cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư liên tịch số 91/TP-TA ngày 19/01/1994 Về Quy chế phối hợp giữa Giám đốc Sở Tư pháp và Chánh án Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc quản lý về mặt tổ chức các Toà án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 91/TP-TA
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Cơ quan ban hành: Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao
  • Ngày ban hành: 19-01-1994
  • Ngày có hiệu lực: 19-01-1994
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 03-03-2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 7348 ngày (20 năm 1 tháng 18 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 03-03-2014
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 03-03-2014, Thông tư liên tịch số 91/TP-TA ngày 19/01/1994 Về Quy chế phối hợp giữa Giám đốc Sở Tư pháp và Chánh án Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc quản lý về mặt tổ chức các Toà án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 480/QĐ-BTP ngày 03/03/2014 Công bố kết quả hệ thống hóa văn bản thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp đến hết ngày 31/12/2013”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ TƯ PHÁP - TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 91/TP-TA

Hà Nội, ngày 19 tháng 1 năm 1994

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP GIỮA GIÁM ĐỐC SỞ TƯ PHÁP VÀ CHÁNH ÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG TRONG VIỆC QUẢN LÝ VỀ MẶT TỔ CHỨC CÁC TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN, HUYỆN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TỈNH

Căn cứ vào điều 16 của luật tổ chức tòa án nhân dân, và điều 16 của quy chế phối hợp giữa Bộ Trưởng Bộ Tư pháp, Chánh án Tòa án nhân dân nhân dân tối cao, Bộ Trưởng bộ quốc phòng ban hành kèm theo Nghị quyết số 46/NQ-UBTVQH9 ngày 29 tháng 9 năm 1993 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội

Bộ Trưởng Bộ Tư pháp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thống nhất quy định sự phối hợp giữa Giám đốc Sở Tư pháp và Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc quản lý các Tòa án nhân dân huyện, quận,thị xã, thành phố thuộc tỉnh về mặt tổ chức như sau:

Điều 1:

Việc quản lý về mặt tổ chức các Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh theo quy định phân cấp quản lý của Bộ Trưởng Bộ Tư pháp do Giám Đốc Sở Tư pháp đảm nhiệm có sự phối hợp chặt chẽ với Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điều 2:

Sự phối hợp giữa Giám đốc Sở Tư pháp và Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc quản lý về mặt tổ chức các Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh được thực hiện bằng các hình thức sau đây:

1. Trao đổi ý kiến bằng văn bản hoặc trực tiếp;

2. Thông báo văn bản;

3. Phối hợp tổ chức kiểm tra công tác của Tòa án nhân dân huyện quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Điều 3.

Giám đốc Sở Tư pháp thống nhất ý kiến với Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trước khi:

1. Đề nghị Bộ Trưởng Bộ Tư pháp quyết định biên chế, số lượng Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân cho từng tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

2. Đề nghị Bộ Trưởng Bộ Tư pháp quyết định danh sách các ủy viên của hội đồng tuyển chọn Thẩm phán tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

3. Đề nghị Bộ Trưởng Bộ Tư pháp trình Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chánh án, Phó Chánh án; miễn nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

4. Đề nghị Bộ Trưởng Bộ Tư pháp quyết định thuyên chuyển Thẩm phán giữa các tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Trong trường hợp có ý kiến khác nhau về các vấn đề quy định tại điều này thì Giám đốc Sở Tư pháp, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo ý kiến của mình để Bộ Trưởng Bộ Tư pháp phối hợp với Chánh án Tòa án tối cao xem xét, quyết định.

Điều 4.

Giám đốc Sở Tư pháp trao đổi ý kiến với Chánh án tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

1. Giới thiệu với hội đồng tuyển chọn Thẩm phán danh sách những người đủ tiêu chuẩn làm Thẩm phán Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, để hội tuyển chọn Thẩm phán tuyển chọn và đề nghị bổ nhiệm;

2. Đề nghị hội đồng tuyển chọn Thẩm phán xem xét việc đề nghị cách chức Thẩm phán, cho ý kiến về việc cách chức chánh án, phó chánh án Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

3. Đề nghị Bộ Tư pháp quyết định cấp kinh phí đầu tư xây dựng trụ sở Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

4. Quyết định quy hoạch cán bộ và kế hoạch cụ thể về đào tạo công chức, viên chức cho Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

5. Quyết định kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức, viên chức Tòa án nhân dân huyện, quân, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, trừ Thẩm phán.

Trong trường hợp có ý kiến khác nhau về các vấn đề quy định tại điều này, thì Giám đốc Sở Tư pháp quyết định theo thẩm quyền; Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quyền báo cáo với Bộ Trưởng Bộ Tư pháp và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ý kiến của mình về quyết định của Giám đốc Sở Tư pháp.

Điều 5.

Giám đốc Sở Tư pháp thông báo bằng văn bản với Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trước khi:

1. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc kiện toàn tổ chức, bộ máy Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh theo quy định của Bộ Tư pháp;

2. Thực hiện chỉ tiêu biên chế, số lượng thẩm phán và hội Thẩm phán Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh theo quy định của Bộ Tư pháp;

3. Thực hiện việc giải quyết chế độ, chính sách đối với thẩm phán của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh

4. Thực hiện việc thanh tra, giải quyết các khiếu nại, tố cáo về phẩm chất đạo đức và hành vi trái pháp luật của Thẩm phán Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Điều 6.

Giám đốc Sở Tư pháp thống nhất ý kiến với Chánh an Tòa án nhân

dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trước khi quyết định khen thưởng hoặc đề nghị Bộ Tư pháp khen thưởng đối với tập thể, cá nhân của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Điều 7.

Khi cần thiết Giám đốc Sở Tư pháp, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp tổ chức đoàn kiểm tra để kiểm tra công tác của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Điều 8.

Hành quý Giám đốc Sở Tư pháp và Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo cho nhau về công tác quản lý về mặt tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân huỵện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Các báo cáo của Giám đốc Sở Tư pháp về công tác quản lý về mặt tổ chức các Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh gửi Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh đồng thời được gửi cho Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Các báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công tác xét xử của các Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh gửi Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao hoặc trước Hội đồng nhân dân đồng thời được gửi cho Giám đốc Sở Tư pháp.

Điều 9.

Khi Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở Tư pháp thấy những vấn đề cần được xem xét, hướng dẫn kịp thời trong công tác tổ chức hoặc xét xử của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì thông báo ngay cho nhau hoặc trao đổi ý kiến để giải quyết theo thẩm quyền hoặc đề nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Điều 10.

Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký; Giám đốc Sơ Tư pháp, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình chịu trách nhiệm thi hành quy chế này./.

 

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
CHÁNH ÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO




Phạm Hưng

BỘ TƯ PHÁP
BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Đình Lộc