Nghị quyết 73/2017/NQ-HĐND về Quy hoạch mạng lưới cơ sở Giáo dục nghề nghiệp tỉnh Bình Định đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030
- Số hiệu văn bản: 73/2017/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Bình Định
- Ngày ban hành: 14-07-2017
- Ngày có hiệu lực: 24-07-2017
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 22-01-2019
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 2: 11-07-2019
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2680 ngày (7 năm 4 tháng 5 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 73/2017/NQ-HĐND | Bình Định, ngày 14 tháng 7 năm 2017 |
NGHỊ QUYẾT
BAN HÀNH QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI CƠ SỞ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP TỈNH BÌNH ĐỊNH ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH
KHÓA XII, KỲ HỌP THỨ 4
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 48/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục nghề nghiệp;
Nghị định số 143/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp;
Căn cứ Quyết định số 54/2009/QĐ-TTg ngày 14 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định đến năm 2020;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV ngày 19 tháng 10 năm 2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Nội vụ về Hướng dẫn việc sáp nhập Trung tâm Dạy nghề, Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp công lập cấp huyện thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên;
Xét Tờ trình số 69/TTr-UBND ngày 29 tháng 6 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định về Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh Bình Định đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra số 14/BC-VHXH ngày 07 tháng 7 năm 2017 của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Quy hoạch mạng lưới cơ sở Giáo dục nghề nghiệp tỉnh Bình Định đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Điều 2. Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.
Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Điều 4. Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 29/2007/NQ-HĐND ngày 19 tháng 12 năm 2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề tỉnh Bình Định đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định Khóa XII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 14 tháng 7 năm 2017 và có hiệu lực từ ngày 24 tháng 7 năm 2017./.
| CHỦ TỊCH |
QUY HOẠCH
MẠNG LƯỚI CƠ SỞ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP TỈNH BÌNH ĐỊNH ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 73/2017/NQ-HĐND ngày 14 tháng 7 năm 2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định)
Phần thứ nhất
THỰC TRẠNG MẠNG LƯỚI CƠ SỞ ĐÀO TẠO CỦA TỈNH BÌNH ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
I. Kết quả đạt được
1. Số lượng cơ sở đào tạo
Toàn tỉnh có 40 cơ sở đào tạo. Bao gồm: 03 trường Cao đẳng (trong đó: 02 trường Cao đẳng nghề, 01trường Cao đẳng Y tế); 04 trường Trung cấp (trong đó: 02 trường Trung cấp nghề, 02 trường Trung cấp chuyên nghiệp); 11 Trung tâm Dạy nghề (có 07 Trung tâm dạy nghề công lập); 11 Trung tâm Giáo dục Thường xuyên - Hướng nghiệp và 11 Trung tâm khác có dạy nghề (không tính trường Cao đẳng Bình Định và Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh).
2. Quy mô, kết quả, ngành nghề đào tạo
a. Quy mô đào tạo
Trình độ Cao đẳng nghề 1.650 người/năm, Cao đẳng 500 người/năm, Trung cấp nghề 2.735người/năm, Trung cấp chuyên nghiệp 3.425 người/năm, Sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng 37.367 lượt người/năm.
b. Các nghề đào tạo
- Cấp độ Quốc tế: Cơ điện tử, Công nghệ sinh học, Vận hành thi công nền.
- Cấp độ Khu vực: Điện công nghiệp, Điện tử công nghiệp, Hàn.
- Cấp độ Quốc gia: Cắt gọt kim loại, Công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm) Công nghệ ô tô, Lâm sinh, Khảo sát địa hình, Điện dân dụng, Chế biến và bảo quản thủy sản, Cấp thoát nước, Gia công và thiết kế sản phẩm mộc, Sản xuất hàng mây tre đan, Sửa chữa và lắp ráp máy tính, Công nghệ cắt may, Kỹ thuật chế biến món ăn, Nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc - gia cầm, Kế toán - tài chính, Công tác xã hội, và một số nghề khác …
c. Kết quả đào tạo
Từ năm 2011 đến năm 2015 đào tạo được 117.929 lao động. Trong đó: trình độ cao đẳng nghề 6.500 người (chiếm 5,5%), trình độ cao đẳng 2.042 người (1,73%), trình độ trung cấp nghề 7.084 người (6,0%), trình độ trung cấp chuyên nghiệp 3.908 người (2.62%), trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng 98.395 lượt người (83,43%).
3. Đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý a. Đội ngũ giáo viên, giảng viên
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 1.059 giáo viên, giảng viên. Trong đó: Trình độ tiến sỹ 03 người; trình độ thạc sỹ 196 người; trình độ đại học 629 người; trình độ cao đẳng 66 người và trình độ trung cấp và công nhân kỹ thuật 165 người.
- Về kỹ năng nghề: Bậc 5/7,4/6 có 83 người; Bậc 4/7, 3/6 có 62 người; Bậc 3/7, 2/6 có 59 người.
- Về nghiệp vụ sư phạm: Sư phạm kỹ thuật 133 người; Sư phạm dạy nghề 396 người; Bậc I: 73 người; bậc II: 245 người.
- Ngoại ngữ: Đạt chuẩn 902 người; chưa đạt chuẩn 157 người.
- Tin học: Đạt chuẩn 927 người; chưa đạt chuẩn 132 người.
b. Cán bộ quản lý
Cán bộ quản lý có 205 người. Trong đó: trình độ tiến sỹ 01 người; trình độ thạc sỹ 74 người; trình độ đại học 105 người; trình độ cao đẳng 09 người; trình độ trung cấp và công nhân kỹ thuật 16 người.
4. Cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo a. Cơ sở vật chất
Tổng diện tích đất 806.078 m2. Diện tích xây dựng 207.137 m2, trong đó: Phòng học lý thuyết 514 phòng với 41.841 m2; Xưởng thực hành, thí nghiệm 305 xưởng với 82.416 m2; Thư viện 20 phòng với 1.655 m2; Nhà hiệu bộ 32 nhà với 23.509 m2; Ký túc xá 18 nhà với 16.049 m2; Xây dựng khác với 41.667m2.
b. Thiết bị đào tạo
Trang thiết bị đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề chủ yếu được đầu tư từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Việc làm và Dạy nghề và từ tài trợ của tổ chức Quốc tế (chủ yếu là Trường Cao đẳng nghề Quy Nhơn). Hàng năm, nhà nước bổ sung kinh phí đầu tư thêm cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đào tạo nghề, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng nhu cầu.
II. Hạn chế và nguyên nhân
1. Hạn chế
- Mạng lưới cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh phân bố tập trung ở thành phố Quy Nhơn. Một số trung tâm dạy nghề quy mô đào tạo còn nhỏ, ngành nghề đào tạo ít chưa phù hợp với sản xuất kinh doanh và dịch vụ phát triển kinh tế địa phương, nhất là đào tạo nghề trình độ cao; các Trung tâm dạy nghề của Hội đoàn thể không đạt chuẩn theo quy định; thiết bị đào tạo nghề thiếu và lạc hậu.
- Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đào tạo nghề còn thiếu về số lượng, hạn chế về chuyên môn, nhất là kỹ năng thực hành nghề, chưa hợp lý về cơ cấu ngành nghề đào tạo. Các trung tâm dạy nghề của các Hội, Đoàn thể biên chế còn ít chưa đảm bảo để thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề và nâng cao chất lượng đào tạo nghề.
- Việc thực hiện xã hội hóa với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa phát huy. Rà soát, đánh giá hiệu quả có việc làm, thu nhập của người lao động đã qua đào tạo nghề tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh chưa được quan tâm chú trọng.
2. Nguyên nhân
- Quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề trước đây có những bất cập so với thực tiễn. Giai đoạn này chưa có quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, chưa có dự báo được nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề ở từng cấp độ trong từng giai đoạn phát triển, mục tiêu về tuyển sinh đào tạo quá cao;
- Ngân sách nhà nước bố trí cho đào tạo nghề chưa tương xứng với yêu cầu tăng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo. Việc đầu tư cho cơ sở đào tạo nghề, nhất là lĩnh vực khoa học - kỹ thuật cần một lượng kinh phí lớn, đặc biệt đầu tư thiết bị đào tạo nghề công nghệ cao. Hàng năm kinh phí đầu tư cho các cơ sở đào tạo nghề còn hạn chế, thiếu tập trung, nguồn đầu tư chủ yếu phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Trung ương từ các Chương trình Mục tiêu quốc gia.
Phần thứ hai
QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI CƠ SỞ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP CỦA TỈNH BÌNH ĐỊNH ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
I. Sự cần thiết xây dựng quy hoạch
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã chỉ rõ: “Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực. Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho đất nước, cho từng ngành, từng lĩnh vực, với những giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung cho giải pháp đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực trong nhà trường cũng như trong quá trình sản xuất kinh doanh, chú trọng nâng cao tính chuyên nghiệp và kỹ năng thực hành. Phát triển hợp lý, hiệu quả các loại hình trường ngoài công lập đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”.
Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh Bình Định nêu rõ: “Củng cố, sắp xếp các trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp và trung tâm dạy nghề, bảo đảm công tác dạy nghề đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường lao động trong tỉnh… Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục - đào tạo, nhất là trên lĩnh vực đào tạo nghề và giáo dục mầm non. Thực hiện bình đẳng trong phát triển giáo dục - đào tạo. Hỗ trợ phát triển hài hòa giữa giáo dục công lập và giáo dục ngoài công lập, giữa các vùng. Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa”.
Ngày 27 tháng 11 năm 2014, Luật Giáo dục nghề nghiệp đã được Quốc hội Khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 8 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2015. Đây là đạo luật thể chế hóa mạnh mẽ chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nói chung, giáo dục nghề nghiệp nói riêng theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI. Nghị quyết số 76/NĐ-CP ngày 03/9/2016 phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 8/2016, Chính phủ thống nhất giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, Nghị quyết nhấn mạnh: “khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, đồng thời phối hợp với các Bộ, cơ quan quản lý trực tiếp của các trường cao đẳng, trường trung cấp khẩn trương chỉ đạo thực hiện tự chủ trong hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp để giảm nhanh can thiệp hành chính của Bộ chủ quản và UBND cấp tỉnh” giải quyết một số vấn đề vướng mắc, chồng chéo trong thực tiễn, tạo nên diện mạo mới của hệ thống giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập với các nước trong khu vực và Quốc tế.
Do vậy, để đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn mới, cần Quy hoạch mạng lưới cơ sở Giáo dục nghề nghiệp tỉnh Bình Định đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 nhằm đưa ra những mục tiêu, định hướng, quan điểm và giải pháp phát triển mạng lưới CSGDNN của tỉnh trong những năm tới, với những nội dung như sau:
II. Mục đích, yêu cầu, phạm vi, đối tượng quy hoạch
1. Mục đích
- Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (viết tắt là CSGDNN) đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 là một bước triển khai thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp, làm cơ sở cho việc xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp 5 năm và hàng năm của tỉnh, nhằm chuẩn bị các nguồn lực để đào tạo nhân lực trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường lao động của tỉnh, cả nước và hội nhập quốc tế.
- Đánh giá các lợi thế, các yếu tố tiềm năng, nguồn lực phát triển cũng như những khó khăn, hạn chế và tồn tại trong phát triển mạng lưới CSGDNN của tỉnh. Dự báo nhu cầu về phát triển mạng lưới CSGDNN của tỉnh trong thời gian tới; khả năng huy động các nguồn lực để thực hiện mục tiêu phát triển mạng lưới CSGDNN của tỉnh; đưa ra các giải pháp thực hiện quy hoạch cho phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Phát triển đồng bộ với cơ cấu hợp lý hệ thống mạng lưới trường cao đẳng, trường trung cấp và trung tâm giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhằm đào tạo nguồn nhân lực đủ về số lượng, có chất lượng và kỹ thuật, cơ cấu ngành, nghề và trình độ đào tạo phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động; chất lượng đào tạo một số nghề đạt trình độ khu vực ASEAN và thế giới; hình thành đội ngũ lao động lành nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh; phổ cập nghề cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập, giảm nghèo vững chắc, đảm bảo an sinh xã hội.
2. Yêu cầu
- Quy hoạch mạng lưới CSGDNN đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 phải phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược, Quy hoạch phát triển nhân lực, Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp của tỉnh và cả nước.
- Phát huy tốt năng lực đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu lao động ở các cấp trình độ cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
- Đảm bảo tính khả thi, phù hợp với khả năng đầu tư của Nhà nước và huy động nguồn lực xã hội, tạo điều kiện để mọi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ở trong và ngoài nước thành lập CSGDNN, mở rộng hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp.
3. Phạm vi và đối tượng
Quy hoạch mạng lưới CSGDNN đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, bao gồm: trường cao đẳng, trường trung cấp và trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập và tư thục.
III. Quan điểm và mục tiêu quy hoạch
1. Quan điểm
- Quy hoạch mạng lưới CSGDNN phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của tỉnh trong từng thời kỳ và phát huy năng lực, hiệu quả của các CSGDNN hiện có.
- Quy hoạch mạng lưới CSGDNN theo ngành nghề và theo 03 cấp trình độ theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, đảm bảo phù hợp với khả năng đầu tư của Nhà nước và khả năng huy động nguồn lực xã hội để phát triển mạng lưới CSGDNN.
- Hình thành mạng lưới CSGDNN chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có tay nghề cao phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Tạo điều kiện thuận lợi và đáp ứng nhu cầu của người học, nhất là các đối tượng chính sách, người yếu thế trong xã hội.
2. Mục tiêu
a. Mục tiêu chung
Quy hoạch mạng lưới CSGDNN theo hướng đồng bộ tập trung tinh gọn, cơ cấu hợp lý cả về trình độ và ngành nghề đào tạo gắn kết cơ sở đào tạo với doanh nghiệp và thị trường lao động nhằm hình thành mạng lưới CSGDNN chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nhân lực có tay nghề cao phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa của tỉnh, đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của thị trường lao động về số lượng và chất lượng, cơ cấu ngành, nghề và trình độ đào tạo, đảm bảo chất lượng đào tạo của một số nghề tương đồng với các địa phương, đạt trình độ ngang bằng các nước phát triển trong khu vực.
b. Mục tiêu cụ thể
- Giai đoạn 2017 - 2020: Đào tạo mới cho khoảng 157.500 người, trong đó: đào tạo trình độ cao đẳng 11.800 người, trung cấp 8.900 người (khoảng 40% được đào tạo theo các ngành, nghề trọng điểm cấp độ Quốc gia, khu vực ASEAN và Quốc tế theo cơ chế nhà nước đặt hàng đào tạo); đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên 136.800 người lao động (khoảng 70% là lao động nông thôn); tỷ lệ lao động qua đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghề đạt 56%.
- Giai đoạn 2021- 2030: Đào tạo mới cho khoảng 275.500 người, trong đó: đào tạo trình độ cao đẳng 68.875 người (25%), trung cấp 55.100 người (20%), đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên 151.525 người lao động (55%); tỷ lệ lao động qua đào tạo giáo dục nghề nghiệp đạt 75% vào năm 2030.
IV. Giải pháp và nội dung quy hoạch
1. Giải pháp quy hoạch
- Không thành lập mới trường cao đẳng, trường trung cấp và trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập, chỉ nâng cấp, sáp nhập các CSGDNN hiện có; khuyến khích Trung tâm tư thục có vốn đầu tư.
- Tái cấu trúc lại mạng lưới CSGDNN theo hướng giảm đầu mối, tăng quy mô tuyển sinh; các trường cao đẳng, trung cấp đào tạo đa cấp trình độ, đa ngành nghề; tăng cường liên kết với các cơ sở giáo dục đào tạo uy tín trong và ngoài nước ở một số ngành nghề yêu cầu chất lượng lao động cao mà tại các CSGDNN trong tỉnh chưa đáp ứng được.
- Chuyển chức năng, nhiệm vụ giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp về cho các trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông thực hiện việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp và phổ cập THPT.
2. Nội dung quy hoạch
a. Giai đoạn 2017 - 2020: Tổng thể các CSGDNN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 được thực hiện phân kỳ theo từng giai đoạn như sau:
* Giai đoạn 2017 - 2018:
- Sáp nhập 03 Trung tâm Dạy nghề (An Nhơn, Tây Sơn, Phù Mỹ) vào Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp huyện, thị xã và đổi tên thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (viết tắt là GDNN-GDTX)
- Đổi tên và bổ sung chức năng, nhiệm vụ của 08 Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp huyện, thành phố thành Trung tâm GDNN-GDTX.
- Bổ sung thêm nhiệm vụ đào tạo nghề Du lịch cho Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Bình Định và đổi tên thành Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Bình Định.
- Đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 22 CSGDNN, bao gồm:
+ Có 03 trường Cao đẳng: Trường Cao đẳng Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn và Trường Cao đẳng Y tế Bình Định.
+ Có 04 trường Trung cấp: Trường Trung cấp Kỹ thuật Công nghệ Hoài Nhơn, Trường Trung cấp Thủ công mỹ nghệ Bình Định, Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Bình Định và Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Bình Định.
+ Có 15 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp: Trung tâm GDNN - GDTX Quy Nhơn, Trung tâm GDNN - GDTX An Nhơn; Trung tâm GDNN - GDTX Tuy Phước, Trung tâm GDNN - GDTX Phù Cát, Trung tâm GDNN - GDTX Phù Mỹ, Trung tâm GDNN - GDTX Hoài Ân, Trung tâm GDNN - GDTX Hoài Nhơn, Trung tâm GDNN
- GDTX Tây Sơn, Trung tâm GDNN - GDTX Vân Canh, Trung tâm GDNN - GDTX Vĩnh Thạnh, Trung tâm GDNN - GDTX An Lão, Trung tâm GDNN Công đoàn Bình Định, Trung tâm GDNN và Giới thiệu việc làm Thanh niên, Trung tâm GDNN Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và Trung tâm GDNN và Hỗ trợ Nông dân Bình Định.
