cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định 03/2017/QĐ-UBND quy định về mức trích lập kinh phí và mức chi cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất do tỉnh Hà Giang ban hành

  • Số hiệu văn bản: 03/2017/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Hà Giang
  • Ngày ban hành: 09-03-2017
  • Ngày có hiệu lực: 19-03-2017
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 17-01-2019
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 669 ngày (1 năm 10 tháng 4 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 17-01-2019
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 17-01-2019, Quyết định 03/2017/QĐ-UBND quy định về mức trích lập kinh phí và mức chi cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất do tỉnh Hà Giang ban hành bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 128/QĐ-UBND ngày 17/01/2019 Công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang năm 2018”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2017/QĐ-UBND

Hà Giang, ngày 09 tháng 3 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ MỨC TRÍCH LẬP KINH PHÍ VÀ MỨC CHI CHO VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ, TÁI ĐỊNH CƯ KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai;

Căn cứ Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất;

Căn cứ Thông tư số 74/2015/TT-BTC ngày 15 tháng 5 năm 2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất;

Căn cứ Thông báo số 80/TB-UBND ngày 06/3/2017 của UBND tỉnh Hà Giang;

Theo đề nghị của Sở Tài chính tại Tờ trình số 37/TTr-STC ngày 17/02/2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về mức trích lập kinh phí và mức chi cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1775/2011/QĐ-UBND ngày 22 tháng 8 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành khối tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện/thành phố; Thủ trưởng các tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Nguyễn Văn Sơn

 

QUY ĐỊNH

VỀ MỨC TRÍCH LẬP KINH PHÍ VÀ MỨC CHI CHO VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ TÁI ĐỊNH CƯ KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 03/2017/QĐ-UBND ngày 09 tháng 3 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy định mức trích lập kinh phí và mức chi cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Hà Giang để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng theo quy định tại Điều 61, Điều 62 Luật Đất đai năm 2013, bao gồm cả trường hợp tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành tiểu dự án riêng theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ; thu hồi đất ở trong khu vực bị ô nhiễm môi trường có nguy cơ đe dọa tính mạng con người và đất ở có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai đe dọa tính mạng con người theo quy định tại điểm đ, điểm e khoản 1 Điều 65 Luật Đất đai năm 2013.

2. Các nội dung khác không được quy định trong Quyết định này thực hiện theo quy định tại Thông tư số 74/2015/TT-BTC ngày 15 tháng 5 năm 2015 của Bộ Tài chính.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

2. Các đối tượng khác có liên quan tới việc trích lập kinh phí và chi cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Nguồn và mức trích kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất

1. Nguồn kinh phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được trích theo tỷ lệ (%) tổng số kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án, tiểu dự án. Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cấp huyện; tổ chức phát triển quỹ đất được giao thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất (sau đây gọi tắt là Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường) được lập dự toán theo khối lượng công việc thực tế cho phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm của từng loại dự án, tiểu dự án được trích không quá 2% tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án, tiểu dự án.

2. Đối với các dự án, tiểu dự án thực hiện trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư; dự án, tiểu dự án xây dựng công trình hạ tầng theo tuyến. Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường được lập dự toán theo khối lượng công việc thực tế cho phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm của từng loại dự án, tiểu dự án được trích như sau:

a) Dự án, tiểu dự án có tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dưới 100 triệu đồng được trích 5 triệu đồng.

b) Dự án, tiểu dự án có tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng:

Số tiền được trích = 5 triệu đồng + (Số kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án, tiểu dự án - 100 triệu đồng) x 7%.

c) Dự án, tiểu dự án có tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư từ trên 500 triệu đồng đến 1.000 triệu đồng:

Số tiền được trích = 33 triệu đồng + (Số kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án, tiểu dự án - 500 triệu đồng) x 5%.

d) Dự án, tiểu dự án có tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên 1.000 triệu đồng đến 2.000 triệu đồng:

Số tiền được trích = 58 triệu đồng + (Số kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án, tiểu dự án - 1.000 triệu đồng) x 4%.

đ) Dự án, tiểu dự án có tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên 2.000 triệu đồng:

Số tiền được trích = 98 triệu đồng + (Số kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án, tiểu dự án - 2.000 triệu đồng) x 2%.

3. Kinh phí dự phòng tổ chức thực hiện cưỡng chế kiểm đếm và cưỡng chế thu hồi đất được trích 10% kinh phí quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

Điều 4. Mức chi tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất

1. Mức chi đối với Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hoặc tổ chức phát triển quỹ đất được giao nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư:

a) Chi tuyên truyền các chính sách, chế độ về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; tổ chức vận động các đối tượng liên quan thực hiện quyết định thu hồi đất. Mức chi tối đa: 80.000 đồng/người/ngày.

b) Chi kiểm kê, đánh giá đất đai, tài sản thực tế bị thiệt hại gồm:

- Phát tờ khai, hướng dẫn người bị thiệt hại kê khai. Mức chi tối đa: 80.000 đồng/người/ngày.

- Đo đạc xác định diện tích đất, kiểm kê số lượng và giá trị nhà, công trình, cây trồng, vật nuôi và tài sản khác gắn liền với đất bị thiệt hại khi nhà nước thu hồi đất của từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Mức chi tối đa: 100.000 đồng/người/ ngày.

- Kiểm tra, đối chiếu giữa tờ khai với kết quả kiểm kê, xác định mức độ thiệt hại với từng đối tượng bị thu hồi đất cụ thể. Mức chi tối đa: 80.000 đồng/người/ngày.

- Tính toán giá trị thiệt hại về đất đai, nhà, công trình, cây trồng, vật nuôi và tài sản khác. Mức chi tối đa: 100.000 đồng/người/ngày.

c) Chi cho công tác xác định giá đất cụ thể bao gồm trường hợp thuê tư vấn xác định giá đất, xác định hệ số điều chỉnh giá đất bồi thường (nếu có): Người đứng đầu Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường căn cứ nguồn kinh phí được phân bổ, kết quả công việc để thỏa thuận, ký hợp đồng với đơn vị tư vấn thực hiện theo giá cả thị trường và phù hợp với quy định của pháp luật.

d) Chi lập, phê duyệt, công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư từ khâu tính toán các chỉ tiêu bồi thường đến khâu phê duyệt phương án bồi thường, thông báo công khai phương án bồi thường. Mức chi tối đa: 100.000 đồng/người/ngày.

đ) Chi phục vụ việc kiểm tra, hướng dẫn thực hiện chính sách bồi thường, giải quyết những vướng mắc trong công tác bồi thường và tổ chức thực hiện chi trả bồi thường. Mức chi tối đa: 80.000 đồng/người/ ngày.

e) Chi họp triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; thông qua phương án bồi thường, các cuộc họp khác có liên quan mà nguồn kinh phí được chi từ tổ chức được giao thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Mức chi tối đa: 80.000 đồng/người/cuộc họp.

g) Chi thuê nhân công thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (nếu có). Mức chi tối đa: 120.000 đồng/người/ngày.

h) Mức chi cho công tác cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất:

- Chi bồi dưỡng cho các thành viên dự họp liên quan đến công tác tổ chức cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất. Mức chi tối đa: 100.000 đồng/người/cuộc họp;

- Chi bồi dưỡng thành viên tham gia thực hiện việc cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất. Mức chi tối đa: 100.000 đồng/ngày/người.

2. Mức chi đối với Hội đồng thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cấp tỉnh hoặc cấp huyện:

a) Chi họp thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; các cuộc họp khác liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng mà nguồn kinh phí được chi từ cơ quan chủ trì thẩm định phương án bồi thường. Mức chi tối đa: 100.000 đồng/người/cuộc.

b) Chi trả thù lao cho cá nhân tham gia thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư làm công tác kiêm nhiệm: Tùy theo nguồn kinh phí thu được và kết quả công việc hàng tháng, Thủ trưởng cơ quan chủ trì thẩm định quyết định mức chi cụ thể cho từng tháng theo tính chất và nội dung công việc của từng người của cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp thực hiện, nhưng mức chi tối đa không quá 50% tiền lương và phụ cấp lương thực tế một tháng của từng cá nhân tham gia.

3. Mức chi quy định tại các Điểm a, b, d, đ, e, g, h Khoản 1; Điểm a Khoản 2 Điều này là mức chi cho thời gian làm việc trong giờ hành chính theo quy định. Trường hợp làm việc ngoài giờ, làm thêm ngày thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ được tính thêm phụ cấp làm ngoài giờ, làm thêm ngày thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ theo quy định.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 5. Xử lý chuyển tiếp

Đối với những dự án, tiểu dự án đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hoặc đang thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo phương án đã được phê duyệt trước khi Quy định này có hiệu lực thi hành thì mức trích lập kinh phí và mức chi cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất được thực hiện theo các quy định tại Quyết định số 1775/2011/QĐ-UBND ngày 22 tháng 8 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang, không áp dụng hoặc điều chỉnh theo Quy định này.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm thực hiện các quy định về việc trích lập kinh phí và chi tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Thông tư số 74/2015/TT-BTC ngày 15 tháng 5 năm 2015 của Bộ Tài chính và Quy định này.

Trong quá trình thực hiện có vấn đề gì vướng mắc, các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố kịp thời phản ánh về Sở Tài chính để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.