Thông tư liên ngành số 02-TT/LN ngày 02/10/1985 Về thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân về một số tranh chấp trong lao động do Tòa án nhân dân tối cao-Viện kiểm sát nhân sân tối cao-Bộ Tư pháp-Bộ Lao động-Tổng cục dạy nghề ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 02-TT/LN
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Cơ quan ban hành: Bộ Lao động, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Tổng cục Dạy nghề, Viện kiểm sát nhân dân tối cao
- Ngày ban hành: 02-10-1985
- Ngày có hiệu lực: 17-10-1985
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 20-05-2000
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 5329 ngày (14 năm 7 tháng 9 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 20-05-2000
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ LAO ĐỘNG-BỘ TƯ PHÁP-TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO-TỔNG CỤC DẠY NGHỀ-VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02-TT/LN | Hà Nội , ngày 02 tháng 10 năm 1985 |
THÔNG TƯ LIÊN NGÀNH
CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO - VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO - BỘ TƯ PHÁP - BỘ LAO ĐỘNG - TỔNG CỤC DẠY NGHỀ SỐ 02-TT/LN NGÀY 02/10/1985 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪ THỰC HIỆN THẨM QUYỀN XÉT XỬ CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN VỀ MỘT SỐ VIỆC TRANH CHẤP TRONG LAO ĐỘNG
Trong khi chờ đợi Bộ luật lao động quy định đầy đủ thẩm quyền của Toà án nhân dân và thủ tục xét xử những tranh chấp lao động, Hội đồng Bộ trưởng đã ra quyết định số 10/HĐBT ngày 14/01/1985 quy định chuyển sang Toà án nhân dân xét xử những việc sau đây, đã được cơ quan có thẩm quyền xử lý nhưng đương sự còn khiếu nại hoặc không chịu bồi thường:
a. Công nhân, viên chức Nhà nước bị xử lý bằng hình thức buộc thôi việc;
b. Học sinh học nghề trong nước; học sinh học nghề, hoặc giáo viên dạy nghề và thực tập sinh sản xuất ở nước ngoài bị buộc phải bồi thường phí tổn đào tào cho Nhà nước, vì bị thi hành kỷ luật;
c. Những người đi hợp tác lao động với nước ngoài bị buộc phải bồi thường phí tổn cho Nhà nước, vì vi phạm hợp đồng; bị kỷ luật phải về nước trước thời hạn.
d. Những tranh chấp giữa người làm công với chủ tư nhân.
Sau khi trao đổi ý kiến với Tổng công đoàn Việt Nam, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động và Tổng cục dạy nghề ra Thông tư liên ngành này hướng dẫn thi hành quyết định nói trên như sau:
I. VỀ VIỆC CÔNG NHÂN VIÊN CHỨC BỊ XỬ LÝ BẰNG HÌNH THỨC BUỘC THÔI VIỆC
1. Toà án nhân dân chỉ xét xử những khiếu nại của công nhân, viên chức bị thi hành kỷ luật buộc thôi việc chứ không xét xử những khiếu nại về những hình thức kỷ luật (khiển trách, cảnh cáo, hạ tầng công tác, hạ cấp bậc kỹ thuật, chuyển đi làm việc khác).
Những khiếu nại của những cán bộ sau đây về buộc phải thôi việc sẽ do cơ quan quản lý cấp trên xét không phải chuyển cho Toà án xét xử;
- Các Vụ trưởng, Cục trưởng, Viện trưởng, Hiệu trưởng Trường đại học và cấp tương đương trở lên;
- Các Giám đốc Sở, Giám đốc Xí nghiệp, Chủ nhiệm Công ty và cấp tương đương;
- Những người giữ những chức vụ trong bộ máy Nhà nước do cơ quan quyền lực (Quốc hội, Hội đồng Nhà nước, Hội đồng nhân dân) bầu ra.
