Thông tư liên tịch số 39-TT/LB ngày 15/05/1995 Hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí Chương trình phòng, chống tệ nạn mại dâm do Bộ Tài chính-Lao động thương binh và xã hội ban hành
- Số hiệu văn bản: 39-TT/LB
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Cơ quan ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính
- Ngày ban hành: 15-05-1995
- Ngày có hiệu lực: 01-01-1995
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 25-11-2004
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 30-05-2019
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 8915 ngày (24 năm 5 tháng 5 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 30-05-2019
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 39-TT/LB | Hà Nội , ngày 15 tháng 5 năm 1995 |
THÔNG TƯ LIÊN BỘ
CỦA BỘ TÀI CHÍNH - LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 39-TT/LB NGÀY 15 THÁNG 5 NĂM 1995 HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ, SỬ DỤNG KINH PHÍ CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN MẠI DÂM
Thực hiện Nghị quyết 05/CP ngày 29/1/1993 của Chính phủ về phòng chống tệ nạn mại dâm và điểm 3, phần II Quyết định số 829/TTg ngày 30/12/1994 của Thủ tướng Chính phủ về "một số chủ trương và biện pháp điều hành những lĩnh vực then chốt trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 1995", Liên Bộ Tài chính - Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí chương trình phòng chống tệ nạ mại dâm (gọi tắt là chương trình 05) như sau:
I- NGUYÊN TẮC CHUNG:
1 - Từ năm 1995, kinh phí của chương trình 05 do Trung ương phân bổ và cân đối trong kế hoạch ngân sách hàng năm của Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương. Đối với Bộ, ngành, cơ quan Trung ương được giao trong kế hoạch chi thường xuyên. Đối với các địa phương, kinh phí được tính vào ngân sách địa phương.
2 - Ngoài khoản kinh phí phân bổ của Trung ương, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương phải huy động thêm các nguồn kinh phí của địa phương, các khoản đóng góp của nhân dân, các tổ chức kinh tế - xã hội, nguồn viện trợ quốc tế... để thực hiện chương trình 05.
3 - Cơ quan Tài chính các cấp phối hợp chặt chẽ vớ ngành Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tham mưu giúp Bộ, ngành, địa phương quản lý chặt chẽ kinh phí chương trình, sử dụng đúng mục tiêu; ưu tiên kinh phí, cấp phát kịp thời để đảm bảo tiến độ công việc; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo chi đúng chế độ quy định và có hiệu quả thiết thực.
II- QUY ĐỊNH CỤ THỂ
1 - Kinh phí Trung ương phân bổ hỗ trợ cho các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương để chi cho chương trình 05 gồm những nội dung sau:
1.1 - Thông tin, tuyên truyền, giáo dục, vận động phòng chống tệ nạn mại dâm.
1.2 - Hỗ trợ tiền thuốc chữa bệnh, sinh hoạt phí và dạy nghề cho gái mại dâm theo chế độ quy định tại Điều 2 Quyết định số 167/TTg ngày 8/4/1994 của Thủ tướng Chính phủ.
1.3 - Hỗ trợ khảo sát, điều tra, truy quét, triệt phá các tụ điểm, ổ nhóm, đường dây tổ chức hoạt động mại dâm.
1.4 - Hỗ trợ tái hoà nhập cộng động cho những đối tượng có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, mức 200.000 đ/người. Những đối tượng quá khó khăn, mức hỗ trợ tối đa không quá 400.000 đ/người.
1.5 - Tập huấn, hội thảo, tổng kết công tác phòng chống tệ nạn mại dâm.
1.6 - Khen thưởng.
1.7 - Hỗ trợ công tác chỉ đạo phòng chống tệ nạn mại dâm.
1.8 - Phụ cấp thí điểm cán bộ xã phường, mức tối đa 120.000 đ/người/tháng.
1.9 - Hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất các Trung tâm giáo dục, chữa bệnh, dạy nghề cho gái mại dâm.
1.10 - Trợ cấp mua sắm vật dụng sinh hoạt cần thiết cho những đối tượng gái mại dâm quá khó khăn khi mới đưa vào Trung tâm. Mức tối đa không quá 50.000 đ/người.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ vào yêu cầu chỉ đạo công tác phòng chống tệ nạn xã hội và tình hình cụ thể của ngành, địa phương trong từng thời kỳ, có trách nhiệm hướng dẫn sử dụng chi tiết, cụ thể kinh phí của từng nội dung chi nói trên và đảm bảo tổng số chi không vượt quá số Chính phủ đã thông báo thông kế hoạch hàng năm.
