cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư liên tịch số 09-BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC/TTLT ngày 10/12/1989 Hướng dẫn bảo vệ cưỡng chế thi hành án do Bộ Nội vụ-Toà án nhân dân tối cao ban hành (Tình trạng hiệu lực không xác định)

  • Số hiệu văn bản: 09-BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC/TTLT
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Cơ quan ban hành: Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao
  • Ngày ban hành: 10-12-1989
  • Ngày có hiệu lực: 10-12-1989
  • Tình trạng hiệu lực: Không xác định
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

BỘ TƯ PHÁP-BỘ TÀI CHÍNH-TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO-VIỆN KIỂM SÁTNHÂN DÂN TỐI CAO
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 09-/BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC/TTLT

Hà Nội, ngày 10 tháng 12 năm 1989 

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN VIỆC XÉT XỬ VÀ THI HÀNH ÁN ĐỐI VỚI CÁC KHOẢN TIỀN BỒI THƯỜNG, BỒI HOÀN, THANH TOÁN TÀI SẢN, CẤP DƯỠNG TRONG CÁC BẢN ÁN HÌNH SỰ VÀ DÂN SỰ TRONG TÌNH HÌNH HIỆN NAY

Để cho việc xét xử và thi hành án đối với các khoản tiền bồi thường thanh toán tài sản, cấp dưỡng trong các bản án hình sự và dân sự được thuận tiện, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính hướng dẫn các cấp toà án giải quyết một số vấn đề trong công tác xét xử và thi hành án như sau:

1. Đối với các trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường, bồi hoàn bằng tiền, các giao dịch dân sự mà các đương sự phải thanh toán với nhau bằng tiền, các khoản cấp dưỡng bằng tiền, các khoản tiền phạt và án phí từ nay trở đi, khi xét xử Toà án chỉ xác định các khoản tiền đó mà không qui đổi ra thóc hoặc gạo.

2. Đối với các bản án đã xử theo chỉ thị số 01/NCPL ngày 20/1/1987 của Toà án nhân dân tối cao mà có kháng cáo hoặc kháng nghị để xét xử lại theo trình tự phúc thẩm, thì khi xét xử phúc thẩm, Toà án chỉ tuyên bố số tiền phải bồi thường hoặc phải thanh toán mà không qui đổi ra thóc (hoặc gạo) nữa.

3. Đối với các trường hợp có thể thanh toán được bằng vật cùng loại (tức là bằng những vật có hình thức, chất lượng và giá trị tương đương như: vàng, gạch, ngói, xi măng, xe đạp cùng loại v.v...) thì khi xét xử, toà án quyết định thanh toán bằng hiện vật. Khi thi hành án, nếu không có hiện vật để thanh toán thì Toà án cho trả bằng tiền theo giá của vật đó lúc thi hành án.

4. Đối với những bản án trước đây đã quyết định đương sự phải trả bằng hiện vật nhưng không có hiện vật để trả, thì Toà án cho trả bằng tiền theo giá của vật đó ở thị trường địa phương lúc thi hành án.

5. Đối với các bản án đã có hiệu lực pháp luật trước khi có thông tư liên ngành này mà chưa được thi hành hoặc mới thi hành được một phần, thì khi thi hành hoặc thi hành tiếp đối với phần còn lại vẫn theo cách qui đổi số thóc (hoặc gạo) thành tiền để các đương sự thi hành. Tuy nhiên, nếu số tiền qui đổi từ thóc (hoặc gạo) đó thấp hơn số tiền tuyên trong bản án thì thi hành theo số tiền tuyên trong bản án.

6. Trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày có quyết định đưa bản án hoặc quyết định ra thi hành, bên phải thi hành án phải thanh toán tiền cho bên được thi hành án. Từ tháng thứ 2 trở đi, mỗi tháng bên phải thi hành án phải chịu thêm một khoản tiền lãi suất tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn đối với số tiền chưa thi hành.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 10 tháng 12 năm 1987 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ tư pháp và bộ Tài Chính.

Lê Thanh Đạo

(Đã ký)

Trịnh Hồng Dương

(Đã ký)

 

Lý Tài Luận

(Đã ký)

Trần Đông

(Đã ký)