Thông tư liên tịch số 02-LB/TT ngày 19/11/1990 Hướng dẫn Quyết định 268-CT của Chủ tịch HĐBT và kết luận của Thường trực HĐBT về tổ chức làm kinh tế xây dựng ngân sách Đảng do Bộ Tài chính-Ban Tài chính,Quản trị Trung ương ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 02-LB/TT
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Cơ quan ban hành: Ban Tài chính-Quản trị Trung ương, Bộ Tài chính
- Ngày ban hành: 19-11-1990
- Ngày có hiệu lực: 04-12-1990
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-10-1992
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 667 ngày (1 năm 10 tháng 2 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 01-10-1992
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BAN TÀI CHÍNH-QUẢN TRỊ TRUNG ƯƠNG-BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02-LB/TT | Hà Nội , ngày 19 tháng 11 năm 1990 |
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
CỦA LIÊN BỘ TÀI CHÍNH - BAN TÀI CHÍNH - QUẢN TRỊ TRUNG ƯƠNG SỐ 02/TT-LB NGÀY 19 THÁNG 11 NĂM 1990 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 268/CT CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỜNG VÀ KẾT LUẬN CỦA THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỘNG BỘ TRƯỞNG VỀ TỔ CHỨC LÀM KINH TẾ XÂY DỰNG NGÂN SÁCH ĐẢNG
Để thực hiện Quyết định số 268/CT ngày 30-7-1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 31-7-1987 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và kết luận của Thường trực Hội đồng Bộ trưởng ngày 7-9-1990, Bộ Tài chính và Ban Tài chính - Quản trị Trung ương hướng dẫn thực hiện đối với các tổ chức làm kinh tế để xây dựng ngân sách Đảng như sau:
1. Các Công ty, Xí nghiệp, Liên hiệp xí nghiệp, các cơ sở kinh doanh sản xuất - dịch vụ do các cơ quan tài chính Đảng ở Trung ương và các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương lập ra để làm kinh tế xây dựng ngân sách Đảng phải có đủ những điều kiện sau đây:
- Phải có quyết định thành lập của Ban Tài chính - Quản trị Trung ương (nếu là cơ sở kinh tế trực thuộc Trung ương) của Ban Tài chính - Quản trị tỉnh uỷ, thành uỷ, đặc khu uỷ (nếu là cơ sở kinh tế trực thuộc tỉnh, thành phố, đặc khu) hoặc của Văn phòng cấp uỷ tỉnh, thành phố, đặc khu (ở nơi không lập Ban tài chính - Quản trị mà Văn phòng cấp uỷ kiêm nhiệm chức năng cơ quan tài chính Đảng). Đối với những cơ sở kinh tế của Đảng ở cấp huyện, quận thì cơ quan tài chính Đảng của cấp uỷ tỉnh, thành phố, đặc khu phải cân nhắc kỹ, xét duyệt phương án sản xuất kinh doanh và ra quyết định cho phép thành lập.
- Phải đăng ký kinh doanh, đăng ký nộp thuế theo chính sách hiện hành của Nhà nước. Đối với các cơ sở làm kinh tế do Ban Tài chính - Quản trị Trung ương tỉnh, thành phố quản lý, nộp hồ sơ và đăng ký kinh doanh, đăng ký nộp thuế tại Cục thuế tỉnh, thành phố. Đối với các cơ sở làm kinh tế do quận uỷ, huyện uỷ quản lý, việc đăng ký kinh doanh, đăng ký nộp thuế tại chi cục thuế quận, huyện.
- Phải tuân thủ pháp luật Nhà nước, thực hiện nghiêm chỉnh Pháp lệnh kế toán - thống kê do Hội đồng Nhà nước công bố và Nghị định của Hội đồng Bộ trưởng ban hành Điều lệ Tổ chức kế toán Nhà nước.
Các cơ quan Đảng không có chức năng làm kinh tế xây dựng ngân sách Đảng, như các ban tham mưu nghiên cứu, hành chính của các cấp uỷ Đảng, các viện, học viện, các trường Đảng... ở các cấp, lập ra các tổ chức làm kinh tế nhằm chủ yếu để cải thiện đời sống cán bộ, công nhân viên trong cơ quan thì phải nghiêm chỉnh thực hiện đầy đủ các thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký nộp thuế theo đúng các quy định trong Quyết định số 268/CT ngày 30-7-1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư hướng dẫn số 39-CT-CTN ngày 27-8-1990 của Bộ Tài chính.
2. Cơ chế quản lý nội bộ của các tổ chức kinh tế xây dựng ngân sách Đảng do cơ quan tài chính Đảng quy định và hướng dẫn thi hành thống nhất trong từng thời kỳ phù hợp với cơ chế quản lý nền kinh tế quốc dân nói chung đã và đang được đổi mới.
Trước mắt, đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh của Đảng đã lập ra và đang hoạt động theo cơ chế quản lý như các xí nghiệp quốc doanh thì vẫn tiếp tục hoạt động theo cơ chế này. Nếu lập Công ty cổ phần, xí nghiệp liên doanh với nước ngoài... thì hoạt động theo cơ chế quản lý của các loại hình kinh tế đó.
Toàn bộ hoạt động của các tổ chức kinh tế này đều phải tuân thủ pháp luật nhà nước và những quy định về quản lý tài chính Đảng của Ban Tài chính - Quản trị Trung ương, phải chịu sự kiểm tra, giám sát của Uỷ ban nhân dân các cấp và của các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước theo đúng các chế độ hiện hành.
3. Các tổ chức làm kinh tế xây dựng ngân sách Đảng có nghĩa vụ nộp đúng, nộp đủ các loại thuế theo thông báo của cơ quan thuế sở tại vào ngân sách Nhà nước theo luật định.
Việc chuyển một phần hay toàn bộ số thuế thu được sang ngân sách Đảng theo quyết định của Thường trực Hội đồng Bộ trưởng, Bộ Tài chính và Ban Tài chính - Quản trị Trung ương thoả thuận giải quyết theo nguyên tắc:
- Cơ quan tài chính Nhà nước các cấp vẫn bảo đảm kế hoạch trợ cấp cho ngân sách Đảng theo dự toán ngân sách đã được cấp uỷ phê duyệt.
- Hàng quý, cơ sở làm kinh tế thống kê các loại thuế đã nộp trong quý,lấy xác nhận của kho bạc Nhà nước gửi Ban Tài chính - Quản trị tỉnh, thành phố, đặc khu để tổng hợp báo cáo Ban Tài chính - Quản trị Trung ương và Bộ Tài chính (phải gửi kèm theo các bảng thống kê số thuế đã nộp của các cơ sở làm kinh tế). Căn cứ vào báo cáo tổng hợp của Ban Tài chính - Quản trị Trung ương; Bộ Tài chính chuyển lại một phần cho ngân sách Đảng ở Trung ương tối đa không quá 50% số thuế do các cơ sở làm kinh tế xây dựng ngân sách Đảng trong cả nước đã thực nộp vào kho bạc Nhà nước.
- Số tiền nói trên chỉ dùng vào việc xây dựng cơ sở mới, mở rộng, mua sắm trang thiết bị mới, bổ sung thêm vốn lưu động cho các cơ sở sản xuất kinh doanh làm kinh tế xây dựng ngân sách Đảng, để từng bước tự đảm bảo về ngân sách của Đảng mà không phải lấy trợ cấp của ngân sách Nhà nước.
- Ban Tài chính - Quản trị Trung ương căn cứ vào nhu cầu xây dựng, thay đổi trang thiết bị mới, bổ sung vốn lưu động của các tỉnh, thành phố, điều hoà số tiền do Bộ Tài chính cấp lại cho các địa phương, trước hết cho các địa phương sản xuất kinh doanh có hiệu quả và nộp thuế theo đúng quy định, không dùng số tiền này để chi tiêu thường xuyên.
Đối với các nhà khách, các cơ sở dịch vụ của Đảng tận dụng cơ sở vật chất và lao động sẵn có, thời gian nhàn rỗi để kết hợp đưa vào kinh doanh nhằm tăng thu cho ngân sách, thì phải phân tích rõ giữa phần kinh doanh và phần phục vụ, đăng ký kinh doanh, đăng ký nộp thuế và nộp đủ thuế đối với phần kinh doanh theo quy định tại điểm 2 phần một (1) tại Thông tư này.
Ngoài các khoản thuế theo luật định, các tổ chức làm kinh tế xây dựng ngân sách Đảng có nghĩa vụ trích nộp bảo hiểm xã hội theo chế độ quy định cho cơ quan lao động thương binh và xã hội, và cán bộ công nhân viên của các tổ chức làm kinh tế này được hưởng mọi quyền lợi về bảo hiểm xã hội theo chế độ hiện hành.
4. Trên cơ sở kết quả tổng kiểm kê và đánh giá lại vốn sản xuất kinh doanh của các cơ sở sản xuất kinh doanh và các cơ quan hành chính sự nghiệp theo quyết định của Hội đồng Bộ trưởng, cơ quan tài chính Đảng cùng cơ quan tài chính Nhà nước các cấp trình Nhà nước thủ tục pháp lý cần thiết để bàn giao cho cơ quan tài chính Đảng những tài sản của Nhà nước hiện do cơ quan tài chính Đảng quản lý và sử dụng. Đối với những tài sản cố định được bàn giao trên đây cùng các tài sản cố định được xây dựng bằng nguồn vốn của ngân sách Đảng, cơ quan tài chính Đảng các cấp làm các thủ tục giao phần tài sản cần thiết cho các cơ sở làm kinh tế, coi đó là nguồn vốn của ngân sách Đảng cấp cho cơ sở.
Tất cả các nguồn vốn cố định nói trên cũng như nguồn vốn tự bổ sung của các cơ sở kinh tế này đều phải được thể hiện trong sổ sách kế toán của từng đơn vị và phải thực hiện việc trích nộp vào ngân sách Đảng khấu hao cơ bản theo chế độ hiện hành.
5. Việc tính thuế và nộp thuế cho ngân sách Nhà nước thực hiện từ 01-01-1991. Trước đó các đơn vị sản xuất kinh doanh phải làm đầy đủ các thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký nộp thuế theo đúng quy định.
Thông tư này thay thế cho điểm 6 Thông tư Liên Bộ số 01-TT/LB ngày 22-9-1988 của Bộ Tài chính và Ban Tài chính - Quản trị Trung ương.
Quá trình thực hiện nếu có vấn đề gì khó khăn vướng mắc, đề nghị các cấp, các ngành phản ánh về Bộ Tài chính và Ban Tài chính - Quản trị Trung ương để nghiên cứu giải quyết.
Hoàng Quy (Đã ký) | Lê Đức Thịnh (Đã ký) |