cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định 19/2017/QĐ-UBND Quy định quản lý cơ sở giết mổ động vật nhỏ, lẻ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

  • Số hiệu văn bản: 19/2017/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Bắc Kạn
  • Ngày ban hành: 25-07-2017
  • Ngày có hiệu lực: 04-08-2017
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 28-12-2018
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 511 ngày (1 năm 4 tháng 26 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 28-12-2018
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 28-12-2018, Quyết định 19/2017/QĐ-UBND Quy định quản lý cơ sở giết mổ động vật nhỏ, lẻ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 40/2018/QĐ-UBND ngày 17/12/2018 Bãi bỏ Quyết định 19/2017/QĐ-UBND quy định về quản lý cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/2017/QĐ-UBND

Bắc Kạn, ngày 25 tháng 7 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ CƠ SỞ GIẾT MỔ ĐỘNG VẬT NHỎ, LẺ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Thú y ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số: 35/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thú y; Nghị định số: 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm;

Căn cứ Thông tư số: 60/2010/TT-BNNPTNT ngày 25/10/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ lợn; Thông tư số: 61/2010/TT-BNNPTNT ngày 25/10/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ gia cầm; Thông tư số: 30/2012/TT-BNNPTNT ngày 03/7/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quy chuẩn quốc gia về điều kiện vệ sinh thú y; Thông tư số: 09/2016/TT-BNNPTNT ngày 01/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y; Thông tư số: 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật;

Căn cứ Thông tư số: 285/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý phí, lệ phí trong công tác thú y;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số: 73/TTr-SNN ngày 30/6/2017.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định quản lý các cơ sở giết mổ động vật nhỏ, lẻ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 04/8/2017.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài Nguyên và Môi trường, Tài chính, Xây dựng, Y tế, Công thương, Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị và các cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lý Thái Hải

 

QUY ĐỊNH

QUẢN LÝ CÁC CƠ SỞ GIẾT MỔ ĐỘNG VẬT NHỎ, LẺ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 19/2017/QĐ-UBND ngày 25 tháng 7 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với các cơ sở, các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến việc giết mổ động vật trong danh mục được phép giết mổ, vận chuyển động vật trước và sau khi giết mổ lưu thông trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Điều 2. Khái niệm, giải thích từ ngữ

1. Cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ là cơ sở do tổ chức, cá nhân thực hiện giết mổ động vật trên cạn (gia súc, gia cầm) với số lượng: Gia súc dưới 30 con/ngày, gia cầm dưới 50 con/ngày.

2. Gia súc gồm: Trâu, bò, dê, lợn, ngựa và một số loại động vật trên cạn khác sử dụng làm thực phẩm.

3. Gia cầm gồm: Gà, vịt, ngan, ngỗng, chim câu, chim cút và một số loài chim khác sử dụng làm thực phẩm.

4. Sản phẩm gia súc, gia cầm: Bao gồm những sản phẩm có nguồn gốc từ các loài gia súc, gia cầm được quy định tại Khoản 2, 3 của Điều này ở dạng tươi sống, sơ chế.

5. Cơ sở giết mổ, sơ chế động vật, sản phẩm động vật: Là địa điểm cố định, được cơ quan có thẩm quyền cấp đăng ký kinh doanh giết mổ, sơ chế động vật, sản phẩm động vật.

6. Khu bẩn: Là nơi diễn ra hoạt động gây choáng, tháo tiết, nhúng nước nóng, đánh lông/lột da, mổ, tách phủ tạng.

7. Khu sạch: Là nơi diễn ra hoạt động rửa thân thịt, pha chế, kiểm tra thân thịt, dán tem vệ sinh thú y và đóng dấu kiểm soát giết mổ.

8. Chất thải: Là toàn bộ những vật chất được thải ra từ quá trình sản xuất, sinh hoạt, bao gồm cả chất thải ở dạng rắn và dạng lỏng.

9. Các công trình công cộng: Bao gồm công sở, trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí, đường giao thông, hồ chứa nước.

10. Trang thiết bị, gồm: Dụng cụ thiết bị, máy móc sử dụng để giết mổ động vật, sơ chế, chế biến, bảo quản và vận chuyển sản phẩm động vật.

