Nghị quyết 127/NQ-HĐND năm 2017 về thông qua Đề án Khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo quy mô lớn giai đoạn 2017-2020 do tỉnh Hưng Yên ban hành
- Số hiệu văn bản: 127/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Hưng Yên
- Ngày ban hành: 08-12-2017
- Ngày có hiệu lực: 18-12-2017
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 20-07-2019
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2534 ngày (6 năm 11 tháng 14 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 127/NQ-HĐND | Hưng Yên, ngày 08 tháng 12 năm 2017 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC THÔNG QUA ĐỀ ÁN KHUYẾN KHÍCH TÍCH TỤ, TẬP TRUNG RUỘNG ĐẤT ĐỂ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP HÀNG HÓA THEO QUY MÔ LỚN GIAI ĐOẠN 2017-2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ NĂM
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;
Căn cứ Luật Hợp tác xã năm 2012;
Căn cứ Luật Đất đai năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai;
Căn cứ Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai;
Căn cứ Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa;
Căn cứ Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn;
Căn cứ Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp;
Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;
Căn cứ Quyết định số 2111/QĐ-TTg ngày 28/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên đến năm 2020;
Căn cứ Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về hồ sơ địa chính;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT-BTP-BTNMT ngày 13/6/2006 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của người sử dụng đất;
Căn cứ Thông tư số 02/2015/TT-BTNMT ngày 27/01/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 và Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ;
Căn cứ Thông tư số 15/2014/TT-BNNPTNT ngày 29/4/2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn thực hiện một số điều tại Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn;
Xét Tờ trình số 120/TTr-UBND ngày 20/11/2017 của UBND tỉnh; Báo cáo thẩm tra số 481/BC-KTNS ngày 01/12/2017 của Ban Kinh tế - Ngân sách; ý kiến thảo luận và kết quả biểu quyết của các vị đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua “Đề án Khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo quy mô lớn giai đoạn 2017 - 2020” với các nội dung chủ yếu sau:
1. Tên đề án: Khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo quy mô lớn giai đoạn 2017 - 2020.
2. Mục tiêu: Sau 04 năm triển khai thực hiện, tổng diện tích tích tụ được chiếm từ 15 - 20% diện tích đất nông nghiệp với mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất có quy mô từ 05 ha trở lên đạt 5.000 ha, trong đó: Theo hình thức cho thuê đất 3.500ha, hình thức khác 1.500ha.
3. Hiệu quả của đề án
- Hiệu quả kinh tế: Là điều kiện quan trọng để hình thành và nhân rộng các vùng, mô hình sản xuất lớn, sản xuất hàng hóa, sản xuất an toàn, đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững cho người sản xuất; hiệu quả kinh tế sẽ tăng từ 2-3 lần trở lên đến năm 2020 đạt bình quân trên 210 triệu/ha/năm.
- Hiệu quả xã hội: Hình thành các vùng sản xuất tập trung, sản xuất lớn, ứng dụng công nghệ cao sẽ tạo việc làm và tăng thu nhập cho một bộ phận dân cư trên địa bàn tỉnh, góp phần đáng kể vào công tác xoá đói, giảm tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2020 xuống còn dưới 2%.
- Hiệu quả môi trường: Hình thành các vùng sản xuất tập trung, nhất là trong chăn nuôi sẽ góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
4. Nội dung đề án:
4.1. Tiêu chí về tích tụ, tập trung ruộng đất phải đáp ứng đồng thời các tiêu chí sau:
- Khu vực tích tụ, tập trung ruộng đất phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; phù hợp với quy hoạch của các cấp từ tỉnh đến xã về phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, không trùng với quy hoạch đô thị, công nghiệp, hạ tầng khác.
- Diện tích khu vực tích tụ phải tập trung, liền thửa và có cơ cấu khuyến khích quy mô từ 05 ha trở lên.
- Thời gian hợp đồng tích tụ để sản xuất không quá thời hạn nhà nước đã giao đất trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; khuyến khích thời gian từ 10 năm trở lên.
4.2. Các hình thức chủ yếu tích tụ, tập trung ruộng đất:
a) Góp ruộng đất
- Người dân tự nguyện, trực tiếp góp đất, góp vốn, góp sức để tập trung đất, hình thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa quy mô lớn thông qua doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc tổ hợp tác. Tư liệu sản xuất (đất đai) vẫn thuộc quyền sử dụng của nông dân, họ vẫn có thể sản xuất trên mảnh đất của mình, được chia lợi nhuận theo tỷ lệ góp đất và chi phí ngày công lao động. Đồng thời, nông dân được bàn thống nhất mục tiêu sản xuất, liên kết sản xuất thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác; từ đó thống nhất tập trung trong quản lý và chỉ đạo sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến và cơ giới hóa vào sản xuất, liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi hơn.
Hình thức này cần được khuyến khích phát triển, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng, tín dụng ưu đãi, thiệt hại do thiên tai,... để phát triển bền vững.
b) Thuê quyền sử dụng đất
- Nông dân hoặc doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác thuê lại quyền sử dụng đất của nông dân hay của Nhà nước (đất công điền) để đầu tư sản xuất. Hình thức này tạo ra một diện tích theo nhu cầu để đầu tư sản xuất mà không dẫn đến hiện tượng đầu cơ đất, không chịu ảnh hưởng của chính sách hạn điền. Hiện tại, hình thức này đã và đang diễn ra tại một số địa phương trong tỉnh, các mô hình đã cho hiệu quả, tính ổn định tương đối cao, cần khuyến khích phát triển.
- Khó khăn, vướng mắc: Doanh nghiệp, cá nhân phải đứng ra đàm phán và ký hợp đồng cùng một lúc với nhiều hộ nông dân; giá thuê đất phụ thuộc vào loại đất, vị trí đất, thời gian thuê đất phụ thuộc vào từng hộ nông dân là rào cản để tập trung ruộng đất quy mô lớn.
c) Chuyển quyền sử dụng đất
- Nông dân chuyển nhượng lại quyền sử dụng đất để mở rộng quy mô sản xuất. Việc mua bán được tiến hành theo thỏa thuận có sự chứng kiến của chính quyền địa phương.
- Hạn chế của hình thức này là chịu ảnh hưởng của chính sách hạn điền; hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đối với mỗi loại đất được quy định tại Điều 129 Luật Đất đai. Giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất khá cao, vốn bỏ ra ban đầu khá lớn, rất khó để sản xuất nông nghiệp có lãi.
- Tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức đối với cả nông dân và quản lý nhà nước, hình thức này dẫn đến một số lượng lao động nông thôn không còn đất để canh tác khi không tìm được công việc mới; dễ dẫn đến hiện tượng cá nhân tập trung đất với mục đích đầu cơ bất động sản để chuyển đổi mục đích sử dụng đất chứ không thực sự để đầu tư sản xuất nông nghiệp.
5. Lựa chọn mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất
5.1. Các hình thức tích tụ, tập trung ruộng đất là:
- Một là, góp ruộng đất;
- Hai là, thuê quyền sử dụng đất;
- Ba là, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
5.2. Tỉnh có cơ chế chính sách để khuyến khích hai hình thức tích tụ tập trung ruộng đất là: Góp ruộng đất và thuê quyền sử dụng đất.
6. Những giải pháp chủ yếu
Có 9 giải pháp bao gồm: (1) Về lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; (2) Về thông tin, tuyên truyền; (3) Về quy hoạch; (4) Về cơ chế, chính sách; (5) Về khoa học công nghệ; (6) Về thu hút đầu tư; (7) Về khuyến khích liên kết, xúc tiến thương mại, quảng bá tiêu thụ sản phẩm; (8) Về phát triển Tổ hợp tác, HTX; (9) Về đào tạo, huấn luyện, chuyển dịch lao động trong sản xuất nông nghiệp.
Các giải pháp trên được xây dựng cụ thể trong đề án chi tiết trong đó quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ; cụ thể:
a) Cơ chế hỗ trợ tập trung:
- Đối với cá nhân, tổ chức đứng ra nhận góp, thuê quyền sử dụng đất: Được ngân sách tỉnh hỗ trợ kinh phí trong 03 năm để phát triển sản xuất, kể từ khi tập trung đất với mức hỗ trợ 3.000.000 đồng/ha/năm.
- Đối với UBND xã và cấp thôn, xóm nơi có đất đai được tập trung: Hỗ trợ một lần công tác chỉ đạo, tuyên truyền, tổ chức thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất với số tiền là 1.000.000 đồng/ha (cấp hỗ trợ UBND xã 50%, cho thôn 50%).
- Đối với hộ nông dân góp đất, cho thuê quyền sử dụng đất: Được ngân sách tỉnh hỗ trợ một lần với số tiền hỗ trợ là 200.000 đồng/sào (360m2).
- Đối với các hộ dân nằm trong vùng được tích tụ theo hình thức thuê quyền sử dụng đất, nếu có nhu cầu sản xuất nông nghiệp thì được UBND xã chuyển đổi sang canh tác trên diện tích đất công điền do UBND xã quản lý hoặc đổi ruộng với hộ nông dân khác ngoài vùng có nhu cầu cho thuê đất được ngân sách tỉnh hỗ trợ một lần kinh phí chuyển sang vị trí sản xuất mới là 100.000 đồng/sào (360m2).
b) Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất: Đối với các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ngoài chính sách nêu trên còn được hưởng chính sách ưu đãi được quy định tại Nghị quyết số 49/2016/NQ-HĐND ngày 06/10/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh và Quyết định số 26/2016/QĐ-UBND ngày 26/12/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
7. Kinh phí thực hiện đề án
Tổng nhu cầu vốn thực hiện đề án: 71.606.000.000 đồng (Bẩy mươi mốt tỷ sáu trăm linh sáu triệu đồng), trong đó:
- Từ nguồn ngân sách sự nghiệp kinh tế của tỉnh: 35.903.000.000đ; (50%).
- Từ nguồn ngân sách huyện, thành phố: 35.703.000.000đ; (50%).
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án “Khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo quy mô lớn giai đoạn 2017 - 2020” và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; giao trách nhiệm, chỉ tiêu cụ thể cho các huyện, thành phố, các sở, ngành có liên quan để hoàn thành mục tiêu.
Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu và Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ theo quy định của luật kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên khoá XVI, Kỳ họp thứ Năm thông qua ngày 08/12/2017 và có hiệu lực từ ngày 18/12/2017./.
| CHỦ TỊCH |