Thông tư liên tịch số 355-TT/LB ngày 12/10/1996 Hướng dẫn Quyết định 160/TTg về chế độ bồi dưỡng đối với giám định viên tư pháp do Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 355-TT/LB
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Cơ quan ban hành: Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp
- Ngày ban hành: 12-10-1996
- Ngày có hiệu lực: 15-03-1996
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 18-06-2010
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 5208 ngày (14 năm 3 tháng 8 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 18-06-2010
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BAN TỔ CHỨC-CÁN BỘ CHÍNH PHỦ-BỘ TÀI CHÍNH-BỘ TƯ PHÁP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 355-TT/LB | Hà Nội , ngày 12 tháng 10 năm 1996 |
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
CỦA BAN TỔ CHỨC - CÁN BỘ CHÍNH PHỦ, TÀI CHÍNH, TƯ PHÁP SỐ 355 TT/LB NGÀY 12 THÁNG 10 NĂM 1996 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 160/TTG NGÀY 15/3/1996 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ BỒI DƯỠNG ĐỐI VỚI GIÁM ĐỊNH VIÊN TƯ PHÁP
Thi hành Quyết định số 160/TTg ngày 15/3/1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ bồi dưỡng đối với giám định viên tư pháp; Liên Bộ Ban tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA
Chế độ bồi dưỡng đối với giám định viên hoặc cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ được cử thực hiện giám định tư pháp nhằm bù đắp một phần hao phí sức khoẻ đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao.
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ MỨC BỒI DƯỠNG
1. Đối với giám định: kế toán tài chính, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự, khoa học kỹ thuật, tác phẩm văn học nghệ thuật, văn hoá phẩm nghệ thuật và giám định tư pháp khác được hưởng bồi dưỡng các mức sau đây:
- Mức 12.000 đồng/ngày/1 giám định viên, áp dụng đối với giám định viên thực hiện giám định theo ngày công.
- Khi giám định viên thực hiện giám định ngoài giờ hành chính thì được hưởng phụ cấp làm đêm thêm giờ quy định tại Thông tư số 18/LĐTBXH-TT ngày 02/6/1993 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương làm thêm giờ và phụ cấp làm đêm.
2. Đối với giám định pháp y được hưởng bồi dưỡng các mức sau đây: a) Mức 10.000 đ/1 vụ/1 giám định viên, áp dụng đối với giám định pháp y trên người sống (gây thương tích, hiếp dâm...) trong trường hợp đơn giản; mức 20.000 đồng/1 vụ/1 giám định viên trong trường hợp phức tạp.
b) Mức 20.000 đ/1 vụ/1 giám định viên, áp dụng đối với giám định trên tài liệu, tang vật (phủ tạng, lông tóc, máu...) trong trường hợp đơn giản; mức 30.000 đồng/1 vụ/1 giám định viên trong trường hợp phức tạp.
c) Đối với giám định tử thi được hưởng bồi dưỡng các mức sau đây:
- Giám định không mổ tử thi:
+ Mức 30.000 đồng/1 vụ/1 giám định viên, áp dụng đối với giám định người chết trong vòng 48 giờ.
+ Mức 40.000 đồng/1 vụ/1 giám định viên, áp dụng đối với giám định người chết ngoài 48 giờ đến 7 ngày, hoặc còn trong 48 giờ nhưng phải khai quật.
+ Mức 50.000 đồng/1 vụ/1 giám định viên, áp dụng đối với giám định người chết để quá 7 ngày, hoặc còn trong 7 ngày nhưng phải khai quật.
+ Mức 60.000 đồng/1 vụ/1 giám định viên, áp dụng đối với giám định người chết để quá 7 ngày mà phải khai quật.
- Giám định có mổ tử thi:
+ Mức 80.000 đồng/1 vụ/ 1 giám định viên, áp dụng đối với giám định người chết trong vòng 48 giờ.
+ Mức 100.000 đồng/1 vụ/ 1 giám định viên, áp dụng đối với giám định người chết ngoài 48 giờ đến 7 ngày, hoặc còn trong 48 giờ nhưng phải khai quật.
+ Mức 120.000 đồng/1 vụ/ 1 giám định viên, áp dụng đối với giám định người chết để quá 7 ngày, hoặc còn trong 7 ngày nhưng phải khai quật.
+ Mức 150.000 đồng/1 vụ/ 1 giám định viên, áp dụng đối với giám định người chết để quá 7 ngày mà phải khai quật.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Nguồn kinh phí chi trả chế độ bồi dưỡng do ngân sách nhà nước cấp theo kế hoạch hàng năm.
Riêng năm 1996 kinh phí chi trả bồi dưỡng giám định viên tư pháp tính trong kế hoạch ngân sách năm 1996 đã được Chính phủ duyệt và thông báo cho đơn vị.
2. Việc chi trả bồi dưỡng cho các đối tượng nêu ở phần II Thông tư này do cơ quan trưng cầu giám định tư pháp thanh toán sau khi công việc giám định được hoàn thành và tuỳ theo tính chất của vụ việc mà có thể thanh toán theo ngày công hoặc theo vụ việc và quyết toán theo chế độ hiện hành.
3. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/3/1996.
Những quy định về chế độ bồi dưỡng đối với giám định viên tư pháp trái với Thông tư này đều bãi bỏ.
Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc đề nghị phản ánh về Liên Bộ để nghiên cứu giải quyết.
Nguyễn Ngọc Hiến (Đã ký) | Tô Tử Hạ (Đã ký) | Tào Hữu Phùng (Đã ký) |