Thông tư liên tịch số 06/TTLB ngày 12/04/1995 Quy định việc kết hợp trường Đại học y thuộc Bộ Giáo dục Đào tạo và Bệnh viện thực hành thuộc ngành Y tế trong công tác đào tạo nghiên cứu khoa học và phục vụ người bệnh (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 06/TTLB
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Cơ quan ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế
- Ngày ban hành: 12-04-1995
- Ngày có hiệu lực: 12-04-1995
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 09-09-2008
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 4899 ngày (13 năm 5 tháng 4 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 09-09-2008
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ Y TẾ - BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/TTLB | Hà Nội, ngày 12 tháng 04 năm 1995 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VIỆC KẾT HỢP TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y THUỘC BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO VÀ BỆNH VIỆN THỰC HÀNH THUỘC NGÀNH Y TẾ TRONG CÔNG TÁC ĐÀO TẠO NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ PHỤC VỤ NGƯỜI BỆNH.
Đào tạo cán bộ y tế là quá trình kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành, vì vậy việc kết hợp giữa trường Đại học y và bệnh viện thực hành là một nguyên lý tất yếu trong công tác đào tạo và đã trở thành truyền thống ở Việt Nam cũng như các nước trên thế giới.
Hiện nay các trường Đại học Y Bắc thái, Đại học Y Huế, Khoa Y Đại học Tây Nguyên và Khoa Y Đại học Cần Thơ (sau đây gọi chung là các Trường Đại học Y) do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, còn các bệnh viện thực hành do Bộ Y tế hoặc Sở Y tế tỉnh thành phố trực thuộc quản lý. Để tiếp tục duy trì truyền thông tốt đẹp trên, liên Bộ Y tế - Giáo dục và Đào tạo quy định việc kết hợp giữa trường đại học y thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và bệnh viện thực hành thuộc ngành y tế trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ người bệnh như sau:
I. Những quy định chung:
1. Các Trường Đại học Y nhất thiết phải có một số bệnh viện thực hành để cho sinh viên đến thực tập bao gồm các bệnh viện thực hành chính và các bệnh viện khác.
2. Bộ Y tế chỉ định cụ thể: Bệnh viện đa khoa Thái Nguyên là bệnh viện thực hành chính của Trường Đại học Y Bắc Thái, bệnh viện trung ương Huế là bệnh viện thực hành chính của Trường Đại học Y Huế, bệnh viện đa khoa Đắc Lắc là bệnh viện thực hành chính của Khoa Y Đại học Tây Nguyên, bệnh viện đa khoa Cần Thơ là bệnh viện thực hành chính của khoa Y Đại học Cần Thơ. Các bệnh viện thực hành khác của nhà trường là các bệnh viện do các trường đại học y đề xuất và Bộ Y tế có văn bản phê duyệt.
3. Đầu mỗi năm học, các trường Đại học y phải báo các lên Bộ về kế hoạch phối hợp cụ thể giữa trường với từng bệnh viện để đảm bảo kế hoạch đào tạo của trường và phục vụ người bệnh của bệnh viện.
II. Nguyên tắc kết hợp giữa trường đại học y vè bệnh viện thực hành:
1. Trên cơ sở lồng ghép trách nhiệm của mỗi đơn vị đối với các hoạt động chung nhằm hoàn thành và nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ người bệnh và chỉ đạo tuyến dưới về công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân...
2. Sử dụng tối đa sức mạnh tổng hợp các nguồn lực sẵn có của trường và bệnh viện phục vụ cho công tác đào tạo nghiên cứu khoa học phục vụ người bệnh.
3. Đảm bảo sự bình đẳng và lợi ích giữa hai đơn vị cũng như cán bộ đảm nhận cả hai nhiệm vụ đào tạo cán bộ và phục vụ người bệnh. Hiệu trưởng nhà trường và giám đốc bệnh viện được ký hợp đồng trách nhiệm trên một số lĩnh vực nhằm thực hiện mục đích trên.
III. Kết hợp giữa trường đại học y và bệnh viện thực hành về mặt tổ chức cán bộ:
1. Kết hợp lãnh đạo trường đại học y và bệnh viện thực hành:
a. Tổ chức lồng ghép lãnh đạo trường và bệnh viện thực hành chính như sau:
Hiệu trưởng trường đại học y, trưởng khoa y được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó giám đốc bệnh viện thực hành chính. giám đốc bệnh viện thực hành chính được bổ nhiệm giữ chức vụ phó hiệu trưởng của trường đại học hoặc phó trưởng khoa y.
b. Bổ nhiệm, miễn nhiệm chức vụ phó hiệu trưởng của trường đại học, phó trưởng khoa y, phó giám đốc bệnh viện kiêm nhiệm được tiến hành theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ, nhưng phải được sự đồng ý bằng văn bản của lãnh đạo Bộ Y tế và lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Khi thôi giữ chức Hiệu trưởng hoặc Giám đốc bệnh viện thì đương nhiên thôi giữ chức vụ kiêm nhiệm.
c. Đối với các bệnh viện thực hành không phải là bệnh viện thực hành chính của nhà trường thì không thực hiện lồng ghép lãnh đạo trường và bệnh viện. Sự kết hợp trường và bệnh viện được thực hiện thông qua các văn bản thoả thuận tại cuộc họp hàng năm giữa lãnh đạo trường và bệnh viện hoặc qua các hợp đồng ký kết giữa hai đơn vị.
2. Kết hợp giữa bộ môn của trường và khoa phòng của bệnh viện:
Các bộ môn của trường và khoa phòng lâm sàng tương ứng của bệnh viện được tổ chức lồng ghép như sau:
a. Giáo viên các bộ môn lâm sàng và cận lâm sàng của trường bao gồm các giáo viên của trường và các giáo viên kiêm nhiệm của các khoa tương ứng của bệnh viện.
Việc bổ nhiệm và phân công giáo viên kiêm nhiệm thuộc biên chế bệnh viện do hiệu trưởng nhà trường quyết định sau khi có sự đồng ý của Giám đốc bệnh viện. Danh sách giáo viên kiêm nhiệm phải được báo cáo về Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
b. Chủ nhiệm bộ môn chuyên môn của trường có thể kiêm trưởng khoa chuyên môn tương ứng của bệnh viện và ngược lại, không phân biệt thuộc biên chế trường hay bệnh viện miễn là có năng lực về chuyên môn và quản lý, được tập thể cán bộ của bộ môn hoặc khoa tín nhiệm.
c. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ quy định tại điểm b mục 2 phần III được tiến hành theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
IV. Kết hợp các hoạt động giữa nhà trường và bệnh viện.
1. Kết hợp trong công tác đào tạo cán bộ - phục vụ người bệnh:
a. Hàng năm, trước khi bước vào năm học mới, Hiệu trưởng trường đại học y có trách nhiệm thông báo tới Giám đốc bệnh viện kế hoạch đào tạo của nhà trường, những đề xuất cần phối hợp với các bệnh viện thực hành để kế hoạch đào tạo của nhà trường được lồng ghép vào kế hoạch hoạt động của bệnh viện.
b. Căn cứ vào kế hoạch đào tạo của nhà trường, các bệnh viện có trách nhiệm bố trí, sắp xếp và tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ nhà trường và sinh viên tham gia giảng dạy, học tập, thực tập và phục vụ người bệnh tại bệnh viện.
c. Tuỳ theo trình độ năng lực của cán bộ, Giám đốc bệnh viện bố trí để cán bộ giảng dạy của trường được trực tiếp tham gia công tác chuyên môn phù hợp tại các khoa, phòng của bệnh viện.
d. Cán bộ nhà trường tham gia công tác tại bệnh viện chịu trách nhiệm trước Giám đốc bệnh viện về thực hiện các chế độ, quy tắc chuyên môn, nội quy và quy định của bệnh viện.
e. Giám đốc bệnh viện có trách nhiệm bố trí sắp xếp cán bộ có trình độ và năng lực của bệnh viện tham gia giảng dạy cho sinh viên tại trường và bệnh viện. Cán bộ của bệnh viện tham gia giảng dạy, chịu trách nhiệm trước hiệu trưởng của Nhà trường về nội quy, quy chế đào tạo.
