Thông tư liên tịch số 33/LB-TT ngày 09/12/1993 Hướng dẫn chế độ phụ cấp thâm niên chức vụ bầu cử theo nhiệm kỳ do Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Tài chính ban hành (Tình trạng hiệu lực không xác định)
- Số hiệu văn bản: 33/LB-TT
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Cơ quan ban hành: Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính
- Ngày ban hành: 09-12-1993
- Ngày có hiệu lực: 01-04-1993
- Tình trạng hiệu lực: Không xác định
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BAN TỔ CHỨC-CÁN BỘ CHÍNH PHỦ-BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 33/LB-TT | Hà Nội, ngày 09 tháng 12 năm 1993 |
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - BAN TỔ CHỨC CÁN BỘ CHÍNH PHỦ - TÀI CHÍNH SỐ 33/LB-TT NGÀY 9 THÁNG 12 NĂM 1993 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ PHỤ CẤPTHÂM NIÊN CHỨC VỤ BẦU CỬ THEO NHIỆM KỲ
Thi hành Điều 1, Quyết định số 574/TTg ngày 25 tháng 11 năm 1993 của Thủ tướng Chính phủ về bổ sung một số chế độ đối với công chức, viên chức hành chính sự nghiệp lực lượng vũ trang và các đối tượng chính sách xã hội. Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Ban tổ chức cán bộ Chính phủ - Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên chức vụ bầu cử theo nhiệm kỳ như sau;
I. ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐIỀU KIỆN HƯỞNG PHỤ CẤP
1. Đối tượng
Những người giữ chức vụ dân cử, bầu cử theo nhiệm kỳ (kể cả một số chức vụ khác xếp lương theo chức vụ bầu cử) trong hệ thống các cơ quan Nhà nước từ cấp Trung ương đến cấp huyện, đang xếp lương theo bảng lương chức vụ dân cử ban hành kèm theo Nghị quyết số 35/NQ-UBTVQHK9 ngày 17-5-1993 của uỷ ban thường vụ Quốc hội và Nghị định số 25 ngày 23-5-1993 của Chính phủ.
2. Điều kiện
Các đối tượng nêu tại điểm 1 nếu được tái cử cùng một chức vụ từ nhiệm kỳ thứ hai trở đi thì được hưởng phụ cấp thâm niên chức vụ bầu cử.
Trường hợp được bầu cử bổ sung phải giữ chức vụ từ một nửa thời gian của nhiệm kỳ trở lên mới được tính là một nhiệm kỳ.
Ví dụ: ông A được bầu giữ chức vụ Chủ tịch uỷ ban Nhân dân tỉnh từ năm 1987, đến năm 1992 hết nhiệm kỳ lại tiếp tục được bầu giữ chức vụ Chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh nhiệm kỳ thứ hai, thì nhiệm kỳ này được hưởng phụ cấp thâm niên chức vụ bầu cử.
II. MỨC VÀ CÁCH TÍNH TRẢ PHỤ CẤP THÂM NIÊN CHỨC VỤ BẦU CỬ
1. Mức phụ cấp
Các đối tượng có đủ điều kiện theo quy định tại mục I nói trên, từ nhiệm kỳ thứ hai trở đi, hàng tháng được hưởng phụ cấp thâm niên chức vụ bầu cử bằng 5% mức lương chức vụ hiện giữ cho mỗi nhiệm kỳ, cụ thể:
- Nhiệm kỳ thứ hai: mức phụ cấp bằng 5% mức lương chức vụ hiện giữ.
- Nhiệm kỳ thứ ba: mức phụ cấp bằng 10% mức lương chức vụ hiện giữ.
- Nhiệm kỳ thứ tư: mức phụ cấp bằng 15% mức lương chức vụ hiện giữ.
Phụ cấp thâm niên chức vụ bầu cử |
= | Mức lương chức vụ bầu cử, dân cử hiện giữ |
x | Tỷ lệ% phụ cấp được hưởng |
Ví dụ: ông H là Chủ tịch uỷ ban nhân dân huyện nhiệm kỳ thứ ba, có mức lương chức vụ của Chủ tịch huyện theo quy định từ 1-4-1993 là 323.000đ/tháng, tỷ lệ phụ cấp thâm niên chức vụ bầu cử bằng 10%. Như vậy, hàng tháng ông H được hưởng khoản phụ cấp thâm niên chức vụ bầu cử là:
323.000 đồng x 10% = 32.300 đồng/tháng
2. Cách tính trả
- Phụ cấp thâm niên chức vụ bầu cử được trả cùng với kỳ lương hàng tháng.
- Phụ cấp thâm niên, chức vụ bầu cử được dùng để tính chế độ bảo hiểm xã hội, nhưng không được dùng để tính các khoản phụ cấp khác.
- Những người giữ chức vụ dân cử, bầu cử đang hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu theo quy định tại Thông tư số 25/LB-TT ngày 13-9-1993 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Ban tổ chức cán bộ Chính phủ - Tài chính, nếu đủ điều kiện hưởng phụ cấp thâm niên chức vụ bầu cử theo quy định nêu tại Thông tư này thì được chọn hưởng hệ số chệnh lệch bảo lưu hoặc phụ cấp thâm niên chức vụ bầu cử, nhưng nhất thiết không được hưởng cả hai khoản cùng một lúc.
- Trong nhiệm kỳ nếu ốm đau phải đi điều trị dài ngày thì vẫn được hưởng phụ cấp thâm niên chức vụ bầu cử.
- Chuyển sang làm công việc khác không thuộc chức vụ bầu cử, dân cử, hoặc bị miễn nhiệm thì thôi hưởng phụ cấp thâm niên bầu cử từ ngày ra quyết định.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-4-1993. Các Bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành việc xét duyệt phương án tiền lương căn cứ vào Thông tư này lập danh sách và mức phụ cấp của những người được hưởng phụ cấp thâm niên theo nhiệm kỳ mà không hưởng chế độ bảo lưu quy định tại Thông tư số 25/LB-TT ngày 13-9-1993 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Ban tổ chức cán bộ, tính toán tổng hợp và gửi về Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Ban tổ chức cán bộ để cấp bổ sung quỹ tiền lương tăng thêm của năm 1993.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phản ánh về Liên Bộ nghiên cứu giải quyết.
Hồ Tế (Đã ký) | Phan Ngọc Tường (Đã ký) | Trần Đình Hoan (Đã ký) |