Thông tư liên tịch số 06/1998/TTLT-TCBĐ-TCHQ ngày 11/12/1998 giữa Bộ trưởng Bộ Tài chính và Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Về việc làm thủ tục hải quan đối với bưu phẩm, bưu kiện, vật phẩm, hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính và chuyển phát nhanh (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 06/1998/TTLT-TCBĐ-TCHQ
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Cơ quan ban hành: Tổng cục Bưu điện, Tổng cục Hải quan
- Ngày ban hành: 11-12-1998
- Ngày có hiệu lực: 26-12-1998
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 22-06-2004
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2005 ngày (5 năm 6 tháng 0 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 22-06-2004
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
TỔNG CỤC BƯU ĐIỆN-TỔNG CỤC HẢI QUAN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Hà Nội , ngày 11 tháng 12 năm 1998 |
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
CỦA TỔNG CỤC BƯU ĐIỆN - TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 06/1998/TTLT-TCBĐ-TCHQ NGÀY 11 THÁNG 12 NĂM 1998 VỀ VIỆC LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI BƯU PHẨM, BƯU KIỆN, VẬT PHẨM, HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU GỬI QUA DỊCH VỤ BƯU CHÍNH VÀ CHUYỂN PHÁT NHANH
Căn cứ Pháp lệnh Hải quan ngày 24-2-1990;
Căn cứ Nghị định số 109/1997/NĐ-CP ngày 12-11-1997 của Chính phủ về Bưu chính Viễn thông;
Tổng cục Bưu điện và Tổng cục Hải quan thống nhất qui định trách nhiệm, mối quan hệ công tác trong việc làm thủ tục hải quan đối với bưu phẩm, bưu kiện, vật phẩm, hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính và chuyển phát nhanh như sau:
I. QUI ĐỊNH CHUNG
1. Đối tượng chịu sự điều chỉnh của Thông tư này là:
- Chủ hàng có bưu phẩm, bưu kiện, vật phẩm, hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu (dưới đây còn gọi là người gửi khi xuất khẩu hay người nhận khi nhập khẩu);
Các doanh nghiệp được phép kinh doanh các dịch vụ bưu phẩm, bưu kiện, dịch vụ chuyển phát nhanh vật phẩm, hàng hoá, và dịch vụ bưu chính uỷ thác quốc tế (dưới đây gọi là doanh nghiệp) - là đại diện của chủ hàng;
- Người khác được chủ hàng uỷ quyền hợp pháp.
2. Các đối tượng nêu trên khi xuất khẩu, nhập khẩu bưu phẩm (trừ thư), bưu kiện, vật phẩm, hàng hoá đều phải:
- Làm thủ tục hải quan; chịu sự kiểm tra, giám sát và quản lý của cơ quan Hải quan;
- Nộp đủ thuế và lệ phí;
- Thực hiện đầy đủ các thủ tục qui định của cơ quan quản lý chuyên ngành theo qui định của pháp luật.
3. Vật phẩm, hàng hoá gửi trong bưu phẩm, bưu kiện hoặc trong các kiện hàng xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính và chuyển phát nhanh là vật phẩm, hàng hoá không thuộc Danh mục cấm xuất, cấm nhập của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không thuộc Danh mục cấm nhập khẩu của nước nhận và quy định cấm gửi của Điều ước quốc tế mà Nhà nước Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết.
Đối với vật phẩm, hàng hoá thuộc Danh mục của cơ quan quản lý chuyên ngành thì cơ quan Hải quan hướng dẫn các đối tượng nêu tại điểm 1 trên đây liên hệ và làm thủ tục với cơ quan quản lý chuyên ngành theo qui định. Trường hợp xác định rõ không có nội dung vi phạm qui định quản lý chuyên ngành trong vật phẩm, hàng hoá thì cơ quan Hải quan tiến hành hoàn tất thủ tục.
4. Việc miễn thuế, thu thuế và hoàn thuế; việc thu lệ phí hải quan và các khoản thu khác phải thực hiện theo qui định hiện hành của Nhà nước, hướng dẫn thực hiện của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan. Cơ quan Hải quan niêm yết công khai các qui định nêu trên tại những nơi làm thủ tục.
Doanh nghiệp thuộc ngành Bưu điện được hưởng thù lao khi thu hộ các loại thuế và lệ phí cho ngành Hải quan tại những nơi không có tổ chức Hải quan theo mức qui định (1%) trên số thuế và lệ phí đã thu hộ. Doanh nghiệp sở tại thuộc ngành Bưu điện có trách nhiệm cuối mỗi năm tập hợp số tiền thuế, lệ phí đã thu hộ có xác nhận của Hải quan bưu điện gửi Cục Hải quan tỉnh, thành phố để làm cơ sở chuyển trả khoản thù lao được hưởng.
