cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư 30/2017/TT-BYT về hướng dẫn phương pháp chế biến các vị thuốc cổ truyền do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu văn bản: 30/2017/TT-BYT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Bộ Y tế
  • Ngày ban hành: 11-07-2017
  • Ngày có hiệu lực: 28-08-2017
  • Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2701 ngày (7 năm 4 tháng 26 ngày)
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 30/2017/TT-BYT

Hà Nội, ngày 11 tháng 07 năm 2017

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN PHƯƠNG PHÁP CHẾ BIẾN CÁC VỊ THUỐC CỔ TRUYỀN

Căn cứ Luật Dược số 105/2016/QH13 ngày 06 tháng 4 năm 2016;

Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 06 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền,

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư hướng dẫn phương pháp chế biến các vị thuốc cổ truyền.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này hướng dẫn phương pháp chung chế biến các vị thuốc cổ truyền và phương pháp chế biến các vị thuốc cổ truyền cụ thể.

2. Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu có hoạt động chế biến các vị thuốc cổ truyền (sau đây viết tắt là cơ sở) và tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Chế biến các vị thuốc cổ truyền theo phương pháp cổ truyền là quá trình làm thay đổi về chất và lượng của dược liệu thành vị thuốc đã được chế biến theo lý luận và phương pháp của y học cổ truyền hoặc theo kinh nghiệm dân gian (gọi chung là nguyên lý của y học cổ truyền).

2. Sơ chế là các thao tác ngâm, ủ, rửa, phơi, sấy và thái phiến.

3. Thái phiến là quá trình phân chia dược liệu theo kích thước hợp lý.

4. Phức chế là quá trình chế biến phức tạp theo nguyên lý y học cổ truyền, sử dụng lửa, nước, hoặc kết hợp nước và lửa hoặc các phụ liệu khác nhau tùy theo yêu cầu của từng dược liệu nhằm đạt các yêu cầu cụ thể của từng vị thuốc trong điều trị.

5. Phụ liệu dùng trong chế biến các vị thuốc cổ truyền là những nguyên liệu được dùng trong các giai đoạn của quá trình chế biến nhằm tăng thêm tác dụng điều trị, hạn chế tác dụng không mong muốn, mùi vị khó chịu của vị thuốc.

Điều 3. Ban hành phương pháp chế biến các vị thuốc cổ truyền

1. Phương pháp chung chế biến các vị thuốc cổ truyền quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Phương pháp chế biến của 103 vị thuốc cổ truyền quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 4. Hướng dẫn sử dụng

1. Phương pháp chế biến chung các vị thuốc cổ truyền và phương pháp chế biến cụ thể của 103 vị thuốc cổ truyền quy định tại Phụ lục I và Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này để cơ sở xây dựng quy trình chế biến, sản xuất các vị thuốc cổ truyền của cơ sở.

2. Trường hợp cơ sở sử dụng phương pháp chế biến khác đối với các vị thuốc cổ truyền hiện đang lưu hành tại Việt Nam nhưng chưa được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này thì phải áp dụng phương pháp chế biến đã được in trong sách đào tạo dược sỹ, bác sỹ y học cổ truyền do Nhà xuất bản Y học phát hành chính thức.

Điều 5. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 28 tháng 8 năm 2017.

2. Thông tư này thay thế và chấm dứt hiệu lực của các văn bản: Quyết định số 39/2008/QĐ-BYT ngày 15/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Phương pháp chung chế biến các vị thuốc theo phương pháp cổ truyền; Quyết định số 3759/QĐ-BYT ngày 08/10/2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành phương pháp chế biến bảo đảm chất lượng đối với 85 vị thuốc đông y và Quyết định số 3635/QĐ-BYT ngày 16/09/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành phương pháp chế biến bảo đảm chất lượng đối với 18 vị thuốc đông y.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

1. Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp với Sở Y tế triển khai, giám sát việc thực hiện Thông tư này và kiểm tra các quy trình chế biến và trang thiết bị của cơ sở có hoạt động chế biến vị thuốc cổ truyền trên phạm vi toàn quốc.

2. Các cơ sở phải xây dựng các quy trình chế biến vị thuốc cổ truyền và sử dụng trang thiết bị phù hợp với hoạt động chế biến trên theo quy định tại Thông tư.

3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược cổ truyền và các đơn vị có liên quan trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề vướng mắc, các tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế để xem xét, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (Công báo; Cổng TTĐTCP);
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng BYT (để biết);
- Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc CP;
- Bộ Tư pháp (Cục kiểm tra VBQPPL);
- UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
- Sở Y tế tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
- Y tế các Bộ, Ngành;
- Tổng công ty Dược Việt Nam;
- Hiệp hội các doanh nghiệp dược VN;
- Hội Dược học Việt Nam;
- Hiệp hội dược liệu;
- Các DN SX, KD thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong nước và nước ngoài;
- Cổng thông tin điện tử BYT;
- Lưu: VT, PC, YDCT (03).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Viết Tiến

 

PHỤ LỤC I

PHƯƠNG PHÁP CHUNG CHẾ BIẾN CÁC VỊ THUỐC CỔ TRUYỀN

(Ban hành kèm theo Thông tư số: 30/2017/TT-BYT ngày 11/7/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phụ liệu dùng trong chế biến

1. Cám gạo

Sử dụng cám gạo (nếp hoặc tẻ) mới xay, màu hơi vàng nhạt, mịn, thơm..

a) Mục đích:

- Tăng tác dụng kiện tỳ;

- Làm giảm tính khô táo của vị thuốc cổ truyền (vị thuốc);

- Làm giảm tác dụng không mong muốn;

- Làm cho vị thuốc khô đều, vàng đều, và có mùi thơm.

b) Ứng dụng: Chế biến Bạch truật, Thương truật, Xương bồ...

2. Gạo

Sử dụng gạo nếp hoặc gạo tẻ, thường dùng gạo nếp.

a) Mục đích:

- Làm khô dược liệu quý;

- Làm thơm và vàng đều vị thuốc.

b) Ứng dụng: Chế biến Nhung hươu, Nhân sâm....

3. Nước vo gạo

Sử dụng nước gạo mới vo của gạo tẻ hoặc gạo nếp; nước có màu trắng, đặc, không có mùi chua, hoặc mùi lạ.

a) Mục đích:

- Loại bớt vị chát có trong dược liệu;

- Làm cho vị thuốc dễ uống hơn.

b) Ứng dụng: Chế biến Hà thủ ô đỏ, Hà thủ ô trắng, Thạch xương bồ, Xạ can...

4. Giấm

Sử dụng loại giấm thanh được chế từ các nguồn thực phẩm: bún, chuối... thể chất trong, không màu, hoặc hơi vàng, có vị chua, mùi giấm, nồng độ acid acetic từ 3,6-5,0 %, không được có các chất độc hại.

a) Mục đích:

- Dẫn thuốc vào kinh can;

- Tăng cường hoạt huyết, khứ ứ;

- Hành khí, giảm đau “thố chế trú can chi nhiệm thống”;

- Hòa hoãn tính dược, giảm tác dụng phụ;

- Làm giòn các dược liệu có thể chất cứng rắn, khử mùi hôi, tanh như xương động vật.

b) Ứng dụng: Chế biến Diên hồ sách, Tam lăng, Nga truật, Hương phụ... Miết giáp tôi giấm...

5. Rượu (tửu)

Sử dụng rượu được chưng cất từ gạo, ngô, sắn... đã được lên men, hàm lượng ethanol 30-40 %.

a) Mục đích:

- Dẫn thuốc lên thượng tiêu (làm thăng dương khí);

- Giảm tính hàn;

- Tăng cường hoạt huyết thông kinh hoạt lạc.

b) Ứng dụng: Chế biến Hoàng liên, Hoàng bá, Đại hoàng, Sơn thù du, Thục địa, Hà thủ ô đỏ, Ngưu tất, Xuyên khung, Đan sâm...

6. Dầu vừng

a) Mục đích:

- Giảm độc (khi rán dầu);

- Làm cho vị thuốc trở nên giòn, xốp, dễ nghiền tán.

b) Ứng dụng: Chế biến Mã tiền, Tam thất...

7. Dịch gừng tươi (Sinh khương)

Sử dụng những củ gừng tươi, già (chắc, thơm) rửa sạch, thái mỏng, giã nát, vắt lấy nước cốt, giã tiếp, thêm nước vài lần, vắt, để có đủ dịch tẩm thuốc. Lượng nước thêm vào phụ thuộc vào số lượng thể chất của dược liệu.

a) Mục đích:

- Tăng tính ấm cho vị thuốc (tăng tính dương);

- Tăng tác dụng chỉ ho, hóa đờm;

- Làm giảm tính ngứa, tính kích thích cổ họng của vị thuốc;

- Làm sạch và thơm vị thuốc (xương động vật).

b) Ứng dụng: Chế biến Bán hạ, Thục địa, Đảng sâm…..

8. Mật ong

Sử dụng mật luyện (mật đã được nấu sôi, vớt bỏ tạp, sáp, xác ong... rồi lọc). Mật luyện có vị thơm ngọt, màu hơi vàng, sánh. Tùy theo loại mật có thể pha thêm lượng nước thích hợp để chích tẩm.

a) Mục đích

- Kiện tỳ;

- Tăng tác dụng nhuận phế, chỉ ho, hóa đờm;

- Tăng tác dụng bổ dưỡng;

- Hòa hoãn dược tính.

b) Ứng dụng: Chế biến Tang bạch bì, Tử uyển, Khoản đông hoa, Tiền hồ, Bách hợp, Tỳ bà diệp, Cam thảo, Hoàng kỳ, Ma hoàng....

9. Văn cáp (bột vỏ hàu, hến) hoặc hoạt thạch

Sử dụng vỏ hàu, hến ngâm, rửa sạch, phơi, nung ở nhiệt độ cao, tán lấy bột mịn.

a) Mục đích:

- Để sao khô các vị thuốc là cao chế từ động vật tránh dính vào nhau hoặc chạm đáy chảo;

- Hạn chế mùi hôi, tanh của các vị thuốc;

- Làm cho vị thuốc trở nên giòn, dễ tán thành bột, khi bào chế.

b) Ứng dụng: Chế biến A giao, cao Ban long...

10. Muối ăn

Sử dụng dung dịch muối ăn sạch. Thành phần của muối ăn chủ yếu là natri clorid (NaCl).

a) Mục đích

- Giảm tính độc của vị thuốc;

- Dẫn thuốc vào kinh thận, tăng cường tác dụng bổ can thận;

- Tăng tác dụng nhuận hạ, lợi tiểu;

- Tăng tác dụng tư âm, giáng hỏa.

b) Ứng dụng: Chế Phụ tử, Ba kích, Trạch tả, Hoàng bá...

11. Phèn chua (muối kép của nhôm)

Sử dụng dung dịch phèn chua

a) Mục đích

- Tẩy rửa các chất độc, các chất gây ngứa, kích thích họng, chất nhớt;

- Bảo quản vị thuốc cổ truyền khỏi bị hỏng, thối rữa, hạn chế ôi thiu trong chế biến;

- Giúp định hình vị thuốc.

b) Ứng dụng: Chế biến Thiên nam tinh, Bán hạ, Hoài sơn...

12. Vôi tôi

Sử dụng nước vôi (nước vôi tôi), thành phần chủ yếu là Calci hydroxyd (Ca(OH)2).

a) Mục đích

- Loại bớt các chất ngứa, hạn chế hỏng, thối rữa (khi chế biến thuốc có nhiều tinh bột);

- Loại hết phần thịt, tủy, mỡ...ở xương trước khi nấu cao động vật.

b) Ứng dụng: Chế Bán hạ, Hoài sơn..

13. Cát

Sử dụng cát sạch. Cát đã được rửa nhiều lần bằng cách cho cát vào thùng nước khuấy đều, vớt bỏ tạp chất nổi, gạn bỏ nước, phơi khô.

a) Mục đích:

- Dùng cát làm vật liệu trung gian để nâng nhiệt độ sao lên cao (220-250°C).

- Truyền nhiệt đều cho vị thuốc.

b) Ứng dụng: Chế biến Mạch môn, Cẩu tích, Cốt toái bổ, Xuyên sơn giáp, Mã tiền...

14. Đất

Sử dụng đất sét vàng ở tầng sâu (những nơi ruộng sạch không có mùn, bùn, dư phẩm thuốc trừ sâu, phân hóa học...). Phơi khô, tán mịn, sấy khô; còn dùng đất lòng bếp (phục long can), hoặc đất lòng lò gạch, làm phụ liệu chế.

a) Mục đích: Ôn trung, kiện tỳ, chỉ nôn, chỉ huyết.

b) Ứng dụng: Chế biến Bạch truật, Hoài sơn...

15. Dịch vị thuốc

Sử dụng dịch của một hay nhiều loại vị thuốc để chế biến các vị thuốc có độc như: Sinh Phụ tử, Bán hạ...dịch vị thuốc thường dùng dưới dạng hỗn dịch (nước sắc, hoặc dịch ngâm rượu của một số phụ liệu); cũng có khi phối hợp giữa các phụ liệu có các nguồn gốc khác nhau.

a) Mục đích:

- Giảm độc hoặc tác dụng không mong muốn của vị thuốc...;

- Hiệp đồng tăng cường hiệu quả. Tạo thêm tác dụng (mới) cho vị thuốc;

- Tăng hiệu lực điều trị.

b) Ứng dụng: dịch Cam thảo, Sa nhân...

Điều 2. Trang thiết bị sử dụng trong chế biến vị thuốc

1. Dụng cụ làm sạch

a) Bàn chải (lông, tre, đồng) để chải cho sạch đất, cát, bụi...;

b) Giần, sàng, nong, nia, rổ, rá để loại tạp bẩn, phân loại và chọn lựa dược liệu được đồng nhất, tinh khiết hơn;

c) Dụng cụ để chà - xát tách vỏ;

d) Quạt thông gió và hút bụi.

2. Dụng cụ rửa, ủ

a) Chậu, thùng, bể;

b) Máy rửa dược liệu: áp dụng cho các dược liệu có cấu tạo rắn chắc, nhiều kẽ bẩn, khó làm sạch, thường là các dược liệu có bộ phận dùng là thân rễ, củ, vỏ, quả...

Có thể dùng loại có cấu tạo hình ống, thiết diện mặt sàng và được phun bởi các chùm tia nước mạnh hoặc loại thùng rửa cấu tạo 2 lớp với nguồn nước sạch được cấp trực tiếp, có thể hoạt động tĩnh hoặc lắp động cơ tạo độ rung nhẹ, có thể quay nghiêng thuận tiện khi cho dược liệu vào và lấy ra. Các loại máy này có để rửa các dược liệu có cấu tạo mỏng manh.

3. Dụng cụ thái, chặt dược liệu

a) Dao cầu: Được dùng để thái nhiều loại dược liệu, kể cả dược liệu có thể chất cứng;

b) Dao bào: Thường dùng để bào dược liệu sau khi đồ có thể chất dẻo, cần lát mỏng;

c) Máy thái, băm, chặt: Có nhiều loại máy thái được chế tạo và thiết kế cho phù hợp với sự đa dạng của dược liệu, bao gồm một số loại chính:

- Máy thái cho dược liệu ở dạng phiến vát: Máy thường có cấu tạo lưỡi dao quay tròn;

- Máy thái cho dược liệu ở dạng lát tròn ngang thớ: Lưỡi dao vuông góc với chiều dài dược liệu;

- Máy băm, chặt dược liệu: lưỡi dao ở vị trí cố định, mặt bàn thái di chuyển (các loại dược liệu thân thảo: Nhân trần, Ích mẫu...).

4. Dụng cụ nấu, chưng, đồ

a) Nồi, chõ bằng nhôm hoặc inox (không dùng nồi gang). Thể tích nồi, chõ phụ thuộc vào thể chất và số lượng dược liệu cần chế biến;

b) Trường hợp sản xuất với quy mô công nghiệp thì có thể sử dụng các loại nồi nấu 2 vỏ với nguồn nhiệt hơi.

5. Dụng cụ sao thuốc

a) Chảo: Chảo gang hoặc chảo nhôm sử dụng nguồn nhiệt: Than, điện, dầu, gas;

b) Máy sao dược liệu: Nên thiết kế loại lòng ống hẹp bằng nhôm (không nên bằng inox vì rất dễ cháy dược liệu khi sao) và quay với tốc độ vừa phải.

6. Thiết bị làm khô dược liệu

Căn cứ vào nguồn năng lượng sử dụng có thể phân chia thành 3 loại tủ sấy chính:

- Sấy bằng nhiệt than, gas, dầu;

- Tủ sấy bằng nhiệt điện;

- Tủ sấy bằng nhiệt hơi.

Đối với các dược liệu quý hoặc dễ bị biến đổi do nhiệt tốt nhất nên sử dụng tủ sấy chân không (sấy ở áp suất giảm).

Chương II

PHƯƠNG PHÁP CHẾ BIẾN CHUNG CÁC VỊ THUỐC CỔ TRUYỀN

Mục I. PHƯƠNG PHÁP SƠ CHẾ

Điều 3. Lựa chọn dược liệu

1. Mục đích

a) Loại bỏ những bộ phận không dùng, không đủ tiêu chuẩn làm thuốc;

b) Loại những bộ phận gây ra những tác dụng không mong muốn;

c) Tạo ra sự đồng đều về mặt kích thước giúp cho chế biến.

2. Kỹ thuật và ứng dụng chế biến

a) Bỏ rễ phụ: Chế biến Thạch xương bồ, Thủy xương bồ, Hương phụ, Cẩu tích, Cốt toái bổ...;

b) Bỏ đầu rễ: Chế biến Nhân sâm, Ngưu tất, Đảng sâm...;

c) Bỏ đầu, chân, cánh: Chế biến Ngô công, Toàn yết....;

d) Bỏ lõi rễ: Chế biến Viễn chí, Mạch môn, Tang bạch bì, Mẫu đơn bì, Địa cốt bì...;

đ) Bỏ lông: Chế biến Tỳ bà diệp, Lá hen....;

e) Bỏ lớp bần: Chế biến Quế nhục, Hậu phác, Mẫu đơn bì, Tang bạch bì, Tang chi....;

g) Bỏ rễ, bỏ đốt: Chế biến Ma hoàng....;

h) Bỏ thịt còn sót lại: Chế biến xương động vật: gấu, trâu, bò... gạc (hươu, nai), mai, yếm (quy bản, miết giáp)...

k) Bỏ các tạp chất hữu cơ: Chế biến Thạch cao, Từ thạch....

3. Yêu cầu chất lượng sau chế biến

Sản phẩm đã được loại hết các tạp chất theo quy định.

Điều 4. Phương pháp rửa

1. Mục đích

Làm sạch, làm mềm dược liệu để thuận lợi cho việc bào, thái dược liệu. Giảm tác dụng bất lợi, định hình cho vị thuốc cổ truyền.

2. Kỹ thuật và ứng dụng chế biến

Rửa bằng nước sạch đến khi hết tạp cơ học như: đất, cát, sỏi, ... Tùy từng loại dược liệu, có thể rửa vài lần (1-3 lần). Để ráo nước, phơi, sấy đến khi khô.

3. Yêu cầu chất lượng sau chế biến

Sản phẩm sạch, biểu hiện rõ màu, mùi, vị đặc trưng của sản phẩm.

Điều 5. Phương pháp ủ mềm

1. Mục đích

Làm mềm dược liệu.

2. Kỹ thuật và ứng dụng chế biến

a) Dược liệu rửa sạch, cho vào thùng, chậu nhôm bằng nhựa hoặc lnox. Dùng vải tẩm ẩm phủ kín. Trong quá trình ủ phải đảo đều, có thể phun thêm nước đến khi đạt theo yêu cầu riêng. Lấy ra, để ráo nước;

b) Thời gian ủ tùy thuộc vào từng loại dược liệu và thời tiết. Loại dược liệu rắn chắc ủ lâu hơn; mùa đông ủ lâu hơn mùa hè;

c) Phương pháp ủ mềm có thể áp dụng đối với các dược liệu có thể chất cứng, chắc cần thái phiến như: Sa sâm, cát cánh,...

3. Yêu cầu chất lượng sau chế biến

Sản phẩm mềm, không còn lõi đục, cứng, mùi đặc trưng của dược liệu

Điều 6. Phương pháp ngâm

1. Mục đích

Làm mềm dược liệu, giảm tác dụng không mong muốn.

2. Kỹ thuật và ứng dụng chế biến

a) Ngâm dược liệu đã rửa sạch ngập trong nước cho đến khi đạt yêu cầu riêng. Thường để nước thấm vào dược liệu khoảng 3/10 dược liệu. Thời gian ngâm tùy thuộc tính chất, mục đích riêng của từng vị thuốc cổ truyền.. Lấy ra, để ráo nước;

b) Phương pháp ngâm có thể áp dụng với các dược liệu như: Hoài sơn, Bạch truật, Bạch thược...

3. Yêu cầu chất lượng sau chế biến

Tùy thuộc vào mục đích chế biến và tính chất riêng của vị thuốc, vị thuốc phải đạt chất lượng theo quy định.

Điều 7. Phương pháp thái

1. Mục đích

Phân chia dược liệu đến kích thước thích hợp.

2. Kỹ thuật và ứng dụng chế biến

a) Sử dụng các dụng cụ thái, chặt để phân chia dược liệu đến kích thước thích hợp. Dược liệu có thể chất dai, rắn chắc thì thái mỏng; dược liệu có thể chất giòn, thì thái dầy hơn;

b) Dược liệu phải được thái dọc.

3. Yêu cầu chất lượng sau chế biến

Dược liệu được thái, chặt thành phiến có độ dài ngắn, dầy mỏng khác nhau, tùy theo thể chất của dược liệu và mục đích sử dụng.

Điều 8. Phương pháp phơi

1. Mục đích

a) Làm khô dược liệu, đảm bảo độ thủy phân;

b) Bảo quản dược liệu hoặc giảm tiêu hao năng lượng khi sấy.

2. Kỹ thuật và ứng dụng chế biến

a) Phương pháp phơi trực tiếp dưới nắng:

- Dược liệu sau khi thái phiến được tãi đều lên nong nia, rồi phơi ngoài trời nắng đến khô;

- Phương pháp này có thể áp dụng cho tất cả các dược liệu, trừ dược liệu chứa tinh dầu.

b) Phương pháp phơi âm can (không trực tiếp dưới nắng):

- Dược liệu sau khi thái phiến được tãi đều lên nong nia, rồi phơi trong bóng mát, nơi thoáng gió.

- Phương pháp này có thể áp dụng với các dược liệu chứa tinh dầu như Bạc hà, Kinh giới, Tía tô...

3. Yêu cầu chất lượng sau chế biến

a) Đối với phương pháp phơi trực tiếp dưới nắng: Dược liệu khô, mùi thơm đặc trưng của từng dược liệu;

b) Đối với phương pháp phơi âm can: Dược liệu khô hoặc gần khô, không bị mất mùi, biến màu.

Điều 9. Phương pháp sấy

1. Mục đích

Làm khô dược liệu và bảo quản được tốt hơn.

2. Kỹ thuật và ứng dụng chế biến

Cho dược liệu cần sấy vào các khay và tiến hành sấy trong tủ sấy. Nhiệt độ sấy khoảng 50 - 60°C với dược liệu chứa tinh dầu. Đối với dược liệu chưa phơi thì nên sấy ở nhiệt độ thấp (40°C - 50°C) sau đó tăng dần nhiệt độ để đạt được tới độ ẩm theo quy định, rồi giảm dần nhiệt độ, để nguội.

3. Yêu cầu chất lượng sau chế biến

Sản phẩm đạt tới độ ẩm theo quy định.

Mục II. PHƯƠNG PHÁP PHỨC CHẾ

Điều 10. Phương pháp chế biến dùng lửa (hỏa chế).

1. Mục đích

a) Thay đổi tính dược, tạo tác dụng mới;

b) Tạo mùi thơm cho vị thuốc cổ truyền;

c) Hạn chế tác dụng không mong muốn của vị thuốc cổ truyền;

d) Bảo quản vị thuốc cổ truyền.

2. Phương pháp chế biến dùng lửa bao gồm

a) Phương pháp sao

- Sao trực tiếp không có phụ liệu;

- Sao trực tiếp có phụ liệu (Chích);

- Sao gián tiếp.

b) Phương pháp nung

c) Phương pháp hỏa phi;

d) Phương pháp nướng.

Điều 11. Sao trực tiếp không có phụ liệu

1. Sao qua (vi sao)

a) Mục đích:

- Tạo mùi thơm cho vị thuốc cổ truyền;

- Làm khô hạn chế mốc, mọt nhằm bảo quản vị thuốc cổ truyền.

b) Kỹ thuật và ứng dụng chế biến:

- Đun nhỏ lửa khoảng 60-80°C làm chảo nóng, cho dược liệu vào, đảo đều, nhanh đến khi dược liệu khô, mùi thơm, lấy ra, để nguội, đóng gói. Dược liệu chứa tinh dầu, phải sao ở nhiệt độ thấp hơn 60°C;

- Phương pháp này có thể áp dụng chế biến Hòe hoa, Cúc hoa, Bạc hà...

c) Yếu cầu chất lượng sau chế biến: Vị thuốc cổ truyền khô, mùi thơm, màu tương đương màu dược liệu sống.

2. Sao vàng

a) Mục đích:

- Tăng tác dụng dẫn thuốc vào kinh: tỳ, vị; giảm tính hàn vị thuốc;

- Làm khô dược liệu;

- Tạo mùi thơm vị thuốc;

- Giảm một số tác dụng không mong muốn.

b) Kỹ thuật và ứng dụng chế biến:

- Đun lửa nhỏ chảo nóng khoảng 100-160°C, cho dược liệu vào, đảo đều, nhanh đến khi mặt ngoài dược liệu có màu vàng hoặc màu sẫm hơn so với dược liệu chưa sao, bẻ phiến dược liệu, bên trong vẫn giữ nguyên màu. Lấy ra, để nguội, đóng gói.

- Sao lửa tăng từ từ, đều lửa không quá mạnh gây cháy xém. Những dược liệu có màu tối hơn màu vàng (như: màu nâu, xanh, lục, vàng cam, đỏ...), quá trình sao phải không có khói do cháy; vị thuốc phải có màu khác rõ rệt so với màu dược liệu khi chưa sao, nhưng không được có màu đen do cháy.

- Phương pháp này có thể áp dụng như sau:

Sao vàng ứng dụng với các vị thuốc để tăng tác dụng kiện tỳ, như: Bạch truật, Hoài sơn, Ý dĩ, Mạch nha, Cam thảo, Khiếm thực, Liên nhục, Sơn tra;

Sao vàng làm tăng tính ấm cho vị thuốc, như: Mạch môn;

Sao vàng làm giảm tác dụng không mong muốn, như: Khiên ngưu, Thảo quyết minh.

c) Yêu cầu chất lượng sau chế biến: Vị thuốc khô, mặt ngoài màu vàng tươi, mùi thơm.

3. Sao vàng cháy cạnh

a) Mục đích:

- Tăng tác dụng dẫn thuốc vào kinh tỳ, vị;

- Giảm mùi vị khó chịu của vị thuốc.

b) Kỹ thuật và ứng dụng chế biến:

- Đun lửa to vừa cho chảo nóng khoảng 170-200°C, cho dược liệu vào, đảo đều và chậm đến khi có khói nhẹ, mặt ngoài vị thuốc có màu vàng, cạnh vị thuốc có màu nâu đen, mùi thơm cháy, lấy ra, để nguội, đóng gói;

- Phương pháp này áp dụng chế biến Chỉ thực, Chỉ xác...

c) Yêu cầu chất lượng sau chế biến: Vị thuốc khô, mặt ngoài màu vàng, hoặc hơi sẫm, cạnh vị thuốc có màu nâu đen, mùi thơm cháy nhẹ, không bị cháy quá hay còn “sống”.

4. Sao vàng hạ thổ

a) Mục đích: Tạo sự cân bằng âm - dương cho vị thuốc;

b) Kỹ thuật và ứng dụng chế biến:

- Chuẩn bị hố đất, mỗi chiều dài khoảng 25 - 30 cm, trải lớp vải thô, cho vị thuốc được sao vàng vào hố, phủ lớp vải lên trên. Để yên khoảng 30 phút. Lấy thuốc ra, tãi mỏng đến khô. Đóng gói;

- Phương pháp này áp dụng chế biến một số dược liệu: Sao Tam thất, Địa long, Hà diệp...

c) Yêu cầu chất lượng sau chế biến: Vị thuốc khô, mặt ngoài màu vàng, mùi thơm.

5. Sao đen (hắc sao)

a) Mục đích:

- Tăng tác dụng tiêu thực, kiện tỳ;

- Giảm tính hàn của vị thuốc.

b) Kỹ thuật và ứng dụng chế biến:

- Đun lửa vừa cho chảo nóng khoảng 180-240°C, cho dược liệu vào, đảo đều, chậm đến khi có khói bay lên; mặt ngoài vị thuốc có màu đen; bên trong có màu vàng nâu; mùi thơm cháy. Có thể phun ít nước vào để làm nguội, đảo thêm chừng 10 phút. Lấy ra để nguội. Khi sao đen, giai đoạn đầu đun lửa vừa và sao như sao vàng, giai đoạn sau đun lửa to;

- Phương pháp này áp dụng chế biến một số dược liệu: Táo nhân, Chỉ thực, Bã đậu.

c) Yêu cầu chất lượng sau chế biến: Vị thuốc khô giòn, mặt ngoài vị thuốc có màu đen; bên trong có màu vàng nâu; mùi thơm cháy.

6. Sao cháy (thán sao, sao tồn tính)

a) Mục đích:

- Tăng tác dụng cầm máu hoặc tạo ra tác dụng mới cho vị thuốc;

- Giảm tác dụng không mong muốn (độc tính, gây ngứa...).

b) Kỹ thuật và ứng dụng chế biến:

- Đun lửa vừa cho chảo nóng khoảng 220 - 300°C, cho dược liệu vào, đảo đều như sao vàng sau đó đun lửa to, đảo nhanh đến khi có khói vàng bay lên, phun nước sạch vào, đảo thêm vài phút, đổ ra khay, tãi đều. Để nguội;

- Phương pháp này áp dụng chế biến một số dược liệu: Hòe hoa, Trắc bách diệp, Kinh giới tuệ, Bồ hoàng, Chi tử...

c) Yêu cầu chất lượng sau chế biến: Vị thuốc khô giòn, mặt ngoài vị thuốc có màu đen; bên trong có màu nâu đen; mùi thơm cháy. Vị thuốc không được “sống” không được cháy hết thành tro.

Điều 12. Chích

1. Chích rượu

a) Mục đích: Tăng hướng tác dụng của vị thuốc;

b) Kỹ thuật và ứng dụng chế biến:

- Phun hoặc trộn đều rượu với dược liệu, ủ khoảng 1 - 2 giờ cho thấm hết rượu, thỉnh thoảng đảo cho thấm đều, cho toàn bộ dược liệu đã thấm rượu vào chảo (hoặc nồi, máy sao) sao nhỏ lửa khoảng 15-20 phút, đảo đều cho tới khi nhận thấy mùi thơm và dược liệu có màu vàng hoặc sẫm hơn. Lấy ra, tãi cho nguội;

- Phương pháp này áp dụng chế biến một số dược liệu: Xuyên khung, Hoàng liên, Hoàng bá, Địa long, Ngưu tất.

c) Yêu cầu chất lượng sau chế biến: Vị thuốc khô, màu vàng hoặc vàng nâu, mùi thơm.

2. Chích gừng

a) Mục đích:

- Tăng tính ấm cho vị thuốc (tăng tính dương);

- Tăng tác dụng chỉ ho, hóa đờm;

- Làm giảm tính ngứa, tính kích thích cổ họng của vị thuốc;

- Làm sạch và thơm vị thuốc (xương động vật);

- Tăng cường thêm tác dụng cho các vị thuốc dùng để trị các chứng phong tà, rét lạnh, nhức đầu, nôn mửa, giúp kiện tỳ, kích thích tiêu hóa.

b) Kỹ thuật và ứng dụng chế biến:

- Phun hoặc trộn đều nước gừng vào dược liệu, ủ khoản 60 phút cho thấm hết nước gừng, thỉnh thoảng đảo cho thấm đều, sao với lửa vừa, đến khi nhận thấy mùi thơm, dược liệu có màu vàng hoặc sẫm hơn, lấy ra, tãi cho nguội;

- Phương pháp này áp dụng chế biến một số dược liệu: Trúc nhự, Thục địa, Đảng sâm, Bán hạ...

c) Yêu cầu chất lượng sau chế biến: Vị thuốc khô (hàm ẩm < 12%), màu vàng, thơm nhẹ mùi gừng và mùi đặc trưng của vị thuốc.

3. Chích muối ăn

a) Mục đích:

- Tăng khả năng dần thuốc tới thận, tăng cường tác dụng ích can thận, tăng tác dụng tư âm giáng hỏa;

- Giúp dược liệu có độ ổn định lâu dài.

b) Kỹ thuật và ứng dụng chế biến:

- Phun hoặc trộn đều nước muối với dược liệu, ủ khoảng 1 - 2 giờ cho thấm hết nước muối, đảo cho thấm đều, cho dược liệu vào dụng cụ sao (chảo, nồi, máy), sao nhỏ lửa khoảng 15-20 phút, đảo đều cho đến khi nhận thấy có mùi thơm, dược liệu có màu vàng hoặc sẫm hơn, lấy ra, tãi cho nguội. Có thể sao dược liệu đến hơi vàng rồi mới phun dịch muối và tiếp tục sao đến khô;

- Phương pháp này áp dụng chế biến một số dược liệu: Đỗ trọng, Trạch tả, Phá cố chỉ, Hoàng bá, Ba kích, Thỏ ty tử...

c) Yêu cầu chất lượng sau chế biến: Vị thuốc khô, thơm, màu hơi vàng hoặc sẫm hơn trước, vị hơi mặn.

4. Chích giấm

a) Mục đích:

- Tăng dẫn thuốc vào kinh can đởm, tăng tác dụng hành khí, hoạt huyết, khử ứ, chỉ thống;

- Hòa hoãn tính dược (hòa hoãn tác dụng tả hạ để giảm độc của thuốc trục thủy).

b) Kỹ thuật và ứng dụng chế biến:

- Phun hoặc trộn đều giấm với dược liệu theo tỷ lệ quy định, ủ khoảng 1 - 2 giờ cho thấm hết, đảo cho thấm đều, sao cho tới khi dược liệu có mùi thơm, bề mặt trở nên vàng hoặc sẫm màu hơn; lấy ra tãi cho nguội;

- Phương pháp này áp dụng chế biến một số dược liệu: Huyền hồ, Hương phụ, Thanh bì, Sài hồ, Ngải diệp...

c) Yêu cầu chất lượng sau chế biến: Vị thuốc khô, thơm, màu vàng hoặc sẫm hơn.

