cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư liên bộ số 01/LB-TT ngày 11/01/1995 Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy làm công tác lao động-thương binh và xã hội các cấp ở địa phương do Bộ Lao động-Thương và Xã hội-Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 01/LB-TT
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Cơ quan ban hành: Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
  • Ngày ban hành: 11-01-1995
  • Ngày có hiệu lực: 11-01-1995
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 09-07-2004
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3467 ngày (9 năm 6 tháng 2 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 09-07-2004
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 09-07-2004, Thông tư liên bộ số 01/LB-TT ngày 11/01/1995 Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy làm công tác lao động-thương binh và xã hội các cấp ở địa phương do Bộ Lao động-Thương và Xã hội-Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Thông tư liên tịch số 09/2004/TTLT-BLĐTBXH-BNV ngày 09/06/2004 giữa Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban Nhân dân các cấp quản lý Nhà nước về lao động, thương binh và xã hội ở địa phương (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

LIÊN BỘ
LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - BAN TỔ CHỨC CÁN BỘ CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/LB-TT

Hà Nội, ngày 11 tháng 1 năm 1995

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY LÀM CÔNG TÁC LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI CÁC CẤP Ở ĐỊA PHƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 2/3/1993 về nhiệm vụ và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ; Căn cứ Nghị định số 96/CP ngày 7/12/1993 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Ban tổ chức cán của cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc ủy ban Nhân dân các cấp ở địa phương như sau :

Phần I

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA CƠ QUAN LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP Ở ĐỊA PHƯƠNG.

A - SỞ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG (TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG GỌI CHUNG LÀ TỈNH).

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chuyên môn giúp ủy ban Nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực lao động - Thương binh và Xã hội ở địa phương và tổ chức thực hiện một số công tác sự nghiệp theo lĩnh vực nói trên ở địa bàn tỉnh theo pháp luật, chính sách của Nhà nước và sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Nhiệm vụ chủ yếu của Sở là :

1. Căn cứ pháp luật, chính sách của Nhà nước, sự hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và đặc điểm kinh tế - xã hội của tỉnh, xây dựng kế hoạch dài hạn, hàng năm của tỉnh về lĩnh vực Lao động - Thương binh và Xã hội, trình ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định và tổ chức, chỉ đạo thực hiện theo kế hoạch được duyệt.

2. Tổ chức thực hiện :

- Thống kê tổng hợp nguồn lao động (không bao gồm công chức, viên chức Nhà nước) và các đối tượng chính sách xã hội;

- Hướng dẫn và kiểm tra thực hiện chế độ tiền lương, tiền công khu vực sản xuất, kinh doanh;

- Hướng dẫn và giám sát thực hiện hợp đồng lao động;

- Hướng dẫn, đăng kí, nhận và giám sát thực hiện thỏa ước lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn ;

- Quản lý Nhà nước các đơn vị dạy nghề và dịch vụ việc làm xã hội;

- Quản lý và chỉ đạo trực tiếp các cơ sở dạy nghề và dịch vụ việc làm xã hội trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;

- Quản lý, hướng dẫn và tổ chức chỉ đạo thực hiện công tác di dân phát triển vùng kinh tế mới;

- Thanh tra an toàn lao động và bảo hộ lao động;

- Tổ chức quản lý, chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện chương trình nước sạch nông thôn do UNICEF tài trợ theo đúng chương trình, mục tiêu, đối tượng của dự án;

- Kiểm tra thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội;

- Tổ chức thực hiện và kiểm tra các ngành, các cấp : thực hiện chính sách đối với cán bộ lão thành cách mạng, người và gia đình có công với cách mạng, thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, quân nhân phục viên chuyển ngành, người tàn tật, trẻ mồ côi, người già không còn người thân chăm sóc, người gặp khó khăn hiểm nghèo, các nạn nhân chiến tranh và các đối tượng xã hội khác cần có sự cứu trợ, trợ giúp của Nhà nước và xã hội;

- Hướng dẫn thực hiện lễ tưởng niệm liệt sĩ nhân ngày lễ lớn, truy điệu liệt sĩ khi báo tử, tổ chức cất bốc, quy tập, nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ, thăm viếng gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng.

Quản lý nghĩa trang liệt sĩ và các công trình bia ghi công liệt sĩ ở địa phương.

3. Chủ trì và có sự phối hợp của các cơ quan liên quan về các mặt :

Điều tra tai nạn lao động;

- Quản lý và tổ chức thực hiện các chương trình liên ngành phòng chống tệ nạn xã hội (trước hết là nạn mại dâm, ma túy);

- Thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo;

- Xây dựng, phát triển các hình thức bảo trợ xã hội, nhân đạo, từ thiện đối với các đối tượng bảo trợ xã hội.

4. Tham gia với các ngành :

- Theo dõi, giúp đỡ các hội quần chúng hoạt động nhân đạo vì đối tượng do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý theo luật pháp qui định.

- Là thành viên của Hội đồng giám định y khoa về thương tật, khả năng lao động cho người lao động và các đối tượng chính sách xã hội.