Tổng cục Hải quan hàng năm dự trù thêm nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước cấp cho ngành Hải quan để bù số tiền thù lao do ngành Bưu điện thu hộ thuế, lệ phí (1%). Cục Hải quan tỉnh, thành phố có trách nhiệm lập dự toán năm về nguồn chi trả, hàng năm chuyển số tiền thù lao trả cho doanh nghiệp sở tại thuộc ngành bưu điện đồng thời cuối mỗi năm tổng hợp quyết toán với Tổng cục Hải quan.
5. Trách nhiệm của Tổng cục Bưu điện:
5.1. Tổng cục Bưu điện căn cứ quy định hiện hành và sau khi thống nhất với Tổng cục Hải quan ra Quyết định thành lập Bưu cục Ngoại dịch, Bưu cục Kiểm quan, Bưu cục Cửa khẩu.
5.2. Tổng cục Bưu điện chỉ đạo các doanh nghiệp bố trí cho Hải quan bưu điện địa điểm làm việc, mặt bằng kiểm tra hàng hoá, nơi đặt máy kiểm tra, kho tạm giữ hàng chờ xử lý phù hợp với điều kiện hiện có; tạo điều kiện thuận lợi cho Hải quan Bưu điện thực hiện yêu cầu nghiệp vụ quản lý hải quan.
6. Trách nhiệm của Tổng cục Hải quan:
6.1. Căn cứ qui định của Chính phủ về Địa điểm kiểm tra hải quan ngoài khu vực cửa khẩu, Tổng cục Hải quan ra quyết định công nhận Địa điểm kiểm tra hải quan tại Đại lý chuyển phát nhanh, bưu chính uỷ thác và Công ty liên doanh.
6.2. Tổng cục Hải quan chỉ đạo Cục Hải quan các Tỉnh, Thành phố bố trí phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ và cán bộ Hải quan làm việc tại các Bưu cục Ngoaị dịch, Bưu cục Kiểm quan, Bưu cục Cửa khẩu, Địa điểm Kiểm tra hải quan để bảo đảm việc làm thủ tục hải quan đối với bưu phẩm, bưu kiện, vật phẩm, hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu được nhanh chóng, thuận lợi.
7. Việc phối hợp làm việc giữa Hải quan Bưu điện và doanh nghiệp sở tại:
7.1. Thời gian làm việc của Hải quan Bưu điện là thời gian làm việc theo giờ hành chính. Trường hợp do yêu cầu về thời gian khai thác bưu phẩm, bưu kiện, vật phẩm, hàng hoá ngoài giờ hành chính, Doanh nghiệp sở tại phải báo và đăng ký trước thời gian làm việc ngoài giờ với Hải quan Bưu điện. Căn cứ yêu cầu thực tế, Hải quan Bưu điện có trách nhiệm phân công nhân viên hải quan làm việc ngoài giờ theo thời gian đã đăng ký để phục vụ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và đảm bảo yêu cầu quản lý. Doanh nghiệp sở tại có trách nhiệm thanh toán chi phí làm việc ngoài giờ cho Hải quan Bưu điện phù hợp với Qui chế làm việc giữa hai bên.
7.2. Căn cứ vào nội dung của Thông tư này và điều kiện thực tế, Hải quan Bưu điện và doanh nghiệp sở tại xây dựng Qui chế làm việc trong quan hệ công tác giữa hai bên, trong đó có vấn đề thời gian làm việc của Hải quan và trách nhiệm thanh toán chi phí cho Hải quan bưu điện làm việc ngoài giờ hành chính qui định tại điểm 7.1 trên.
7.3. Cục Hải quan Tỉnh, Thành phố và Cục quản lý Bưu điện khu vực có trách nhiệm kiểm tra, giám sát và hàng năm tổng kết rút kinh nghiệm các nội dung trong công tác phối kết hợp làm việc giữa Hải quan và doanh nghiệp sở tại.
8. Một số từ ngữ trong Thông tư này được hiểu như sau:
8.1. Bưu cục Ngoại dịch là Bưu cục có trao đổi chuyển thư với bưu chính nước ngoài, đồng thời cũng là nơi làm thủ tục hải quan đối với bưu phẩm bưu kiện, vật phẩm, hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu gửi theo dịch vụ bưu chính.
8.2. Bưu cục Kiểm quan là Bưu cục làm thủ tục hải quan đối với các bưu phẩm, bưu kiện xuất khẩu, nhập khẩu gửi theo dịch vụ bưu chính, đồng thời tổ chức việc nhận gửi và phát bưu phẩm, bưu kiện xuất khẩu, nhập khẩu.
8.3. Bưu cục Cửa khẩu là Bưu cục được đặt ở cửa khẩu biên giới để làm nhiệm vụ giao nhận và trao đổi chuyển thư đường bộ giữa Việt Nam với nước láng giềng có chung biên giới, đồng thời làm thủ tục nhận gửi và phát bưu phẩm, bưu kiện xuất khẩu, nhập khẩu.
