Quyết định 30/2017/QĐ-UBND Quy định quản lý, sử dụng nghĩa trang trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Số hiệu văn bản: 30/2017/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hà Nội
- Ngày ban hành: 11-09-2017
- Ngày có hiệu lực: 21-09-2017
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2622 ngày (7 năm 2 tháng 7 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 30/2017/QĐ-UBND | Hà Nội, ngày 11 tháng 9 năm 2017 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGHĨA TRANG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Nghị định số 23/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ việc xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng;
Căn cứ Quyết định số 496/QĐ-TTg ngày 08/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch nghĩa trang Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Thông tư số 02/2009/TT-BYT ngày 26/5/2009 của Bộ Y tế hướng dẫn vệ sinh trong hoạt động mai táng và hỏa táng;
Căn cứ Thông tư số 01/2016/TT-BXD ngày 01/02/2016 của Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình hạ tầng kỹ thuật;
Xét đề nghị của liên Sở: Lao động Thương binh và Xã hội - Xây dựng tại Tờ trình số: 911/TTr-LS:LĐTBXH-XD ngày 11/4/2017 và đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh xã hội tại Tờ trình số:2441/TTr-SLĐTBXH ngày 16/8/2017; báo cáo thẩm định số 2413/STP-VBPQ ngày 01/12/2016 của Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định quản lý, sử dụng nghĩa trang trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 21/9/2017; thay thế Quyết định số 28/2014/QĐ-UBND ngày 22/7/2014 của UBND Thành phố về ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nghĩa trang nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Giám đốc các Sở, ban, ngành Thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; các tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGHĨA TRANG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 30/2017/QĐ-UBND ngày 11 tháng 9 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội)
Chương I.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Quy định việc quản lý, sử dụng nghĩa trang trên địa bàn thành phố Hà Nội bao gồm các nghĩa trang được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Thành phố; quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn và các nghĩa trang được đầu tư xây dựng bằng nguồn xã hội hóa (trừ nghĩa trang Quốc gia, nghĩa trang Liệt sỹ).
2. Đối tượng áp dụng: Các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan đến việc quản lý, sử dụng nghĩa trang trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Nghĩa trang là nơi táng người chết tập trung theo các hình thức táng khác nhau và được quản lý, sử dụng theo quy hoạch.
2. Nghĩa trang cấp Thành phố là các nghĩa trang do Thành phố quản lý. Nghĩa trang cấp huyện là các nghĩa trang do quận, huyện, thị xã quản lý. Nghĩa trang xã là tên gọi các nghĩa trang do phường, xã, thị trấn quản lý bao gồm cả nghĩa trang thôn, xóm.
3. Nghĩa trang xã hội hóa là nghĩa trang do tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, quản lý.
4. Phần mộ cá nhân là nơi táng thi hài, hài cốt, tro cốt của người chết.
5. Táng là việc thực hiện lưu giữ thi hài, hài cốt, tro cốt của người chết.
6. Các hình thức táng người chết bao gồm: Mai táng, hỏa táng và các hình thức táng khác.
7. Mai táng là thực hiện việc lưu giữ thi hài hoặc hài cốt, tro cốt của người chết ở một địa điểm dưới mặt đất.
8. Chôn cất một lần là hình thức mai táng thi hài vĩnh viễn.
9. Hung táng là hình thức mai táng thi hài trong một khoảng thời gian nhất định sau đó sẽ được cải táng.
10. Cải táng là thực hiện việc chuyển xương cốt từ mộ hung táng sang hình thức táng khác.
11. Cát táng là hình thức mai táng hài cốt sau khi cải táng hoặc lưu tro cốt sau khi hỏa táng.
12. Hỏa táng (bao gồm cả điện táng) là thực hiện việc thiêu thi hài hoặc hài cốt ở nhiệt độ cao.
13. Đóng cửa nghĩa trang là việc không cho phép tiếp tục thực hiện các hoạt động táng trong nghĩa trang.
14. Di chuyển nghĩa trang là thực hiện việc chuyển toàn bộ thi hài, hài cốt trong nghĩa trang đến một nghĩa trang khác được xây dựng theo quy hoạch.