5. Chích mật ong

a) Mục đích:

- Tăng tác dụng kiện tỳ, ích khí, nhuận bổ của vị thuốc và hòa hoãn tính dược để giảm bớt độc tính;

- Giảm vị đắng chát, tăng tác dụng nhuận phế, chỉ ho của vị thuốc.

b) Kỹ thuật và ứng dụng chế biến:

- Tẩm hoặc trộn đều mật ong luyện vào dược liệu, ủ khoảng 1 giờ cho thấm hết, thỉnh thoảng đảo cho thấm đều, sao nhỏ lửa và đảo đều liên tục cho đến khi dược liệu có mùi thơm, bề mặt có màu, sờ không dính tay, lấy ra tãi mỏng cho nguội.

- Phương pháp này áp dụng chế biến một số dược liệu: Cam thảo, Hoàng kỳ, Bách hợp, Tử uyển, Tang bạch bì, Tỳ bà diệp, Khoản đông hoa, Bách bộ, Ma hoàng...

c) Yêu cầu chất lượng sau chế biến: Vị thuốc khô, sờ không dính tay, có màu vàng hoặc sẫm hơn màu dược liệu, vị ngọt, thơm đặc trưng.

Điều 13. Sao gián tiếp

1. Sao cách cám

a) Mục đích:

- Tăng tác dụng kiện tỳ hòa vị;

- Giảm tính chất khô táo của vị thuốc;

- Khử mùi hôi của một số dược liệu là côn trùng (Bạch cương tàm).

b) Kỹ thuật và ứng dụng chế biến:

- Đun chảo nóng khoảng 140-160°C, cho cám gạo vào chảo, đảo đều đến khi có mùi thơm cám, có khói trắng bay lên thì cho vị thuốc vào sao cùng, đảo nhanh, đều đến khi vị thuốc màu vàng hoặc màu thẫm lại. Đổ toàn bộ xuống rây sắt, rây bỏ cám, tãi cho nguội, đóng gói;

- Phương pháp này áp dụng chế biến một số dược liệu: Thương truật, Bạch truật, Chỉ thực, Chỉ xác...

c) Yêu cầu chất lượng sau chế biến: Vị thuốc khô, nhuận, màu vàng nhạt, mùi thơm đặc trưng của cám gạo rang.

2. Sao cách gạo

a) Mục đích: Tăng tác dụng kiện tỳ, vị.

b) Kỹ thuật và ứng dụng chế biến:

- Đun lửa vừa cho chảo nóng, cho gạo và dược liệu vào chảo, đảo đều đến khi dược liệu có màu vàng, mùi thơm, đổ ra rây sắt, rây bỏ gạo, để nguội;

- Phương pháp này áp dụng chế biến một số dược liệu: Nhân sâm, Đảng sâm....

c) Yêu cầu chất lượng sau chế biến: Vị thuốc khô, mùi thơm đặc trưng của gạo rang.

3. Sao cách bột văn cáp

a) Mục đích: Làm chín một số vị thuốc dễ bị kết dính khi sao.

b) Kỹ thuật và ứng dụng chế biến:

- Cho bột văn cáp vào chảo, đun và đảo đều đến khi bột văn cáp nóng khoảng 200 - 250°C (thường khi đảo thấy bột chuyển động linh hoạt), cho vị thuốc vào đảo đến khi đạt tiêu chuẩn riêng của vị thuốc;

- Phương pháp này áp dụng chế biến A giao.

c) Yêu cầu chất lượng sau chế biến: Vị thuốc có lớp mỏng bột văn cáp màu trắng, trơn.

4. Sao cách cát

a) Mục đích:

- Nâng cao nhiệt độ sao;

- Truyền nhiệt đều vào các dược liệu có góc cạnh.

b) Kỹ thuật và ứng dụng chế biến:

- Cho cát vào chảo vừa đun nóng khoảng 250 - 300°C, đảo đều đến khi thấy cát chuyển động linh hoạt, cho vị thuốc vào, đảo đều và nhanh đến khi đạt tiêu chuẩn riêng, sàng bỏ cát, để nguội;

- Phương pháp này áp dụng chế biến một số dược liệu: Mã tiền tử, Xuyên sơn giáp...

c) Yêu cầu chất lượng sau chế biến: Đạt tiêu chuẩn riêng của mỗi vị thuốc.

5. Sao cách đất

a) Mục đích: Tăng tác dụng kiện tỳ, an vị, chống nôn;

b) Kỹ thuật và ứng dụng chế biến:

- Đất sét màu vàng (hoàng thổ) sao đến khi nóng đều (khoảng 60 - 100°C), cho vị thuốc vào, đảo đều tay đến khi vị thuốc được bám một lớp bột đất màu vàng trên bề mặt vị thuốc, mùi thơm, đổ ra, rây bỏ đất, xoa đến khi hết bột đất;

- Phương pháp này áp dụng chế biến một số dược liệu: Bạch truật.

c) Yêu cầu chất lượng sau chế biến: Vị thuốc khô, bề mặt ngoài có màu vàng của đất.

Điều 14. Phương pháp nung

1. Nung kín

a) Mục đích: Là thay đổi thể chất của vị thuốc, vị thuốc giòn, xốp tạo thuận lợi cho việc nghiền, tán.

b) Kỹ thuật và ứng dụng chế biến:

- Cho dược liệu vào dụng cụ nung, đậy nắp kín, cấp nhiệt đến 300-500°C, giữ nhiệt độ nung đến khi đạt tiêu chuẩn riêng đối với từng vị thuốc. Lấy ra, để nguội, tán, rây lấy bột mịn;

- Phương pháp này áp dụng chế biến một số dược liệu: Trân châu mẫu (vỏ trai), Mẫu lệ, Cửu khổng, Than hoạt tính, Xương động vật, Tóc người (Huyết dư), Tông lư...

c) Yêu cầu chất lượng sau chế biến: Đạt tiêu chuẩn riêng đối với mỗi vị thuốc.

2. Nung hở

a) Mục đích: Là thay đổi thể chất của vị thuốc, vị thuốc giòn, xốp tạo thuận lợi cho việc nghiền, tán.

b) Kỹ thuật và ứng dụng chế biến:

- Rải các lớp xen kẽ nhau theo thứ tự sau: nhiên liệu (cấp nhiệt) - dược liệu - nhiên liệu. Đốt nhiên liệu cho cháy âm ỉ đến khi nóng đỏ đều dược liệu. Phủ lên trên cùng một lớp tro dầy khoảng 5 cm. Để khoảng 4-10 giờ đến khi nguội. Lấy dược liệu, làm sạch tro, tán, rây lấy bột. Nhiên liệu thường dùng là: vỏ trấu lúa, mạt gỗ. Có thể rải thêm một lớp than gỗ xen kẽ để tăng thời gian lưu nhiệt;

- Phương pháp này áp dụng chế biến vỏ các loại nhuyễn thể, loại gỗ.

c) Yêu cầu chất lượng sau chế biến: Đạt tiêu chuẩn riêng đối với mỗi vị thuốc.

Điều 15. Phương pháp hỏa phi

1. Mục đích

a) Làm thay đổi cấu trúc, tính chất của một số vị thuốc là khoáng vật;

b) Loại nước dưới dạng liên kết hóa học trong vị thuốc.

2. Kỹ thuật và ứng dụng chế biến

a) Đun chảo nóng khoảng 200 - 250oC, cho vị thuốc vào đảo đều hoặc không đảo (phèn phi), đến khi đạt tiêu chuẩn riêng. Để nguội, tán, rây lấy bột mịn;

b) Phương pháp này áp dụng chế biến một số dược liệu là khoáng vật, như: phèn chua chế thành khô phàn (bạch phàn, phèn phi).

3. Yêu cầu chất lượng sau chế biến

Vị thuốc đã loại hoàn toàn nước dạng liên kết hóa học.

Điều 16. Phương pháp nướng

1. Mục đích

Tăng tính ấm, tăng dẫn thuốc vào kinh tỳ, vị;

2. Kỹ thuật và ứng dụng chế biến

a) Hơ dược liệu trên bếp, than hoặc vùi trong tro nóng đến khi đạt yêu cầu riêng. Có thể bọc bên ngoài dược liệu một lớp cám mỏng hoặc giấy bản (đã được thấm ẩm),... trước khi hơ lửa;

b) Phương pháp này áp dụng chế biến một số dược liệu: Nhục đậu khấu, Sinh khương...

3. Yêu cầu chất lượng sau chế biến

Mùi thơm đặc trưng, vỏ ngoài khô giòn.

Điều 17. Phương pháp chế biến dùng nước (thủy chế)

1. Mục đích chung:

a) Làm sạch, làm mềm dược liệu để thuận lợi cho việc bào thái thành phiến;

b) Ngâm với dịch phụ liệu để tăng tác dụng quy kinh, tăng hiệu lực trị bệnh;

c) Giảm tác dụng bất lợi của vị thuốc;

d) Định hình cho vị thuốc.

2. Phương pháp ngâm với dịch phụ liệu

a) Mục đích:

- Tăng dẫn thuốc vào kinh vị;

- Giảm tác dụng không mong muốn.

b) Kỹ thuật và ứng dụng chế biến:

- Ngâm dược liệu thô trong dịch phụ liệu, cho dịch phụ liệu ngấm sâu vào trong dược liệu;

- Phương pháp này áp dụng chế biến một số dược liệu, như sau:

+ Phụ tử ngâm với dịch nước muối để tăng tác dụng dẫn thuốc vào kinh thận;

+ Giảm tác dụng bất lợi, như: ngâm nước vo gạo, phèn chua để giảm vị ngứa của Bán hạ, ngâm nước vo gạo để giảm vị chát của Hà thủ ô đỏ, ngâm nước muối để giảm độ độc của Phụ tử...;

+ Dùng phụ liệu phù hợp với mục tiêu trị bệnh: Chống nôn, giảm ho: ngâm với dịch cốt gừng; Giảm ho, long đờm: ngâm với dịch nước cam thảo...

c) Yêu cầu chất lượng sau chế biến: Dịch phụ liệu phải thấm đến lõi dược liệu.

3. Phương pháp ủ

a) Mục đích:

- Ủ với rượu để làm sạch mùi vị khó chịu của vị thuốc;

- Ủ đến khi đạt tiêu chuẩn riêng.

b) Kỹ thuật và ứng dụng chế biến:

- Tẩm vị thuốc cổ truyền bằng rượu, ủ khoảng 10-20 phút, phơi hoặc sao qua đến khi có mùi thơm;

- Phương pháp này áp dụng chế biến một số dược liệu, như:

+ Chế một số vị thuốc có mùi vị gây khó chịu cho người dùng;

+ Tạo môi trường chuyển hóa một số thành phần hóa học dẫn đến thay đổi tác dụng của vị thuốc do lên men;

+ Chế biến Địa hoàng; Bán hạ khúc, Thần khúc.

c) Yêu cầu chất lượng sau chế biến: Vị thuốc khô, mùi đặc trưng của vị thuốc.

4. Phương pháp thủy phi

a) Kỹ thuật và ứng dụng chế biến:

- Cho nước hoặc dịch phụ liệu vào cối sành (hoặc sứ), cho dược liệu vào. Nghiền dược liệu đến khi dịch nước đục, gạn nhanh lấy dịch đục, để lắng, vớt hết bọt nổi, gạn bỏ nước trong, lấy bột dược liệu, cắn được nghiền tiếp. Nghiền nhiều lần đến khi dược liệu được phân tán hoàn toàn. Phơi âm can. Đóng gói.

- Phương pháp này áp dụng chế biến một số dược liệu: Thần sa, Chu sa.

b) Yêu cầu chất lượng sau chế biến: Bột mịn đều, màu sắc, mùi, vị đặc trưng của vị thuốc.

Điều 18. Phương pháp chế biến phối hợp nước và lửa (Thủy hỏa hợp chế)

1. Phương pháp chưng

a) Mục đích:

- Chuyển hóa tác dụng, thay đổi tính vị của vị thuốc theo mục tiêu điều trị;

- Tạo mùi vị thơm, giảm vị đắng chát, dễ hấp thu, đạt hiệu quả điều trị cao.

b) Kỹ thuật và ứng dụng chế biến:

- Dược liệu được phun hoặc trộn đều với dịch phụ liệu (hoặc hỗn dịch) theo tỷ lệ quy định. Đảo đều, ủ cho mềm, sau đó cho vào dụng cụ bằng lnox hoặc nhôm, đặt vào nồi có sẵn nước, đậy kín và đun cách thủy trong nhiều giờ và có thể nhiều ngày (tùy yêu cầu của vị thuốc). Thường xuyên duy trì nhiệt độ sôi âm ỉ, dược liệu được tiếp xúc đủ với dịch phụ liệu để dịch phụ liệu thấm đều vào dược liệu, thỉnh thoảng đảo đều. Khi cần có thể bổ sung nước cách thủy tránh cạn. Sau khi chưng, lấy dược liệu ra, để nguội, thái phiến, tẩm và sấy cho tới hết dịch chưng rồi sấy khô;

- Phương pháp này áp dụng chế biến một số dược liệu: Thục địa, Nhục dung, Sơn thù du, Hoàng tinh, Ngũ vị tử...

c) Yêu cầu chất lượng sau chế biến: Vị thuốc khô, đồng thể chất, nhuận, màu đen hoặc nâu đậm, sờ không dính tay, mùi vị đặc trưng.

2. Phương pháp đồ

a) Mục đích:

- Làm mềm dược liệu;

- Diệt các enzym giúp ổn định hoạt chất;

- Giúp thuốc dễ được hấp thu, dễ chuyển hóa và phát huy tác dụng tốt hơn.

b) Kỹ thuật và ứng dụng chế biến:

- Dược liệu được xếp lên vỉ (nhôm, thép không rỉ, gỗ, tre...), loại to xếp dưới, nhỏ ở trên. Nếu có phụ liệu thì xếp xen kẽ từng lớp. Giữa vỉ và nước trong nồi (chõ) có khoảng cách để dược liệu không tiếp xúc với nước. Đồ cho tới khi dược liệu được chín đều. Lấy ra thái hoặc bào lát và sấy khô. Thời gian đồ tùy thuộc vào tính chất, độ dày dược liệu nhưng phải đảm bảo đủ mềm tới bên trong;

- Phương pháp này áp dụng chế biến một số dược liệu: Hoàng Cầm, Hoài sơn, Bạch thược...

c) Yêu cầu chất lượng sau chế biến: Vị thuốc khô, đồng thể chất, nhuận, mùi vị màu sắc đặc trưng dược liệu.

3. Phương pháp nấu

a) Mục đích: Tạo tính năng tác dụng của vị thuốc;

b) Kỹ thuật và ứng dụng chế biến:

- Dược liệu được làm mềm, cho vào nồi loại to xếp dưới loại nhỏ xếp ở trên. Đổ ngập nước hoặc dịch phụ liệu (trên mức dược liệu 5 cm). Sau khi đun sôi thì duy trì nấu ở nhiệt độ sôi âm ỉ cho tới khi dược liệu chín kỹ. Thường xuyên đảo và bổ sung nước để dịch phụ liệu được tiếp xúc đều tới từng dược liệu. Khi dược liệu đã chín đun cho cạn còn khoảng 1/3 dịch, lấy dịch nấu để riêng, dược liệu để nguội, thái lát (dày 1 - 2mm). Tẩm dịch nấu (nếu có) và sấy cho tới khô;

- Phương pháp này áp dụng chế biến một số dược liệu: Hà thủ ô, Ngô thù du, Ba kích, Viễn chí, Hậu phác...

c) Yêu cầu chất lượng sau chế biến: Vị thuốc khô, phiến thuốc đồng thể chất hoặc hơi đậm nhạt, sẫm màu, mùi đặc trưng.

 

PHỤ LỤC II

PHƯƠNG PHÁP CHẾ BIẾN 103 VỊ THUỐC CỔ TRUYỀN

(Ban hành kèm theo Thông tư số: 30/2017/TT-BYT ngày 11/7/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Stt

Tên vị thuốc cổ truyền

Tên khoa học

Trang

1

Vị thuốc A giao

Colla Corii asini Praeparata

 

2

Vị thuốc Ba kích

Radix Morindae officinalis Praeparata

 

3

Vị thuốc Bá tử nhân

Semen Platycladi orientalis Praeparata

 

4

Vị thuốc Bạch biển đậu

Semen Lablab Praeparata

 

5

Vị thuốc Bách bộ

Radix Stemonae tuberosae Praeparata

 

6

Vị thuốc Bạch chỉ

Radix Angelicae dahuricae Praeparata

 

7

Vị thuốc Bạch giới tử

Semen Sinapis albae Praeparata

 

8

Vị thuốc Bách hợp

Bulbus Lilii brownie Praeparata

 

9

Vị thuốc Bạch linh

Poria Praeparata

 

10

Vị thuốc Bạch mao căn

Rhizoma Imperatae cylindricae Praeparata

 

11

Vị thuốc Bạch tật lê

Fructus Tribuli terrestris Praeparata

 

12

Vị thuốc Bạch thược

Radix Paeoniae lactiflorae Praeparata

 

13

Vị thuốc Bạch truật

Rhizoma Atractylodis macrocephalae Praeparata

 

14

Vị thuốc Bán hạ nam

Rhizoma Typhonii trilobati Praeparata

 

15

Vị thuốc Binh lang

Semen Arecae Praeparata

 

16

Vị thuốc Bổ cốt chỉ

Semen Psoraleae corylifoliae Praeparata

 

17

Vị thuốc Bồ hoàng

Pollen Typhae Praeparata

 

18

Vị thuốc Cam thảo

Radix et Rhizoma Glycyrrhizae Praeparata

 

19

Vị thuốc Can khương

Rhizoma Zingiberis Praeparata

 

20

Vị thuốc Cát Căn

Radix Puerariae thomsonii Praeparata

 

21

Vị thuốc Cát cánh

Radix Platycodi grandiflori Praeparata

 

22

Vị thuốc Cẩu tích

Rhizoma Cibotii Praeparata

 

23

Vị thuốc Chỉ thực

Fructus Aurantii immaturus Praeparata

 

24

Vị thuốc Chi tử

Fructus Gardeniae jasminoides Praeparata

 

25

Vị thuốc Chỉ xác

Fructus Aurantii Praeparata

 

26

Vị thuốc Cỏ nhọ nồi

Herba Ecliptae Praeparata

 

27

Vị thuốc Cỏ xước

Radix Achyranthis asperae Praeparata

 

28

Vị thuốc Cốt toái bổ

Rhizoma Drynariae Praeparata

 

29

Vị thuốc Đại hoàng

Rhizoma Rhei Praeparata

 

30

Vị thuốc Đan sâm

Radix Salviae miltiorrhizae Praeparata

 

31

Vị thuốc Đào nhân

Semen Pruni Praeparata

 

32

Vị thuốc Địa du

Radix Sanguisorbae Praeparata

 

33

Vị thuốc Địa long

Pheretima Praeparata

 

34

Vị thuốc Đỗ trọng

Cortex Eucommiae Praeparata

 

35

Vị thuốc Độc hoạt

Radix Angelicae pubescentis Praeparata

 

36

Vị thuốc Đương quy

Radix Angelicae sinensis Praeparata

 

37

Vị thuốc Hà thủ ô đỏ

Radix Fallopiae multiflorae Praeparata

 

38

Vị thuốc Hạnh nhân

Semen Armeniacae amarum Praeparata

 

39

Vị thuốc Hậu phác

Cortex Magnoliae officinalis Praeparata

 

40

Vị thuốc Hoài sơn

Tuber Dioscoreae persimilis Praeparata

 

41

Vị thuốc Hoàng bá

Cortex Phellodendri Praeparata

 

42

Vị thuốc Hoàng cầm

Radix Scutellariae Praeparata

 

43

Vị thuốc Hoàng kỳ

Radix Astragali membranacei Praeparata

 

44

Vị thuốc Hoàng liên

Rhizoma Coptidis Praeparata

 

45

Vị thuốc Hoàng tinh

Rhizoma Polygonati Praeparata

 

46

Vị thuốc Hòe hoa

Flos Styphnolobii japonici Praeparata

 

47

Vị thuốc Hương phụ

Rhizoma Cyperi Praeparata

 

48

Vị thuốc Huyền hồ sách

Rhizoma Corydalis Praeparata

 

49

Vị thuốc Hy thiêm

Herba Siegesbeckiae Praeparata

 

50

Vị thuốc Kê nội kim

Endothelium Corneum Gigeriae Galli Praeparata

 

51

Vị thuốc Khiếm thực

Semen Euryales Praeparata

 

52

Vị thuốc Khoản đông hoa

Flos Tussilaginis farfarae Praeparata

 

53

Vị thuốc Khương hoạt

Rhizoma et Radix Notopterygii Praeparata

 

54

Vị thuốc Kim anh

Fructus Rosae laevigatae Praeparata

 

55

Vị thuốc Kinh giới

Herba Elsholtziae ciliatae Praeparata

 

56

Vị thuốc Liên nhục

Semen Nelumbilis Praeparata

 

57

Vị thuốc Liên tâm

Embryo Nelumbinis Praeparata

 

58

Vị thuốc Ma hoàng

Herba Ephedrae Praeparata

 

59

Vị thuốc Mã tiền

Semen Strychni Praeparata

 

60

Vị thuốc Mạn kinh tử

Fructus Viticis trifoliae Praeparata

 

61

Vị thuốc Mẫu đơn bì

Cortex Paeoniae suffruticosae radicis Praeparata

 

62

Vị thuốc Mẫu lệ

Concha Ostreae Praeparata

 

63

Vị thuốc Miết giáp

Carapax Trionycis Praeparata

 

64

Vị thuốc Đảng sâm

Radix Codonopsis pilosulae Praeparata

 

65

Vị thuốc Nga truật

Rhizoma Curcumae zedoariae Praeparata

 

66

Vị thuốc Ngải cứu

Herba Artemisiae vulgaris Praeparata

 

67

Vị thuốc Ngô công

Scolopendra Praeparata

 

68

Vị thuốc Ngô thù du

Fructus Evodiae rutaecarpae Praeparala

 

69

Vị thuốc Ngũ vị tử

Fructus Schisandrae Praeparata

 

70

Vị thuốc Ngưu bàng tử

Semen Arctii lappae Praeparata

 

71

Vị thuốc Ngưu tất

Radix Achyranthis bidentatae Praeparata

 

72

Vị thuốc Nhục thung dung

Herba Cistanches Praeparata

 

73

Vị thuốc Phòng Đảng sâm

Radix Codonopsis javanicae Praeparata

 

74

Vị thuốc Phù bình

Herba Pistiae Praeparata

 

75

Vị thuốc Phụ tử

Radix Aconiti lateralis Praeparata

 

76

Vị thuốc Qua lâu nhân

Semen Trichosanthis Praeparata

 

77

Vị thuốc Sinh địa

Radix Rehmanniae Praeparata

 

78

Vị thuốc Sơn thù

Fructus Corni Praeparata

 

79

Vị thuốc Sơn tra

Fructus Mali Praeparata

 

80

Vị thuốc Tầm vôi

Bombyx Botryticatus Praeparata

 

81

Vị thuốc Tang phiêu tiêu

Ootheca mantidis Praeparata

 

82

Vị thuốc Táo nhân

Semen Ziziphi mauritianae Praeparata

 

83

Vị thuốc Thạch quyết minh

Concha Haliotidis Praeparata

 

84

Vị thuốc Thạch xương bồ

Rhizoma Acori graminei Praeparata

 

85

Vị thuốc Thăng ma

Rhizoma Cimicifugae Praeparata

 

86

Vị thuốc Thảo quyết minh

Semen Cassiae torae Praeparata

 

87

Vị thuốc Thỏ ty tử

Semen Cuscutae Praeparata

 

88

Vị thuốc Thục địa

Radix Rehmanniae Praeparatus

 

89

Vị thuốc Thương nhĩ tử

Fructus Xanthii Praeparata

 

90

Vị thuốc Thương truật

Rhizoma Atractylodis Praeparata

 

91

Vị thuốc Thủy xương bồ

Rhizoma Acori calami Praeparata

 

92

Vị thuốc Tiền hồ

Radix Peucedani Praeparata

 

93

Vị thuốc Toàn yết

Scorpio Praeparata

 

94

Vị thuốc Trắc bách diệp

Folium Thujae orientalis Praeparata

 

95

Vị thuốc Trạch tả

Rhizoma Alismatis Praeparata

 

96

Vị thuốc Trần bì

Pericarpium Citri reticulatae perenne Praeparata

 

97

Vị thuốc Tri mẫu

Rhizoma Anemarrhenae Praeparata

 

98

Vị thuốc Tử uyển

Radix et Rhizoma Asteris Praeparata

 

99

Vị thuốc Tục đoạn

Radix Dipsaci Praeparata

 

100

Vị thuốc Viễn chí

Radix Polygalae Praeparata

 

101

Vị thuốc Xa tiền tử

Semen Plantaginis Praeparata

 

102

Vị thuốc Xuyên khung

Rhizoma Ligustici wallichii Praeparata

 

103

Vị thuốc Ý dĩ

Semen Coicis Praeparata

 

 

1. VỊ THUỐC A GIAO

Colla Corii asini Praeparata

Vị thuốc A giao là keo chế biến từ da con lừa (Equus Asinus L.), họ Ngựa (Equidae).

1. Phương pháp chế biến

Công thức chế biến 1,0 kg vị thuốc A giao (*):

A giao                                      1,0 kg

Cáp phấn hoặc bột mẫu lệ         200 g

Lấy khăn vải sạch lau cho hết bẩn, hơ qua lửa hoặc để trong tủ sấy ở 100°C cho mềm (chú ý không để miếng A giao chảy dễ dính vào nhau), thái nhỏ mỗi miếng có kích thước khoảng 0,5 x 0,5 cm. Cho cáp phấn vào chảo sao cho nóng rồi bỏ các miếng A giao vào sao cho đến khi A giao nở hoàn toàn không còn chỗ cứng, rây bỏ bột cáp phấn.

2. Đặc điểm cảm quan vị thuốc

Miếng vị thuốc A giao phồng đều, không còn chỗ cứng, không chảy hoặc dính vào nhau.

3. Tính vị, quy kinh

Vị ngọt, tính bình. Hơi ấm, không độc. Quy kinh can, phế, thận.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: Tư âm, dưỡng huyết, nhuận phế, chỉ huyết (cầm máu), an thai.

b) Chủ trị: Nôn ra máu, chảy máu cam, tiểu buốt, tiểu ra máu. Phụ nữ bị các chứng về huyết gây ra đau, huyết táo, kinh nguyệt không đều, khó có con, đới hạ. Khớp xương đau nhức, phù thũng, hư lao, ho suyễn cấp, ho khạc ra máu, ung nhọt.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 8 - 24g/ngày, uống với rượu hoặc cho vào thuốc hoàn, tán, nước thuốc sắc.

Kiêng kỵ: Không dùng cho trường hợp tỳ vị hư, ăn uống không tiêu, nôn mửa, có hàn đàm, lưu ẩm. Không dùng chung với vị thuốc Đại hoàng.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

2. VỊ THUỐC BA KÍCH

Radix Morindae officinalis Praeparata

Vị thuốc Ba kích là rễ đã phơi hay sấy khô và chế biến của cây Ba kích (Morinda officinalis How.), họ Cà phê (Rubiaceae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Ba kích phiến: Loại tạp, rửa sạch, bỏ lõi, cắt thành đoạn 3-5 cm, phơi hoặc sấy khô.

b) Phương pháp chế biến Ba kích chích rượu

Công thức chế biến 1,0 kg Ba kích chích rượu(*):

Ba kích phiến                            1,0 kg

Rượu (30 - 40%)                        150 ml

Cho rượu trộn đều vào Ba kích phiến, ủ 1-2 giờ cho ngấm hết rượu sau đó sao nhỏ lửa tới khô.

c) Phương pháp chế biến Ba kích chích muối

Công thức chế biến 1,0 kg Ba kích chích muối(*):

Ba kích phiến                            1,0 kg

Dung dịch muối ăn 5%              150 ml

Đem dung dịch muối ăn trộn đều vào Ba kích phiến, ủ 2-4 giờ cho ngấm đều sau đó sao vàng.

d) Phương pháp chế biến Ba kích chích cam thảo

Công thức chế biến 1,0 kg vị thuốc Ba kích chích cam thảo(*):

Ba kích phiến                            1,0 kg

Cam thảo                                  50 g

Cam thảo được cắt nhỏ, sắc với nước 3 lần, mỗi lần 150 ml nước sạch, đun sôi trong 30 phút. Gộp dịch sắc, cô còn 150ml. Đem dịch cam thảo trộn đều với ba kích, ủ 6 giờ cho ngấm đều sau đó sao vàng.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Vị thuốc Ba kích là những mảnh nhỏ, có dạng quăn queo, vỏ ngoài vàng nhạt hay hơi xám. Thể chất dai, mặt cắt ngang có màu tím nhạt, mùi thơm, vị thuốc Ba kích chích cam thảo có vị hơi ngọt, vị thuốc Ba kích chích muối có vị hơi mặn, vị thuốc Ba kích chích rượu có vị hơi chát.

3. Tính vị, quy kinh

Vị cay, ngọt; Tính ấm; Quy kinh thận.

4. Công năng - Chủ trị

a) Công năng: bổ thận tráng dương, mạnh gân cốt.

b) Chủ trị: sinh dục yếu, hiếm muộn liệt dương, di tinh, đau nhức xương khớp. Vị thuốc Ba kích chích muối tăng tác dụng quy kinh thận, để bổ thận.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 10-12 g/ngày, dùng phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ: Không dùng cho các trường hợp ỉa chảy.

6. Bảo quản

Đề nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

3. VỊ THUỐC BÁ TỬ NHÂN

Semen Platycladi orientalis Praeparata

Vị thuốc Bá tử nhân là hạt trong "nón cái" già (còn gọi là "quả") đã phơi hay sấy khô của cây Trắc bách (Platycladus orientalis (L.) Franco), họ Hoàng đàn (Cupressaceae).

1. Phương pháp chế biến

Phương pháp chế biến Bá tử nhân sao vàng: Bá tử nhân sau khi loại bỏ tạp chất và vỏ "quả" còn sót lại cho vào chảo, dùng lửa nhỏ sao đến khi có màu vàng, lấy ra, tãi cho nguội.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Vị thuốc Bá tử nhân là hạt hình trứng dài hoặc bầu dục hẹp, dài 4 - 7 mm, đường kính 1,5 - 3 mm. Mặt ngoài màu vàng nâu nhạt có các đốm nâu. Mùi thơm nhẹ, vị nhạt.

3. Tính vị, quy kinh

Vị ngọt, tính bình; quy kinh tâm, thận, đại trường.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: Dưỡng tâm, an thần, chỉ hãn, nhuận tràng (để sống). Vị thuốc Bá tử nhân sao vàng đã giảm bớt dầu béo, giảm tác dụng nhuận tràng.

b) Chủ trị: Hư phiền mất ngủ, hồi hộp đánh trống ngực, âm hư, ra mồ hôi trộm, táo bón.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 3 - 12 g/ngày.

Kiêng kỵ: Không dùng trong trường hợp đại tiện lỏng.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

4. VỊ THUỐC BẠCH BIỂN ĐẬU

Semen Lablab Praeparata

Vị thuốc Bạch biển đậu (Đậu ván trắng) là hạt già phơi hay sấy khô của cây Đậu ván trắng (Lablab purpureus (L.) Sweet), họ Đậu (Fabaceae).

1. Phương pháp chế biến

Phương pháp chế biến Bạch biển đậu sao vàng: Lấy Bạch biển đậu sạch cho vào chảo sao nhỏ lửa (lửa văn) cho đến khi bề mặt thuốc có màu vàng nhạt thỉnh thoảng có đốm đen. bên trong hạt màu trắng ngà hoặc màu vẫn như cũ. Xay vỡ hoặc giã dập khi dùng.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Vị thuốc Bạch biển đậu là hạt hình bầu dục hoặc hình trứng dẹt. Mặt thuốc có màu vàng nhạt thỉnh thoảng có đốm đen, bên trong hạt màu trắng ngà. Thể chất cứng chắc, vỏ mỏng dòn, có 2 lá mầm to màu trắng ngà. Khi nhai có mùi thơm không còn mùi tanh của đậu sống.

3. Tính vị, quy kinh

Vị ngọt, tính hơi ôn. Quy kinh tỳ, vị.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: Kiện tỳ hòa vị, hóa thấp.

b) Chủ trị: Tỳ vị hư nhược, kém ăn, đại tiện lỏng, bạch đới, nôn mửa, tiết tả.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 9-15 g/ngày, phối hợp trong các bài thuốc.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

5. VỊ THUỐC BÁCH BỘ

Radix Stemonae tuberosae Praeparata

Vị thuốc Bách bộ là rễ, đã phơi hay sấy khô của cây Bách bộ (Stemona tuberosa Lour.), thuộc họ Bách bộ (Stemonaceae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Bách bộ chích mật ong

Công thức chế biến 1,0 kg Bách bộ chích mật ong(*):

Bách bộ phiến                           1,0 kg

Mật ong                                    100g

Lấy mật ong hòa trong 100ml nước, khuấy đều, trộn với Bách bộ phiến; đảo đều, ủ qua đêm (khoảng 12 giờ), sau đó sao nhỏ lửa tới khi các phiến có màu nâu nhạt.

b) Phương pháp chế biến Bách bộ chích rượu

Công thức chế biến 1,0 kg Bách bộ chích rượu(*):

Bách bộ phiến                           1,0 kg

Rượu                                        200 ml

Dùng rượu trộn với Bách bộ phiến, đảo đều, ủ qua đêm, sấy khô.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

a) Bách bộ chích mật: Màu nâu nhạt, sẫm màu hơn Bách bộ phiến, mùi thơm, vị đắng ngọt.

b) Bách bộ chích rượu: Màu nâu nhạt, mùi thơm, vị đắng, ngọt.

3. Tính vị, quy kinh

Vị đắng, hơi ngọt; Tính mát, hơi ấm; Quy kinh phế.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: nhuận phế, chỉ khái, sát trùng.

b) Chủ trị: ho, viêm phế quản, ho gà, giun đũa; dùng ngoài trị giun kim, chấy, rận, ghẻ lở, ngứa âm hộ.

Bách bộ tẩm mật còn được dùng trị âm hư, lao thấu.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 8 - 12 g/ngày dưới dạng thuốc sắc, cao, viên.

Dùng ngoài: Liều lượng thích hợp, nấu nước để rửa hoặc nấu cao để bôi xoa.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

6. VỊ THUỐC BẠCH CHỈ

Radix angelicae dahuricae praeparata

Vị thuốc Bạch chỉ là rễ phơi hay sấy khô của cây Bạch chỉ (Angelica dahurica (Fisch.ex Hoffm.) Benth. et Hook.f.), họ Hoa tán (Apiaceae).

1. Phương pháp chế biến

Phương pháp chế biến Bạch chỉ phiến: Loại tạp, rửa sạch, ủ trong khoảng 3 giờ cho mềm, thái lát dày 0,2 - 0,4 cm, phơi hoặc sấy ở nhiệt độ (40 - 50°) cho khô.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Vị thuốc Bạch chỉ có vỏ ngoài màu vàng, nâu nhạt, trong ruột trắng ngà, có các vạch dọc theo rễ củ, mùi thơm đặc trưng, vị cay hơi đắng, dễ gãy vụn, chứa nhiều tinh bột.

3. Tính vị, quy kinh

Vị cay, tính ôn. Quy kinh phế, vị, đại trường.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: tán phong, trừ thấp, thông khiếu, giảm đau, tiêu thũng, trừ mủ.

b) Chủ trị: cảm mạo, nhức đầu, đau xương lông mày, ngạt mũi, chảy nước mũi do viêm xoang, đau răng, bạch đới, mụn nhọt, sưng đau.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 3 - 9 g/ngày.

Kiêng kỵ: Không nên dùng trong trường hợp âm hư hỏa uất, nhiệt thịnh.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

7. VỊ THUỐC BẠCH GIỚI TỬ

Semen Sinapis albae Praeparata

Vị thuốc Bạch giới tử là hạt của quả chín đã phơi hay sấy khô của cây Cải trắng (Sinapis alba L.), họ Cải (Brassicaceae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Bạch giới tử sao vàng: Lấy Bạch giới từ sao nhỏ lửa đến màu vàng sẫm có mùi thơm, vị cay, đặc trưng của mùi cài. Đổ ra, để nguội.

b) Phương pháp chế biến Bạch giới tử sao đen: Đun nóng chào, cho Bạch giới tử vào, đảo đều cho đến khi ngoài vỏ có màu hơi đen. Đổ ra, để nguội.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

a) Bạch giới từ sao vàng là những hạt nhỏ, khô giòn, màu hơi vàng.

b) Bạch giới tử sao đen có màu hơi đen có vị thơm đặc trưng của họ cải, nhấm có vị hơi cay.

3. Tính vị, quy kinh

Vị cay, tính ấm; Quy kinh phế.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: ôn phế, trừ đàm hàn, giảm đau, tiêu thũng, tán kết, thông kinh lạc, lợi khí.

b) Chủ trị: ho hàn, nhiều đờm, suyễn tức, khó thở, sườn ngực đau chướng, xương khớp tê đau.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 3 - 9 g/ngày dưới dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán.

Kiêng kỵ: Không dùng trong trường hợp phế hư, ho khan.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

8. VỊ THUỐC BÁCH HỢP

Bulbus Lilii brownii Praeparata

Vị thuốc Bách hợp (Tỏi rừng) là vẩy đã sơ chế, phơi khô lấy ở thân hành cây Bách hợp (Lilium brownii F.E.Brown var. viridulum Baker hoặc Lilium pumilum DC.), họ Hoa loa kèn (Liliaceae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Bách hợp phiến: Rửa sạch, tách ra từng vẩy, phơi khô.

b) Phương pháp chế biến Bách hợp tẩm mật

Công thức chế biến 1,0 kg Bách hợp tẩm mật(*):

Bách hợp phiến                         1,0 kg

Mật ong luyện                           0,1 kg

Hòa mật ong luyện và 0,2 lít nước sôi quấy đều, trộn vào Bách hợp phiến, để khoảng 1 giờ cho ngấm sau đó cho vào chảo sạch, sao nhỏ lửa tới khi không dính tay thì lấy ra, để nguội.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Vị thuốc Bách hợp có vẩy hình bầu dục, dài 2 - 5 cm, rộng 1 - 2 cm, phần giữa dày 3-4 mm, mặt ngoài màu vàng nâu, hơi bóng. Chất cứng và dai, mặt gãy phẳng, trơn bóng như sừng. Không mùi, vị hơi đắng.

3. Tính vị, quy kinh

Vị đắng, tính mát; Quy kinh phế, tâm.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: Dưỡng âm, nhuận phế, thanh tâm, an thần. Bách hợp chế mật tăng cường tác dụng nhuận phế, chỉ ho.

b) Chủ trị: Âm hư, ho lâu ngày, trong đờm lẫn máu, hư phiền, kinh hãi, tim đập mạnh, mất ngủ, hay ngủ mê, tinh thần hoảng sợ.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 6 - 12 g/ngày dưới dạng thuốc sắc hoặc dạng bột.

Kiêng kỵ: Không nên dùng trong trường hợp trúng hàn (cảm lạnh), hàn thấp ứ trệ, tỳ, thận dương suy.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

9. VỊ THUỐC BẠCH LINH

Poria Praeparata

Vị thuốc Bạch linh (Phục linh) là thể nấm đã phơi hay sấy khô của nấm Phục linh (Poria cocos (Schw.) Wolf, họ Nấm lỗ (Polyporaceae), mọc ký sinh trên rễ một số loài Thông.

1. Phương pháp chế biến

Phương pháp chế biến Bạch linh phiến: Chọn phân loại các thể nấm, rửa sạch, ngâm hoặc ủ trong 6-8 giờ, hơi mềm, gọt bỏ vỏ bên ngoài, thái phiến và bỏ phần lõi sau đó phơi hoặc sấy khô.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Vị thuốc Bạch linh là phiến không đồng nhất, màu trắng đục, hồng nhạt hoặc nâu nhạt. Thể chất chắc hơi xốp.

3. Tính vị, quy kinh

Vị ngọt, nhạt, tính bình; Quy kinh tâm, thận, tỳ.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: lợi thủy, thẩm thấp, kiện tỳ hòa trung.

b) Chủ trị: viêm tiết niệu, phù nề, hồi hộp, mất ngủ, kém ăn, ỉa chảy.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 9 - 15 g/ngày (có thể dùng 40 g/ ngày).

Kiêng kỵ: Không dùng trong trường hợp khi đi tiểu nhiều.

6. Bảo quản

Đề nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

10. VỊ THUỐC BẠCH MAO CĂN

Rhizoma Imperatae cylindricae Praeparata

Vị thuốc Bạch mao căn (Rễ cỏ tranh) là thân rễ đã phơi hay sấy khô của cây Cỏ tranh (Imperata cylindrica P. Beauv), Họ Lúa (Poaceae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Bạch mao căn phiến: Rửa sạch, tẩm nước cho hơi mềm, rồi cắt thành đoạn 3 - 4 cm phơi khô, sàng bỏ chất vụn.

b) Phương pháp chế biến Bạch mao căn sao đen: Lấy Bạch mao căn phiến cho vào nồi sao lửa to tới khi có khói trắng bốc lên, dược liệu trở thành màu nâu đen hoặc đen, phun một ít nước sạch trừ hỏa, sao thêm khoảng 2-3 phút, lấy ra để nguội.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

a) Bạch mao căn phiến: Là những đoạn thân rễ hình trụ, dài 3 - 4 cm, đường kính 0,2 - 0,4 cm. Mặt ngoài trắng ngà hay vàng nhạt, có nhiều nếp nhăn dọc và nhiều đốt, mỗi dốt dài 1 - 3,5 cm, trên các đốt còn sót lại vết tích của lá vẩy và của rễ con. Vị thuốc dai, dễ bẻ gẫy ở đốt, mặt bẻ có sợi. Mặt cắt ngang gần hình tròn, mặt ngoài lồi lõm không đều, ở giữa thường rách nứt. Vị thuốc không mùi, không vị.

b) Bạch mao căn sao đen: Là những đoạn thân rễ hình trụ, dài 1 - 3 cm. Mặt ngoài nâu đen hoặc đen, bẻ ra bên trong có màu nâu vàng hoặc nâu sẫm. Mùi thơm, không vị.

3. Tính vị, quy kinh

Vị ngọt, tính lạnh; Quy kinh tâm, tỳ, vị, bàng quang.

4. Công năng chủ trị

a) Bạch mao căn phiến

- Công năng: lương huyết, thanh nhiệt, lợi tiểu.

- Chủ trị: Khát nước bứt rứt, hoàng đản, thủy thũng do viêm thận cấp tính.

b) Bạch mao căn sao đen

- Công năng: chỉ huyết.

- Chủ trị: Nôn ra máu, tiểu tiện ra máu, chảy máu cam do huyết nhiệt, băng kinh.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 9 - 30 g/ngày dưới dạng thuốc sắc.

Dùng tươi 30 - 60 g/ngày.

Kiêng kỵ: Không dùng trong trường hợp người hư hỏa, không thực nhiệt. Thận trọng dùng cho phụ nữ có thai.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

11. VỊ THUỐC BẠCH TẬT LÊ

Fructus Tribuli terrestris Praeparata

Vị thuốc Bạch tật lê (Thích tật lê) là quả chín phơi khô của cây Bạch tật lê (Tribulus terrestris L.), họ Tật Lê (Zygophyllaceae).

1. Phương pháp chế biến

Phương pháp chế biến Bạch tật lê sao vàng: Lấy Bạch tật lê sạch cho vào nồi, sao lửa nhỏ, cho đến khi màu hơi vàng cháy xém hết các cạnh trông như gai nhọn, lấy ra để nguội.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Bạch tật lê sao vàng là quả có 5 cạnh, đường kính 12 - 15 mm. Vỏ quả màu xém vàng, không còn các gai nhọn, hai mặt bên thô ráp, có vân mạng lưới, màu xám. Chất cứng, không mùi. Vị đắng, cay.

3. Tính vị, quy kinh

Vị cay, đắng, tính ấm, hơi độc; Quy kinh can, phế.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: Bình can giải uất, hoạt huyết, khu phong, sáng mắt, trị ngứa. Bạch tật lê sao vàng có tác dụng hòa hoãn tính cay tán, tăng cường tác dụng bình can, tiềm dương, trừ phong minh mục.

b) Chủ trị: Nhức đầu, chóng mặt; ngực sườn đau trướng, tắc sữa, viêm tuyến vú; đau mắt đỏ kéo màng mắt; phong chẩn, ngứa.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 6 - 9 g/ngày dưới dạng thuốc sắc hoặc viên.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

12. VỊ THUỐC BẠCH THƯỢC

Radix Paeoniae lactiflorae Praeparata

Vị thuốc Bạch thược (Thược dược) là rễ củ phơi hay sấy khô của cây Thược dược (Paeonia lactiflora Pall., syn: Paennia albiflora Pall.), họ Hoàng liên (Ranunculaceae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Bạch thược phiến: Lấy rễ cây Bạch thược loại bỏ tạp chất, rửa sạch, cho lượng nước vừa phải để thấm hết vào rễ Bạch thược. Ủ qua đêm. Sau khi rửa sạch, đồ cho mềm rồi dùng dụng cụ bằng inox bào thành phiến dọc theo rễ Bạch thược sẽ cho các lát Bạch thược dài mỏng đều. Phơi khô hoặc sấy khô ở nhiệt độ 50 - 60°C.

b) Phương pháp chế biến Bạch thược sao: Dùng Bạch thược phiến ở trên cho vào chảo, đun nhỏ lửa (lửa văn), đảo đều đến khi bề mặt phiến dược liệu có màu vàng nhạt, lấy ra, để nguội. Không dùng dụng cụ bằng gang, sắt vì Bạch thược dễ bị biến màu đen.

c) Phương pháp chế biến Bạch thược chích rượu:

Công thức chế biến 1,0 kg Bạch thược chích rượu(*):

Bạch thược phiến                      1,0 kg

Rượu                                        0,3 lít

Dùng Bạch thược phiến, tẩm lượng rượu thích hợp, ủ cho thấm đều khoảng 30 phút. Cho vào chảo đun nhỏ lửa (lửa văn), đảo đều cho đến khi bề mặt dược liệu có màu hơi vàng, mùi thơm.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

a) Bạch thược phiến: phiến bạch thược mỏng, trắng, khô, thẳng hay hơi cuộn lại. Vị ngọt hơi chua

b) Bạch thược sao và Bạch thược chích rượu: có màu vàng nhạt, mùi thơm.

3. Tính vị, quy kinh

Vị đắng, chua, tính hàn. Quy kinh can, phế, tỳ, thận.

4. Công năng, chủ trị

a) Bạch thược phiến

- Công năng: Nhuận can, tiềm dương, dưỡng huyết liễm âm khí, thông kinh chỉ thống, điều kinh.

- Chủ trị: Dùng trị đau nhức do can khí bất hòa, dùng trị tả, lỵ do tỳ khí bất hòa, chóng mặt nhức dầu do can khí vượng.

b) Bạch thược sao vàng và Bạch thược chích rượu

- Công năng: Nhuận can, tiềm dương, dưỡng huyết liễm âm khí, thông kinh chỉ thống, điều kinh.

- Chủ trị: Dùng để dưỡng huyết liễm âm khí, dùng cho bổ huyết, phụ nữ kinh nguyệt không đều (để cân bằng tiết progesteron) băng lậu, thiếu máu, ra nhiều mồ hôi, mồ hôi trộm, tiểu tiện khó.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 6 - 15 g/ngày.

Kiêng kỵ: Không phối ngũ với Lê lô. Không dùng trong trường hợp người bị tả, lỵ do hàn.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

13. VỊ THUỐC BẠCH TRUẬT

Rhizoma Atractylodis macrocephalae Praeparata

Vị thuốc Bạch truật là thân rễ (thường gọi là củ) phơi hay sấy khô của cây Bạch truật (Atractylodes macrocephala Koidz.), họ Cúc (Asteraceae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế hiến Bạch truật phiến: Dược liệu được rửa sạch, ủ cho mềm, rút bỏ lõi, thái mỏng; phơi hay sấy khô.

b) Phương pháp chế biến Bạch truật sao cám mật ong:

Công thức chế biến 1,0 kg Bạch truật sao cám mật ong(*):

Bạch truật phiến

1,0 kg

Cám

100 g

Mật ong

5,0 g

Cám được trộn với mật ong, sao đến khi bốc khói, cho Bạch truật phiến vào đảo đều đến khi phiến có màu vàng xém cạnh, có mùi thơm. Lấy ra, rây loại bỏ cám. Để nguội, đóng gói.

c) Phương pháp chế biến Bạch truật chích rượu:

Công thức chế biến 1,0 kg Bạch truật chích rượu(*):

Bạch truật phiến                        1,0kg

Rượu                                        100 ml

Phiến Bạch truật được trộn đều với rượu, đậy kín, ủ cho rượu thấm đều (khoảng 1 - 2 giờ). Sao nhỏ lửa đến khô.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Vị thuốc Bạch truật là các phiến màu vàng thẩm, cạnh hơi xém, thể chất cứng, Bạch truật sao cám mật có vị đắng, hơi ngọt, Bạch truật chích rượu có vị đắng mùi thơm đặc trưng của Bạch truật.

3. Tính vị, quy kinh

Vị đẳng, hơi ngọt, tính ấm; Quy kinh tỳ, vị.

4. Công năng, chủ trị

Công năng: bổ khí, kiện tỳ, trừ thấp, liễm hãn, an thai.

Chủ trị: tỳ hư, kém ăn, trướng bụng, ỉa chảy, mồ hôi nhiều, động thai.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 6 - 12 g/ngày, dùng phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ: Thận trọng khi dùng cho người bị táo bón.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

14. VỊ THUỐC BÁN HẠ NAM

Rhizoma Typhonii trilobati Praeparata

Vị thuốc Bán hạ nam là thân rễ được thu hái từ cây Củ chóc (Typhonium trilobatum (L.) Schott.) Họ Ráy (Araceae).

1. Phương pháp chế biến.

a) Phương pháp chế biến Bán hạ phiến: Thân rễ của cây củ chóc chuột được rửa sạch, cắt bỏ rễ con, cạo bỏ vỏ, đồ chín, thái phiến dày 3 - 5 mm, phơi hay sấy khô.

b) Phương pháp chế biến Bán hạ chế gừng

Công thức chế biến 1,0 kg Bán hạ chế gừng(*):

Bán hạ phiến                             1,0 kg

Phèn chua                                 100 g

Gừng tươi                                100 g

Nước vo gạo                            vừa đủ

Bán hạ phiến được ngâm trong dịch nước vo gạo 2 ngày, mỗi ngày thay nước một lần. Gạn bỏ dịch ngâm, rừa nhẹ đến sạch.

Phèn chua được tán thành bột mịn, hòa tan hoàn toàn trong 3 lít nước sạch. Ngâm tiếp bán hạ 2 ngày đến khi không còn “nhân trắng đục”. Vớt ra, phơi khô.

Bán hạ đã phơi khô được tẩm với dịch nước gừng tươi. Trộn, ủ đến khi thấm đều vào phiến thuốc. Sao đến khi có màu vàng đậm, không còn vị ngứa. Để nguội, đóng gói.

c) Phương pháp chế biến Bán hạ chế nước vôi trong

Công thức chế biến 1,0 kg Bán hạ chế nước vôi trong(*):

Bán hạ phiến                             1,0 kg

Cam thảo                                  150 g

Nước vôi trong                         vừa đủ.

Cam thảo nấu với 3 lít nước trong 2 giờ. Gạn lấy dịch. Ngâm Bán hạ trong dịch Cam thảo trong 2 ngày. Vớt ra, ngâm tiếp với nước vôi khoảng 3 ngày. Nếm thấy hết vị ngứa thì vớt ra, rửa nhiều lần bằng nước sạch, phơi hoặc sấy đến khô. Để nguội, đóng gói.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc:

Vị thuốc Bán hạ nam có phiến dày 1-3mm hoặc các mảnh vụn có đường kính không nhỏ hơn 0,2 cm. Thể chất khô giòn, màu vàng, mép phiến có lẫn màu đen cháy hoặc nâu. Bán hạ chế gừng có mùi thơm của gừng, Bán hạ chế nước vôi trong có mùi nồng của vôi. Vị cay, hơi tê, không ngứa.

3. Tính vị qui kinh

Vị cay, tính ấm; Quy kinh tỳ, vị, phế.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: hóa đờm hàn, giáng nghịch chỉ nôn.

b) Chủ trị: ho có nhiều đờm loãng do viêm phế quản, hen phế quản; đầy trướng bụng; nôn, buồn nôn; táo bón thể dương hư; rối loạn mỡ máu.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 12-16 gam/ngày dưới dạng thuốc sắc, phối hợp với các vị thuốc khác.

Khi bị nôn dùng Bán hạ chế gừng, dùng cho phụ nữ có thai thì phải phối hợp với Hoàng cầm, Bạch truật.

Kiêng kỵ: Không dùng trong trường hợp người ra nhiều mồ hôi, Không dùng với Phụ tử.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

15. VỊ THUỐC BINH LANG

Semen Arecae Praeparata

Vị thuốc Binh lang (Hạt quả cau) là hạt phơi hay sấy khô của quả cau già (Areca catechu L., họ Cau (Arecaceae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Binh lang phiến

Rửa sạch, đồ mềm hoặc ngâm nước 2 - 3 ngày, ngày thay nước một lần trong chậu nhựa. Không dùng dụng cụ bằng sắt vì có tanin, thái mỏng, phơi khô.

b) Phương pháp chế biến Binh lang sao

Lấy Binh lang phiến cho vào nồi, dùng lửa nhỏ sao đến khi bên ngoài có màu nâu tím, mùi thơm.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

a) Binh lang phiến: Phiến thuốc màu nâu nhạt, có đốm nâu đậm, mặt ngoài có gân hình mạng, vị chát.

b) Binh lang sao: Phiến thuốc màu nâu tím, chất thịt, mặt ngoài có gân hình mạng. Mùi đặc trưng của Binh lang, vị đắng, chát.

3. Tính vị qui kinh

Vị đắng, cay, chát, tính ấm; Quy kinh vị, đại tràng.

4. Công năng chủ trị

a) Công năng: sát trùng tiêu tích, hành khí thông tiện, lợi thủy, tiêu tích hóa trệ. Binh lang sao có tính dược hòa hoãn tăng cường tác dụng tiêu tích đạo trệ.

b) Chủ trị: dùng trừ giun sán, chữa sốt rét, chữa tiểu bí, buốt rắt, bụng đầy trướng.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 8 - 24 g/ngày dưới dạng thuốc sắc.

Kiêng kỵ: Không dùng trong trường hợp người khí hư hạ hãm không tích trệ; Không dùng dụng cụ bằng sắt do trong thành phần có nhiều tanin.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

16. VỊ THUỐC BỔ CỐT CHỈ

Semen Psoraleae corylifoliae Praeparata

Vị thuốc Bồ cốt chỉ (Bốt cốt chỉ, Phá cố chỉ, Đậu miêu) là hạt quả chín hạt đã chế biến của cây Bổ cốt chỉ (Psoralea corylifolia L), họ Đậu (Fabaceae).

1. Phương pháp chế biến

Phương pháp chế biến Bổ cốt chỉ chế muối (Diêm Bổ cốt chỉ)

Công thức chế biến 1,0 kg Bổ cốt chỉ chế muối(*):

Bổ cốt chỉ                                 1,0 kg

Muối ăn                                    20 g

Hòa tan hoàn toàn 20 g muối ăn vào vừa đủ 100 ml nước (dung dịch A); Bổ cốt chỉ loại bỏ tạp chất, rửa sạch, phơi khô; Phun dung dịch A vào Bổ cốt chỉ, trộn đều, ủ 30 - 45 phút cho ngấm đều: Sao nhỏ lửa đến khi hạt hơi phồng lên, lấy ra để nguội. Có thể sao Bổ cốt chỉ hơi phồng sau đó phun nước muối vào dần, sao đến khô là được.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Vị thuốc Bổ cốt chỉ có mặt ngoài hạt màu nâu đen, phồng đều, có vết nhăn và rạn nứt rõ. Thể chất hạt cứng, mùi thơm đặc trưng, vị hơi cay, đắng.

3. Tính vị, quy kinh

Vị tân, khổ, tính ôn; Quy kinh thận, tỳ.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: bổ mệnh môn hỏa, chỉ tả.

b) Chủ trị: liệt dương, di tinh, đái dầm, niệu tần, ỉa chảy, thắt lưng đầu gối đau lạnh, dùng ngoài chữa bạch biến.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 6 - 9 g/ngày dưới dạng thuốc sắc, dùng phối hợp với các vị thuốc khác.

Dùng ngoài dưới dạng cồn thuốc 20 - 30%, bôi chỗ bị bệnh.

Kiêng kỵ: Không dùng trong trường hợp âm hư hỏa vượng, tiểu tiện ra máu, xuất huyết đường tiêu hóa, đại tiện táo bón, viêm đường tiết niệu.

Thận trọng khi sử dụng dài ngày.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

17. VỊ THUỐC BỔ HOÀNG

Pollen Typhae Praeparata

Vị thuốc Bồ hoàng là phấn hoa cây Cỏ nến (Typha angustifolia L.), họ Hương bồ (Typhaceae).

1. Phương pháp chế biến

Phương pháp chế biến Bồ hoàng thán sao: Cho Bồ hoàng sạch vào chảo, dùng lửa nhỏ sao đến khi có màu vàng nâu đen, phun nước sạch để trừ hỏa, sao tiếp cho khô, lấy ra tãi cho nguội, rây lấy phần mịn nhỏ.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Bột màu nâu đất. Nổi trên mặt nước. Khi xoa trên 2 ngón tay cảm giác mịn, dính.

3. Tính vị, quy kinh

Vị ngọt, tính bình. Qui kinh tâm bào, can, thận

4. Công năng chủ trị

a) Công năng: Hành huyết, chỉ huyết, lợi niệu, thông lâm. Bồ hoàng thán sao chuyển từ tính hoạt sang tính sáp, tăng cường tác dụng chỉ huyết.

b) Chủ trị: Chảy máu do nhiều nguyên nhân như tiểu ra máu, chảy máu tử cung... do huyết nhiệt; dùng với thuốc ôn ấm để cầm máu do hư hàn; dùng với Tam thất, Tây thảo để hành huyết ứ, chỉ huyết (chảy máu do ứ huyết). Vị thuốc này thường để trị tiểu ra máu hoặc tiểu són có máu, dùng phối hợp với sinh địa, chi tử... và thuốc lợi tiểu.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 8 - 12g/ngày hòa vào nước sắc thuốc để uống.

Kiêng kỵ: Không dùng cho trường hợp người âm hư, không bị ứ huyết.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

18. VỊ THUỐC CAM THẢO

Radix et Rhizoma Glycyrrhizae Praeparata

Vị thuốc Cam thảo là rễ và thân rễ phơi hay sấy khô của cây Cam thảo (Glycyrrhiza uralensis Fish.; hoặc G. inflata Bat.; hoặc G. glabra L.,) họ Đậu (Fabaceae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Cam thảo phiến

Cam thảo loại bỏ tạp chất, rửa sạch, cạo bỏ lớp bần, ủ khoảng 4-8 giờ cho mềm, thái lát dày 1 - 2 mm, phơi hoặc sấy khô.

b) Phương pháp chế biến Cam thảo chích mật

Công thức chế biến 1,0 kg Cam thảo chích mật(*):

Cam thảo phiến                         1,0 kg

Mật ong                                    0,2 kg

Hòa tan mật ong với đồng lượng nước sôi rồi trộn đều với cam thảo ủ trong 1 - 2 giờ. Cho vào sao nhỏ lửa và đảo đều cho đến khi bề mặt cam thảo có màu vàng đậm, viền ngoài nâu, sờ không dính tay.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Vị thuốc Cam thảo có màu vàng nhạt (sinh Cam thảo), màu vàng đậm (Cam thảo chích mật). Vị ngọt đậm, đặc trưng của Cam thảo.

3. Tính vị, quy kinh

Vị ngọt, tính bình. Quy vào 12 đường kinh.

4. Công năng, chủ trị

a) Sinh cam thảo

- Công năng: mạnh tỳ, dưỡng khí, thanh nhiệt, giải độc, hóa đàm, chỉ khái, chỉ thống.

- Chủ trì: tỳ vị hư nên mệt mỏi, yếu, đánh trống ngực, đoản khí, ho nhiều đàm, đau do co thắt thượng vị, bụng, tứ chi, đau rát cổ họng , nhọt độc, điều hòa các thuốc.

b) Cam thảo chích mật

- Công năng: Mạnh tỳ vị, bổ khí, tăng cường tuần hoàn.

- Chủ trị: hòa trung tiêu làm mạnh tỳ vị, mỏi mệt, tâm hồi hộp, loạn nhịp.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 1,5 - 9 g/ngày dưới dạng thuốc sắc, hoàn tán.

Kiêng kỵ: Không dùng trong trường hợp tỳ vị thấp trệ, ngực bĩ tức; Không dùng cùng Cam toại, Nguyên hoa, Hồng đại kích.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

19. VỊ THUỐC CAN KHƯƠNG

Rhizoma Zingiberis Praeparata

Vị thuốc Can khương là thân rễ phơi hay sấy khô của cây Gừng (Zingiber officinale Rose.), họ Gừng (Zingiberaceae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Gừng thái phiến: Lấy các củ gừng già rửa sạch, để khô se, thái phiến vát, dầy 2 - 3 mm. Phơi khô hoặc sấy khô ở nhiệt độ 50- 60°C làm nguyên liệu.

b) Phương pháp chế biến Can khương sao vàng

Đem chảo đun nóng già, cho Can khương phiến vào, đảo thật đều tới khi toàn bộ mặt ngoài của phiến có màu vàng. Đổ ra, tãi mỏng cho nguội.

c) Phương pháp chế biến Can khương sao cháy (thán khương)

Cho Can khương phiến vào chảo đã được đun nóng già, đảo thật đều tới khi toàn bộ mặt ngoài của phiến có màu đen, có mùi cháy, bên trong có màu nâu. Đổ ra, tãi mỏng để tránh bị cháy.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc.

Vị thuốc Can khương là những phiến mỏng có kích thước dài 3 - 5 cm, dầy 3 - 5 mm, mặt ngoài phiến có màu hơi vàng (Can khương sao vàng), màu đen (Thán khương), nhấm có vị cay, thơm mùi gừng.

3. Tính vị, quy kinh

Vị cay, tính ấm. Quy kinh tâm, phế, tỳ, vị, đại tràng, thận.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: Ôn trung, hồi dương, khứ hàn, thông mạch, chỉ tả, chỉ huyết, chỉ khái.

b) Chủ trị: chân tay giá lạnh, bụng sôi, đầy trướng, nôn mửa, tiêu chảy, ho, nhiều đờm. Các trường hợp bị xuất huyết, thổ huyết, băng huyết dùng thán khương.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 2 - 6 g/ngày dưới dạng hãm hoặc sắc.

Kiêng kỵ: Không dùng trong trường hợp âm hư nội nhiệt, biểu hư ra mồ hôi, thận trọng khi dùng cho phụ nữ có thai. Trong trường hợp cần sử dụng can khương cho phụ nữ có thai để trị các chứng đau bụng do hàn, hoặc động thai chảy máu, nên dùng Thán khương.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

20. VỊ THUỐC CÁT CĂN

Radix Puerariae thomsonii Praeparata

Vị thuốc Cát căn là chế là sản phẩm đã chế biến từ rễ củ cây Sắn dây (Pueraria thomsonii Benth.), họ Đậu (Fabaceae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Cát căn phiến

Cát căn rữa sạch, ngâm ngập vào nước khoảng 30 phút, rửa sạch, để ráo nước, thái phiến dài khoảng 3 - 5 cm, dầy 3 - 4 mm. phơi hoặc sấy khô.

b) Phương pháp chế biến Cát căn sao vàng

Lấy Cát căn phiến, sao đều tới khi mặt ngoài của phiến có màu vàng hoặc hơi vàng.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Vị thuốc Cát căn phía mặt ngoài phiến có màu vàng hoặc hơi vàng, bên trong phiến có màu trắng.

3. Tính vị, quy kinh

Vị tân, cam, tính lương, bình; Quy kinh tỳ, vị.

4. Công năng, chủ trị

a) Cát căn phiến

- Công năng: phát hãn, hạ nhiệt, giải cơ, giải độc, sinh tân chi khát, thanh tràng chỉ lỵ.

- Chủ trị: dùng trong các trường hợp sốt do cảm mạo phong nhiệt, đau đầu cứng gáy, sởi chưa mọc, các chứng bí tiểu tiện, tiểu buốt, dắt.

b) Cát căn sao vàng

- Công năng: phát hãn, hạ nhiệt, giải cơ, giải độc, sinh tân chỉ khát, thanh tràng chỉ lỵ.

- Chủ trị: làm giảm tính phát hãn của vị thuốc, dùng trong các chứng tiêu khát, mụn nhọt, lở loét niêm mạc miệng.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 8 g - 12 g/ngày, dưới dạng thuốc sắc, dùng phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ: Thận trọng khi dùng cho người huyết hư mà đau đầu vì Cát căn có tính thăng tán.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

21. VỊ THUỐC CÁT CÁNH

Radix Platycodi grandiflori Praeparata

Vị thuốc Cát cánh là rễ phơi hay sấy khô của cây Cát cánh (Platycodon grandiflorum (Jacq.) A. DC., họ Hoa chuông (Campanulaceae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Cát cánh phiến

Rửa nhanh bằng nước sạch, để ráo, thái mỏng dày khoảng 2 - 3 mm, phơi hay sấy khô được Cát cánh phiến.

b) Phương pháp chế biến Cát cánh chích mật

Công thức chế biến 1,0 kg Cát cánh chích mật(*):

Cát cánh phiến                          1,0 kg

Mật ong                                    0,1 kg

Cho một lượng nước bằng lượng mật ong (tỷ lệ 1/1), trộn đều, lọc qua gạc, đun nhỏ lửa đến sôi, vớt bỏ bọt trắng. Tẩm nước mật vào Cát cánh phiến; ủ cho thấm đều; đảo đều sau đem sao qua đến khi các miếng dược liệu rời nhau, sờ không dính tay là được.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

a) Cát cánh phiến: Các phiến mỏng 0,5 - 1,2 mm, màu vàng nhạt, dẻo, vị hơi nhạt sau hơi đắng, dễ hút ẩm.

b) Cát cánh chích mật: Màu vàng nhạt, sẫm màu hơn Cát cánh phiến, vị ngọt nhẹ sau hơi đắng và hơi nhớt trong miệng, dễ hút ẩm.

3. Công năng, chủ trị

a) Công năng: Tuyên thông phế khí, tán phong hàn, ngừa ho, trừ đờm, tổng mủ, làm dãn mạch máu nhỏ, làm hạ đường huyết, chống loét, chống viêm.

b) Chủ trị: Chữa bệnh ngoại cảm sinh ho, cổ họng sưng đau, ngực đầy trướng đau, ho ra máu mủ, mụn nhọt có mủ không vỡ.

4. Cách dùng, liều dùng

Dùng 3 - 9 g/ngày.

Kiêng kỵ: Không dùng cho trường hợp người âm hư, ho lâu ngày và ho ra máu.

5. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

22. VỊ THUỐC CẨU TÍCH

Rhizoma Cibotii Praeparata

Vị thuốc Cẩu tích là thân rễ đã loại bỏ lông và phơi hay sấy khô của cây Cu li [Cibotium barometz (L.) J. Sm.], họ Cẩu tích (Dicksoniaceae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Cẩu tích phiến

Đem cẩu tích ngâm nước cho mềm, rửa sạch, thái phiến, dầy 3 - 5 mm. Phơi khô.

b) Phương pháp chế biến Cẩu tích sao vàng

Đem cẩu tích phiến sao tới khi miếng cẩu tích khô, hơi phồng lên. Đổ ra, chà xát hết lông.

c) Phương pháp chế biến Cẩu tích chích rượu

Công thức chế biến 1,0 kg Cẩu tích chích rượu(*):

Cẩu tích phiến                           1,0 kg

Rượu                                        0,2 lít

Đem cẩu tích phiến, trộn đều với rượu, ủ 30 phút đến 1giờ cho ngấm hết rượu. Sao nhỏ lửa tới khô.

d) Phương pháp chế biến Cẩu tích sao cách cát

Cát sạch được sao nóng già tới nhiệt độ khoảng 250 °C cho cẩu tích phiến vào, đảo đều tới khi các miếng Cẩu tích phồng đều. Lấy ra sàng sạch cát, xát bỏ lông.

e) Phương pháp chế biến Cẩu tích chích muối ăn

Công thức chế biến 1,0 kg Cẩu tích chích muối ăn(*):

Cẩu tích phiến                           1,0 kg

Muối ăn                                    20,0 g

Đem dung dịch natri clorid trộn đều vào cẩu tích, ủ 3 giờ cho ngấm đều. Phơi khô hoặc sấy khô. Sao trực tiếp tới khi các miếng cẩu tích phồng đều. Lấy ra, sàng sẩy cho sạch lông.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Vị thuốc Cẩu tích là các phiến phồng đều, giòn. Cẩu tích sao cách cát cho màu vàng thẫm, mùi thơm. Cẩu tích chích muối có màu nâu xám, vị hơi mặn, mùi thơm.

3. Tính vị quy kinh

Vị đắng , ngọt, hơi cay, tính ấm. Quy kinh can thận.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: bổ can thận, mạnh gân cốt, trị phong thấp.

b) Chủ trị: dùng trong các bệnh đau lưng, đau xương khớp, suy tủy, chân tay tê mỏi, vô lực, các bệnh tiểu tiện khó cầm, di tinh, hoạt tinh, băng lậu đới hạ.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 6 - 12 g/ngày dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc ngâm rượu.

Kiêng kỵ: Không dùng cho các trường hợp sốt do thận hư, âm hư, tiểu tiện bí dắt, miệng đắng, lưỡi khô.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

23. VỊ THUỐC CHỈ THỰC

Fructus Aurantii immaturus Praeparata

Vị thuốc Chỉ thực là quả non dược thu hái từ cây cam chua (Citrus aurantium L. ) hoặc cây cam ngọt (C. sinensis Osbeck.) Họ Cam (Rutaceae), thái thành phiến dầy 0,1 - 0,3 cm.

1. Phương pháp chế biến

Chỉ thực phiến sao đến khi bề mặt phiến có màu vàng tối, cạnh phiến có màu đen, mùi thơm cháy. Lấy ra, để nguội, đóng túi.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Vị thuốc Chỉ thực là phiến cắt ngang quả, hình tròn không đều, đường kính 1-3 cm, dầy 0,2- 0,3cm. Thể chất khô cứng. Bề mặt màu trắng ngà đến vàng tối, một số phiến có màu đen cháy, xung quanh phiến có màu lục tối hay đen cháy. Mùi đặc trưng. Vị chát, cay, chua.

3. Tính vị quy kinh

Vị đắng, chua. Tính hàn. Quy kinh tỳ, vị.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: Phá khí giáng nghịch, hóa đờm.

b) Chủ trị: đầy chướng bụng, đại tiện khó, táo bón, ho có nhiều đờm.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 6-12 g/ngày dưới dạng thuốc bột, sắc hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ: Không dùng cho phụ nữ có thai.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

24. VỊ THUỐC CHI TỬ

Fructus Gardeniae jasminoides Praeparata

Vị thuốc Chi tử là hạt chín phơi hoặc sấy khô, thu hái từ cây Dành dành (Gardenia jasminoides Ellis.) Họ Cà phê (Rubiaceae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Chi tử sao qua (Chi tử vi sao): Sao cho đến khô, lấy ra để nguội, đóng gói.

b) Phương pháp chế biến Chi tử sao cháy (Chi tử thán sao): Chi tử được sao đến khi bên ngoài có màu đen, bên trong có màu nâu, có mùi thơm cháy, khô giòn, lấy ra để nguội, đóng gói.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Hạt khô có màu vàng cam hoặc nâu đỏ (Chi tử vi sao), có màu đen, mùi cháy (Chi tử thán sao), thể chất khô giòn, vị đắng.

3. Tính vị, quy kinh

Vị đắng, tính hàn; Quy kinh tâm, phế, tam tiêu.

Chi tử vi sao giảm tính hàn.

4. Công năng, chủ trị

a) Chi tử vi sao

- Công năng: thanh nhiệt giáng hỏa, lương huyết, chỉ huyết.

- Chủ trị: sốt nóng do viêm, nhiễm khuẩn, đau đầu, ứ mật vàng da trong bệnh viêm gan, viêm túi mật.

b) Chi tử thán sao

- Công năng: thanh nhiệt giáng hỏa, lương huyết, chỉ huyết.

- Chủ trị: các chứng chảy máu, như: chảy máu cam, nôn ra máu, đại tiểu tiện ra máu.

4. Cách dùng, liều dùng

Dùng 4-12 g/ngày phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ: Không dùng trong trường hợp bị tiêu chảy.

Thận trọng khi dùng cho người huyết áp thấp gây chóng mặt, đau đầu.

5. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

25. VỊ THUỐC CHỈ XÁC

Fructus Aurantii Praeparata

Vị thuốc Chỉ xác là quả đã gần chín bổ đôi, phơi hay sấy khô của cây Cam chua (Citrus aurantium L.) hoặc cây Cam ngọt (Citrus sinensis (L.) Osbeck), họ Cam (Rutaceae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Chỉ xác phiến

Loại bỏ tạp chất, rửa sạch, ủ mềm, nạo bỏ ruột, hạt, thái lát ngang, phơi hoặc sấy khô.

b) Phương pháp chế biến Chỉ xác sao cám

Công thức chế biến 1,0 kg Chỉ xác sao cám(*):

Chỉ xác                                     1,0 kg

Cám gạo                                   0,1 kg

Cho cám vào chảo, đun đến khi bốc khói, cho Chỉ xác phiến vào sao đến khi có màu vàng thẩm lấy ra, sàng bỏ cám, để nguội.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Vị thuốc Chỉ xác sao cám có các phiến hình dải hay hình vòng cung không đều, hơi thẫm màu, đôi khi có vết cháy, mùi thơm nhẹ, vị đắng.

3. Tính vị, quy kinh

Vị khổ, tính tân, lương, Quy kinh tỳ, vị.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: Chỉ xác sao cám hòa hoãn tính cay táo, phá khí hóa đờm tiêu tích, tăng cường tác dụng lý khí hòa vị.

b) Chủ trị: Ngực sườn trướng đau do khí trệ, khó tiêu do đờm trệ.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 3 - 9 g/ngày dưới dạng thuốc sắc hoặc phối hợp với các vị khác trong bài thuốc.

Kiêng kỵ: Không dùng trong trường hợp tỳ vị hư hàn không có tích trệ, không dùng cho phụ nữ có thai.

6. Bảo quản

Đẻ nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

26. VỊ THUỐC CỎ NHỌ NỒI

Herba Ecliptae Praeparata

Vị thuốc Cỏ nhọ nồi (Cỏ mực) là toàn bộ phần trên mặt đất (khi cây đang ra hoa) đã phơi hay sấy khô của cây Cỏ nhọ nồi (Eclipta prostrata L), họ Cúc (Asteraceae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Cỏ nhọ nồi phiến: Bỏ gốc, rễ, rửa sạch, cắt đoạn 5 - 7cm, phơi khô.

b) Phương pháp chế biến Cỏ nhọ nồi thán sao: Cho Cỏ nhọ nồi phiến vào chảo, dùng lửa to vừa sao cho đến khi bề mặt có màu đen thẫm, hơi có khói trắng bốc lên, phun một ít nước sạch vào để trừ hỏa độc (khoảng 100 - 200 ml cho 1 kg dược liệu), dùng lửa nhỏ sao tiếp cho khô, tải ngay cho nguội tránh bốc thành lửa.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Cỏ nhọ nồi thán sao có màu đen thẫm nếu bóp sẽ vụn nát (không phải cháy thành than). Mùi thơm.

3. Tính vị, quy kinh

Vị ngọt, chua, tính lạnh; Quy kinh can, thận.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: Lương huyết, chỉ huyết, bổ can thận. Cỏ nhọ nồi thán sao tăng cường tác dụng chỉ huyết.

b) Chủ trị: Can, thận âm hư, các chứng huyết nhiệt, chứng ho ra máu, nôn ra máu, đại tiện và tiểu tiện ra máu, chảy máu cam, chảy máu dưới da, băng huyết rong huyết, râu tóc sớm bạc, răng lợi sưng đau.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 12-20 g/ngày dưới dạng thuốc sắc hoặc viên.

Kiêng kỵ: Tỳ vị hư hàn, ỉa chảy phân sống không nên dùng.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt. nấm mốc.

27. VỊ THUỐC CỎ XƯỚC

Radix Achyranthis asperae Praeparata

Vị thuốc Cỏ xước (Ngưu tất nam) là rễ đã phơi hay sấy khô của cây Cỏ xước (Achyran this aspera L.). Họ Rau giền (Amaranthaceae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Cỏ xước phiến

Dược liệu rửa sạch, rễ to thái phiến, rễ nhỏ cắt đoạn 3-5 cm, phơi hoặc sấy khô.

b) Phương pháp chế biến Cỏ xước chích rượu

Công thức 1,0 kg Cỏ xước chích rượu(*):

xước phiến                          1,0 kg

Rượu                                        0,15 lít

Tẩm rượu trắng vào xước phiến, trộn đều, đậy kín, ủ trong khoảng 30 phút cho thấm hết rượu, cho vào chảo sao nhỏ lửa đến khi có mùi thơm của rượu bốc lên, phiến thuốc có mầu nâu nhạt. Lấy thuốc ra khay, để nguội, đóng gói.

Có thể sao nóng Ngưu tất phiến, phun rượu vào, sao phiến thuốc có mầu nâu nhạt. Lấy thuốc ra khay, để nguội, đóng gói.

c) Phương pháp chế biến Cỏ xước chích muối ăn

Công thức chế biến 1,0 kg xước chích muối ăn(*):

Cỏ xước phiến                          1,0 kg

Muối ăn                                    0,02 g

Hòa tan muối vào khoảng 500 ml nước. Tẩm nước muối vào Cỏ xước phiến, trộn đều, ủ trong khoảng 30 phút cho thấm hết nước muối, sao nhỏ lửa đến khi bắt đầu có muối kết tinh ở đáy chảo. Lấy thuốc ra khay, để nguội.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

a) xước chích rượu: Phiến thuốc có màu nâu nhạt, mùi thơm đặc trưng của Cỏ xước và của rượu.

b) Cỏ xước chích muối ăn: Phiến thuốc có màu nâu nhạt, mùi thơm đặc trưng của Cỏ xước.

3. Tính vị quy kinh

Vị đắng, chua, tính bình. Quy vào kinh can, thận.

4. Công năng, chủ trị

a) Cỏ xước chế rượu

- Công năng: Bổ can thận, hoạt huyết thông kinh.

- Chủ trị: Chữa thấp khớp, ngã sưng đau, đau lưng, nhức xương, sau khi đẻ máu hôi không ra và kinh nguyệt đau.

b) Cỏ xước chế muối

- Công năng: Bổ can thận, mạnh gân cốt.

- Chủ trị: Chữa đau lưng mỏi gối, hoa mắt chóng mặt do can dương vượng.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 8 - 16g/ ngày dưới dạng thuốc sắc, phối ngũ trong các bài thuốc.

Kiêng kỵ: Không dùng cho phụ nữ có thai, kinh nguyệt nhiều, người khí hư.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

28. VỊ THUỐC CỐT TOÁI BỔ

Rhizoma Drynariae Praeparata

Vị thuốc Cốt toái bổ (tắc kè đá) là sản phẩm đã chế biến của thân rễ đã phơi hay sấy khô của cây Cốt toái bổ [(Drynaria fortunei (Kunze ex Mett.) J. Sm. ) hoặc (Drynaria bonii H. Christ)], họ Dương xỉ (Polypodiaceae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Cốt toái bổ sao vàng: Cốt toái bổ phiến sao tới khi phiến thuốc có màu nâu đậm với loài (Drynaria fortunei) hoặc màu vàng đậm với loài (Drynaria bonii). Loại hết vỏ bẩn và lông nhỏ.

b) Phương pháp chế biến Cốt toái bổ chích rượu

Công thức chế biến 1,0 kg Cốt toái bổ chích rượu(*):

Cốt toái bổ phiến                      1,0 kg

Rượu                                        200 ml

Lấy rượu phun đều vào cốt toái bổ phiến, trộn đều. Ủ 30 phút đến 1giờ cho ngấm hết rượu. Sao nhỏ lửa tới khô đến khi mặt phiến có màu nâu hoặc màu vàng.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Vị thuốc Cốt toái bổ có thể chất giòn, màu nâu đậm hoặc vàng đậm.

3. Tính vị quy kinh

Vị khổ, cam, vi tân; Tính ôn. Quy kinh: can, thận.

4. Công năng, chủ trị

a) Cốt toái bổ sao vàng

- Công năng: bổ thận, mạnh gân cốt, làm liền xương, chỉ thống.

- Chủ trị: dùng trong các bệnh đau lưng, đau xương khớp, gẫy xương, đau răng, chảy máu chân răng, ù tai.

b) Cốt toái bổ chích rượu

- Công năng: bổ thận, mạnh gân cốt, làm liền xương, chỉ thống.

- Chủ trị: dùng trong các bệnh bong gân, sưng tấy cơ nhục.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 6 - 12g/ngày dùng phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ: Không dùng cho các trường hợp sốt do thận hư, âm hư, tiểu tiện bí dắt, miệng đắng, lưỡi khô.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

29. VỊ THUỐC ĐẠI HOÀNG

Rhizoma Rhei Praeparata

Vị thuốc Đại Hoàng là thân rễ đã cạo vỏ để nguyên hay thái thành phiến phơi hay sấy khô của các loài Đại hoàng (Rheum palmatum L.) hoặc (Rheum officinale Baillon), hoặc giống lai của hai loài trên, họ Rau răm (Polygonaceae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Đại hoàng chích giấm

Công thức chế biến 1,0 kg Đại hoàng chích giấm(*):

Đại hoàng phiến                        1,0 kg

Giấm gạo                                  150 ml

Đại hoàng phiến được trộn đều với giấm, ủ 30 phút, đun nhỏ lửa, sao tới khô khi có màu vàng đậm, không còn mùi giấm bốc lên, để nguội, đóng gói.

b) Phương pháp chế biến Đại hoàng chích rượu

Công thức chế biến 1,0 kg Đại hoàng chích rượu(*):

Đại hoàng phiến                        1,0 kg

Rượu                                        300 ml

Đại hoàng phiến được trộn đều với rượu, chích 24 - 32 giờ, đến khi chuyển màu đen lấy ra, phơi âm can, sao đến khô, để nguội, đóng gói.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Vị thuốc Đại Hoàng là phiến thuốc xốp, giòn dễ gãy, màu vàng nâu (Đại hoàng chích rượu), thuốc màu nâu (Đại hoàng chích giấm), mùi đặc trưng, vị đắng và hơi chát.

3. Tính vị, quy kinh

Vị đắng, tính hàn. Quy kinh can, tỳ, vị, tâm bào, đại tràng.

4. Công năng, chủ trị

a) Đại hoàng chích rượu

- Công năng: Hoạt huyết khứ ứ, thanh nhiệt ở thượng tiêu.

- Chủ trị: Thượng tiêu nhiệt độc gây mắt đỏ, viêm họng, viêm răng lợi.

b) Đại hoàng chích giấm

- Công năng: Tả hạ, tiêu tích, hóa ứ. Tác dụng thanh thấp nhiệt.

- Chủ trị: Táo bón do thực nhiệt, đau bụng, vàng da, bế kinh, chấn thương tụ máu, chảy máu cam, mụn nhọt.

5. Cách dùng, liều dùng

Nhuận tràng: dùng 1-3 g/ngày, dùng phối hợp với các vị thuốc khác.

Tẩy xổ: dùng 5-12 g/ngày. Ngừng thuốc khi đại tiện thông.

Kiêng kỵ: Không dùng cho trường hợp người khí huyết hư; phụ nữ có thai, đang cho con bú.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

30. VỊ THUỐC ĐAN SÂM

Radix Salviae miltiorrhizae Praeparata

Vị thuốc Đan Sâm là rễ phơi hoặc sấy khô của cây Đan sâm (Salvia miltiorrhiza Bunge), họ Bạc hà (Lamiaceae).

1. Phương pháp chế biến

Công thức chế biến 1,0 kg vị thuốc Đan sâm(*):

Đan sâm phiến                          1,0 kg

Rượu                                        100 ml

Đan sâm phiến trộn đều với rượu, ủ 1 giờ cho ngấm hết rượu, đem sao nhỏ lửa đến khô, lấy ra, để nguội, đóng gói.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Phiến thuốc khô, mặt ngoài màu đỏ nâu tối, trong màu trắng ngà, có vân. Chất cứng và giòn. Mùi đặc trưng, vị đắng hơi ngọt.

3. Tính vị, quy kinh

Vị đắng, tính hàn. Quy kinh tâm, can.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: Bổ huyết, hoạt huyết, thông kinh, giảm đau, thanh tâm, an thần.

b) Chủ trị: Huyết tụ, huyết hư, bế kinh, thống kinh, tụ huyết, con đau tức ngực, mất ngủ, tâm phiền.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 8 - 15 g/ngày phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ: Không dùng cho trường hợp phụ nữ có thai, người đang có nguy cơ hoặc có rối loạn chảy máu; Không dùng phối hợp với Lê lô.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

31. VỊ THUỐC ĐÀO NHÂN

Semen Pruni Praeparata

Vị thuốc Đào nhân là nhân hạt lấy ở quả chín phơi khô của cây Đào [Prunus persica (L.) Batsch.] hoặc cây Sơn đào [Prunus davidiana (Carr.) Franch.]. họ Hoa hồng (Rosaccae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Đào nhân sao vàng giữ vỏ: Cho Đào nhân sao tới khi toàn bộ phía ngoài vỏ có màu vàng đều.

b) Phương pháp chế biến Đào nhân sao vàng bỏ vỏ: Lấy Đào nhân ngâm trong nước nóng 10 phút. Đem ra, xát bỏ vỏ, phơi khô, sao vàng.

c) Phương pháp chế biến Đào nhân ép loại dầu: Lấy Đào nhân giã dập, bọc trong giấy bản hoặc trong vải xô ép bỏ dầu. Lấy ra sao nhỏ lửa tới khô.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

a) Đào nhân sao vàng giữ vỏ có mặt ngoài nháp, hơi nhăn nheo, có màu hơi vàng, mùi thơm đặc trưng của hạnh nhân, nhấm có vị đắng nhẹ, ngậy bùi;

b) Đào nhân sao vàng bỏ vỏ có mặt ngoài nhẵn, có màu hơi vàng, nhấm có vị đắng nhẹ, ngậy bùi;

c) Đào nhân ép bỏ dầu là những mảnh nhỏ có thể chất dính, mùi thơm đặc trưng của hạnh nhân, nhấm có vị đắng nhẹ, ngậy bùi.

3. Tính vị, quy kinh

Vị đắng, ngọt. Tính bình. Quy kinh can, thận.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: Hoạt huyết, khứ ứ, chỉ thống, nhuận tràng, thông tiện.

b) Chủ trị: Dùng trong các trường hợp bế kinh, đau bụng kinh, sau đẻ ứ huyết, đau đớn cơ nhục, tê mỏi chân tay, các chứng táo bón, đại tiện bí kết do tân dịch tổn thương.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 6 - 12 g/ ngày dưới dạng thuốc sắc.

Kiêng kỵ: Không dùng trong trường hợp người không có ứ trệ, đại tiện nát, lỏng. Đào nhân đã ép dầu giảm tác dụng nhuận tràng.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

32. VỊ THUỐC ĐỊA DU

Radix Sanguisorbae Praeparata

Vị thuốc Địa du là rễ phơi hoặc sấy khô của cây Địa du (Sanguisorba officinalis L.) hay cây Địa du lá dài (Sanguisorba officinalis L. var. longifolia (Bert.) Yu et Li), họ Hoa hồng (Rosaceae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Địa du phiến: Rửa sạch rễ Địa du, loại bỏ tạp chất, thân cây còn sót lại, ủ mềm thái lát dày, phơi hoặc sấy khô để dùng.

b) Phương pháp chế biến Địa du thán sao: Lấy Địa du phiến, sao lửa vừa đến khi mặt ngoài có màu đen sém và bên trong có màu vàng hay màu nâu. Lấy ra để nguội.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

a) Địa du phiến

Rễ hình thoi hoặc hình trụ không đều, hơi cong queo hoặc vặn, mặt ngoài màu nâu tro, màu nâu hoặc tía thẫm, thô. Chất cứng, mặt phiến thuốc hình tròn hay hình bầu dục không đều, dầy 0,2 - 0,5 cm, mặt cắt màu đỏ tía hoặc nâu. Không mùi, vị hơi đắng, săn.

b) Địa du thán sao

Chất cứng, mặt phiến thuốc hình tròn hay hình bầu dục không đều, dầy 0,2 - 0,5 cm, bên ngoài màu nâu đen, bẻ bên trong màu nâu đậm, không cháy khét. Thơm mùi dược liệu, vị hơi đắng, săn.

3. Tính vị quy kinh

Vị đắng, chua, tính mát. Quy kinh can, đại trường.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: lương huyết chỉ huyết, giải độc, liễm nhọt. Địa du thán sao tăng cường tác dụng chỉ huyết.

b) Chủ trị: Đại tiểu tiện ra máu, trĩ ra máu, lỵ ra máu, băng huyết, rong huyết, bỏng nước, bỏng lửa, mụn nhọt thũng độc.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 9 - 15 g/ngày dưới dạng thuốc sắc.

Dùng ngoài với lượng thích hợp, tán bột Địa du đắp nơi bị đau.

Kiêng kỵ: Không dùng trong trường hợp người khí huyết hư hàn, bệnh mới phát.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

33. VỊ THUỐC VỊ THUỐC ĐỊA LONG

Pheretima Praeparata

Vị thuốc Địa long (Giun đất) là toàn thân, rửa sạch phơi hay sấy khô các loài giun đất gồm có khoang địa long (Pheretima aspergillum E. Perrier) hoặc 3 loài hậu địa long (P. vulgaris Chen.) (P. pectinifera Michaelsen.) (P. guillelmi Michaelsen.), họ Cự dẫn (Megascolecidae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Sinh địa long: Loại bỏ tạp chất, rửa sạch, cắt khúc dài 2 - 3 cm, phơi hoặc sấy khô.

b) Phương pháp chế biến Địa long tẩm rượu:

Công thức chế biến 1,0 kg Địa long tẩm rượu(*):

Địa long phiến                           1,0 kg

Rượu                                        0,1 lít

Sinh địa long tẩm rượu trắng. Ủ trong 1 giờ, sau đó sao nhỏ lửa cho tới khi có màu nâu sẫm, không còn mùi tanh.

c) Phương pháp chế biến Địa long tẩm rượu gừng:

Công thức chế biến 1,0 kg Địa long tẩm rượu gừng(*):

Địa long phiến                           1,0 kg

Rượu                                        0,2 lít

Gừng tươi                                0,1 kg

Gừng tươi rửa sạch cạo bỏ vỏ, giã nát, vắt lấy nước cốt, bã gừng lại tẩm với rượu và vắt lấy nước gừng. Gộp dịch chiết nước gừng tẩm vào địa long, ủ trong 30 - 60 phút cho thấm dịch rượu gừng, lấy ra sao nhỏ lửa cho đến khô.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Vị thuốc Địa Long là những lát mỏng có màu nâu vàng nhạt, khô, có vết cổ trắng, mùi tanh đặc biệt và Địa long tẩm rượu gừng có mùi thơm của gừng, vị mặn.

3. Tính vị, quy kinh

Vị mặn, tính hàn có độc. Quy kinh vị, thận, đại tràng.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: thanh nhiệt, trấn kinh, thông kinh lạc, bình xuyễn, lợi niệu.

b) Chủ trị: sốt cao mê man, co giật, bán thân bất toại, tê đầu chi, ho và xuyễn do phế nhiệt, phù và đái rắt, huyết áp cao.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 6 - 12 g/ngày.

Kiêng kỵ: Không dùng cho trường hợp hư hàn không thực nhiệt.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

34. VỊ THUỐC ĐỖ TRỌNG

Cortex Eucommiae Praeparata

Vị thuốc Đỗ trọng là vỏ thân đã phơi hay sấy khô của cây Đỗ trọng (Eucommia ulmoides O14.), họ Đỗ trọng (Eucommiaceae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Đỗ trọng phiến: Cạo lớp vỏ thô còn sót lại, rửa sạch, thái miếng hoặc cắt dập thành từng đoạn còn tơ, phơi khô, dùng sống hoặc chế.

b) Phương pháp chế biến Đỗ trọng chích muối ăn

Công thức chế biến 1,0 kg Đỗ trọng chích muối ăn(*):

Đỗ trọng phiến                          1,0 kg

Muối ăn                                    0,03 g

Nước sạch                                0,17 lít

Hòa tan muối vào nước, gạn bỏ cặn. Tẩm nước muối vào đỗ trọng phiến, ủ trong 1 giờ cho thấm hết dịch nước muối, thỉnh thoảng đảo cho thấm đều, sao lửa vừa cho đứt tơ là được (bẻ gẫy không còn sợi tơ).

c) Phương pháp chế biến Đỗ trọng chích rượu

Công thức chế biến 1,0 kg Đỗ trọng chích rượu(*)

Đỗ trọng phiến                          1,0 kg

Rượu                                        0,2 lít

Tẩm rượu vào Đỗ trọng phiến, ủ trong khoảng 30 phút cho thấm hết rượu, thỉnh thoảng đảo cho thấm đều, sao lửa vừa cho đứt tơ là được (bẻ gẫy không còn sợi tơ).

d) Phương pháp chế biến Đỗ trọng sao đen: Cho Đỗ trọng phiến vào chảo, lửa to, đảo đều cho đến khi thấy có khói trắng, các phiến Đỗ trọng đứt hết tơ, phun một ít nước sạch, cho nhỏ lửa đào đều trong khoảng 2 - 3 phút, lấy ra để nguội.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

a) Đỗ trọng phiến: Là những miếng vỏ phẳng hoặc hai bên mép hơi cong vào, to nhỏ không đều, dày 0,2 - 0,5 cm, màu xám tro. Mặt ngoài sần sùi, có nhiều nếp nhăn dọc và vết tích của cành con. Mặt trong vỏ màu sẫm, trơn, chất giòn, dễ bẻ gẫy, mặt bẻ có nhiều sợi màu trắng ánh bạc, có tính đàn hồi như cao su.

b) Đỗ trọng chích muối ăn: Là những miếng vỏ phẳng, to nhỏ không đều, dày 0,2 - 0,5 cm, màu xám đen, bẻ gãy không còn sợi tơ.

c) Đỗ trọng chích rượu: Là những miếng vỏ phẳng, to nhỏ không đều, dày 0,2 - 0,5 cm. màu xám tro sẫm, bẻ gãy không còn sợi tơ.

d) Đỗ trọng sao đen: Là những miếng nhỏ, thẳng, tương đối đều nhau. Màu đen, bóp gẫy vụn.

3. Tính vị, quy kinh

Vị ngọt, tính ấm. Quy kinh can, thận.

4. Công năng, chủ trị

a) Đỗ trọng phiến:

- Công năng: bổ can thận, mạnh gân cốt, an thai, hạ áp.

- Chủ trị: Đau nhức cơ khớp, liệt dương, động thai ra máu, tăng huyết áp.

b) Đỗ trọng chích nước muối:

- Công năng: tăng cường bổ thận.

- Chủ trị: chữa di tinh, hoạt tinh, liệt dương, đau lưng do thận dương hư.

c) Đỗ trọng chích rượu:

- Công năng: bổ huyết.

- Chủ trị: phong thấp, tê, ngứa.

d) Đỗ trọng sao đen:

- Chủ trị: động thai, rong huyết.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 6 - 9 g/ngày dưới dạng thuốc sắc hoặc tán.

Kiêng kỵ: Không dùng trong trường hợp âm hư hỏa vượng.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

35. VỊ THUỐC ĐỘC HOẠT

Radix Angelicae pubescentis Praeparata

Vị thuốc Độc hoạt chế là sản phẩm đã chế biến từ rễ phơi hay sấy khô của cây Độc hoạt (Angelica pubescens Maxim.), họ Hoa tán (Apiaceae).

1. Phương pháp chế biến

Phương pháp chế biến Độc hoạt phiến: Rễ Độc hoạt được loại bỏ tạp chất, rửa sạch, để ráo nước, ủ cho mềm, thái lát dày 1 - 2 mm, phơi âm can hoặc sấy ở nhiệt độ dưới 60°C đến khô.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Khô nhuận, màu nâu xám, vị cay, rất đắng.

3. Tính vị, quy kinh

Vị tân, khổ; Tính vi ôn. Quy kinh thận, can, bàng quang.

4. Công năng, Chủ trị

a) Công năng: khu phong, trừ thấp, chỉ thống.

b) Chủ trị: phong hàn thấp tý, thắt lưng và đầu gối đau, đau đầu.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 3 - 9 g/ngày. Dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu, dùng phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ: Không dùng trong trường hợp huyết hư hòa vượng, vệ khí hư.

Thận trọng khi dùng cho phụ nữ có thai.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

36. VỊ THUỐC ĐƯƠNG QUY

Radix Angelicae sinensis Praeparata

Vị thuốc Đương quy là toàn rễ (toàn quy) đã phơi hay sấy khô của cây Đương quy (Angelica sinensis (O14.) Diels.), họ Hoa tán (Apiaceae).

1. Phương pháp chế biến

Phương pháp chế biến Đương quy chích rượu

Công thức chế biến 1,0 kg Đương quy chích rượu(*):

Đương qui phiến                       1,0 kg

Rượu                                        100 ml

Đương quy phiến được trộn đều với rượu, ủ trong 30 phút, thỉnh thoảng đảo cho ngấm đều, sao nhỏ lửa đến khô, lấy ra, để nguội, đóng gói.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Vị thuốc Đương quy là phiến mỏng không đều, màu vàng nhạt, mùi thơm đặc trưng, vị đắng ngọt, hơi cay.

3. Tính vị, quy kinh

Vị ngọt, cay, tính ấm. Quy kinh can, tâm, tỳ.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: bổ huyết, hoạt huyết, điều kinh.

b) Chủ trị: huyết hư, thiếu máu, kinh nguyệt không đều, bế kinh, thống kinh, phong thấp tê đau, tụ huyết.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 6 - 12 g/ngày phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ: Không dùng trong trường hợp người đang bị chảy máu, thận trọng khi dùng cho người đại tiện lỏng.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

37. VỊ THUỐC HÀ THỦ Ô ĐỎ

Radix Fallopiae multiflorae Praeparata

Vị thuốc Hà thủ ô đỏ là rễ củ đã phơi hay sấy khô của cây Hà thủ ô đỏ (Fallopia multiflora (Thunb.) Haraldson, syn: Polygonum multiflorum (Thunb.),), họ Rau răm (Polygonaceae).

1. Phương pháp chế biến

Công thức chế biến 1,0 kg vị thuốc Hà thủ ô đỏ(*):

Hà thủ ô đỏ                               1,0 kg

Đậu đen                                    100 g

Chế dịch Đậu đen: 100g Đậu đen rửa sạch thêm 4 lít nước, nấu đến khi hạt đậu chín, gạn lấy dịch.

Chế Hà thủ ô đỏ: loại tạp, rửa sạch, ngâm trong dịch nước vo gạo trong 2 ngày đêm (chú ý nếu là mùa hè sau mỗi 4-6 tiếng phải thay nước), vớt ra, rửa sạch. Thêm dịch đậu đen cho ngập Hà thủ ô. Đun 4-6 giờ, trong quá trình đun thỉnh thoảng đảo đều (nếu cạn bổ sung nước cho ngập).

Để nguội, lấy ra, bõ lõi, thái phiến 2 - 4mm . Phơi hoặc sấy se Hà thủ ô ở nhiệt độ 60° - 70°C, tẩm tiếp dịch nấu, làm lặp lại đến hết dịch nấu. Phơi hoặc sấy đến khô kiệt. Để nguội, đóng gói.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Vị thuốc Hà thủ ô đỏ là phiến mỏng, khô cứng, có màu nâu thẩm đồng nhất. Vị hơi ngọt.

3. Tính vị, quy kinh

Vị ngọt đắng, tính ấm. Quy kinh can, thận.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: bổ huyết, bổ can thận, ích tinh tủy, cường gân cốt.

b) Chủ trị: huyết hư, thiếu máu, chóng mặt, ù tai, đau nhức xương khớp, bạch đới, mỡ máu cao.

5. Cách dùng

Dùng 12 - 20 g/ngày phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ: Không dùng cho trường hợp táo bón nhiều, không sắc trong các dụng cụ bằng sắt.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

38. VỊ THUỐC HẠNH NHÂN

Semen Armeniacae amarum Praeparata

Vị thuốc Hạnh nhân (Khổ hạnh nhân) là nhân của hạt quả chín phơi khô của cây Mơ (Prunus ameniaca L.), họ Hoa hồng (Rosaceae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Hạnh nhân sao vàng giữ vỏ: Đem hạnh nhân rửa sạch, để ráo nước, phơi khô. Sao tới khi vỏ bên ngoài có màu vàng đều.

b) Phương pháp chế biến Hạnh nhân sao vàng bỏ vỏ: Đem hạnh nhân ngâm vào nước sôi 5 - 10 phút cho vỏ mềm xốp. Lấy ra, chà xát sạch vỏ, phơi khô. Sao hơi vàng.

c) Phương pháp chế biến Hạnh nhân ép loại dầu: Đem hạnh nhân giã dập, bọc vào giấy bản hoặc vài xô. Ép bỏ dầu. Lấy ra sao nhỏ lửa tới khô.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

- Hạnh nhân sao vàng, giữ vỏ có vỏ hơi nhăn nheo, màu vàng đậm. Nhấm có vị đắng đặc trưng của Hạnh nhân.

- Hạnh nhân sao vàng, bỏ vỏ thì bên ngoài hạt nhẵn có màu hơi vàng. Nhấm có vị đắng nhẹ đặc trưng của Hạnh nhân.

- Hạnh nhân ép bỏ dầu là những mảnh to nhở không đều, nhấm có vị đắng đặc trưng của Hạnh nhân.

3. Tính vị, quy kinh

Vị đắng. Tính ấm. Quy kinh phế, đại tràng.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: ôn phế, chỉ khái, hóa đàm, giáng khí, bình suyễn, nhuận tràng thông tiện.

b) Chủ trị: ho đờm hàn, tức ngực, khó thở, hen suyễn, táo bón.

5. Liều dùng

Dùng 4 - 10 g/ngày dưới dạng thuốc sắc.

Kiêng kỵ: Không nên dùng cho trường hợp ho do âm hư; Không nên dùng cho trẻ em và người đang bị ỉa chảy.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

39. VỊ THUỐC HẬU PHÁC

Cortex MagnolIae officinalis Praeparata

Vị thuốc Hậu phác là vỏ thân, vỏ cành phơi hay sấy khô của cây Hậu phác (Magnolia officinalis Rehd. et Wils.) hoặc cây Ao diệp hậu phác (Magnolia officinalis Rehd. et Wils.var. biloba Rehd. et Wils.), họ Ngọc lan (Magnoliaceae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Hậu phác phiến: Đem Hậu phác rửa sạch, để khô se, cạo bỏ lớp bần, cắt thành từng đoạn dài 3 - 5 cm, thái phiến dọc, dầy 2 - 3 mm. Phơi khô hoặc sấy ở nhiệt độ 50- 60°C đến khô.

b) Phương pháp chế biến Hậu phác tẩm gừng

Công thức chế biến 1,0 kg Hậu phác tẩm gừng(*):

Hậu phác phiến                         1,0 kg

Gừng tươi                                0,1 kg

Gừng tươi rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt; giã tiếp, thêm nước sạch, làm vài lần rồi thêm nước sạch cho đủ 150 ml. Đem nước gừng trộn đều vào hậu phỏc phiến, ủ 30 phút cho ngấm đều sau đó phơi âm can tới khô.

c) Phương pháp chế biến Hậu phác chích gừng

Công thức chế biến 1,0 kg Hậu phác chích gừng(*):

Hậu phác phiến                         1,0 kg

Gừng tươi                                0,1 kg

Gừng tươi rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt; giã tiếp, thêm nước sạch, làm vài lần rồi thêm nước sạch cho dù 160 ml. Đem nước gừng trộn đều vào Hậu phác phiến, ủ 30 phút cho ngấm đều sau đó sao vàng.

d) Phương pháp chế biến Hậu phác chưng (nấu) với gừng

Công thức chế biến 1,0 kg Hậu phác chưng (nấu) với gừng(*):

Hậu phác                                  1,0 kg

Gừng tươi                                0,2 kg

Gừng tươi đem giã nát, vắt lấy nước cốt, làm nhiều lần, để được khoảng 200 ml. Đem nước gừng tẩm đều vào những khúc Hậu phác dài 5-7 cm, đã được rửa sạch, để khô se, cạo bỏ lớp bẩn bên ngoài. Chưng tới khi Hậu phác đủ mềm, lấy ra thái phiến dọc, dầy 2 - 3 mm. Phơi khô hoặc sấy khô ở nhiệt độ 50 - 60°C. Cũng với cách làm tương tự, song thay cách chưng bằng cách nấu đến khi hết nước, lấy ra thái phiến, phơi khô hoặc sấy khô ở nhiệt độ 50-60°C.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Hậu phác chế gừng là những phiến mỏng có kích thước dài 5-7 cm, dầy 2-3mm, màu hơi xám, nhấm có vị hơi đắng, mùi thơm của gừng.

3. Tính vị, quy kinh:

Vị đắng, cay. Tính ấm. Quy kinh tỳ, vị, phế, đại tràng.

4. Công năng, chủ trị

a) Hậu phác tẩm gừng:

- Công năng: hạ khí, tiêu đờm, trừ hàn thấp, trừ đầy trướng.

- Chủ trị: bụng bí tích, dầy trướng, nôn mửa, tiêu chảy, ho, nhiều đờm. Hậu phác chế với gừng để tăng tính ấm, đồng thời giảm tính kích thích ở họng, khi uống. Hậu phác tẩm nước gừng phơi âm can thích hợp cho trường hợp bụng đầy trướng, bí tích, nôn mửa.

b) Hậu phác chích gừng và Hậu phác chưng với gừng:

- Công năng: hạ khí, tiêu đờm, trừ hàn thấp, trừ đầy trướng.

- Chủ trị: bụng bí tích, đầy trướng, nôn mửa, tiêu chảy, ho, nhiều đờm. Hậu phác chế với gừng để tăng tính ấm, đồng thời giảm tính kích thích ở họng, khi uống. Hậu phác chích với gừng thích hợp cho trường hợp nhiều đờm, ho, khó thở vì khi sao đã làm giảm được tính kích thích họng của Hậu phác. Trường hợp nấu với gừng, vừa để làm mềm Hậu phác, giúp cho việc dễ dàng thái phiến vừa có ý nghĩa chế gừng vào Hậu phác để đạt các mục đích nói trên.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 4 - 12 g/ngày dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột.

Kiêng kỵ: Thận trọng khi dùng cho phụ nữ có thai; Không dùng cho người có nguyên khí kém.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

40. VỊ THUỐC HOÀI SƠN

Tuber Dioscoreae persimilis Praeparata

Vị thuốc Hoài sơn là rễ củ đã chế biến, phơi hay sấy khô của cây Hoài sơn, (Dioscorea persimilis Prain et Burkill), họ Củ nâu (Dioscoreaceae).

1. Phương pháp chế biến

Công thức chế biến 1,0 kg vị thuốc Hoài sơn(*):

Hoài sơn                                   1,0 kg

Cám gạo                                   200 g

Đun nóng cám đến khi bốc khói trắng, cho dược liệu vào đến khi có màu vàng hay vàng nâu có chấm đen, rây bỏ cám. Để nguội, đóng gói.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Vị thuốc Hoài sơn là phiến thuốc bên ngoài có màu vàng hay vàng nâu có chấm đen, bẻ ra bên trong có màu trắng, mùi thơm.

3. Tính vị, quy kinh

Vị ngọt; Tính bình. Quy kinh: tỳ, vị, phế, thận.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: bổ tỳ, dưỡng vị, chỉ tả.

b) Chủ trị: kém ăn, tiêu chảy lâu ngày, đới hạ, tiêu khát.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 12 - 16 g/ngày phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ: Không dùng trong trường hợp người có thực tà thấp nhiệt.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

41. VỊ THUỐC HOÀNG BÁ

Cortex Phellodendri Praeparata

Vị thuốc Hoàng bá là vỏ thân và vỏ cành (đã cạo bỏ lớp bần) phơi hay sấy khô của cây Hoàng bá (Phellodendron chinense Schneid. hoặc Phellodendron amurense Rupr.), họ Cam (Rutaceae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Hoàng bá phiến: Vỏ thân và vỏ cành cạo sạch lớp bần, cắt thành từng miếng, phơi hoặc sấy khô ở 50°C được Hoàng bá phiến.

b) Phương pháp chế biến Hoàng bá chích muối ăn

Công thức chế biến 1,0 kg Hoàng bá chích muối ăn(*):

Hoàng bá phiến                         1,0 kg

Dung dịch muối ăn 5%              0,2 lít

Tẩm Hoàng bá phiến với dung dịch muối ăn 5%, trộn đều, ủ cho thấm hết nước muối. Sao lửa nhỏ đến khi khô.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Phiến thuốc có mặt ngoài màu vàng nâu, mặt trong màu nâu nhạt, có nhiều các vết nhăn dọc nhỏ, dài. Hơi xém cạnh. Vết bẻ lởm chởm, thể chất rắn, nhẹ, màu vàng rơm. Mùi thơm đắng.

3. Tính vị, quy kinh

Vị đắng, tính hàn. Qui vào các kinh thận, bàng quang.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: thanh nhiệt táo thấp, tư âm giáng hỏa, giải độc. Hoàng bá chế tăng hòa hoãn tính táo, vị đắng, tăng cường tả hỏa.

b) Chủ trị: Âm hư phát sốt, xương đau âm ỉ, ra mồ hôi trộm; viêm tiết niệu; tả lỵ thấp nhiệt; hoàng đản; mụn nhọt lở ngứa.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 6 - 12 g/ ngày dưới dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán.

Kiêng kỵ: Không dùng cho trường hợp tỳ hư, đại tiện lỏng, ăn uống không tiêu.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

42. VỊ THUỐC HOÀNG CẦM

Radix Scutellariae Praeparata

Vị thuốc Hoàng cầm là rễ đã phơi hay sấy khô và cạo vỏ của cây Hoàng cầm (Scutellaria baicalensis Georgi), họ Bạc hà (Lamiaceae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Hoàng cầm phiến: Rễ Hoàng cầm được rửa sạch. Đồ mềm trong 1 giờ. Thái phiến vát, dài 3 - 5 cm, dày 2 - 3 mm. Phơi khô hoặc sấy khô ở nhiệt độ 60 - 70 °C.

b) Phương pháp chế biến Hoàng cầm sao vàng: Lấy Hoàng cầm phiến cho vào chảo, vừa đun vừa đảo đều tay cho đến khi mặt ngoài của phiến có màu vàng đậm, bên trong có màu vàng tươi. Đổ ra, tãi mỏng.

c) Phương pháp chế biến Hoàng cầm sao đen: Lấy Hoàng cầm phiến cho vào chảo đã đun nóng già (khoảng 180 - 200 °C), đảo đều tay cho đến khi mặt ngoài của phiến có màu đen, bên trong có màu nâu vàng. Đổ ra, tãi mỏng, tránh cháy; đôi khi có thể phun ít nước lã sạch vào dược liệu sao.

d) Phương pháp chế biến Hoàng cầm chích rượu

Công thức chế biến 1,0 kg Hoàng cầm chích rượu(*):

Hoàng cầm phiến                      1,0 kg

Rượu                                        0,15 lít

Trộn đều Hoàng cầm phiến với rượu trắng. Ủ 30 phút cho ngấm hết rượu. Đem sao, đến khi mặt ngoài phiến có màu vàng thẫm. Đổ ra tãi mỏng cho nguội.

e) Phương pháp chế biến Hoàng cầm chích mật ong

Công thức chế biến 1,0 kg Hoàng cầm chích mật ong:

Hoàng cầm phiến                      1,0 kg

Mật ong (loại mật luyện)            0,4 kg

Đem mật ong thêm ít nước sạch để hòa loãng. Trộn đều Hoàng cầm phiến với mật ong. Ủ 30 phút cho ngấm đều. Sao vàng với độ lửa tăng dần tới khi sờ không dính tay, Hoàng cầm có màu vàng đậm, mùi thơm mật ong. Cũng có thể đem mật ong đun tới sủi bọt, cho Hoàng cầm phiến vào trộn đều. Sao tới khi sờ không dính tay, mặt ngoài có màu vàng đậm, mùi thơm mật ong. Lấy ra tãi mỏng cho nguội.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Hoàng cầm phiến có màu vàng sáng, Hoàng cầm sao vàng, Hàng cầm chích rượu, mặt ngoài phiến có màu vàng đậm, nhấm có vị đắng. Hoàng cầm sao đen, toàn bộ bề ngoài có màu đen, bẻ ra bên trong có màu nâu hơi vàng, nhấm có vị đắng. Hoàng cầm chích mật mặt ngoài phiến có màu vàng đậm, nhấm có vị đắng, thơm mùi mật ong.

3. Tính vị, quy kinh

Vị đắng, Tính hàn. Quy kinh tâm, phế, can, đởm, đại tràng, tiểu tràng.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: thanh thấp nhiệt can đởm, trừ hỏa độc ở tạng phế, lương huyết, chỉ huyết an thai.

b) Chủ trị: viêm phổi, phế ung, phế có mủ, sốt cao, hàn nhiệt vãng lai, động thai chảy máu, thổ huyết, máu cam, đau bụng tả lỵ, tiểu tiện ra máu. Trường hợp bị chảy máu dùng hoàng cầm sao đen, ho nhiều dùng hoàng cầm chích mật ong.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 4 - 12 g/ngày dưới dạng thuốc sắc.

Kiêng kỵ: Không dùng cho trường hợp tỳ vị hư hàn hoặc có thai không bị động thai.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

43. VỊ THUỐC HOÀNG KỲ

Radix Astragali membranacei Praeparata

Vị thuốc Hoàng kỳ là rễ phơi hay sấy khô của cây Hoàng kỳ (Astragalus membranaceus Bunge.), họ Đậu (Fabaceae).

1. Phương pháp chế biến

Phương pháp chế biến Hoàng kỳ chích mật

Công thức chế biến 1,0 kg Hoàng kỳ chích mật(*):

Hoàng kỳ phiến                         1,0 kg

Mật ong                                    150g

Hoàng kỳ phiến được tẩm và trộn đều với mật ong đã hòa loãng khoảng 100ml nước sôi, ủ cho tới khi thấm đều, sao nhỏ lửa, đảo đều tay cho đến khi mặt ngoài có màu vàng nâu, sờ không dính tay, lấy ra, để nguội, đóng gói.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Vị thuốc Hoàng kỳ bề ngoài có màu vàng nâu, hơi bóng, có mùi thơm và vị ngọt.

3. Tính vị, quy kinh

Vị hơi ngọt, tính ấm. Quy kinh phế và tỳ.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: ích khí, kiện tỳ, bổ trung, cố biếu.

b) Chủ trị: trung khí hư, người yếu mệt, kém ăn, phân lông lâu ngày, sa tạng phủ, tiện huyết, rong huyết, ra nhiều mồ hôi.

5. Cách dùng

Dùng 6 - 20 g/ ngày phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ: Không dùng cho trường hợp ngoại cảm tích trệ.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

44. VỊ THUỐC HOÀNG LIÊN

Rhizoma Coptidis Praeparata

Vị thuốc Hoàng liên (Hoàng liên chân gà) là thân rễ phơi hay sấy khô của nhiều loài Hoàng liên chân gà như Coptis chinensis Franch. Coptis quinquesecta Wang, hoặc Coptis teeta Wall., họ Hoàng liên (Ranunculaceae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Hoàng liên chích rượu

Công thức chế biến 1,0 kg Hoàng liên chích rượu(*):

Hoàng liên phiến                       1,0 kg

Rượu                                        150 ml

Lấy rượu trộn đều với Hoàng liên phiến, ủ 1 giờ cho ngấm rượu sau đó sao vàng.

b) Phương pháp chế biến Hoàng liên chích gừng

Công thức chế biến 1,0 kg Hoàng liên chích gừng(*):

Hoàng liên phiến                       1,0 kg

Gừng tươi                                100 g

Gừng tươi rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt; giã tiếp, thêm nước sạch, làm vài lần và thêm nước sạch cho đủ 150ml. Đem nước gừng trộn đều vào Hoàng liên, ủ 1giờ cho ngấm sau đó sao vàng.

c) Phương pháp chế biến Hoàng liên chích giấm

Công thức chế biến 1,0 kg Hoàng liên chích giấm(*):

Hoàng liên phiến                       1,0 kg

Giấm ăn                                    100 ml

Lấy giấm trộn đều với hoàng liên, ủ 30 phút đến 1 giờ cho ngấm đều sau đó sao vàng.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Hoàng liên chích rượu, chích gừng, chích giấm, đều có màu vàng đậm, vị đắng, riêng chích gừng có mùi thơm của gừng.

3. Tính vị quy kinh

Vị đắng, tính hàn. Quy kinh tâm, tỳ, vị, đại tràng.

4. Công năng, chủ trị

a) Hoàng liên chích gừng

- Công năng: thanh nhiệt, giải độc, thanh nhiệt tả hỏa, thanh nhiệt giải độc, thanh tâm trừ phiền.

- Chủ trị: viêm ruột, tả, lị, bồn chồn, mất ngủ, đau mắt đỏ, hoàng đản, sốt cao, hôn mê, mụn nhọt, lở ngứa. Hoàng liên chích gừng dùng trong các trường hợp sốt cao.

b) Hoàng liên chích giấm

- Công năng: thanh nhiệt, giải độc, thanh nhiệt tả hỏa, thanh nhiệt giải độc, thanh tâm trừ phiền.

- Chủ trị: viêm ruột, tả, lị, bồn chồn, mất ngủ, đau mắt đỏ, hoàng đán, sốt cao, hôn mê, mụn nhọt, lở ngứa. Hoàng liên chích giấm trị viêm gan, viêm túi mật.

c) Hoàng liên chích rượu

- Công năng: thanh nhiệt, giải độc, thanh nhiệt tả hỏa, thanh nhiệt giải độc, thanh tâm trừ phiền.

- Chủ trị: viêm ruột, tả, lị, bồn chồn, mất ngủ, đau mắt đỏ, hoàng đản, sốt cao, hôn mê, mụn nhọt, lở ngứa. Hoàng liên chích rượu trị viêm niêm mạc miệng, lưỡi, đau mắt đỏ, viêm tai giữa.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 4 - 12 g/ngày phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ: Không dùng cho trường hợp người âm hư phiền nhiệt, tỳ hư tiết tả.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

45. VỊ THUỐC HOÀNG TINH

Rhizoma Polygonati Praeparata

Vị thuốc Hoàng tinh là thân rễ đã phơi hay sấy khô của một số loài Hoàng tinh: Polygonatum kingianum Coll. et Hemsl., Polygonatum sibiricum Red. hoặc Polygonatum cyrtonema Hua., họ Mạch môn đông (Convallariaceae).

1. Phương pháp chế biến

Phương pháp chế biến Hoàng tinh chế rượu

Công thức chế biến 1,0 kg Hoàng tinh chế rượu(*):

Hoàng tinh                                1,0 kg

Rượu                                        0,2 lít

Rửa sạch Hoàng tinh củ, gọt bỏ vỏ ngoài và rễ con trộn với rượu, cho vào thùng đậy nắp, đun cách thủy để dược liệu hút hết rượu trong khoảng 24 giờ đến khi có màu đen bóng, lấy ra phơi âm can hoặc sấy cho se, thái phiến dày 2-3 mm, phơi hoặc sấy khô.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Vị thuốc Hoàng tinh có phiến dày 2 - 3 mm. Mặt ngoài màu nâu đến nâu đen. Chất dẻo, dai dính, khó bẻ, mặt bẻ trông như sừng, bên trong màu đen. Mùi thơm nhẹ, vị ngọt.

3. Tính vị, quy kinh

Vị ngọt, tính bình. Quy kinh tỳ, phế, thận.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: kiện tỳ, nhuận phế, ích thận.

b) Chủ trị: tỳ vị hư nhược, cơ thể mệt mỏi, sức yếu, miệng khô, ăn kém, phế hư ho khan, tinh huyết bất túc, nội nhiệt tiêu khát. Hoàng tinh chế giảm vị tê, tránh kích thích họng, tăng cường tác dụng bổ thận, tinh, huyết.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 8 - 16 g/ngày dưới dạng thuốc sắc, rượu hoặc hoàn tán.

Kiêng kỵ: Không dùng cho trường hợp người phế vị có đờm thấp nặng. Không dùng hoàng tinh sống bị ngứa họng.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

46. VỊ THUỐC HÒE HOA

Flos Styphnolobii japonici Praeparata

Vị thuốc Hòe hoa là nụ hoa đã phơi hay sấy nhẹ đến khô của cây Hòe [Styphnolobium japonicum (L.) Schott, Syn. Sophora japonica L.], họ Đậu (Fabaceae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Hòe hoa sao vàng: Sau khi làm nóng dụng cụ, cho Hòe hoa đảo đều đến khi mặt ngoài vàng đậm. Lấy ra, để nguội, đóng gói.

b) Phương pháp chế biến Hòe hoa sao cháy: Sau khi làm nóng dụng cụ, cho Hòe hoa đảo đều đến khi toàn bộ phía ngoài bị đen, bên trong có màu nâu hơi vàng, có mùi thơm. Lấy ra, để nguội, đóng gói.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

a) Hòe hoa sao vàng có màu vàng đậm, mùi thơm, bên trong vàng sáng.

b) Hòe hoa sao cháy có phía ngoài màu đen đều, bên trong có màu nâu, mùi thơm cháy.

3. Tính vị, quy kinh

Vị hơi đắng, tính hơi hàn. Quy kinh can, đại tràng.

4. Công năng, chủ trị

a) Hoa hòe sao vàng

- Công năng: lương huyết, chỉ huyết, thanh can, tả hỏa, hạ huyết áp.

- Chủ trị: trĩ xuất huyết, ho ra máu, băng huyết, tăng huyết áp, đau mắt đỏ, đầu đau, đại tiểu tiện ra máu... Hoa hòe sao vàng dùng trong các trường hợp huyết nhiệt, xơ vữa mạch, huyết áp tăng.

b) Hoa hòe sao cháy

- Công năng: lương huyết, chỉ huyết, thanh can, tả hỏa, hạ huyết áp.

- Chủ trị: trĩ xuất huyết, ho ra máu, băng huyết, tăng huyết áp, đau mắt đỏ, đầu đau, đại tiểu tiện ra máu... Hoa hòe sao cháy dùng trong các trường hợp chảy máu.

5. Cách dùng

Dùng 4 - 12g/ngày phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ: Không dùng cho trường hợp phụ nữ có thai.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

47. VỊ THUỐC HƯƠNG PHỤ

Rhizoma Cyperi Praeparata

Vị thuốc Hương phụ (Củ gấu) là thân rễ đã loại bỏ rễ con và lông, phơi hay sấy khô của cây Hương phụ vườn (Cyperus rotundus L.,) hoặc cây Hương phụ biển (C. stoloniferus Retz.,) họ Cói (Cyperaceae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Hương phụ phiến hoặc mảnh nhỏ

Hương phụ rửa sạch, loại bỏ tạp chất, ủ một đêm cho mềm, thái lát hoặc đập nhỏ. Sấy khô. Lấy ra, để nguội, đóng gói.

b) Phương pháp chế biến Hương phụ tứ chế

Công thức chế biến 1,0 kg Hương phụ tứ chế(*):

Hương phụ phiến

1,0 kg

Dung dịch muối ăn 5%

150 ml

Nước gừng 5%

150 ml

Giấm

150 ml

Rượu

150 ml

Chia hương phụ thành 4 phần đều nhau, mỗi phần 250 g, từng phần sẽ được tẩm riêng với mỗi loại phụ liệu trên. Để một đêm, sau đó sao vàng đến khi có mùi thơm là được (riêng phần tẩm với rượu tiến hành vi sao). Trộn đều 4 phần hương phụ đã chế được Hương phụ tứ chế.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Vị thuốc Hương phụ là những mảnh nhỏ hoặc lát mỏng, bên ngoài vỏ có màu nâu hoặc nâu sẫm, mặt lát có màu nâu nhạt hơi hồng. Mùi thơm, có vị cay, hơi đắng ngọt.

3. Tính vị, quy kinh

Vị cay, hơi đắng, tính ấm. Qui kinh can.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: điều khí, khai uất, điều hòa kinh nguyệt, giảm đau.

b) Chủ trị: kinh nguyệt không đều, vô kinh, bế kinh, tiêu thực, giảm đau vùng ngực sườn, đau thượng vị, hạ vị.

5. Cách dùng

Dùng 6 - 12 g/ngày phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ: Không dùng cho trường hợp chứng âm hư và huyết nhiệt.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

48. VỊ THUỐC HUYỀN HỒ SÁCH

Rhizoma Corydalis Praeparata

Vị thuốc Huyền hồ sách (Diên hồ sách, Nguyên hồ) là thân rễ phơi hay sấy khô của cây huyền hồ (Corydalis yanhusuo W.T.Wang.), họ Thuốc phiện (Papaveraceae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Sinh Huyền hồ: Loại tạp chất, rửa sạch, phơi khô, giã dập nát thành mảnh nhỏ trước khi dùng.

b) Phương pháp chế biến Thố Huyền hồ: Huyền hồ loại tạp, rửa sạch, phơi hoặc sấy đến se, trộn với giấm ăn, ủ 1-2 giờ cho ngấm hết giấm, đem sao nhỏ lửa cho tới khô, hoặc cho vào nồi đun sôi cách thủy đến khi giấm thấm hết vào bên trong, lấy ra phơi hoặc sấy khô, thái lát mỏng hoặc đập dập trước khi dùng. Dùng 2 lít giấm ăn cho 10 kg Huyền hồ.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc:

Vị thuốc Huyền hồ sách có vỏ ngoài màu nâu xám, mặt cắt có màu vàng nhạt, nhấm có vị cay, hoặc cay chua (Thố huyền hồ).

3. Tính vị, quy kinh

Vị cay, đắng, tính ôn. Quy kinh can, phế, tỳ.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: lợi khí, hoạt huyết, chỉ thống.

b) Chủ trị: ngực sườn đau tức, đau thượng vị, vô kinh, bế kinh, ứ huyết sau sinh, đau sưng do chấn thương.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 6 - 12 g/ngày.

Kiêng kỵ: Không dùng cho phụ nữ có thai, băng huyết, rong huyết, sản hậu, huyết hư.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

49. VỊ THUỐC HY THIÊM

Herba Siegesbeckiae Praeparata

Vị thuốc Hy thiêm là sản phẩm đã chế biến từ bộ phận trên mặt đất đã phơi hay sấy khô của cây Hy thiêm (Siegesbeckia orientalis L.), họ Cúc (Asteraceae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Hy thiêm tẩm rượu

Công thức chế biến 1,0 kg Hy thiêm tẩm rượu(*):

Hy thiêm                                   1,0 kg

Rượu                                        200 ml

Dùng Hy thiêm đã cắt đoạn, cho vào dụng cụ, thêm rượu trộn đều, đậy kín, ủ khoảng 30 phút - 1h cho tới khi rượu ngấm hoàn toàn. Lấy ra phơi hoặc sấy khô.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Hy thiêm tẩm rượu có màu xám, vị đắng.

3. Tính vị, quy kinh

Vị khổ; Tính hàn. Quy kinh can, thận

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: trừ phong thấp, thanh nhiệt, giải độc.

b) Chủ trị: Đau khớp do phong thấp, đau yếu thắt lưng, đầu gối, tê bại, đau buốt tứ chi, bán thân bất toại, chân tay tê buốt

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 12 - 16 g/ngày dưới dạng thuốc sắc hoặc dùng phối hợp với các vị thuốc khác.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

50. VỊ THUỐC KÊ NỘI KIM

Endothelium Corneum Gigeriae Galli Praeparata

Vị thuốc Kê nội kim là lớp màng trong đã phơi hoặc sấy khô của mề con Gà (Gallus gallus domesticus Brisson), họ Chim trĩ (Phasianidae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Kê nội kim phiến: Nhặt và loại tạp chất, rửa sạch, để ráo nước, phơi hoặc sấy khô.

b) Phương pháp chế biến Kê nội kim sao: Lấy Kê nội kim sạch, rang với cát, đến khi phồng lên, lấy ra, để nguội.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

a) Kê nội kim phiến: Màng gần nguyên hoặc từng mảnh khô cong, cuộn lại, dày khoảng 0,2 cm. Mặt ngoài màu vàng, lục vàng hoặc nâu vàng, màng mỏng trong mờ, có nếp nhăn dọc nhô lên. Chất giòn dễ gãy vỡ, vết gãy bóng như sừng. Mùi hơi tanh, vị hơi đắng.

b) Kê nội kim sao: Có màu nâu vàng sậm tới màu vàng sém đen. trên bề mặt có những nốt phồng nhỏ, bị vỡ khi bóp nhẹ, mảnh vỡ bóng láng.

3. Tính vị, quy kinh

Vị ngọt, tính bình. Quy kinh tỳ.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: Kiện vị, tiêu thực, sáp tinh. Kê nội kim sao tăng cường tác dụng kiện vị tiêu thực.

b) Chủ trị: Thực tích không tiêu, bụng đầy trướng, nôn mửa, kiết lỵ, di tinh. Trẻ em cam tích, đái dầm.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 3 - 9 g/ngày dưới dạng thuốc tán.

Kiêng kỵ: Không dùng trong trường hợp bị tích trệ.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

51. VỊ THUỐC KHIẾM THỰC

Semen Euryales Praeparata

Vị thuốc khiếm thực là hạt của quả chín phơi hay sấy khô của cây Khiếm thực (Euryales ferox Salisb.), họ Súng (Nymphaeaceae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Khiếm thực sao vàng

Đem khiếm thực sao nhỏ lửa tới khi toàn bộ bên ngoài có màu vàng hoặc hơi vàng

b) Phương pháp chế biến Khiếm thực sao cám

Công thức chế biến 1,0 kg Khiếm thực sao cám(*):

Khiếm thực                               1,0 kg

Cám gạo                                   200 g

Đun chảo nóng già, đổ cám vào sao tới lúc bốc khói trắng, cho khiếm thực vào, đảo đều tới khi toàn bộ bên ngoài có màu hơi vàng. Đổ ra tãi mỏng cho nguội.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Khiếm thực sau khi chế phía ngoài vỏ có màu nâu thẫm, phía trong hạt có màu vàng hoặc hơi vàng, mùi thơm, nhấm có vị hơi ngậy, hơi chát.

3. Tính vị, quy kinh

Vị ngọt, hơi chát. Tính bình. Quy kinh tỳ, thận.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: ích thận, cố tinh, kiện tỳ, chỉ tả, chỉ hãn, trừ thấp.

b) Chủ trị: di, mộng tinh, hoạt tinh, bạch đới, tiểu đục, tiểu dầm, ỉa chảy, mồ hôi trộm, tự ra mồ hôi nhiều.

5. Liều dùng

Dùng 8 g - 16 g/ngày dưới dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán.

Kiêng kỵ: Không dùng trong trường hợp đại tiện táo kết, tiểu tiện bí dắt.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

52. VỊ THUỐC KHOẢN ĐÔNG HOA

Flos Tussilaginis farfarae Praeparata

Vị thuốc Khoản đông hoa là hoa đã chế biến từ cụm hoa chưa nở đã phơi hay sấy khô của cây Khoản đông (Tussilago farfara L.), họ Cúc (Asteraceae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Khoản đông hoa sơ chế

Loại bỏ tạp chất và cuống hoa còn sót lại, rửa sạch, phơi và sấy khô.

b) Phương pháp chế biến Khoản đông hoa chích mật

Công thức chế biến 1,0 kg Khoản đông hoa chích mật(*):

Khoản đông hoa sơ chế            1,0 kg

Mật ong                                    200 g

Lấy Mật ong hòa loãng với nước sôi được khoảng 180 ml, trộn đều dịch mật với Khoản đông hoa, ủ cho mật thấm đều, sao nhỏ lửa cho đến khi có màu vàng nâu, có các chấm đậm màu trên bề mặt vị thuốc, sờ không dính tay, lấy ra, để nguội.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Vị thuốc là các cụm hoa đơn độc, dài 2 - 2,5cm, phần trên rộng hơn và phần dưới thon dần. Màu nâu nhạt nhưng không đều, trên bề mặt vị thuốc có các chấm đậm màu hơn, mùi thơm đặc trưng, vị hơi đắng và cay, hơi ngọt.

3. Tính vị, quy kinh

Vị tân, cam; Tính ôn. Quy kinh phế.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: nhuận phế hóa đờm, chỉ khái, giáng nghịch. Khoản đông hoa chích mật ong giảm bớt tính ôn, tăng tính nhuận. Tác dụng nhuận phế, chỉ ho.

b) Chủ trị: ho và suyễn, hư lao.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 5 - 9 g/ngày phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ: Không dùng trong trường hợp người âm hư phế nhiệt, phế táo.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

53. VỊ THUỐC KHƯƠNG HOẠT

Rhizoma et Radix Notopterygii Praeparata

Vị thuốc Khương hoạt là thân rễ và rễ đã phơi khô của cây Khương hoạt (Notopterygium incisum Ting ex H. T. Chang) hoặc Khương hoạt lá rộng (Notopterygium forbesii Boiss.), họ Hoa tán (Apiaceae).

1. Phương pháp chế biến

Phương pháp chế biến Khương hoạt phiến: Loại bỏ hết tạp chất, rửa sạch, ủ mềm, thái lát dày khoảng 5 mm, phơi âm can hoặc sấy ở nhiệt độ dưới 60° cho đến khô.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Khương hoạt phiến là những lát màu nâu vàng, khô, dễ gãy, mùi thơm hắc, vị đắng và cay.

3. Tính vị, quy kinh

Vị tân, khổ; Tính ôn. Quy kinh bàng quang, can, thận.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: phát tán phong hàn, trừ phong thấp, chỉ thống, phát hãn, giải biểu.

b) Chủ trị: cảm mạo phong hàn, phong thấp, mình mẩy, chân, tay, các khớp đau nhức, thiên về đau ở nửa người trên.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 3 - 9g/ngày dưới dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán hoặc dùng phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ: Không dùng cho trường hợp chứng thực nhiệt, hư nhiệt.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

54. VỊ THUỐC KIM ANH

Fructus Rosae laevigatae Praeparata

Vị thuốc Kim anh là sản phẩm đã chế biến từ quả già đã phơi hay sấy khô của cây Kim anh (Rosa laevigata Michx.), họ Hoa hồng (Rosaceae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Kim anh sao vàng

Lấy Kim anh đã bỏ hạt đem sao đều tới khi toàn bộ phía ngoài vỏ quả có màu vàng nâu. Đổ ra, chà xát, sàng bỏ hết các gai trên vỏ quả.

b) Phương pháp chế biến Kim anh chích muối

Công thức thức chế biến 1,0 kg Kim anh chích muối(*):

Kim anh đã bỏ hạt                     1,0 kg

Muối ăn                                    8,0 g

Muối ăn hòa trong 180 ml nước (dịch muối ăn). Trộn đều dịch muối ăn với Kim anh đã bỏ hạt. Ủ 30 phút cho ngấm đều. Lấy ra đồ chín khoảng 1 giờ (kể từ lúc hơi bốc mạnh trên mặt nồi chõ). Phơi hoặc sấy khô, rồi chà xát, sàng bỏ hết các gai trên vỏ quả.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Vị thuốc Kim anh là những mảnh của một nửa vỏ quả, có dạng lòng máng, màu vàng nâu (sao vàng), nhấm có vị chua, chát se, hơi ngọt, hoặc hơi mặn (Kim anh chích muối).

3. Tính vị quy kinh

Vị toan, vi cam; Tính bình. Quy kinh phế, thận, bàng quang.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: cố thận, sáp tinh, sáp niệu, sáp trường, chỉ tả.

b) Chủ trị: thận hư, di tinh, hoạt tinh, tiểu dầm, tiểu nhiều lần, rong huyết, xích bạch đới, mồ hôi nhiều, mồ hôi trộm (Kim anh chích muối), ỉa chảy, lỵ lâu ngày (Kim anh sao vàng).

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 12 - 20 g/ngày, dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán, dùng phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ: Không dùng trong trường hợp có thấp nhiệt, tiểu tiện bí dắt.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

55. VỊ THUỐC KINH GIỚI

Herba Elsholtziae ciliatae Praeparata

Vị thuốc Kinh giới là đoạn ngọn cành mang lá, hoa, đã phơi hay sấy khô của cây Kinh giới (Elsholtzia ciliata (Thunb.) Hyland.), họ Bạc hà (Lamiaceae).

1. Phương pháp chế biến

Phương pháp chế biến Kinh giới sao cháy tồn tính: Sàng toàn bộ phần kinh giới đã được cắt thành đoạn dài 2 - 3 cm) định sao, lấy phần trên sàng sao trước với lửa to vừa, khi phiến thuốc ngả màu nâu sẫm, cho nốt phần dược liệu dưới sàng vào, tiếp tục sao ở lửa to sao cho bên ngoài phiến thuốc trở thành màu đen, bên trong màu nâu đen, giảm bớt nhiệt độ sao, phun một ít nước, đảo đều đến khi có khói trắng bốc lên, đổ toàn bộ dược liệu ra một dụng cụ sạch (nia, khay), đậy kín bằng một dụng cụ khác. Sau khoảng 15 - 20 phút, mở ra, tãi đều dược liệu cho nguội.

Chú ý: Khi đổ dược liệu ra nia cần đậy kín ngay tránh bốc lửa gây hỏa hoạn, vị thuốc bị đốt thành tro mất tác dụng.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Kinh giới sao cháy có màu đen nhưng không được cháy thành tro. Các cành bên ngoài có màu đen, bên trong có màu nâu đen, lá và hoa thường bị vụn nát, màu đen. Mùi thơm đặc trưng. Không lẫn tạp chất khác.

3. Tính vị, quy kinh

Vị cay, tính ấm. Quy kinh phế, can.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: chỉ huyết.

b) Chủ trị: rong huyết, băng huyết, thổ huyết, đại tiện ra máu.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 10 - 16 g/ngày dưới dạng thuốc sắc hoặc hãm.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

 

56. VỊ THUỐC LIÊN NHỤC

Semen Nelumbilis Praeparata

Vị thuốc Liên nhục là hạt còn màng mỏng của quả già đã phơi hay sấy khô của cây Sen (Nelumbo nucifera Gaertn.), họ Sen (Nelumbonaceae).

1. Phương pháp chế biến

Phương pháp chế biến Liên nhục sao vàng: Cho dược liệu sạch vào chão, sao nhỏ lửa đến khi có màu thẫm lại, có chấm đen, lấy ra, để nguội.

2. Đặc điểm cảm quan dược liêu sau chế biến

Hạt hình trái xoan, dài 1,1 - 1,3 cm, đường kính 0,9 - 1,1 cm. Mặt ngoài còn màng mỏng màu nâu thẫm, có chấm đen, mùi thơm, vị hơi chát. Không còn tâm sen.

3. Tính vị, quy kinh

Vị ngọt, chát, tính bình. Qui kinh tâm, thận, tỳ.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: liên nhục sao vàng bổ tỳ, dưỡng thận, dưỡng tâm, an thần.

b) Chủ trị: tiêu chảy lâu ngày, tim đập hồi hộp, mất ngủ.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 6 - 15g/ngày phối ngũ trong các bài thuốc.

Kiêng kỵ: Không dùng cho trường hợp người thực nhiệt, táo bón.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

57. VỊ THUỐC LIÊN TÂM

Embryo Nelumbinis Praeparata

Vị thuốc Liên tâm (Tâm sen) là cây mầm lấy từ hạt cây Sen (Nelumbo nucifera Gaertn.), họ Sen (Nelumbonaceae).

1. Phương pháp chế biến

Liên tâm sao qua: Cho liên tâm vào sao đến khi có mùi thơm bốc lên, lấy ra, để nguội.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Vị thuốc Tâm sen dài khoảng 1 cm, phần trên là chồi mầm màu lục sẫm có đốm vàng hoặc hơi xém, phần dưới là rễ và thân mầm hình trụ màu vàng nhạt, mùi thơm đặc trưng.

3. Tính vị, quy kinh

Vị đắng, tính lạnh. Quy vào các kinh tâm, thận.

4. Công năng, chủ trị

a) Công dụng: thanh tâm, trừ phiền nhiệt, chỉ huyết, sáp tinh. Liên tâm sao qua cho hết vị ngái, tăng mùi thơm cho dễ sử dụng.

b) Chủ trị: tâm phiền mất ngủ, giải phiền táo, nói nhảm.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 2 - 5 g/ngày dưới dạng thuốc hãm hoặc sắc.

Kiêng kỵ: Không dùng trong trường hợp người tâm hỏa, hư nhược.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

58. VỊ THUỐC MA HOÀNG

Herba Ephedrae Praeparata

Vị thuốc Ma Hoàng là phần trên mặt đất đã phơi hay sấy khô của cây Thảo ma hoàng (Ephedra sinica Staff.,), cây Trung gian ma hoàng (E. intermedia Schrenk et C.A.Mey.,) hoặc cây Mộc tặc ma hoàng (E. equisetina Bunge.,), họ Ma hoàng (Ephedraceae).

1. Phương pháp chế biến

Phương pháp chế biến Ma hoàng chích mật ong

Công thức chế biến 1,0 kg Ma hoàng chích mật ong(*):

Ma hoàng                                 1,0 kg

Mật ong                                    100 g.

Mật ong thêm lượng nước vừa đủ, trộn dịch mật vào Ma hoàng, ủ khoảng 30 - 60 phút đến khi ngấm đều, sao vàng, sờ không dính tay.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Ma hoàng chế có màu hơi vàng nâu, vị đắng, hơi ngọt.

3. Tính vị, quy kinh

Vị tân, khổ, tính ôn. Quy kinh phế, bàng quang.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: bình suyễn, chỉ ho.

b) Chủ trị: ho, hen suyễn thể hàn.

5. Cách dùng

Dùng 2 - 9 g/ngày phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ: Không dùng trong trường hợp ra nhiều mồ hôi, phụ nữ có thai.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

59. VỊ THUỐC MÃ TIỀN

Semen Strychni Praeparata

Vị thuốc Mã tiền là hạt đã chế biến lấy từ quả chín của cây Mã tiền (Strychnos nux - vomica Linn.,) hoặc một số loài khác cùng chi có chứa alcaloid như (S. ignatii Bergius.,) (S. vanprukii Craib.,) thuộc họ Mã tiền (Loganiaceae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Mã tiền rang cát: Lấy cát vàng rửa sạch bằng nước sạch, phơi khô. Ngâm Mã tiền bằng nước vo gạo hoặc nước sạch trong 24 giờ (8 tiếng thay nước một lần), và luộc sôi hạt Mã tiền cho mềm, lấy ra cạo sạch vỏ hạt, bỏ mầm, thái lát. Sấy và phơi đến gần khô. Lấy cát sạch đun nóng, đổ các lát mã tiền vào tiếp tục rang, đảo đều cho các mảnh hạt phồng lên và có màu nâu hoặc màu nâu đậm (rang khoảng 5 giờ), lấy ra để nguội, sàng loại bỏ hết cát, tán bột dùng.

b) Phương pháp chế biến Mã tiền rán dầu vừng: Ngâm hạt mã tiền vào nước vo gạo, đổ ngập 2 - 3 cm, ngâm trong 3 ngày đêm, hàng ngày thay nước vo gạo 1 lần. Lấy ra, rửa sạch nước vo gạo, nếu hạt chưa mềm có thể đun sôi cho hạt mềm, cạo bỏ lớp vỏ hạt, bỏ cây mầm, rửa sạch rồi sấy khô ở nhiệt độ dưới 60°C. Cho dầu vừng vào chảo, đun sôi, đổ Mã tiền vào dầu vừng tiếp tục đun cho đến khi hạt Mã tiền nổi lên thì vớt ra ngay, dùng giấy bản thấm sạch dầu vừng. Thái nhỏ, sấy khô, bảo quản kín.

c) Phương pháp chế biến Mã tiền ngâm rượu: Bóc bỏ vỏ lấy hạt giã nát, ngâm với rượu 40° sau một tuần dùng để xoa bóp (cấm uống).

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Vị thuốc Mã tiền là những lát có màu nâu hoặc nâu đậm, vị đắng.

3. Tính vị, quy kinh

Vị đắng, tính ôn (có độc). Quy kinh can, tỳ.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: thông khí huyết ở kinh lạc, chỉ thống, tiêu sưng.

b) Chủ trị: viêm khớp, phong thấp, tê liệt, nhức mỏi chân tay, đau do sang chấn, nhọt độc, sưng đau, tiêu hóa kém.

5. Cách dùng, liều dùng

Mã tiền chế dùng 0,05 g/lần/ ngày ở dạng thuốc hoàn hoặc thuốc bột. Liều tối đa 0,1g/lần, 3 lần trong 24 giờ. Trẻ em dưới 2 tuổi không được dùng.

Kiêng kỵ: Không dùng trong trường hợp người di tinh, mất ngủ và phụ nữ có thai.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

60. VỊ THUỐC MẠN KINH TỬ

Fructus Viticis trifoliae Praeparata

Vị thuốc Mạn kinh tử chế là sản phẩm đã chế biến từ quả chín đã phơi hay sấy khô của cây Mạn kinh (Vitex trifolia L.) hay cây Mạn kinh lá đơn (Vitex rotundifolia L. f.), họ Cỏ roi ngựa (Verbenaceae).

1. Phương pháp chế biến

Phương pháp chế biến Mạn kinh tử sao vàng: Lấy Mạn kinh tử đã sơ chế, sao nhỏ lửa đến khi khô, có mùi thơm. Chà xát, loại cho hết màng trắng và đài hoa còn sốt lại. Xay hoặc giã dập khi dùng.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Mặt ngoài màu xám đen hoặc nâu đen thẩm. Thể chất nhẹ và cứng. Mùi thơm đặc trưng, vị nhạt, hơi cay.

3. Tính vị, quy kinh

Vị khổ, tân; Tính vi hàn. Quy kinh can, phế, bàng quang, vị.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: sơ tán phong nhiệt, khu phong thắng thấp.

b) Chủ trị: cảm mạo, nhức đầu do phong nhiệt, hoa mắt, chóng mặt, phong thấp.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 5 - 9 g/ngày, dùng phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ: Không dùng trong trường hợp đau dầu do huyết hư, nhiệt, tỳ hư.

Thận trọng khi dùng cho trẻ em, phụ nữ có thai hoặc cho con bú.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

61. VỊ THUỐC MẪU ĐƠN BÌ

Cortex Paeoniae suffruticosae radicis Praeparata

Vị thuốc Mẫu đơn bì chế là sản phẩm đã chế biến từ vỏ rễ của cây Mẫu đơn (Paeonia suffruticosa Andr.), họ Mẫu đơn (Paeoniaceae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Mẫu đơn bì sao vàng

Lấy mẫu đơn bì bỏ lõi, sao đều nhỏ lửa, cho tới khi toàn bộ phía ngoài có màu vàng hoặc hơi vàng, có mùi thơm đặc trưng của Mẫu đơn bì. Lấy ra, để nguội.

b) Phương pháp chế biến Mẫu đơn bì chích rượu

Công thức chế biến 1,0 kg Mẫu đơn bì chích rượu(*):

Mẫu đơn bì bỏ lõi                      1,0 kg

Rượu                                        180 ml

Mẫu đơn bì đã bỏ lõi được trộn với rượu trắng, ủ 30 phút - 1 giờ cho ngấm hết rượu, sao nhỏ lửa tới khô, có mùi thơm đặc trưng của Mẫu đơn bì.

2. Đặc điểm Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Vị thuốc Mẫu đơn bì là những đoạn nhỏ hoặc mảnh vỏ rễ có kích thước, dài khoảng 3 - 5 cm, có màu vàng, có mùi thơm đặc trưng của mẫu đơn bì.

3. Tính vị, quy kinh

Vị tân, khổ; Tính vi hàn. Quy kinh tâm, can, thận.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: thanh nhiệt lương huyết, hoạt huyết, khứ ứ, chỉ thống, phát hãn, giải độc.

b) Chủ trị: phát ban do huyết nhiệt, ho ra máu, chảy máu cam (dùng mẫu đơn bì sao vàng), sốt, đau âm ỉ trong xương mà mồ hôi không ra được, vô kinh, bế kinh, đau bụng kinh, nhọt độc sưng đau, sang chấn (dùng mẫu đơn bì chích rượu).

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 6 - 12 g/ngày, thường phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ: Không dùng trong trường hợp người tỳ vị hư hàn, ỉa chảy, kinh nguyệt ra nhiều, phụ nữ có thai.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

62. VỊ THUỐC MẪU LỆ

Concha Ostreae Praeparata

Vị thuốc Mẫu lệ là vỏ đã phơi khô của nhiều loại Hàu như: Hàu ống (Ostrea gigas Thunberg), Hàu sông (Ostrea rivularis Gould) hay Hàu Đại liên (Ostrea talienwhanensis Crosse), họ Hàu (Ostreidae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Sinh Mẫu lệ: Mẫu lệ cạo bỏ phần ruột, rửa sạch phơi hay sấy khô, đập dập thành mảnh nhỏ.

b) Phương pháp chế biến Mẫu lệ nung: Xếp mẫu lệ sạch trực tiếp lên lò nung, nung cho đến khi mảnh mẫu lệ nóng hồng đều, có màu trắng xám, thì lấy ra tãi cho nguội. Đập nhẹ cho vỡ vụn hoặc tán thành bột mịn.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Vị thuốc Mẫu lệ mặt ngoài màu trắng xám, có khía, mặt trong sáng óng ánh lớp xà cừ, cứng chắc (sinh Mẫu lệ), dễ vỡ khi bóp (Mẫu lệ nung). Có vị mặn.

3. Tính vị, quy kinh

Vị mặn, tính lương. Quy kinh can, đởm, thận.

4. Công năng, chủ trị

a) Sinh mẫu lệ

- Công năng: tác dụng an thần, dưỡng âm, tiềm dương, tán kết nhuyễn kiên.

- Chủ trị: các chứng hồi hộp, đánh trống ngực, mất ngủ, hoa mắt, ù tai, tràng nhạc, hòn khối ở bụng, tự hãn, đạo hãn, di tinh, bạch đới, băng huyết, đau dạ dày, ợ chua.

b) Mẫu lệ nung (đoạn mẫu lệ)

- Công năng: có tác dụng thu liễm.

- Chủ trị: các chứng hồi hộp, đánh trống ngực, mất ngủ, hoa mắt, ù tai, tràng nhạc, hòn khối ở bụng, tự hãn, đạo hãn, di tinh, bạch đới, băng huyết, đau dạ dày, ợ chua.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 12 - 40 g/ngày dưới dạng thuốc sắc.

Dùng 4 - 6g/ngày dưới dạng bột.

Kiêng kỵ: Không dùng trong trường hợp người hư hàn.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

63. VỊ THUỐC MIẾT GIÁP

Carapax Trionycis Praeparata

Vị thuốc Miết giáp là mai phơi hay sấy khô của con Ba ba (Trionyx sinensis Wiegmann.), thuộc họ Ba ba (Trionychidae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp sơ chế Miết giáp: Ngâm trong nước, dùng bàn chải cứng hay dao nhọn, cạo bỏ da thịt còn sót, rửa sạch, phơi khô.

b) Phương pháp chế biến Miết giáp

Công thức chế biến 1,0 kg vị thuốc Miết giáp(*):

Miết giáp                                  1,0 kg

Giấm trắng                                0,2 lít

Lấy cát sạch, cho vào nồi rang, rang cho tới khi cát tơi rời, cho Miết giáp sạch vào, sao cho tới khi mặt ngoài hơi vàng, lấy ra ngay, sàng bỏ cát, đổ Miết giáp ngay vào trong chậu có giấm. Vớt ra, phơi khô. Khi dùng giã nát.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

a) Miết giáp sơ chế: Hình bầu dục hay hình trứng, dài 10 cm - 20 cm, rộng 8,5 cm - 18 cm, phía lưng hơi nổi nhô lên. Màu nâu đen hay màu lục đen, hơi sáng óng ánh, có nhiều vân nhăn và những nốt đốm màu vàng tro hay trắng tro. Giữa lưng có một đường cạnh gờ thẳng dọc, trên có những đốt chắp nối nhau, hai bên đều thấy rõ 8 đường lõm ngang chấp nối ăn khớp với nhau hình răng cưa. Ở mép hai bên phải trái có thể thấy 8 đôi màu trắng nhô ra, giống những chiếc răng. Mặt phía trong màu trắng, ở giữa có một đường xương sống nổi thành gờ, mỗi bên đều có 8 chiếc xương sườn. Đầu xương uốn cong vào phía trong. Chất cứng chắc, dễ nứt gãy từ những đường nối khớp răng cưa. Mùi hơi tanh, vị mặn.

b) Vị thuốc Miết giáp: Là những mảnh miết giáp rời, màu hơi vàng, một số miếng có mép ngoài hơi cháy sém. Mùi hơi chua, vị chua mặn.

3. Tính vị, quy kinh

Vị mặn, tính hàn; Quy kinh can, thận và tỳ.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: Dưỡng âm, thanh nhiệt, bình can tiềm dương, nhuyễn kiên tán kết.

b) Chủ trị: Cốt chưng lao nhiệt (nóng sốt hầm trong xương), sốt rét lâu ngày, sưng lá lách, bị đau cứng dưới mạng sườn, báng kết ở bụng, phụ nữ kinh nguyệt bế tắc, trẻ em kinh giản.

5. Liều dùng

Dùng 12 - 20g/ ngày. Thường phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ: Không dùng trong trường hợp người hư không nhiệt, vị yếu hay nôn, tỳ hư ỉa chảy, phụ nữ thai.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

64. VỊ THUỐC ĐẢNG SÂM

Radix Codonopsis pilosulae Praeparata

Vị thuốc Đảng sâm (Minh đảng sâm) là rễ đã phơi hoặc sấy khô của cây đảng sâm Trung Quốc (Codonopsis pilosula (Franch.) Nanff.). họ Hoa chuông (Campanulaceae).

1. Phương pháp chế biến

Phương pháp chế biến Đảng sâm chích gừng

Công thức chế biến 1,0 kg Đảng sâm chích gừng(*):

Đảng sâm phiến                        1,0 kg

Gừng tươi                                0,1 kg

Tẩm dịch nước gừng tươi với Đảng sâm phiến, ủ trong 30 phút cho thấm đều, sao đến khi khô. Lấy ra, để nguội.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Phiến thuốc màu trắng ngà, nhuận, mùi thơm, vị hơi ngọt.

3. Tính vị, quy kinh

Vị cam, tính bình, Quy kinh tỳ, phế.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: bổ khí, kiện tỳ, ích phế.

b) Chủ trị: tỳ phế hư nhược, thở gấp, tâm hồi hộp, kém ăn, đại tiện lỏng, nội nhiệt, tiêu khát.

5. Cách dùng

Dùng 9 - 30g/ ngày, phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ: Không dùng chung với Lê lô.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

65. VỊ THUỐC NGA TRUẬT

Rhizoma Curcumae zedoariae Praeparata

Vị thuốc Nga truật là thân rễ đã phơi hay sấy khô của cây Nga truật [Curcuma zedoaria (Berg.) Roscoe], họ Gừng (Zingiberaceae)

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Nga truật phiến: Đem nga truật ngâm nước (hoặc đồ) cho mềm. Vớt ra để khô se, thái phiến dầy 2-3 mm. Trường hợp đồ mềm thì thái phiến ngay sau khi đồ. Phơi khô hoặc sấy khô.

b) Phương pháp chế biến Nga truật chích giấm

Công thức chế biến 1,0 kg Nga truật chích giấm(*):

Nga truật phiến                          1,0 kg

Giấm                                        30 ml

Trộn đều nga truật phiến với giấm. Ủ 3 - 6 giờ cho ngấm hết giấm. Sao nhỏ lửa tới khô, mặt ngoài của phiến hơi vàng.

c) Phương pháp chế biến Nga truật chế giấm

Công thức chế biến 1,0 kg Nga truật chế giấm(*):

Nga truật (thân rễ)                      1,0 kg

Giấm                                        30 ml

Nước sạch                                30 ml.

Cho Nga truật vào giấm, đun sôi nhỏ lửa cho đến cạn. Đổ ra để nguội, thái phiến dày 3 - 5 mm. Phơi khô hoặc sấy khô ở nhiệt độ 60 °C tới khô.

2. Đặc điểm cảm quan dược liệu sau chế biến

Nga truật chế giấm là những phiến dày 2 - 3 mm, Nga truật chích giấm mặt ngoài phiến có màu hơi vàng, thể chất giòn, vị đắng, hơi cay, hơi chua.

3. Tính vị, quy kinh

Vị đắng, cay. Tính ấm. Quy kinh can.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: phá huyết, hành khí, tiêu thực hóa tích, thanh phế chỉ ho, hóa đàm.

b) Chủ trị: kinh nguyệt bế, đau bụng kinh, ăn uống không tiêu, bụng đầy trướng, ho nhiều đờm.

5. Liều dùng

Dùng 8 - 12 g/ngày, dưới dạng thuốc sắc.

Kiêng kỵ: Không dùng trong trường hợp người có tích trệ và phụ nữ có thai.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

66. VỊ THUỐC NGẢI CỨU

Herba Artemisiae vulgaris Praeparata

Vị thuốc Ngải cứu là ngọn thân đã phơi hay sấy khô của cây Ngải cứu (Artemisia vulgaris L.), họ Cúc (Asteraceae).

1. Phương pháp chế biến

Lấy lá và thân mang lá phía ngọn, rửa sạch, phơi khô hoặc sấy khô ở nhiệt độ 50 - 60 °C dùng làm nguyên liệu cho các chế biến dưới đây.

a) Phương pháp chế biến Ngải cứu chích rượu

Công thức chế biến 1,0 kg Ngải cứu chích rượu(*):

Ngải cứu                                   1,0 kg

Rượu                                        200 ml

Trộn đều ngải cứu với rượu. Ủ 30 phút đến 1giờ cho ngấm hết rượu. Sao đến khi phía ngoài có màu hơi vàng. Đổ ra, tãi mỏng.

b) Phương pháp chế biến Ngải cứu chích giấm

Công thức chế biến 1,0 kg Ngải cứu chích giấm(*):

Ngải cứu                                   1,0 kg

Giấm ăn                                    200 ml

Trộn đều ngải cứu với giấm. Ủ 30 phút đến 1 giờ, cho hút hết giấm. Sao đến khi phía ngoài có màu hơi đen (khoảng 7 phần 10). Đổ ra, tãi mỏng để tránh bị cháy.

c) Phương pháp chế biến Ngải cứu thán sao

Đem ngải cứu sao ở lửa to, đảo đều, đến khi toàn bộ phía ngoài, có màu đen, có mùi cháy. Đổ ra tãi mỏng để tránh bị cháy.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Vị thuốc Ngải cứu là những đoạn ngọn thân hoặc những mảnh lá xốp, màu hơi vàng (Ngưu tất chích rượu), màu hơi đen (Ngưu tất chích giấm), màu đen (ngải cứu thán sao), đều có mùi thơm đặc trưng của ngải cứu.

3. Tính vị, quy kinh

Vị đắng, cay. Tính ấm. Quy kinh can, tỳ, thận.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: điều hòa khí huyết, ấm kinh, tán hàn, chỉ thống, điều kinh, an thai, chỉ huyết.

b) Chủ trị: kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, viêm ruột, bụng đau lạnh, sưng đau do sang chấn, đau đầu do cảm lạnh, dùng ngải cứu chích rượu, các trường hợp bị chảy máu, rong kinh, băng huyết, động thai chảy máu, chảy máu cam, đại tiện ra máu...dùng ngải cứu thán, ngải cứu chích giấm.

5. Liều dùng

Dùng 6 - 12 g/ngày dưới dạng thuốc sắc.

Kiêng kỵ: Không dùng trong trường hợp âm hư huyết nhiệt.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

67. VỊ THUỐC NGÔ CÔNG

Scolopendra Praeparata

Vị thuốc Ngô công là sản phẩm đã chế biến từ con Rết ((Scolopendra morsitans Linnaeus.,), họ Rết (Scolopendridae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Ngô công để dùng ngoài: Rết được làm sạch và ngâm nguyên cả con trong bình kín với cồn 90o (5 con/100ml). Ngâm ít nhất sau một tháng mới dùng được.

b) Phương pháp chế biến Ngô công để dùng trong (đường uống): Rửa sạch, bỏ đầu đuôi, chân, rút ruột, phun hoặc tẩm với rượu 35° (tỷ lệ 10:1) để khử hết mùi tanh, tẩm với 5% dịch ép gừng tươi, sấy nhẹ đến khô.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Màu xám, thể chất giòn, dễ gẫy, mùi hơi cay.

3. Tính vị, quy kinh

Vị tân; Tính ôn, có độc. Quy kinh can.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: trừ phong, trấn kinh, thông lạc chỉ thống, giải độc, tán kết.

b) Chủ trị: kinh giản, co giật trúng phong, cấm khẩu, bán thân bất toại, uốn ván, đau nửa đầu, tràng nhạc.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 3 - 5 g/ngày, thường phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ: Không dùng trong trường hợp phụ nữ có thai.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

68. VỊ THUỐC NGÔ THÙ DU

Fructus Evodiae rutaecarpae Praeparata

Vị thuốc Ngô thù du là quả gần chín phơi hay sấy khô của cây Ngô thù du [Evodiarutaecarpa (A. Juss) Hartley], họ Cam (Rutaceae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Ngô thù du chích cam thảo

Công thức chế biến 1,0 kg Ngô thù du chích cam thảo(*)

Ngô thù du                                1,0 kg

Cam thảo                                  60 g

Trước hết, lấy Cam thảo phiến sắc hai lần với nước, mỗi lần khoảng 300 ml nước, đun sôi 1 giờ. Gộp dịch sắc Cam thảo, cô còn khoảng 160 ml. Trộn đều dịch Cam thảo với Ngô thù du đã giã hơi dập. Ủ 1 giờ cho ngấm hết dịch Cam thảo. Lấy ra, để khô se, phơi khô hoặc sao nhỏ lửa (vi sao) tới khô cho mùi thơm đặc trưng.

b) Phương pháp chế biến Ngô thù du chích giấm

Công thức chế biến 1,0 kg Ngô thù du chích giấm(*):

Ngô thù du                                1,0 kg

Giấm ăn                                    160 ml

Đem ngô thù du giã hơi dập, trộn đều với giấm. Ủ 6-12 giờ cho ngấm hết. Lấy ra phơi khô hoặc tiến hành vi sao tới khô cho mùi thơm đặc trưng.

c) Phương pháp chế biến Ngô thù du chích muối

Công thức chế biến 1,0 kg Ngô thù du chích muối(*):

Ngô thù du                                1,0 kg

Dung dịch muối ăn 5 %             160 ml

Đem nước muối trộn đều vào ngô thù du đã giã hơi dập. Ủ 1giờ cho ngấm hết. Lấy ra phơi khô hoặc tiến hành vi sao tới khô cho mùi thơm đặc trưng của Ngô thù du.

2. Đặc điểm cảm quan dược liệu sau chế biến

Ngô thù du chích cam thảo có màu xám hơi vàng, có mùi thơm đặc trưng của ngô thù du, nhấm có vị cay. Ngô thù du chích giấm, chích muối, có màu hơi xám, có mùi đặc trưng của ngô thù du.

3. Tính vị, quy kinh

Vị cay, đắng. Tính ấm. Quy kinh can, thận, tỳ, vị.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: khứ hàn, chỉ thống, giáng nghịch chỉ nôn, chi tả, chỉ ngứa.

b) Chủ trị: đau bụng do lạnh, bụng đầy trướng, nôn mửa, tiêu chảy, đau sườn ngực, đau đỉnh đầu hoặc phát cước do khí lạnh.

- Chế với nước cam thảo để giảm bớt vị đắng nồng của ngô thù du, dùng để giải độc, chế muối đi vào kinh thận trị sán thống.

- Chế giấm đi vào kinh can để thư can giảm đau, dùng trong các bệnh xơ gan.

- Khi thấp chẩn lở ngứa có chảy nước vàng dùng ngô thù du dưới dạng bột rắc ngoài.

5. Liều dùng

Dùng 2 g - 4 g/ngày, dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột (dùng ngoài).

Kiêng kỵ: Không dùng trong trường hợp phụ nữ có thai và những người huyết hư, cơ thể nhiệt. Ngô thù du rất táo không nên dùng lâu.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

69. VỊ THUỐC NGŨ VỊ TỬ

Fructus Schisandrae Praeparata

Vị thuốc Ngũ vị tử là quả chín phơi hay sấy khô của cây Ngũ vị bắc (Schisandra chinensis (Turcz.) Baill.) hoặc của cây Ngũ vị nam (Schisandra sphenanthera Rehd et Wils.), họ Ngũ vị (Schisandraceae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Ngũ vị tử tẩm mật

Công thức chế biến 1,0 kg Ngũ vị tử tẩm mật(*):

Ngũ vị tử                                  1,0 kg

Mật ong                                    0,1 kg

Lấy dao bổ đôi quả; mật ong pha loãng bằng nước đun sôi để nguội, tỷ lệ 1/1 tẩm mật 3 giờ. Sao đến không dính tay và ngũ vị phồng rộp. Khi dùng giã dập.

b) Phương pháp chế biến Ngũ vị tử tẩm giấm

Công thức chế biến 1.0 kg Ngũ vị tử tẩm giấm(*):

Ngũ vị tử                                  1,0kg

Giấm trắng                                200 ml

Lấy Ngũ vị tử sạch, trộn với giấm cho thấm đều, đậy kín, để yên 4 giờ. Cho lên đồ đến khi có màu đen, đem ra phơi hay sấy khô.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

a) Ngũ vị tẩm mật: Vỏ quả màu tím, đỏ tối. Cùi quả phồng rộp bám vào hạt. Cùi có mùi đặc biệt, vị chua, ngọt. Đập vỡ hạt ngửi thấy mùi thơm, vị cay và hơi đắng.

b) Ngũ vị tẩm giấm: Vỏ quả màu đỏ tím, đỏ tối. Cùi quả mềm nhuyễn. Cùi có mùi đặc biệt, vị chua. Đập vỡ hạt ngửi thấy mùi thơm, vị cay và hơi đắng.

3. Tính vị, quy kinh

Vị chua, hơi mặn, tính ôn. Quy kinh Phế, Tâm và Thận.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: cố biểu, liễm phế chỉ khái, ích thận cố tinh, sinh tân dịch chỉ khát.

b) Chủ trị: chữa ho lâu ngày hư suyễn, tiêu chảy lâu ngày không cầm, tự hãn, đạo hãn, thương tổn tân dịch khát nước, đoản khí, mạch hư, mệt mỏi, an thần.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 2 - 6g/ngày.

Kiêng kỵ: Không dùng trong trường hợp người đang bị sốt cao, lên sởi, sốt phát ban.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

70. VỊ THUỐC NGƯU BÀNG TỬ

Semen Arctii lappae Praeparata

Vị thuốc Ngưu bàng tử là sản phẩm đã chế biến từ hạt của quả cây Ngưu bàng (Arctium lappa L.), họ Cúc (Asteraceae).

1. Phương pháp chế biến

Phương pháp chế biến Ngưu bàng tử sao: Làm nóng dụng cụ, cho ngưu bàng tử vào sao nhỏ lửa đến khi thấy hạt hơi phồng, có mùi thơm. Lấy ra, để nguội.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Mặt ngoài màu xám vàng, có đốm màu đen, hơi phồng. Mùi thơm nhẹ, vị đắng, hơi cay.

3. Tính vị, quy kinh

Vị tân, khổ; Tính hàn. Quy kinh phế, vị.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: giải biểu nhiệt, tuyên phế, thấu chẩn, giải độc, thông lợi hầu họng.

b) Chủ trị: cảm mạo phong nhiệt, ho đờm nhiều, sởi, hầu họng sung đau, quai bị, ngứa, mụn nhọt, nhọt độc sung đau.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 6 - 12 g/ngày, phối hợp với các vị thuốc khác.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

71. VỊ THUỐC NGƯU TẤT

Radix Achyranthis bidentatae Praeparala

Vị thuốc Ngưu tất là rễ đã phơi hay sấy khô của cây Ngưu tất (Achyranthes bidentata Blume), họ Rau giền (Amaranthaceae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Ngưu tất phiến: Rửa sạch, rễ to thái phiến, rễ nhỏ cắt đoạn 3-5 cm, phơi hoặc sấy khô, được ngưu tất phiến.

b) Phương pháp chế biến Ngưu tất chích rượu

Công thức chế biến 1,0 kg Ngưu tất chích rượu(*):

Ngưu tất phiến                          1,0 kg

Rượu                                        0,15 lít

Ngưu tất phiến tẩm rượu trắng, trộn đều, đậy kín, ủ trong khoảng 30 phút cho thấm hết rượu, cho vào chảo sao nhỏ lửa đến khi có mùi thơm của rượu bốc lên, phiến thuốc có mầu nâu nhạt. Lấy thuốc ra khay, để nguội, đóng gói.

Có thể sao nóng Ngưu tất phiến, phun rượu vào, sao phiến thuốc có mầu nâu nhạt. Lấy thuốc ra khay, để nguội, đóng gói.

c) Phương pháp chế biến Ngưu tất chích muối

Công thức chế biến 1.0 kg Ngưu tất chế muối(*):

Ngưu tất phiến                          1,0 kg

Muối ăn                                    20,0 g

Ngưu tất phiến tẩm nước muối, trộn đều, ủ trong khoảng 30 phút cho thấm hết nước muối, sao nhỏ lửa đến khi bắt đầu có muối kết tinh ở đáy chảo, phiến thuốc có màu nâu nhạt. Lấy thuốc ra khay, để nguội, đóng gói.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

a) Ngưu tất chích rượu: Phiến thuốc có màu nâu nhạt, mùi thơm đặc trưng của Ngưu tất và của rượu.

b) Ngưu tất chích muối: Phiến thuốc có màu nâu nhạt, mùi thơm đặc trưng của Ngưu tất.

3. Tính vị quy kinh

Vị đắng chua, tính bình. Quy kinh can, thận.

4. Công năng, chủ trị

a) Ngưu tất chích rượu:

- Công năng: bổ can thận, hoạt huyết thông kinh.

- Chủ trị: chữa thấp khớp, ngã sưng đau, đau lưng, nhức xương, sau khi đẻ máu hôi không ra và kinh nguyệt đau.

b) Ngưu tất chích muối:

- Công năng: bổ can thận, mạnh gân cốt.

- Chủ trị: chữa đau lưng mỏi gối, hoa mắt chóng mặt do can dương vượng.

5. Liều dùng

Dùng 8 - 16g/ngày, dưới dạng thuốc sắc, phối ngũ trong các bài thuốc.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

72. VỊ THUỐC NHỤC THUNG DUNG

Herba Cistanches Praeparata

Vị thuốc Nhục thung dung là thân có chất thịt, có vảy, đã phơi khô của cây Nhục thung dung (Cistanche deserticola Y.C.Ma), họ Lệ dương (Orobanchaceae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Nhục thung dung phiến

Dược liệu khô, loại bỏ tạp chất, rửa sạch, ủ mềm, thái lát dày, phơi khô.

b) Phương pháp chế biến Nhục thung dung chưng rượu

Công thức chế biến 1,0 kg Nhục thung dung chưng rượu(*):

Nhục thung dung phiến              1,0 kg

Rượu                                        300 ml

Lấy Nhục thung dung phiến, thêm rượu, trộn đều, cho vào trong dụng cụ bằng inox thích hợp, đậy kín, nấu cách thủy (chưng) trong 24 - 48 giờ đến màu đen hoặc nâu vàng, lấy ra, phơi khô.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

a) Nhục thung dung phiến: Phiến thuốc hình tròn hoặc tròn vát. Mặt ngoài màu nâu hoặc nâu xám, phủ đầy những phiến vảy, sắp xếp như ngói lợp, chất thịt và hơi dẻo, thể chất nặng, mặt phiến thuốc màu nâu có những đốm nâu nhạt của những bó mạch xếp theo vòng lượn sóng. Mùi nhẹ, vị ngọt hơi đắng.

b) Nhục thung dung chưng rượu: Phiến thuốc hình tròn hoặc tròn vát. Mặt ngoài và phiến thuốc màu nâu đen có những đốm nâu nhạt, chất thịt hơi dẻo. Mùi thơm nhẹ.

3. Tính vị, quy kinh

Vị ngọt, mặn, tính ấm. Quy kinh thận.

4. Công năng, chủ trị

a) Nhục thung dung phiến:

- Công năng: bổ thận dương, ích tinh huyết, nhuận tràng thông tiện.

- Chủ trị: liệt dương, di tinh, khó thụ thai do tử cung hư hàn, thắt lưng đầu gối đau mỏi, gân xương vô lực, táo bón ở người già, huyết hư tân dịch không đủ.

b) Nhục thung dung chưng rượu:

- Công năng: tăng cường ôn thận, trợ dương, giảm hoạt tràng, tiêu chảy.

- Chủ trị: đau lưng mỏi gối ở người già, chữa liệt dương do thận dương hư.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 6 - 9 g/ngày dưới dạng thuốc sắc thường phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ: Không dùng trong trường hợp thận hỏa vượng, táo bón do thực nhiệt, ỉa lỏng do tỳ hư

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

73. VỊ THUỐC PHÒNG ĐẢNG SÂM

Radix Codonopsis javanicae Praeparata

Vị thuốc Phòng đảng sâm (Đẳng sâm nam) là rễ đã phơi hoặc sấy khô của cây Đảng sâm (Codonopsis javanica (Blume.) Hook.f. (syn. Campanumoea javanica Blume.), họ Hoa chuông (Campanulaceae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Đảng sâm phiến: Rễ Đảng sâm được rửa sạch, ủ mềm, rễ to thái phiến dài 2-3 cm, dày 2-3 mm, rễ nhỏ cắt đoạn 2-3 cm, phơi hoặc sấy khô.

b) Phương pháp chế biến Đảng sâm chưng

Rễ Đảng sâm rửa sạch, tẩm nước, ủ trong 1-2 giờ (tùy vào kích thước rễ và nhiệt độ môi trường ủ), trong quá trình ủ đảo đều và phun thêm nước cho thấm đều, cho rễ to xuống dưới, rễ nhỏ phía trên vào một dụng cụ chưng (nếu có nồi nấu bằng hơi thì cho trực tiếp vào nồi). Chưng cách thủy trong 2 giờ. Lấy ra, để nguội. Rễ to thái phiến dài 2-3 cm, dày 2-3 mm, rễ nhỏ cắt thành đoạn 2-3 cm, phơi hoặc sấy ở 45°C cho se, tẩm nốt nước chưng (nếu có). Phơi hoặc sấy đến khô kiệt ở nhiệt độ dưới 70°C.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

a) Đảng sâm phiến: Phiến thuốc màu trắng ngà, thể chất thịt, giữa có lõi gỗ. Mùi thơm, vị ngọt nhẹ.

b) Đảng sâm chưng: Phiến thuốc màu nâu đen thể chất thịt, giữa có lõi gỗ. Mùi thơm, vị ngọt.

3. Tính vị quy kinh

Vị ngọt, tính bình (hơi ôn), quy kinh tỳ và phế.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: bổ tỳ, kiện vị, ích khí, sinh tân dịch, dưỡng huyết giảm háo khát.

b) Chủ trị: chữa kém ăn, đại tiện lỏng, mệt mỏi, khát nước, suy nhược cơ thể, sa tử cung, trực tràng, thiếu máu, vàng da, bổ dạ dày, lợi tiểu, tiêu đờm. Đảng sâm chưng có tác dụng bổ dưỡng, phối hợp chữa suy dinh dưỡng, mệt mỏi, suy nhược cơ thể.

5. Liều dùng

Dùng 15-30g/ngày.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

74. VỊ THUỐC PHÙ BÌNH

Herba Pistiae Praeparata

Vị thuốc Phù bình (Bèo cái) là cả cây bỏ rễ đã phơi hay sấy khô của Bèo cái (Pistia stratiotes L.), họ Ráy (Araceae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Phù bình phiến: Loại bỏ rễ và tạp chất, rửa sạch, phơi khô.

b) Phương pháp chế biến Phù bình sao qua: Cho dược liệu vào chảo, dùng lửa nhỏ sao đều đến khi có mùi thơm bốc lên, phiến thuốc ngả màu sẫm là được.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Phù bình sao qua: Cụm lá mọc quanh gốc có màu nâu xám hình hoa thị, phiến lá nhăn nheo hơi cháy xém. Thể chất khô dòn, dễ bóp vụn. Mùi thơm nhẹ, vị hơi mặn, cay.

3. Tính vị, quy kinh

Vị cay, tính lạnh. Quy kinh phế, thận.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: phát hãn khu phong, hành thủy tiêu phù.

b) Chủ trị: ngoại cảm phong nhiệt, mày đay (phong chẩn, ẩn chẩn), đơn độc, phù thũng. Loại bèo tía có tác dụng thanh nhiệt.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 6 - 8 g/ngày dược liệu khô dưới dạng thuốc sắc.

Dùng ngoài: giã nát với ít muối để đắp hoặc sắc nước đặc, xông rửa.

Kiêng kỵ: Không dùng cho trường hợp thực nhiệt, thực tà, người ra mồ hôi nhiều, thể hư, phụ nữ có thai.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

75. VỊ THUỐC PHỤ TỬ

Radix Aconiti lateralis praeparata

Vị thuốc Phụ tử là rễ củ con (củ nhánh) được thu hái từ cây Ô đầu (Aconitum carmichaelii Debx.) họ Hoàng liên (Ranunculaceae), rửa sạch, để tươi hoặc phơi, sấy khô.

1. Phương pháp chế biến.

a) Phương pháp chế biến vị thuốc Hắc phụ tử

Công thức chế biến 1,0 kg vị thuốc Hắc phụ tử(*):

Phụ tử

1,0 kg

Magnesi clorid (MgCl2.6H2O)

400 g

Nước

700 ml

Hòa tan magnesi clorid trong nước. Ngâm phụ tử 3-5 ngày đêm trong dung dịch này. Đun sôi với dịch ngâm đến khi chín đều (khoảng 20-30 phút). Thái dọc củ thành phiến dầy 0,2-0,5 cm. Ngâm tiếp với 2 lít nước trong 12 - 14 giờ. Rửa lại bằng nước (3 lần) đến khi còn vị tê nhẹ. Để ráo nước, sấy ở 55 - 60°C đến khi khô se. Tẩm dịch đường đỏ (30 g đường đỏ hòa tan trong 20ml nước sôi). Ủ đến khi thấm hết dịch. Tẩm 15 g dầu hạt cải. Trộn đều, ủ 12 - 14 giờ. Đồ khoảng 20 phút. Lấy ra, sấy đến khi khô kiệt. Để nguội, đóng gói.

b) Phương pháp chế biến vị thuốc Bạch phụ tử

Công thức chế biến 1,0 kg vị thuốc Bạch phụ tử(*):

Phụ tử                                      1,0 kg

Muối ăn                                    350 g

Nước                                        2000 ml

Hòa tan hoàn toàn muối ăn trong nước. Ngâm phụ tử trong 10-12 ngày đến khi nước thấm đều vào bên trong củ (không còn nhân trắng đục). Rửa sạch, nấu sôi với 1000 ml nước. Vớt ra, thái dọc củ thành phiến dầy 0,2-0,3 cm. Ngâm với 1500 ml nước trong 12 - 14 giờ. Rửa bằng nước đến khi còn vị tê nhẹ hoặc không tê. Sấy ở 60 °C đến khô kiệt. Để nguội, đóng gói.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

a) Hắc phụ tử có mặt phiến nhẵn bóng, màu nâu xám. Xung quanh phiến có màu nâu đen của vỏ củ. Vị mặn đặc trưng của muối Magne clorid, vị tê nhẹ hoặc không tê.

b) Bạch phụ tử có mặt phiến màu trắng hoặc trắng ngà. Xung quang phiến có màu nâu đen của vỏ củ. Vị mặn đặc trưng của muối NaCl, vị tê nhẹ hoặc không tê.

3. Tính vị, quy kinh

Vị cay, đắng; tính đại nhiệt, có độc. Quy kinh 12 kinh.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: hồi dương cứu nghịch, bổ hỏa, trừ phong thấp.

b) Chủ trị: chứng thoát dương (trụy tim mạch cấp); hỏa hư, dương hư gây nên: toàn thân lạnh, sợ lạnh; choáng váng, đau đầu; đau mỏi lưng, gối, khớp xương.

5. Cách dùng

Dùng 12-16 g/ngày (Trị chứng thoát dương), phối hợp với các vị thuốc khác.

Dùng 4 - 8 g/ngày (Trị chứng dương hư, hỏa hư), phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ: Không dùng cho trường hợp phụ nữ đang có thai hoặc đang cho con bú; trẻ em dưới 15 tuổi và người có chỉ số chuyển hóa cơ bản tăng (âm hư nội nhiệt, basedo), sốt nóng, đang chảy máu.

Thận trọng khi dùng ở người cao huyết áp.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

76. VỊ THUỐC QUA LÂU NHÂN

Semen Trichosanthis Praeparata

Vị thuốc Qua lâu nhân là hạt đã phơi hay sấy khô lấy từ quả chín của cây Qua lâu (Trichosanthes kirilowii Maxim.) hoặc Song biên Qua lâu (Trichosanthes rosthornii Harms.), thuộc họ Bí (Cucurbitaceae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp sơ chế Qua lâu nhân: Loại bỏ tạp chất, sàng bỏ những hạt khô lép, khi dùng giã dập.

b) Phương pháp chế biến Qua lâu nhân sao: Lấy Qua lâu nhân sạch cho vào chảo, dùng lửa nhỏ sao cho hơi phồng rộp lên, lấy ra để nguội.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc.

a) Qua lâu tử: Hình bầu dục, dẹt phẳng, hình hạt dưa, dài 1cm - 1,7 cm, rộng 0,6 cm - 1,0 cm, dày 0,35 cm. Vỏ ngoài trơn phẳng, màu nâu xám, sáng bóng, có một vòng rãnh ở quanh rìa. một đầu tương đối nhọn có điểm lõm nhỏ. Vỏ hạt ngoài cứng; ở trong có hai mảnh nhân màu trắng vàng, nhiều dầu, ngoài có bọc một lớp vỏ màu lục xám. Mùi nhẹ, vị ngọt dịu, hơi đắng chát.

b) Qua lâu nhân sao: Hình bầu dục, hai mặt bên hơi phồng lên. Vỏ ngoài kém sáng bóng; thỉnh thoảng có hạt nổ vỡ làm hai, thay hai mảnh nhân màu vàng nhạt, cong cuộn dính với vỏ cứng ở ngoài hay đã rời ra.

3. Tính vị, quy kinh

Vị ngọt, đắng, tính hàn; Quy kinh phế, vị và đại tràng.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: Mát phổi, giáng khí, nhuận tràng, tiêu đàm.

b) Chủ trị: Đờm nhiệt sinh ho, táo bón khó đi ngoài.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 12 - 16 g/ngày, thường phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ: Không dùng cho trường hợp người có đờm ho do lạnh (hàn đờm) hay thấp đàm, tỳ hư ỉa chảy không được dùng. Không dùng với Ô đầu, Thảo ô.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

77. VỊ THUỐC SINH ĐỊA

Radix Rehmanniae Praeparata

Vị thuốc Sinh địa là rễ của cây Địa hoàng (Rehmannia glutinosa (Gaertn.) Libosch.), họ Hoa mõm sói (Scrophulariaceae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp 1

Sau khi thu hoạch, rễ củ Địa hoàng được phân thành 3 loại. Các rễ củ có cùng kích cỡ, phơi nắng cho héo bớt, xếp vào lò và sấy. Sấy ngày đầu ở nhiệt độ 40 - 50°C, những ngày sau đó có thể nâng nhiệt độ lên 60°C trong khoảng 3 - 4 ngày cho đến khi lớp ngoài có màu nâu hơi đen, ruột rễ sinh địa có màu nâu hơi vàng, Sinh địa khô dẻo, chắc là được. Thử Sinh địa bằng cách đặt rễ củ Sinh địa dọc theo bàn tay rồi bóp lại, rễ củ sinh địa không duỗi ra hoặc duỗi ít là được. Khi dùng rửa sạch, thái lát, phơi hay sấy khô.

b) Phương pháp 2: chia làm 3 giai đoạn

- Giai đoạn sấy: Địa hoàng sau khi thu hoạch, rũ sạch đất cát, phân làm 3 loại cùng kích cỡ. Xếp các rễ củ Địa hoàng vào tủ sấy, củ loại 1 xếp ở tầng dưới, củ loại 2 xếp ở tầng giữa, củ loại 3 xếp ở tầng trên, sấy 24 giờ ở 35 - 40°C, ngày đảo 2 lần. Ngày thứ 2 và ngày thứ 3 sấy ở nhiệt độ 45 - 50°C, ngày thứ 4 và ngày thứ 5 duy trì ở nhiệt độ 50 - 55oC, ngày thứ 6 và ngày thứ 7 sấy ở nhiệt độ 60°C. Bóp thấy rễ củ nào mềm dẻo thì lấy ra. những củ nào còn lõi cứng thì sấy tiếp đến khi mềm dẻo thì thôi.

- Giai đoạn ủ: Tãi những rễ củ Địa hoàng đã sấy xong ra nền nhà nơi cao ráo, thoáng gió trong 7 ngày để rễ củ hút ẩm trở lại. Sau đó dồn Địa hoàng thành đống, lấy bao bố tẩm ướt phủ lên đống Địa hoàng trong 3 ngày đến khi mốc xám mọc đều.

- Giai đoạn sấy thành phẩm: Sau khi ủ xong, sấy địa hoàng ở nhiệt độ 50 - 60°C trong 1 ngày đến khi thu được Sinh địa khô chắc, lớp ngoài củ màu xám, ruột màu vàng nâu. Khi dùng loại bỏ tạp chất, rửa sạch, ủ mềm, thái lát và phơi hoặc sấy khô.

c) Phương pháp 3:

Địa hoàng sau khi thu hoạch rũ bỏ đất cát, loại bỏ rễ con, phân làm 3 loại cùng kích cỡ, tãi mỏng nơi khô ráo, thoáng gió, phơi nắng, đảo thường xuyên đến khi khô chắc lớp ngoài ngoài củ màu xám, ruột màu vàng nâu. Khi dùng loại bỏ tạp chất, rửa sạch, thái lát, phơi hoặc sấy khô.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Sinh địa khô chắc, dẻo dai, bên ngoài củ có màu nâu xám, ruột có màu nâu vàng hoặc vàng nâu.

3. Tính vị, quy kinh

Vị đắng, tính hàn, lương. Quy kinh tâm, can, thận, tiểu trường.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng:

- Thanh nhiệt, lương huyết, dưỡng âm, sinh tân dịch.

- Can địa hoàng thanh nhiệt tả hỏa, lương huyết, chỉ huyết sinh tân.

b) Chủ trị:

- Sinh địa chữa huyết hư nội nhiệt, khát, lưỡi đỏ, nục huyết (chảy máu cam), động thai, phát ban chẩn, cổ họng sưng đau, tân dịch thiếu.

- Can địa hoàng dùng chữa thấp khớp dạng thấp.

5. Liều dùng

Dùng 9 - 30 g/ngày.

Kiêng kỵ: Không dùng cho trường hợp người tỳ vị hư hàn.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

78. VỊ THUỐC SƠN THÙ

Fructus Corni Praeparata

Vị thuốc Sơn thù là quả gần chín phơi hay sấy khô đã bỏ hạt của cây Sơn thù du (Cornus officinalis Sieb. Et Zucc.), họ Thù du (Comaceae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Sơn thù nhục: Nhặt sạch tạp chất, lấy quả khô, bỏ hạt là được.

b) Phương pháp chế biến Sơn thù chưng: Cho Sơn thù nhục vào lồng hấp, hấp khoảng 3 giờ đến khi có màu đen, lấy ra phơi khô.

c) Phương pháp chế biến Sơn thù tẩm rượu chưng

Công thức chế biến 1,0 kg Sơn thù tẩm rượu chưng(*):

Sơn thù nhục                            1,0 kg

Rượu                                        0,2 lít

Trộn đều Sơn thù nhục với rượu, cho vào dụng cụ thích hợp, đậy kín; cho vào nồi nước đun cách thuỷ, đun đến khi nào hút hết rượu, lấy ra, phơi hay sấy nhẹ đến khô.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

a) Sơn thù nhục: Là những quả đã vỡ, nhăn nheo do tách bỏ hạt, dài 1,0 - 1,7 cm, cùi dày không đến 0,15 cm. Mặt ngoài màu hồng tía hoặc nâu tía, nhăn nheo bóng láng, có miệng rạch bỏ hạt, một đầu có rốn nhỏ hình tròn. Màu sắc mặt trong tương đối nhạt hơn và ẩm, không trơn bóng. Không mùi, vị chua chát và hơi đắng.

b) Sơn thù tẩm rượu chưng: Là những hình phiến không theo quy tắc nào hoặc dạng hình nang, có mặt ngoài màu cánh gián, nhăn nheo, bóng láng. Mùi hơi thơm, vị chua chát và hơi đắng.

3. Tính vị, quy kinh

Vị chua chát, hơi ôn; Quy kinh can và thận.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: Bổ can thận; liễm mồ hôi, sáp tinh khí.

b) Chủ trị: Đau lưng mỏi gối, ù tai, tai điếc, di tinh, liệt dương, đi đái rắt.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 6 - 12 g/ngày.

Kiêng kỵ: Không dùng cho trường hợp người bên trong có thấp nhiệt, mệnh môn hỏa thịnh, tiểu tiện ít.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

79. VỊ THUỐC SƠN TRA

Fructus Mali Praeparata

Vị thuốc Sơn tra là quả chín thái phiến, phơi hay sấy khô của cây Sơn tra (Malus doumeri Bois. A. Che5.) họ Hoa hồng (Rosaceae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Sơn tra sao qua: Lấy sơn tra phiến cho vào nồi, dùng lửa nhỏ sao đến khi có mùi thơm bốc lên.

b) Phương pháp chế biến Sơn tra sao đen: Lấy sơn tra phiến cho vào nồi, dùng lửa nhỏ sao đến khi bên ngoài có màu xám đen bên trong màu vàng đen.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

a) Sơn tra sao qua: Phiến thuốc màu vàng nâu, chất thịt, vỏ ngoài bong nhăn nheo, màu nâu, có những vân lốm đốm. Mùi đặc trưng của Sơn tra, vị chua.

b) Sơn tra sao đen: Phiến thuốc màu xám đen, bên trong có màu nâu tro, chất thịt. Mùi cháy, vị đắng chua.

3. Tính vị, quy kinh

Vị chua, ngọt, tính nóng. Quy kinh tỳ, vị, can.

4. Công năng chủ trị

a) Sơn tra sao qua

- Công năng: Tiêu thực tích, hành huyết khử ứ.

- Chủ trị: ăn không tiêu, đau bụng, đầy trướng, bụng kết hòn cục, sản hậu ứ huyết, đau bụng. Sơn tra sao qua: Giảm tính chua, hòa hoãn tác dụng kích thích dạ dày, tăng cường tác dụng tiêu thực hóa tích.

b) Sơn tra sao đen

- Công năng: Tiêu thực tích, hành huyết khử ứ.

- Chủ trị: ăn không tiêu, đau bụng, đầy trướng, bụng kết hòn cục, sản hậu ứ huyết, đau bụng. Sơn tra sao đen: Tăng cường tác dụng thu liễm, chỉ tả, chỉ huyết. Trị chứng ăn không tiêu (đặc biệt là thức ăn mỡ), đau bụng, đầy chướng, ợ hơi, đàm ẩm, bụng kết hòn cục, sản hậu ứ huyết đau bụng.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 8 - 20 g/ngày dưới dạng thuốc sắc, bột hoặc viên.

Kiêng kỵ: Không dùng cho trường hợp tỳ hư ăn kém, không có chứng tích tụ.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

80. VỊ THUỐC TẦM VÔI

Bombyx Botryticatus Praeparata

Vị thuốc Tầm vôi (Bạch cương tàm, Cương tàm) là cả con tằm (Bombyx mori L.), họ Tằm tơ Bombycydae). Loài tằm này đã nhiễm vi nấm Botrytis bassiana Bals., họ Mucedinaceae, thuộc phân ngành Nấm bất toàn (Deuteromycotina).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp 1

Công thức chế biến 1,0 kg vị thuốc Tầm vôi(*):

Tầm vôi                                    1,0 kg

Cám gạo                                   0,1 kg

Tầm vôi loại bỏ những con không đạt chất lượng (mình cong queo, ruột ướt đen), rửa sạch, sấy khô, loại bỏ tạp chất, cho cám gạo vào chảo, đun cho đến khi có khói bốc lên, bỏ tầm vôi vào sao nhỏ lửa, đảo đều tay cho đến khi bề ngoài tầm vôi biến thành màu vàng, lấy ra, sàng sạch cám, để nguội.

b) Phương pháp 2

Tầm vôi loại bỏ những con không đạt chất lượng, ngâm vào nước vo gạo một đêm, quấy nhẹ tay cho tơ nhả hết và nhả hết nhớt, vớt ra loại tạp, đem phơi hoặc sấy khô.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Vị thuốc Tầm vôi có màu đều trắng, gần hình trụ, thường cong và co lại, dài 2 - 5 cm, đường kính 0,5 - 0,7 cm.

3. Tính vị, quy kinh

Vị cay, mặn, tính bình. Quy kinh tâm, can, tỳ, phế.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: Khử phong, hóa đàm, trừ kinh giản.

b) Chủ trị: Kinh giản (động kinh), đau rát họng, nổi mẩn ngứa ở da, viêm hạch lâm ba, trúng phong gây liệt mặt.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 5 - 9 g/ngày.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

81. VỊ THUỐC TANG PHIÊU TIÊU

Ootheca mantidis Praeparata

Vị thuốc Tang phiêu tiêu là sản phẩm đã chế biến từ tổ trứng lúc chưa nở của con bọ ngựa sống trên cây Dâu (Monts alba L.), họ Dâu tằm (Moraceae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Tang phiêu tiêu chích muối

Công thức chế biến 1,0 kg Tang phiêu tiêu chích muối(*)

Tang phiêu tiêu phiến                 1,0 kg

Dung dịch muối ăn 5%              100 ml

Trộn dung dịch nước muối vào Tang phiên tiêu phiến, ủ 30 phút. Sao lửa nhỏ đến khô, có mùi thơm.

2. Đặc điểm cảm quan của dược liệu sau chế biến

Màu nâu vàng hoặc nâu hơi xám, mùi thơm, vị hơi chát.

3. Tính vị, quy kinh

Vị cam, hàm, tính bình. Quy kinh can, thận.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: Ích thận, cố tinh, thông tiện, thông kinh hoạt lạc.

b) Chủ trị: Thận hư, di tinh, tiết tinh sớm, liệt dương.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 6g - 12g/ngày phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ: Không dùng cho trường hợp người âm hư hỏa vượng, bàng quang thấp nhiệt, tiểu tiện ngắn, đỏ.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

82. VỊ THUỐC TÁO NHÂN

Semen Ziziphi mauritianae Praeparata

Vị thuốc Táo nhân là nhân (Hắc táo nhân) của hạt già đã phơi hay sấy khô của cây Táo ta hay còn gọi là Táo chua (Ziziphus mauritiana Lamk.), họ Táo ta (Rhamnaceae).

1. Phương pháp chế biến

Phương pháp chế biến Táo nhân sao đen: Đun nóng dụng cụ, cho táo nhân vào đảo đều đến khi mặt ngoài có màu đen, bên trong có màu nâu hơi vàng. Lấy ra, để nguội.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Vị thuốc Hắc táo nhân là hạt hình đĩa, một đầu hơi nhọt, một mặt khum hình thấu kính, có mặt ngoài đen, bên trong có màu nâu hơi vàng, mùi thơm, vị đắng nhẹ.

3. Tính vị, quy kinh

Vị hơi chua, hơi ngọt. Tính bình. Quy kinh tâm.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: Dưỡng tâm, an thần, sinh tân dịch, liễm hãn.

b) Chủ trị: Tâm thần bất an, thần kinh suy nhược, tim hồi hộp, đánh trống ngực, chóng mặt, mất ngũ, nhiều mồ hôi, suy giảm tân dịch, háo khát.

5. Cách dùng

Dùng 4-12 g/ngày, phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ: Không dùng cho trường hợp những người sốt cao, cảm nặng.

6. Bảo quản

Đế nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

83. VỊ THUỐC THẠCH QUYẾT MINH

Concha Haliotidis Praeparata

Vị thuốc Thạch quyết minh là vỏ một số loài bào ngư biển đã loại sạch phần thịt và được phơi hoặc sấy khô. Bao gồm các loài: Haliotis diversicolor Reeve, H. disscus hanai Ino. H. ruber (Leach), H. asinina Linnaeus, H. gigantea Gmelin, họ Bào ngư (Haliotidae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp sơ chế Thạch quyết minh sống: loại bỏ tạp chất, rửa sạch để ráo, phơi hoặc sấy khô, đập dập hoặc đập thành miếng.

b) Phương pháp chế biến Thạch quyết minh nung hở: Xếp Thạch quyết minh vào lò nung không khói hoặc dụng cụ thích hợp, nung trực tiếp trên ngọn lửa đến khi khối Thạch quyết minh hồng rực, nước và các tinh thể bay hơi hoàn toàn, lấy ra để nguội. Khi dùng thì tán thành bột mịn.

c) Phương pháp chế biến Thạch quyết minh nung kín: Thùng để nung là những thùng có lỗ thoáng ở hai đầu, xếp than hoa đã đượm hồng dưới đáy thùng cùng với một lượt dày trấu. Thạch quyết minh được xếp vào thùng thành các lớp cách lượt với trấu từ dưới lên (trấu nhiều hơn thạch quyết minh). Thường được đặt cách mặt đất để không khí được lưu thông. Thời gian nung khoảng 10 giờ cho đến khi trấu hóa thành tro. Để nguội, sàng bỏ tro. Thạch quyết minh đã nung trở nên giòn, dễ gãy vụn.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Thạch quyết minh chế có màu nâu trắng, khô, giòn, dễ bẻ, bề ngoài vị thuốc lỗ trỗ giống như tổ ong. Vị khô, hơi mặn.

3. Tính vị, quy kinh

Vị mặn, tính bình. Quy kinh can và phế.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: Bình can, giáng hỏa, sáng mắt.

b) Chủ trị: đau đầu, chóng mặt, hoa mắt kéo màng, thông manh.

5. Liều dùng

Dùng 3 - 15 g/ngày.

Kiêng kỵ: Không dùng cho trường hợp tỳ vị hư hàn không có nhiệt thực.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

84. VỊ THUỐC THẠCH XƯƠNG BỒ

Rhizoma Acori graminei Praeparata

Vị thuốc Thạch xương bồ chế là sản phẩm đã chế biến từ thân rễ của cây Thạch Xương bổ lá to (Acorus gramineus Soland. var. macrospadiceus), họ Ráy (Araceae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Thạch xương bồ sao vàng

Lấy Thạch xương bồ phiến sao đều, nhỏ lửa tới khi toàn bộ bề mặt phiến có màu vàng hoặc hơi vàng, có mùi thơm đặc trưng của Xương bồ.

b) Phương pháp chế biến Thạch xương bồ sao cám

Công thức chế biến 1,0 kg Thạch xương bồ sao cám(*):

Thạch xương bồ phiến              1,0 kg

Cám gạo                                   200 g

Sao cám tới lúc bốc khói trắng, cho Thạch xương bồ phiến vào, đảo đều tới khi toàn bộ mặt phiến Thạch xương bồ có màu vàng. Lấy ra, để nguội, loại bỏ hết cám.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Vị thuốc Thạch xương bồ là những phiến mỏng, cong queo, màu vàng đậm, có vị cay hơi đắng, mùi thơm đặc trưng.

3. Tính vị, quy kinh

Vị tân, vi khổ; Tính ôn. Quy kinh tâm, can, tỳ.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: Thông khiếu, trục đờm, chỉ ho, bình suyễn, tăng trí nhớ, tán phong, giải độc sát trùng.

b) Chủ trị: đờm vít tắc, hôn mê, suyễn tức, khó thở, viêm phế quản, ho, nhiều đờm (Thạch xương bồ sao vàng), tai ù, tim loạn nhịp (Thạch xương bồ sao cám).

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 4 - 8 g/ngày thường phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ: Không dùng cho trường hợp âm hư hòa vượng, hoạt tinh, ra nhiều mồ hôi.

6. Bảo quản:

Đẻ nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

85. VỊ THUỐC THĂNG MA

Rhizoma Cimicifugae Praeparata

Vị thuốc Thăng ma là thân rễ đã phơi hay sấy khô của cây Đại tam diệp Thăng ma (Cimicifuga heracleifolia Kom.), Hưng an Thăng ma [Cimicifuga dahurica (Turcz) Maxim.], hoặc Thăng ma (Cimicifuga foetida L.), họ Hoàng liên (Ranunculaceaẹ).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Thăng ma phiến: Nhặt hết tạp chất, ngâm rửa sạch, lấy ra ủ khoảng 2 giờ cho ẩm đều, thái phiến ngay, sấy hay phơi khô nhanh.

b) Phương pháp chế biến Thăng ma chích rượu

Công thức chế biến 1,0 kg Thăng ma chích rượu(*)

Thăng ma phiến                         1,0 kg

Rượu                                        0,2 lít

Lấy Thăng ma phiến cho vào nồi, cho rượu vào, đảo đều, ủ trong 1 giờ. Dùng lửa nhỏ sao cho đến khi bốc mùi rượu ra là được.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

a) Thăng ma phiến: Là những phiến dày không quá 4 mm. Chung quanh có màu tím đen, phía trong màu trắng nhạt, ở giữa thường rỗng, hình thù không nhất định. Không mùi.

b) Thăng ma chích rượu: Là những phiến dày không quá 4 mm, hơi cong queo. Chung quanh màu tím nhạt, phía trong màu trắng vàng nhạt. Có mùi thơm của rượu.

3. Tính vị, quy kinh

Vị ngọt, cay, hơi đắng, hơi hàn; Quy kinh phế, tỳ, vị và đại tràng.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: Phát tán phong nhiệt, thăng dương, giải độc, thấu ban.

b) Chủ trị: dùng trong trường hợp nhức đầu, nóng rét, đau họng, đau răng; mụn lở ở miệng; sa trực tràng; sa dạ con; ban sởi không mọc hết.

5. Liều dùng

Dùng 3 - 9 g/ngày thường phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ: Không dùng cho trường hợp khi sởi đã mọc hết, hen suyễn nghịch khí.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

86. VỊ THUỐC THẢO QUYẾT MINH

Semen Cassiae torae Praeparata

Vị thuốc Thảo quyết minh (Hạt muồng) là hạt già đã phơi hay sấy khô của cây Thảo quyết minh (Cassia tora L.), Họ Đậu (Fabaceae).

1. Phương pháp chế biến:

a) Phương pháp chế biến Thảo quyết minh sao vàng: Sao lửa vừa, đảo đều đến khi vị thuốc nổ đều, mùi thơm rõ rệt. Để nguội, đóng gói.

b) Phương pháp chế biến Thảo quyết minh sao cháy: Sao lửa to, đảo đều đến khi khói màu vàng bay lên, bên ngoài có màu đen, bên trong màu nâu đen; mùi thơm cháy, lấy ra. Để nguội, đóng gói.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

a) Thảo quyết minh sao vàng: Mùi thơm đặc trưng, màu nâu sẫm.

b) Thảo quyết minh sao cháy: Mặt ngoài màu đen, bên trong màu nâu đen, mùi thơm cháy đặc trưng.

3. Tính vị, quy kinh

Vị đắng, mặn, ngọt; tính hơi hàn. Quy kinh can, đại trường.

4. Công năng, chủ trị

a) Thảo quyết minh sao vàng:

- Công năng: Lợi mật, nhuận tràng, minh mục.

- Chủ trị: Chứng ứ mật vàng da: viêm gan virus, viêm túi mật; cao huyết áp, mắt mờ, táo bón.

b) Thảo quyết minh sao cháy:

- Công năng: an thần.

- Chủ trị: chứng mất ngủ, khó ngủ.

5. Cách dùng

Dùng 6 - 16 g/ngày phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ: Thảo quyết minh sao vàng không dùng cho phụ nữ có thai, đang cho con bú, người đang bị tiêu chảy.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

87. VỊ THUỐC THỎ TY TỬ

Semen Cuscutae Praeparata

Vị thuốc Thỏ ty từ là hạt lấy ở quả chín đã phơi hay sấy khô của dây Tơ hồng vàng (Cuscuta chinensis Lam.), họ Tơ hồng (Cuscutaceae).

1. Phương pháp chế biến

Phương pháp chế biến Thỏ ty tử chích muối

Công thức chế biến 1,0 kg Thỏ ty tử chích muối(*):

Thỏ ty tử                                   1,0 kg

Muối ăn                                    20g

Hòa tan muối vào khoảng 150 ml nước, trộn đều nước muối vào Thỏ ty từ, để khoảng 30 phút cho hạt ngấm đều, sao nhỏ lửa đến khi hạt hơi phồng lên, màu vàng nâu, mùi thơm nhẹ. Lấy ra, để nguội.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Vị thuốc Thỏ ty tử có mặt ngoài màu vàng nâu, có vết nứt, mùi thơm nhẹ.

3. Tính vị, quy kinh

Vị cay, ngọt; tính ôn, bình. Quy kinh can, thận, tỳ.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: Bổ thận ích tinh, sáp niệu, an thai, dưỡng can minh mục, kiện tỳ, chỉ tả.

b) Chủ trị: Liệt dương, di tinh, lưng gối đau mỏi, động thai, mắt mờ, tiêu chảy.

5. Cách dùng

Dùng 6 - 12 g/ngày, phối hợp với các vị thuốc khác.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

88. VỊ THUỐC THỤC ĐỊA

Radix Rehmanniae praeparatus

Vị thuốc Thục địa là sản phẩm được chế biến từ Rễ cây Địa hoàng (Rehmannia glutinosa), họ Hoa mõm sói (Scrophulariaceae).

1. Phương pháp chế biến

Công thức chế biến 1,0 kg Thục địa(*):

Sinh địa

1,0 kg

Rượu trắng

100 ml

Gừng tươi

50 g

Sa nhân

15g

Chế dịch rượu gừng: gừng tươi được rửa sạch, giã nát, thêm 50 ml rượu, nghiền, vắt lấy dịch. Thêm 50ml rượu vào bã gừng, nghiền, vắt lấy dịch sau đó trộn dịch trên.

Sinh địa được rửa sạch, xếp vào dụng cụ chưng. Thêm dịch rượu gừng, trộn đều. Ủ 2-3 giờ. Thêm nước đủ ngập (khoảng 2 lít). Đun liên tục 3 ngày đêm. Trong quá trình đun, lấy dịch nấu tưới đều lên. Vớt sinh địa, phơi hoặc sấy đến khi khô se. Tẩm dịch nấu vào sinh địa, phơi hoặc sấy tiếp, làm 5-7 lần đến khi hết dịch nấu. Phơi đến khi cầm không dính tay, màu đen, thể chất nhuận dẻo. Để nguội, đóng gói.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Vị thuốc Thục địa có màu đen bóng, thể chất nhuận dẻo, cầm không thấy dính tay, mùi thơm ngọt đặc trưng.

3. Tính vị, quy kinh

Vị ngọt; tính ôn. Quy kinh tâm, can, thận.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: Bổ âm, bổ huyết, sinh tân dịch.

b) Chủ trị: hội chứng huyết hư, âm hư: thiếu máu gây hoa mắt chóng mặt, hồi hộp, rối loạn kinh nguyệt, háo khát nước, đau nhức xương (cốt chưng triều nhiệt), di mộng tinh.

5. Cách dùng

Dùng 10-16 g/ngày phối hợp với các vị thuốc khác

Kiêng kỵ: Không dùng cho trường hợp khi đang rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy.

Thận trọng khi dùng cho người có hàm lượng đường huyết quá giới hạn.

5. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

89. VỊ THUỐC THƯƠNG NHĨ TỬ

Fructus Xanthii Praeparata

Vị thuốc Thương nhĩ tử là quả già phơi hay sấy khô của cây Ké đầu ngựa (Xanthium strumarium L), họ Cúc (Asteraceae)

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Thương nhĩ tử sao cháy gai: Đun lửa to cho chảo thật nóng, cho Thương nhĩ tử đã rửa sạch, phơi khô vào, đảo đều và không cần nhanh đến khi các gai bên ngoài cháy đen và bốc mùi thơm. Để nguội, đóng gói.

b) Phương pháp chế biến Thương nhĩ tử tẩm rượu

Công thức chế biến 1,0 kg Thương nhĩ tử tẩm rượu(*):

Thương nhĩ tử                           1,0 kg

Rượu                                        0,2 lít

Cho Thương nhĩ tử đã rửa sạch, phơi khô vào chậu, đổ Rượu 30° vào, trộn đều, ủ trong 2 giờ, cho vào đồ chín trong 1 giờ. Bỏ ra sấy khô là được.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

a) Thương nhĩ tử sao cháy gai: Là những quả hình trứng, hai đầu nhọn, có màu xám đen; phần lớn cháy hết gai, một số quả còn ít gai hoặc gai cháy chưa hết, dài 1,2 cm - 1,5cm, rộng 0,5 cm - 0,7 cm.

b) Thương nhĩ tử tẩm rượu: Là những quả hình trứng, hai đầu nhọn và có gai, dài 1,2cm - 1,5cm, rộng 0,5cm - 0,7 cm. Nhấm nhân hạt thơm ngậy, không tanh.

3. Tính vị, quy kinh

Vị ngọt nhạt, tính ôn, hơi có độc. Quy kinh Phế.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: tiêu độc, sát trùng, tán phong trừ thấp, (tác dụng tốt là làm thông mũi bị tắc); ngoài ra còn có tác dụng làm ra mồ hôi.

b) Chủ trị: chữa nhức đầu do phong hàn, viêm mũi, chảy nước mũi, phong chẩn, ngứa, tê thấp đau cơ rút.

5. Liều dùng

Dùng 6 - 12 g/ngày, không uống quá liều dễ bị ngộ độc, giã dập trước khi cân đơn.

Kiêng kỵ: Không dùng cho trường hợp người huyết hư và những chứng tê. Không dùng khi đã mọc mầm.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

90. VỊ THUỐC THƯƠNG TRUẬT

Rhizoma Atractylodis Praeparata

Vị thuốc Thương truật là thân rễ đã phơi hay sấy khô của cây Thương truật (Atractylodes chinensis (DC). Koidz, A. lancea Thunb., A. japonica Koidz., họ Cúc (Asteraceae)

1. Phương pháp chế biến.

a) Phương pháp chế biến Thương truật phiến: Thương truật được rửa sạch, ủ mềm, thái phiến dầy 1 -3 mm, phơi khô.

b) Phương pháp chế biến Thương truật sao qua: Sao lửa nhỏ đến khi phiến thuốc khô, mùi thơm đặc trưng. Lấy ra để nguội, loại bỏ mảnh vụn, để nguội, đóng gói.

c) Phương pháp chế biến Thương truật sao vàng: Sao lửa vừa đến khi phiến thuốc có màu vàng đậm rõ rệt so với mẫu sống, mùi thơm đặc trưng, khô giòn, lấy ra để nguội, loại bỏ mảnh vụn, để nguội, đóng gói.

d) Phương pháp chế biến Thương truật sao cháy: Sao lửa to, đảo đều đến khi bề mặt phiến thuốc có màu đen nâu; bên trong màu nâu, mùi thơm cháy, lấy ra để nguội, loại bỏ mảnh vụn, để nguội, đóng gói.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

a) Thương truật sao qua: Phiến thuốc dầy 1 - 3 mm, khô giòn, mùi thơm đặc trưng. Bề mặt phiến có màu trắng dục hay vàng nhạt, rải rác có nhiều chấm màu vàng đậm hay nâu nhạt của túi tiết tinh dầu.

b) Thương truật sao vàng: Phiến thuốc dầy 1 - 3 mm, khô giòn, mùi thơm đặc trưng. Bề ngoài mặt phiến có màu vàng tối hay vàng nhạt, rải rác có nhiều chấm màu vàng đậm hay nâu nhạt của túi tiết tinh dầu.

c) Thương truật sao cháy: Phiến thuốc dầy 1 - 3 mm, khô giòn, mùi thơm cháy bề mặt phiến thuốc có màu đen nâu, bên trong màu nâu.

3. Tính vị quy kinh

Vị cay, đắng; tính ôn. Quy kinh tỳ, vị.

4. Công năng, chủ trị

a) Thương truật sao qua

- Công năng: trừ phong thấp.

- Chủ trị: viêm khớp cấp tính; đau nhức xương, khớp; chân tay tê bại; đường huyết tăng (thể không phụ thuộc insulin).

b) Thương truật sao cháy, sao vàng

- Công năng: hóa thấp kiện tỳ.

- Chủ trị: chứng thấp trệ ở tỳ, vị do nhiễm khuẩn gây đầy bụng, ỉa chảy, viêm đại tràng mạn tính.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 4 - 12 g/ngày.

Cách dùng dạng thuốc sắc, bột, phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ: Thận trọng khi dùng cho người bị táo bón.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

91. VỊ THUỐC THỦY XƯƠNG BỒ

Rhizoma Acori calami Praeparata

Vị thuốc Thủy xương bồ chế là sản phẩm đã chế biến từ thân rễ của cây Thủy xương bồ (Acorus calamus L.), họ Ráy (Araceae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Thủy xương bồ sao vàng: Lấy Thủy xương bồ phiến sao đều, nhỏ lửa tới khi toàn bộ bên ngoài mặt phiến có màu vàng hoặc hơi vàng, mùi thơm đặc trưng của Xương bồ.

b) Phương pháp chế biến Thủy xương bồ phiến sao cám

Công thức chế biến 1,0 kg Thủy xương bồ phiến sao cám(*):

Thủy xương bồ phiến                1,0 kg

Cám gạo                                   200 g

Đun chảo nóng già, đổ cám vào sao tới lúc bốc khói trắng. Cho Thủy xương bồ phiến vào, đảo đều tới khi toàn bộ bên mặt ngoài phiến có màu vàng đậm. Lấy ra để nguội, loại bỏ hết cám.

d) Phương pháp chế biến Thủy xương bồ chích gừng

Công thức chế biến 1,0 kg Thủy xương bồ chích gừng(*):

Thủy xương bồ phiến                1,0 kg

Gừng tươi                                300 g

Gừng tươi rữa sạch, thái phiến, giã nát, vắt lấy nước cốt, thêm nước sạch, làm vài lần, vắt đủ 200 ml. Trộn đều dịch gừng với Thủy xương bồ phiến. Ủ 24 giờ (6 giờ đảo một lần), lấy ra, để khô se. Sao vàng.

2. Đặc điểm Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Vị thuốc Thủy xương bồ là những phiến mỏng, cong queo, màu hơi vàng (Thủy xương bồ sao vàng), màu vàng đậm (Thủy xương bồ sao cám), màu vàng (Thủy xương bồ chích gừng), vị đắng, cay, mùi thơm nhẹ đặc trưng của Xương bồ, ngoài ra còn có mùi thơm của gừng (Thủy xương bồ chích gừng)

3. Tính vị, quy kinh

Vị tân; Tính ôn. Quy kinh tâm, can, tỳ.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: Thông khiếu, trục đờm, tăng trí nhớ, tán phong, khoan trung khử thấp, giải độc sát trùng.

b) Chủ trị: đờm vít tắc, hôn mê, hay quên, viêm phế quản (dùng Thủy xương bồ chích gừng, hoặc sao vàng), tai ù, đau bụng, đầy bụng, ỉa chảy, tâm hồi hộp, loạn nhịp (dùng Thủy xương bồ sao cám).

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 8 - 10 g/ngày, thường phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ: Không dùng cho trường hợp âm hư hỏa vượng, hoạt tinh, ra nhiều mồ hôi.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

92. VỊ THUỐC TIỀN HỒ

Radix Peucedani Praeparata

Vị thuốc Tiền hồ là rễ đã phơi hay sấy khô của cây Tiền hồ (Peucedanum decursivum Maxim.), hoặc cây Tiền hồ hoa trắng (Peucedanum praeruptorum Dunn.), họ Hoa tán (Apiaceae).

1. Phương pháp chế biến

Phương pháp chế biến Tiền hồ chích mật

Công thức chế biến 1,0 kg Tiền hồ chích mật(*):

Tiền hồ phiến                            1,0 kg

Mật ong                                    0,2 kg

Mật ong được hòa loãng với 300 ml nước sôi, trộn đều với Tiền hồ, ủ trong 30 phút cho Mật ong thấm đều hết, cho vào chảo sao cho nhỏ lửa đến khi sờ không dính tay, lấy ra, để nguội.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Phiến thuốc có mặt ngoài màu vàng xám, thể chất nhuận, khó bẻ gãy. Mặt cắt ở vỏ rải rác có nhiều đốm màu vàng nâu, tầng phát sinh libe gỗ là một vòng màu nâu có thể quan sát thấy bằng mắt thường; có nhiều tia tỏa ra từ vùng tâm của rễ. Mùi thơm, vị hơi đắng và cay.

3. Tính vị, quy kinh

Vị cay, đắng, tính mát. Quy kinh phế, tỳ, can.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: Tán phong thanh nhiệt, giáng khí, hóa đàm.

b) Chủ trị: Ho và suyễn do phế thực nhiệt có nhiều đàm màu hơi vàng và dính, ho do ngoại cảm phong nhiệt.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 3 - 9 g/ngày, thường phối hợp với các vị thuốc khác.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

93. VỊ THUỐC TOÀN YẾT

Scorpio Praeparata

Vị thuốc Toàn yết là toàn thân đã chế biến của con Bọ cạp (Buthus martensii Karschy, họ Bọ cạp (Buthidae). Bọ cạp thường được bắt vào mùa xuân và mùa hạ.

1. Phương pháp chế biến

a) Chế biến thường: Loại bỏ đất cát, rửa sạch bọ cạp rồi nhúng vào nước sôi cho cứng, vớt ra, phơi khô.

b) Diêm chế (chế muối): Bọ cạp tươi được làm sạch, ngâm với nước muối 25% trong khoảng 6-8 giờ, nấu với nước muối 25% để trong vòng khoảng 1h cho đến khi bọ cạp bị cứng. Lấy ra, để nguội, đặt nơi thoáng khí, làm khô âm can.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Phần đầu ngực và phần bụng trước dẹt, dài. Phần bụng sau có hình giống cái đuôi, teo lại và uốn cong. Cơ thể mẫu nguyên vẹn có chiều dài khoảng 6 cm. Phần đầu ngực có màu nâu hơi xanh lục, phần trước phát triển nhô ra 1 đôi chân kìm nhỏ, ngắn và 1 đôi chân xúc giác dạng càng của lớn dài, rộng, phần lưng được che phủ bởi mai giống hình chiếc thang, phần bụng có 4 đôi chân đi mỗi chân có 7 đốt kèm 2 vuốt ở phần cuối. Phần bụng trước bao gồm 7 đốt. Đốt thứ 7 thẫm màu với 5 rãnh xương sống gồ lên ở trên đốt lưng. Mặt lưng có màu nâu hơi xanh lục. Phần bụng sau có màu vàng hơi nâu, có 6 đốt, với các nếp nhăn dọc trên các đốt. Đuôi mang một ngòi châm dạng vuốt sắc và không có cựa gai ở dưới ngòi châm. Mùi hơi hắc, có vị mặn.

3. Tính vị, quy kinh

Vị cay; Tính ôn, có độc. Quy kinh: can.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: Trừ kinh phong, giải độc, tán kết.

b) Chủ trị: Kinh phong, co giật, uốn ván, đau nhức cơ khớp, đau đầu hay đau nửa đầu, liệt mặt, tràng nhạc.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 3 - 6 g/ngày, phối hợp với các vị thuốc khác.

Dùng 0,5 - 1 g/ngày dưới dạng tán bột.

Kiêng kỵ: Không dùng cho trường hợp người bị phong do huyết hư, phụ nữ có thai.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

94. VỊ THUỐC TRẮC BÁCH DIỆP

Folium Thujae orientalis Praeparata

Vị thuốc Trắc bách diệp là lá đã phơi hoặc sấy khô của cây Trắc bách (Thuja orientalis L.), họ Hoàng đàn (Cupressaceae).

1. Phương pháp chế biến.

a) Phương pháp chế biến Trắc bách diệp sao qua: Sao lửa nhỏ, đảo đều đến khi vị thuốc khô, mùi thơm nhẹ, để nguội, đóng gói, bảo quản.

b) Phương pháp chế biến Trắc bách diệp sao cháy: Sao lửa to, đảo đều đến khi vị thuốc có màu đen nâu; mùi thơm cháy, để nguội, đóng gói, bảo quản.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

a) Trắc bách diệp sao qua: Lá hình kim, dài 0,5 - 3 cm, màu xanh lục tối, khô, mùi thơm đặc trưng.

b) Trắc bách diệp thán: Mảnh vụn hình kim màu đen, nâu đen, lẫn một lượng nhỏ lá màu lục tối; mùi thơm cháy.

3. Tính vị, quy kinh

Vị đắng chát; tính hơi lạnh; quy kinh phế, can, đại tràng.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: Lương huyết, chỉ huyết, thanh nhiệt.

b) Chủ trị: chứng chảy máu do huyết nhiệt, như: nôn ra máu, ho ra máu, sốt xuất huyết, chảy máu cam, chảy máu đường tiêu hóa; phụ nữ rong kinh, rong huyết.; Chỉ ho, trừ đàm, trị: chứng ho do phế nhiệt; đờm nhiệt (đờm đặc, màu xanh hoặc vàng).

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 8 - 16g/ngày dưới dạng thuốc sắc, phối hợp với các vị thuốc khác.

Để cầm máu, nên dùng dạng sao cháy.

Để chỉ ho, trừ đờm, nên dùng dạng sao qua.

Kiêng kỵ: Thận trọng đối với phụ nữ có thai.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

95. VỊ THUỐC TRẠCH TẢ

Rhizoma Alismatis Praeparata

Vị thuốc Trạch tả là thân rễ khô đã cạo sạch vỏ ngoài của cây Trạch tả [Alisma orientalis (Sam.) Juzep.], họ Trạch tả (Alismataceae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Trạch tả sao vàng: Cho trạch tả phiến vào dụng cụ, sao đến khi bề mặt có màu hơi vàng hoặc vàng, mùi thơm nhẹ.

b) Phương pháp chế biến Trạch tả chích muối

Công thức chế biến 1,0 kg Trạch tả chích muối(*):

Trạch tả phiến                           1,0 kg

Dung dịch muối ăn 5 %             150 ml

Trạch tả phiến cho vào dụng cụ sạch, trộn đều với dung dịch muối ăn. Ủ 1-2 giờ cho ngấm. Sao vàng, cạnh hơi xém.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Trạch tả chế mặt phiến có màu vàng đậm, mùi thơm nhẹ, vị mặn, hơi ngọt.

3. Tính vị quy kinh

Vị mặn, hơi ngọt. Tính hàn. Quy kinh can, thận, bàng quang.

4. Công năng, chủ trị

a) Trạch tả sao vàng

- Công năng: Thẩm thấp, lợi niệu, tiêu phù.

- Chủ trị: Viêm đường tiết niệu, tiểu buốt dắt, tiểu đục, tiểu ra máu, sỏi thận, viêm thận, phù thũng.

b) Trạch tả chích muối

- Công năng: Trị chứng âm hư hỏa vượng.

- Chủ trị: dùng trong trường hợp đau đầu, hoa mắt, chóng mặt.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 8-16 g/ngày, phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ: Không dùng Trạch tả chích muối cho người bị phù nề.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

96. VỊ THUỐC TRẦN BÌ

Pericarpium Citri reticulatae perenne Praeparata

Vị thuốc Trần bì là vỏ quả chín đã phơi hoặc sấy khô và để lâu năm của cây Quýt (Citrus reticulata Blanco), họ Cam (Rutaceae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Trần bì sao vàng: Trần bì thái chỉ, sao cho tới khi trần bì có màu vàng đều, mùi thơm đặc trưng.

b) Phương pháp chế biến Trần bì sao cháy: Trần bì thái chỉ, sao lửa to cho đến khi mặt ngoài có màu đen, bên trong có màu nâu đen. Lấy ra, để nguội.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

a) Trần bì sao vàng có màu vàng hoặc vàng nâu.

b) Trần bì sao cháy là các sợi quăn queo, màu đen, mùi thơm cháy đặc trưng, vị hơi đắng.

3. Tính vị, quy kinh

Vị đắng, cay. Tính ấm. Quy kinh: Tỳ, phế.

4. Công năng, chủ trị

a) Trần bì sao vàng

- Công năng: Hành khí, kiện tỳ, hóa đờm, chỉ ho.

- Chủ trị: Trị ho có đờm trong các bệnh viêm phế quản cấp mạn tính.

b) Trần bì sao cháy

- Công năng: Hành khí, kiện tỳ, hóa đờm, chỉ ho.

- Chủ trị: bụng ngực đầy trướng, ợ hơi, đau bụng, tiêu hóa kém.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 4-12 g/ngày, phối hợp với các vị thuốc khác.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

97. VỊ THUỐC TRI MẪU

Rhizoma Anemarrhenae Praeparata

Vị thuốc Tri mẫu là sản phẩm đã chế biến từ thân rễ của cây Tri mẫu (Anemarrhena asphodeloides Bunge), họ Hành (Liliaceae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Tri mẫu chích muối

Công thức chế biến 1,0 kg Tri mẫu chích muối(*):

Tri mẫu phiến                            1,0 kg

Dung dịch muối ăn 5%              150 ml

Tẩm dung dịch nước muối với tri mẫu phiến, ủ khoảng 1 giờ, sao nhỏ lửa đến khô. Lấy ra để nguội.

b) Phương pháp chế biến Tri mẫu chích rượu

Công thức chế biến 1,0 kg Tri mẫu chích rượu(*):

Tri mẫu phiến                            1,0 kg

Rượu                                        100 ml

Trộn đều rượu vào tri mẫu phiến, ủ trong khoảng 30 phút cho ngấm hết rượu. Sao lửa nhỏ đến khi có màu hơi vàng nâu, khô, thơm mùi đặc trưng. Lấy ra, để nguội.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Tri mẫu đã chế biến: Mặt ngoài màu nâu vàng, mặt trong màu vàng ngà nâu, không còn lông tơ. Thể chất hơi dẻo. Vị hơi đắng, mùi thơm đặc trưng.

3. Tính vị, quy kinh

Vị khổ, cam, Tính hàn. Quy kinh phế, vị, thận.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: Thanh nhiệt tả hỏa, trừ phiền chỉ khát, nhuận táo.

b) Chủ trị: sốt cao khát nước, phế thận âm hư, cốt chưng, triều nhiệt; nội nhiệt tiêu khát, ruột háo táo bón.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 6 - 12 g/ngày, thường phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ: Không dùng cho trường hợp người hư hàn.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

98. VỊ THUỐC TỬ UYỂN

Radix et Rhizoma Asteris Praeparata

Vị thuốc Tử Uyển là rễ và thân rễ đã phơi hay sấy khô của cây Tử uyển (Aster tataricus L.f.), họ Cúc (Asteraceae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Tử uyển phiến: Loại bỏ tạp chất, rửa sạch, ủ mềm khoảng 10-15 phút, thái phiến và phơi khô.

b) Phương pháp chế biến Tử uyển chế mật

Công thức chế biến 1,0 kg Tử uyển chế mật(*):

Tử uyển                                    1,0 kg

Mật ong                                    0,25 kg

Mật ong đã luyện được hòa loãng với 1000 ml nước sôi, trộn đều với Tử uyển phiến, ủ đến khi mật ong thấm đều, cho vào chảo, sao nhỏ lửa đến khi không dính tay, lấy ra và để nguội.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc.

a) Từ uyển phiến: là rễ lớn, nhỏ không đều. Mặt ngoài màu đỏ hơi tía sẫm hoặc màu vàng xám sẫm, có vân nhăn dọc. Chất rễ tương đối dai, mềm. Mùi thơm nhẹ, vị ngọt hơi đắng.

b) Từ uyển chế mật: là rễ lớn, nhỏ không đều. Mặt ngoài màu đỏ tía sẫm. Thể chất dai, khi nắm hơi dính vào nhau nhưng khi thả tay các phiến thuốc không được dính vào nhau. Thơm đặc trưng của dược liệu và mật ong, vị hơi ngọt.

3. Tính vị, quy kinh

Vị đắng, tính nóng. Quy kinh phế.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: Tuyên phế, hóa đàm, chỉ khái. Tử uyển chế mật có tác dụng tăng cường nhuận phế hóa đờm.

b) Chủ trị: ho do phong hàn và suyễn mới hoặc lâu ngày kèm nhiều đàm, hư hao.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 5 - 9 g/ngày, phối ngũ trong các bài thuốc.

Kiêng kỵ: Không nên dùng nhiều và độc vị, thường phối hợp với Khoản đông hoa, Bách bộ.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

99. VỊ THUỐC TỤC ĐOẠN

Radix Dipsaci Praeparata

Vị thuốc Tục đoạn là rễ đã phơi hay sấy khô của cây Xuyên tục đoạn (Dipsacus asperoides C.Y.Cheng, et T.M.Ai.) hay Tục đoạn (Dipsacus japonicus Miq.), thuộc họ Tục đoạn (Dipsacaceae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Tục đoạn phiến: Bỏ tạp chất và đầu rễ, rửa sạch đất, ủ cho mềm, thái phiến, phơi khô.

b) Phương pháp chế biến Tục đoạn chích muối

Công thức chế biến 1,0 kg Tục đoạn chích muối(*):

Tục đoạn                                  1,0 kg

Muối ăn                                    0,02 kg

Tục đoạn phiến trộn với nước muối cho đều, ủ ngấm, sao cho đến khô. Hòa tan muối vào nước sạch, lượng vừa đủ hòa tan.

c) Phương pháp chế biến Tục đoạn chích rượu

Công thức chế biến 1,0 kg Tục đoạn chích rượu(*):

Tục đoạn phiến                         1,0 kg

Rượu trắng                               150 ml - 200 ml

Tục đoạn phiến trộn với rượu cho đều, ủ ngấm, sao nhỏ lửa cho đến khô, có mùi thơm của rượu là được.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

a) Tục đoạn phiến: Là những đoạn ngắn không quá 2 cm. Mặt cắt thấy rõ hai lớp, chung quanh màu nâu đen, lõi giữa có hoa văn màu vàng. Vị đắng hơi chát.

b) Tục đoạn chích muối: Là những đoạn ngắn không quá 2 cm. Mặt cắt có hai lớp, chung quanh màu nâu, lõi giữa màu lục đen hay hoa văn vàng sẫm. Vị mặn đắng và chát.

c) Tục đoạn chích rượu: Là những đoạn ngắn không quá 2 cm. Mặt cắt có hai lớp, chung quanh màu nâu, lõi giữa màu lục đen hay hoa văn vàng sẫm. Có mùi thơm của rượu; vị đắng và chát.

3. Tính vị, quy kinh

Vị đắng, cay, hơi ôn; Quy kinh can và thận.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: Bổ can thận, nối gân xương, thông huyết mạch, cầm máu giảm đau.

b) Chủ trị: Đau lưng mỏi gối, có thai rong huyết, băng lậu đới hạ, di tinh, sang lở, bị ngã hay đánh thương tổn bầm tím, ung trĩ thũng độc.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 6 - 12 g/ngày.

Kiêng kỵ: Không dùng cho trường hợp người có chứng thực nhiệt.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

100. VỊ THUỐC VIỄN CHÍ

Radix Polygalae Praeparata

Vị thuốc Viễn chí là rễ phơi hay sấy khô của cây Viễn chí lá nhỏ (Polygala ternuifolia Willd.) và cây Viễn chí Xiberi tức Viễn chí lá trứng (Polygala sibirica L.). họ Viễn chí (Polygalaceae).

1. Phương pháp chế biến

a) Phương pháp chế biến Viễn chí sao cám

Công thức chế biến 1,0 kg Viễn chí sao cám(*):

Viễn chí                                    1,0 kg

Cám gạo                                   200 g

Cám gạo sao riêng tới khi bốc khói trắng, cho viễn chí vào, đảo đều tới khi mặt ngoài có màu vàng đậm. Lấy ra, để nguội.

b) Phương pháp chế biến Viễn chí chích cam thảo

Công thức chế biến 1,0 kg Viễn chí chích cam thảo(*):

Viễn chí                                    1,0 kg

Cam thảo                                  50 g

Cam thảo phiến sắc hai lần với nước, mỗi lần khoảng 150 ml nước, đun sôi 1 giờ. Gộp dịch sắc cam thảo, cô còn khoảng 100 - 150ml. Trộn đều dịch cam thảo với viễn chí đã rút bỏ lõi. Ủ 1 giờ cho ngấm hết dịch cam thảo. Lấy ra để khô se, sao vàng đến khi mặt ngoài có màu vàng đậm.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Vị thuốc Viễn chí là những mảnh hoặc đoạn vỏ rỗng có màu vàng đậm, có những nếp nhăn và đường nút ngang. Vị đắng nhẹ, hơi cay, hơi ngọt (viễn chí chích cam thảo).

3. Tính vị, quy kinh

Vị đắng, cay, hơi ngọt. Tính ấm. Quy kinh tâm, thận, phế.

4. Công năng, chủ trị:

a) Công năng: An thần, ích trí, hóa đàm chỉ ho, giải độc.

b) Chủ trị: tâm thần bất an, mất ngủ, ngủ hay mơ, tim hồi hộp, chóng mặt, tai ù, mắt mờ. Viễn chí chích cam thảo tăng trừ đờm, trừ ho, mụn nhọt, vú sưng đau.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 4 - 12 g/ngày, phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ: Không dùng cho trường hợp viêm loét dạ dày và phụ nữ có thai.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

101. VỊ THUỐC XA TIỀN TỬ

Semen Plantaginis Praeparata

Vị thuốc Xa tiền tử (Hạt mã đề) là hạt đã phơi hay sấy khô của cây Mã đề (Plantago major L.), họ Mã đề (Plantaginaceae).

1. Phương pháp chế biến

Phương pháp chế biến Xa tiền tử chích muối: Cho dược liệu sạch vào chảo, dùng lửa nhỏ sao đến khi dược liệu phồng lên, phun nước muối vào sao tiếp tới khô, có mùi thơm. Cứ 10kg dược liệu khô dùng 100g muối ăn.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Xa tiền tử chích muối: Hạt rất nhỏ, hình bầu dục, hơi dẹt, dài rộng khoảng 1 mm. Mặt ngoài màu nâu thẩm hoặc vàng nâu. Nhìn qua kính lúp thấy những vết rạn nứt trên bề mặt hạt. Mùi thơm nhẹ, vị hơi mặn.

3. Tính vị, quy kinh

Vị ngọt, tính lạnh. Quy kinh can, thận, tiểu trường.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: Tả hỏa, thanh can sáng mắt.

b) Chủ trị: Phù, chứng tiểu khó, viêm thận, bàng quang, sỏi tiết niệu, tiểu tiện ra máu, tiêu chảy do thấp thử, nhiễm trùng mắt, ho do nhiệt đờm.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 16 - 20 g/ngày, phối ngũ trong các bài thuốc.

Kiêng kỵ: Thận trọng khi dùng cho phụ nữ có thai.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

102. VỊ THUỐC XUYÊN KHUNG

Rhizoma Ligustici wallichii Praeparata

Vị thuốc Xuyên khung là sản phẩm đã chế biến từ thân rễ của cây Xuyên khung (Ligusticum wallichii Hort.), Họ Hoa tán (Apiaceae).

1. Phương pháp chế biến

Phương pháp chế biến Xuyên khung chích rượu

Công thức chế biến 1,0 kg Xuyên khung chích rượu(*):

Xuyên khung phiến                    1,0 kg

Rượu                                        100 ml

Trộn rượu trắng vào Xuyên khung phiến, ủ khoảng 30 phút - 1h cho rượu ngấm đều, sao nhỏ lửa cho đến khi có màu nâu vàng, mùi thơm đặc trưng. Lấy ra, để nguội.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Xuyên khung đã chế biến có màu nâu hoặc nâu vàng (sao), thể chất cứng chắc, có mùi thơm đặc trưng, vị cay.

3. Tính vị, quy kinh

Vị tân, Tính ôn; Quy kinh: can, đởm, tâm bào.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: Hành khí hoạt huyết, khu phong, chỉ thống.

b) Chủ trị: Điều kinh, cảm mạo phong hàn, phong thấp nhức mỏi, ngực bụng đau tức, nhọt độc sưng đau.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 6 - 12 g/ngày, thường phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ: Không dùng cho phụ nữ có thai, người âm hư hỏa vượng.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

103. VỊ THUỐC Ý DĨ

Semen Coicis Praeparata

Vị thuốc Ý dĩ là hạt của quả chín đã phơi hay sấy khô của cây Ý dĩ (Coix lachryma-Jobi L.), họ Lúa (Poaceae).

1. Phương pháp chế biến:

Phương pháp chế biến Ý dĩ sao vàng với cám

Công thức chế biến 1,0 kg Ý dĩ sao vàng với cám(*):

Ý dĩ                                          1,0 kg

Cám gạo                                   0,1 kg

Cho cám vào chảo, đun đến khi có khói cho Ý dĩ (đã được phun trước với nước cho hơi ẩm) vào chảo và đảo đều và nhanh tay đến khi bề mặt thuốc chuyển màu vàng thổ và có các chấm đen, lấy ra, sàng loại bỏ cám bị cháy đen, tãi cho nguội.

2. Đặc điểm cảm quan của vị thuốc

Hạt hình trứng ngắn hay hơi tròn, dài 0,5 - 0,8 cm, đường kính 0,2 - 0,5 cm. Mặt ngoài màu vàng nhạt, bên trong màu trắng hay trắng ngà. Mùi thơm.

3. Tính vị, quy kinh

Vị ngọt, nhạt, tính hơi lạnh. Quy kinh tỳ, vị, phế.

4. Công năng, chủ trị

a) Công năng: Ý dĩ sao vàng hòa hoãn tính lương, tăng cường tác dụng kiện tỳ chỉ tả.

b) Chủ trị: Ăn kém, tiêu hóa kém, ỉa chảy do tỳ hư. Phù thũng, tê thấp chân tay co rút, cước khí.

5. Cách dùng, liều dùng

Dùng 10 - 30 g/ ngày, phối ngũ trong các bài thuốc.

Kiêng kỵ: Không dùng cho trường hợp người âm hư, phụ nữ có thai, tổn thương tân dịch.

6. Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mối mọt, nấm mốc.

 

(*): Trường hợp chế biến vị thuốc với số lượng khác thì áp dụng tỷ lệ trên.