Thông tư số 28/2018/TT-BVHTTDL ngày 26/09/2018 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn Leo núi thể thao
- Số hiệu văn bản: 28/2018/TT-BVHTTDL
- Loại văn bản: Thông tư
- Cơ quan ban hành: Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch
- Ngày ban hành: 26-09-2018
- Ngày có hiệu lực: 01-12-2018
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 01-12-2021
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2171 ngày (5 năm 11 tháng 16 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Hà Nội, ngày 26 tháng 9 năm 2018 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ CƠ SỞ VẬT CHẤT, TRANG THIẾT BỊ VÀ TẬP HUẤN NHÂN VIÊN CHUYÊN MÔN ĐỐI VỚI MÔN LEO NÚI THỂ THAO
Căn cứ Luật Thể dục, thể thao ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 106/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao;
Căn cứ Nghị định số 79/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao;
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn Leo núi thể thao.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Thông tư này quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đáp ứng yêu cầu hoạt động tập luyện và thi đấu môn Leo núi thể thao.
2. Tiêu chuẩn cơ sở vật chất, trang thiết bị cho tập luyện và thi đấu thể thao thành tích cao môn Leo núi thể thao được thực hiện theo quy định tại Điều 43 Luật Thể dục, thể thao.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tổ chức tập luyện, thi đấu và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn Leo núi thể thao tại Việt Nam.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Leo núi thể thao bao gồm leo núi nhân tạo và leo núi tự nhiên.
2. Leo dẫn đường (Lead) là hình thức leo có sử dụng dây bảo vệ, người leo mang theo dây từ dưới, vừa leo lên cao vừa móc dây vào các chốt bảo vệ được lắp cố định sẵn trên tuyến leo.
3. Leo với dây neo sẵn (Top-Rope) là hình thức leo có sử dụng dây bảo vệ được cố định sẵn từ trên đỉnh tuyến leo.
4. Leo khối đá (Bouldering) là hình thức leo theo các tuyến leo ngắn, không sử dụng dây bảo vệ mà sử dụng các tấm đệm bảo hộ dưới đất.
Điều 4. Cơ sở vật chất tập luyện và thi đấu đối với leo núi nhân tạo
1. Tường leo
a) Tường leo đối với leo dẫn đường và leo với dây neo sẵn:
- Bảo đảm chiều cao ít nhất 4,5m khi tổ chức tập luyện;
- Bảo đảm chiều cao ít nhất 8m khi tổ chức giải thi đấu cấp tỉnh, thành phố, câu lạc bộ;
- Bảo đảm chiều cao ít nhất 12m khi tổ chức giải thi đấu quốc gia.
b) Tường leo đối với leo khối đá:
- Chiều cao không vượt quá 4,5m và có đệm bảo hộ dưới đất;
- Đối với tường leo độ cao từ 3m trở xuống: Đệm bảo hộ dưới đất dày ít nhất 12cm và có tính đàn hồi;
- Đối với tường leo độ cao từ 3m đến 4,5m: Đệm bảo hộ dưới đất dày ít nhất 20cm và có tính đàn hồi.
2. Mấu bám trên tường leo bảo đảm không bị lỏng hoặc xoay vặn và theo tiêu chuẩn của Liên đoàn Leo núi quốc tế.
3. Khung kết cấu tường leo bảo đảm chịu được tải trọng của toàn bộ tường leo và lực tác động của người leo.
4. Có bảng nội quy quy định về giờ tập luyện, trang phục tập luyện và biện pháp bảo đảm an toàn khi tập luyện và thi đấu.
5. Có khu vực vệ sinh, thay đồ, nơi để đồ dùng cá nhân cho người tập.
Điều 5. Cơ sở vật chất tập luyện và thi đấu đối với Leo núi tự nhiên
1. Vách leo
a) Vách leo đối với leo dẫn đường và leo với dây neo sẵn:
Các tuyến leo được cố định sẵn trên vách leo, các chốt an toàn được lắp đặt theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất và đảm bảo tiêu chuẩn của Liên đoàn Leo núi Quốc tế.
b) Vách leo đối với leo khối đá:
- Bảo đảm chiều cao không vượt quá 4,5m và có đệm bảo hộ dưới đất được đặt trên địa hình bằng phẳng;
- Đối với độ cao từ 3m trở xuống: đệm bảo hộ dưới đất dày ít nhất 12cm và có tính đàn hồi;
- Đối với độ cao từ 3m đến 4,5m: đệm bảo hộ dưới đất dày ít nhất 20cm và có tính đàn hồi.
