Quyết định 721/2017/QĐ-UBND Quy định thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2021
- Số hiệu văn bản: 721/2017/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
- Ngày ban hành: 09-03-2017
- Ngày có hiệu lực: 20-03-2017
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-04-2020
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1108 ngày (3 năm 0 tháng 13 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 01-04-2020
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 721/2017/QĐ-UBND | Thanh Hóa, ngày 09 tháng 3 năm 2017 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ THỰC HIỆN CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA, GIAI ĐOẠN 2016 - 2021
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23/6/2014;
Căn cứ Nghị định số 130/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 về sản xuất và cung ứng dịch vụ công ích; Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 quy định chi tiết một số điều Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 về quản lý chất thải và phế liệu của Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số 322/QĐ-BXD ngày 06/4/2012 của Bộ Xây dựng về việc công bố suất vốn đầu tư xây dựng và mức chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt;
Căn cứ Nghị quyết số 28/2016/NQ-HĐND ngày 08/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016 - 2021;
Căn cứ Quyết định số 3407/QĐ-UBND ngày 08/9/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025;
Theo đề nghị tại Tờ trình số 230/TTr-STNMT ngày 27/02/2017 của Sở Tài nguyên và Môi trường; Báo cáo thẩm định số 45/BCTĐ-STP ngày 23/02/2017 của Sở Tư pháp.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016 - 2021.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/3/2017.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
VỀ THỰC HIỆN CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA, GIAI ĐOẠN 2016 - 2021
(Ban hành kèm theo Quyết định số 721/2017/QĐ- UBND ngày 09 tháng 3 năm 2017 của UBND tỉnh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh:
Quy định này quy định về phương thức hỗ trợ kinh phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Điều 2. Đối tượng áp dụng:
1. Các tổ chức, cá nhân (sau đây gọi tắt là Nhà đầu tư) có dự án đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt hoặc công nghệ hỗn hợp (đốt kết hợp sản xuất phân vi sinh, tái chế phế liệu) đáp ứng yêu cầu theo Nghị quyết số 28/2016/NQ-HĐND ngày 08/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016 - 2021.
2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến thực hiện chính sách xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Phương thức hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng ngoài dự án (đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống điện):
1. Quy trình thực hiện:
a)Hằng năm, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch đầu tư, lập dự toán kinh phí hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng bên ngoài khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt dự kiến đầu tư và báo cáo nhu cầu hỗ trợ gửi Kế hoạch và đầu tư tổng hợp, tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí trong kế hoạch dự toán năm tiếp theo để thực hiện.
b) Trên cơ sở 50% kinh phí hỗ trợ của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tự cân đối thêm 50% kinh phí trong nguồn kinh phí của huyện để thanh toán trực tiếp cho Nhà đầu tư.
2. Cách thức chi trả:
a) Đối với các công trình hạ tầng ngoài dự án do Nhà đầu tư tự thực hiện bằng nguồn vốn do Nhà đầu tư ứng trước, sau khi hoàn thành xong công trình, Nhà đầu tư lập hồ sơ đề nghị thanh toán gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố để xem xét, UBND các huyện, thị xã, thành phố gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Trên cơ sở kinh phí đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết toán, UBND huyện thanh toán trực tiếp cho nhà đầu tư.
b) Đối với các công trình hạ tầng ngoài dự án do UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện, sau khi thực hiện xong công trình, UBND các huyện, thị xã, thành phố lập hồ sơ đề nghị thanh toán gửi sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
3. Hồ sơ thanh toán: Thực hiện theo quy định về thanh quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản và theo quy định của Luật ngân sách.
Điều 4. Hỗ trợ kinh phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt:
1. Hằng năm, UBND các huyện, thị xã, thành phố lập dự toán kinh phí hỗ trợ xử lý chất thải rắn sinh hoạt gửi Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật để bố trí trong dự toán kinh phí hằng năm của huyện, thị xã, thành phố.
2. Trên cơ sở kinh phí hỗ trợ, UBND các huyện, thị xã, thành phố chi trả trực tiếp cho đối tượng được thụ hưởng và thanh quyết toán theo quy định của pháp luật.
3. Phương thức chi trả: Đối với khu xử lý chất thải rắn có hệ thống cân trực tiếp khối lượng thực tế, được chi trả theo khối lượng nhân với mức hỗ trợ quy định tại Nghị quyết số 28/2016/NQ-HĐND ngày 08/12/2016 của HĐND tỉnh. Đối với khu xử lý chất thải rắn không có hệ thống cân trực tiếp, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt xử lý tính theo định mức phát thải bình quân đầu người và theo thống kê dân số của năm trước liền kề (tại khu vực đô thị, định mức phát thải bằng 1,0 kg/người/ngày; tại khu vực nông thôn, định mức phát thải bằng 0,55kg/người/ngày) nhân với mức hỗ trợ quy định tại Nghị quyết số 28/2016/NQ-HĐND ngày 08/12/2016 của HĐND tỉnh.
4. Thời điểm chi trả: Định kỳ hằng quý, Nhà đầu tư lập hồ sơ xác nhận khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đã xử lý, gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố để thanh toán chi phí xử lý.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 5. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường:
1. Chủ trì phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Xây dựng, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan kiểm tra, đánh giá các thông số kỹ thuật cơ bản của công trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt trước khi đi vào hoạt động chính thức; kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, thẩm định, xác nhận các công trình đủ điều kiện làm cơ sở báo cáo UBND tỉnh hỗ trợ chi phí xử lý.
2. Hướng dẫn UBND các huyện, thị xã thành phố lập dự toán hỗ trợ xử lý chất thải rắn sinh hoạt hằng năm để thẩm định, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí thực hiện.
Điều 6. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Hằng năm, căn cứ nhu cầu hỗ trợ của UBND các huyện, thị xã, thành phố, tổng hợp, tham mưu cho UBND tỉnh bố trí vốn cho các huyện, thị xã, thành phố;
Điều 7. Trách nhiệm của sở Tài chính:
1. Hướng dẫn UBND các huyện, thị xã thành phố lập dự toán hỗ trợ đầu tư công trình hạ tầng ngoài dự án và hỗ trợ xử lý chất thải rắn sinh hoạt hằng năm để tổng hợp, trình UBND tỉnh bố trí vốn cho các huyện, thị xã, thành phố;
2. Kiểm tra, giám sát việc quản lý, thanh quyết toán cho các Nhà đầu tư theo đúng quy định.
Điều 8. Trách nhiệm của các Sở, ban ngành liên quan:
Các Sở, ban, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao, hướng dẫn Nhà đầu tư và UBND các huyện, thị xã thành phố thực hiện theo quy định.
Điều 9. Trách nhiệm của UBND các huyện, thị xã, thành phố:
1. Thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng; hỗ trợ Nhà đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động của dự án.
2. Xây dựng dự toán kinh phí gửi Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường để thẩm định, tổng hợp vào dự toán hằng năm.
3. Giám sát, kiểm tra hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt của dự án trên địa bàn mình quản lý; xác nhận khối lượng chất thải sinh hoạt được xử lý và chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với hồ sơ đề nghị thanh toán xử lý chất thải rắn sinh hoạt của Nhà đầu tư.
4. Thực hiện thanh toán đầy đủ chi phí hỗ trợ cho Nhà đầu tư theo đúng các quy định của pháp luật.
Điều 10. Trách nhiệm của Nhà đầu tư:
1. Vận hành khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh môi trường.
2. Lập hồ sơ khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đã được xử lý trình UBND huyện, thị xã, thành phố thẩm định.
3. Chịu sự kiểm tra giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.
Điều 11. Điều khoản thi hành:
Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.