8.4. Địa điểm Kiểm tra hải quan là địa điểm nằm trong hay ngoài cơ sở kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh, dịch vụ bưu chính uỷ thác quốc tế được qui định để làm thủ tục hải qua đối với vật phẩm, hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua doanh nghiệp, đại lý và công ty liên doanh thực hiện dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế, các doanh nghiệp làm dịch vụ uỷ thác bưu chính quốc tế.
8.5. Dịch vụ bưu chính là dịch vụ nhận gửi và chuyển phát bưu phẩm, bưu kiện kể cả dịch vụ đặc biệt kèm bưu phẩm bưu kiện theo các qui định của Tổ chức liên minh bưu chính Thế giới (UPU).
8.5.1. Bưu phẩm bao gồm thư, bưu thiếp, gói nhỏ, ấn phẩm, học phẩm người mù.
a. Thư là bản chữ viết hoặc in mang nội dung thông tin giữa người gửi và người nhận. Thư được bỏ vào phong bì hoặc gói được dán kín. Thư có khối lượng tối đa là 2 kg. Trong thư không được đựng vật phẩm, hàng hoá hoặc ngoại tệ.
Thư gửi có dán tem bưu chính hoặc có đóng dấu của máy in cước thay tem là thư gửi theo dịch vụ cơ bản. Thư gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được thể hiện ký hiệu "Thư" hoặc "Letter".
b. Ấn phẩm là các bản chữ viết, bản in trên giấy hoặc trên vật liệu thường dùng cho ấn loát và được in hoặc sao chụp thành nhiều bản giống nhau. ấn phẩm khi gửi thường để ngỏ hoặc nếu gói kín một góc vỏ bọc phải được cắt ra để chứng minh nội dung bên trong. Ấn phẩm có khối lượng tối đa là 5 kilogram.
8.5.2. EMS là dịch vụ bưu phẩm chuyển phát nhanh có ấn định thời gian chuyển phát và được cung cấp theo qui định của UPU.
8.5.3. Một số dịch vụ đặc biệt sử dụng kèm bưu phẩm, bưu kiện như phát nhanh (EXPRESS), bưu phẩm không địa chỉ (chuyển phát ấn phẩm, quảng cáo),...
8.6. Dịch vụ Chuyển phát nhanh (được viết tắt là CPN) là dịch vụ hợp tác với các Công ty chuyển phát nhanh quốc tế để nhận gửi tại nơi giao dịch hoặc tại nhà, chuyển và phát nhanh đến địa chỉ nhận các ấn phẩm, tài liệu, chứng từ, thư, vật phẩm, hàng hoá, kể cả các kiện hàng nặng của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước (Door to Do or Services) theo thời gian đã được công bố trước.
8.7. Dịch vụ Bưu chính uỷ thác là dịch vụ mà chủ hàng thoả thuận và uỷ quyền cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bưu chính thực hiện một phần hay toàn bộ việc chấp nhận, chuyển phát vật phẩm, hàng hoá với các yêu cầu về địa điểm, phương tiện vận chuyển, thời gian giao nhận và các yêu cầu đặc biệt về tốc độ chuyển phát.
8.8. Hải quan bưu điện là tên gọi chung lực lượng Hải quan cấp cửa khẩu thực hiện quản lý Nhà nước về hải quan tại các Bưu cục Ngoại dịch, Bưu cục Kiểm quan và Bưu cục Cửa khẩu và tại các Địa điểm kiểm tra hải quan.
8.9. Bưu phẩm, bưu kiện, kiện hàng vô thừa nhận là:
- Những bưu phẩm, bưu kiện, kiện hàng nhập khẩu đã hoàn thành thủ tục nhập khẩu mà không phát được cho người nhận và cũng không thể hoàn lại được nước gốc vì mất địa chỉ hoặc do người gửi từ chối không nhận lại;
- Những bưu phẩm, bưu kiện, kiện hàng xuất khẩu bị các nước chuyển hoàn về Việt Nam quá thời hạn lưu giữ qui định mà không trả lại được cho người gửi hoặc do người gửi từ chối nhận.
II. DỊCH VỤ BƯU CHÍNH
(các dịch vụ nêu tại Điểm 8.5 phần I)
1. Nhập khẩu:
1.1. Thủ tục giao nhận, chuyển tiếp:
1.1.1. Hải quan cửa khẩu tại các cảng biển, cảng sông, cảng hàng không, cửa khẩu đường bộ, ga xe lửa liên vận quốc tế (dưới đây gọi chung là Hải quan cửa khẩu) căn cứ vào phiếu giao nhận chuyến thư máy bay (CN38), chuyến thư gửi qua đường thuỷ, bộ (CN37, CN41) có trách nhiệm giám sát việc giao nhận túi, gói bưu phẩm, bưu kiện, container nguyên đai kiện từ phương tiện vận chuyển giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bưu chính với cơ quan vận tải.
Hải quan cửa khẩu nhập đầu tiên căn cứ vào thực tế bưu phẩm, bưu kiện để lập và xác nhận vào 02 phiếu chuyển tiếp (theo mẫu do Tổng cục Hải quan ban hành); đồng thời mở sổ theo dõi, vào sổ theo thứ tự từng chuyến thư có ghi chép đầy đủ tình hình, kết quả giám sát trước khi chuyển tiếp cho Hải quan Bưu điện để làm thủ tục.
Trường hợp thiếu các phiếu CN37, CN38, CN41 nhân viên của doanh nghiệp căn cứ vào số túi, gói nhận thực tế để lập phiếu giao nhận CN37, CN38 hoặc CN41. Các phiếu mới này được lập trước sự chứng kiến và phải có xác nhận của Hải quan cửa khẩu nhập đầu tiên và cơ quan vận tải. Phiếu này cùng với phiếu chuyển tiếp do Hải quan cửa khẩu lập có giá trị cho chuyển tiếp số túi, gói đó về Bưu cục Ngoại dịch để làm thủ tục tiếp, hay để cơ quan Hải quan thực hiện việc kiểm tra khi có vi phạm pháp luật.
1.1.2. Kết thúc thủ tục giao nhận với chủ phương tiện vận tải, tuỳ phương tiện vận chuyển, bao bì chứa túi, gói bưu phẩm, bưu kiện mà Hải quan cửa nhập nhập dán niêm phong hoặc cặp chì để chuyển tiếp về Bưu cục Ngoại dịch. Nếu phương tiện vận chuyển không thể niêm phong được hoặc vì lý do an ninh thì Hải quan cửa khẩu nhập phải cử người đi áp tải.
1.1.3. Trường hợp túi, gói bưu phẩm, bưu kiện, container gửi theo đường biển, đường hàng không, đường bộ, đường xe lửa quốc tế mà phải chuyển tiếp đến Bưu cục Ngoại dịch có địa chỉ không cùng địa phương với cửa khẩu nhập đầu tiên thì Hải quan cửa khẩu căn cứ CN37, CN38, CN41 để lập phiếu chuyển tiếp ngay tại cửa khẩu giao cho cơ quan vận tải.
1.1.4. Trường hợp túi, gói bưu phẩm, bưu kiện khi giao nhận hoặc đã nhập kho cảng nhưng bị mất niêm phong gốc hoặc bị thủng, rách, ướt, thừa, thiếu so với phiếu giao nhận thì Hải quan cửa khẩu nhập có trách nhiệm xác nhận vào biên bản được lập giữa bên giao (Cơ quan vận tải hay thương vụ cảng) và bên nhận (nhân viên của doanh nghiệp). Hải quan thực hiện niêm phong cho chuyển về Bưu cục Ngoại dịch.
Trường hợp khi nhận container với cơ quan vận tải, niêm phong nguyên vẹn, nhưng khi dỡ hàng để xếp lên xe chuyên dùng của doanh nghiệp, mà phát hiện thừa, thiếu hoặc túi gói bị suy suyển thì nhân viên của doanh nghiệp lập biên bản về số túi, gói nhận thực tế hoặc số túi bị suy suyển và Hải quan cửa khẩu nhập giám sát, ký xác nhận vào biên bản đó. Số túi gói suy suyển được Hải quan niêm phong chuyển về Bưu cục Ngoại dịch.
1.2. Thủ tục hải quan tại Bưu cục Ngoại dịch:
Căn cứ phiếu chuyển tiếp do Hải quan cửa khẩu lập, Hải quan bưu điện kiểm tra tình trạng niêm phong trước khi phá bỏ nhãn niêm phong hoặc cắt cặp chì của Hải quan cửa khẩu nhập trước sự chứng kiến của doanh nghiệp. Hải quan bưu điện giám sát từ khi túi, gói bưu phẩm, bưu kiện được đỡ từ phương tiện vận chuyển cho đến khi doanh nghiệp khai thác xong và xác nhận vào 01 phiếu chuyển tiếp chuyển trả Hải quan cửa khẩu nhập để theo dõi.
Túi, gói bưu phẩm, bưu kiện khi khai thác được phân thành bốn loại:
a. Chuyển tiếp tới nước thứ ba (quá cảnh);
b. Chuyển tiếp tới Bưu cục Ngoại dịch khác ở trong nước;
c. Chuyển tiếp tới các Bưu cục Kiểm quan, Bưu cục Cửa khẩu;
d. Bưu phẩm, bưu kiện có địa chỉ người nhận tại những tỉnh, thành phố không có Bưu cục Kiểm quan được làm thủ tục hải quan ngay tại Bưu cục Ngoại dịch nhận bưu phẩm, bưu kiện.
Hải quan bưu điện liên tục giám sát các túi, gói bưu phẩm, bưu kiện cho đến khi làm xong thủ tục chuyển tiếp tới nước thứ ba, tới Bưu cục Ngoại dịch khác, Bưu cục Kiểm quan, Bưu cục Cửa khẩu và hoàn thành thủ tục hải quan cho các bưu phẩm, bưu kiện có địa chỉ nhận tại những nơi không có Hải quan bưu điện.
Đối với bưu phẩm, bưu kiện là tài liệu, sách báo, ấn phẩm, băng đĩa có trị giá dưới mức miễn thuế qui định cho bưu phẩm, bưu kiện thì sau khi đã hoàn tất thủ tục với cơ quan quản lý chuyên ngành hoặc sau khi cơ quan Hải quan đã xác định rõ không có nội dung vi phạm quy định quản lý chuyên ngành thì doanh nghiệp chỉ khai báo tổng số bưu phẩm, bưu kiện trong mỗi ngày vào chung một bộ tờ khai với Hải quan bưu điện có kèm theo danh mục hàng của từng bưu phẩm, bưu kiện.
1.3. Thủ tục hải quan trong trường hợp doanh nghiệp thay mặt người nhận:
1.3.1. Những bưu phẩm, bưu kiện có địa chỉ nhận ở những nơi không có Hải quan Bưu điện do Bưu cục Ngoại dịch, Bưu cục Kiểm quan, Bưu cục Cửa khẩu thay mặt người nhận để làm thủ tục nhập khẩu, phải nộp trước cho Hải quan số tiền thuế và lệ phí mà người nhận phải nộp theo qui định, phải thực hiện đầy đủ các qui định của cơ quan quản lý chuyên ngành. Sau khi hoàn thành thủ tục hải quan, các bưu phẩm, bưu kiện đó do doanh nghiệp quản lý và tổ chức chuyển phát đến người nhận.
1.3.2. Trường hợp bưu phẩm, bưu kiện không phát được cho người nhận sau thời hạn lưu giữ theo qui định thì sau khi được chuyển hoàn, doanh nghiệp yêu cầu Hải quan Bưu điện làm thủ tục kiểm lại bưu phẩm, bưu kiện. Cục Hải quan tỉnh, thành phố làm thủ tục trả lại cho doanh nghiệp số tiền thuế và lệ phí đã ứng trước trong thời hạn sớm nhất theo quy định về hoàn thuế của Bộ Tài chính, đồng thời cuối mỗi năm tổng hợp quyết toán với Tổng cục Hải quan.
1.4. Thủ tục hải quan trong trường hợp có mặt người nhận:
Nhân viên của doanh nghiệp cùng người nhận xuất trình bưu phẩm, bưu kiện để Hải quan kiểm tra. Doanh nghiệp chỉ làm thủ tục phát bưu phẩm, bưu kiện sau khi đã hoàn thành thủ tục nhập khẩu. Trường hợp khi đang làm hoặc đã hoàn thành thủ tục hải quan mà người nhận từ chối nhận bưu phẩm, bưu kiện đó thì Hải quan chuyển trả lại doanh nghiệp để làm thủ tục hoàn trả nước gốc theo qui định của Thể lệ bưu chính quốc tế, trừ vật phẩm, hàng hoá vi phạm qui định tại điểm 3 phần I Thông tư này.
2. Xuất khẩu:
2.1. Thủ tục hải quan đối với bưu phẩm, bưu kiện chuyển đến từ các nơi không có Hải quan Bưu điện:
Bưu phẩm, bưu kiện chưa làm thủ tục hải quan từ các địa phương không có Hải quan bưu điện chuyển đến thì doanh nghiệp thay mặt người gửi làm thủ tục hải quan với Hải quan bưu điện.
Nếu bưu phẩm, bưu kiện phải thu thuế và lệ phí hải quan thì doanh nghiệp sở tại ứng trước để nộp cho Hải quan và được hưởng thù lao theo qui định tại điểm 4 phần I Thông tư này.
Nếu vật phẩm, hàng hoá gửi trong bưu phẩm, bưu kiện không đủ điều kiện xuất khẩu thì Hải quan bưu điện ghi rõ lý do. Doanh nghiệp sở tại làm thủ tục hoàn trả bưu cục gốc để trả lại người gửi. Trường hợp vật phẩm, hàng hoá vi phạm như qui định tại Điểm 3 phần I Thông tư này thì tuỳ mức độ sẽ bị xử lý theo qui định hiện hành.
2.2. Nhận gửi tại nơi có Hải quan Bưu điện:
2.2.1. Tại Bưu cục Kiểm quan: người gửi làm thủ tục hải quan và doanh nghiệp làm thủ tục nhận gửi theo qui định hiện hành. Bưu phẩm bưu kiện sau khi hoàn thành thủ tục hải quan được chuyển đến Bưu cục Ngoại dịch để làm thủ tục đóng chuyến thư gửi ra nước ngoài.
