Nghị quyết 41/2017/QH14 thi hành Bộ luật Hình sự 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật 12/2017/QH14 và về hiệu lực thi hành của Bộ luật Tố tụng hình sự 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 94/2015/QH13 do Quốc hội ban hành
- Số hiệu văn bản: 41/2017/QH14
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Cơ quan ban hành: Quốc hội
- Ngày ban hành: 20-06-2017
- Ngày có hiệu lực: 05-07-2017
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2754 ngày (7 năm 6 tháng 19 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
QUỐC HỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Nghị quyết số: 41/2017/QH14 | Hà Nội, ngày 20 tháng 6 năm 2017 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC THI HÀNH BỘ LUẬT HÌNH SỰ SỐ 100/2015/QH13 ĐÃ ĐƯỢC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU THEO LUẬT SỐ 12/2017/QH14 VÀ VỀ HIỆU LỰC THI HÀNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ SỐ 101/2015/QH13, LUẬT TỔ CHỨC CƠ QUAN ĐIỀU TRA HÌNH SỰ SỐ 99/2015/QH13, LUẬT THI HÀNH TẠM GIỮ, TẠM GIAM SỐ 94/2015/QH13
QUỐC HỘI
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Về hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và các bộ luật, luật có liên quan
1. Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, các bộ luật, luật sau đây có hiệu lực thi hành:
a) Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 (sau đây gọi là Bộ luật Hình sự năm 2015);
b) Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13;
c) Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13;
d) Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13.
2. Các quy định tại Nghị quyết số 110/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 có ghi thời điểm “ngày 01 tháng 7 năm 2016” được thay thế bằng thời điểm “ngày 01 tháng 01 năm 2018”, thời điểm “ngày 01 tháng 01 năm 2019” được thay thế bằng thời điểm “ngày 01 tháng 01 năm 2020”.
Điều 2. Việc áp dụng Bộ luật Hình sự năm 2015
1. Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, Bộ luật Hình sự năm 2015 được áp dụng như sau:
a) Tất cả các điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người thực hiện hành vi phạm tội từ 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018;
b) Các điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng; quy định hình phạt nhẹ hơn, tình tiết giảm nhẹ mới; miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích;
c) Tội phạm mới quy định tại các Điều 147, 154, 167, 187, 212, 213, 214, 215, 216, 217, 217a, 218, 219, 220, 221, 222, 223, 224, 230, 234, 238, 285, 291, 293, 294, 297, 301, 302, 336, 348, 388, 391, 393 và 418 của Bộ luật Hình sự năm 2015; các điều luật bổ sung hành vi phạm tội mới, các điều luật quy định một hình phạt mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới; các điều luật quy định hạn chế phạm vi miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác không có lợi cho người phạm tội thì không áp dụng đối với những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích; trong trường hợp này, vẫn áp dụng quy định tương ứng của các văn bản quy phạm pháp luật về hình sự có hiệu lực trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 để giải quyết;
d) Quy định tại điểm b và điểm c khoản này cũng được áp dụng đối với các điều luật mới quy định tội được tách ra từ các tội ghép trong Bộ luật Hình sự số 15/1999/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 37/2009/QH12 (sau đây gọi là Bộ luật Hình sự năm 1999);
đ) Các tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, “số lượng lớn”, “số lượng rất lớn”, “số lượng đặc biệt lớn”, “thu lợi bất chính lớn”, “thu lợi bất chính rất lớn”, “thu lợi bất chính đặc biệt lớn”, “đất có diện tích lớn”, “đất có diện tích rất lớn”, “đất có diện tích đặc biệt lớn”, “giá trị lớn”, “giá trị rất lớn”, “giá trị đặc biệt lớn”, “quy mô lớn” của Bộ luật Hình sự năm 1999 đã được áp dụng để khởi tố bị can trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 thì vẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều này;
e) Đối với hành vi hoạt động phỉ quy định tại Điều 83, hành vi đăng ký kết hôn trái pháp luật quy định tại Điều 149, hành vi kinh doanh trái phép quy định tại Điều 159, hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của Bộ luật Hình sự năm 1999 xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 để xử lý; trường hợp vụ án đã được xét xử và đã có bản án, quyết định của Tòa án thì không được căn cứ vào việc Bộ luật Hình sự năm 2015 không quy định tội danh hoạt động phỉ, tội danh đăng ký kết hôn trái pháp luật, tội danh kinh doanh trái phép, tội danh cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng để kháng cáo, kháng nghị theo hướng không phạm tội. Trường hợp người bị kết án đang chấp hành án về tội hoạt động phỉ, tội đăng ký kết hôn trái pháp luật, tội kinh doanh trái phép, tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã chấp hành xong bản án thì vẫn áp dụng quy định tương ứng của các văn bản quy phạm pháp luật về hình sự có hiệu lực trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 để giải quyết; nếu sau thời điểm 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 mới bị phát hiện thì không khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội hoạt động phỉ quy định tại Điều 83, tội đăng ký kết hôn trái pháp luật quy định tại Điều 149, tội kinh doanh trái phép quy định tại Điều 159, tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của Bộ luật Hình sự năm 1999 mà áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về các tội danh tương ứng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử;
g) Đối với những hành vi phạm tội đã có bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 thì không được căn cứ vào những quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 có nội dung khác so với các điều luật đã được áp dụng khi tuyên án để kháng nghị giám đốc thẩm; trường hợp kháng nghị dựa vào căn cứ khác hoặc đã kháng nghị trước ngày 01 tháng 01 năm 2018 thì việc xét xử giám đốc thẩm phải tuân theo quy định tại điểm b và điểm c khoản này;
h) Các quy định về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại tại Bộ luật Hình sự năm 2015 không áp dụng đối với những hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018;
i) Trường hợp chất thu giữ được nghi là chất ma túy ở thể rắn đã được hòa thành dung dịch, chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng, xái thuốc phiện hoặc thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần quy định tại các Điều 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì phải xác định hàm lượng chất ma túy làm cơ sở để xác định khối lượng hoặc thể tích chất ma túy thu giữ được. Đối với các trường hợp khác thì thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13.
2. Kể từ ngày Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 (sau đây gọi là Luật số 12/2017/QH14) được công bố, tiếp tục thực hiện các quy định sau đây:
a) Không áp dụng hình phạt tử hình khi xét xử người phạm tội mà Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bỏ hình phạt tử hình hoặc đối với người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử;
b) Hình phạt tử hình đã tuyên đối với người thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này nhưng chưa thi hành án thì không thi hành và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân;
c) Đối với người đã bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành án mà có đủ các điều kiện quy định tại điểm c khoản 3 Điều 40 của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì không thi hành án và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân;
d) Không xử lý về hình sự đối với người thực hiện hành vi mà Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định là tội phạm nhưng Bộ luật Hình sự năm 2015 không quy định là tội phạm, bao gồm: tảo hôn; báo cáo sai trong quản lý kinh tế; vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính; hành vi theo Bộ luật Hình sự năm 1999 (được hướng dẫn thi hành trong các văn bản quy phạm pháp luật) là tội phạm nhưng do có sửa đổi, bổ sung, thay đổi các yếu tố cấu thành tội phạm nên hành vi đó không cấu thành tội phạm nữa. Nếu vụ án đã khởi tố, đang điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt thì được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; trường hợp người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn chấp hành hình phạt thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt;
đ) Đối với các trường hợp đã áp dụng quy định có lợi của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 theo Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29 tháng 6 năm 2016 của Quốc hội về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử mà Luật số 12/2017/QH14 không quy định là tội phạm nữa: nếu vụ án đã khởi tố, đang điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt thì được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; trường hợp người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn chấp hành hình phạt thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt;
e) Không xử lý về hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về tội phạm không được quy định tại khoản 2 Điều 12 và khoản 3 Điều 14 của Bộ luật Hình sự năm 2015, đối với người thực hiện hành vi chuẩn bị phạm các tội mà không được quy định tại khoản 2 Điều 14 của Bộ luật Hình sự năm 2015; nếu vụ án đã khởi tố, đang điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; trường hợp người đó đã bị kết án và đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt thì được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; trường hợp người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn chấp hành hình phạt thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt;
g) Người đã chấp hành xong hình phạt hoặc được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt hoặc phần hình phạt còn lại theo quy định tại các điểm d, đ và e khoản này thì đương nhiên được xóa án tích;
h) Thực hiện các quy định tại khoản 3 Điều 7 của Bộ luật Hình sự năm 2015; điểm b khoản 1 Điều này;
i) Áp dụng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 để thi hành quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và các quy định khác của Bộ luật Hình sự năm 2015 có lợi cho người phạm tội.
Điều 3. Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành
1. Giao Chính phủ, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quy định chi tiết về các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự quy định tại Mục 2 Chương XII của Bộ luật Hình sự năm 2015; quy định về việc định giá đối với hàng hóa Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng hoặc hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam; quy định về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy tại điểm k khoản 2, điểm e khoản 3, điểm đ khoản 4 Điều 248, điểm i khoản 1, điểm n khoản 2, điểm h khoản 3, điểm h khoản 4 Điều 249, điểm i khoản 1, điểm o khoản 2, điểm h khoản 3, điểm h khoản 4 Điều 250, điểm p khoản 2, điểm h khoản 3, điểm h khoản 4 Điều 251 và điểm i khoản 1, điểm n khoản 2, điểm h khoản 3, điểm h khoản 4 Điều 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015.
2. Giao Tòa án nhân dân tối cao thông qua tổng kết việc áp dụng pháp luật, giám đốc việc xét xử bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử các quy định về “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, “số lượng lớn”, “số lượng rất lớn”, “số lượng đặc biệt lớn”, “giá trị lớn”, “giá trị rất lớn”, “giá trị đặc biệt lớn”; khi cần thiết, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử các điều, khoản, điểm khác trong Bộ luật Hình sự năm 2015.
3. Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phối hợp tổ chức rà soát các văn bản có liên quan để kịp thời hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới hoặc đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015.
4. Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Bộ luật Hình sự năm 2015 trong Nhân dân, cán bộ, công chức và viên chức, nhằm góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, phát huy tác dụng của Bộ luật này trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Điều 4. Hiệu lực thi hành
1. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 7 năm 2017.
2. Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29 tháng 6 năm 2016 của Quốc hội về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 hết hiệu lực kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành.
Điều 5. Quy định chuyển tiếp và trách nhiệm thi hành
1. Kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành cho đến khi Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13 và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 có hiệu lực thi hành theo quy định tại Điều 1 của Nghị quyết này, tiếp tục áp dụng Bộ luật Tố tụng Hình sự số 19/2003/QH11, Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự số 23/2004/PL-UBTVQH11 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Pháp lệnh số 30/2006/PL-UBTVQH11 và Pháp lệnh số 09/2009/PL-UBTVQH12.
2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.
Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2017.
| CHỦ TỊCH QUỐC HỘI |