Quyết định 29/2017/QĐ-UBND sửa đổi Quy định về quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Bình Dương kèm theo Quyết định 23/2016/QĐ-UBND
- Số hiệu văn bản: 29/2017/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Bình Dương
- Ngày ban hành: 13-12-2017
- Ngày có hiệu lực: 01-01-2018
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 04-08-2021
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1311 ngày (3 năm 7 tháng 6 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 04-08-2021
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 29/2017/QĐ-UBND | Bình Dương, ngày 13 tháng 12 năm 2017 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 23/2016/QĐ-UBND NGÀY 05 THÁNG 8 NĂM 2016 CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về Quản lý chất thải và phế liệu;
Căn cứ Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về Quản lý chất thải rắn;
Căn cứ Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải;
Căn cứ Thông tư số 04/2015/TT-BXD ngày 03 tháng 4 năm 2015 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải;
Căn cứ Thông tư số 08/2017/TT-BXD ngày 16 tháng 5 năm 2017 của Bộ Xây dựng Quy định về quản lý chất thải rắn xây dựng;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 843/TTr-STNMT ngày 06 tháng 11 năm 2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Bình Dương ban hành kèm theo Quyết định số 23/2016/QĐ-UBND ngày 05 tháng 8 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, cụ thể như sau:
1. Sửa đổi, bổ sung Điều 1 như sau:
“Quyết định này quy định về quản lý chất thải rắn bao gồm: chất thải rắn sinh hoạt; chất thải rắn công nghiệp thông thường; chất thải rắn xây dựng và bùn thải.
Quyết định này không quy định về quản lý chất thải nguy hại và chất thải y tế; nội dung quy định về quản lý chất thải nguy hại và chất thải y tế được tuân thủ theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về Quản lý chất thải và phế liệu (sau đây gọi tắt là Nghị định 38/2015/NĐ-CP), Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại (sau đây gọi tắt là Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT) và Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định về quản lý chất thải y tế”.
2. Sửa đổi Khoản 7 Điều 3 như sau:
“Chất thải rắn xây dựng là chất thải phát sinh trong quá trình khảo sát, thi công xây dựng công trình (bao gồm công trình xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời, tu bổ, phục hồi, phá dỡ)”.
3. Bổ sung Khoản 23 Điều 3 như sau:
“23. Phế liệu là vật liệu được thu hồi, phân loại, lựa chọn từ những vật liệu, sản phẩm đã bị loại bỏ từ quá trình sản xuất hoặc tiêu dùng để sử dụng làm nguyên liệu cho một quá trình sản xuất khác”.
4. Bổ sung Khoản 24 Điều 3 như sau:
“24. Hoạt động quản lý chất thải rắn xây dựng là các hoạt động kiểm soát chất thải rắn xây dựng trong suốt quá trình từ phát sinh, phân loại đến thu gom, vận chuyển, lưu giữ tạm thời, tái chế, xử lý hoặc tái sử dụng nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu những tác động có hại với môi trường và sức khỏe con người”.
5. Sửa đổi Khoản 7 và Khoản 8 Điều 4 như sau:
“7. Hộ gia đình; hộ kinh doanh nhỏ lẻ; trụ sở làm việc cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, công an, quân đội; trường học, nhà trẻ; bệnh viện, bến xe, bến tàu phát sinh chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định mức giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bình Dương, theo nguyên tắc đảm bảo một phần chi phí dịch vụ thu gom, vận chuyển; phần chi phí vận chuyển, xử lý còn lại sẽ do tỉnh bù đắp từ nguồn ngân sách nhà nước.
8. Các cơ sở kinh doanh, dịch vụ (bao gồm các cửa hàng, nhà hàng kinh doanh ăn uống, khách sạn, doanh nghiệp kinh doanh; công trình xây dựng) phát sinh chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định mức giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bình Dương, theo nguyên tắc từng bước tăng dần tiến tới đảm bảo thanh toán toàn bộ chi phí dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải theo quy định của pháp luật”.
6. Sửa đổi Khoản 2 Điều 10 như sau:
“2. Hộ gia đình, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt như quy định tại Khoản 7, khoản 8 Điều 4 Quy định này ”.
