Thông tư liên tịch số 23/TTLN ngày 15/01/1996 Hướng dẫn chế độ công tác và phụ cấp trách nhiệm đối với giáo viên làm tổng phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh trong trường phổ thông do Ban Tổ chức các bộ Chính phủ-Bộ Giáo dục và đào tạo-Bộ Tài chính-Trung ương Đoàn Thanh niên Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu văn bản: 23/TTLN
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Cơ quan ban hành: Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh
- Ngày ban hành: 15-01-1996
- Ngày có hiệu lực: 01-01-1996
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 24-12-2017
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 10554 ngày (28 năm 11 tháng 4 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BAN TỔ CHỨC-CÁN BỘ CHÍNH PHỦ-BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO-BỘ TÀI CHÍNH-TRUNG ƯƠNG ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 23/TTLN | Hà Nội , ngày 15 tháng 1 năm 1996 |
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
CỦA BAN TCCB CHÍNH PHỦ - BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO - BỘ TÀI CHÍNH - TRUNG ƯƠNG ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH SỐ 23/TTLN NGAY 15 THÁNG 01 NĂM 1996 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ CÔNG TÁC VÀ PHỤ CẤP TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI GIÁO VIÊN LÀM TỔNG PHỤ TRÁCH ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG HỒ CHÍ MINH TRONG TRƯỜNG PHỔ THÔNG
Căn cứ Nghị định 25/CP ngày 23-5-1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ tiền lương mới của công chức, viên chức hành chính sự nghiệp và lực lượng vũ trang;
Căn cứ Quyết định số 243/CP ngày 25-6-1979 của Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) về tổ chức bộ máy, biên chế các trường phổ thông;
Căn cứ Nghị đinh số 90/CP ngày 24-11-1993 của Chính phủ về cơ cấu khung của hệ thống giáo dục quốc dân;
Căn cứ công văn số 5742/KTTH ngày 10-10-1995 của Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết chế độ phụ cấp trách nhiệm cho giáo viên - Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong trong trường phổ thông.
Liên ngành Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ tài chính, Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hướng dẫn việc tuyển chọn và sử dụng giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh trong trường phổ thông như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG, TIÊU CHUẨN TUYỂN CHỌN,CỬ GIÁO VIÊN LÀM TỔNG PHỤ TRÁCH
1. Đối tượng và tiêu chuẩn:
Giáo viên các trường có tuổi từ 18 đến 35 đủ các tiêu chuẩn sau đây được tuyển chọn để cử làm Tổng phụ trách Đội trong các trường phổ thông.
1.1. Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu (nếu còn trong độ tuổi phát triển đoàn viên thì phải là đoàn viên Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh).
1.2. Có nhiệt tình và năng khiếu về tổ chức hoạt động xã hội, hiểu biết về đoàn đội, có đủ sức khoẻ... biết vận động học sinh, các lực lượng xã hội và mọi người tham gia công tác Đội.
1.3. Có bằng tốt nghiệp sư phạm (trung học sư phạm, cao đẳng sư phạm, đại học sư phạm).
Riêng các tỉnh miền núi, vùng cao, vùng sâu, hải đảo, vùng xa xôi hẻo lánh thì yêu cầu có bằng tốt nghiệp sư phạm (theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đào tạo đội ngũ giáo viên cho các tỉnh miền núi, vùng cao, vùng sâu, hải đảo).
1.4. Đã được đào tạo hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác Đoàn - Đội.
2. Cử giáo viên làm Tổng phụ trách Đội:
Căn cứ vào đối tượng và tiêu chuẩn tuyển chọn, Hiệu trưởng cùng với tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh của trường thống nhất đề nghị lên Phòng Giáo dục và đào tạo huyện (quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh) hoặc Sở Giáo dục và đào tạo theo phân cấp quản lý công chức, viên chức xét duyệt.
Trường Phòng Giáo dục và đào tạo hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo ra quyết định cử giáo viên tổng phụ trách sau khi thống nhất ý kiến với Hội đồng Đội huyện (quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh).
II. CHẾ ĐỘ LAO ĐỘNG VÀ BIÊN CHẾ GIÁO VIÊN TỔNG PHỤ TRÁCH ĐỘI
1. Thời gian giáo viên được cử làm tổng phụ trách ít nhất là 5 năm.
2. Tổng phụ trách chuyên trách được miễn giảng dạy các bộ môn văn hoá. Tổng phụ trách bán chuyên trách phải tham gia giảng dạy một số giờ, một số buổi theo hướng dưới đây:
- Dạy thay cho gáo viên nghỉ ốm đau, sinh đẻ.
- Hoặc có thể dạy đủ số tiết quy định cho 1 lớp (hoặc một số lớp) thuộc bộ môn của mình.
Nếu vì lý do thiếu giáo viên hoặc do yêu cầu của chuyên môn mà hiệu trưởng nhà trường phân công tổng phụ trách chuyên trách, tổng phụ trách Đội bán chuyên trách phải giảng dạy hoặc dạy quá định mức thì số giờ hoặc số buổi dạy được tính là thời gian giảng vượt giờ và được thanh toán tiền dạy vượt giờ, thêm buổi theo chế độ hiện hành.
3. Định mức giờ dạy của giáo viên - Tổng phụ trách Đội:
Tất cả các trường tiểu học, trưởng phổ thông cơ sở (cấp 1, 2); trường trung học cơ sở (cấp 2); trường phổ thông trung học cấp 2-3:
3.1. Ở vùng cao, hải đảo, vùng sâu:
- Trường trên 19 lớp: Tổng phụ trách chuyên trách không giảng dạy. Nếu bố trí giáo viên tổng phụ trách Đội chuyên trách giảng dạy thì số giờ hoặc số buổi này được thanh toán theo chế độ vượt giờ hiện hành.
- Trường từ 10 đến 19 lớp: Tổng phụ trách bán chuyên trách dạy 3 tiết mỗi tuần ở các lớp trung học cơ sở hoặc dạy 3 buổi mỗi tuần ở các lớp tiểu học.
3.2. Ở các địa bàn còn lại:
- Trường có từ 28 lớp trở lên: Tổng phụ trách chuyên trách không giảng dạy. Nếu bố trí giáo viên trung học cơ sở dạy 4 tiết/tuần hoặc giáo viên tiểu học dạy 1 buổi/tuần thì số giờ hoặc buổi này được thanh toán vượt giờ theo chế độ hiện hành.
- Trường có từ 18 đến 27 lớp: Tổng phụ trách bán chuyên trách dạy 8 tiết mỗi tuần ở các lớp trung học cơ sở hoặc dạy 2 buổi mỗi tuần ở các lớp tiểu học.
- Trường có dưới 18 lớp: Tổng phụ trách bán chuyên trách dạy 10 tiết mỗi tuần ở các lớp trung học cơ sở hoặc dạy 3 buổi mỗi tuần ở các lớp tiểu học.
4. Biên chế giáo viên - Tổng phụ trách Đội:
Mỗi trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường phổ thông cơ sở, trường phổ thông trung học cấp 2-3 (chỉ tính số lớp cấp 2) được cử 1 giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh chuyên trách hoặc bán chuyên trách. Số biên chế giáo viên tổng phụ trách Đội được quy định cụ thể như sau:
4.1. Ở vùng cao, hải đảo, vùng sâu:
- Trường trên 19 lớp: được bố trí 1 biên chế giáo viên - tổng phụ trách đội chuyên trách.
- Trường từ 19 lớp trở xuống thực hiện theo chế độ bán chuyên trách.
4.2. Ở các địa bàn còn lại:
- Trường có từ 28 lớp trở lên được bố trí 1 biên chế giáo viên.
- Trường có từ 18 đến 27 lớp được bố trí tính theo biên chế bằng 3/4 giáo viên.
- Trường có dưới 18 lớp được bố trí tính theo biên chế bằng 1/2 giáo viên.
III. CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN - TỔNG PHỤ TRÁCH ĐỘI
1. Chế độ chính sách:
Giáo viên được cử làm Tổng phụ trách Đội trong trường phổ thông (bao gồm cả tổng phụ trách chuyên trách và bán chuyên trách) được hưởng các chế độ sau:
1.1. Hưởng phụ cấp trách nhiệm theo hệ số với các mức sau đây:
- Giáo viên tổng phụ trách Đội ở trường hạng I hưởng phụ cấp trách nhiệm hệ số là 0,30 lương tối thiểu.
- Giáo viên tổng phụ trách Đội ở trường hạng II hưởng phụ cấp trách nhiệm hệ số là 0,20 lương tối thiểu.
- Giáo viên tổng phụ trách Đội ở trường hạng III hưởng phụ cấp trách nhiệm hệ số là 0,10 lương tối thiểu.
Khi thôi không làm tổng phụ trách thì không được hưởng khoản phụ cấp này.
Việc xác định hạng trường để tính phụ cấp trách nhiệm cho chức danh giáo viên - Tổng phụ trách Đội căn cứ vào mục I của Thông tư số 10/GD-ĐT ngày 29-7-1994 của Bộ Giáo dục và đào tạo đã hướng dẫn.
1.2. Xếp lương giáo viên và hưởng các khoản phụ cấp, các chế độ khác như giáo viên (nghỉ phép, nghỉ hè, đi học tập bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, trang cấp văn phòng phẩm ...).
1.3. Hưởng chế độ khen thưởng như giáo viên và các danh hiệu đã thống nhất giữa Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Giáo dục và đào tạo.
- Tổng phụ trách Đội giỏi các cấp ngang với giáo viên giỏi cùng cấp được xét tặng huy chương Nhà giáo, huy chương Vì thế hệ trẻ và các huy chương khác của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
1.4. Ngoài những quy định trên, tuỳ điều kiện cụ thể của từng địa phương có thể xem xét giải quyết thêm một số chế độ chính sách khác tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên tổng phụ trách hoạt động tốt như hàng năm tổ chức cho đội ngũ tổng phụ trách đi tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm tiên tiến, tạo điều kiện vật chất để hoạt động...
2. Chính sách sử dụng:
2.1. Giáo viên được cử làm tổng phụ trách hoàn thành tốt nhiệm vụ sẽ được khen thưởng, nếu vi phạm kỷ luật sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành.
2.2. Giáo viên - Tổng phụ trách sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian công tác nhà trường có trách nhiệm bố trí trở lại giảng dạy chuyên môn.
2.3. Giáo viên trong thời gian làm tổng phụ trách được tham gia các khoá huấn luyện bồi dưỡng thường xuyên và bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ do ngành Giáo Dục - Đào tạo và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban Tổ chức chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính - Vật giá, Tỉnh Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện Thông tư này.
2. Từ năm học 1995-1996, các địa phương tiến hành rà soát lại đội ngũ giáo viên tổng phụ trách trong các trường học phổ thông và tuyển chọn cử Tổng phụ trách của 5 năm tới với những trường hợp đã đủ các tiêu chuẩn. Đối với những giáo viên đang làm tổng phụ trách Đội có tuổi trên 35 có kinh nghiệm, đủ sức khoẻ và chưa có người thay thì được xem xét để giữ lại một thời gian nhưng không quá 5 năm.
Trường hợp chưa có giáo viên làm tổng phụ trách hoặc đã có giáo viên làm tổng phụ trách nhưng chưa được bồi dưỡng qua nghiệp vụ công tác đoàn, đội thì phải chọn lựa các giáo viên trong độ tuổi làm tổng phụ trách đã đạt được các tiêu chuẩn ở phần I của Thông tư này để đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh Đoàn thanh niên Công sản Hồ Chí Minh tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ trước khi cử chính thức.
Đối với vùng cao, hải đảo, vùng sâu do tình hình thiếu giáo viên, nếu các địa phương đã bố trí những đoàn viên được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về đoàn, đội làm tổng phụ trách thì cần có kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trong 2 năm tới để không còn tổng phụ trách trong trường học chưa qua bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Từ nay không sử dụng đối tượng không phải là giáo viên để làm Tổng phụ trách đội trong các trường học.
3. Kinh phí cho việc thực hiện chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với giáo viên tổng phụ trách đội và kinh phí đào tạo lại, bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm, nghiệp vụ công tác đội thuộc về nguồn kinh phí thường xuyên của ngân sách giáo dục và đào tạo hàng năm.
4. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01-01-1996, các quy định trước đây trái với Thông tư này đều không có giá trị. Trong quá trình thực hiện, nếu có những vấn đề còn vướng mắc đề nghị các địa phương báo cáo về Liên ngành - Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh để kịp thời giải quyết.
Hồ Đức Việt (Đã ký) | Nguyễn Minh Hiển (Đã ký) | Phan Ngọc Tường (Đã ký) |