2.2.2 Tại Bưu cục Ngoại dịch, Bưu cục Cửa khẩu: người gửi làm thủ tục hải quan và doanh nghiệp làm thủ tục nhận gửi theo qui định hiện hành. Bưu phẩm bưu kiện đã hoàn thành thủ tục hải quan từ nơi khác chuyển đến không phải làm lại thủ tục hải quan mà chỉ kiểm tra nhãn niêm phong, cặp chì. Trường hợp có nghi vấn, Hải quan có thể làm thủ tục tái kiểm trước sự chứng kiến của doanh nghiệp.
Bưu cục Cửa khẩu chỉ làm thủ tục đóng chuyển thư đối với những bưu phẩm, bưu kiện của địa phương mình gửi tỉnh giáp biên của nước láng giềng theo bản thoả thuận chi tiết giữa bưu điện địa phương của hai nước Bưu phẩm, bưu kiện gửi đi các nước khác được chuyển về Bưu cục Ngoại dịch như nêu trên.
Bưu phẩm, bưu kiện sau khi hoàn thành thủ tục hải quan được đóng chuyến thư gửi ra nước ngoài theo Thể lệ bưu chính quốc tế, có sự giám sát của Hải quan. Tuỳ theo phương tiện vận chuyển, Hải quan thực hiện chế độ giám sát thích hợp đảm bảo túi gói bưu phẩm, bưu kiện đó tới cửa khẩu như qui định tại điểm 1.1.2 phần II thông tư này.
Bưu phẩm, bưu kiện không phát được cho người nhận phải chuyển hoàn về Việt Nam, Hải quan Bưu điện làm thủ tục kiểm lại trước khi phát hoàn người gửi.
2.2.3. Tại Cửa khẩu xuất: Hải quan cửa khẩu tại cảng hàng không, cảng biển, cảng sông, ga xe lửa liên vận quốc tế, cửa khẩu đường bộ căn cứ vào phiếu giao nhận (CN38, CN37, CN41) và phiếu chuyển tiếp do Hải quan Bưu điện lập để nhanh chóng làm thủ tục xuất và giám sát túi gói bưu phẩm, bưu kiện đó cho đến khi thực xuất.
Hải quan cửa khẩu xuất có trách nhiệm xác nhận nội dung thực xuất trên phiếu chuyển tiếp để gửi cho Hải quan Bưu điện.
III. VẬT PHẨM, HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU THUỘC DỊCH VỤ CHUYỂN PHÁT NHANH VÀ BƯU CHÍNH UỶ THÁC
1. Hải quan cửa khẩu tại các cảng hàng không, cảng biển, cảng sông, ga xe lửa liên vận quốc tế, cửa khẩu đường bộ và Hải quan bưu điện phải bảo đảm làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu nhanh chóng đối với vật phẩm, hàng hoá gửi dịch vụ chuyển phát nhanh, bưu chính uỷ thác.
2. Các doanh nghiệp được phép kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh và bưu chính uỷ thác được thay mặt chủ hàng làm thủ tục hải quan và phải chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế và lệ phí, và thủ tục liên quan đến các qui định của cơ quan quản lý chuyên ngành đối với việc xuất khẩu, nhập khẩu vật phẩm hàng hoá, theo qui định hiện hành.
3. Nhập khẩu
3.1. Vật phẩm, hàng hoá nhập khẩu thuộc dịch vụ chuyển phát nhanh, bưu chính uỷ thác phải chịu sự kiểm tra, giám sát của Hải quan cửa khẩu đầu tiên ngay từ khi thực hiện việc giao nhận từ phương tiện vận tải theo trình tự nêu tại điểm 1.1. phần II Thông tư này.
3.2. Các kiện hàng nặng, cồng kềnh được Hải quan cửa khẩu làm thủ tục tại cửa khẩu nhập đầu tiên hoặc Hải quan bưu điện làm thủ tục tại địa điểm ngoài khu vực cửa khẩu được qui định.
3.3. Đối với hàng có thuế: người nhận, doanh nghiệp được phép kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh và bưu chính uỷ thác quốc tế hay người đại diện hợp pháp khác của người nhận trực tiếp đến nhận phải thay mặt người nhận thực hiện đầy đủ chế độ khai báo hải quan trên bộ tờ khai hải quan và nộp đủ thuế trước khi nhận hàng theo qui định hiện hành.
3.4. Đối với vật phẩm không có thuế: doanh nghiệp thay mặt người nhận khai báo tổng số theo từng chuyến vào bộ tờ khai hải quan. Hải quan xác nhận tổng số trên bộ tờ khai.
Vật phẩm, hàng hoá đã hoàn thành thủ tục hải quan không được để chung với vật phẩm, hàng hoá chưa làm hoặc chưa hoàn thành thủ tục hải quan.
3.5. Những lô hàng thuộc dịch vụ chuyển phát nhanh, bưu chính uỷ thác được phép chuyển tiếp từ cửa khẩu nhập đầu tiên (cảng biển, cảng sông, cảng hàng không, ga xe lửa liên vận quốc tế, cửa khẩu đường bộ) đến Điạ điểm kiểm tra hải quan ngoài cửa khẩu được quy định thì Hải quan cửa khẩu nhập đầu tiên không kiểm tra các lô hàng đó và căn cứ hồ sơ về lô hàng lập phiếu chuyển tiếp giao kèm lô hàng cho cơ quan vận tải hoặc cho doanh nghiệp và có trách nhiệm thực hiện giám sát hải quan như dán niêm phong, cặp chỉ hay áp tải.
3.6. Đối với vật phẩm, hàng hoá chưa làm thủ tục hải quan hoặc chưa hoàn thành thủ tục hải quan như tạm giữ chờ giấy phép của cơ quan quản lý chuyên ngành, tạm giữ chờ xử lý hoặc vi phạm pháp luật phải thực hiện chế độ niêm phong hải quan và được tạm gửi vào kho của doanh nghiệp do Hải quan quản lý.
4. Xuất khẩu:
4.1. Vật phẩm, hàng hoá khi xuất khẩu phải chịu sự kiểm tra, giám sát và làm đầy đủ thủ tục hải quan ngay từ khi doanh nghiệp thay mặt người gửi hoặc người gửi trực tiếp làm thủ tục xuất tại Địa điểm kiểm tra hải quan cho đến khi hàng thực xuất tại cửa khẩu cuối cùng.
Đối với hàng nặng, cồng kềnh, doanh nghiệp thay mặt người gửi hoặc người gửi trực tiếp làm thủ tục xuất khẩu với Hải quan cửa khẩu như đối với hàng xuất khẩu thông thường khác.
4.2. Việc làm thủ tục hải quan đối với vật phẩm, hàng hoá được phân thành hai loại:
4.2.1. Đối với tài liệu, sách báo, ấn phẩm sau khi hoàn thành thủ tục với cơ quan quản lý chuyên ngành thì doanh nghiệp chỉ khai báo tổng số trên bộ tờ khai hàng hoá xuất khẩu. Hải quan ký xác nhận trên bộ tờ khai.
4.2.2. Đối với vật phẩm, hàng hoá doanh nghiệp thay mặt người gửi hoặc người gửi trực tiếp đến gửi phải thực hiện đầy đủ chế độ khai báo hải quan trên từng bộ tờ khai trước khi xuất.
5. Túi ngoại giao
5.1. Túi ngoại giao được miễn khai báo, miễn kiểm tra hải quan.
5.2. Túi ngoại giao chỉ được chấp nhận khi mang dấu hiệu bên ngoài dễ nhận thấy, được miên phong kẹp chì ngoại giao theo các Điều ước quốc tế và Điều 8 Pháp lệnh về quyền ưu đãi miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
5.3. Người đi gửi hoặc nhận túi ngoại giao phải là giao thông viên ngoại giao, hoặc là người được các cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự và các Tổ chức Quốc tế uỷ quyền hợp pháp bằng giấy uỷ quyền. Nhân viên được uỷ quyền phải có thẻ dán ảnh để nhận diện và không hưởng bất kỳ ưu đãi gì như dành cho giao thông viên ngoại giao.
5.4. Trường hợp có căn cứ khẳng định nội dung bên trong của túi ngoại giao bị lạm dụng vào mục đích trái pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế về quan hệ ngoại giao mà Nhà nước Việt Nam ký kết hoặc tham gia thì cơ quan Hải quan không cho phép túi ngoại giao qua biên giới.
6. Chế độ kho hàng
6.1. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh, bưu chính uỷ thác phải có các kho để lưu giữ riêng biệt các loại vật phẩm, hàng hoá sau đây:
- Vật phẩm, hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chưa làm thủ tục hải quan;
- Vật phẩm, hàng hoá chưa hoàn thành thủ tục hải quan như tạm giữ chờ giấy phép của cơ quan quản lý chuyên ngành, tạm giữ chờ xử lý vì có vi phạm;
- Vật phẩm, hàng hoá đã hoàn thành thủ tục hải quan nhưng chưa thực xuất, thực nhập.
6.2. Khi hết giờ làm việc, nhân viên hải quan giám sát thực hiện chế độ niêm phong kho theo qui định. Nhân viên quản lý kho của doanh nghiệp chịu trách nhiệm khoá kho. Việc đóng, mở kho hàng được thực hiện trước sự chứng kiến của nhân viên Hải quan giám sát kho. Trường hợp cần thiết, Hải quan bưu điện có quyền kiểm tra đột xuất kho hàng có sự chứng kiến của doanh nghiệp.
