cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư liên bộ số 16-TT/LB ngày 14/08/1989 Hướng dẫn thu, chi quỹ học phí trong ngành giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục-Bộ Tài chính ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 16-TT/LB
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Cơ quan ban hành: Bộ Giáo dục, Bộ Tài chính
  • Ngày ban hành: 14-08-1989
  • Ngày có hiệu lực: 05-09-1989
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-07-2000
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3952 ngày (10 năm 10 tháng 2 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 01-07-2000
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 01-07-2000, Thông tư liên bộ số 16-TT/LB ngày 14/08/1989 Hướng dẫn thu, chi quỹ học phí trong ngành giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục-Bộ Tài chính ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 100/2000/QĐ-BTC ngày 16/06/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Công bố Danh mục Thông tư liên tịch đã hết hiệu lực pháp luật”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ GIÁO DỤC-BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 16-TT/LB

Hà Nội, ngày 14 tháng 8 năm 1989

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

CỦA BỘ GIÁO DỤC - TÀI CHÍNH SỐ 16-TT/LB NGÀY 14-8-1989 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN THU, CHI QUỸ HỌC PHÍ TRONG NGÀNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

Thi hành Quyết định số 44-HĐBT ngày 24-4-1989 của Hội đồng Bộ trưởng về việc thu một phần học phí trong ngành giáo dục phổ thông; Liên Bộ Giáo dục - Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định trên như sau:

I. MỘT SỐ NGUYÊN TẮC THU CHI HỌC PHÍ

1. Sự nghiệp giáo dục là của toàn dân, học phí thể hiện một phần sự đóng góp của cha mẹ học sinh chăm lo đội ngũ giáo viên và điều kiện giảng dạy, học tập của trường học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục cho con em mình.

2. Quỹ học phí thay thế quỹ bảo trợ nhà trường và do ngành giáo dục quản lý, không trừ vào ngân sách đầu tư cho sự nghiệp giáo dục hàng năm và vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Nhà nước. Việc huy động nhân dân đóng góp xây dựng trường học, mua sắm bàn ghế vẫn tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 248-TTg.

3. Việc thu học phí phải hợp lý, tạo điều kiện cho sự nghiệp giáo dục tiếp tục phát triển và từng bước thực hiện phổ cập giáo dục cấp I. Do đó, không thu học phí đối với học sinh phổ thông các lớp 1, 2, 3 và thực hiện chế độ miễn giảm đối với học sinh thuộc diện chính sách xã hội.

4. Việc thu, chi học phí ở các trường lớp dân lập theo quy chế của Bộ Giáo dục sẽ do hiệu trưởng quy định theo hướng dẫn riêng của Uỷ ban Nhân dân tỉnh (thành phố, đặc khu).

II. MỨC THU HỌC PHÍ ĐỐI VỚI TỪNG ĐỐI TƯỢNG HỌC SINH

1. Mức tiền thu học phí hàng tháng căn cứ vào giá gạo kinh doanh của địa phương và thu 9 tháng trong mỗi năm học.

2. Căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương, Hội đồng Nhân dân tỉnh (thành phố, đặc khu) có thể quy định mức thu cao hơn mức tối thiểu quy định sau:

- Học sinh cấp I (các lớp 4, 5) 1 kg gạo/học sinh/tháng.

- Học sinh cấp II (các lớp 6, 7, 8, 9) 2 kg gạo/học sinh/tháng.

- Học sinh cấp III (các lớp 10, 11, 12) 3 kg gạo/học sinh/tháng.

- ở những nơi có khó khăn đặc biệt, Hội đồng Nhân dân tỉnh (thành phố, đặc khu) có thể quyết định mức thu thấp hơn.

3. Mức thu của học sinh các trường, lớp mẫu giáo, nhà trẻ, phổ thông dân lập do Uỷ ban Nhân dân tỉnh (thành phố, đặc khu) quy định bảo đảm đủ kinh phí cho các trường lớp đó hoạt động.

III. CHẾ ĐỘ MIỄN, GIẢM HỌC PHÍ

Ngoài học sinh các lớp 1, 2, 3 không thực hiện thu học phí, các đối tượng thuộc diện thu một phần học phí được áp dụng chế độ miễn giảm như sau:

1. Đối tượng được xét miễn thu học phí gồm:

- Học sinh là con liệt sĩ, con thương binh hạng 1, 2 và bệnh binh hạng 1.

- Học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ.

- Học sinh đang cùng gia đình sống ở vùng rẻo cao.

- Học sinh cùng gia đình đi xây dựng vùng kinh tế mới đang ở thời kỳ Nhà nước trợ cấp.

- Học sinh có cha hoặc mẹ đang làm nhiệm vụ chiến đấu ở đảo Trường Sa, ở vùng biên giới có phụ cấp chiến đấu 25% hoặc đang làm nghĩa vụ quốc tế đặc biệt.

2. Đối tượng được xét giảm từ 1/3 đến 1/2 mức thu học phí gồm:

- Học sinh là con thương binh hạng 3, 4, bệnh binh hạng 2, hạng 3.

- Học sinh là con dân tộc ít người ở miền núi.

- Học sinh là con các gia đình gặp khó khăn đột xuất như thiên tai, hỏa hoạn...

- Học sinh là con các gia đình chỉ có 2 con mà đang cùng đi học phổ thông cơ sở, kinh tế thực sự có khó khăn, thu nhập thấp được chính quyền địa phương xác nhận.

3. Thủ tục xét và quyết định miễn, giảm học phí:

- Học sinh thuộc diện miễn, giảm học phí cần có giấy chứng nhận của chính quyền địa phương (nhà trường hướng dẫn mẫu kê khai). Riêng với học sinh có cha hoặc mẹ thuộc lực lượng vũ trang và thuộc diện miễn học phí theo quy định trên dây thì nhà trường căn cứ vào giấy chứng nhận từ cấp trung đoàn trở lên.

- Hiệu trưởng phối hợp với đại diện hội cha mẹ học sinh hoặc hội đồng giáo dục cùng cấp xem xét, lập danh sách học sinh thuộc diện miễn, giảm và mức đề nghị giảm báo cáo lên cơ quan cấp trên trực tiếp quản lý trường xét duyệt.

Căn cứ vào hướng dẫn của Sở Giáo dục, các phòng giáo dục huyện, thị xã, quận xét duyệt danh sách học sinh được miễn, giảm của từng trường (trong phạm vi được phân cấp) vào đầu năm học và xét duyệt bổ sung khi có đề nghị của nhà trường nhằm thực hiện đúng đắn chế độ miễn, giảm đã quy định.

IV. QUỸ HỌC PHÍ ĐƯỢC PHÂN PHỐI SỬ DỤNG NHƯ SAU:

1. 70% số tiền thu học phí được sử dụng chi trợ giúp đời sống giáo viên, cán bộ, nhân viên các trường học và cán bộ phòng, Sở Giáo dục. Mức trợ giúp đời sống giáo viên, cán bộ giáo dục được quy định tùy theo hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương, Sở Giáo dục cùng Sở Tài chính bàn bạc trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu quyết định, nhằm bảo đảm giáo viên, cán bộ... trên cùng địa bàn có mức trợ giúp tương đối hợp lý, không chênh lệch nhiều giữa các trường, các vùng, các cấp học. Căn cứ mức trợ giúp đã quy định, Sở Giáo dục cùng Sở Tài chính quy định tỷ lệ phần trăm số tiền thu học phí để lại chi tại chỗ cho các trường, huyện, thị xẵ và quy định tỷ lệ phần trăm số tiền thu học phí nộp lên phòng, Sở Giáo dục để thực hiện việc điều hòa chi trợ giúp đời sống cho giáo viên, cán bộ ở nơi không thu học phí hoặc có số thu quá ít.

Việc xét trợ giúp đời sống giáo viên, cán bộ... cần kết hợp giữa hoàn cảnh khó khăn với hiệu quả công tác, chất lượng giảng dạy.

2. 30% số thu học phí được dùng để mua sắm bổ sung đồ dùng dạy học, khen thưởng học sinh có thành tích học tập, rèn luyện và chi phí một phần cho quản lý quỹ học phí ở tại trường; các địa phương không thực hiện việc điều hòa khoản này giữa các trường, huyện, quận, thị xã.

V. TRÁCH NHIỆM TRONG VIỆC QUẢN LÝ THU CHI QUỸ HỌC PHÍ

1. Hiệu trưởng nhà trường và đại diện hội cha mẹ học sinh hoặc Hội đồng giáo dục xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tổ chức thu học phí hàng tháng (không để giáo viên chủ nhiệm phải thu học phí), và xây dựng phương án thu, chi bảo đảm công khai, công bằng, đúng mục đích.

2. Đầu năm học các trường phổ thông, mẫu giáo, nhà trẻ và các cơ quan quản lý giáo dục lập kế hoạch dự toán thu, chi quỹ học phí báo cáo lên cơ quan quản lý cấp trên xét duyệt và tổ chức thực hiện theo kế hoạch đã được duyệt.

3. Hiệu trưởng và bộ phận kế toán tài vụ nhà trường chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ nguyên tắc, thủ tục thu, chi quỹ học phí theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Sở Tài chính.

4. Các khoản thu, chi quỹ học phí phải được lập dự toán và quyết toán cùng với việc lập dự toán và quyết toán ngân sách giáo dục theo chế độ tài chính hiện hành.

VI. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Căn cứ Thông tư này, tùy theo tình hình từng địa phương, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh (thành phố, đặc khu) có thể ra văn bản hướng dẫn cụ thể việc tổ chức thực hiện ở địa phương và báo cáo liên Bộ được biết.

2. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ năm học 1989 - 1990. Những quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Lương Ngọc Toản

(Đã ký)

Lý Tài Luận

(Đã ký