cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 02/11/1983 Về việc lập, thẩm tra, xét duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật các công trình xây dựng do Uỷ Ban kế hoạch nhà nước-Ủy ban xây dựng cơ bản Nhà nước ban hành (Tình trạng hiệu lực không xác định)

  • Số hiệu văn bản: 01/TTLT
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Cơ quan ban hành: Ủy ban Khoa học Nhà nước, Uỷ ban xây dựng cơ bản Nhà nước
  • Ngày ban hành: 02-11-1983
  • Ngày có hiệu lực: 17-11-1983
  • Tình trạng hiệu lực: Không xác định
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

UỶ BAN KHOA HỌC NHÀ NƯỚC-UỶ BAN XÂY DỰNG CƠ BẢN NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/TTLT

Hà Nội , ngày 02 tháng 11 năm 1983

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA UỶ BAN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC - UỶ BAN XÂY DỰNG CƠ BẢN NHÀ NƯỚC SỐ 01/TTLT NGÀY 2-11-1983 HƯỚNG DẪN VIỆC LẬP, THẨM TRA, XÉT DUYỆT LUẬN CHỨNG KINH TẾ KỸ THUẬT CÁC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG

Điều lệ quản lý xây dựng cơ bản được ban hành kèm theo Nghị định 323-CP ngày 6-6-1981 của Hội đồng Chính phủ (nay là Hội đồng Bộ trưởng ) quy định tất cả các công trình xây dựng đều phải lập luận chứng kinh tế - kỹ thuật để từ đó quyết định chủ trương đầu tư.

Uỷ ban kế hoạch Nhà nước và Uỷ ban xây dựng cơ bản Nhà nước hướng dẫn cụ thể việc lập, thẩm tra, xét duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật như sau:

I. NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Yêu cầu của việc lập, thẩm tra, xét duyệt luận chứng kinh tế - kỹ thuật công trình xây dựng là bảo đảm cho mỗi công trình được đầu tư thể hiện đúng đường lối chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước trong từng thời kỳ kế hoạch; phù hợp với quy hoạch phát triển ngành và lãnh thổ; tận dụng các tiềm năng lao động đất đai và tài sản cố định hiện có và sử dụng vốn đầu tư có hiệu quả cao nhất.

2. Luận chứng kinh tế- kỹ thuật sau đây viết tắt là (LCKT) được lập cho tất cả các công trình xây dựng; luận chứng kinh tế kỹ thuật được duyệt là điều kiện cần thiết để được xét ghi kế hoạch chuẩn bị xây dựng và là cơ sở để lập thiết kế.

Đối với công trình quan trọng do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng xét duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật mà có hợp tác với nước ngoài dưới mọi hình thức thì trước khi lập luận chứng kinh tế phải lập dự án đầu tư. Dự án đầu tư được thông qua là cơ sở để lập luận chứng kinh tế kỹ thuật và là căn cứ để tiếp xúc thăm dò chính thức với nước ngoài.

3. Luận chứng kinh tế kỹ thuật phải được lập đồng bộ, hoàn chỉnh cho công trình chính và các công trình liên quan trực tiếp như cơ sở nguyên liệu, nhiện liệu, điện, nước, giao thông vận tải, thông tin liên lạc, các công trình phục vụ công cộng khác và khu nhà ở của cán bộ công nhân viên: đồng thời có dự kiến đầu tư cho các bước tiếp theo hoặc mở rộng công trình.

II. NỘI DUNG LUẬN CHỨNG KINH TẾ KỸ THUẬT

1. Sự cần thiết phải đầu tư.

- Xác định nhu cầu sản phẩm (hoặc công dụng) cần tăng thêm kể cả nhu cầu cho xuất khẩu (nếu có).

- Đánh giá tình hình sử dụng, điều kiện và khả năng huy động năng lực của các cơ sở hiện có trong ngành và vùng lãnh thổ.

- Cân đối giữa năng lực và nhu cầu sản phẩm (công dụng) theo ngành và vùng lãnh thổ.

- Chọn phương án sản phẩm (công dụng) và xác định năng lực công trình cần phải đầu tư.

2. Hình thức đầu tư:

- Đánh giá hiện trạng tài sản cố định của các cơ sở hiện có và khả năng cải tạo, phục hồi, mở rộng hoặc đổi mới kỹ thuật các cơ sở đó.

- Lập các phương án so sánh và chọn phương án hợp lý về hình thức đầu tư ( cải tạo, phục hồi, mở rộng, đổi mới kỹ thuật hoặc xây dựng mới).