* Giai đoạn 2019 - 2020:
- Sáp nhập 03 Trung tâm GDNN các Hội đoàn thể (Trung tâm GDNN và Giới thiệu việc làm Thanh niên Bình Định, Trung tâm GDNN Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Định và Trung tâm GDNN và Hỗ trợ Nông dân Bình Định) vào Trường Trung cấp Thủ công mỹ nghệ Bình Định và đổi tên thành Trường Trung cấp Kỹ thuật tổng hợp Bình Định; đồng thời bổ sung chức năng, nhiệm vụ bồi dưỡng, tập huấn và truyền nghề.
- Nâng cấp Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Bình Định thành Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Bình Định (khi đủ điều kiện).
- Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 19 CSGDNN, bao gồm:
+ Có 04 trường Cao đẳng: Trường Cao đẳng Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, Trường Cao đẳng Y tế Bình Định và Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Bình Định.
+ Có 03 trường Trung cấp: Trường Trung cấp Kỹ thuật Công nghệ Hoài Nhơn, Trường Trung cấp Kỹ thuật tổng hợp Bình Định và Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Bình Định.
+ Có 12 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp: Trung tâm GDNN - GDTX Quy Nhơn, Trung tâm GDNN - GDTX An Nhơn, Trung tâm GDNN - GDTX Tuy Phước, Trung tâm GDNN - GDTX Phù Cát, Trung tâm GDNN - GDTX Phù Mỹ, Trung tâm GDNN - GDTX Hoài Ân, Trung tâm GDNN - GDTX Hoài Nhơn, Trung tâm GDNN
- GDTX Tây Sơn, Trung tâm GDNN - GDTX Vân Canh, Trung tâm GDNN - GDTX Vĩnh Thạnh, Trung tâm GDNN - GDTX An Lão và Trung tâm GDNN Công đoàn Bình Định.
b. Giai đoạn 2021 - 2030: Tổng thể các CSGDNN trên địa bàn tỉnh đến năm 2021 và tầm nhìn đến năm 2030 được thực hiện như sau:
- Các Trung tâm GDNN-GDTX ở các huyện, thị xã, thành phố chuyển chức năng Giáo dục thường xuyên về các trường THPT để thực hiện phổ cập bậc THPT. Đồng thời, chuyển chức năng Hướng nghiệp về THCS, THPT để thực hiện việc phân luồng học sinh; tất cả cơ sở Giáo dục nghề nghiệp chuyển sang cơ chế tự chủ hoàn toàn hoặc tự chủ một phần.
- Sáp nhập các Trung tâm GDNN-GDTX vào các trường Trung cấp trên địa bàn tỉnh, cụ thể:
+ Trung tâm GDNN-GDTX các huyện: Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phù Mỹ và An Lão vào trường Trung cấp Kỹ thuật Công nghệ Hoài Nhơn.
+ Trung tâm GDNN-GDTX các huyện: Tây Sơn, Phù Cát, Vĩnh Thạnh và thị xã An Nhơn vào trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Bình Định.
+ Trung tâm GDNN-GDTX các huyện: Tuy Phước, Vân Canh và thành phố Quy Nhơn vào trường Trung cấp Thủ công mỹ nghệ Bình Định. Đến hết năm 2030, toàn tỉnh có 08 CSGDNN, bao gồm:
+ Có 04 trường Cao đẳng: Trường Cao đẳng Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, Trường Cao đẳng Y tế Bình Định và Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Bình Định.
+ Có 03 trường Trung cấp: Trường Trung cấp Kỹ thuật Công nghệ Hoài Nhơn, Trường Trung cấp Kỹ thuật tổng hợp Bình Định và Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Bình Định.
+ Có 01 Trung tâm GDNN: Trung tâm GDNN Công đoàn Bình Định.
c. Lộ trình tự chủ kinh phí:
Thực hiện cơ chế đấu thầu hoặc đặt hàng; cơ chế về tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đối với các CSGDNN công do Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên từng giai đoạn:
- Giai đoạn 2017 - 2020:
+ Thực hiện tự chủ hoàn toàn: Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn.
+ Thực hiện cơ chế đặt hàng, giao chỉ tiêu, bao gồm: Trường Cao đẳng Y tế Bình Định, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Bình Định và Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Bình Định.
+ Ngân sách nhà nước chỉ cấp đảm bảo chi tiền lương, các khoản chi phí khác tự trang trải, bao gồm: Trường Trung cấp Kỹ thuật Công nghệ Hoài Nhơn và Trường Trung cấp Thủ công mỹ nghệ Bình Định.
+ Ngân sách nhà nước bao cấp hoàn toàn gồm 14 Trung tâm GDNN-GDTX các huyện, thị xã, thành phố.
+ Trung tâm GDNN Công đoàn Bình Định thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được hoạt động theo ngân sách của công đoàn.
+ Trường Cao đẳng Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện theo lộ trình tự chủ kinh phí của Bộ.
- Giai đoạn 2021 - 2030:
+ Thực hiện tự chủ hoàn toàn 02 trường Cao đẳng: Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, Trường Cao đẳng Y tế Bình Định.
+ Thực hiện cơ chế đặt hàng, giao chỉ tiêu: Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Bình Định và Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Bình Định.
+ Ngân sách nhà nước chỉ cấp đảm bảo chi tiền lương, các khoản chi phí khác tự trang trải, bao gồm: Trường Trung cấp Kỹ thuật Công nghệ Hoài Nhơn và Trường Trung cấp Kỹ thuật tổng hợp Bình Định.
+ Ngân sách nhà nước chỉ cấp đảm bảo chi thường xuyên 70% kinh phí, gồm 11 Trung tâm GDNN-GDTX các huyện, thị xã, thành phố cho đến khi sáp nhập vào các trường trung cấp.
+ Trung tâm GDNN Công đoàn Bình Định thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam được hoạt động theo ngân sách của công đoàn.
+ Trường Cao đẳng Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện theo lộ trình tự chủ kinh phí của Bộ.
V. Kinh phí thực hiện
Nguồn kinh phí thực hiện, bao gồm:
- Kinh phí từ ngân sách Trung ương; ngân sách tỉnh; ngân sách các huyện, thị xã, thành phố theo phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước hiện hành;
- Kinh phí Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp;
- Kinh phí tài trợ hợp pháp khác của các tổ chức trong và ngoài nước;
- Các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
VI. Các giải pháp thực hiện
1. Quản lý nhà nước về Giáo dục nghề nghiệp
- Thực hiện tốt các quy định về đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; xếp hạng CSGDNN; kiểm định chất lượng và kiểm định chương trình đào tạo giáo dục nghề nghiệp.
- Xây dựng cơ chế thực hiện sản xuất độc lập về mô hình nhà xưởng gắn với CSGDNN.
- Đổi mới phương pháp, hoàn thiện và nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động quản lý giáo dục nghề nghiệp.
- Đổi mới phương thức công tác tuyển sinh, tăng quy mô tuyển sinh ở trình độ trung cấp, cao đẳng. Đẩy mạnh liên kết đào tạo và đào tạo theo nhu cầu, địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp.
- Triển khai thực hiện hệ thống chính sách và công cụ khuyến khích, thúc đẩy đào tạo phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.
2. Các điều kiện đảm bảo chất lượng
- Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý: Tăng cường chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cho các trường và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp bằng cách đào tạo mới, đào tạo lại và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ sư phạm, bồi dưỡng kỹ năng nghề để phù hợp với yêu cầu thực tế. Thực hiện chính sách ưu đãi, phụ cấp đặc thù đối với nhà giáo. Chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy các nghề trọng điểm cấp độ khu vực và quốc tế về kỹ năng nghề và năng lực sư phạm của các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN và các nước phát triển trên thế giới.
- Huy động các nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật, nghệ nhân, người có tay nghề cao, nông dân sản xuất giỏi tham gia giảng dạy trong các CSGDNN.
- Đối với các nghề trọng điểm thực hiện chương trình đào tạo dựa trên các chuẩn đầu ra, các nghề không được quy hoạch nghề trọng điểm do các trường tự xây dựng chương trình đào tạo dựa trên chuẩn đầu ra đã được ban hành; đối với các nghề cấp độ khu vực và quốc tế, tiếp nhận và sử dụng chương trình, giáo trình dạy nghề của các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN và quốc tế phù hợp với thị trường lao động Việt Nam. Chương trình, giáo trình dạy nghề trình độ sơ cấp và đào tạo theo các chương trình giáo dục nghề nghiệp khác cho người lao động do CSGDNN tự xây dựng chương trình đào tạo dựa trên chuẩn đầu ra đã được ban hành.
