cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư liên tịch số 022-PC ngày 07/12/1964 Hướng dẫn những quy định của hội đồng chính phủ ban hành kèm theo quyết định 65-CP về công tác lập kế hoạch vận tải do Liên bộ Uỷ ban Kế hoạch nhà nước và Bộ Giao thông vận tải ban hành (Tình trạng hiệu lực không xác định)

  • Số hiệu văn bản: 022-PC
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Cơ quan ban hành: Bộ Giao thông vận tải, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước
  • Ngày ban hành: 07-12-1964
  • Ngày có hiệu lực: 22-12-1964
  • Tình trạng hiệu lực: Không xác định
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
UỶ BAN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 022-PC

Hà Nội, ngày 07 tháng 12 năm 1964 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH NHỮNG QUY ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 65-CP NGÀY 17-4-1964 VỀ CÔNG TÁC LẬP KẾ HOẠCH VẬN TẢI

Để khắc phục những thiếu sót trước đây về công tác lập kế hoạch vận tải, nhằm đưa việc lập kế hoạch vận tải đi vào nề nếp để công tác vận tải phục vụ tốt cho sản xuất, xây dựng, lưu thông hàng hóa và quốc phòng, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định số 65-CP ngày 17-4-1964 ban hành những quy định về công tác lập kế hoạch vận tải. Điều 9 trong bản quy định của Hội đồng Chính phủ quy định: “Ông Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, ông Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải căn cứ vào trình tự lập kế hoạch của Nhà nước quy định thời gian cụ thể lập kế hoạch vận tải và ban hành các biểu mẫu để hướng dẫn các ngành trong việc lập kế hoạch vận tải ”.

Thi hành điều 9 trong bản quy định nói trên của Hội đồng Chính phủ, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Giao thông vận tải ban hành kèm theo thông tư này các biểu mẫu cần thiết, quy định thời gian cụ thể lập kế hoạch vận tải và hướng dẫn thi hành bản quy định việc lập kế hoạch vận tải như sau:

Chương I:

CÁC NGUYÊN TẮC CƠ BẢN TRONG VIỆC LẬP KẾ HOẠCH VẬN TẢI

Điều 1 trong bản quy định của Hội đồng Chính phủ quy định: “Lập kế hoạch vận tải phải bảo đảm những nguyên tắc sau đây:

a) Bảo đảm kịp thời yêu cầu của sản xuất, xây dựng cơ bản và kinh doanh nhằm phục vụ sản xuất phát triển với tốc độ cao. Chú ý đúng mức các yêu cầu về thời gian, về khối lượng vận chuyển, đồng thời tránh những căng thẳng không cần thiết về vận tải, giảm bớt hệ số bất bình hành, nâng cao từng bước tính liên tục và đều đặn của công tác vận tải;

b) Phân phối luồng hàng thích ứng với màng lưới giao thông vận tải hiện có, sử dụng hợp lý các loại phương tiện vận tải đường sắt, đường bộ, đường sông, đường biển kể cả các loại phương tiện cơ giới và thô sơ;

c) Phù hợp với tình hình thời tiết, thời vụ;

d) Có dự trữ về khả năng phương tiện vận tải để đáp ứng tình hình biến động hoặc mất cân đối xẩy ra trong quá trình thực hiện kế hoạch”.

Liên Bộ hướng dẫn một số điểm cụ thể về các nguyên tắc mà bên vận tải và các chủ hàng cần quán triệt trong việc lập kế hoạch vận tải như sau:

a) Bên vận tải, khi cộng tác với các chủ hàng lập kế hoạch vận tải phải xuất phát từ quan điểm bảo đảm hoàn thành toàn bộ kế hoạch của Nhà nước và yêu cầu vận chuyển hàng hóa của chủ hàng trong mọi trường hợp cần thiết để tránh tư tưởng chỉ muốn thuận tiện cho kế hoạch của ngành mình, đơn vị mình, không thấy phần trách nhiệm của chủ hàng đối với kế hoạch của Nhà nước hoặc đối với những trường hợp đột xuất. Do đó mà hết sức cố gắng trong mọi trường hợp, khắc phục mọi khó khăn có thể để đảm bảo nguyên tắc vận tải kịp thời hạn để phục vụ yêu cầu của sản xuất, xây dựng cơ bản và lưu thông hàng hoá nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành sản xuất phát triển nhanh.

Bên chủ hàng, khi cộng tác với bên vận tải lập kế hoạch vận tải phải thấy rằng kế hoạch vận tải phải phụ thuộc vào kế họach của nhiều ngành khác. Do đó công tác lập kế hoạch của bên vận tải có mặt khó khăn của nó, mà cố gắng xây dựng khối lượng vận chuyển cho chính xác, phân bổ kế hoạch đều hoà cho từng thời gian để đóng góp vào việc cân đối kế hoạch chung của bên vận tải và để tránh những căng thẳng không cần thiết cho bên vận tải như không bảo đảm khối lượng hàng, không bảo đảm thời gian, tháng thì yêu cầu vận chuyển dồn dập, tháng thì không có hàng. Đồng thời, bên chủ hàng cũng phải hết sức tránh những yêu cầu lập kế hoạch cao hơn thực tế, hoặc không tính toán kỹ trước, không dự trữ vật tư hay hàng hoá cần thiết cho sản xuất, xây dựng và lưu thông hàng hóa được liên tục và kịp thời, gây nên tình trạng khẩn trương, đột xuất trong vận tải mà thật ra có thể điều hoà được. Hệ số không điều hòa quá cao, gây nên tình trạng trong vận tải khi thì không đủ phương tiện đảm bảo vận chuyển hàng hóa, khi thì thừa phương tiện mà thiếu hàng. Nếu phải thỏa mãn yêu cầu vận chuyển của chủ hàng trong trường hợp như trên thì phải dự trữ cho vận tải nhiều phương tiện vận tải mà thật ra không cần thiết và như vậy Nhà nước phải đầu tư nhiều, gây lãng phí, ảnh hưởng đến giá thành vận tải, giá thành sản xuất, xây dựng, lưu thông, ảnh hưởng đến chính sách cải thiện đời sống nhân dân. Cho nên tất cả các ngành kinh tế quốc dân, bên chủ hàng cũng như bên vận tải cần phấn đấu nâng cao chất lượng công tác kế hoạch để giảm bớt dần hệ số bất bình hành đến mức tối thiểu, làm cho công tác vận tải dần dần được liên tục và đều đặn.

b) Phân phối luồng hàng thích ứng với màng lưới giao thông vận tải hiện có, trước hết, các ngành chủ hàng khi bố trí luồng hàng, bố trí cơ sở khai thác, sản xuất, địa điểm kho hàng, cần nghiên cứu tình hình màng lưới giao thông vận tải hiện có hoặc đang hình thành để thuận tiện cho việc tận dụng các khả năng giao thông vận tải tránh gây khó khăn cho bên vận tải, đồng thời tránh phát triển các đường chuyên dùng và lực lượng vận tải chủ lực không cần thiết. Ngoài ra, trong công tác vận tải, các ngành chủ hàng còn cần lưu ý tránh những hiện tượng vận tải vòng, chéo, ngược chiều và các hiện tượng bất hợp lý khác.

Về phía giao thông vận tải, trong phạm vi chức năng của mình, cần bàn bạc với bên chủ hàng để phân phối các luồng hàng vận chuyển một cách có lợi nhất, vận tải rẻ nhất, phát huy cao độ năng lực phục vụ của màng lưới giao thông vận tải hiện có, phù hợp với đặc điểm tính năng của các loại phương tiện vận tải đường sắt, đường bộ, đường sông, đường biển, cơ giới và thô sơ, đồng thời quan tâm đúng mức đến tính chất của các loại hàng đặc biệt cần vận chuyển nhanh như hàng tươi, hàng mau hỏng v.v…Trong trường hợp khả năng vận tải của một phương thức vận tải nào đó có hạn, bên vận tải có thể sử dụng một phương thức vận tải khác cho thích ứng với khả năng màng lưới hiện có. Tuỳ từng trường hợp cụ thể, bên vận tải có thể từ chối những vận chuyển bất hợp lý mà xét ra có thể tránh được.

c) Lập kế hoạch vận tải phải bảo đảm phù hợp với thời tiết và thời vụ là một nguyên tắc cần lưu ý đầy đủ, vì nền kinh tế nước ta về căn bản còn là kinh tế nông nghiệp, trong sản xuất cũng như trong vận tải còn lệ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Ngay trong sản xuất công nghiệp, bộ phận dùng nguyên liệu là sản phẩm nông nghiệp cũng mang tính chất thời vụ. Do đó mà có hiện tượng vận tải mùa đối với những mặt hàng nông nghiệp hoặc mặt hàng công nghiệp phục vụ nông nghiệp hoặc mặt hàng công nghiệp dùng nguyên liệu là là sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời cũng có hiện tượng vận tải phải tranh thủ mùa nước trước những tháng lũ bão trong vận tải đường thuỷ hoặc tranh thủ mùa khô trong vận tải ô-tô trên những tuyến đường miền núi. Khi lập kế hoạch vận tải, bên vận tải cần chú ý đúng mức yêu cầu của sản xuất thời vụ, huy động đầy đủ lực lượng vận tải để đảm bảo sản xuất thời vụ, tranh thủ thời tiết thuận lợi. Trong những thời vụ không căng hoặc thời tiết không thuận lợi cho vận tải, bên vận tải cần tranh thủ sửa chữa phương tiện vận tải. Các ngành chủ hàng thì cần cố gắng vận chuyển tư liệu, chuẩn bị trước cho sản xuất thời vụ và tranh thủ những mùa có thời tiết thuận lợi, có kho tàng dự trữ tư liệu và hàng hóa, đặc biệt chú ý những mặt hàng thời vụ mâu thuẫn với thời tiết vận chuyển, sản xuất thời vụ đang cần nhưng trong thời gian ấy thời tiết lại không thuận lợi cho vận chuyển để có hàng bảo đảm cho sản xuất.

d) Dự trữ về khả năng phương tiện vận tải để đáp ứng tình hình biến động hoặc mất cân đối xảy ra trong quá trình thực hiện kế hoạch thuộc trách nhiệm của ngành giao thông vận tải. Dự trữ phương tiện vận tải có hai phần:

- Dự trữ cho những trường hợp không điều hòa của kế hoạch để đảm bảo vận tải không ngừng trệ;

- Dự trữ cho những trường hợp đột xuất ngoài kế hoạch của sản xuất, thời tiết hoặc biến động mới của tình hình.

Không điều hoà trong vận tải là yêu cầu cần phấn đấu để giảm đến hệ số tối thiểu, nhưng vẫn là vấn đề tồn tại không thể tránh hết được. Cho nên, mỗi đơn vị, xí nghiệp vận tải cần có lực lượng dự trữ cho những trường hợp không điều hòa và đột xuất.

Tuỳ theo tình hình khối lượng hàng hóa trong năm kế hoạch để quy định những tỷ lệ trên cho vận tải để chuẩn bị phương tiện dự trữ.

Chương II:

TRÁCH NHIỆM LẬP KẾ HOẠCH VẬN TẢI

Trách nhiệm lập kế hoạch vận tải đã được quy định cụ thể ở các điều 2, 3 và 4 trong bản quy định của Hội đồng Chính phủ. Dưới đây liên Bộ quy định các biểu mẫu cần thiết và hướng dẫn cụ thể cách lập kế hoạch vận tải.

a) Kế hoạch nhu cầu vận tải:

Kế hoạch nhu cầu vận tải do các ngành có hàng vận chuyển lập. Nội dung của kế hoạch là bảng khối lượng hàng hóa yêu cầu vận chuyển. Khối lượng hàng hóa yêu cầu vận chuyển tính bằng hai chỉ tiêu:

- Khối lượng hàng hóa vận chuyển;

- Khối lượng hàng hóa luân chuyển;

Khối lượng hàng hóa vận chuyển tính bằng tấn (tấn thực tế, tính cả bì), ký hiệu bằng T.

Khối lượng hàng hóa luân chuyển tính bằng tấn/cây số, ký hiệu bằng T/km (tấn/cây số = trọng lượng thực tế của hàng hóa vận chuyển tính cả bì nhân với số cây số quãng đường cần vận chuyển).

Tất cả các kế hoạch nhu cầu vận tải cần tính cụ thể khối lượng vận chuyển từng loại hàng của 23 loại (quy định trong công văn số 769-KH ngày 08-02-1957 của Bộ Giao thông và bưu điện) có ghi chính xác nơi gửi hàng đi và nơi nhận hàng đến (tên ga, bến, cảng, kho). Kế hoạch nhu cầu vận tải gồm có kế hoạch hàng năm, hàng quý và hàng tháng lập riêng cho từng phương thức vận tải: đường sắt, đường sông, đường ven biển và đường biển, đường ô-tô.

