Văn bản hợp nhất số 15/VBHN-BTC ngày 11/02/2014 của Bộ Tài chính hợp nhất Thông tư liên tịch hướng dẫn chế độ, cấp phát và quản lý kinh phí đào tạo lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài bằng nguồn vốn Ngân sách nhà nước
- Số hiệu văn bản: 15/VBHN-BTC
- Loại văn bản: Văn bản hợp nhất
- Cơ quan ban hành: Bộ Tài chính
- Ngày ban hành: 11-02-2014
- Ngày có hiệu lực: 11-02-2014
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 3938 ngày (10 năm 9 tháng 18 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/VBHN-BTC | Hà Nội, ngày 11 tháng 02 năm 2014 |
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH1
HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ, CẤP PHÁT VÀ QUẢN LÝ KINH PHÍ ĐÀO TẠO LƯU HỌC SINH VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI BẰNG NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Thông tư liên tịch số 144/2007/TTLT-BTC-BGDĐT-BNG ngày 05 tháng 12 năm 2007 của Liên Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Ngoại giao hướng dẫn chế độ, cấp phát và quản lý kinh phí đào tạo lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài bằng nguồn vốn Ngân sách nhà nước, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2008 được sửa đổi, bổ sung bởi:
Thông tư liên tịch số 206/2010/TTLT-BTC-BGDĐT-BNG ngày 15 tháng 12 năm 2010 của Liên Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Ngoại giao sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 144/2007/TTLT-BTC-BGDĐT-BNG ngày 05 tháng 12 năm 2007 hướng dẫn chế độ, cấp phát và quản lý kinh phí đào tạo lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài bằng nguồn vốn Ngân sách nhà nước, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2011.
Căn cứ:
- Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;
- Quyết định số 322/QĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước”;
- Quyết định số 356/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh đề án “Đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng Ngân sách nhà nước;
- Quyết định số 77/2001/QĐ-TTg ngày 14 tháng 5 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về chi phí cho việc đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng Ngân sách nhà nước;
- Hiệp định hoặc thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và các nước về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục;
- Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về xử lý nợ của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam với Liên bang Nga ký ngày 13 tháng 9 năm 2000 và công văn số 3663/VPCP-KG ngày 15 tháng 7 năm 2004 của Văn phòng Chính phủ đồng ý cho Bộ Giáo dục và Đào tạo sử dụng kinh phí xử lý nợ của Việt Nam với Liên bang Nga để đào tạo cán bộ Việt Nam ở nước ngoài;
- Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 4993/TB-VPCP ngày 08 tháng 9 năm 2006 của Văn phòng Chính phủ về việc ban hành văn bản sửa đổi Thông tư liên tịch số 88/2001/TTLT-BTC-BGDĐT-BNG ngày 06 tháng 11 năm 2001, theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh sang lưu học sinh diện Hiệp định.2
Phần I
QUY ĐỊNH CHUNG
1. Phạm vi áp dụng
Thông tư này quy định việc lập dự toán, quản lý, cấp phát và quyết toán kinh phí đào tạo lưu học sinh ở nước ngoài bằng nguồn vốn Ngân sách nhà nước.
Đối với kinh phí cho bộ máy quản lý đào tạo lưu học sinh ở nước ngoài được Ngân sách nhà nước đảm bảo trong dự toán ngân sách cấp cho Bộ Giáo dục và Đào tạo hàng năm, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.
2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với lưu học sinh được tuyển chọn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đi học trong các trường hợp sau đây:
- Theo các Hiệp định (hoặc thỏa thuận) giữa Chính phủ Việt Nam và các nước hoặc giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và các nước về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo (sau đây gọi tắt là diện Hiệp định);
- Theo Đề án “Đào tạo cán bộ tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước” (sau đây gọi tắt là Đề án 322);
- Theo Đề án “Đào tạo công dân Việt Nam ở nước ngoài bằng nguồn chuyển đổi nợ với Liên bang Nga” của Bộ Giáo dục và Đào tạo - Phần do Việt Nam quản lý (sau đây gọi tắt là Đề án chuyển đổi nợ Nga).