Ngoài giáo viên kiêm chức chính thức, các công chức khác của bệnh viện đều có trách nhiệm tham gia đào tạo, giáo dục và rèn luyện sinh viên trong thời gian sinh viên thực tập tại bệnh viện.
2. Kết hợp trong công tác nghiên cứu khoa học:
Hiệu trưởng và Giám đốc bệnh viện phải tổ chức phối hợp các đề tài nghiên cứu khoa học chung nhằm phát huy các nguồn lực sẵn có của hai đơn vị để tiến hành và nâng cao công trình nghiên cứu khoa học.
3. Kết hợp trong sử dụng trang thiết bị:
Hiệu trưởng trường và Giám đốc bệnh viện có kế hoạch sử dụng tối đa công suất của các trang thiết bị cho việc đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học và phục vụ người bệnh, không phân biệt tài sản giữa hai đơn vị, nhưng về quản lý tài sản phải phân định rõ giữa trường và bệnh viện để quản lý, bảo dưỡng các trang thiết bị theo đúng quy định của pháp luật.
4. Kết hợp trong công tác chỉ đạo y tế tuyến dưới:
Trường và bệnh viện có trách nhiệm tham gia các hoạt động bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân tại địa phương, cụ thể là tham gia các chương trình y tế ở cộng đồng và phối hợp tổ chức tốt các đợt thực tập của sinh viên hàng năm.
V. Thực hiện các chế độ chính sách:
1. Trên cơ sở các bệnh viện đã được lựa chọn làm bệnh viện thực hành, Bộ Y tế , Bộ Giáo dục và Đào tạo và nhà trường sẽ có kế hoạch ưu tiên đầu tư trang thiết bị xây dựng cơ sở vật chất để phát triển bệnh viện thực hành cho phù hợp với quá trình và yêu cầu đào tạo của trường. Sau một số năm sẽ xây dựng một số bệnh viện thực hành chính thành bệnh viện dạy học.
2. Cán bộ nhà trường tham gia công tác tại khoa, phòng của bệnh viện được hưởng các chế độ phụ cấp (nếu có) tương đương với cán bộ cùng chức danh của bệnh viện do nhà trường trả, riêng phụ cấp trực và phẫu thuật do bệnh viện tra thông qua các hợp đồng cụ thể. Việc chi trả chế độ phụ cấp theo lương phải theo đúng quy định của nhà nước.
3. Cán bộ của bệnh viện tham gia công tác giảng dạy được hưởng các chế độ thù lao giảng dạy tương đương với cán bộ cùng chức danh của nhà trường do nhà trường trả.
4. Các cán bộ của bệnh viện tham gia công tác đào tạo, nếu đủ tiêu chuẩn sẽ được nhà trường phong chức danh khoa học theo quy định hiện hành của nhà nước.
5. Khi lập kinh phí đào tạo hàng năm, Hiệu trưởng trường có trách nhiệm lập kế hoạch kinh phí thực tập cho sinh viên tại bệnh viện và chuyển phần kinh phí này cho bệnh viện theo các hợp đồng cụ thể.
6. Bệnh viện có trách nhiệm trả tiền cho sinh viên khi được bệnh viện phân công tham gia trực theo định suất của bệnh viện và các hoạt động dịch vụ của bệnh viện.
VI. Điều khoản thi hành:
1. Trên cơ sở các quy định tại Thông tư này, hàng năm vào mỗi đầu năm học, lãnh đạo trường và bệnh viện có kế hoạch cụ thể chi tiết thông qua các hợp đồng trách nhiệm để thực hiện tốt việc thực tập của sinh viên, nghiên cứu khoa học và phục vụ người bệnh.
2. Bộ trưởng Bộ Y tế giao cho Vụ trưởng Vụ Khoa học - Đào tạo, Vụ trưởng Vụ Điều trị, Vụ trưởng vụ Tổ chức cán bộ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo giao cho Vụ trưởng Vụ Đại học, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ làm đầu mối chỉ đạo, hướng dẫn giám sát các hoạt động kết hợp trường và bệnh viện.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện có gì khó khăn, Hiệu trưởng các trường, Giám đốc các bệnh viện cần báo cáo về liên Bộ để nghiên cứu giải quyết.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO | KT. BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ |