cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Văn bản hợp nhất số 62/VBHN-BTC ngày 06/12/2019 của Bộ Tài chính hợp nhất Thông tư quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm

  • Số hiệu văn bản: 62/VBHN-BTC
  • Loại văn bản: Văn bản hợp nhất
  • Cơ quan ban hành: Bộ Tài chính
  • Ngày ban hành: 06-12-2019
  • Ngày có hiệu lực: 06-12-2019
  • Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1814 ngày (4 năm 11 tháng 24 ngày)
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 62/VBHN-BTC

Hà Nội, ngày 06 tháng 12 năm 2019

 

THÔNG TƯ[1]

QUY ĐỊNH MỨC THU, CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG PHÍ TRONG LĨNH VỰC GIAO DỊCH BẢO ĐẢM

Thông tư số 202/2016/TT-BTC ngày 09 tháng 11 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí trong lĩnh vực giao dịch bảo đảm, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2017, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Thông tư số 113/2017/TT-BTC ngày 20 tháng 10 năm 2016 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 202/2016/TT-BTC ngày 09 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí trong lĩnh vực giao dịch bảo đảm, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11 tháng 12 năm 2017.

Căn cứ Luật phí và lệ phí ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế,

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm.[2]

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm.

2. Thông tư này áp dụng đối với người nộp, tổ chức thu phí đăng ký giao dịch bảo đảm; phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng động sản (trừ tàu bay), tàu biển; phí cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm và tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thu, nộp, quản lý, sử dụng phí đăng ký giao dịch bảo đảm; phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng động sản (trừ tàu bay), tàu biển; phí cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm.

Điều 2. Người nộp phí

Tổ chức, cá nhân khi yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm, cấp bản sao văn bản chứng nhận nội dung đăng ký giao dịch bảo đảm, cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì phải nộp phí theo quy định.

Điều 3. Tổ chức thu phí

1. Chi cục hàng hải hoặc Cảng vụ hàng hải thuộc Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) thu phí đăng ký giao dịch bảo đảm, phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng tàu biển.

2. Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) thu phí đăng ký giao dịch bảo đảm; phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng động sản (trừ tàu bay, tàu biển).

3. Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) thu phí cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm tại Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm.

Điều 4. Mức thu phí

Mức thu phí trong lĩnh vực giao dịch bảo đảm như sau:

Số TT

Nội dung

Mức thu

1

Phí đăng ký giao dịch bảo đảm

 

a

Đăng ký giao dịch bảo đảm lần đầu bằng động sản (trừ tàu bay), tàu biển

80.000 đồng/hồ sơ

b

Đăng ký thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm đã đăng ký

60.000 đồng/hồ sơ

c

Đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm[3]

30.000 đồng/hồ sơ

d

Xóa đăng ký giao dịch bảo đảm

20.000 đồng/hồ sơ

đ

Cấp bản sao văn bản chứng nhận nội dung đăng ký giao dịch bảo đảm[4]

25.000 đồng/trường hợp

2

Phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng động sản (trừ tàu bay), tàu biển

30.000 đồng/hồ sơ

3

Phí cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm

 

a

Trường hợp đăng ký sử dụng cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm trước ngày 01/7 hàng năm

300.000 đồng/khách hàng/năm

b

Trường hợp đăng ký sử dụng cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm từ ngày 01/7 hàng năm

150.000 đồng/khách hàng/năm

Điều 5. Các đối tượng được miễn phí

1. Các cá nhân, hộ gia đình vay vốn tại tổ chức tín dụng thuộc một trong các lĩnh vực cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn quy định tại Điều 4, Điều 9 Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

2. Yêu cầu sửa chữa sai sót về nội dung đăng ký giao dịch bảo đảm do lỗi của người thực hiện đăng ký.

3. Thông báo việc kê biên tài sản thi hành án, yêu cầu thay đổi nội dung đã thông báo việc kê biên tài sản thi hành án, xóa thông báo việc kê biên của Chấp hành viên theo quy định của pháp luật thi hành án.

4. Thay đổi thông tin của tổ chức, cá nhân sau khi được cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm.

5. Chấp hành viên yêu cầu cung cấp thông tin về tài sản kê biên.

6. Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán yêu cầu cung cấp thông tin phục vụ cho hoạt động tố tụng.

Điều 6. Kê khai, nộp phí

1. Chậm nhất là ngày 05 hàng tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc nhà nước.

2. Tổ chức thu phí thực hiện kê khai, nộp số tiền phí thu được theo tháng, quyết toán năm theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 19, khoản 2 Điều 26 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ.

Điều 7. Quản lý và sử dụng phí

1. Tổ chức thu phí nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho việc thẩm định và thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước.

2. Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ thì thực hiện quản lý, sử dụng tiền phí như sau:

a) Đối với Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản: Số tiền phí thu được được quản lý, sử dụng như sau:

- Trích 80% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho các nội dung chi theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ.

- Chuyển 05% số tiền phí thu được vào tài khoản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm để trang trải chi phí cho việc vận hành, duy trì hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm trực tuyến.

- Nộp 15% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

b) Đối với Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Chi cục hàng hải hoặc Cảng vụ hàng hải: Số tiền phí thu được được quản lý, sử dụng như sau:

Trích lại 85% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho các nội dung chi quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ, nộp 15% tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

Điều 8. Tổ chức thực hiện[5]

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2017 và thay thế Thông tư liên tịch số 69/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 18 tháng 5 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm, phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm và phí sử dụng dịch vụ khách hàng thường xuyên.

2. Các nội dung khác liên quan đến việc thu, nộp, quản lý, sử dụng, chứng từ thu, công khai chế độ thu phí, lệ phí không đề cập tại Thông tư này được thực hiện theo quy định tại Luật phí và lệ phí, Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ; Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính; Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định in, phát hành, quản lý và sử dụng các loại chứng từ thu phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, hướng dẫn bổ sung./.

 

 

XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Vũ Thị Mai

 



[1] Văn bản này được hợp nhất từ 02 Thông tư sau:

-Thông tư số 202/2016/TT-BTC ngày 09 tháng 11 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí trong lĩnh vực giao dịch bảo đảm, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2017.

-Thông tư số 113/2017/TT-BTC ngày 20 tháng 10 năm 2016 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 202/2016/TT-BTC ngày 09 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí trong lĩnh vực giao dịch bảo đảm, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11 tháng 12 năm 2017 (Sau đây gọi tắt là Thông tư số 113/2017/TT-BTC).

Văn bản hợp nhất này không thay thế 02 Thông tư nêu trên.

[2] Thông tư số 113/2017/TT-BTC có căn cứ ban hành như sau:

“Căn cứ Luật phí và lệ phí ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Thực hiện Nghị quyết số 75/NQ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2017;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế,

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 202/2016/TT-BTC ngày 09 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm.”

[3] Điểm này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Điều 1 Thông tư số 113/2017/TT-BTC , có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11 tháng 12 năm 2017.

[4] Điểm này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Điều 1 Thông tư số 113/2017/TT-BTC , có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11 tháng 12 năm 2017.

[5] Điều 2 Thông tư số 113/2017/TT-BTC quy định như sau:

“Điều 2. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11 tháng 12 năm 2017.

2. Trong quá trình triển khai thực hiện, nêu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.”