3. Có bảng nội quy theo quy định tại Khoản 4 Điều 4 Thông tư này và bảng chỉ dẫn được đặt ở những vị trí dễ nhận biết trong khu vực leo. Nội dung bảng chỉ dẫn quy định về bản đồ khu vực leo, vạch giới hạn khu vực leo, số điện thoại của người có trách nhiệm quản lý leo và cách thức liên lạc khi cần thiết.
Điều 6. Trang thiết bị tập luyện và thi đấu
1. Có giầy leo núi chuyên dụng, dây leo núi, đai bảo hiểm, móc leo, thiết bị hãm, móc khóa carabiner, mũ bảo hiểm chuyên dụng, túi phấn, dây phụ trợ tùy theo loại hình leo núi. Các thiết bị leo núi phải đảm bảo tiêu chuẩn của Liên đoàn leo núi quốc tế.
2. Bảo đảm thông tin liên lạc giữa người tập leo núi, người hướng dẫn tập luyện với bộ phận điều hành tại địa điểm tập luyện, thi đấu và cơ sở y tế.
Điều 7. Mật độ tập luyện, hướng dẫn tập luyện và cứu hộ
1. Mỗi người hướng dẫn tập luyện hướng dẫn không quá 15 người trong 01 giờ học.
2. Có nhân viên cứu hộ thường trực, bảo đảm 15 người tập có 01 nhân viên cứu hộ.
Điều 8. Tập huấn nhân viên chuyên môn
1. Tổng cục Thể dục thể thao, tổ chức xã hội - nghề nghiệp về leo núi thể thao cấp quốc gia hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tập huấn chuyên môn cho người hướng dẫn tập luyện, nhân viên cứu hộ môn Leo núi thể thao.
2. Tổng cục Thể dục thể thao có trách nhiệm xây dựng nội dung, chương trình và thời gian tập huấn chuyên môn cho người hướng dẫn tập luyện, nhân viên cứu hộ môn Leo núi thể thao trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định.
3. Giấy chứng nhận tập huấn chuyên môn cho người hướng dẫn tập luyện, nhân viên cứu hộ môn Leo núi thể thao do cơ quan tổ chức tập huấn cấp. Mẫu giấy chứng nhận được quy định tại Phụ lục 1 và Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 9. Tổ chức thực hiện
1. Tổng cục Thể dục thể thao có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.
2. Cơ quan thanh tra Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành thanh tra, xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân khi tổ chức tập luyện và thi đấu môn Leo núi thể thao vi phạm các quy định tại Thông tư này.
3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.
Điều 10. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 12 năm 2018.
Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị các cơ quan tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để nghiên cứu, giải quyết.
| BỘ TRƯỞNG |
PHỤ LỤC I
(Ban hành theo Thông tư số: 28/2018/TT-BVHTTDL ngày 26 tháng 9 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
Mẫu Giấy chứng nhận tập huấn chuyên môn cho người hướng dẫn tập luyện môn Leo núi thể thao
|
Ghi chú:
(1) Tên cơ quan, tổ chức chủ quản trực tiếp (nếu có).
(2) Tên cơ quan, tổ chức cấp giấy chứng nhận.
(3) Chữ viết tắt tên cơ quan, tổ chức cấp giấy chứng nhận.
(4) Địa danh.
PHỤ LỤC II
(Ban hành theo Thông tư số: 28/2018/TT-BVHTTDL ngày 26 tháng 9 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
Mẫu giấy chứng nhận tập huấn chuyên môn cho nhân viên cứu hộ môn Leo núi thể thao
|
Ghi chú:
(1) Tên cơ quan, tổ chức chủ quản trực tiếp (nếu có).
(2) Tên cơ quan, tổ chức cấp giấy chứng nhận.
(3) Chữ viết tắt tên cơ quan, tổ chức cấp giấy chứng nhận.
(4) Địa danh.