3. Nội dung các khoản chi
3.1. Chi trong nước:
a) Chi phí cho cơ sở đào tạo Việt Nam theo hình thức đào tạo phối hợp;
b) Chi phí hỗ trợ học tập cho lưu học sinh trong thời gian học tập tại Việt Nam theo khuôn khổ Đề án đào tạo phối hợp;
c) Chi cho cho cơ sở đào tạo về công tác bồi dưỡng chính trị, tư tưởng và nâng cao trình độ ngoại ngữ cho lưu học sinh trước khi ra nước ngoài học tập;
d) Chi phí làm hộ chiếu, visa của lưu học sinh: Thanh toán theo mức quy định của Nhà nước đối với chi phí làm hộ chiếu và theo hóa đơn lệ phí visa thực tế của các nước nơi lưu học sinh được cử đi học đối với chi phí làm visa.3
3.2. Chi ở nước ngoài:
a) Học phí cho các cơ sở đào tạo ở nước ngoài;
b) Sinh hoạt phí của lưu học sinh;
c) Vé máy bay (hoặc vé tầu) cho lưu học sinh;
d) Bảo hiểm y tế;
đ) Phí đi đường;
e) Khen thưởng cho lưu học sinh;
g) Hỗ trợ một phần rủi ro, bất khả kháng đối với lưu học sinh;
h) Phí chuyển và nhận tiền qua Ngân hàng (nếu có).
Phần II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
I. Những khoản chi liên quan đến lưu học sinh
1. Học phí và các khoản chi liên quan đến học phí
1.1. Học phí và các khoản lệ phí bắt buộc (nếu có) phải trả cho các cơ sở đào tạo nước ngoài, được các cơ sở đào tạo nước ngoài thông báo trong giấy tiếp nhận (hợp lệ theo quy định hiện hành) đối với lưu học sinh, được chi bằng đồng đôla Mỹ hoặc bằng đồng tiền nước sở tại. Đối với lưu học sinh học tập tại Liên bang Nga thì mức học phí được thỏa thuận trong hợp đồng ký giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với cơ sở đào tạo của Liên bang Nga.
1.2. Chi phí cho các cơ sở đào tạo Việt Nam thực hiện đào tạo tại Việt Nam trong khuôn khổ Đề án đào tạo phối hợp (phần thời gian khóa học thực hiện tại Việt Nam), được chi bằng đồng Việt Nam (VND) với mức chi tối đa tương đương 3.500 USD/năm học (ba ngàn năm trăm) cho một nghiên cứu sinh tiến sĩ; 3.000 USD/năm học (ba ngàn) cho một học viên cao học; 2.500 USD/năm học (hai ngàn năm trăm) cho một sinh viên đại học theo tỷ giá hạch toán do Bộ Tài chính quy định hàng tháng. Các mức chi nói trên bao gồm cả tiền hỗ trợ học tập tại Việt Nam của lưu học sinh theo quy định tại Khoản 2.5 Mục I Phần II Thông tư này.
2. Sinh hoạt phí
2.1. Lưu học sinh bắt đầu nhập học khóa đầu tiên khi làm thủ tục đi học ở nước ngoài được cấp tạm ứng trước chi phí đi đường và không quá 3 tháng tiền sinh hoạt phí tại Việt Nam.4
2.2. Sinh hoạt phí của lưu học sinh được cấp từ ngày nhập học đến ngày kết thúc thực tế nhưng không vượt quá thời gian ghi trong quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mức sinh hoạt phí quy định tại Phụ lục số 01 kèm theo Thông tư này.
2.3. Đối với lưu học sinh đi học theo diện Hiệp định, nếu sinh hoạt phí được nước ký kết Hiệp định đài thọ thấp hơn mức sinh hoạt phí Nhà nước quy định thì được cấp bù phần chênh lệch. Mức cấp bù thực hiện theo quy định tại Phụ lục số 01 (cột C) kèm theo Thông tư này.
2.4. Đối với lưu học sinh đi học theo diện Đề án 322 và Đề án chuyển đổi nợ Nga, mức sinh hoạt phí quy định tại Phụ lục 01 (cột B) kèm theo Thông tư này.
2.5. Đối với lưu học sinh đào tạo theo chương trình đào tạo phối hợp thì phần thời gian đào tạo tại Việt Nam, mức hỗ trợ học tập cho lưu học sinh quy định tại Phụ lục số 03 kèm theo Thông tư này.
3. Bảo hiểm y tế
3.1. Mức bảo hiểm y tế đối với lưu học sinh được cấp bằng đồng đôla Mỹ hoặc bằng đồng tiền của nước sở tại trên cơ sở không vượt quá mức quy định tại Phụ lục số 02 kèm theo Thông tư này.
3.2. Mức bảo hiểm y tế tối thiểu áp dụng chung cho lưu học sinh nước ngoài của nước sở tại, được thực hiện cụ thể như sau:
a) Bảo hiểm y tế được cấp theo mức quy định tại Phụ lục số 02 kèm theo Thông tư này. Đối với một số nước không liệt kê trong Phụ lục số 02 đính kèm thì Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, quyết định cụ thể trên cơ sở có sự thỏa thuận của Bộ Tài chính;
b) Trường hợp lưu học sinh vì lý do khác mua bảo hiểm y tế ở mức cao hơn mức quy định tại Thông tư này thì lưu học sinh phải tự bù phần chênh lệch;
c) Riêng đối với lưu học sinh đi học tại Liên bang Nga:
- Bảo hiểm y tế được trả theo năm học (từ tháng 9 năm nay đến hết tháng 8 năm sau) đối với lưu học sinh dự bị và đại học; Theo từng thời hạn 12 tháng kể từ ngày nhập học đối với lưu học sinh sau đại học; Theo thời hạn cụ thể (từ tháng 9 năm nay đến hết tháng 6 năm sau) đối với thực tập sinh và chuyển tiếp sinh tiếng Nga.
- Chi bảo hiểm y tế theo hóa đơn gốc hoặc hợp đồng mua bảo hiểm y tế của từng lưu học sinh.
4. Tiền vé máy bay đi và về (hoặc vé tầu)
4.1. Lưu học sinh được cấp một lượt vé từ Việt Nam đến nơi học tập và một lượt vé từ nơi học tập về Việt Nam (trừ trường hợp phía Bạn đài thọ vé). Đối với trường hợp lưu học sinh đã tốt nghiệp về nước nhưng được xét chuyển tiếp lên trình độ cao hơn cũng được cấp vé máy bay theo nguyên tắc này.
4.2. Vé máy bay lượt đi được cấp theo quy định tại Thông tư số 91/2005/TT-BTC ngày 18 tháng 10 năm 2005 của Bộ Tài chính quy định chế độ Đối với trường hợp lưu học sinh đã tốt nghiệp về nước nhưng được xét chuyển tiếp lên trình độ cao hơn cũng được cấp vé máy bay theo nguyên tắc này.
4.2. Vé máy bay lượt đi được cấp theo quy định tại Thông tư số 91/2005/TT-BTC ngày 18 tháng 10 năm 2005 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức Nhà nước đi công tác ở nước ngoài do Ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí5.
4.3. Vé máy bay lượt về được thanh toán theo hình thức thông báo vé trả tiền trước (PTA) thông qua cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại, hoặc cấp trực tiếp cho lưu học sinh qua Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam hoặc các Hãng hàng không hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam thực hiện theo quy định hiện hành. Trong trường hợp lưu học sinh tự mua vé lượt về thì khi về nước sẽ thanh toán hoàn trả cho lưu học sinh theo hóa đơn thu tiền thực tế (hợp lệ) và cuống vé máy bay (bản chính), nhưng tối đa chỉ bằng mức gửi vé PTA tại Việt Nam cho hạng thường (hạng Economy) do Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam hoặc các Hãng hàng không hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam đã thông báo.
5. Chi phí đi đường (để bù đắp các khoản lệ phí sân bay Việt Nam và thuê phương tiện từ sân bay về nơi ở) được cấp một lần với mức khoán là 100 đôla Mỹ/lưu học sinh/cho suốt quá trình học tập theo quyết định (kể cả trường hợp lưu học sinh được cấp học bổng bán phần và lưu học sinh được xét chuyển tiếp học lên trình độ cao hơn).
6. Các khoản chi khác
6.1. Chi khen thưởng cho lưu học sinh:
a) Lưu học sinh hoàn thành chương trình học tập với kết quả xuất sắc trước thời gian quy định ghi trong quyết định cử đi học của Bộ Giáo dục và Đào tạo và có xác nhận của cơ sở đào tạo nước ngoài sẽ được hưởng 50% số tiền sinh hoạt phí của thời gian hoàn thành trước hạn.
Trường hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chuyển cho lưu học sinh toàn bộ số tiền sinh hoạt phí theo thời gian ghi trong quyết định cử đi học nước ngoài thì lưu học sinh phải có trách nhiệm hoàn trả ngân sách nhà nước 50% số tiền sinh hoạt phí của thời gian hoàn thành trước kế hoạch.
b) Lưu học sinh đạt kết quả xuất sắc được cơ sở đào tạo nước ngoài miễn hoặc giảm học phí, có giấy báo của cơ sở đào tạo nước ngoài sẽ được hưởng 50% số tiền được miễn hoặc giảm và được cấp một lần vào năm được miễn, giảm học phí.
6.2. Chi hỗ trợ một phần rủi ro, bất khả kháng xẩy ra với lưu học sinh trong thời gian học tập ở nước ngoài như thiên tai, chiến tranh hoặc những trường hợp khác không do lỗi của lưu học sinh, mức hỗ trợ cụ thể quy định như sau:
a) Trường hợp tử vong: Ngân sách nhà nước đài thọ 100% cước phí vận chuyển thi hài hoặc lọ tro về nước hoặc hỗ trợ phần còn thiếu của cước phí vận chuyển này sau khi bảo hiểm đã chi trả;
Căn cứ vào đề nghị của gia đình lưu học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm kiểm tra, xem xét cụ thể đối với từng trường hợp và lập phương án hỗ trợ.
b) Các trường hợp phải kéo dài thời gian học tập do nguyên nhân bất khả kháng nhưng lưu học sinh vẫn đảm bảo kết quả học tập, được nhà trường xác nhận thì vẫn được cấp sinh hoạt phí. Trong trường hợp này, căn cứ vào đơn đề nghị của lưu học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài kiểm tra, xem xét cụ thể đối với từng trường hợp và cấp phát đúng chế độ quy định.
6.3. Chi cho các cơ sở đào tạo liên quan tới việc:
a) Bồi dưỡng, nâng cao trình độ ngoại ngữ trước khi lưu học sinh ra nước ngoài học tập được thực hiện theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;
b) Chi bồi dưỡng chính trị, tư tưởng cho lưu học sinh trước khi ra nước ngoài học tập.
6.4. Chi phí chuyển và nhận tiền qua Ngân hàng (nếu có): Căn cứ vào các quy định của Ngân hàng nước sở tại, nếu có phát sinh lệ phí chuyển tiền hoặc nhận tiền qua Ngân hàng thì Ngân sách Nhà nước sẽ đài thọ khoản chi này.
II. Nguyên tắc, trình tự, thủ tục cấp phát, quyết toán và bồi hoàn kinh phí đào tạo
1. Nguyên tắc cấp phát
a) Việc phân bổ kinh phí đào tạo lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài (bao gồm các nội dung chi ở trong nước và ở nước ngoài) được thực hiện bằng đồng Việt Nam; Việc thanh toán chi bằng ngoại tệ hoặc bằng đồng Việt Nam (tùy theo nhu cầu sử dụng) được thực hiện theo hình thức rút dự toán qua Kho bạc Nhà nước.
b) Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm lập dự toán, rút kinh phí tại Kho bạc Nhà nước, cấp phát kinh phí và quyết toán theo quy định hiện hành.
2. Lập dự toán và phân bổ chi tiết
2.1. Hàng năm, căn cứ nhiệm vụ đào tạo được giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo lập dự toán chi đào tạo lưu học sinh ở nước ngoài bằng kinh phí ngân sách nhà nước gửi Bộ Tài chính để tổng hợp trình các cấp thẩm quyền phê duyệt.
2.2. Căn cứ dự toán hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho công tác đào tạo lưu học sinh ở nước ngoài và ý kiến thẩm định phân bổ dự toán của Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo phân bổ chi tiết cho từng nhiệm vụ chi cụ thể (chi trong nước và chi ngoài nước). Đối với các khoản chi ở ngoài nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phân bổ chi tiết cho từng nước có lưu học sinh Việt Nam đang theo học theo các nội dung chi cụ thể như sau:
a) Học phí cho các cơ sở đào tạo ở nước ngoài;
b) Sinh hoạt phí của lưu học sinh;
c) Vé máy bay (hoặc vé tầu) cho lưu học sinh;
d) Bảo hiểm y tế;
đ) Phí đi đường;
e) Khen thưởng cho lưu học sinh;
g) Hỗ trợ một phần rủi ro, bất khả kháng đối với lưu học sinh;
h) Phí chuyển và nhận tiền qua Ngân hàng (nếu có).
Bảng phân bổ chi tiết này được gửi cho Kho bạc Nhà nước làm căn cứ để cấp phát.
3. Cấp phát và chi trả
3.1. Đối với những khoản chi trong nước: Thực hiện theo quy định về kiểm soát thanh toán chi trả hiện hành.
3.2. Đối với những khoản chi ở nước ngoài (thanh toán bằng đồng đôla Mỹ hoặc bằng đồng tiền của nước sở tại): Căn cứ vào Dự toán và đề nghị rút dự toán của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Kho bạc Nhà nước thực hiện việc thanh toán và cấp phát như sau:
- Học phí cho cơ sở đào tạo ở nước ngoài: Căn cứ vào hồ sơ đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Kho bạc Nhà nước chuyển kinh phí tương ứng cho cơ sở đào tạo ở nước ngoài.
- Sinh hoạt phí và phí đi đường của lưu học sinh: Căn cứ vào hồ sơ đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Kho bạc Nhà nước chuyển kinh phí vào tài khoản của người hưởng tiền hoặc vào tài khoản của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại để cơ quan này chi trả tiền cho lưu học sinh.
- Vé máy bay (hoặc vé tàu): Căn cứ vào hồ sơ đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Kho bạc Nhà nước chuyển tiền vào tài khoản người hưởng để mua vé máy bay hoặc chuyển tiền trực tiếp vào đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển.
- Bảo hiểm y tế: Căn cứ vào hồ sơ đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Kho bạc Nhà nước chuyển tiền vào tài khoản người hưởng.
- Khen thưởng cho lưu học sinh: Ghi rõ danh sách lưu học sinh và mức đề nghị khen thưởng cụ thể cho từng lưu học sinh.
- Hỗ trợ một phần rủi ro, bất khả kháng đối với lưu học sinh: Ghi rõ danh sách lưu học sinh và mức đề nghị hỗ trợ cụ thể phù hợp theo quy định của Thông tư này.
- Phí chuyển và nhận tiền qua Ngân hàng (nếu có): Theo quy định hiện hành.
Riêng tiền tạm ứng chi phí đi đường, phí làm hộ chiếu, visa và sinh hoạt phí (không quá 3 tháng tiền sinh hoạt phí) cho lưu học sinh trước khi đi học thực hiện theo phương thức cấp bằng tiền mặt.
- Trường hợp trong thời gian lưu học sinh về công tác hoặc nghỉ hè ở Việt Nam, nếu lưu học sinh có đơn đề nghị xin được cấp tiền sinh hoạt phí bằng tiền mặt theo chế độ được hưởng thì được Bộ Giáo dục và Đào tạo làm thủ tục cấp phát tiền sinh hoạt phí cho lưu học sinh. Số tiền sinh hoạt phí đã cấp phát tại Việt Nam sẽ được giảm trừ tương ứng trong tổng số kinh phí tiền sinh hoạt phí của lưu học sinh theo chế độ quy định.
Căn cứ vào đơn đề nghị của lưu học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản đề nghị gửi Kho bạc Nhà nước để làm căn cứ chi trả tiền sinh hoạt phí cho lưu học sinh tại Việt Nam. Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm theo dõi, quản lý tiền sinh hoạt phí cấp cho lưu học sinh đảm bảo không cấp trùng 2 lần tiền sinh hoạt phí6.
3.3. Đối với tất cả các mục chi nêu tại Khoản 3.2 Mục II Thông tư này:
a) Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực và hợp pháp của các chứng từ trong bộ hồ sơ gửi đến Kho bạc Nhà nước đề nghị thanh toán;
b) Kho bạc Nhà nước sau khi thanh toán thực hiện ngay việc hạch toán chi ngân sách nhà nước bằng đồng Việt Nam theo tỷ giá hạch toán do Bộ Tài chính quy định.
4. Quyết toán: Việc quyết toán kinh phí đào tạo lưu học sinh ở nước ngoài bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định hiện hành.
5. Bồi hoàn kinh phí đào tạo
5.1. Những lưu học sinh (bao gồm tất cả các bậc học) được Nhà nước cử đi đào tạo ở nước ngoài do Nhà nước đài thọ kinh phí toàn phần hoặc một phần, sau khi kết thúc khóa học mà không về nước; Về nước không đúng thời hạn mà không có lý do chính đáng; Không hoàn thành khóa học theo quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì phải bồi hoàn kinh phí đào tạo.
5.2. Việc bồi hoàn kinh phí đào tạo thực hiện theo quy định tại Thông tư số 130/2005/TT-BNV ngày 07 tháng 12 năm 2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số Điều của Nghị định số 54/2005/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2005 về chế độ thôi việc, chế độ bồi thường chi phí đào tạo đối với cán bộ, công chức và Thông tư số 89/2006/TT-BTC ngày 29 tháng 9 năm 2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc và kinh phí thu hồi bồi thường chi phí đào tạo.
Phần III
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BỘ VÀ NGHĨA VỤ CỦA LƯU HỌC SINH
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo
1.1. Chịu trách nhiệm tuyển sinh và quản lý lưu học sinh từ khi bắt đầu nhập học cho tới khi kết thúc khóa học theo đúng yêu cầu của Nhà nước và các quy định hiện hành.
1.2. Lập dự toán chi ngân sách hàng năm cho công tác đào tạo lưu học sinh.
1.3. Tổ chức việc cấp phát kinh phí theo các phương thức phù hợp với từng địa bàn và đối tượng lưu học sinh đảm bảo kịp thời và đúng tiêu chuẩn định mức theo quy định tại Thông tư này.
1.4. Hàng năm duyệt báo cáo quyết toán kinh phí cho công tác đào tạo lưu học sinh theo từng nguồn kinh phí (theo Hiệp định, theo Đề án 322 và Đề án chuyển đổi nợ Nga).
1.5. Thu tiền bồi hoàn kinh phí đào tạo đối với lưu học sinh phải bồi hoàn kinh phí đào tạo và nộp toàn bộ vào Ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành.
1.6. Phối hợp với Bộ Ngoại giao và Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong việc:
- Quản lý và bảo vệ quyền lợi chính đáng của lưu học sinh;
- Xem xét, kiến nghị Bộ Tài chính điều chỉnh mức sinh hoạt phí cho lưu học sinh khi chỉ số giá tiêu dùng tại nước có lưu học sinh đang theo học tăng từ 10% trở lên hoặc khi điều kiện kinh tế, tài chính của Nhà nước cho phép.
1.7. Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao tổ chức kiểm tra công tác quản lý, cấp phát kinh phí cho lưu học sinh khi thấy cần thiết.
2. Bộ Ngoại giao
2.1. Chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong việc:
- Thăm dò, khảo sát các cơ sở đào tạo tại các nước sở tại nhằm tìm ra được những cơ sở đào tạo phù hợp nhất đối với Việt Nam (phù hợp về chuyên ngành về năng lực đào tạo, về chi phí, hoặc phù hợp theo đơn đặt hàng của Bộ Giáo dục và đào tạo) để giới thiệu cho Bộ Giáo dục và đào tạo hoặc cho lưu học sinh.
- Theo dõi và lập danh sách lưu học sinh (đối với diện Hiệp định) gửi về Bộ Giáo dục và đào tạo để thực hiện việc cấp bù sinh hoạt phí.
2.2. Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo giải quyết mọi vấn đề có liên quan đến lưu học sinh (trong đó có cả những trường hợp cấp phát kinh phí cho lưu học sinh ở những nơi đặc thù).
3. Bộ Tài chính
3.1. Đảm bảo nguồn kinh phí theo dự toán được duyệt cho các khoản chi liên quan đến việc đào tạo lưu học sinh ở nước ngoài kịp thời theo đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo (cả nội và ngoại tệ) theo quy định hiện hành. Kiến nghị những biện pháp xử lý cần thiết đối với các trường hợp chi trả sai đối tượng hoặc vượt quá mức quy định của Thông tư này. Có trách nhiệm thẩm định quyết toán và thông báo quyết toán theo quy định hiện hành.
3.2. Thẩm định phương án phân bổ dự toán ngân sách năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo và chỉ đạo Kho bạc Nhà nước thực hiện thanh toán chi trả và kiểm soát chi theo quy định tại Khoản 3.1 và 3.2 Mục II Phần II của Thông tư này.
3.3. Giải quyết theo thẩm quyền đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc điều chỉnh mức sinh hoạt phí cho lưu học sinh.
4. Trách nhiệm của lưu học sinh
4.1. Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định cử đi học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
4.2. Chịu sự quản lý của nhà trường, của cơ quan đại diện Việt Nam nơi lưu học sinh đang theo học.
4.3. Hết mỗi học kỳ báo cáo kết quả học tập có xác nhận của nhà trường cho cơ quan đại diện Việt Nam nơi đang theo học và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
4.4. Nếu vi phạm quyết định cử đi học của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì phải bồi hoàn kinh phí theo quy định tại Khoản 5 Mục II Phần II Thông tư này.
Phần VI
TỔ CHỨC THỰC HIỆN 7
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2008 và thay thế Thông tư Liên tịch số 88/2001/TTLT-BTC-BGDĐT-BNG ngày 06/11/2001 của Liên Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Ngoại Giao hướng dẫn quản lý và cấp phát nguồn kinh phí ngân sách nhà nước dành cho Đề án “Đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở đào tạo nước ngoài”.
2. Bộ Giáo dục và đào tạo, Kho bạc nhà nước căn cứ vào quy định của Thông tư này để hướng dẫn cụ thể, chi tiết phù hợp với quy trình cấp phát, quản lý của cơ quan mình.
3. Các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty tư nhân có thể vận những quy định của Thông tư này để tổ chức việc đào tạo cán bộ, công chức của đơn vị mình.
4. Trong quá trình thực hiện, mọi vướng mắc của lưu học sinh đề nghị phản ánh về Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước sở tại và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Ngoại Giao để giải quyết./.
| XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT |
PHỤ LỤC SỐ 018
MỨC SINH HOẠT PHÍ CỦA LƯU HỌC SINH THEO ĐỀ ÁN 322, CHUYỂN ĐỔI NỢ VÀ THEO DIỆN HIỆP ĐỊNH
Tên nước | Mức SHP toàn phần (USD; EURO/1LHS/1 tháng) | Mức cấp bù SHP diện Hiệp định (USD/1LHS/1 tháng) | |
Bằng đồng đôla Mỹ | Bằng đồng EURO | ||
Ấn Độ | 420 |
| 300-420 |
Trung quốc | 420 |
| 293 |
Đài Loan (Trung Quốc) | 420 |
|
|
Căm-pu-chia, Lào | 204 |
| 84 |
Mông Cổ | 204 |
| 144 |
Hàn Quốc, Xin-ga-po | 600 |
|
|
Hồng-kông (Trung Quốc) | |||
Thái Lan, Phi-líp-pin, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a | 360 |
|
|
Ba Lan | 480 |
| 480 |
Bun-ga-ri | 480 |
| 404 |
Hung-ga-ri | 480 |
| 143-403 |
Séc | 480 |
| 84 |
Xlô-va-ki-a | 480 |
| 112 |
Ru-ma-ni | 480 |
| 420 |
U-crai-na, Bê-la-rút | 480 |
| 456 |
Nga | 480 |
| 420 |
Cu-ba | 204 |
| 198 |
Các nước Tây Bắc Âu |
| 888 |
|
Hoa Kỳ, Ca-na-da, Anh, Nhật Bản | 1.200 |
|
|
Úc, Niu Di-lân | 1.032 |
|
|
Ai Cập | 540 |
| 480 |
Ma-rốc, Mô-dăm-bích, Li-bi |
|
| 250 |
PHỤ LỤC SỐ 029
MỨC BẢO HIỂM Y TẾ ĐỐI VỚI LƯU HỌC SINH
Nước học | USD/LHS/năm |
Cămpuchia, Lào | 150 |
Balan, Bêlarútxia, Ucraina | 150 |
Các nước Tây âu và Bắc âu | 900 EUR |
Nhật Bản | 410 |
Úc và New Zealand | 300 |
Mỹ Canada, Anh | 1.000 |
Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc) | 300 |
Mông Cổ | 150 |
Ghi chú: Đối với một số nước không liệt kê trong Phụ lục này sẽ được xem xét từng trường hợp cụ thể theo quy định.
PHỤ LỤC SỐ 03
MỨC HỖ TRỢ HỌC TẬP ĐỐI VỚI LƯU HỌC SINH THEO CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO PHỐI HỢP
(cho thời gian đào tạo tại Việt Nam)
1. Bậc đào tạo đại học: 750.000 đồng Việt Nam/1LHS/1 tháng
2. Bậc đào tạo thạc sĩ: 900.000 đồng Việt Nam/1LHS/1 tháng
3. Bậc đào tạo tiến sĩ: 1.050.000 đồng Việt Nam/1LHS/1 tháng.
1 Văn bản này được hợp nhất từ 02 Thông tư liên tịch sau:
- Thông tư liên tịch số 144/2007/TTLT-BTC-BGDĐT-BNG ngày 05 tháng 12 năm 2007 của Liên Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Ngoại giao hướng dẫn chế độ, cấp phát và quản lý kinh phí đào tạo lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài bằng nguồn vốn Ngân sách nhà nước, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2008;
- Thông tư liên tịch số 206/2010/TTLT-BTC-BGDĐT-BNG ngày 15 tháng 12 năm 2010 của Liên Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Ngoại giao sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 144/2007/TTLT-BTC-BGDĐT-BNG ngày 05 tháng 12 năm 2007 của Liên Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Ngoại giao hướng dẫn chế độ, cấp phát và quản lý kinh phí đào tạo lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài bằng nguồn vốn Ngân sách nhà nước, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2011.
Văn bản hợp nhất này không thay thế 02 Thông tư liên tịch trên.
2 Thông tư liên tịch số 206/2010/TTLT-BTC-BGDĐT-BNG ngày 15 tháng 12 năm 2010 của Liên Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Ngoại giao sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 144/2007/TTLT-BTC-BGDĐT-BNG ngày 05 tháng 12 năm 2007 hướng dẫn chế độ, cấp phát và quản lý kinh phí đào tạo lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài bằng nguồn vốn Ngân sách nhà nước có căn cứ ban hành như sau:
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 322/QĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước”;
Căn cứ Quyết định số 356/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh đề án "Đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước";
Căn cứ Quyết định số 77/2001/QĐ-TTg ngày 14 tháng 5 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về chi phí cho việc đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước;
Căn cứ Hiệp định hoặc thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và các nước về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục;
Căn cứ Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về xử lý nợ của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam với Liên bang Nga ký ngày 13 tháng 9 năm 2000 và Công văn số 3663/VPCP-KG ngày 15 tháng 7 năm 2004 của Văn phòng Chính phủ đồng ý cho Bộ Giáo dục và Đào tạo sử dụng kinh phí xử lý nợ của Việt Nam với Liên bang Nga để đào tạo cán bộ Việt Nam ở nước ngoài;
Liên tịch Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Ngoại giao sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 144/2007/TTLT-BTC-BGDĐT-BNG ngày 05 tháng 12 năm 2007 của Liên Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Ngoại giao hướng dẫn chế độ, cấp phát và quản lý kinh phí đào tạo lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, như sau:
Liên tịch Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Ngoại giao hướng dẫn chế độ cấp phát và quản lý kinh phí đào tạo lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước như sau:
3 Điểm này được bổ sung theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư liên tịch số 206/2010/TTLT-BTC-BGDĐT-BNG ngày 15 tháng 12 năm 2010 sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 144/2007/TTLT-BTC-BGDĐT-BNG ngày 05 tháng 12 năm 2007 hướng dẫn chế độ, cấp phát và quản lý kinh phí đào tạo lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài bằng nguồn vốn Ngân sách nhà nước, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2011.
4 Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số 206/2010/TTLT-BTC-BGDĐT-BNG ngày 15 tháng 12 năm 2010 sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 144/2007/TTLT-BTC-BGDĐT-BNG ngày 05 tháng 12 năm 2007 hướng dẫn chế độ, cấp phát và quản lý kinh phí đào tạo lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài bằng nguồn vốn Ngân sách nhà nước, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2011.
5 Thông tư này đã được thay thế bằng Thông tư số 102/2012/TT-BTC ngày 21/6/2012.
6 Đoạn “Riêng tiền tạm ứng chi phí đi đường, phí làm hộ chiếu, visa và sinh hoạt phí (không quá 3 tháng tiền sinh hoạt phí) cho lưu học sinh trước khi đi học thực hiện theo phương thức cấp bằng tiền mặt.
- Trường hợp trong thời gian lưu học sinh về công tác hoặc nghỉ hè ở Việt Nam, nếu lưu học sinh có đơn đề nghị xin được cấp tiền sinh hoạt phí bằng tiền mặt theo chế độ được hưởng thì được Bộ Giáo dục và Đào tạo làm thủ tục cấp phát tiền sinh hoạt phí cho lưu học sinh. Số tiền sinh hoạt phí đã cấp phát tại Việt Nam sẽ được giảm trừ tương ứng trong tổng số kinh phí tiền sinh hoạt phí của lưu học sinh theo chế độ quy định.
Căn cứ vào đơn đề nghị của lưu học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản đề nghị gửi Kho bạc Nhà nước để làm căn cứ chi trả tiền sinh hoạt phí cho lưu học sinh tại Việt Nam. Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm theo dõi, quản lý tiền sinh hoạt phí cấp cho lưu học sinh đảm bảo không cấp trùng 2 lần tiền sinh hoạt phí” được bổ sung theo quy định tại Khoản 5 Điều 1 Thông tư liên tịch số 206/2010/TTLT-BTC-BGDĐT-BNG ngày 15 tháng 12 năm 2010 sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 144/2007/TTLT-BTC- BGDĐT-BNG ngày 05 tháng 12 năm 2007 hướng dẫn chế độ, cấp phát và quản lý kinh phí đào tạo lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài bằng nguồn vốn Ngân sách nhà nước, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2011.
7 Điều 2 Thông tư liên tịch số 206/2010/TTLT-BTC-BGDĐT-BNG ngày 15 tháng 12 năm 2010 sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 144/2007/TTLT-BTC-BGDĐT-BNG ngày 05 tháng 12 năm 2007 hướng dẫn chế độ, cấp phát và quản lý kinh phí đào tạo lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài bằng nguồn vốn Ngân sách nhà nước, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2011 quy định như sau:
“Điều 2. Tổ chức thực hiện:
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2011. Các quy định trước đây trái với Thông tư này bị bãi bỏ. Những nội dung khác quy định tại Thông tư số 144/2007/TTLT-BTC-BGDĐT-BNG ngày 05 tháng 12 năm 2007 của Liên tịch Bộ Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Ngoại giao hướng dẫn chế độ cấp phát và quản lý kinh phí đào tạo lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài bằng nguồn vốn Ngân sách nhà nước vẫn có hiệu lực thi hành.
Trong quá trình thực hiện Thông tư này, mọi vướng mắc của lưu học sinh, đề nghị phản ánh về Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước sở tại và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao để xem xét giải quyết”.
8 Phụ lục này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Khoản 3 Điều 1 Thông tư liên tịch số 206/2010/TTLT-BTC-BGDĐT-BNG ngày 15 tháng 12 năm 2010 của Liên Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Ngoại giao sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 144/2007/TTLT-BTC-BGDĐT-BNG ngày 05 tháng 12 năm 2007 hướng dẫn chế độ, cấp phát và quản lý kinh phí đào tạo lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài bằng nguồn vốn Ngân sách nhà nước, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2011.
9 Phụ lục này được bổ sung theo quy định tại Khoản 4 Điều 1 Thông tư liên tịch số 206/2010/TTLT-BTC-BGDĐT-BNG ngày 15 tháng 12 năm 2010 của Liên Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Ngoại giao sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 144/2007/TTLT-BTC-BGDĐT-BNG ngày 05 tháng 12 năm 2007 hướng dẫn chế độ, cấp phát và quản lý kinh phí đào tạo lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài bằng nguồn vốn Ngân sách nhà nước, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2011.