7. Sửa đổi Khoản 1 Điều 15 như sau:
“1. Chất thải rắn công nghiệp thông thường phải được phân định, phân loại tại nguồn thành các nhóm phù hợp với mục đích tái sử dụng, tái chế, xử lý và tiêu hủy như sau:
a) Nhóm phế liệu là nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường được thu hồi, phân loại, lựa chọn từ những vật liệu, sản phẩm đã bị loại bỏ từ quá trình sản xuất trong cơ sở công nghiệp hoặc tiêu dùng để sử dụng làm nguyên liệu cho một quá trình sản xuất khác;
b) Nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý, tiêu hủy, thu hồi năng lượng”.
8. Sửa đổi Điều 16 như sau:
“Điều 16. Chủ nguồn thải chất thải rắn công nghiệp thông thường có trách nhiệm.
1. Phân định, phân loại, lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định tại khoản 1 Điều 15 của Quy định này.
2. Chỉ chuyển giao nhóm phế liệu cho một trong các đối tượng sau:
a) Chủ cơ sở sản xuất sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu sản xuất hoặc chủ cơ sở tái chế phế liệu đảm bảo các yêu cầu bảo vệ môi trường (có và thực hiện đúng bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường/bản Cam kết bảo vệ môi trường/Báo cáo đánh giá tác động môi trường/Kế hoạch bảo vệ môi trường/Đề án bảo vệ môi trường chi tiết/Đề án bảo vệ môi trường được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận);
b) Chủ cơ sở có chức năng kinh doanh phế liệu đảm bảo các yêu cầu bảo vệ môi trường (có và thực hiện đúng bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường/bản Cam kết bảo vệ môi trường/Kế hoạch bảo vệ môi trường/Đề án bảo vệ môi trường cho hoạt động lưu chứa, phân loại phế liệu được cơ quan quản lý nhà nước thẩm quyền xác nhận);
c) Chủ xử lý chất thải đã có và thực hiện đúng bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường/bản Cam kết bảo vệ môi trường/Báo cáo đánh giá tác động môi trường/Kế hoạch bảo vệ môi trường/Đề án bảo vệ môi trường chi tiết/Đề án bảo vệ môi trường được cơ quan quản lý nhà nước thẩm quyền xác nhận hoặc chủ xử lý chất thải nguy hại đã được cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại.
3. Chỉ chuyển giao nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường để xử lý, tiêu hủy, thu hồi năng lượng cho một trong các đối tượng sau:
a) Chủ thu gom, vận chuyển đáp ứng yêu cầu về phương tiện và điều kiện kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định và được Sở Tài nguyên và Môi trường công bố;
b) Chủ xử lý đã được xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường hoặc đã hoạt động theo văn bản, giấy tờ của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
4. Báo cáo quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường định kỳ hàng năm theo quy định và báo cáo đột xuất theo yêu cầu; trường hợp chủ nguồn thải chất thải rắn công nghiệp thông thường đồng thời là chủ nguồn thải chất thải nguy hại, việc thực hiện các báo cáo quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại được tích hợp với nhau”.
9. Sửa đổi Điều 22 như sau:
“Điều 22: Quản lý chất thải rắn xây dựng
1. Chất thải rắn xây dựng phát sinh trong quá trình khảo sát, thi công xây dựng công trình (bao gồm công trình xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời, tu bổ, phục hồi, phá dỡ) phải được phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý và quản lý theo quy định tại Thông tư số 08/2017/TT-BXD ngày 16 tháng 5 năm 2017 của Bộ Xây dựng Quy định về quản lý chất thải rắn xây dựng".
2. Hộ gia đình tại đô thị khi tiến hành các hoạt động cải tạo hoặc phá dỡ công trình xây dựng phải có biện pháp thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn xây dựng theo quy định tại Thông tư số 08/2017/TT-BXD ngày 16 tháng 5 năm 2017 của Bộ Xây dựng Quy định về quản lý chất thải rắn xây dựng.
3. Hộ gia đình tại vùng nông thôn chưa có hệ thống thu gom chất thải rắn khi tiến hành các hoạt động cải tạo hoặc phá dỡ công trình xây dựng phải thực hiện quản lý chất thải xây dựng theo hướng dẫn của chính quyền địa phương, không được đổ chất thải rắn xây dựng ra đường, sông ngòi, suối, kênh rạch, các nguồn nước mặt và khu đất trống”.
Điều 2. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này đến các Sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các cơ quan, đơn vị và tổ chức cá nhân có liên quan.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở, ban ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |