cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị quyết 25/2017/NQ-HĐND về Chương trình việc làm tỉnh Cà Mau năm 2018

  • Số hiệu văn bản: 25/2017/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Cà Mau
  • Ngày ban hành: 08-12-2017
  • Ngày có hiệu lực: 01-01-2018
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 28-01-2019
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 392 ngày (1 năm 27 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 28-01-2019
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 28-01-2019, Nghị quyết 25/2017/NQ-HĐND về Chương trình việc làm tỉnh Cà Mau năm 2018 bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 157/QĐ-UBND ngày 28/01/2019 Công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần định kỳ năm 2018”. Xem thêm Lược đồ.

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 25/2017/NQ-HĐND

Cà Mau, ngày 08 tháng 12 năm 2017

 

NGHỊ QUYẾT

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH VIỆC LÀM TỈNH CÀ MAU NĂM 2018

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ NĂM

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Bộ luật lao động ngày 18 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 03/2014/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về việc làm;

Xét Tờ trình số 202/TTr-UBND ngày 21 tháng 11 năm 2017 của UBND tỉnh Cà Mau ban hành Nghị quyết Chương trình việc làm tỉnh Cà Mau năm 2018; Báo cáo thẩm tra số 112/BC-HĐND ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Chương trình việc làm tỉnh Cà Mau năm 2018.

Điều 2. Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết này. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau Khóa IX, Kỳ họp thứ Năm thông qua ngày 08 tháng 12 năm 2017 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018./.

 

 

Nơi nhận:
- UBTV Quốc hội;
- Chính phủ;
- Bộ Lao động-TB&XH;
- Bộ Tài chính;
- Bộ Tư pháp;
- TT.Tỉnh ủy;
- Ủy ban nhân dân tỉnh;
- BTT. Ủy ban MTTQ VN Tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- TT.HĐND, UBND các huyện, thành phố;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Trần Văn Hiện

 

CHƯƠNG TRÌNH

VIỆC LÀM TỈNH CÀ MAU NĂM 2018
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 25/2017/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau)

Điều 1. Mục tiêu tổng quát

1. Tạo việc làm cho người lao động, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế và phát huy thế mạnh nguồn lực lao động ở các địa phương trong tỉnh vào tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, tạo nguồn thu nhập ổn định, bền vững, góp phần giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

2. Nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế. Phát triển thị trường lao động lành mạnh, ổn định, tạo ra nhiều việc làm, đưa lao động trong tỉnh đi làm việc tại các khu công nghiệp ngoài tỉnh, khuyến khích xuất khẩu lao động, đẩy mạnh các hình thức tạo việc làm tại chỗ.

3. Thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ tạo việc làm, đào tạo nghề đối với lao động dân tộc thiểu số, đối với một số lao động đặc thù.

Điều 2. Chỉ tiêu c thể

1. Tạo việc làm tăng thêm cho 38.000 lao động gồm:

a) Tạo việc làm từ chương trình phát triển kinh tế - xã hội và cho vay vốn ưu đãi để tạo việc làm tại địa phương: 18.000 lao động.

b) Tạo việc làm từ hoạt động tuyển chọn, cung ứng lao động cho các khu công nghiệp ngoài tỉnh: 19.900 lao động.

c) Tạo việc làm từ hoạt động tuyển chọn, cung ứng lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng: 100 lao động.

2. Đào tạo, bồi dưỡng nghề cho 35.000 lao động. Trong đó: Đào tạo nghề theo Quyết định 1956 gắn với giải quyết việc làm cho 10.000 lao động.

Điều 3. Nhiệm vụ chủ yếu

1. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với việc làm và có việc làm sau khi học nghề.

2. Sử dụng có hiệu quả Quỹ quốc gia về việc làm.

3. Hỗ trợ đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

4. Hỗ trợ phát triển thị trường lao động.

5. Nâng cao năng lực truyền thông và giám sát, đánh giá thực hiện chương trình.

Điều 4. Phạm vi, đối tượng và thời gian thực hiện

1. Phạm vi, đối tượng

Người lao động từ đủ 15 tuổi trở lên, đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Cà Mau, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc.

Người sử dụng lao động và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc làm.

2. Thời gian thực hiện

Chương trình việc làm tỉnh Cà Mau năm 2018 thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 đến ngày 31 tháng 12 năm 2018.

Điều 5. Cơ chế, chính sách để thực hiện

1. Tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách

a) Chính sách tín dụng ưu đãi để tạo việc làm, hỗ trợ chuyển dịch việc làm đối với người lao động ở khu vực nông thôn, hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên.

b) Hỗ trợ phát triển thông tin thị trường lao động.

c) Chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

d) Tổ chức và hoạt động dịch vụ việc làm.

đ) Chế độ bảo hiểm thất nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tự tạo việc làm cho bản thân và thu hút thêm lao động.

2. Nguồn kinh phí thực hiện

Tổng nhu cầu nguồn kinh phí thực hiện Chương trình việc làm tỉnh năm 2018: 53.560.000.000 đồng (Năm mươi ba tỷ năm trăm sáu mươi triệu đồng), trong đó:

a) Ngân sách tỉnh: 31.070.000.000 đồng (Ba mươi mốt tỷ bảy mươi triệu đồng). Gồm:

- Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: 10.000.000.000 đồng (Mười tỷ đồng).

- Bổ sung Quỹ quốc gia về việc làm: 10.000.000.000 đồng (Mười tỷ đồng).

- Hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng: 8.970.000.000 đồng (Tám tỷ chín trăm bảy mươi triệu đồng).

- Tổ chức thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động: 1.100.000.000 đồng (Một tỷ một trăm triệu đồng).

- Tổ chức các hoạt động sàn giao dịch việc làm: 400.000.000 đồng (Bốn trăm triệu đồng).

- Tổ chức nâng cao năng lực, truyền thông, giám sát đánh giá chương trình: 600.000.000 đồng (Sáu trăm triệu đồng).

b) Kiến nghị Trung ương hỗ trợ: 22.490.000.000 đồng (Hai mươi hai tỷ bốn trăm chín mươi triệu đồng), cụ thể:

- Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: 8.400.000.000 đồng (Tám tỷ bốn trăm triệu đồng).

- Bổ sung nguồn Quỹ quốc gia về việc làm: 10.000.000.000 đồng (Mười tỷ đồng).

- Hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng: 3.190.000.000 đồng (Ba tỷ một trăm chín mươi triệu đồng).

- Tổ chức thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động: 500.000. 000 đồng (Năm trăm triệu đồng).

- Tổ chức các hoạt động sàn giao dịch việc làm: 400.000.000 đồng (Bốn trăm triệu đồng).

3. Sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn

a) Nguồn vốn đầu tư phát triển.

b) Nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu an toàn lao động.

c) Nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo.

d) Nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

đ) Các nguồn kinh phí hợp pháp khác hỗ trợ cho phát triển sản xuất, tạo việc làm cho lao động.