Thông tư liên bộ số 10/TTLB ngày 31/12/1996 Hướng dẫn xử lý các hành vi đua xe trái phép do Bộ Nội vụ-Viện Kiểm sát nhân dân tối cao-Tòa án nhân dân tối cao ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 10/TTLB
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Cơ quan ban hành: Bộ Nội vụ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao
- Ngày ban hành: 31-12-1996
- Ngày có hiệu lực: 31-12-1996
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 07-08-2014
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 6428 ngày (17 năm 7 tháng 13 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 07-08-2014
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ NỘI VỤ - VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO - TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/TTLB | Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 1996 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN XỬ LÝ CÁC HÀNH VI ĐUA XE TRÁI PHÉP
Hiện nay, tình trạng đua xe trái phép, đặc biệt là đua xe máy, diễn ra phức tạp, gây mất trật tự công cộng, vi phạm các quy định về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và trật tự, an toàn giao thông đô thị, đe dọa tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản của cá nhân, tổ chức hoặc Nhà nước. Trong thời gian qua việc xử lý về hình sự của các cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án đối với loại vi phạm pháp luật này còn chưa thống nhất, dẫn đến hạn chế hiệu quả của việc ngăn chặn loại vi phạm pháp luật này. Vì vậy, Bộ Nội vụ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao thống nhất hướng dẫn xử lý các hành vi đua xe trái phép như sau:
I. VIỆC XỬ LÝ ĐỐI VỚI CÁC HÀNH VI ĐUA XE TRÁI PHÉP
1 - Người đua xe trái phép
Người đua xe trái phép nói trong thông tư này là người điều khiển xe trên đường giao thông với mục đích cùng đua với người điều khiển xe khác mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền. Cũng được coi là người đua xe trái phép với vai trò đồng phạm đối với người tổ chức (người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy) cuộc đua xe trái phép; người xúi giục (người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy) người khác đua xe trái phép; người giúp sức (người tạo những điều kiện vật chất hoặc tinh thần) cho việc đua xe trái phép; người ngồi cùng với người điều khiển xe đua trái phép mà cùng cố ý đua xe như: Trước khi ngồi lên xe hoặc sau khi ngồi lên xe biết người điều khiển xe sẽ thực hiện việc đua, nhưng vẫn ngồi với ý thức tham gia đua xe; trước khi ngồi lên xe hoặc sau khi ngồi lên xe không biết người điều khiển xe sẽ thực hiện việc đua xe, nhưng sau khi người điều khiển xe thực hiện việc đua xe thì có hành vi cổ vũ, reo hò…
Đối với người sau khi ngồi lên xe vẫn không biết người điều khiển xe sẽ thực hiện việc đua xe, nhưng trên đường đi người điều khiển xe đã thực hiện việc đua xe mà người ngồi sau xe buộc phải ngồi lại trên xe, không có hành vi cổ vũ, reo hò… thì họ không bị coi là người đua xe trái phép.
2 - Về định tội danh
a. Mọi trường hợp đua xe trái phép có từ 2 xe tham gia trở lên đều bị coi là hành vi gây rối trật tự công cộng và người đua xe trái phép phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng, theo khoản 1 Điều 198 Bộ luật hình sự.
- Người tổ chức cuộc đua xe trái phép, người xúi giục người khác đua xe trái phép thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 198 Bộ luật hình sự.
b. Người đua xe trái phép nếu gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của người khác hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản, mà thiệt hại xảy ra là do lỗi vô ý, thì ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 198 Bộ luật hình sự (nếu có hành vi tổ chức, xúi giục thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 198 Bộ luật hình sự) còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 186 Bộ luật hình sự.
c. Người đua xe trái phép gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của người khác hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản, mà thiệt hại xảy ra là do lỗi cố ý, thì ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 198 Bộ luật hình sự, còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều tương ứng của Bộ luật hình sự về tội phạm khác đó (Điều 101, Điều 109, Điều 138 hoặc Điều 160).
d. Người đua xe trái phép vì mục đích được thua bằng tiền hoặc hiện vật thì ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 198 Bộ luật hình sự còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 200 Bộ luật hình sự.
đ. Người đua xe trái phép có hành vi chống lại người thi hành công vụ ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 198 Bộ luật hình sự còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ theo Điều 205 Bộ luật hình sự.
e. Người đua xe trái phép có hành vi chống lại người thi hành công vụ làm cho người thi hành công vụ bị thương hoặc chết thì ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 198 Bộ luật hình sự, căn cứ vào từng trường hợp cụ thể còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều tương ứng (Điều 101, Điều 109) của Bộ luật hình sự.
3 - Việc xử lý xe dùng để đua trái phép và giấy phép lái xe
a. Việc xử lý xe dùng để đua trái phép
- Đối với xe dùng để đua trái phép thuộc sở hữu của người đua xe thì tịch thu sung công quỹ Nhà nước (theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 33 Bộ luật hình sự và điểm a khoản 2 Điều 58 Bộ luật tố tụng hình sự).
- Đối với xe dùng để đua trái phép không thuộc sở hữu, hoặc quản lý hợp pháp của người đua thì tùy từng trường hợp cụ thể mà giải quyết như sau:
+ Nếu chủ sở hữu biết người đua xe dùng xe của mình để đua mà vẫn cho mượn, cho sử dụng (ví dụ như xe thuộc sở hữu của bố; mẹ và bố, mẹ cho con sử dụng; con đã dùng xe đó để đua trái phép; bố, mẹ biết nhưng vẫn tiếp tục cho con sử dụng dẫn đến con thực hiện tiếp việc đua xe trái phép), thì tịch thu xe sung công quỹ Nhà nước (theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 33 Bộ luật tố tụng hình sự).
+ Nếu chủ sở hữu không biết người đua xe dùng xe của mình để đua, thì trả lại xe cho chủ sở hữu (theo quy định khoản 2 Điều 33 Bộ luật hình sự và điểm b khoản 2 Điều 58 Bộ luật tố tụng hình sự).
+ Nếu xe dùng để đua là xe bị chiếm đoạt, thì trả lại xe cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp (theo quy định tại khoản 2 Điều 33 Bộ luật hình sự và điểm b khoản 2 Điều 58 Bộ luật tố tụng hình sự).
+ Trường hợp không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp của xe dùng để đua, thì tịch thu xe sung công quỹ Nhà nước.
b. Về giấy phép lái xe
Trong mọi trường hợp, người đua xe trái phép nếu đã được cấp giấy phép lái xe thì đều bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe
4 - Một số vấn đề về bắt, tạm giữ, tạm giam người đua xe trái phép và thu giữ xe đua trái phép.
Trong mọi trường hợp người đang thực hiện hành vi đua xe trái phép phải bị bắt theo quy định tại Điều 64 của Bộ luật tố tụng hình sự về trường hợp bắt người phạm tội quả tang. Việc bắt, tạm giữ, tạm giam người đua xe trái phép và thu giữ xe đua trái phép phải tuân thủ các quy định của pháp luật.
II. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN CÔNG AN, VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN, TÒA ÁN NHÂN DÂN
Để góp phần vào việc đấu tranh chống tình trạng đua xe trái phép, các cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân phải kiên quyết trong việc xử lý loại vi phạm pháp luật này. Căn cứ vào tình hình cụ thể mà xác định một số vụ đưa vào diện vụ án trọng điểm và thực hiện theo Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 15/10/1994 của Bộ Nội vụ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao “Hướng dẫn việc giải quyết các vụ án trọng điểm”.
III. HIỆU LỰC THI HÀNH
1 - Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
2 - Đối với các hành vi đua xe trái phép đã thực hiện trước ngày ban hành Thông tư này, nhưng việc điều tra, truy tố, xét xử chưa kết thúc trước ngày ban hành Thông tư hoặc sau ngày ban hành Thông tư mới điều tra, truy tố, xét xử, thì áp dụng Thông tư này khi điều tra, truy tố, xét xử.
3 - Đối với các vụ án đã được xét xử sơ thẩm, phúc thẩm trước ngày ban hành Thông tư này, nếu đã có kháng nghị theo hướng tăng nặng, thì việc xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư này.
4 - Đối với các bản án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày ban hành Thông tư này và vụ án đã được xét xử theo đúng hướng dẫn trước đây, thì không áp dụng các hướng dẫn tại Thông tư này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu thấy có vướng mắc, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử báo cáo ngay cho Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ để có hướng dẫn kịp thời.