3. Địa điểm (tuyến) công trình:

Lập các phương án địa điểm (tuyến) công trình và so sánh về kinh tế - kỹ thuật các phương án địa điểm đó theo các mặt:

- Điều kiện tự nhiên (khí hậu, khí tượng, thuỷ văn, địa hình, địa chất, công trình, địa chất thuỷ văn, tài nguyên khoáng sản,v.v...) và tình hình kinh tế - xã hội trong vùng và khu vực xây dựng.

Nguồn cung cấp nguyên liệu, nhiên liệu, năng lực, nước, lao động và vật liệu xây dựng.

- Tiêu thụ sản phẩm (sử dụng)

- Giao thông vận tải và thông tin liên lạc, hiện trạng và yêu cầu đầu tư thêm.

- Khả năng tận dụng cơ sở kỹ thuật hạ tầng và dịch vụ trong khu vực, khả năng hợp tác trong sản xuất ( sử dụng) và yêu cầu phải đầu tư thêm.

- Vị trí (tên đơn vị hành chính, toạ độ) diện tích chiếm đất của công trình (kèm theo bản đồ vị trí và bản đồ địa hình).

- Chi phí về di dân, đền bù, phá dỡ hoặc di chuyển các công trình hiện có: chi phí tạo mặt bằng và gia cố nền móng công trình.

- Những ảnh hưởng của công trình đến khai thác và bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái và di tích văn hoá, lịch sử.

- Mức độ bảo đảm an toàn trong quá trình xây dựng và sản xuất (sử dụng) có chú ý đến trường hợp thiên tai và chiến tranh.

- Sự phù hợp với quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch tổng thể vùng lãnh thổ và quy hoạch cụ thể khu vực xây dựng công trình.

Xác định phương án địa điểm hợp lý nhất.

4. Các giải pháp công nghệ, thiết bị và phương án tổ chức sản xuất (sử dụng)

- Phân tích các phương án công nghệ sản xuất (sử dụng) và lựa chọn phương án hợp lý.

-Lựa chọn thiết bị công nghệ chủ yếu (các thông số, đặc tính kỹ thuật, chế độ làm việc) mức độ cơ giới hoá, tự động hoá của công trình.

- Khối lượng thiết bị, vật tư và phụ tùng thay thế, nguồn và khả năng cung cấp, điều kiện sửa chữa thiết bị (có bản liệt kê kèm theo).

- Mức độ chuyên môn hóa, khả năng và điều kiện hợp tác sản xuất với các cơ sở khác.

- Các phương án tổ chức sản xuất; yêu cầu lao động cho quản lý và sản xuất (sử dụng).

- Các biện pháp chống độc hại và bảo vệ môi trường; an toàn trong sản xuất (sử dụng).

- Các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật chủ yếu là công nghệ và thiết bị đã chọn.

5. Nguyên liệu, bán thành phẩm, nhiên liệu, năng lượng, nước:

- Xác định nhu cầu về số lượng và chất lượng nguyên liệu bán thành phẩm, nhiên liệu, năng lượng, nước cho công trình.

- Khả năng và năng lực sản xuất thực tế các cơ sở cung cấp nguyên liệu, bán thành phẩm hiện có; luận chứng nguồn cung cấp nguyên liệu và bán thành phẩm; khả năng và các biện pháp nhằm đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng. Đối với công trình khai thác tài nguyên thì trữ lượng phải được Hội đồng trữ lượng Nhà nước xét duyệt.

- Khả năng và năng lực sản xuất thực tế các cơ sở cung cấp nhiên liệu, năng lượng, nước trong khu vực; luận chứng về nguồn cung cấp, các biện pháp nhằm đáp ứng các nhu cầu đó.

6. Các giải pháp xây dựng:

- Xác định tiêu chuẩn, cấp công trình, các hạng mục công trình.

- Các giải pháp về hình khối kiến trúc công trình( có bản vẽ kèm theo).

- Các phương án bố trí tổng mặt bằng(có bản vẽ kèm theo) .

- Các phương án về kết cấu và kích thước chủ yếu của các hạng mục công trình, kể cả các công trình liên quan trực tiếp và khu công nhân viên (có bản vẽ kèm theo).

- Các biện pháp phòng và chữa cháy.

- Khối lượng công tác xây dựng chủ yếu, phương án tổ chức xây lắp và yêu cầu về thiết bị thi công, nhiên liệu xây dựng và nhân công xây lắp chủ yếu (có bản liệt kê kèm theo).

- Các phương án về tổng tiến độ thi công xây lắp (có sơ đồ kèm theo).