11. Tiêu chuẩn vệ sinh thú y cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm: Là những quy định về điều kiện vệ sinh phù hợp với yêu cầu trong sản xuất, sơ chế đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ngăn ngừa sự lan truyền bệnh từ động vật sang động vật, từ động vật sang người, bảo vệ sức khỏe con người, không gây ô nhiễm môi trường.

12. Vệ sinh, tiêu độc, khử trùng: Là thực hiện các biện pháp cơ học, vật lý, hóa học để loại bỏ, diệt mầm bệnh có thể làm lây truyền bệnh cho động vật hoặc gây ô nhiễm cho sản phẩm động vật.

Chương II

ĐIỀU KIỆN CƠ SỞ GIẾT MỔ ĐỘNG VẬT NHỎ, LẺ

Điều 3. Vị trí, địa điểm xây dựng cơ sở giết mổ

1. Địa điểm:

a) Phù hợp với quy hoạch và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

b) Cách khu dân cư tập trung, sông, suối, nguồn nước cung cấp phục vụ cho sản xuất tối thiểu 50 mét; cách nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt, các trang trại chăn nuôi, các nguồn gây ô nhiễm (bãi rác, nguồn thải bụi và hóa chất độc hại) và các công trình công cộng tối thiểu 100 mét.

c) Được xây dựng ở nơi có nguồn cung cấp điện và nước ổn định.

d) Thuận tiện cho việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật và đảm bảo vệ sinh môi trường.

2. Thiết kế và bố trí

a) Cơ sở giết mổ phải có tường rào tách biệt với khu vực xung quanh và bố trí thành hai khu riêng biệt gồm khu vực hành chính và khu vực sản xuất để đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

b) Diện tích cơ sở giết mổ phải phù hợp với công suất giết mổ và tình hình thực tế; đường nhập động vật sống và động vật sau khi giết mổ phải riêng biệt; không vận chuyển động vật sống đi qua khu sạch; phải có hệ thống xử lý chất thải, nước thải phù hợp với công suất của cơ sở; có hố sát trùng hoặc phương tiện khử trùng khi xe và người ra vào khu giết mổ.

3. Đối với khu giết mổ động vật

a) Được thiết kế bảo đảm quá trình giết mổ theo nguyên tắc một chiều từ khu bẩn đến khu sạch. Giữa hai khu phải cách biệt nhau, trước cửa mỗi khu có hố hoặc máng sát trùng.

b) Mái hoặc trần: Được làm bằng vật liệu bền, không bị dột, không thấm nước, dễ vệ sinh khử trùng, có hệ thống hút hơi nước ngưng tụ hoạt động tốt; Khoảng cách của dây truyền giết mổ treo đến trần nhà (gia súc, gia cầm) ít nhất 01 mét.

c) Tường vây xung quanh xây bằng gạch, tường phía trong khu giết mổ được làm bằng vật liệu chắc chắn, bền, chịu nhiệt, nhẵn, chống ẩm mốc, dễ vệ sinh và khử trùng.

d) Sàn khu vực giết mổ được làm bằng vật liệu bền, không thấm nước, chống trơn trượt, dễ vệ sinh và khử trùng; nền sàn thiết kế dốc về phía hệ thống thu gom chất thải, bảo đảm thoát nước tốt và không đọng nước trên sàn.

Đối với cơ sở giết mổ gia súc trên sàn, khoảng cách từ sàn đến mái hoặc trần tối thiểu là 3,6m tại nơi tháo tiết, 4,8m tại nơi đun nước nóng và làm lông, 3m tại nơi pha lọc thịt.

Đối với cơ sở giết mổ gia cầm thủ công phải có bàn hoặc bệ để lấy phủ tạng, bàn hoặc bệ xếp thân thịt sau khi giết mổ. Chiều cao của bàn hoặc bệ ít nhất 0,9 mét so với mặt sàn.

Điều 4. Đối với hệ thống thoát nước thải và xử lý chất thải

1. Hệ thống thoát nước thải phải có kích thước phù hợp đảm bảo theo công suất giết mổ; nước thải được chảy từ khu sạch đến khu bẩn, đảm bảo không bị đọng nước trên sàn sau khi vệ sinh; có lưới chắn rác trước khi đổ vào hệ thống xử lý nước thải; vị trí cửa xả nước thải có nắp bảo vệ và thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát, lấy mẫu.

2. Nước thải của cơ sở giết mổ sau khi xử lý phải đạt chất lượng theo quy định; phân, rác hữu cơ của cơ sở giết mổ phải được xử lý đảm bảo môi trường; cơ sở phải có khu xử lý chất thải rắn, xử lý động vật chết, phủ tạng hoặc các phần của thân thịt có nghi ngờ mang mầm bệnh truyền nhiễm (nếu không có nơi xử lý phải có hợp đồng với tổ chức được cấp phép hành nghề thu gom chất thải đảm bảo không làm lây lan dịch bệnh và không gây ô nhiễm môi trường); có các thùng đựng chất thải rắn, phế phụ phẩm riêng biệt, có nắp đậy không để lây nhiễm chéo, thường xuyên thu gom, dọn sạch chất thải rắn sau mỗi ca giết mổ.

Điều 5. Đối với thiết bị chiếu sáng và thông khí

1. Thiết bị chiếu sáng và cường độ ánh sáng:

a) Có đủ ánh sáng để phục vụ việc giết mổ tại cơ sở.

b) Bóng đèn phải có lưới hoặc chụp bảo vệ.

2. Thông khí:

a) Hệ thống thông khí phải được thiết kế đảm bảo không khí lưu thông từ khu sạch sang khu bẩn.

b) Cửa thông gió của cơ sở phải có lưới bảo vệ chống côn trùng và động vật gây hại.

Điều 6. Đối với các trang thiết bị và bảo dưỡng

1. Trang thiết bị sử dụng cho giết mổ ở mỗi khu vực được làm bằng vật liệu không rỉ, không bị ăn mòn, không độc hại; các trang thiết bị được vệ sinh trước và sau khi sử dụng; các vật dụng bảo quản đúng nơi quy định.

2. Bố trí tại những vị trí thuận tiện đầy đủ hệ thống bồn rửa tay, bồn rửa và khử trùng trang thiết bị, dụng cụ giết mổ và bảo hộ lao động bằng những chất tẩy rửa trong danh mục được phép sử dụng sau khi thực hiện xong công việc.

3. Có lịch bảo dưỡng định kỳ các thiết bị để đảm bảo vệ sinh và an toàn cho cơ sở giết mổ; việc bảo dưỡng, sửa chữa các thiết bị, máy móc chỉ được tiến hành sau khi cơ sở ngừng giết mổ và sản phẩm thịt, phủ tạng đã chuyển đi hết.

Chương III

HOẠT ĐỘNG GIẾT MỔ ĐỘNG VẬT TẠI CƠ SỞ

Điều 7. Đối với động vật trước và sau khi giết mổ

Việc giết mổ động vật để kinh doanh phải được thực hiện tại cơ sở giết mổ hoặc điểm giết mổ nhỏ, lẻ đủ điều kiện vệ sinh thú y; động vật khi đưa vào giết mổ và sản phẩm sau giết mổ được cán bộ thú y thực hiện kiểm tra đóng dấu KSGM đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y và đáp ứng các yêu cầu:

1. Động vật được nhập về cơ sở giết mổ phải có đầy đủ giấy tờ chứng minh là động vật khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, được nhập từ vùng không có dịch bệnh; đối với động vật được vận chuyển từ ngoài tỉnh đến phải có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật theo quy định. Đảm bảo đủ thời gian ngừng sử dụng thuốc theo hướng dẫn của nhà sản xuất và ít nhất 15 ngày kể từ ngày tiêm phòng vắc xin lần sau cùng.

2. Động vật phải được nghỉ ngơi tối thiểu 06 giờ trước khi giết mổ; nếu do quá trình vận chuyển động vật bị tổn thương, kiệt sức không có khả năng phục hồi và không có triệu chứng lâm sàng của bệnh truyền nhiễm sẽ được đưa vào giết mổ trước.

3. Khi phát hiện động vật chuẩn bị giết mổ hoặc sản phẩm thịt sau giết mổ có dấu hiệu bị bệnh thì phải được đưa tới khu vực cách ly và kiểm tra, xử lý theo quy định của Ngành Thú y, đồng thời thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng và khu vực nuôi nhốt.

4. Sản phẩm động vật sau khi giết mổ và trước khi tiêu thụ phải được cơ quan thú y kiểm tra, đóng dấu kiểm soát giết mổ hoặc dán tem kiểm tra vệ sinh thú y đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Điều 8. Vận chuyển sản phẩm thịt và phủ tạng sau khi giết mổ

Đối với phương tiện vận chuyển thô sơ được thiết kế, chế tạo đáp ứng các quy định kỹ thuật an toàn khi vận chuyển hàng; dụng cụ, thùng chứa sử dụng khi vận chuyển có kích thước phù hợp, được làm từ các vật liệu chống thấm, chống ăn mòn, không gỉ và không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn khi lưu thông.

Điều 9. Yêu cầu về bảo quản thịt đông lạnh tại cơ sở.

a) Thịt tươi: Sau khi làm nguội, đóng gói và bảo quản ở nhiệt độ 0 -50C.

b) Thịt đông lạnh: Sau khi làm nguội, cấp đông ở nhiệt độ -400C đến -500C, bảo quản ở nhiệt độ -180C đến -200C.

Điều 10. Trách nhiệm của chủ cơ sở giết mổ động vật và những người trực tiếp tham gia hoạt động giết mổ.

1. Đối với chủ cơ sở giết mổ

a) Xây dựng cơ sở giết mổ đảm bảo điều kiện tại Điều 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 Quy định này và các quy định khác của pháp luật hiện hành; chủ động kiểm tra, sửa chữa, nâng cấp cơ sở giết mổ đảm bảo an toàn vệ sinh thú y và phù hợp với công suất giết mổ của cơ sở.

b) Cơ sở giết mổ phải có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm.

c) Có hồ sơ, sổ sách ghi chép nguồn gốc động vật đưa vào cơ sở giết mổ; Giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển động vật theo quy định.

d) Chấp hành nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch bệnh đối với động vật theo yêu cầu của Chính quyền và cơ quan Thú y; phải lập Kế hoạch bảo vệ môi trường gửi Ủy ban nhân cấp huyện, thành phố xác nhận.

đ) Chấp hành đóng thuế, nộp phí, lệ phí, và các loại phí phát sinh khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Đối với những người trực tiếp tham gia hoạt động giết mổ tại cơ sở (công nhân, người phụ giúp công việc):

a) Phải đủ sức khỏe và có Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp, định kỳ khám sức khỏe 01 năm/lần; có Giấy chứng nhận hoặc Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm được cấp do cơ quan có thẩm quyền theo Quyết định số: 914/QĐ-UBND ngày 25/6/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn; thực hiện vệ sinh cá nhân và mặc trang phục bảo hộ lao động (quần áo, ủng, khẩu trang, mũ) trước khi tham gia giết mổ. Những người đang mắc bệnh truyền nhiễm, bệnh ngoài da theo danh mục quy định của Bộ Y tế không được tham gia trực tiếp vào quá trình giết mổ.

b) Tuân thủ nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định khác của pháp luật liên quan trong hoạt động giết mổ động vật.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ

Điều 11. Trách nhiệm của các Sở, Ngành có liên quan

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đang thực hiện việc giết mổ động vật tại điểm giết mổ phân tán chuyển đến cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ để thực hiện việc giết mổ động vật theo quy định; từng bước uốn nắn các cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ tại các địa phương hoạt động đi vào nề nếp và đạt hiệu quả.

b) Chỉ đạo cơ quan chuyên môn (Chi cục Thú y, Thanh tra Sở, Chi cục Quản lý chất lượng Nông, Lâm sản và Thủy sản) phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, uốn nắn việc thực hiện quy định của cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm về giết mổ động vật không theo quy định.

c) Rà soát, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

d) Tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nội dung Quy định này.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường

Hướng dẫn các vấn đề liên quan đến việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở giết mổ động vật nhỏ, lẻ khi có đề nghị của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

3. Sở Y tế

a) Tổ chức khám và cấp Giấy chứng nhận sức khỏe cho các cá nhân hành nghề theo đúng quy định.

b) Phối hợp với các Sở, Ngành liên quan tổ chức tập huấn kiến thức, hướng dẫn cho các chủ cơ sở giết mổ thực hiện tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm; quản lý và kiểm tra các nội dung liên quan theo quy định của Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở giết mổ, cơ sở chế biến thực phẩm sau giết mổ trên địa bàn.

4. Sở Công thương: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh và các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát các sản phẩm thịt động vật lưu thông trên địa bàn tỉnh, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, kinh doanh sản phẩm thịt động vật không rõ nguồn gốc, không chấp hành việc kiểm dịch theo quy định.

5. Sở Tài chính: Phối hợp với các Sở, Ngành liên quan xây dựng cơ chế chính sách, hỗ trợ về tài chính để phục vụ công tác: Quản lý giết mổ động vật đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; đồng thời, tăng cường kiểm tra, hướng dẫn và quản lý chặt chẽ việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong hoạt động kinh doanh, giết mổ động vật.

6. Sở Giao thông Vận tải: Phối hợp với các ngành và địa phương liên quan kiểm tra các phương tiện vận chuyển động vật và các sản phẩm động vật lưu thông xuất, nhập trên địa bàn tỉnh.

7. Công an tỉnh: Phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, xử lý các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vi phạm trong việc chấp hành các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường trong quá trình vận chuyển, lưu thông trên địa bàn.

8. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp với các đơn vị liên quan tham gia thẩm định các dự án, quy hoạch cơ sở giết mổ, buôn bán gia súc, gia cầm và sản phẩm sau giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.

9. Sở Xây dựng: Theo chức năng, nhiệm vụ chủ động tham mưu, chỉ đạo, kiểm tra thiết kế, xây dựng cơ sở giết mổ động vật đảm bảo đúng quy hoạch và các quy định hiện hành khác.

10. Sở Khoa học và Công nghệ: Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm về đo lường, chất lượng và nhãn hàng hóa đối với các sản phẩm hàng hóa xuất phát từ việc sơ chế sản phẩm động vật bắt buộc phải có nhãn hàng hóa theo quy định trên địa bàn tỉnh quản lý.

11. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Bắc Kạn, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền; kịp thời phát hiện, biểu dương các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt quy định, đồng thời phê bình các tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm hoặc có hành vi vi phạm trong lĩnh vực giết mổ động vật tại địa phương.

Điều 12. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

1. Chịu trách nhiệm về việc thực hiện các quy định quản lý hoạt động giết mổ, vận chuyển, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn; xác nhận Kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường đơn giản theo quy định.

2. Tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền, vận động các chủ cơ sở giết mổ động vật nhỏ, lẻ thực hiện nghiêm túc các quy định về giết mổ, kinh doanh, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn; rà soát, khuyến khích chủ cơ sở giết mổ nâng cấp, mở rộng quy mô cơ sở giết mổ hiện có để đáp ứng nhu cầu thực tế; loại bỏ các cơ sở, điểm giết mổ không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y và điều kiện về an toàn thực phẩm trong quá trình giết mổ, chế biến.

3. Căn cứ vào công suất giết mổ của các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ để lập kế hoạch, quy hoạch xây dựng cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn trong giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

4. Chỉ đạo các Phòng, Ban chuyên môn cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các cơ sở giết mổ động vật trên địa bàn theo quy định; thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động giết mổ động vật của các cơ sở trên địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật.

Điều 13. Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn

1. Phối hợp với cơ quan thú y rà soát, thống kê, quản lý các cơ sở giết mổ, cơ sở sơ chế, chế biến, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật theo quy định; thường xuyên kiểm tra, giám sát điều kiện vệ sinh thú y đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các cơ sở giết mổ trên địa bàn quản lý.

2. Phối hợp với cơ quan chuyên môn xem xét, lựa chọn cán bộ có chuyên môn cử đi đào tạo tập huấn để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ thực hiện công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y trên địa bàn quản lý.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 14. Tổ chức thực hiện

1. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Công an tỉnh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Bắc Kạn, Cổng Thông tin điện tử, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ tổ chức thực hiện nội dung Quy định này.

2. Đối với các cơ sở giết mổ động vật không đảm bảo các yêu cầu nêu trên phải ngừng hoạt động và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có những vấn đề phát sinh cần sửa đổi, bổ sung, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm trao đổi với các Sở, Ngành liên quan và đề xuất của các địa phương có cơ sở giết mổ động vật đang hoạt động, tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.