15. Dịch vụ nghĩa trang bao gồm tổ chức tang lễ, mai táng; xây mộ, cải táng, chăm sóc mộ, tu sửa mộ; bảo quản, lưu giữ tro cốt và dịch vụ phục vụ việc thăm viếng, tưởng niệm.
16. Giá dịch vụ nghĩa trang là toàn bộ các chi phí được tính đúng, tính đủ cho phần mộ cá nhân và mức lợi nhuận hợp lý để thực hiện dịch vụ nghĩa trang.
17. Đối tượng sử dụng dịch vụ nghĩa trang là tổ chức, cá nhân ký hợp đồng sử dụng dịch vụ nghĩa trang hoặc có quan hệ, trách nhiệm với người được táng đứng tên ký hợp đồng sử dụng dịch vụ nghĩa trang.
18. Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện, thị xã được gọi tắt là UBND cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn được gọi tắt là UBND cấp xã.
Chương II.
CÁC QUY ĐỊNH QUẢN LÝ NGHĨA TRANG
Điều 3. Các nguyên tắc quản lý
1. Việc mai táng người chết phải được thực hiện trong nghĩa trang. Trường hợp đặc biệt (khi xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và trường hợp khác) phải táng người chết ngoài khu vực nghĩa trang được sự chấp thuận của UBND cấp huyện hoặc UBND Thành phố.
2. Từng bước di chuyển các phần mộ riêng lẻ về nghĩa trang tập trung các cấp; thực hiện việc cải tạo, đóng cửa, di chuyển các nghĩa trang gây ô nhiễm môi trường, nghĩa trang phân tán, riêng lẻ đã hết quỹ đất.
3. Nghĩa trang phải có tường, rào, trồng cây xanh bao quanh để có cảnh quan, khuôn viên riêng biệt.
4. Nghĩa trang cấp Thành phố phục vụ nhu cầu người dân thành phố Hà Nội; nghĩa trang cấp huyện để phục vụ khu vực đô thị và nông thôn trên địa bàn; nghĩa trang cấp xã phục vụ nhu cầu nhân dân sinh sống trên địa bàn và những người có nguồn gốc tại địa phương.
5. Việc quản lý nghĩa trang phải tuân thủ quy định của pháp luật và Quyết định này, phù hợp phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, nếp sống văn minh, tiết kiệm đất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Điều 4. Phân cấp quản lý nghĩa trang
1. UBND Thành phố thống nhất quản lý nghĩa trang trên địa bàn Thành phố.
a) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện quản lý nhà nước trong việc quản lý, sử dụng nghĩa trang; giao Ban phục vụ lễ tang Hà Nội trách nhiệm quản lý các nghĩa trang cấp Thành phố;
b) Sở Tài chính thẩm định giá dịch vụ nghĩa trang, giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng cho phần mộ tại nghĩa trang được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước do Sở Xây dựng lập, trình UBND Thành phố chấp thuận;
c) Sở Xây dựng có trách nhiệm giải quyết theo thẩm quyền các vấn đề liên quan đến xây dựng nghĩa trang; chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan hướng dẫn chủ đầu tư phương pháp định giá, lập giá dịch vụ nghĩa trang, giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng cho phần mộ được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, báo cáo UBND Thành phố chấp thuận trước khi chủ đầu tư phê duyệt;
d) Sở Y tế hướng dẫn thực hiện quản lý việc vệ sinh trong hoạt động mai táng và hỏa táng theo quy định;
đ) Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, quản lý, giải quyết theo thẩm quyền các vấn đề liên quan đến đất đai, vệ sinh môi trường nghĩa trang theo quy định;
e) Sở Quy hoạch Kiến trúc hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền các vấn đề liên quan đến quy hoạch nghĩa trang theo quy định;
g) Các Sở, ban, ngành khác chủ động tham mưu, đề xuất, giải quyết các vấn đề theo chức năng nhiệm vụ và thẩm quyền.
2. UBND cấp huyện quản lý nghĩa trang trên địa bàn huyện. UBND cấp huyện quyết định giao đơn vị quản lý nghĩa trang cấp huyện; thẩm định, phê duyệt các vấn đề liên quan đến xây dựng, đóng cửa, di chuyển, giá dịch vụ nghĩa trang ở các nghĩa trang cấp huyện do đơn vị quản lý nghĩa trang lập; tổ chức thực hiện, giải quyết các vấn đề liên quan theo chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước; Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực, giúp việc UBND cấp huyện trong việc quản lý, sử dụng nghĩa trang.
3. UBND cấp xã quản lý nghĩa trang trên địa bàn xã; thành lập bộ phận quản lý nghĩa trang, phân công cán bộ lãnh đạo phụ trách, xác định cá nhân quản lý nghĩa trang; phê duyệt các vấn đề liên quan đến nội quy, quy chế, việc sửa chữa, chỉnh trang, di chuyển mộ, đóng cửa nghĩa trang xã; xác định người có nguồn gốc địa phương được mai táng trong nghĩa trang xã; xác lập giá dịch vụ nghĩa trang trình UBND cấp huyện phê duyệt; tổ chức thực hiện, giải quyết các vấn đề có liên quan theo chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước.
Điều 5. Quản lý nghĩa trang xã hội hóa
1. Tổ chức, cá nhân đầu tư nghĩa trang xã hội hóa trực tiếp quản lý hoặc thuê quản lý nghĩa trang do mình đầu tư theo phương án kinh doanh được UBND Thành phố phê duyệt và theo các quy định của pháp luật.
2. Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng nghĩa trang xã hội hóa có nghĩa vụ lấy ý kiến thẩm định của các Sở, ban, ngành và UBND các cấp theo phân cấp quản lý nghĩa trang để xây dựng, phê duyệt quy chế quản lý, sử dụng nghĩa trang sau đầu tư; sau khi ban hành phải gửi các Sở, ban, ngành Thành phố và UBND theo phân cấp quản lý nghĩa trang để quản lý, giám sát, kiểm tra việc thực hiện. Tổ chức, cá nhân đầu tư nghĩa trang xã hội hóa căn cứ quy định hiện hành xây dựng phương án khai thác kinh doanh nghĩa trang gửi các Sở: Xây dựng, Tài chính thẩm định, trình UBND Thành phố chấp thuận.
3. Chủ đầu tư nghĩa trang xã hội hóa có trách nhiệm dành tối thiểu 20% quỹ đất đầu tư xây dựng hạ tầng theo quy hoạch chi tiết xây dựng nghĩa trang để UBND các cấp giải quyết việc phục vụ đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn.
4. UBND cấp xã có trách nhiệm giám sát, kiểm tra việc thực hiện quy chế quản lý, sử dụng nghĩa trang tại các nghĩa trang xã hội hóa trên địa bàn.
Điều 6. Kinh phí quản lý nghĩa trang
1. Đối với nghĩa trang cấp Thành phố, cấp huyện do ngân sách Nhà nước và nguồn thu dịch vụ bảo đảm (chi từ Quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp và các nguồn huy động hợp pháp khác).
2. Đối với nghĩa trang cấp xã: UBND cấp xã căn cứ vào tình hình thực tế, quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, bố trí kinh phí hỗ trợ công tác quản lý nghĩa trang và trình Hội đồng nhân dân xã quyết định.
3. Đối với nghĩa trang xã hội hóa, kinh phí quản lý nghĩa trang lấy từ nguồn thu dịch vụ nghĩa trang.
Điều 7. Trách nhiệm của đơn vị, cá nhân quản lý trực tiếp nghĩa trang
1. Tổ chức, cá nhân quản lý nghĩa trang phải lập hồ sơ, lưu trữ hồ sơ nghĩa trang gồm các nội dung:
a) Sơ đồ vị trí các khu chức năng, lô mộ, nhóm mộ, hàng mộ và phần mộ (bao gồm vị trí đã sử dụng và vị trí còn trống); sơ đồ vị trí các ô lưu giữ tro cốt tại nhà lưu giữ tro cốt;
b) Tất cả các phần mộ trong nghĩa trang, các ô lưu giữ tro cốt tại nhà lưu giữ tro cốt đều phải được đánh số;
c) Có bảng hướng dẫn, chỉ dẫn chi tiết sơ đồ nghĩa trang;
d) Lập sổ theo dõi hoạt động táng trong nghĩa trang, lưu giữ tro cốt tại nhà lưu giữ tro cốt theo thời gian và lưu trữ các thông tin cơ bản của người được táng, lưu giữ tro cốt và thân nhân.
2. Khuyến khích việc sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý, sử dụng và khai thác hồ sơ nghĩa trang.
3. Đơn vị, cá nhân quản lý nghĩa trang phải xây dựng quy chế quản lý, sử dụng nghĩa trang gồm các quy định:
a) Về ranh giới, quy mô nghĩa trang và các khu chức năng trong nghĩa trang;
b) Về xây dựng, cải tạo, chỉnh trang, duy tu, bảo dưỡng, bảo trì các phần mộ trong nghĩa trang;
c) Về bảo vệ nghĩa trang và bảo vệ môi trường;
d) Về tiếp nhận đăng ký, tổ chức mai táng, lưu giữ tro cốt trong nghĩa trang;
đ) Về hoạt động lễ nghi, chỉ dẫn khách thăm viếng, tưởng niệm và quản lý các hoạt động trong nghĩa trang;
e) Về trách nhiệm của đơn vị quản lý và người sử dụng dịch vụ, thăm viếng nghĩa trang;
g) Về các loại dịch vụ trong nghĩa trang và giá dịch vụ nghĩa trang, giá chuyển nhượng quyền sử dụng phần mộ cá nhân;
h) Xử lý các vi phạm.
4. Đơn vị, cá nhân quản lý nghĩa trang phải niêm yết công khai các bảng giá dịch vụ nghĩa trang, đảm bảo chất lượng của các hoạt động dịch vụ.
5. Đơn vị, cá nhân quản lý nghĩa trang có trách nhiệm quản lý, sử dụng đất theo quy hoạch và đúng mục đích. Nghiêm cấm việc giao đất để lập riêng khu mộ gia đình, dòng họ.
6. Đơn vị, cá nhân quản lý nghĩa trang có trách nhiệm quản lý, sử dụng đất nghĩa trang theo quy định.
a) Diện tích đất tối đa cho mỗi mộ hung táng và chôn cất một lần không quá 5m2, đối với mộ cải táng không quá 3m2;
b) Phần đất nơi huyệt mộ sau khi hung táng phải để tối thiểu 12 tháng mới được tái sử dụng vào mục đích mai táng;
c) Việc sử dụng đất mai táng trong nghĩa trang thực hiện lần lượt theo các hàng và khu đã được định trước.
7. Các đơn vị, cá nhân quản lý nghĩa trang quản lý việc xây mới, chỉnh trang mộ phần theo các tiêu chuẩn sau:
a) Kiểu dáng, kích thước, hướng mộ và bia mộ phải được xây dựng thống nhất theo thiết kế trong dự án đầu tư xây dựng được phê duyệt;
b) Chiều cao mộ không quá 2m được tính từ mặt đất nền; chiều dài, chiều rộng đối với mộ mai táng hoặc chôn một lần không quá (2,4m x 1,4m); đối với mộ cải táng không quá (1,5m x 1m);
c) Các phần mộ trong khu mộ mới phải được bố trí khoảng cách đều bằng nhau, giữa 2 hàng mộ là 0,8m; giữa hai mộ là 0,6m.
8. Đơn vị, cá nhân quản lý nghĩa trang tạo điều kiện thuận lợi khi người sử dụng dịch vụ có nguyện vọng đặt 02 bình tro, tiểu cốt vào cùng 01 hố mộ cát táng.
9. Trong trường hợp phải di chuyển mộ phần trong khuôn viên nghĩa trang đơn vị, cá nhân quản lý nghĩa trang phải thống nhất với người đại diện gia chủ, đối với phần mộ không xác định được gia chủ phải trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án di chuyển.
