Nghị định số 136/2018/NĐ-CP ngày 05/10/2018 của Chính phủ Sửa đổi Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường
- Số hiệu văn bản: 136/2018/NĐ-CP
- Loại văn bản: Nghị định
- Cơ quan ban hành: Chính phủ
- Ngày ban hành: 05-10-2018
- Ngày có hiệu lực: 05-10-2018
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 03-01-2020
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2243 ngày (6 năm 1 tháng 23 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 136/2018/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 05 tháng 10 năm 2018 |
NGHỊ ĐỊNH
SỬA ĐỔI MỘT SỐ ĐIỀU CỦA CÁC NGHỊ ĐỊNH LIÊN QUAN ĐẾN ĐIỀU KIỆN ĐẦU TƯ KINH DOANH THUỘC LĨNH VỰC TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Khí tượng thủy văn ngày 23 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 21 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 17 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Điều 1. Sửa đổi, bãi bỏ một số điểm, khoản tại các điều của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai (đã được sửa đổi, bổ sung Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai)
1. Sửa đổi Điều 5a như sau:
“Điều 5a. Điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân thực hiện điều tra, đánh giá đất đai
1. Tổ chức sự nghiệp, doanh nghiệp được thực hiện điều tra, đánh giá đất đai khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có chức năng thực hiện điều tra, đánh giá đất đai đối với các tổ chức sự nghiệp của Nhà nước;
b) Có ít nhất 02 (hai) cá nhân đủ điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Cá nhân thực hiện điều tra, đánh giá đất đai trong tổ chức có chức năng điều tra, đánh giá đất đai khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có trình độ từ đại học trở lên thuộc các chuyên ngành về quản lý đất đai, địa chính, khoa học đất, thổ nhưỡng, môi trường và các chuyên ngành khác có liên quan đến điều tra, đánh giá đất đai;
b) Có thời gian công tác trong lĩnh vực quản lý tài nguyên đất hoặc điều tra, đánh giá đất đai từ 30 (ba mươi) tháng trở lên.
3. Tổ chức thực hiện phân tích mẫu đất có phòng phân tích đất hoặc thuê phòng phân tích đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp chứng nhận”.
2. Sửa đổi khoản 1 và khoản 2 Điều 5b như sau:
“1. Điều kiện của tổ chức, cá nhân hoạt động về xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, xây dựng phần mềm của hệ thống thông tin đất đai được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin và các pháp luật khác có liên quan.
2. Tổ chức sự nghiệp, doanh nghiệp được hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có chức năng xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đối với các tổ chức sự nghiệp của Nhà nước;
b) Có ít nhất 05 (năm) cá nhân đối với hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cấp huyện, có ít nhất 10 (mười) cá nhân đối với hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cấp tỉnh và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tại Trung ương đủ điều kiện quy định tại khoản 3 Điều này”.
3. Sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 10 như sau:
“b) Có ít nhất 02 (hai) cá nhân đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này”.
4. Bãi bỏ điểm a khoản 3 Điều 5b, gạch đầu dòng thứ 3 điểm a khoản 5 Điều 5b, điểm a khoản 2 Điều 10.
Điều 2. Sửa đổi một số khoản tại Điều 20 của Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về định giá đất (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai)
1. Sửa đổi khoản 2 như sau:
“2. Cá nhân chỉ được hành nghề tư vấn xác định giá đất trong tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có Chứng chỉ định giá đất được cấp theo quy định của pháp luật về đất đai;
b) Có Thẻ thẩm định viên về giá hoặc Chứng chỉ định giá bất động sản và Giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa học bồi dưỡng về định giá đất theo chương trình bồi dưỡng về định giá đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành”.
2. Sửa đổi khoản 3 như sau:
“3. Cá nhân được cấp Chứng chỉ định giá đất phải có đủ các điều kiện sau:
a) Có trình độ từ đại học trở lên thuộc các chuyên ngành về quản lý đất đai, địa chính, bất động sản, vật giá, thẩm định giá, kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, ngân hàng, kinh tế-kỹ thuật, kỹ thuật, luật;
b) Có thời gian công tác thực tế theo chuyên ngành đào tạo từ 36 (ba mươi sáu) tháng trở lên sau khi có bằng tốt nghiệp chuyên ngành quy định tại điểm a Khoản này tính đến ngày nộp hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ định giá đất;
c) Có Giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa học bồi dưỡng về định giá đất theo chương trình bồi dưỡng về định giá đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành”.
Điều 3. Sửa đổi, bãi bỏ một số điểm, khoản tại các điều của Nghị định số 127/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ quy định quy định điều kiện của tổ chức hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường
1. Sửa đổi khoản 1 Điều 8 như sau:
“1. Có Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận hoạt động khoa học và công nghệ hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp”.
2. Sửa đổi điểm đ khoản 3 Điều 8 như sau:
“đ) Có trụ sở làm việc và đủ diện tích đặc thù để bảo đảm chất lượng công tác quan trắc tại hiện trường”.
3. Sửa đổi khoản 1 Điều 9 như sau:
“1. Có Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận hoạt động khoa học và công nghệ hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp”.
4. Sửa đổi điểm c khoản 2 Điều 9 như sau:
“c) Người quản lý phòng thí nghiệm phải có trình độ đại học trở lên với một trong các chuyên ngành về hóa học, môi trường, sinh học, thổ nhưỡng, vật lý hạt nhân, phóng xạ, địa lý, địa chất và phải có tối thiểu 04 (bốn) năm kinh nghiệm đối với trường hợp có trình độ đại học, 03 (ba) năm kinh nghiệm đối với trường hợp có trình độ Thạc sỹ, 01 (một) năm kinh nghiệm đối với trường hợp có trình độ Tiến sỹ trong lĩnh vực phân tích môi trường;”.
5. Sửa đổi điểm e, điểm g khoản 3 Điều 9 như sau:
“e) Có trụ sở, diện tích làm việc để thực hiện hoạt động phân tích môi trường và phải bảo đảm duy trì tốt điều kiện môi trường phòng thí nghiệm (về ánh sáng, nguồn điện, độ ẩm, nhiệt độ, vô trùng, chế độ thông gió) theo yêu cầu của phép phân tích do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định hoặc yêu cầu của nhà sản xuất;
g) Có biện pháp bảo vệ môi trường và tuân thủ nghiêm ngặt việc quản lý, thu gom và xử lý chất thải phòng thí nghiệm theo đúng quy định của pháp luật”.
6. Bãi bỏ điểm a khoản 2 Điều 8; điểm d khoản 3 Điều 8; điểm a khoản 2 Điều 9; điểm d khoản 3 Điều 9.
Điều 4. Bãi bỏ Điều 9 và Điều 13 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành các quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường
Điều 5. Bãi bỏ điểm d khoản 5 Điều 22 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường
Điều 6. Sửa đổi, bãi bỏ một số điểm tại các điều của Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu
1 .Sửa đổi điểm a khoản 5 Điều 9 như sau:
“a) Một cơ sở xử lý chất thải nguy hại phải có ít nhất 01 (một) người đảm nhiệm việc quản lý, điều hành; có ít nhất 01 (một) người hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật có trình độ chuyên môn thuộc chuyên ngành liên quan đến môi trường hoặc hóa học;”.
2. Bãi bỏ điểm c khoản 5 Điều 9, gạch đầu dòng thứ tư điểm a, điểm b khoản 1 Điều 56.
Điều 7. Sửa đổi, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 60/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường
1. Sửa đổi Điều 4 như sau:
“Điều 4. Điều kiện để được cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất
Tổ chức, cá nhân hành nghề khoan nước dưới đất có đủ các điều kiện sau đây:
1. Có quyết định thành lập tổ chức của cấp có thẩm quyền hoặc một trong các loại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với tổ chức hoặc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đối với nhóm cá nhân, hộ gia đình do cơ quan có thẩm quyền cấp.
2. Người đứng đầu tổ chức (Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc) hoặc người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật của tổ chức, cá nhân hành nghề (sau đây gọi chung là người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật) phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Đối với hành nghề khoan nước dưới đất quy mô nhỏ:
Có trình độ chuyên môn tốt nghiệp trung cấp trở lên thuộc các ngành địa chất (địa chất thăm dò, địa chất thủy văn, địa chất công trình, địa kỹ thuật), khoan hoặc công nhân khoan có tay nghề bậc 3/7 hoặc tương đương trở lên; đã trực tiếp tham gia thiết kế, lập báo cáo hoặc thi công khoan ít nhất 03 (ba) công trình khoan nước dưới đất.
Trường hợp không có một trong các văn bằng quy định nêu trên thì đã trực tiếp thi công ít nhất 05 (năm) công trình khoan nước dưới đất;
b) Đối với hành nghề khoan nước dưới đất quy mô vừa:
Có trình độ chuyên môn tốt nghiệp trung cấp trở lên thuộc các ngành địa chất (địa chất thăm dò, địa chất thủy văn, địa chất công trình, địa kỹ thuật), khoan; đã trực tiếp tham gia lập đề án, báo cáo thăm dò, thiết kế hệ thống giếng khai thác hoặc chỉ đạo thi công ít nhất 03 (ba) công trình khoan nước dưới đất có lưu lượng từ 200 m3/ngày đêm trở lên;
c) Đối với hành nghề khoan nước dưới đất quy mô lớn:
Có trình độ chuyên môn tốt nghiệp đại học trở lên thuộc các ngành địa chất (địa chất thăm dò, địa chất thủy văn, địa chất công trình, địa kỹ thuật), khoan; đã trực tiếp tham gia lập đề án, báo cáo thăm dò, thiết kế hệ thống giếng khai thác hoặc chỉ đạo thi công ít nhất 03 (ba) công trình khoan nước dưới đất có lưu lượng từ 3.000m3/ngày đêm trở lên.”.
2. Sửa đổi khoản 2 Điều 5 như sau:
“2. Có đội ngũ cán bộ chuyên môn tham gia thực hiện đề án, dự án, báo cáo đáp ứng điều kiện sau đây:
a) Đối với đề án, dự án điều tra cơ bản, lập quy hoạch tài nguyên nước: có cơ cấu chuyên môn đáp ứng quy định tại Điều 6, người được giao phụ trách kỹ thuật đáp ứng quy định tại Điều 7 của Nghị định này;
b) Đối với lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước: có cơ cấu chuyên môn đáp ứng quy định tại Điều 8 của Nghị định này”.
3. Sửa đổi Điều 6 như sau:
"Điều 6. Điều kiện đối với đội ngũ cán bộ chuyên môn của tổ chức tham gia thực hiện đề án, dự án điều tra cơ bản, tư vấn lập quy hoạch tài nguyên nước
Có cán bộ được đào tạo các chuyên ngành liên quan đến nước mặt, nước biển (thủy văn, hải văn, thủy văn công trình, thủy văn môi trường, kỹ thuật tài nguyên nước), nước dưới đất (địa chất, địa chất thủy văn, địa chất công trình, khoan thăm dò, địa vật lý, địa kỹ thuật), môi trường (khoa học môi trường, công nghệ môi trường, kỹ thuật môi trường, quản lý môi trường), quản lý tài nguyên nước hoặc các chuyên ngành đào tạo khác có liên quan đến tài nguyên nước. Cơ cấu cán bộ chuyên môn phải phù hợp với nội dung cụ thể của từng đề án, dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước; dự án lập quy hoạch tài nguyên nước.”
4. Sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 7 như sau:
“b) Kinh nghiệm công tác: Có ít nhất 03 (ba) năm kinh nghiệm trong hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước, lập quy hoạch tài nguyên nước hoặc đã tham gia thực hiện ít nhất 02 (hai) đề án, dự án điều tra cơ bản, lập quy hoạch tài nguyên nước.”.
5. Sửa đổi điểm b khoản 2 Điều 7 như sau:
“b) Kinh nghiệm công tác: Có ít nhất 05 (năm) năm kinh nghiệm trong hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước, lập quy hoạch tài nguyên nước hoặc đã tham gia thực hiện ít nhất 03 (ba) đề án, dự án điều tra cơ bản, lập quy hoạch tài nguyên nước.”.
6. Sửa đổi khoản 1 Điều 8 như sau:
“1. Cán bộ chuyên môn: có cán bộ được đào tạo các chuyên ngành quy định tại khoản 2 của Điều này.”
7. Sửa đổi khoản 3 Điều 8 như sau:
“3. Kinh nghiệm công tác: người phụ trách kỹ thuật của đề án, báo cáo đã trực tiếp tham gia lập ít nhất 03 (ba) đề án, báo cáo;”.
8. Sửa đổi khoản 2 Điều 9 như sau:
“2. Kinh nghiệm công tác: đã là người phụ trách kỹ thuật của ít nhất 05 (năm) đề án, báo cáo”.
9. Sửa đổi điểm d khoản 1 Điều 14 như sau:
“d) Đối với đề án thăm dò khoáng sản độc hại, phải có thời gian tham gia thi công với tư cách là cán bộ kỹ thuật địa chất ít nhất 01 (một) đề án thăm dò khoáng sản độc hại hoặc đã làm chủ nhiệm 01 (một) đề án thăm dò khoáng sản từ khi lập đề án đến lập báo cáo kết thúc được cấp trên phê duyệt”.
10. Sửa đổi khoản 3 Điều 14 như sau:
“3. Trong cùng một thời gian, chủ nhiệm đề án thăm dò khoáng sản chỉ đảm nhận chức trách tối đa 02 (hai) đề án thăm dò khoáng sản”.
11. Sửa đổi Điều 31 như sau:
“Điều 31. Điều kiện cấp phép xử lý chất thải nguy hại
Tổ chức, cá nhân đăng ký cấp giấy phép xử lý CTNH phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 9 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu và các yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý liên quan đến điều kiện cấp phép xử lý CTNH gồm:
1. Các phương tiện, thiết bị lưu giữ, vận chuyển và xử lý CTNH (kể cả sơ chế, tái chế, đồng xử lý, thu hồi năng lượng từ CTNH) phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Phương tiện vận chuyển CTNH phải có hệ thống định vị vệ tinh (GPS) được kết nối mạng thông tin trực tuyến để xác định vị trí và ghi lại hành trình vận chuyển CTNH.
3. Một phương tiện, thiết bị chỉ được đăng ký cho một giấy phép xử lý CTNH, trừ các phương tiện vận chuyển đường biển, đường sắt, đường hàng không.
4. Công trình bảo vệ môi trường tại cơ sở xử lý CTNH và trạm trung chuyển CTNH (nếu có) phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này.
5. Tổ chức, cá nhân đăng ký cấp phép xử lý CTNH phải lập các bảng hướng dẫn dạng rút gọn hoặc dạng sơ đồ về quy trình vận hành an toàn quy định tại khoản 6, 7 và 8 Điều 9 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu với kích thước phù hợp và lắp đặt tại vị trí thuận tiện để quan sát trên phương tiện vận chuyển, trong cơ sở xử lý và trạm trung chuyển CTNH (nếu có)”.
12. Bãi bỏ khoản 4 và khoản 5 Điều 5, Điều 10, Điều 15, Điều 16, Điều 26, Điều 27, Điều 28, Điều 29 và Điều 30.
Điều 8. Sửa đổi, bãi bỏ một số điểm, khoản tại các điều của Nghị định số 104/2009/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ quy định Danh mục hàng nguy hiểm và vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ
1. Sửa đổi điểm c khoản 2 Điều 10 như sau:
“Bộ Công Thương xây dựng, bổ sung các quy định về các loại xăng dầu, khí đốt; các hóa chất nguy hiểm và các hóa chất độc nguy hiểm;”.
2. Bãi bỏ điểm đ khoản 2 Điều 10 và khoản 5 Điều 18.
Điều 9. Sửa đổi một số khoản tại các điều của Nghị định số 201/2012/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước
1. Sửa đổi khoản 2 Điều 14 như sau:
“2. Tổ chức, cá nhân thi công công trình thăm dò nước dưới đất phải đáp ứng đủ các điều kiện về hành nghề khoan nước dưới đất và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất.”.
2. Sửa đổi khoản 2 Điều 20 như sau:
“2. Có đề án, báo cáo phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước đã được phê duyệt hoặc phù hợp với khả năng nguồn nước, khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước nếu chưa có quy hoạch tài nguyên nước. Đề án, báo cáo phải do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định lập; thông tin, số liệu sử dụng để lập đề án, báo cáo phải bảo đảm đầy đủ, rõ ràng, chính xác và trung thực”.
Điều 10. Sửa đổi khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 11 Nghị định số 45/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định về hoạt động đo đạc và bản đồ
1. Sửa đổi khoản 1 như sau:
“1. Là doanh nghiệp hoặc đơn vị sự nghiệp có chức năng, nhiệm vụ hoạt động đo đạc và bản đồ”.
2. Sửa đổi điểm a khoản 2 như sau:
“a) Người phụ trách kỹ thuật về đo đạc và bản đồ phải có trình độ đại học trở lên thuộc chuyên ngành về đo đạc và bản đồ, có thời gian hoạt động thực tế ít nhất là 05 (năm) năm phù hợp ít nhất một nội dung hoạt động đo đạc và bản đồ của tổ chức đề nghị cấp giấy phép, không được đồng thời là người phụ trách kỹ thuật về đo đạc và bản đồ của tổ chức khác;”.
Điều 11. Sửa đổi khoản 3 Điều 9 của Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khí tượng thủy văn
“3. Có đội ngũ nhân lực tối thiểu 01 (một) người tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành khí tượng thủy văn và có ít nhất 03 (ba) năm kinh nghiệm hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.”.
Điều 12. Xử lý chuyển tiếp
1. Cơ quan quản lý nhà nước không yêu cầu điều kiện, tiếp nhận, xử lý hồ sơ đối với những điều kiện đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính đã được cắt giảm tại Nghị định này.
2. Các yêu cầu điều kiện đầu tư kinh doanh, hồ sơ đã được tiếp nhận trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì xử lý theo quy định của các Nghị định hiện hành tại thời điểm tiếp nhận.
Điều 13. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ký.
Điều 14. Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
| TM. CHÍNH PHỦ |