cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư liên tịch số 1-TT/LB ngày 20/03/1993 Hướng dẫn Quyết định số 57-TTg về việc trợ cấp cho cán bộ xã miền núi và xã có khó khăn (Tình trạng hiệu lực không xác định)

  • Số hiệu văn bản: 1-TT/LB
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Cơ quan ban hành: Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ, Bộ Tài chính
  • Ngày ban hành: 20-03-1993
  • Ngày có hiệu lực: 01-01-1993
  • Tình trạng hiệu lực: Không xác định
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

 

BAN TỔ CHỨC-CÁN BỘ CHÍNH PHỦ-BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1-TT/LB

Hà Nội, ngày 20 tháng 3 năm 1993

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BAN TỔ CHỨC CÁN BỘ CHÍNH PHỦ - TÀI CHÍNH SỐ 1-TT/LB NGÀY 20/3/1993 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNHSỐ 57-TTg NGÀY 15/2/1993 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆCTRỢ CẤP CHO CÁN BỘ XÃ MIỀN NÚI VÀ XÃ CÓ KHÓ KHĂN.

Thi hành Quyết định số 57-TTg ngày 15-2-1993 của Thủ tướng Chính phủ về trợ cấp cho cán bộ xã miền núi và xã có khó khăn, liên Bộ Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Để giảm bớt một phần khó khăn về đời sống của cán bộ xã, Quyết định số 57-TTg ngày 15-2-1993 của Thủ tướng Chính phủ quy định mức trợ cấp thêm hàng tháng cho cán bộ xã thuộc miền núi và những xã thực sự khó khăn mà từ trước đến nay mức sinh hoạt phí đã được cấp ở mức quá thấp.

2. Việc quy định trợ cấp thêm cho 16 cán bộ đang công tác Đảng, đoàn thể, chính quyền xã miền núi và xã có khó khăn là nhằm kiện toàn chính quyền cấp xã ngày một vững mạnh và hoạt động có hiệu quả, Uỷ ban nhân dân các địa phương cần chủ động chỉ đạo sắp xếp lại bộ máy chính quyền xã gọn nhẹ, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước ở cơ sở. Tuyệt đối không lấy khoản trợ cấp thêm để chia đều cho số cán bộ xã hiện có, ngành tài chính chỉ trợ cấp thêm cho từng cán bộ theo tên và chức danh cụ thể nhưng không quá 16 người.

II. ĐIỀU KIỆN CÁC XÃ, CÁC ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC HƯỞNG TRỢ CẤP VÀ MỨC TRỢ CẤP THÊM

1. Những xã được xác định xem xét trợ cấp thêm cho cán bộ xã theo Quyết định số 57-TTg phải là những xã:

- Những xã vùng cao biên giới chưa thực hiện Quyết định số 72-HĐBT ngày 13-3-1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).

- Những xã vùng sâu đồng bằng sông Cửu Long có nhiều khó khăn.

- Những xã miền múi, trung du, đồng bằng quá nghèo và đã khai thác hết các nguồn thu giao cho xã nhưng không đủ nguồn chi trả phụ cấp sinh hoạt phí bình quân chung cho 16 cán bộ xã đang làm việc dưới 40.000đ/tháng (tổng số kinh phí sinh hoạt phí trong ngân sách xã thực hiện trong năm 1992 chia cho 16 người, chia cho 12 tháng nhỏ hơn 40.000đ).

2. Những cán bộ được hưởng trợ cấp thêm theo Quyết định số 57-TTg không được trợ cấp bất cứ một khoản nào khác kể cả số tiền trợ cấp của địa phương.

3. Mức trợ cấp thêm hàng tháng:

a) Đối với cán bộ xã đương chức:

- Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã mức tối đa 60.000 đ/tháng đảm bảo mức sinh hoạt phí hiện đang hưởng cộng với trợ cấp thêm không quá 100.000đ/tháng.

- Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, Thư ký Hội đồng nhân dân xã, xã đội trưởng mức trợ cấp thêm tối đa 50.000đ/tháng đảm bảo mức sinh hoạt phí hiện đang hưởng cộng với trợ cấp thêm không quá 85.000 đ/tháng.

- Đối với các chức danh khác mức trợ cấp thêm tối đa 40.000đ/tháng, đảm bảo mức sinh hoạt phí hiện đang hưởng cộng với trợ cấp thêm không quá 70.000đ/tháng.

b) Đối với cán bộ xã già yếu nghỉ việc:

Những cán bộ công tác tại xã trước đây được giải quyết nghỉ việc theo Quyết định số 130-CP ngày 20-6-1975 và Quyết định số 111-HĐBT ngày 13-10-1981 của Hội đồng Bộ trưởng được hưởng trợ cấp thêm cụ thể như sau:

- Bí thư, Phó bí thư Đảng uỷ xã, Chủ tịch, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã được hưởng mức chênh lệch 30.000đ/tháng trừ đi mức phụ cấp hiện được hưởng hàng tháng.

- Các chức danh khác được hưởng mức chênh lệch 20.000đ/tháng trừ đi mức phụ cấp hiện được hưởng hàng tháng.

c) Xã nào đã trả mức phụ cấp sinh hoạt phí và mức phụ cấp quy định bằng mức tối đa nói trên không được tính trợ cấp thêm.

