Thông tư 01/2017/TT-TTCP quy định xét tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Thanh tra" do Thanh tra Chính phủ ban hành
- Số hiệu văn bản: 01/2017/TT-TTCP
- Loại văn bản: Thông tư
- Cơ quan ban hành: Thanh tra Chính phủ
- Ngày ban hành: 10-04-2017
- Ngày có hiệu lực: 25-05-2017
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Ngày hết hiệu lực: 00/00/0000
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
THANH TRA CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2017/TT-TTCP | Hà Nội, ngày 10 tháng 4 năm 2017 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH XÉT TẶNG KỶ NIỆM CHƯƠNG “VÌ SỰ NGHIỆP THANH TRA”
Căn cứ Luật Thi đua, khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng ngày 16 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung mội số điều của Luật Thi đua, khen thưởng; Nghị định số 39/2012/NĐ-CP ngày 27 tháng 4 năm 2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ; Nghị định số 65/2014/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 83/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ,
Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư quy định xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Thanh tra”.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về nguyên tắc, đối tượng, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét tặng, tổ chức trao tặng và quyền lợi, trách nhiệm của cá nhân được tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Thanh tra”.
Điều 2. Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Thanh tra”
1. Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Thanh tra” là hình thức khen thưởng của Thanh tra Chính phủ cho cá nhân có thành tích đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, phát triển ngành Thanh tra Việt Nam (sau đây gọi chung là Kỷ niệm chương).
2. Kỷ niệm chương có biểu tượng, hình dáng, kích cỡ, màu sắc thể hiện đặc trưng của ngành Thanh tra Việt Nam, phù hợp với quy định chung của Nhà nước, kèm theo Kỷ niệm chương là Bằng chứng nhận tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Thanh tra”.
Điều 3. Nguyên tắc xét tặng Kỷ niệm chương
1. Kỷ niệm chương được xét tặng một lần cho cá nhân có đủ điều kiện, tiêu chuẩn; không xét tặng cho những cá nhân đã được tặng Huy chương “Vì sự nghiệp Thanh tra”.
2. Việc xét tặng Kỷ niệm chương được tiến hành hàng năm, đảm bảo khách quan, chính xác, công bằng, công khai, dân chủ và kịp thời.
3. Việc xét tặng Kỷ niệm chương phải được thực hiện đúng đối tượng, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục quy định tại Thông tư này.
Chương II
ĐỐI TƯỢNG, TIÊU CHUẨN XÉT TẶNG KỶ NIỆM CHƯƠNG
Điều 4. Đối tượng xét tặng Kỷ niệm chương
1. Cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, người lao động đã và đang công tác trong các cơ quan Thanh tra Nhà nước, gồm:
a) Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ;
b) Công chức, viên chức, người lao động công tác tại Thanh tra Chính phủ;
c) Công chức, viên chức, người lao động công tác tại các tổ chức Thanh tra Nhà nước thuộc bộ, cơ quan ngang bộ (sau đây gọi chung là Thanh tra bộ), gồm:
- Công chức, viên chức, người lao động công tác tại Thanh tra bộ;
- Công chức, viên chức, người lao động công tác tại các cơ quan Thanh tra Nhà nước thuộc tổng cục, cục và tương đương theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra;
- Sỹ quan, hạ sỹ quan, người lao động công tác tại các cơ quan Thanh tra Nhà nước theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Quốc phòng, Thanh tra Công an.
d) Công chức, viên chức, người lao động công tác tại Thanh tra các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Thanh tra tỉnh);
đ) Công chức, viên chức, người lao động công tác tại Thanh tra sở và tương đương (sau đây gọi chung là Thanh tra sở);
e) Công chức, viên chức, người lao động công tác tại Thanh tra huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Thanh tra huyện).
2. Cá nhân có thành tích trong việc lãnh đạo, chỉ đạo góp phần vào sự nghiệp xây dựng, phát triển ngành Thanh tra Việt Nam, gồm:
a) Lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo các đoàn thể chính trị, xã hội ở trung ương;
b) Lãnh đạo bộ, cơ quan ngang bộ;
c) Bí thư, Phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
d) Lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc, lãnh đạo các đoàn thể chính trị xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Bí thư, Phó bí thư huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy thành phố thuộc tỉnh; Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
đ) Giám đốc, Phó giám đốc sở và tương đương.
3. Cá nhân là người Việt Nam ở nước ngoài hoặc người nước ngoài có đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển ngành Thanh tra Việt Nam.
4. Các trường hợp khác theo đề nghị của các vụ, cục, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ và Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Thanh tra.
Điều 5. Đối tượng không hoặc chưa được xét tặng Kỷ niệm chương
1. Không xét tặng Kỷ niệm chương đối với các cá nhân đã bị buộc thôi việc hoặc bị tước quân tịch, tước danh hiệu Công an nhân dân, Quân đội nhân dân.
2. Chưa xét tặng Kỷ niệm chương đối với cá nhân đang trong thời gian xem xét kỷ luật; người đang chịu hình thức kỷ luật từ khiển trách trở lên; người đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc bị kết án, đang chấp hành bản án hình sự.
Thời gian thi hành kỷ luật, thời gian chấp hành bản án hình sự, bao gồm cả thời gian chưa được xóa kỷ luật hoặc xóa án tích không được tính vào thời gian để xét tặng Kỷ niệm chương.
Điều 6. Điều kiện, tiêu chuẩn xét tặng Kỷ niệm chương
1. Cá nhân thuộc đối tượng quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 4 Thông tư này, có thời gian công tác từ 04 năm trở lên tính đến năm đề nghị xét tặng.
2. Cá nhân thuộc đối tượng quy định tại các Điểm b, Điểm c, Điểm d, Điểm đ, Điểm e Khoản 1 Điều 4 Thông tư này, có tổng thời gian công tác trong các cơ quan thanh tra nhà nước từ 10 năm trở lên tính đến ngày 23/11 của năm đề nghị xét tặng.
3. Cá nhân thuộc đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư này phải có thành tích trong việc lãnh đạo, chỉ đạo góp phần vào sự nghiệp xây dựng, phát triển ngành Thanh tra Việt Nam và đạt điều kiện, tiêu chuẩn sau:
a) Cá nhân thuộc đối tượng quy định tại Điểm a, Điểm b, Điểm c phải có thời gian giữ chức vụ ít nhất từ 05 năm trở lên và có ít nhất 04 năm phụ trách hoặc theo dõi công tác thanh tra.
b) Cá nhân thuộc đối tượng quy định tại Điểm d, Điểm đ phải có thời gian giữ chức vụ ít nhất từ 10 năm trở lên và có ít nhất 08 năm phụ trách hoặc theo dõi công tác thanh tra.
4. Cá nhân thuộc đối tượng quy định tại Khoản 3 Điều 4 Thông tư này phải có công lao, thành tích xuất sắc trong việc xây dựng và củng cố quan hệ hợp tác quốc tế, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng, phát triển ngành Thanh tra Việt Nam.
5. Cá nhân thuộc trường hợp khác quy định tại Khoản 4 Điều 4 Thông tư này phải có công lao, thành tích đặc biệt xuất sắc hoặc có sáng kiến, công trình khoa học có giá trị thực tiễn đóng góp tích cực, hiệu quả cho sự nghiệp xây dựng, phát triển ngành Thanh tra Việt Nam.
Điều 7. Các trường hợp được ưu tiên xét tặng Kỷ niệm chương
Cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, người lao động công tác trong cơ quan thanh tra nhà nước được ưu tiên xét tặng Kỷ niệm chương khi có một trong các điều kiện quy định tại Điều này và chỉ tính thành tích cao nhất.
1. Cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân được xét tặng ngay sau khi có quyết định khen thưởng;
2. Cá nhân được tặng Huân chương Lao động các loại, Chiến sĩ thi đua toàn quốc được đề nghị xét tặng sớm hơn 02 năm;
3. Cá nhân được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ hoặc được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh được đề nghị xét tặng sớm hơn 01 năm;
4. Cá nhân được tặng thưởng Bằng khen của Tổng Thanh tra Chính phủ hoặc được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở được đề nghị xét tặng sớm hơn 06 tháng.
Chương III
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XÉT TẶNG KỶ NIỆM CHƯƠNG
Điều 8. Trách nhiệm lập hồ sơ, đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương
1. Thủ trưởng các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm lập hồ sơ, đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương cho đối tượng quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 1; Điểm a Khoản 2 và Khoản 4 Điều 4 Thông tư này.
2. Chánh Thanh tra bộ có trách nhiệm lập hồ sơ, đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương đối với đối tượng được quy định tại:
a) Điểm c Khoản 1, Điểm b Khoản 2 Điều 4 Thông tư này;
b) Điểm đ Khoản 1 và Điểm đ Khoản 2 Điều 4 Thông tư này (đối với các bộ, ngành tổ chức theo hệ thống dọc từ Trung ương đến địa phương).