Điều tra hậu qủa chiến tranh, bảo vệ các chứng tích, di tích chiến tranh để phục vụ công tác giáo dục, tuyên truyền đối nội, đối ngoại của tỉnh.

5. Thực hiện kiểm tra, thanh tra Nhà nước về việc thi hành pháp luật, chính sách thuộc lĩnh vực Lao động - Thương binh và Xã hội.

Xem xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân về lĩnh vực Lao động - Thương binh và Xã hội.

6. Xây dựng và tổ chức thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch tài chính, vật tư của ngành (kể cả chương trình, dự án tài trợ quốc tế); thống nhất quản lý, các nguồn kinh phí, vật tư được cấp, đảm bảo sử dụng đúng mục đích, theo kế hoạch được duyệt.

7. Quản lý tổ chức cán bộ và các đơn vị trực thuộc, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác Lao động - Thương binh và Xã hội trên địa bàn.

Sơ kết, tổng kết các mặt công tác Lao động - Thương binh và Xã hội, thực hiện chế độ thông tin, thống kê, báo cáo định kì hoặc đột xuất với ủy ban Nhân dân tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tổng hợp và đề nghị khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác Lao động - Thương binh và Xã hội.

B - NHIỆM VỤ CÔNG TÁC LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI Ở HUYỆN, QUẬN THỊ XÃ, THÀNH PHỐ THUỘC TỈNH (HUYỆN, QUẬN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ THUỘC TỈNH GỌI CHUNG LÀ HUYỆN).

1. Căn cứ phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, xây dựng trình ủy ban Nhân dân huyện phương hướng, nhiệm vụ công tác Lao động- Thương binh và Xã hội trên địa bàn huyện và triển khai thực hiện phương hướng nhiệm vụ đã được duyệt.

2. Hướng dẫn và chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan để hướng dẫn thực hiện pháp luật, chính sách chế độ về lĩnh vực lao động, tiền lương, tiền công, việc làm, bảo hộ lao động, điều kiện lao động, nghĩa vụ lao động công ích, di dân phát triển vùng kinh tế mới và chương trình xóa đói giảm nghèo.

3. Tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các chính sách chế độ đối với thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người và gia đình có công với cách mạng, quân nhân phục viên chuyển ngành; người tàn tật, trẻ mồ côi, người già yếu không có thân nhân chăm sóc, người gặp khó khăn hiểm nghèo, các nạn nhân chiến tranh và các đối tượng xã hội khác cần có sự trợ giúp của Nhà nước và xã hội.

Kiểm tra việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội.

4. Quản lý, chỉ đạo các cơ sở sự nghiệp Lao động - Thương binh và Xã hội trên địa bàn; nhà bảo trợ xã hội, đơn vị dạy nghề, dịch vụ việc làm, cơ sở sản xuất của thương binh và người tàn tật, các cơ sở giáo dục, chữa trị, cai nghiện ma túy, mại dâm (nếu có).

- Quản lý các nguồn kinh phí về lĩnh vực lao động thương binh và xã hội của huyện theo qui định.

Quản lý các nghĩa trang liệt sĩ và các công trình Bia ghi công liệt sĩ ở huyện.

5. Phối hợp với các ngành, các đoàn thể trên địa bàn huyện chỉ đạo xây dựng phòng trào toàn dân chăm sóc giúp đỡ các đối tượng chính sách xã hội bằng các hình thức : chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần, thăm hỏi động viên thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng;

- Phối hợp chỉ đạo thực hiện chương trình phòng chống các tệ nạn xã hội trước hết là nạn mại dâm, nghiện ma túy.

6 - Thực hiện kiểm tra, thanh tra Nhà nước trên địa bàn huyện về việc chấp hành luật pháp, chính sách thuộc lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội.

- Xem xét giải quyết kịp thời các đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân về lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội.

7. Tổ chức sơ kết, tổng kết các mặt công tác lao động thương binh và xã hội hàng năm và từng thời kì, đề nghị khen thưởng tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác lao động thương binh và xã hội.

Thực hiện thông tin báo cáo định kì, đột xuất với ủy ban Nhân dân huyện, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về công tác Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác Lao động - Thương binh và Xã hội trên địa bàn huyện.

C - NHIỆM VỤ CÔNG TÁC LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI Ở XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN (XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN GỌI CHUNG LÀ XÃ )

1. Căn cứ phương hướng, nhiệm vụ của ủy ban Nhân dân xã, hướng dẫn của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, xây dựng trình ủy ban Nhân dân xã chương trình nhiệm vụ công tác lao động - Thương binh và Xã hội tháng, qúi, năm và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch đã được duyệt.

2. Thống kê nắm nguồn lao động của xã để giúp ủy ban Nhân dân cân đối nguồn lao động, sắp xếp giải quyết việc làm cho người lao động.

Nắm số lượng, tình hình đối tượng chính sách xã hội : thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công giúp đỡ cách mạng, quân nhân phục viên chuyển ngành, người nghỉ hưu, người tàn tật, già yếu không còn người thân chăm sóc, trẻ mồ côi, những người gặp khó khăn hiểm nghèo để đề xuất các biện pháp trợ giúp nhằm ổn định đời sống vật chất tinh thần cho các đối tượng chính sách.

3. Thực hiện việc chi trả các khoản trợ cấp, phụ cấp cho các đối tượng hưởng chính sách lao động - thương binh và xã hội; tham gia thực hiện việc chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội .

4. Phối hợp với các tổ chức chính quyền, đoàn thể nhân dân xây dựng phong trào toàn dân chăm sóc, giúp đỡ đối tượng chính sách xã hội .

Quản lý nghĩa trang liệt sĩ và các công trình bia ghi công liệt sĩ ở xã (nếu có).

- Quản lý nhà bảo trợ xã hội (nếu có) và tổ chức các hình thức nuôi dưỡng, chăm sóc đối tượng chính sách xã hội tại cộng đồng.

5. Giúp ủy ban Nhân dân xã phối hợp thực hiện tuyên truyền giáo dục, phòng chống, ngăn ngừa các tệ nạn xã hội trên địa bàn (trước hết là nạn mại dâm, nghiện ma túy).

6. Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo, sơ kết, tổng kết về công tác Lao động - Thương binh và Xã hội ở xã theo qui định hiện hành.

Theo dõi tổng hợp đề nghị khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích về công tác Lao động - Thương binh và Xã hội.

Phần II

TỔ CHỨC, BIÊN CHẾ CỦA CƠ QUAN LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI CÁC CẤP Ở ĐỊA PHƯƠNG

Căn cứ chức năng nhiệm vụ hướng dẫn tại Thông tư này và khối lượng công việc phải quản lý, chỉ đạo thực hiện, đặc điểm địa lý, dân số, kinh tế - xã hội, trình độ cán bộ làm công tác Lao động - Thương binh và Xã hội ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định tổ chức bộ máy, biến chế cán bộ cho phù hợp :

1. VỀ BIÊN CHẾ :

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thống nhất với Ban Tổ chức chính quyền tỉnh, xây dựng kế hoạch biên chế theo từng ngạch công chức, viên chức của Sở, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, thị xã trình ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định trong tổng số biên chế của tỉnh được Nhà nước giao hàng năm.

Công chức, viên chức được tuyển dụng vào làm việc trong cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp ở địa phương, phải theo đúng tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức, viên chức và các văn bản hướng dẫn của Nhà nước đã ban hành.

2. VỀ HỆ THỐNG TỔ CHỨC :

- ở cấp tỉnh : Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- ở cấp huyện : Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội

- ở cấp xã : Thực hiện theo Nghị định số 46/CP ngày 23/6/1993 của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định trên về chế độ sinh hoạt phí và số lượng cán bộ xã.

3. CƠ CẤU TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA SỞ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI GỒM CÓ :

a/ Các đơn vị giúp Giám đốc Sở thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước :

1 - Phòng Tổng hợp - tổ chức - hành chính

2 - Phòng lao động việc làm - tiền lương tiền công (gọi tắt là Phòng Lao động - Tiền lương - Tiền công)

3 - Phòng Thương binh liệt sĩ - Bảo hiểm xã hội - Bảo trợ xã hội (gọi tắt là Phòng Thương binh - xã hội)

4 - Phòng Tài chính - kế toán.

5 - Thanh tra chính sách Lao động - xã hội

6 - Thanh tra Nhà nước về an toàn và bảo hộ lao động.

b/ Các tổ chức do Sở quản lý :

- Các tổ chức quản lý chuyên ngành :

+ Chi cục di dân phát triển vùng kinh tế mới

+ Chi cục (phòng) phòng chống tệ nạn xã hội

+ Ban quản lý chương trình nước sinh hoạt nông thôn.

- Các tổ chức sự nghiệp :

+ Trung tâm dạy nghề và dịch vụ việc làm

+ Các cơ sở nuôi dưỡng thương binh và đối tượng xã hội

- Các đơn vị sản xuất :

+ Các cơ sở sản xuất của thương binh và người tàn tật

Đối với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố có nhiều đối tượng thiếu việc làm, học nghề, đối tượng hưởng chính sách xã hội đông .... thì tùy theo khối lượng công việc có thể để nghị ủy ban Nhân dân tỉnh thành lập thêm phòng để quản lý các mặt công tác nói trên.

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm phối hợp với Ban tổ chức chính quyền giúp ủy ban Nhân dân tỉnh hướng dẫn thực hiện những nội dung của Thông tư này; xây dựng qui chế làm việc, mối quan hệ công tác giữa ngành Lao động - Thương binh và Xã hội với các ngành và Uỷ ban Nhân dân các cấp.

2. Trong qúa trình thực hiện có khó khăn vướng mắc, đề nghị ủy ban Nhân dân tỉnh phản ảnh cho Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ để cùng phối hợp giải quyết.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày kí và thay thế cho Thông tư số 01/LĐTBXH-TT ngày 6/3/1992 của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc ủy ban Nhân dân các cấp ở địa phương.

 

BỘ TRƯỞNG - TRƯỞNG BAN
BAN TỔ CHỨC CÁN BỘ CHÍNH PHỦ




Phan Ngọc Tường

BỘ TRƯỞNG
BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI



Trần Đình Hoan