III. NGUỒN KINH PHÍ VÀ TỔ CHỨC CHI TRẢ TRỢ CẤP THÊMCHO CÁN BỘ XÃ

1. Nguồn ngân sách để chi trợ cấp thêm cho cán bộ xã miền núi và các xã có khó khăn.

- Đối với các xã trong điều kiện hiện nay chưa có nguồn để chi trợ cấp thêm, thì ngân sách huyện hoặc tỉnh trợ cấp cho xã để chi trả cho cán bộ xã.

- Trường hợp ngân sách tỉnh, thành phố (gọi tắt là tỉnh) thuộc diện phải nhận số bổ sung ngân sách từ ngân sách Trung ương, sau khi tự sắp xếp, bố trí chi tiêu tiết kiệm nhưng không đủ chi trả cho khoản chi trợ cấp thêm cho cán bộ xã, Uỷ ban nhân dân tỉnh làm việc với Bộ Tài chính để bổ sung thêm trợ cấp.

- Đối với các tỉnh không thuộc diện bổ sung ngân sách từ Trung ương, nhất thiết phải bố trí dành một khoản để thực hiện Quyết định số 57-TTg ngày 15/2/1993 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Dự toán chi về khoản phụ cấp thêm cho cán bộ xã miền núi, xã có khó khăn được lập theo biểu số 1 và 2 kèm theo Thông tư này.

- Việc xét duyệt số xã và danh sách cán bộ xã và mức phụ cấp thêm do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện đề nghị (dựa trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã), Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh xét và quyết định.

- Việc xét mức trợ cấp cho các xã để chi phụ cấp thêm cho cán bộ xã được thực hiện như sau: Đối với tỉnh còn ngân sách cấp huyện do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện quyết định, đối với các tỉnh không còn ngân sách cấp huyện, phòng tài chính huyện căn cứ vào dự toán của các xã để kiểm tra tổng hợp trình Sở Tài chính để xem xét và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định mức trợ cấp cho các xã.

3. Thực hiện chi trả, hạch toán và quyết toán.

Khoản chi trợ cấp thêm cho cán bộ xã đang làm việc và cán bộ xã già yếu nghỉ việc được chi trả trực tiếp cho từng cán bộ xã hàng tháng dựa trên danh sách đã được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định, được đăng ký tại Phòng tài chính huyện và chi nhánh kho bạc nơi có tài khoản ngân sách xã đó giao dịch.

Trợ cấp thêm cho cán bộ xã của tháng 1 và 2 năm 1993, địa phương nào có nguồn ngân sách thực hiện chi trả hết một lần trong 3 tháng. Đối với các địa phương ngân sách có khó khăn cần bố trí chi trả hết cho cán bộ xã trong tháng 4 và chậm nhất là tháng 5 năm 1993.

Việc hạch toán và quyết toán khoản trợ cấp thêm này được phân ra 2 loại: Loại trợ cấp thêm cho cán bộ xã đương chức được hạch toán và quyết toán vào mục chi 65 ngân sách xã; Loại trợ cấp thêm cho cán bộ xã già yếu nghỉ việc hạch toán và quyết toán vào mục chi 90 ngân sách xã.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, căn cứ vào Quyết định số 57-TTg ngày 15/2/1993 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư này chỉ đạo Ban tổ chức chính quyền, Sở Tài chính vật giá tổ chức triển khai thực hiện, trong đó phải xác định cụ thể phạm vi các xã được phụ cấp thêm và mức trợ cấp thêm cụ thể ở địa phương và sau đó tổng hợp báo cáo về Bộ Tài chính và Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ để theo dõi thực hiện.

2. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 1993. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị các địa phương phản ánh về liên Bộ để có hướng dẫn giải quyết.

PHỤ LỤC

BIỂU SỐ 1

DỰ TOÁN CHI TRỢ CẤP THÊM CHO CÁN BỘ XÃ ĐƯƠNG CHỨC Ở MIỀN NÚI VÀ CÁC XÃ CÓ KHÓ KHĂN

(Theo điều 1 Quyết định số 57-TTg ngày 15/2/1993)

SốTT

Họ và tên

Chức danh

Mức sinh hoạt phí được hưởng hàng tháng

Mức được trợ cấp thêm hàng tháng

Tổng số trợ cấp thêm được hưởng cả năm

1

2

-

-

-

 

 

 

Cộng

X

BIỂU SỐ 2

DỰ TOÁN CHI TRỢ CẤP THÊM CHO CÁN BỘ XÃ GIÀ YẾU NGHỈ VIỆC

(theo điều 2 Quyết định số 57-TTg ngày 15/2/1993)

Số TT

Họ và tên

Chức danh trước khi nghỉ việc

Mức phụ cấp được hưởng hàng tháng

Mức trợ cấp thêm hàng tháng

Số trợ cấp thêm được hưởng cả năm

 

 

 

 

Cộng

X

 

Tào Hữu Phùng

(Đã ký)

Trần Công Tuynh

(Đã ký)