bổ sung, chăm sóc rừng, trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất, trồng cây công nghiệp lâu năm, cây lấy quả.

b- Cơ cấu vốn: Vốn ngân sách cho rừng phòng hộ đặc dụng, vốn vay tín dụng, vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, vốn viện trợ không hoàn lại, vốn vay và vốn nghiên cứu khoa học, khuyến lâm khuyến nông, thiết kế và quản lý phí.

c- Danh mục dự án cơ sở:

- Dự án trồng rừng phòng hộ, đặc dụng và gỗ quý hiếm.

- Dự án trồng rừng sản xuất

- Dự án trồng cây công nghiệp lâu năm và cây lấy quả .

6. Chế độ báo cáo (Theo mẫu chung của Ban Điều hành Trung ương):

a- Ngày 15 hàng tháng, chủ dự án có trách nhiệm báo cáo nhanh các kết quả, chỉ tiêu khối lượng tiền vốn lên ban quản lý dự án cấp tỉnh.

b- Cơ quan chủ quản (Ban điều hành tỉnh, thành phố, Bộ ngành Trung ương) tổng hợp báo cáo hàng tháng gửi Ban điều hành dự án Trung ương chậm nhất là ngày 20 hàng tháng.

c- Ngày 20 hàng tháng, Ban điều hành Trung ương tổng hợp và báo cáo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban chỉ đạo Nhà nước Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng và Thủ tướng Chính phủ.

d- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tổng hợp báo cáo 6 tháng, năm trình Thủ tướng Chính phủ.

IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

- Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký.

- Các Bộ ngành liên quan và địa phương căn cứ tình hình cụ thể có thể có văn bản hướng dẫn riêng cho những vấn đề theo chức năng, nhiệm vụ quản lý của ngành mình, địa phương mình.

Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc cần kịp thời có văn bản báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xem xét giải quyết.

Nguyễn Thị Kim Ngân

(Đã ký)

Nguyễn Xuân Thảo

(Đã ký)

Nguyễn Văn Đẳng

(Đã ký)