3. Chánh Thanh tra tỉnh có trách nhiệm lập hồ sơ, đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương đối với đối tượng được quy định tại:
a) Điểm d, e Khoản 1 và Điểm c, d Khoản 2 Điều 4 Thông tư này;
b) Điểm d Khoản 1 và Điểm đ Khoản 2 Điều 4 Thông tư này (đối với các sở thuộc bộ, ngành không tổ chức theo hệ thống dọc từ Trung ương đến địa phương).
4. Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan của Thanh tra Chính phủ lập hồ sơ, đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương cho các đối tượng quy định tại Khoản 3 Điều 4 Thông tư này.
Điều 9. Hồ sơ, thời gian đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương
1. Hồ sơ đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương (01 bộ), gồm:
a) Công văn đề nghị tặng Kỷ niệm chương;
b) Danh sách trích ngang đề nghị tặng Kỷ niệm chương (thực hiện theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này);
c) Bản tóm tắt quá trình công tác (thực hiện theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này) đối với các đối tượng được quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư này;
d) Bản sao các quyết định khen thưởng và hồ sơ liên quan có xác nhận của cơ quan quản lý (nếu có) đối với các trường hợp được ưu tiên xét tặng;
đ) Đối với các đối tượng quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 4 Thông tư này, đơn vị đề nghị tặng Kỷ niệm chương phải có báo cáo về thành tích của cá nhân có đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Thanh tra Việt Nam;
e) Đối với các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 4 Thông tư này, đơn vị đề nghị tặng Kỷ niệm chương phải báo cáo về thành tích đặc biệt xuất sắc hoặc sáng kiến, công trình khoa học có giá trị thực tiễn đóng góp tích cực, hiệu quả cho sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Thanh tra Việt Nam của cá nhân được đề nghị.
2. Cơ quan, đơn vị gửi hồ sơ đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương về Vụ Tổ chức Cán bộ, Thanh tra Chính phủ trước ngày 01 tháng 9 hàng năm.
Điều 10. Quy trình xét tặng Kỷ niệm chương
1. Vụ Tổ chức Cán bộ, Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm tổng hợp hồ sơ đề nghị tặng Kỷ niệm chương, trình Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Thanh tra trước ngày 01 tháng 10 hàng năm.
2. Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Thanh tra có trách nhiệm rà soát, thẩm định hồ sơ và đề nghị Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Thanh tra xem xét, trình Tổng Thanh tra Chính phủ xét, quyết định tặng Kỷ niệm chương cho cá nhân có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 6 Thông tư này trước ngày 30 tháng 10 hàng năm.
3. Đối với các trường hợp khác, Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Thanh tra có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, trình Tổng Thanh tra quyết định và báo cáo với Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Thanh tra.
Điều 11. Tổ chức trao tặng Kỷ niệm chương
1. Thời gian tổ chức trao tặng Kỷ niệm chương vào đợt Kỷ niệm Ngày truyền thống ngành Thanh tra Việt Nam (ngày 23 tháng 11) hàng năm.
2. Cơ quan, đơn vị có cá nhân được tặng Kỷ niệm chương có trách nhiệm chủ trì, giúp Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Thanh tra tổ chức lễ trao tặng.
3. Văn phòng, Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức Cán bộ, Thanh tra Chính phủ tham mưu cho Tổng Thanh tra Chính phủ tổ chức trao tặng Kỷ niệm chương cho lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương, các cá nhân đã và đang công tác tại Thanh tra Chính phủ và một số trường hợp đặc biệt quy định tại Khoản 3, 4 Điều 4 Thông tư này.
Điều 12. Quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương
1. Cá nhân được tặng Kỷ niệm chương được trao Bằng chứng nhận, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Thanh tra” và thưởng tiền không quá 0,6 lần mức lương tối thiểu chung.
2. Cá nhân được tặng Kỷ niệm chương có trách nhiệm gìn giữ, gương mẫu thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tiếp tục phát huy truyền thống của ngành Thanh tra Việt Nam.
3. Tổ chức, cá nhân đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của hồ sơ đề nghị.
4. Tổ chức, cá nhân đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương có quyền khiếu nại, tố cáo về việc đề nghị và xét tặng Kỷ niệm chương theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Tổ chức thực hiện
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 5 năm 2017 và thay thế Thông tư số 03/2015/TT-TTCP ngày 20 tháng 5 năm 2015 của Thanh tra Chính phủ quy định xét tặng “Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Thanh tra”.
2. Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Thanh tra, Thủ trưởng các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ, Chánh Thanh tra bộ, Chánh Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan có trách nhiệm tổ chức, thực hiện Thông tư này.
3. Trong quá trình triển khai, thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phản ánh kịp thời về Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Thanh tra để báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung kịp thời./.
Nơi nhận: | TỔNG THANH TRA |