Kế hoạch nhu cầu vận tải hàng năm (biểu mẫu số 1)[1]

Trong kế hoạch năm tính đủ 23 loại hàng: than, xăng dầu,quặng kim khí, máy móc dụng cụ, vật liệu kim khí, quặng apatite và phốt phát, phân bón, hoá chất, xi-măng, đất đá, cát sỏi, vôi, gạch, ngói, gỗ và vật liệu gỗ, lâm thổ sản, nông sản, thóc gạo, ngô, muối, thực phẩm, vải, bông và nguyên liệu dệt, bách hoá, súc vật, các loại hàng khác. Đối với từng loại, cần ghi rõ các luồng vận chuyển.

Trong kế hoạch năm, cần dự tính thực hiện năm trước và dự tính yêu cầu vận chuyển năm kế hoạch phân ra các quý.

Kế hoạch nhu cầu vận tải hàng quý và hàng tháng (biểu mẫu số 2 và số 3)1

Cũng như kế hoạch năm, phải tính đủ 23 loại hàng và cụ thể các luồng hàng. Đối với kế hoạch quý, cần có dự tính thực hiện quý trước và dự tính yêu cầu vận chuyển của quý kế hoạch có phân ra các tháng trong quý. Đối với kế hoạch tháng thì chỉ cần dự tính yêu cầu của tháng kế hoạch và phân ra từng 10 ngày.

Tinh thần của việc phân chia khối lượng yêu cầu ra từng quý trong kế hoạch năm, từng tháng trong kế hoạch quý, từng 10 ngày trong kế hoạch tháng là để thấy được tiến  độ từng quý trong kế hoạch năm và làm cho vận tải được tương đối điều hoà và cân đối lực lượng trong mỗi năm, quý và tháng. Tuy nhiên, đối với các bản kế hoạch sơ bộ có thể chưa phân chia khối lượng yêu cầu ra từng quý trong kế hoạch năm.

Kèm theo bản kế hoạch nhu cầu vận tải hàng năm, các ngành chủ hàng cần lập bản thuyết minh cơ sở tính toán cho những mặt hàng có khối lượng lớn trong cấu thành hàng hóa vận tải và việc tổ chức tốt xấu vận chuyển những mặt hàng này ảnh hưởng đến việc thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch kinh tế quốc dân.

Trong các bản kế hoạch nhu cầu vận tải năm quý, cũng như tháng, các ngành chủ hàng cần chú ý ghi chữ thật rõ quy cách, trọng lượng và số lượng những thiết bị máy móc cần phải chuẩn bị những phương tiện đặc biệt để vận chuyển và xếp dỡ.

Mỗi bản kế hoạch nhu cầu vận tải phải nêu tổng số yêu cầu, phần yêu cầu bên vận tải phụ trách và phần do ngành chủ hàng tự đảm nhiệm bằng phương tiện vận tải chủ lực (ghi vào cột bị chú)

b) Kế hoạch vận tải của các lực lượng vận tải chủ lực.(biểu mẫu số 4 và 5)[2]

Ngoài bản kế hoạch nhu cầu vận tải, các ngành có hàng nhưng đồng thời có lực lượng vận tải chủ lực tự đảm nhiệm một phần hay toàn bộ khối lượng nhu cầu vận chuyển, còn phải lập kế hoạch vận tải của các lực lượng chủ lực của mình.

Lực lượng vận tải chủ lực là các tàu, xe làm công tác vận tải hàng hoá từ nơi này đến nơi khác trên các đường vận tải công cộng, trong phạm vi nội thành, địa phương hay giữa các địa phương, không kể các loại tầu, xe vệ sinh, công trình, chuyên dùng phục vụ sản xuất trong nội bộ hoặc ngoài xí nghiệp (như tầu đánh cá, ô-tô trong khâu khai thác than, vận xuất gỗ v.v…)

Ngành có lực lượng vận tải chủ lực phải làm hai bản kế hoạch vận tải.

- Khối lượng hàng hóa vận chuyển, làm theo các biễu mẫu số 1, 2, 3 tuỳ theo loại kế hoạch  năm, quý hay tháng. Trong các biểu mẫu cần ghi khối lượng hàng hóa do lực lượng vận tải chủ lực đảm nhiệm;

- Chỉ tiêu tổng hợp vận tải của lực lượng chủ lực, lập theo các biểu mẫu số 4 và số 5, riêng cho từng phương thức vận tải đường ô-tô hay đường sông.

c) Kế hoạch hàng hóa xuất nhập khẩu:

Kế hoạch hàng hóa xuất nhập khẩu cũng nằm trong kế hoạch vận tải hàng hóa, gồm phần xuất nhập khẩu bằng đường sắt liên vận quốc tế và phần xuất nhập bằng đường biển qua cảng.