2 - Ngân sách địa phương và các nguồn hỗ trợ khác chi cho chương trình 05 gồm những nội dung sau:
2.1 - Đảm bảo hoạt động của Trung tâm giáo dục, chữa bệnh dạy nghề cho gái mại dâm theo tiêu chuẩn, định mức hiện hành.
2.2 - Căn cứ yêu cầu hoạt động phòng chống tệ nạn mại dâm của địa phương, các địa phương có thể trích từ kế hoạch chi ngân sách địa phương đã được Chính phủ giao hoặc từ nguồn thu vượt kế hoạch mà Ngân sách địa phương được hưởng theo chế độ phân cấp quản lý ngân sách hiện hành để bổ sung cho các nội dung chi nói trên tại điểm 1, phần II Thông tư này.
3 - Công tác lập kế hoạch, phân bổ kinh phí chương trình 05:
Các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hàng năm lập kế hoạch tài chính cho công tác phòng chống tệ nạn mại dâm đúng tiến độ thời gian theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về lập kế hoạch thu chi ngân sách hàng năm, đồng gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp vào kế hoạch tài chính của chương trình 05 gửi Bộ Tài chính và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước trình Chính phủ và Quốc hội phê duyệt. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động, phối hợp cùng Bộ Tài chính và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, trên cơ sở tài chính đã được duyệt, căn cứ vào tình hình tệ nạn mại dâm và hoạt động triển khai của Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, căn cứ vào nội dung chi quy định tại Thông tư này, giao kế hoạch cho các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương thực hiện.
Đối với kinh phí sửa chữa nâng cấp các Trung tâm giáo dục, chữa bệnh, dạy nghề cho gái mại dâm, căn cứ các quy định về xây dựng cơ bản hiện hành của Nhà nước, các đơn vị lập dự án, thiết kế trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt.
4 - Cấp phát và quản lý kinh phí chương trình 05:
4.1 - Đối với các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương có tham gia chương trình 05, kinh phí do Bộ Tài chính cấp trực tiếp trên cơ sở nội dung hợp đồng hoặc đề án đã được Bộ Lao động - Thương binh bà Xã hội ký duyệt và thông báo.
4.2 - Đối với các địa phương, từ năm 1995, kinh phí chi cho chương trình 05 được phân bổ và cân đối trong ngân sách địa phương.
Sở Lao động - Thương binh - Xã hội, cơ quan thường trực giúp Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố về công tác phòng chống tệ nạn mại dâm có trách nhiệm xây dựng kế hoạch sử dụng, quản lý kinh phí theo từng mục tiêu, nội dung nhiệm vụ của từng ban, ngành, đoàn thể trình Uỷ ban Nhân dân phê duyệt. Căn cứ vào chỉ tiêu được duyệt, tổ chức ký hợp đồng trách nhiệm cụ thể với từng ban, ngành, đoàn thể.
Sở Tài chính - Vật giá có trách nhiệm cấp kinh phí cho các ban, ngành, đoàn thể theo sự phê duyệt của Uỷ ban Nhân dân và hợp đồng trách nhiệm đã ký; cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kinh phí của các đơn vị theo kế hoạch và hợp đồng được phê duyệt.
5. Thanh lý và quyết toán hợp đồng:
5.1 - Thanh lý hợp đồng: hàng quý, năm, các ban, ngành, đoàn thể có trách nhiệm báo cáo tình hình sử dụng kinh phí và thực hiện hợp đồng trách nhiệm với cơ quan đã ký kết.
5.2 - Quyết toán hợp đồng: Căn cứ vào kết quả nghiệm thu, thanh lý hợp đồng, hàng quý, năm, các địa phương, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương sử dụng kinh phí Chương trình 05 có trách nhiệm quyết toán đầy đủ, kịp thời tình hình sử dụng kinh phí với Bộ Tài chính theo đúng chế độ quy định, đồng thời gửi xét duyệt báo cáo quyết toán cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo quyết toán cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo Chính phủ về thực hiện Chương trình Quốc gia phòng chống tệ nạn mại dâm.
III- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH:
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/1/1995 thay thế Thông tư 58 TT/LB ngày 4/7/1994 của Liên Bộ Tài chính - Lao động - Thương binh và Xã hội. Mọi quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.
Trong quá trình thực hiện có gì khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh về Liên Bộ xem xét, giải quyết.
Nguyễn Thị Hằng (Đã ký) | Tào Hữu Phùng (Đã ký) |