Phân tích, so sánh và kết luận phương án hợp lý được lựa chọn.

7. Kinh tế xây dựng và sản xuất (sử dụng):

- Vốn đầu tư xây dựng công trình theo các phương án cần so sánh, trong đó phân ra:

+ Vốn xây lắp, vốn thiết bị và vốn xây dựng cơ bản khác.

+ Vốn cho công trình chính và vốn cho các công trình liên quan trực tiếp

+ Nguồn vốn: Ngân sách, tín dụng, tự có và đóng góp của nhân dân; trong nước và nước ngoài.

- Tính toán hiệu quả kinh tế vốn đầu tư: xuất đầu tư, giá thành sản phẩm, giá bán buôn công nghiệp, lợi nhuận, thời gian thu hồi đầu tư khả năng thanh toán vốn vay, v.v...(theo hướng dẫn của Uỷ ban xây dựng cơ bản Nhà nước và Uỷ ban kế hoạch Nhà nước).

- Biểu tổng hợp các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật của công trình.

So sánh các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật chủ yếu của công trình với các cơ sở tiên tiến đang hoạt động trong và ngoài nước.

Đối với công trình nhập thiết bị toàn bộ hoặc hợp tác với nước ngoài phải tính toán thêm các mặt như quy định tại điểm 9, Điều 8- Điều lệ quản lý xây dựng cơ bản.

8. Kết luận và kiến nghị.

Đánh giá chung sự cần thiết và tính hợp lý về kinh tế- kỹ thuật của việc đầu tư xây dựng công trình.

Kiến nghị phương án được chọn và các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật chủ yếu.

Những kiến nghị đối với cấp trên, các ngành và các địa phương có liên quan đến việc giải quyết địa điểm, thiết kế, cung cấp thiết bị, thi công xây lắp và khai thác năng lực công trình.

Nội dung dự án đầu tư được vận dụng theo nội dung luận chứng kinh tế- kỹ thuật chủ yếu tập trung vào các điểm:

- Sự cần thiết phải đầu tư và hình thức đầu tư, dự kiến phương án sản phẩm và công suất thiết kế.

- Dự kiến khu vực xây dựng công trình.

- Các giải pháp công nghệ và xây dựng chủ yếu.

- Tính toán sơ bộ nhu cầu nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng, nước.
-Tính toán sơ bộ vốn đầu tư và hiệu quả kinh tế.

- Tính toán sơ bộ các mặt như quy định tại điểm 9, điều 9 điều lệ quản lý xây dựng cơ bản.

III. LẬP, THẨM TRA VÀ XÉT DUYỆT LUẬN CHỨNG KINH TẾ KỸ THUẬT

1. Luận chứng kinh tế- kỹ thuật do chủ đầu tư chịu trách nhiệm lập và trình để chủ quản đầu tư xét duyệt, hoặc để chủ quản đầu tư trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng xét duyệt. Thực hiện việc lập luận chứng kinh tế - kỹ thuật do tổ chức thiết kế chuyên ngành, có tư cách pháp nhân đảm nhận thông qua hợp đồng kinh tế với chủ đầu tư.

2. Tổ chức thiết kế lập luận chứng kinh tế- kỹ thuật chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng các tài liệu luận chứng kinh tế- kỹ thuật; chịu trách nhiệm khảo sát thu thập các tài liệu địa hình, địa chất, khí tượng, thuỷ văn..., kinh tế- xã hội, v.v... có liên quan đến công trình với khối lượng cần thiết, đủ bảo đảm cho việc lập luận chứng kinh tế; tuân thủ các tiêu chuẩn, quy phạm, các định mức, đơn gía và các chế độ, thể lệ hiện hành, trình bày và bảo vệ luận chứng kinh tế - kỹ thuật đã lập.

3. Đối với công trình cần thuê nước ngoài lập luận chứng kinh tế kỹ thuật thì phải được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cho phép; chủ quản đầu tư căn cứ vào dự án đầu tư được thông qua để nêu yêu cầu lập luận chứng kinh tế kỹ thuật và cung cấp đầy đủ tài liệu, số liệu cần thiết cho việc lập luận chứng kinh tế kỹ thuật sau khi thoả thuận với các cơ quan quản lý các tài liệu, số liệu đó và phải theo đúng các thể lệ hiện hành của Nhà nước.

4. Trong quá trình lập luận chứng kinh tế - kỹ thuật chủ đầu tư hoặc chủ quản đầu tư có nhiệm vụ yêu cầu cơ quan quản lý ngành, các cơ quan quản lý hữu quan của Nhà nước ở Trung ương và địa phương phát biểu ý kiến về các vấn đề có liên quan đến công trình theo quy định tại Điều 8 - Điều lệ quản lý xây cơ bản.