IV. XỬ LÝ VI PHẠM VÀ MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT
1. Nguyên tắc chung: Trường hợp Hải quan phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật đối với vật phẩm, hàng hoá đựng trong bưu phẩm, bưu kiện gửi qua dịch vụ bưu chính; vật phẩm, hàng hoá gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, dịch vụ bưu chính uỷ thác thì tuỳ tính chất mức độ của hành vi vi phạm mà có thể xử lý về vi phạm hành chính trong lĩnh vực Hải quan hoặc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bưu chính viễn thông hoặc chuyển sang cơ quan có chức năng để xử lý hình sự.
2. Lập biên bản
2.1. Cơ quan Hải quan tiến hành lập biên bản đối với hành vi vi phạm nêu tại điểm 1 trên đây theo qui định tại Quyết định số 318/1997/QĐ-TCHQ ngày 16/12/1997. Biên bản lập có sự chứng kiến của doanh nghiệp. Đối với người gửi ở ngoài nước, nếu vật phẩm, hàng hoá trong bưu phẩm, bưu kiện hay kiện hàng CPN theo qui định bị tịch thu thì Hải quan giao biên bản thu giữ cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo cho bưu cục gốc hoặc người gửi biết.
2.2. Đối với bưu phẩm, bưu kiện mà doanh nghiệp thay mặt chủ hàng làm thủ tục hải quan thì Hải quan bưu điện lập biên bản vi phạm theo qui định. Doanh nghiệp ký vào biên bản và có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ trong Quyết định xử phạt của Hải quan.
3. Xử lý đối với ngoại tệ:
3.1. Trường hợp có ngoại tệ trong bưu phẩm, bưu kiện khi nhập khẩu có giá trị dưới mức miễn thuế qui định cho bưu phẩm, bưu kiện thì doanh nghiệp lập biên bản nghiệp vụ tách số tiền đó ra khỏi bưu phẩm, bưu kiện; qui đổi ra tiền Việt Nam theo tỉ giá Ngân hàng Nhà nước công bố và mời người nhận đến để phát hoặc lập thư chuyển tiền có cước để chuyển cho người nhận (nếu người nhận ở xa). Bưu phẩm, bưu kiện vẫn được chuyển phát bình thường kèm biên bản nghiệp vụ.
3.2. Trường hợp có ngoại tệ trong bưu phẩm, bưu kiện nhập khẩu có giá trị trên mức miễn thuế qui định cho bưu phẩm, bưu kiện dù có khai báo hay không khai báo hải quan thì cơ quan Hải quan lập biên bản và xử lý theo qui định của pháp luật Việt Nam và phù hợp với Điều ước quốc tế của Liên minh Bưu chính thế giới (UPU).
4. Xử lý các trường hợp vô thừa nhận:
4.1. Bưu phẩm, bưu kiện nhập khẩu không phát được cho người nhận, doanh nghiệp làm thủ tục chuyển hoàn về nước gốc theo qui định của UPU sau khi đã làm thủ tục kiểm lại với cơ quan Hải quan.
4.2. Bưu phẩm, bưu kiện xuất khẩu không phát được cho người nhận phải chuyển hoàn về Việt Nam và phải làm thủ tục kiểm lại trước khi phát hoàn người gửi.
4.3. Việc xử lý bưu phẩm, bưu kiện, kiện hàng vô thừa nhận được một Hội đồng xử lý theo qui định tại Thông tư liên tịch giữa Bộ Tài chính và Bưu điện số 227/TT-TC-BĐ ngày 31-8-1992 "Hướng dẫn việc xử lý bưu phẩm, bưu kiện vô thừa nhận". Hải quan Bưu điện là một thành viên của Hội đồng xử lý bưu phẩm (trừ thư), bưu kiện nhập khẩu đó.
5. Đối với những bưu phẩm, bưu kiện nhập khẩu mà người gửi ở nước ngoài có yêu cầu sửa đổi hoặc thay đổi họ tên địa chỉ người nhận hoặc yêu cầu chuyển tiếp đến địa chỉ khác ở trong nước, căn cứ vào phiếu yêu cầu của người gửi (CN17), Bưu điện chuyển tiếp đến địa chỉ mới sau khi đã làm thủ tục chuyển tiếp với Hải quan Bưu điện.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Thông tư số 06/TTHQ-BĐ ngày 20-6-1995 giữa Tổng cục Bưu điện và Tổng cục Hải quan. Các văn bản hướng dẫn trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.
2. Tổng cục Hải quan và Tổng cục Bưu điện cùng phối hợp giải quyết những vướng mắc phát sinh từ các đơn vị cơ sở trong quá trình thực hiện Thông tư này.
Mai Liêm Trực (Đã ký) | Phan Văn Dĩnh (Đã ký) |