10. Đơn vị, cá nhân quản lý nghĩa trang có trách nhiệm bảo đảm vệ sinh, môi trường. Thường xuyên vệ sinh trong khuôn viên nghĩa trang, sử dụng các trang bị bảo hộ cá nhân khẩu trang, quần áo, ủng, găng tay khi thực hiện công việc táng. Làm vệ sinh sau mỗi lần tổ chức táng và thực hiện các quy định hiện hành của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
11. Đơn vị, cá nhân quản lý nghĩa trang phải tổ chức các hoạt động quản lý theo quy định hoạt động của nghĩa trang và các quy định hiện hành khác của nhà nước, thành phố có liên quan.
Điều 8. Trách nhiệm, quyền lợi của người sử dụng dịch vụ nghĩa trang
1. Người sử dụng dịch vụ nghĩa trang được đơn vị, cá nhân quản lý nghĩa trang cung cấp thông tin về tình hình mộ, tro cốt của thân nhân.
2. Người sử dụng dịch vụ nghĩa trang phải cung cấp thông tin về lý lịch mộ, tro cốt để đơn vị quản lý nghĩa trang lập hồ sơ lưu trữ, quản lý.
3. Tuân thủ các nội quy của nghĩa trang và các quy định của pháp luật.
Điều 9. Giải quyết các vấn đề xã hội
1. Người vô gia cư, trẻ em bị bỏ rơi, người không có thân nhân hoặc có thân nhân nhưng không có điều kiện lo việc mai táng khi chết ở địa phương nào được UBND cấp xã đó phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức việc táng.
2. Người sống ở địa phương không có thân nhân khi chết được UBND cấp xã đó có trách nhiệm tổ chức táng, với chi phí được lấy từ tài sản của người chết (nếu có) hoặc từ ngân sách địa phương.
3. Cho phép hợp đồng đăng ký trước phần mộ tại các nghĩa trang xã hội hóa, nghĩa trang cấp Thành phố, cấp huyện với đối tượng: người từ 70 tuổi trở lên; người mắc bệnh hiểm nghèo giai đoạn cuối; người có vợ hoặc chồng đã được an táng trong nghĩa trang. Tại nghĩa trang cấp xã, UBND xã căn cứ tình hình, khả năng thực tế của địa phương để ban hành quy định phù hợp.
Chương III.
XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 10. Các vi phạm
1. Táng người chết ngoài nghĩa trang đã được UBND các cấp xác định vị trí, ranh giới.
2. Mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng cho phần mộ trong nghĩa trang không thông qua hợp đồng với đơn vị, cá nhân quản lý nghĩa trang.
3. Phá hoại các công trình xây dựng trong nghĩa trang.
4. Xây dựng mộ, bia mộ và các công trình trong nghĩa trang không đúng quy định.
5. Thu phí, lệ phí, thực hiện kinh doanh các dịch vụ nghĩa trang trái quy định của pháp luật.
6. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trục lợi hoặc gây khó khăn cho người có nhu cầu sử dụng các dịch vụ nghĩa trang.
7. Cung cấp thông tin không trung thực làm tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp và sử dụng dịch vụ nghĩa trang.
8. Không chấp hành các quyết định của cơ quan có thẩm quyền về đóng cửa nghĩa trang, di chuyển nghĩa trang, di chuyển các mộ phần riêng lẻ.
Điều 11. Xử lý các vi phạm
1. Xử lý việc táng người chết ngoài nghĩa trang: UBND cấp xã tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ gia đình ký cam kết thực hiện táng người chết trong nghĩa trang. Trường hợp cố tình vi phạm phải lập biên bản hiện trạng thông báo tình hình vi phạm trên hệ thống thông tin đại chúng và xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
2. Xử lý việc phá hoại các công trình xây dựng trong nghĩa trang: Đơn vị, cá nhân quản lý nghĩa trang có trách nhiệm ngăn chặn kịp thời các hành vi phá hoại mộ và các công trình trong nghĩa trang. Lập biên bản hiện trạng, báo cáo UBND địa phương và đơn vị quản lý cấp trên.