Kế hoạch xuất nhập do ngành ngoại thương lập, cũng theo các biễu mẫu số 1, 2, 3 tuỳ theo loại kế hoạch năm, quý hay tháng. Trong kế hoạch ghi rõ ga đi, ga đến nếu xuất nhập bằng đường sắt, hoặc cảng đi, cảng đến nếu xuất nhập bằng đường biển. Mặt khác, cần chú ý ghi chú đầy đủ quy cách,  trọng lượng, số lượng những thiết bị to, nặng.

d) Kế hoạch thuê tầu xe vận tải (biểu mẫu số 6)1

Ngoài các loại kế hoạch vận tải nói trên, các ngành kinh tế (cũng có thể là ngành sư nghiệp) trong khâu sản xuất của mình, vì một lý do nào đó, có thể lập yêu cầu thuê tàu, xe vận tải để chuyên dùng trong một thời gian nhất định. Thí dụ: Mỏ than Mạo-khê thuê ô-tô để chuyển than trong nội bộ xí nghiệp, từ nơi khai thác ra cầu, bến; nhà máy giấy thuê tàu kéo làm bè; thuê tàu phục vụ di dân, phục vụ quốc phòng…

Trong các trường hợp trên, các ngành cần lập kế hoạch thuê tàu xe, ghi rõ loại và lượng tàu xe, dùng vào việc gì, khu vực hoạt động, thời gian thuê, theo biểu mẫu số 6. Kế hoạch thuê tàu, xe lập  riêng cho từng phương thức vận tải cần thuê, làm hàng năm, quý, và tháng. Đơn vị thời gian thuê, đối với kế hoạch năm tính số tháng, đối với các kế hoạch quý, tháng thì tính số ngày.

e) Điều chỉnh kế hoạch (biểu mẫu số 7) (1).

Đoạn 2, điều 4 trong bản quy định của Hội đồng Chính phủ quy định: “Sau khi kiểm điểm kế hoạch 6 tháng đầu năm, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Ủy ban Kế hoạch các tỉnh, thành phố, trực thuộc trung ương có nhiệm vụ giúp đỡ các ngành dự kiến điều chỉnh lại kế hoạch vận tải 6 tháng cuối năm nếu thấy cần thiết để bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu vận tải cả năm của Nhà nước.”

Điều 8 trong bản quy định của Hội đồng Chính phủ quy định: “Qua 6 tháng đầu năm thực hiện kế hoạch, bên chủ hàng hoặc bên vận tải nào thấy cần thiết phải điều chỉnh kế hoạch cho 6 tháng cuối năm thì phải chủ động cùng nhau bàn bạc thương lượng”.

Để việc điều chỉnh kế hoạch hàng năm tiến hành được tốt, dưới đây liên Bộ hướng dẫn thêm một số điểm cụ thể:

Mỗi năm, sau 6 tháng đầu thực hiện kế hoạch, có thể có hai trường hợp được điều chỉnh kế hoạch:

- Do tiến độ thực hiện kế hoạch có thay đổi, cần điều chỉnh kế hoạch 6  tháng cuối năm thì bên chủ hàng và bên vận tải có thể tiến hành bàn bạc thương lượng điều chỉnh kế hoạch vận tải. Nhưng chỉ được điều chỉnh nếu yêu cầu điều chỉnh không ảnh hưởng đến chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước đã công bố;

- Do biến động mới của tình hình kinh tế quốc dân, do Nhà nước thay đổi chỉ tiêu kế hoạch đã ban hành và có chỉ thị điều chỉnh kế hoạch toàn năm.

Kế hoạch điều chỉnh lập theo biểu mẫu số 7, riêng cho từng phương thức vận tải, ghi đầy đủ 23 loại hàng đồng thời chi tiết các luồng vận chuyển.

Sau khi đã điều chỉnh kế hoạch, chủ hàng vẫn phải tiếp tục lập kế hoạch quý, tháng như đã quy định.

Lập kế hoạch nhu cầu vận tải hàng năm, hàng quý, hàng tháng và điều chỉnh kế hoạch đúng biểu mẫu, gửi đúng thời hạn đã quy định, thuyết minh cơ sở tính toán là nhiệm vụ của các ngành có hàng cần vận chuyển, hoặc cần thuê tầu xe, kể cả kế hoạch vận tải bằng lực lượng chủ lực của các ngành có phương tiện chủ lực.

Tuy nhiên, về phía bên vận tải, ngành giao thông vận tải một mặt lấy bản kế hoạch nhu cầu vận tải của các ngành chủ hàng làm cơ sở, nhưng mặt khác phải tiến hành điều tra kinh tế, tự mình cũng phải dự kiến các yêu cầu để có thể chủ động dự thảo kế hoạch phát triển giao thông vận tải. Bên vận tải cần chủ động gặp bên chủ hàng tìm hiểu các mặt cần thiết cho việc dự thảo kế hoạch của mình, đồng thời giúp đỡ các ngành chủ hàng dự tính và lập biểu kế hoạch nhu cầu vận tải như đã nói ở điều 3 của bản quy định. Ngược lại, bên chủ hàng cần cung cấp cho bên vận tải những số liệu và tài liệu cần thiết (số liệu kinh tế, sản xuất, phân phối …), thuyết minh các bản kế hoạch nhu cầu vận tải và cộng tác chặt chẽ với bên vận tải để việc lập kế hoạch vận tải được tốt, như đã nói ở điều 2 của bản quy định.

Ngành giao thông vận tải các cấp, sau khi nhận được kế hoạch nhu cầu vận tải của các ngành chủ hàng, cần tiến hành nghiên cứu ngay, kết hợp với tình hình kinh tế đã điều tra được và nhiệm vụ chức năng của mình, đề xuất ý kiến, trao đổi với bên chủ hàng để thống nhất ý kiến. Nếu hai bên không nhất trí thì thi hành theo điều 4 của bản quy định của Hội đồng Chính phủ.

Ủy ban kế hoạch các cấp cần đôn đốc các ngành chủ hàng lập và gửi kế hoạch nhu cầu cho ngành giao thông vận tải đúng biểu mẫu và thời hạn đã quy định, đồng thời tích cực giúp đỡ bên chủ hàng cũng như bên vận tải cùng cấp trong việc lập kế hoạch và điều chỉnh kế hoạch vận tải, như đã quy định ở điều 4 của bản quy định.

Chương III:

THỜI HẠN LẬP KẾ HOẠCH VÀ ĐIỀU CHỈNH KẾ HOẠCH VẬN TẢI

Các bước lập kế hoạch, điều chỉnh kế hoạch năm và thời hạn lập kế hoạch hàng quý, hàng tháng đã được quy định ở các điều 5, 6, 7, 8 trong bản quy định của Hội đồng Chính phủ. Dưới đây liên Bộ quy định thời hạn cụ thể và việc lập và điều chỉnh kế hoạch năm và hướng dẫn thêm một số điểm cần thiết.

a) Kế hoạch năm.

Về kế hoạch năm, điều 5 trong bản quy định của Hội đồng Chính phủ quy định: “Khi có chỉ thị và số kiểm tra lập kế hoạch của Nhà nước, bên có hàng, trong khi lập kế hoạch sản xuất, xây dựng và kinh doanh phải cùng với bên vận tải trao đổi việc lập kế hoạch vận tải.

Sau khi trao đổi, bên chủ hàng phải gửi kế hoạch sơ bộ cho bên vận tải. Khi chính thức gửi kế hoạch sản xuất hay kế hoạch lưu chuyển hàng hóa cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, đồng thời cũng chính thức gửi kế hoạch vận tải cho bên vận tải cấp tương đương”.

Dưới đây liên Bộ quy định các thời hạn cụ thể về việc lập kế hoạch và cách gửi kế hoạch.

Để chuẩn bị cho mỗi kỳ kế hoạch năm, ở trung ương các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, các Tổng cục trực thuộc Hội đồng Chính phủ có hàng vận chuyển đều phải lập kế hoạch nhu cầu vận tải gửi cho Bộ Giao thông vận tải (1 bản) đồng gửi cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (1 bản) theo đúng các biểu mẫu đã nói ở chương II. Khi cần điều chỉnh kế hoạch cùng làm như. Thời gian cụ thể của việc lập và gửi kế hoạch nhu cầu vận tải năm ấn định là tháng 8 hàng năm thì các ngành chủ hàng gửi kế hoạch sơ bộ cho năm sau, tháng 11 thì gửi kế hoạch chính thức.

Yêu cầu điều chỉnh nhu cầu vận tải năm phải gửi vào tháng 6 của năm thực hiện.

Ở các địa phương. Cũng trong thời gian quy định trên đây, các Sở, Ty, xí nghiệp, công ty, công, nông lâm trường (không kể là thuộc trung ương hay địa phương quản lý) v.v… có hàng vận chuyển, lập và gửi kế hoạch sơ bộ, kế hoạch chính thức hoặc kế hoạch điều chỉnh về nhu cầu vận tải cho các Sở, Ty Giao thông vận tải địa phương (1 bản) đồng gửi cho Ủy ban Kế hoạch thành, tỉnh (1 bản). Các Sở, Ty Giao thông vận tải, sau khi nhận được các bản kế hoạch nhu cầu vận tải của bên chủ hàng sẽ căn cứ vào bảng phân cấp luồng hàng vận chuyển của Bộ Giao thông vận tải, một năm lập kế hoạch vận tải cho địa phương mình, mặt khác chuyển báo lượng và luồng hàng cho các Sở, Ty Giao thông vận tải bạn và các quốc doanh vận tải trực thuộc trung ương, các cảng đã được phân cấp phụ trách các luồng hàng ấy, đồng thời thông báo cho cơ quan chủ hàng và báo cáo lên Ủy ban Kế hoạch địa phương và Bộ Giao thông vận tải.

Trước, trong và sau thời gian này, bên chủ hàng và bên vận tải cần tiến hành trao đổi, giúp đỡ nhau để lập kế hoạch được tốt và đúng hạn như đã nói ở các phần trên của thông tư này.

Một điểm cần chú ý là đồng thời với các Bộ, các Tổng cục ở trung ương lập kế hoạch nhu cầu vận tải gửi cho Bộ Giao thông vận tải, thì các xí nghiệp, công nông lâm trường trực thuộc trung ương đóng ở các địa phương cũng phải lập kế hoạch nhu cầu vận tải gửi cho các Sở, Ty Giao thông vận tải địa phương mình đóng, đồng gửi lên Bộ hoặc Tổng cục chủ quản để thẩm hạch. Thí dụ: Trong lúc Bộ Công nghiệp nặng lập và gửi kế hoạch nhu cầu vận tải của nhà máy xi-măng Hải-phòng cho Bộ Giao thông vận tải thì nhà máy xi-măng Hải-phòng cũng lập kế hoạch nhu cầu vận tải của nhà máy mình gửi cho Sở Giao thông vận tải Hải-phòng đồng gửi Bộ Công nghiệp nặng. Các Sở, Ty, công ty, công nông, lâm trường, xí nghiệp chủ hàng trực thuộc địa phương lập và gửi kế hoạch nhu cầu vận tải cho các Sở, Ty Giao thông vận tải địa phương về tất cả các loại hàng trên các luồng vận chuyển có liên quan đến kinh tế địa phương; vận tải trong địa phương hay luân chuyển ngoài địa phương;

b) Kế hoạch hàng quý, hàng tháng

Điều 6 trong bản quy định của Hội đồng Chính phủ quy định: “Trước 20 ngày của quý sắp đến, bên chủ hàng gửi kế hoạch vận tải hàng hóa của quý ấy cho bên vận tải”. Vậy đúng thời hạn quy định trên đây, ở trung ương các Tổng cục, Cục trực thuộc các Bộ hoặc trực thuộc các Tổng cục độc lập gửi trực tiếp một bản kế hoạch cho Tổng cục đường sắt, các Công ty vận tải trung ương (đường ô-tô, đường sông, đường biển các cảng) các Sở, Ty Giao thông vận tải nhận vận chuyển hàng hóa cho ngành mình theo phân cấp luồng hàng vận tải như đã ghi trong kế hoạch năm và đã ký kết hợp đồng vận tải cho năm kế hoạch. Ở địa phương, các Sở, Ty, công ty, xí nghiệp, công, nông, lâm trường chủ hàng (trực thuộc trung ương cũng như địa phương) gửi trực tiếp một bản kế hoạch cho Sở, Ty Giao thông vận tải các quốc doanh vận tải trực thuộc trung ương (bao gồm cả Tổng cục đường sắt, các cảng) nhận vận chuyển hàng hoá cho mình như đã ghi trong kế hoạch năm và đã ký kết hợp đồng vận tải cho năm kế hoạch. Riêng đối với kế hoạch nhu cầu vận tải hàng quý về cảng đường sông, đường biển, đường ô-tô thì các ngành chủ hàng gửi cho các cảng, các Công ty vận tải, các Sở Ty Giao thông vận tải đồng thời phải gửi cho các Cục vận tải đường thủy và đường bộ một bản.

Về kế hoạch tháng, điều 7 trong bản quy định của Hội đồng Chính phủ quy định: “Trước 10 ngày của tháng sắp đến, bên chủ hàng gửi kế hoạch vận tải hàng hóa của tháng ấy cho bên vận tải (chỉ áp dụng cho các đơn vị cơ sở)”. Quy định như thế có nghĩa là, trước 10 ngày mỗi tháng, các đơn vị cơ sở, một bên là đơn vị trực tiếp gửi hàng vận chuyển lập kế hoạch nhu cầu vận tải trong tháng gửi cho một bên là đơn vị trực tiếp nhận hàng vận chuyển. Và trên cơ sở ấy, hai bên cùng nhau ký kết hợp đồng vận tải cụ thể cho tháng kế hoạch.

Công tác lập kế hoạch vận tải là một công tác phức tạp, khó khăn. Kế hoạch vận tải phụ thuộc các kế hoạch sản xuất, xây dựng, lưu thông hàng hóa đồng thời ngành vận tải cũng cần những tư liệu sản xuất đặt cho các ngành sản xuất khác lập kế hoạch cung cấp. Cho nên kế hoạch vận tải phải đồng thời cùng làm với các kế hoạch sản xuất, xây dựng và lưu thông hàng hóa, trong mỗi bước của từng giai đoạn trong trình tự lập kế hoạch kinh tế quốc dân. Vì mỗi bước lập kế hoạch là một lần cân đối tổng hợp chung, không thể chỉ có kế hoạch sản xuất, xây dựng và lưu thông hàng hóa mà không có kế hoạch giao thông vận tải.

Trong công tác lập kế hoạch vận tải, mỗi Bộ, Tổng cục, mỗi đơn vị, tuỳ theo khối lượng công tác và phạm vi phụ trách, cần tổ chức bộ phận hoặc có cán bộ chuyên trách hay kiêm nhiệm. Những cán bộ này cần phải chuyên môn hoá, họ phải có những hiểu biết cần thiết về kinh tế nói chung, kinh tế vận tải nói riêng, thông thạo tình hình sản xuất và tinh thông nghiệp vụ kế hoạch vận tải.

Mục đích của sản xuất, xét cho cùng, là để tiêu dùng, do đó phải đưa sản phẩm đến nơi tiêu thụ và muốn tiến hành sản xuất thì phải chuyên chở tư liệu. Vậy, phải có lưu thông, trong đó vận tải quyết định quá trình chủ yếu. Trong xây dựng, nếu không có sự phối hợp có kế hoạch của ngành giao thông vận tải, các công trình xây dựng cơ bản cũng không tiến hành được. Do đó, mối quan hệ giữa vận tải, sản xuất, xây dựng và lưu thông gắn bó với nhau rất mật thiết. Và do đó, sự phối hợp giữa ngành giao thông vận tải với các ngành kinh tế khác là không thể thiếu. Thông tư này hướng dẫn những điều cơ bản, nhưng tinh thần hợp tác giữa các ngành kinh tế quốc dân và ngành giao thông vận tải giúp đỡ nhau là vấn đề quyết định.

Trong thông tư này, tuy đã hướng dẫn tương đối cụ thể cách lập kế hoạch và các biểu mẫu cần thiết, nhưng dù sao cũng có thể có những vấn đề chưa đề cập tới được hoặc chưa hướng dẫn thật đầy đủ. Vậy trong quá trình thi hành có khó khăn trở ngại gì, các địa phương, các cơ quan chủ hàng và vận tải phản ánh về Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Giao thông vận tải để giải thích thêm hoặc nghiên cứu trình lên Hội đồng Chính phủ.

 

KT. CHỦ NHIỆM

UỶ BAN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC

UỶ VIÊN

 

 

Võ Quang Anh

KT. BỘ TRƯỞNG

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

THỨ TRƯỞNG

 

 

Dương Bạch Liên



[1]Các biểu mẫu không đăng công báo.

[2]Các biễu mẫu không đăng công báo