- Từng bước chuẩn hóa, hiện đại hóa cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo: Đối với các nghề trọng điểm quốc gia, các nghề cấp độ khu vực và quốc tế, tiếp nhận và áp dụng tiêu chuẩn cơ sở vật chất, danh mục thiết bị đào tạo trọng điểm quốc gia và các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN và quốc tế. Tăng cường đầu tư thiết bị đồng bộ và tiêu chuẩn cho từng ngành, nghề, đặc biệt đối với các nghề trọng điểm cấp quốc gia, khu vực, quốc tế. Đối với các nghề không thuộc danh mục các nghề trọng điểm, áp dụng tiêu chuẩn cơ sở vật chất, danh mục thiết bị đào tạo tối thiểu.
3. Giải pháp đẩy mạnh phát triển xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp
- Ngân sách nhà nước tiếp tục giữ vai trò chủ đạo để thực hiện quy hoạch, tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.
- Thực hiện đầu tư tập trung và đồng bộ đối với các trường cao đẳng, trung cấp theo quy hoạch trong đó, ưu tiên đầu tư các trường được công nhận trường chất lượng cao, trường đạt đẳng cấp khu vực và quốc tế đến năm 2020.
- Thực hiện việc chuyển từ cơ chế cấp kinh phí chi thường xuyên hàng năm theo dự toán cho các CSGDNN công lập sang cơ chế nhà nước đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ với các CSGDNN trên cơ sở hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng đầu ra không phân biệt hình thức sở hữu.
- Thực hiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các CSGDNN cung ứng một số nghề trọng điểm, nghề đáp ứng nhu cầu cho các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, nghề nặng nhọc, độc hại, khó tuyển sinh mà nhu cầu sản xuất đang cần tuyển dụng, nghề mà thị trường lao động thiếu nhưng do chi phí đào tạo cao nên các CSGDNN không muốn đào tạo.
- Khuyến khích hợp tác, liên kết giữa các CSGDNN với các cá nhân, doanh nghiệp có uy tín trong và ngoài nước để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
- Đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước để phát triển giáo dục nghề nghiệp trên cơ sở các đơn vị giáo dục nghề nghiệp công lập hiện có về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề…, đồng thời thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng; Nhà nước thực hiện cho thuê đất để khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư phát triển CSGDNN tư thục và CSGDNN có vốn đầu tư nước ngoài.
- Thực hiện đào tạo nghề nghiệp theo nhu cầu xã hội, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty liên doanh, các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, nhất là quá trình chuyển giao công nghệ, cải thiện về các yếu tố về mặt pháp lý.
- Nhà nước thực hiện việc đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng một phần hoặc toàn bộ công trình xã hội hóa hoặc sử dụng quỹ nhà, cơ sở hạ tầng hiện có để cho CSGDNN thực hiện xã hội hóa thuê, sử dụng có thời hạn.
4. Gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp
- Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động để gắn kết việc đào tạo với sử dụng lao động, đảm bảo cho các hoạt động của hệ thống giáo dục nghề nghiệp hướng vào việc đáp ứng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu của người sử dụng lao động và giải quyết việc làm.
- Khuyến khích các doanh nghiệp thành lập CSGDNN hoặc tổ chức dạy nghề tại doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu cho doanh nghiệp; tăng cường hình thức giáo dục nghề nghiệp theo hợp đồng đặt hàng đào tạo giữa CSGDNN với doanh nghiệp, đảm bảo cho người học nghề sau khi kết thúc khóa học có việc làm.
- Đẩy mạnh việc mời doanh nghiệp tham gia vào quá trình giảng dạy và chấm thi tốt nghiệp đánh giá năng lực về kiến thức, kỹ năng, thái độ của học sinh, sinh viên khi tốt nghiệp.
5. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp
Tăng cường hợp tác quốc tế kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài nhằm xây dựng một số trường chất lượng cao; liên kết đào tạo nghề nghiệp với các trường có đẳng cấp quốc tế. Tăng cường đưa giáo viên (chủ yếu đối với những nghề trọng điểm cấp quốc tế, cấp khu vực ASEAN) và cán bộ quản lý Giáo dục nghề nghiệp đi đào tạo tiếng Anh, kỹ năng nghề, học tập kinh nghiệm quản lý dạy nghề ở nước ngoài. Hợp tác với các nước có trình độ đào tạo tiên tiến trong khu vực và quốc tế để từng bước tiếp thu, chuyển giao công nghệ đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao.
Phần thứ ba
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Công bố Quy hoạch mạng lưới CSGDNN để các cơ quan tổ chức, cá nhân và nhân dân trong tỉnh biết và thực hiện.
- Phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương liên quan sắp xếp, sáp nhập các trường, trung tâm giáo dục nghề nghiệp theo quy hoạch này.
- Căn cứ mục tiêu, các chỉ tiêu và định hướng phát triển của quy hoạch này, tổ chức xây dựng các chương trình mục tiêu, đề án và dự án đầu tư phù hợp, đồng thời đề ra các giải pháp đồng bộ nhằm phát huy tối đa các nguồn lực phục vụ sự phát triển giáo dục nghề nghiệp của tỉnh. Thực hiện đổi mới tổ chức quản lý và cải cách hành chính tạo môi trường thuận lợi khuyến khích thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, chủ động khai thác các tiềm năng, nguồn lực để thực hiện tốt các mục tiêu phát triển và định hướng quy hoạch. Theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình và chỉ đạo thực hiện quy hoạch, định kỳ tổ chức đánh giá và đề xuất điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Ngoài mục tiêu về số lượng CSGDNN theo quy hoạch tại Quy hoạch này, nếu các nhà đầu tư, doanh nghiệp... có các Dự án thành lập mới trường Cao đẳng hoặc trường Trung cấp hoặc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập trên địa bàn tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xem xét, báo cáo UBND tỉnh quyết định.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo
Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nội vụ và các địa phương tiến hành sắp xếp, chuyển chức năng GDTX, hướng nghiệp các trường, trung tâm GDNN-GDTX theo quy hoạch; thực hiện chủ trương phân luồng học sinh sau phổ thông cơ sở, phổ thông trung học. Đồng thời đặt hàng, đấu thầu về hướng nghiệp.
3. Sở Nội vụ
Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương liên quan sắp xếp, sáp nhập các trường, trung tâm giáo dục nghề nghiệp theo quy hoạch; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo và các địa phương về sắp xếp biên chế, thang bảng lương của đội ngũ nhà giáo và người học sau khi tốt nghiệp các trình độ làm việc tại cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tham mưu trình UBND ban hành các văn bản pháp quy có liên quan đến cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, thành lập mới các CSGDNN, cân đối vốn để nâng cấp các CSGDNN công lập theo quy hoạch của tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, đề xuất UBND tỉnh phân bổ kinh phí hàng năm thực hiện quy hoạch.
- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng các dự án để tranh thủ các nguồn viện trợ không hoàn lại, nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi của các nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ đầu tư phát triển mạng lưới CSGDNN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển nhân lực và khả năng cân đối của ngân sách tỉnh trong từng thời kỳ.
5. Sở Tài chính
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan xây dựng, trình cấp có thẩm quyền bố trí dự toán chi ngân sách nhà nước thực hiện công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển nhân lực và khả năng cân đối ngân sách của tỉnh trong từng thời kỳ.
- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các sở, ngành liên quan kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện quy hoạch.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường
Xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh đảm bảo bố trí quỹ đất dành cho phát triển CSGDNN phù hợp quy hoạch mạng lưới CSGDNN của tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Tham mưu UBND tỉnh các vấn đề có liên quan như: chính sách ưu đãi về sử dụng đất; công bố quy trình, thủ tục giải quyết việc giao đất, cho thuê đất đối với các CSGDNN thực hiện xã hội hóa. Giám sát, kiểm tra đối với các CSGDNN thực hiện xã hội hóa về việc quản lý, sử dụng đất đúng mục đích, hiệu quả; tham mưu UBND tỉnh xử lý vi phạm theo quy định pháp luật.
7. Các sở, ban, ngành liên quan; các tổ chức chính trị - xã hội và UBND các huyện, thị xã, thành phố
- Thực hiện rà soát, sắp xếp các CSGDNN hiện có để xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện theo quy hoạch mạng lưới CSGDNN đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý.
- Phối hợp với các sở, ban, ngành chuyên môn quy hoạch diện tích đất để nâng cấp CSGDNN phù hợp với chủ trương, chính sách, quy hoạch của tỉnh.
- Phê duyệt dự án đầu tư và bảo đảm nguồn lực đầu tư cho các CSGDNN thuộc quyền quản lý theo quy hoạch; quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực khác để thực hiện quy hoạch theo dự án đầu tư đã phê duyệt.
- Căn cứ quy hoạch, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp hàng năm và 05 năm phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phối hợp kiểm tra việc thực hiện các quy định về tổ chức và hoạt động của các CSGDNN./.