2. NgườI bị buộc thôi việc phải gửi đơn khiếu nại trong thời hạn một tháng kể từ ngày họ nhận được quyết định buộc thôi việc. Vì vậy, trong quyết định buộc thôi việc, phải ghi rõ thời hạn đương sự được khiếu nại và phải giao cho đương sự quyết định này. Khiếu nại quá hạn mà không có lý do chính đáng thì không được xét. Đơn khiếu nại có thể gửi cho thủ trưởng cơ quan, Giám đốc Xí nghiệp, Uỷ ban nhân dân đã ra quyết định buộc thôi việc, Toà án nhân dân hoặc Viện kiểm sát nhân dân.
Viện kiểm sát nhân dân có quyền khởi tố đối với những trường hợp buộc thôi việc không đúng pháp luật. Thời hạn khởi tố không hạn chế. Quyết định khởi tố gửi cho Toà án và tổ chức đã ra quyết định buộc thôi việc.
3. Toà án nhân dân có thẩm quyền xét xử các khiếu nại về buộc thôi việc là Toà án nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương.
Thủ trưởng cơ quan, Giám đốc Xí nghiệp hoặc Uỷ ban nhân dân đã ra quyết định buộc thôi việc phải chuyển hồ sơ cho Toà án nhân dân trong thời hạn 7 ngày kể từ này nhận được đơn khiếu nại của đương sự, quyết định khởi tố của Viện kiểm sát nhân dân hoặc nhận được công văn của Toà án nhân dân yêu cầu chuyển hồ sơ (trường hợp đương sự trực tiếp gửi đơn cho Toà án nhân dân).
4. Hồ sơ chuyển sang Toà án phải có đầy đủ những giấy tờ sau đây:
a. Đơn khiếu nại của đương sự (nếu họ trực tiếp gửi đơn cho cơ quan, xí nghiệp hoặc Uỷ ban nhân dân đã ra quyết định buộc thôi việc).
b. Các báo cáo, biên bản về việc vi phạm kỷ luật, các biên bản giám định chất lượng sản phẩm hoặc giám định kỹ thuật có liên quan đến việc vi phạm kỷ luật (nếu có).
c. Các biên bản của đơn vị sản xuất, công tác hoặc của tổ chức xã hội kiểm thảo hoặc nhận xét về hanh vi và nhân thân của đương sự.
d. Các bản tự kiểm điểm của đương sự.
đ. Biên bản của Hội đồng kỷ luật.
e. ý kiến của Ban chấp hành công đoàn cơ quan, xí nghiệp về việc thi hành kỷ luật đối với đương sự.
g. Quyết định của thủ trưởng cơ quan, Giám đốc Xí nghiệp hoặc Uỷ ban nhân dân buộc đương sự thôi việc.
Trong trường hợp đương sự đã bị xử lý về hành chính hoặc bị cơ quan Công an, Kiểm sát hoặc Toà án xử lý trong hồ sơ còn phải có những văn bản xử lý của cơ quan đó (như quyết định phạt về thuế, hải quan, quyết định miễn tố, bản án v.v...).
Toà án nhân dân có thể yêu cầu cấp đã quyết định kỷ luật cung cấp tài liệu bổ sung.
5. Khi xét những việc khiếu nại của đương sự hoặc khởi tố của Viện kiểm sát nhân dân về việc buộc thôi việc, Toà án nhân dân cần phải bảo đảm đầy đủ cả hai mặt: quyền của thủ trưởng cơ quan, Giám đốc Xí nghiệp và Uỷ ban nhân dân thi hành kỷ luật thích đáng đối với công nhân, viên chức vi phạm kỷ luật nghiêm trọng và mặt khác không để cho người lao động bị buộc thôi việc một cách tuỳ tiền, trái pháp luật. Vì vậy, những người bị buộc thôi việc phải là những người không thể cho tiếp tục làm việc được nữa, vì họ đã vi phạm nghiêm trọng các chế độ trách nhiệm, kỷ luật lao động, bảo vệ của công, phục vụ nhân dân và điều lệ kỷ luật lao động, đã phạm sai lầm, khuyết điểm nhiều lần, có hệ thống đã bị thi hành kỷ luật, khiển trách, cảnh cáo đã được tập thể giúp đỡ mà không sửa chữa, hoặc mới vi phạm lần đầu những khuyết điểm nghiêm trọng gây tác hại lớn về chính trị, kinh tế, không còn đủ tư cách là công nhân, viên chức Nhà nước nữa. Ví dụ:
- Thường xuyên không hoàn thành nhiệm vụ mà không có lý do chính đáng hoặc cố tình không chấp hành chỉ thị, nghị quyết của cấp trên;
- Không tôn trọng quy trình công nghệ, quy phạm kỹ thuật, quy tắc an toàn lao động, tiêu chuẩn vệ sinh lao động, gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản xã hội chủ nghĩa hoặc gây tai nạn lao động nghiêm trọng;
- Cố tình không thực hiện nội quy của cơ quan, xí nghiệp, thường xuyên gây rỗi trật tự nghiêm trọng, hoặc tự ý nghỉ việc, bỏ việc nhiều lần, đã bị khiển trách, cảnh cáo mà không sửa chữa;
- Tham ô, chiếm đoạt, sử dụng trái phép, huỷ hoại tài sản xã hội chủ nghĩa, lãng phí nghiêm trọng nguyên liệu vật liệu, vi phạm những quy định về bảo vệ bí mật công tác, nhận hối lộ, ức hiếp quần chúng v.v...
- Những trường hợp đương sự bị Toà án phạt tù giam quy định trong Điều lệ tuyển dụng và cho thôi việc đối với công nhân, viên chức Nhà nước do Nghị định số 24/CP ngày 13/3/1963 của Hội đồng Chính phủ ban hành và Thông tư số 14/LĐ/TT ngày 21/6/1977 của Bộ Lao động hướng dẫn thi hành Điều lệ đó.
Người được miễn tố, miễn trách nhiệm hình sự không bị buộc thôi việc. Trường hợp được hưởng án treo thì xử lý theo các điểm 2 và 3 Điều 44 Bộ luật hình sự.
6. Khi xét xử, nếu thấy quyết định của cơ quan quản lý là đúng thì Toà án bác đơn khiếu nại của đương sự. Trái lại, nếu xét thấy đương sự không có sai lầm, khuyết điểm mà bị xử lý oan thì Toà án phải nói rõ trong bản án và huỷ quyết định đó. Nết xét thấy đương sự cũng có sai lầm, khuyết điểm nhưng chỉ cần thi hành kỷ luật nhẹ hơn thì Toà án nhân dân cũng nói rõ trong bản án, huỷ quyết định buộc thôi việc và giao cho cơ quan quản lý quyết định hình thức kỷ luật nhẹ hơn.
Khi Toà án đã huỷ quyết định buộc thôi việc, thì đương sự phải được trở lại làm việc ở đơn vị công tác cũ và được khôi phục những quyền lợi chính đáng trong những thời gian họ bị buộc thôi việc.
7. Việc chuyển cho Toà án nhân dân xét xử những khiếu nại về buộc thôi việc chỉ áp dụng đối với những việc xảy ra từ ngày 14/01/1985, do đó những khiếu nại về việc buộc thôi việc xảy ra trước ngày đó vẫn được giải quyết theo thủ tục hành chính, trừ những trường hợp xảy ra trước ngày 14/01/1985 mà Toà án nhân dân đã thụ lý, thì Toà án nhân dân vẫn tiếp tục giải quyết.
II. VỀ VIỆC NGƯỜI HỌC NGHỀ, HỌC GIÁO VIÊN DẠY NGHỀ, THỰC TẬP SINH SẢN XUẤT HOẶC NGƯỜI ĐI LAO ĐỘNG HỢP TÁC VỚI NƯỚC NGOÀI PHẢI BỒI THƯỜNG PHÍ TỔN CHO NHÀ NƯỚC
1. Những học sinh học nghề, học giáo viên dạy nghề ở trong nước hoặc ngoài nước, thực tập sinh sản xuất ở ngoài nước, nếu tự ý bỏ học, phạm kỷ luật nghiêm trọng, khai man lý lịch hoặc phạm pháp buộc phải thôi học và cho về nước trước thời hạn, hoặc học xong không chịu về nước, hoặc không chịu sự phân công của Nhà nước thì phải bồi thường phí tổn cho Nhà nước.
Trường hợp học sinh sản xuất trong nước thì Hội đồng kỷ luật nhà trường đề nghị mức bồi thường, cơ quan trực tiếp quản lý nhà trường đó quyết định. Trường hợp học sinh học tập, thực tập ở nước ngoài thì tổ chức của nước ta quản lý những học sinh đó ở nước ngoài đề nghị mức bồi thường; Tổng cục dạy nghề quyết định.
2. Căn cứ vào những quy định của Nhà nước, Cục hợp tác quốc tế Bộ Lao động hoặc các Sở Lao động có quyền quyết định người đi lao động hợp tác với nước ngoài phải bồi thường phí tổng cho Nhà nước vì vi phạm hợp đồng, phạm kỷ luật nghiêm trọng, khai man lý lịch hoặc phạm pháp phải về nước trước thời hạn.
3. Bản quyết định về bắt bồi thường phải được giao cho đương sự và họ có quyền khiếu nại với Toà án nhân dân về quyết định đó. Mặt khác, cơ quan đã quyết định việc bồi thường cũng có quyền yêu cầu Toà án nhân dân xét xử, nếu đương sự không chịu bồi thường.
Đơn khiếu nại của người phải bồi thường có thể gửi cho cơ quan đã ra quyết định bắt bồi thường, Toà án nhân dân hoặc Viện kiểm sát nhân dân.
Trong trường hợp Viện kiểm sát nhân dân khởi tố thì quyết định khởi tố gửi cho Toà án nhân dân nơi có thẩm quyền xét xử, cơ quan đã ra quyết định bắt bồi thường và đương sự.
4. Toà án nhân dân có thẩm quyền xét xử loại việc này là Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, nhưng nếu là việc khó khăn, phức tạp thì Toà án nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương lấy lên để xét xử.
Cơ quan đã ra quyết định bồi thường phải chuyển hồ sơ cho Toà án nhân dân trong hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, quyết định khởi tố của Viện kiểm sát nhân dân, hoặc yêu cầu của Toà án nhân dân về việc chuyển hồ sơ (trường hợp đương sự đưa đơn khiếu nại thẳng cho Toà án). Trường hợp cơ quan yêu cầu Toà án nhân dân xét xử thì gửi đơn kiện cùng với hồ sơ.
Hồ sơ gửi cho Toà án nhân dân phải có hợp đồng lao động hoặc giấy cam đoan của đương sự, quy chế về học nghề, những tài liệu chứng minh sai lầm, khuyết điểm của đương sự (biên bản, tài liệu, bản tự kiểm của đương sự, quyết định phạt về thuế, hải quan, quyết định miễn tố, bản án...), quyết định về thi hành kỷ luật, quyết định về bắt bồi thường...
5. Việc bắt bồi thường phải căn cứ vào Nghị quyết số 362/CP ngày 29/11/1980 của Hội đồng Chính phủ về hợp tác sử dụng lao động với các nước xã hội chủ nghĩa và Chỉ thị số 104/HĐBT ngày 23/6/1982 của Hội đồng Bộ trưởng về việc quản lý học sinh và lao động Việt Nam ở các nước xã hội chủ nghĩa.
Nếu xét thấy quyết định của cơ quan bắt bồi thường là đúng thì Toà án nhân dân bác đơn khiếu nại của đương sự và giữ nguyên quyết định bắt bồi thường. Nếu đương sự không chịu bồi thường mà cơ quan quản lý yêu cầu Toà án xét xử thì Toà án xét xử buộc đương sự phải thi hành quyết định.
Nếu xét thấy quyết định thi hành kỷ luật là sai thì Toà án huỷ quyết định đó và huỷ quyết định bắt bồi thường. Trong trường hợp này, cơ quan quản lý phải khôi phục những quyền lợi chính đáng của đương sự.
Nếu xét thấy cần sửa mức bồi thường thì Toà án có quyền quyết định mức bồi thường hợp lý.
III. VỀ NHỮNG TRANH CHẤP GIỮA NGƯỜI LÀM CÔNG VÀ CHỦ TƯ NHÂN
Khi xảy ra tranh chấp về trách nhiệm hoặc quyền lợi giữa người làm công và chủ tư nhân Việt Nam thì khi xét xử, các Toà án nhân dân cần căn cứ vào quy định tạm thời về trách nhiệm và quyền lợi của người làm công và chủ tư nhân Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định số 186/CP ngay 25/9/1976 của Hội đồng Chính phủ và Thông tư số 05/LĐ-TT ngày 12 tháng 3 năm 1977 của Bộ Lao động hướng dẫn thi hành quy định đó.
IV. MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ THỦ TỤC TẠI TOÀ ÁN NHÂN DÂN
1. Các việc tranh chấp về lao động đều được miễn án phí.
2. Trong những tranh chấp về lao động, cơ quan đã ra quyết định bị khiếu nại hoặc yêu cầu Toà án xét xử là một bên đương sự Thủ trưởng cơ quan, Giám đốc xí nghiệp, hoặc đại diện của Uỷ ban nhân dân trong việc kiện phải có mặt khi được Toà án triệu tập để điều tra hoặc xét xử, nhưng cũng có thể cử người đại diện cho mình tham gia tố tụng.
3. Theo nguyên tắc chung, Toà án có thẩm quyền xét xử là Toà án nơi cư trú của bị đơn.
4. Toà án phải xác minh hoặc thu thập thêm chứng cứ trước khi xét xử và có thể quyết định những biện pháp khẩn cấp tạm thời như: cơ quan, xí nghiệp phải tạm thời trợ cấp cho công nhân, viên chức; tạm thời giữ tài sản của người phải bồi thường để bảo đảm thi hành án, v. v...
5. Trước khi xét án, Toà án phải hoà giải những việc tranh chấp giữa chủ tư nhân và người làm công và trong khi xét xử nếu có khả năng hoà giải, thì Toà án vẫn tiến hành hoà giải. Riêng đối với những việc khiếu nại vì bị buộc thôi việc hoặc việc đòi bồi thường phí tổn cho Nhà nước thì không phải hoà giải.
6. Khi Toà án xét xử, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tham gia phiên toà, trường hợp không tham gia được thì gửi bản kết luận viết cho Toà án nhân dân.
7. Trước khi xét xử Toà án cần báo cáo cho công đoàn cơ quan, xí nghiệp nơi đương sự đã làm việc để cử đại diện đến dự phiên toà phát biểu ý kiến của Ban chấp hành công đoàn cơ sở.
Nếu đại diện công đoàn vắng mặt thì việc xét xử vẫn được tiến hành.
8. Khi xét xử sơ thẩm, cần mời những người của tổ chức công đoàn và cơ quan lao động đã được bầu làm Hội thẩm nhân dân tham gia Hội đồng xét xử.
Toà án phải xét xử trong vòng 3 tháng kể từ ngày thụ lý và việc kháng cáo và kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm cũng được thực hiện như đối với các việc xét xử về dân sự.
9. Theo Điều 137 của Hiến pháp thì khi bản án đã có hiệu lực pháp luật, cơ quan, xí nghiệp, công nhân, viên chức, người đi lao động hợp tác với nước ngoài, học sinh học nghề... là đương sự trong vụ án đều phải nghiêm chỉnh chấp hành.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Những vẫn đề về nghiệp vụ sẽ do mỗi ngành hướng dẫn riêng.
2. Sau khi nhận được Thông tư này, năm cơ quan ở địa phương cần bàn bạc ngay việc thực hiện, có sự tham gia của tổ chức công đoàn cùng cấp. Quyết định số 10/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư này cần được tổ chức phổ biến rộng rãi ở địa phương.
3. Việc xét xử những việc được quy định trong quyết định số 10/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng là một việc rất mới và phức tạp cho nên trước khi xét xử, Toà án nhân dân cần tranh thủ ý kiến của cơ quan lao động và công đoàn.
Toà án nhân dân cần phải xin ý kiến của Toà án nhân dân cấp trên đối với những việc quan trọng, phức tạp, đồng thời Toà án nhân dân cấp trên cần có kế hoạch theo dõi, hướng dẫn kịp thời cấp dưới.
Nguyễn Lư (Đã ký) | Trần Đình Hoan (Đã ký) |
Nguyễn Thị Ngọc Khanh (Đã ký) | Nguyễn Ngọc Giao (Đã ký) |