Thông tư liên bộ số 10-TTLB ngày 07/09/1992 Về việc quản lý thuốc dùng cho người và súc vật do Liên bộ Y tế-Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 10-TTLB
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Cơ quan ban hành: Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Bộ Y tế
- Ngày ban hành: 07-09-1992
- Ngày có hiệu lực: 07-09-1992
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 13-08-2014
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 8010 ngày (21 năm 11 tháng 15 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 13-08-2014
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ Y TẾ - BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ CÔNG NGHIỆP THỰC PHẨM | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10-TTLB | Hà Nội, ngày 07 tháng 09 năm 1992 |
THÔNG TƯ LIÊN BỘ
VỀ VIỆC QUẢN LÝ THUỐC DÙNG CHO NGƯỜI VÀ SÚC VẬT
Thuốc phòng, chữa bệnh là loại hàng hóa đặc biệt liên quan sức khỏe và tính mạng con người. Do nhu cầu bảo vệ tính mạng và sức khỏe con người và bảo vệ sản xuất chăn nuôi cần phải có những tiêu chuẩn riêng cho các chủng loại thuốc của từng ngành.
Căn cứ Điều lệ thuốc phòng bệnh, chữa bệnh ban hành theo Nghị định số 23 – HĐBT ngày 24-01-1991;
Căn cứ Hệ thống Qui chế Dược của Bộ Y tế; Qui chế 100-NN/CNYT/QC ngày 22-01-1992 của Bộ Nông nghiệp – Công nghiệp thực phẩm, nay Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp – Công nghiệp thực phẩm ra Thông tư này nhằm:
- Ngăn chặn việc sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, sử dụng lẫn lộn thuốc của hai ngành Y tế và Thú y; nhằm bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho người và bảo vệ sản xuất chăn nuôi.
- Quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc, ngăn chặn thuốc giả, thuốc không đạt phẩm chất, thuốc quá hạn dùng, thuốc chưa được phép lưu hành hợp pháp (kể cả thuốc nước ngoài nhập vào Việt Nam).
1. Về sản xuất thuốc:
- Chỉ được sản xuất và lưu hành các sản phẩm thuốc khi đã được cơ quan có thẩm quyền cấp Sổ Đăng ký (SĐK) sản xuất và cho phép lưu hành.
- Nhãn thuốc và đồ bao gói phải có cấu tạo đầy đủ nội dung và hình thức theo Quy chế nhãn thuốc riêng của từng Bộ.
Riêng thuốc dùng cho súc vật trên nhãn và đồ bao gói phải có dòng chữ “Thuốc dùng cho súc vật”.
2. Về nhập khẩu, buôn bán thuốc và nguyên liệu làm thuốc:
- Nhập khẩu thuốc và nguyên liệu làm thuốc phải căn cứ vào nhu cầu thực tế của từng ngành. Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp – Công nghiệp thực phẩm xét duyệt đơn hàng xin nhập khẩu thuốc và nguyên liệu làm thuốc cho các đơn vị thuộc quyền quản lý của mình, theo các quy định hiện hành của Nhà nước.
Nghiêm cấm nhập các loại thuốc khi chưa làm đầy đủ thủ tục xin nhập.
- Thuốc và nguyên liệu làm thuốc nhập cho ngành nào, chỉ sản xuất, lưu thông và sử dụng trong ngành đó. Khi cần có sự trao đổi, nhượng lại các loại nguyên liệu làm thuốc dùng cho người phải có sự đồng ý của hai Bộ; các cơ sở của hai ngành không được tự động ký hợp đồng trao đổi hoặc mua bán.
- Các cửa hàng, đại lý của mỗi ngành chỉ được phép kinh doanh các loại thuốc trong thông báo danh mục thuốc được phép lưu hành hợp pháp theo từng thời điểm của từng Bộ.
Nghiêm cấn các cửa hàng thuốc Y tế (thuộc bất cứ loại hình doanh nghiệp nào) bán thuốc dùng cho súc vật.
Nghiêm cấm các Cửa hàng thuốc Thú y bán thuốc dùng cho người.
3. Về sử dụng thuốc:
Chỉ các đối tượng trong quy định riêng của từng Bộ mới được sử dụng thuốc phòng bệnh, chữa bệnh.
Nghiêm cấm việc dùng nguyên liệu sản xuất thuốc Thú y để sản xuất thuốc dùng cho người.
Nghiêm cấm việc dùng thuốc Thú y để chữa bệnh cho người.
4. Về kiểm tra, thanh tra, xử phạt:
Từng Bộ tự tiến hành thanh tra, kiểm tra theo chương trình riêng của ngành.
Những việc thanh tra, kiểm tra có liên quan cả hai bên phải có sự bàn bạc chung về nội dung, thời gian, cách tiến hành giữa hai Bộ hoặc Sở.
Trong quá trình thanh tra, kiểm tra liên ngành nếu có điểm nào không thống nhất, phải có văn bản báo cáo lãnh đạo hai Bộ hoặc Sở.
Việc xử phạt vi phạm các quy định được thực hiện theo quy định của pháp luật
Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký ban hành.
Các đơn vị thuộc mỗi Bộ có trách nhiệm triển khai thực hiện. Nếu có vướng mắc trong quá trình thực hiện cần gửi công văn về hai Bộ để nghiên cứu hướng dẫn thêm
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ CÔNG NGHIỆP THỰC PHẨM | KT. BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ |