Quyết định 01/2018/QĐ-UBND về Quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận lao động vào đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
- Số hiệu văn bản: 01/2018/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Thành phố Đà Nẵng
- Ngày ban hành: 16-01-2018
- Ngày có hiệu lực: 26-01-2018
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 12-10-2021
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1355 ngày (3 năm 8 tháng 20 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 12-10-2021
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2018/QĐ-UBND | Đà Nẵng, ngày 16 tháng 01 năm 2018 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP TIẾP NHẬN LAO ĐỘNG VÀO ĐÀO TẠO NGHỀ VÀ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25 tháng 06 năm 2015;
Căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp số 74/2014/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 48/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật giáo dục nghề nghiệp;
Căn cứ Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất;
Căn cứ Thông tư số 44/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn chính sách đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận lao động vào đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Điều 2. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy định nêu trên.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 26 tháng 01 năm 2018 và thay thế Quyết định số 23/2011/QĐ-UBND ngày 22 tháng 8 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy định chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp nhận lao động vào đào tạo nghề và giải quyết việc làm.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố; Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, xã, phường; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP TIẾP NHẬN LAO ĐỘNG VÀO ĐÀO TẠO NGHỀ VÀ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 01/2018/QĐ-UBND ngày 16 tháng 01 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này điều chỉnh về đối tượng, chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích doanh nghiệp tiếp nhận lao động vào đào tạo nghề và giải quyết việc làm; trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận lao động vào đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người lao động: Lao động có hộ khẩu thường trú tại thành phố Đà Nẵng, trong độ tuổi lao động, có nhu cầu đào tạo và giải quyết việc làm, đủ điều kiện xét tuyển vào các khóa học nghề tại doanh nghiệp trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng được hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm, bao gồm các đối tượng theo thứ tự ưu tiên như sau:
a) Lao động là người khuyết tật;
b) Lao động là người dân tộc thiểu số;
c) Lao động thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật;
d) Lao động thuộc hộ nghèo;
đ) Lao động thuộc các hộ trong diện di dời, giải tỏa; thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh;
e) Lao động nữ bị mất việc làm;
g) Lao động là ngư dân;
h) Lao động là người chấp hành xong án phạt tù đã trở về cộng đồng;
i) Lao động thuộc hộ cận nghèo;
k) Lao động nữ;
l) Lao động nông thôn thuộc huyện Hòa Vang và các quận trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có lao động sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp (trừ ngư dân)
m) Lao động là người nghiện ma túy đã được cai nghiện, người hoạt động mại dâm hoàn lương;
n) Lao động là thanh thiếu niên hư, vi phạm pháp luật; học sinh bỏ học.
2. Doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đang hoạt động trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; có kế hoạch tiếp nhận lao động thuộc đối tượng tại Khoản 1 Điều này vào đào tạo nghề và giải quyết việc làm và được UBND thành phố lựa chọn tham gia đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động.
Quy định này không áp dụng đối với những doanh nghiệp đã được ngân sách hỗ trợ kinh phí dạy nghề miễn phí trong Chương trình đào tạo nghề của thành phố hàng năm.
Điều 3. Nguyên tắc hỗ trợ
1. Mỗi lao động là đối tượng của Chính sách chỉ được hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm một lần.
2. Lao động đã được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm tại doanh nghiệp không được hưởng các chính sách hỗ trợ học nghề khác của thành phố.
3. Việc hỗ trợ kinh phí đào tạo thông qua doanh nghiệp có kế hoạch tiếp nhận lao động vào đào tạo nghề và giải quyết việc làm và được thành phố lựa chọn.
Chương II
CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ
Điều 4. Hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ được vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm để mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.
Điều 5. Hỗ trợ kinh phí đào tạo
Doanh nghiệp tiếp nhận lao động là đối tượng của Quyết định vào đào tạo và tuyển dụng vào làm việc tại doanh nghiệp sau thời gian đào tạo theo hình thức hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên hoặc hợp đồng lao động không xác định thời hạn, được hỗ trợ kinh phí đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng bằng 1.000.000 đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ không quá 3 tháng cho một khóa đào tạo.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 6. Nguồn kinh phí hỗ trợ
1. Từ nguồn ngân sách thành phố.
2. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của doanh nghiệp và các nguồn huy động tài trợ hợp pháp khác.
Điều 7. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
1. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch và tổng hợp dự toán, trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt trước ngày 10/7 hàng năm để làm cơ sở thực hiện và phân bổ dự toán ngân sách đầu năm đúng theo quy định của luật ngân sách nhà nước.
2. Hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động là đối tượng của Quyết định.
3. Đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố danh sách các doanh nghiệp được tham gia đào tạo nghề và giải quyết việc làm theo chính sách của thành phố.
4. Hướng dẫn doanh nghiệp tiếp nhận vào đào tạo nghề và bố trí việc làm cho lao động là đối tượng của Quyết định; theo dõi, kiểm tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động của các doanh nghiệp được hỗ trợ.
Điều 8. Sở Tài chính
Hằng năm, tại thời điểm xây dựng dự toán, trên cơ sở dự toán kinh phí hỗ trợ theo nội dung chi, mức chi đúng chế độ tiêu chuẩn, định mức theo đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính xem xét, tổng hợp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của Luật NSNN.
Điều 9. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố trong việc bố trí kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận lao động vào đào tạo nghề và giải quyết việc làm hằng năm theo đề xuất của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Điều 10. Trách nhiệm của Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Đà Nẵng
Cho vay đối với doanh nghiệp tiếp nhận lao động vào đào tạo nghề và giải quyết việc làm từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm.
Điều 11. Trách nhiệm của Sở Thông tin và truyền thông
Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền về chính sách hỗ trợ của thành phố cho các đối tượng của Quyết định, vận động doanh nghiệp tham gia thực hiện chính sách tiếp nhận lao động vào đào tạo nghề và giải quyết việc làm.
Điều 12. Trách nhiệm của doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí đào tạo
1. Phối hợp với các ngành, địa phương, hội đoàn thể tuyển chọn lao động vào đào tạo nghề và giải quyết việc làm tại doanh nghiệp.
2. Phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện đầy đủ các quy định, hướng dẫn về việc tiếp nhận lao động vào đào tạo nghề và giải quyết việc làm.
3. Sử dụng kinh phí được hỗ trợ đúng mục đích và có hiệu quả.
Điều 13. Thủ trưởng các sở, ban, ngành và các cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công, tổ chức triển khai thực hiện Quyết định. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phản ánh bằng văn bản về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.