3. Xử lý việc mua bán, chuyển nhượng đất trong nghĩa trang: Đơn vị, cá nhân quản lý nghĩa trang có trách nhiệm xây dựng các nội quy, quy chế nhằm ngăn ngừa không để xảy ra việc mua bán, chuyển nhượng đất tại nghĩa trang. Trường hợp đơn vị, cá nhân quản lý nghĩa trang thiếu trách nhiệm để xảy ra hiện tượng mua bán, chuyển nhượng đất, cơ quan quản lý cấp trên xem xét xử lý theo các quy định hiện hành.
4. Đơn vị, cá nhân quản lý nghĩa trang có trách nhiệm hướng dẫn, yêu cầu người sử dụng dịch vụ nghĩa trang tuân thủ các quy định hiện hành về xây dựng mộ, bia mộ và các công trình trong nghĩa trang. Trong trường hợp đơn vị, cá nhân quản lý nghĩa trang thiếu tinh thần trách nhiệm để người sử dụng dịch vụ nghĩa trang xây dựng, cải tạo không đúng với quy định thì cơ quan quản lý nhà nước cấp trên xem xét xử lý đơn vị, cá nhân quản lý nghĩa trang để xảy ra tình trạng vi phạm, đồng thời yêu cầu cá nhân quản lý nghĩa trang và người sử dụng dịch vụ nghĩa trang thực hiện các biện pháp khắc phục đúng quy định.
5. Việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi hoặc gây khó khăn cho người có nhu cầu sử dụng dịch vụ nghĩa trang: Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm UBND các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị có trách nhiệm xử lý theo các quy định hiện hành.
6. Khi tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin không trung thực phản ánh không đúng hiện trạng của nghĩa trang, giá cả chất lượng dịch vụ nghĩa trang làm tổn hại đến lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ nghĩa trang hoặc ảnh hưởng đến công tác quản lý nghĩa trang, UBND các cấp, cơ quan, đơn vị quản lý nghĩa trang xem xét mức độ, tính chất có các biện pháp xử lý phù hợp.
7. UBND các cấp căn cứ quy định hiện hành, tình hình thực tế để xử lý việc không chấp hành các quyết định của cơ quan có thẩm quyền về đóng cửa nghĩa trang, di chuyển nghĩa trang, di chuyển các phần mộ riêng lẻ và mộ vô chủ.
Chương IV.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12. Trách nhiệm tổ chức thực hiện
1. Các Sở, ban, ngành chủ động tham mưu, đề xuất, giải quyết các vấn đề liên quan theo chức năng nhiệm vụ theo thẩm quyền đã được phân cấp tại Điều 4, Quy định này. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện theo quy định pháp luật và các quy định tại Quyết định này.
2. UBND các cấp căn cứ quy định hiện hành và các nội dung tại Quyết định này tổ chức thực hiện các hoạt động quản lý cụ thể: đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan, trật tự an ninh xã hội, bảo vệ quyền lợi người sử dụng dịch vụ nghĩa trang; tuyên truyền nâng cao nhận thức thay đổi tập quán mai táng người chết tại địa phương. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ nghĩa trang trên địa bàn thực hiện thu giá dịch vụ nghĩa trang đúng với mức giá dịch vụ được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
3. Các tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý nghĩa trang thực hiện việc cung cấp dịch vụ nghĩa trang và đảm bảo chất lượng dịch vụ; có trách nhiệm quản lý việc thu giá dịch vụ đúng với mức giá dịch vụ được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận; có trách nhiệm phối hợp các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và các nội dung tại Quyết định này.
Điều 13. Chế độ báo cáo
UBND cấp huyện thực hiện báo cáo công tác quản lý nghĩa trang hàng năm, gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố.
Đơn vị, cá nhân quản lý nghĩa trang, chủ đầu tư nghĩa trang xã hội hóa thực hiện báo cáo cơ quan quản lý định kỳ 02 lần/năm (vào thời điểm ngày 30/6 và 31/12 hàng năm) và thực hiện báo báo đột xuất theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước.
Điều 14. Điều khoản thi hành
Trong quá trình thực hiện Quy định nếu khó khăn, vướng mắc gửi về Sở Lao động Thương binh và Xã hội tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố quyết định./.