Các cơ quan được yêu cầu phát biểu ý kiến phải trả lời chính thức bằng văn bản trong thời hạn 30 ngày kể từ khi nhận được văn bản yêu cầu và chịu trách nhiệm về những tài liệu cung cấp.

5. Bản luận chứng kinh tế kỹ thuật gồm các tập thuyết minh có kèm theo phụ lục với các tài liệu tính toán, các biểu đồ, sơ đồ và các bản vẽ cần thiết.

6. Đối với các công trình có quy mô nhỏ, kỹ thuật xây dựng và dây chuyền công nghệ đơn giản hoặc sử dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình thì nội dung luận chứng kinh tế kỹ thuật cũng như việc thẩm tra và xét duyệt được thực hiện đơn giản đến mức cần thiết cho phù hợp với quy mô và tính chất của công trình đó.

7. Thẩm quyền xét duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật thực hiện theo Điều 11 - Điều lệ quản lý xây dựng cơ bản. Đối với công trình trên hạn ngạch do Bộ trưởng, Chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh xét duyệt sau khi có ý kiến về chủ trương đầu tư của Bộ Quản lý ngành và phải có văn bản thoả thuận của Uỷ ban kế hoạch Nhà nước và Uỷ ban xây dựng cơ bản Nhà nước. Thời gian nghiên cứu để thoả thuận là 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

Trường hợp chủ quản đầu tư không thống nhất với ý kiến của các cơ quan nói trên thì báo cáo lên chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng giải quyết.

Văn bản xét duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật các công trình thuộc ngành hoặc điạ phương phải được gửi lên Hội đồng Bộ trưởng, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban xây dựng cơ bản Nhà nước, Bộ tài chính, Ngân hàng đầu tư và xây dựng Việt Nam để theo dõi và quản lý.

8. Luận chứng kinh tế kỹ thuật trước khi được cấp có thẩm quyền xét duyệt đều phải qua công tác thẩm tra do Hội đồng thẩm tra đảm nhiệm.

9. Chủ quản đầu tư hoặc chủ đầu tư gửi hồ sơ lên cấp có thẩm quyền xét duyệt, đồng gửi cho các cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc thẩm tra, thoả thuận và tham gia ý kiến như sau:

- Đối với công trình quan trọng thì gửi cho Hội đồng thẩm tra cấp Nhà nước, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban xây dựng cơ bản Nhà nước và Uỷ ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước.

- Đối với công trình trên hạn ngạch thì gửi cho Hội đồng thẩm tra cấp ngành hoặc địa phương; Vụ kế hoạch, Vụ xây dựng cơ bản (ở các Bộ, các cơ quan ngang Bộ và cơ quan trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng - sau đây gọi chung là Bộ); Uỷ ban kế hoạch Uỷ ban xây dựng cơ bản (ở các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương - sau đây gọi chung là tỉnh) và gửi cho Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban xây dựng cơ bản Nhà nước (để có ý kiến thoả thuận).

- Đối với công trình dưới hạn ngạch thì gửi cho Hội đồng thẩm tra cấp ngành hoặc địa phương; Vụ kế hoạch, Vụ xây dựng cơ bản (ở các bộ); Uỷ ban Kế hoạch, Uỷ ban xây dựng cơ bản (ở các tỉnh).

10. Hồ sơ trình duyệt và thoả thuận luận chứng kinh tế- kỹ thuật, gồm:

- Tờ trình xin xét duyệt hoặc thoả thuận luận chứng kinh tế kỹ thuật (trong tờ trình cần tóm tắt nội dung chính và ý kiến của cơ quan trình duyệt về các vấn đề chủ yếu của bản luận chứng kinh tế kỹ thuật (trong tờ trình cần tóm tắt nội dung chính và ý kiến của cơ quan trình duyệt về các vấn đề chủ yếu của bản luận chứng kinh tế kỹ thuật).

- Bản sao văn bản thông qua dự án đầu tư (nếu có).

- Tài liệu luận chứng kinh tế - kỹ thuật theo nội dung quy định tại mục II của thông tư này. Nếu là tiếng nước ngoài thì phải kèm theo bản dịch ra tiếng Việt.

- Bản sao các văn bản phát biểu ý kiến và thoả thuận của các cơ quan Nhà nước và của nước ngoài (nếu có).

- Biên bản hội nghị thẩm tra cấp ngành và địa phương ( nếu là công trình trên hạn ngạch và quan trọng).

11. Chủ quản đầu tư hoặc chủ đầu tư có trách nhiệm bổ sung hoàn chỉnh tài liệu, tổ chức nghiên cứu tại thực địa và bảo vệ Luận chứng kinh tế kỹ thuật trước hội đồng thẩm tra.

12. Hội đồng thẩm tra tiến hành thẩm tra và lập báo cáo kết quả thẩm tra Luận chứng kinh tế kỹ thuật trình lên cấp có thẩm quyền xét duyệt nội dung chính như sau:

- Đánh giá các tài liệu, số liệu, phương pháp tính toán, các giải pháp và các phương án so sánh trong luận chứng kinh tế - kỹ thuật.

- Đánh giá chung về nội dung bản Luận chứng kinh tế kỹ thuật; kết luận sự cần thiết, tính hợp lý về kinh tế, khả năng thiết kế, cung cấp vật tư, thiết bị và xây dựng công trình.

- Kiến nghị xét duyệt, sửa đồi, bổ sung hoặc lập lại luận chứng kinh tế kỹ thuật ( trong mỗi điểm cần nêu ý kiến thống nhất và không thống nhất của các thành viên Hội đồng thẩm tra).

13. Thời hạn thẩm tra và xét duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật thực hiện theo quy định tại Điều 13, Điều lệ quản lý xây dựng cơ bản. Trong trường hợp cần thiết phải kéo dài thời hạn thẩm tra thì Hội đồng thẩm tra phải báo cáo lên cấp xét duyệt để xin quyết định.

14. Hội đồng thẩm tra các cấp chịu trách nhiệm dự thảo văn bản xét duyệt gửi kèm theo báo cáo thẩm tra luận chứng kinh tế kỹ thuật trình cấp có thẩm quyền xét duyệt; các văn bản này được đồng gửi cho chủ quản đầu tư và chủ đầu tư để biết.

15. Quyết định phê duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật gồm nội dung chính như sau:

- Tên công trình, hình thức đầu tư.

- Năng lực thiết kế, phương án sản phẩm.

- Địa điểm( tuyến) công trình, diện tích chiếm đất.

- Nguồn cung cấp nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng, nước, thiết bị, vật tư kỹ thuật chủ yếu,v.v...

- Các giải pháp công nghệ chủ yếu.

- Các giải pháp xây dựng chủ yếu.

- Vốn đầu tư xây dựng công trình và nguồn vốn đầu tư, trong đó cần phân rõ các nguồn vốn: ngân sách, tín dụng, tự có và đóng góp của nhân dân; trong nước, ngoài nước.

- Các chỉ tiêu kinh tế- kỹ thuật chủ yếu của công trình.

- Số bước thiết kế và cấp xét duyệt thiết kế.

- Thời hạn khởi công và hoàn thành.

- Cơ quan thiết kế và thi công (nếu cần thiết).

- Các vấn đề tồn tại cần tiếp tục nghiên cứu, giải quyết trong giai đoạn thiết kế và xây lắp.

- Nhiệm vụ của các ngành và địa phương có liên quan đối với việc thiết kế, xây lắp và bảo đảm khai thác năng lực công trình.

16. Chi phí cho việc lập, thẩm tra luận chứng kinh tế kỹ thuật được tính vào vốn chuẩn bị đầu tư như quy định tại Điều 5, Điều 7 - Điều lệ quản lý xây dựng cơ bản.

17. Sau khi luận chứng kinh tế - kỹ thuật đã được cơ quan có thẩm quyền xét duyệt mà thay đổi địa điểm, năng lực thiết kế, các giải pháp kỹ thuật chủ yếu hoặc tổng dự toán vượt quá mức vốn đã được duyệt trong luận chứng kinh tế kỹ thuật thì chủ đầu tư hoặc chủ quản đầu tư phải báo cáo lên cấp có thẩm quyền xét duyệt để xem xét lại chủ trương đầu tư.

Đối với dự án đầu tư thì giải quyết như sau:

Chủ quản đầu tư chịu trách nhiệm lập và trình dự án đầu tư lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Hồ sơ trình gửi cho các cơ quan: Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban xây dựng cơ bản Nhà nước, Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước, Uỷ ban quan hệ kinh tế với nước ngoài để tham gia ý kiến.

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thông qua dự án đầu tư sau khi xem xét báo cáo do Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước tổng hợp ý kiến các cơ quan nói trên.

Đỗ Quốc Sam

(Đã ký)

Vũ Đại

(Đã ký)