Thông báo số 311/TB-VPCP ngày 30/08/2019 Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về dự thảo Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2019, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020
- Số hiệu văn bản: 311/TB-VPCP
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Cơ quan ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Ngày ban hành: 30-08-2019
- Ngày có hiệu lực: 30-08-2019
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1913 ngày (5 năm 2 tháng 28 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 311/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 30 tháng 08 năm 2019 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC VỀ DỰ THẢO BÁO CÁO TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2019, DỰ KIẾN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2020
Ngày 28 tháng 8 năm 2019, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2019, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 (Báo cáo). Tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Quốc phòng, Công an, Công Thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Xây dựng, Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban dân tộc, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng cục Thống kê.
Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày Báo cáo, ý kiến phát biểu của các Phó Thủ tướng, các đại biểu tham dự cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận như sau:
1. Đánh giá cao sự chủ động của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc chuẩn bị và xây dựng dự thảo Báo cáo khi còn nhiều Bộ, cơ quan chưa gửi báo cáo theo yêu cầu.
2. Yêu cầu các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khẩn trương có văn bản góp ý đối với dự thảo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được trình bày tại cuộc họp, bảo đảm ngắn gọn, xúc tích và gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư chậm nhất ngày 30 tháng 8 năm 2019, trong đó lưu ý làm rõ: bối cảnh tình hình trong, ngoài nước và các áp lực, khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội của năm 2019; các vấn đề bứt phá của năm 2019 so với năm 2018 trong ngành, lĩnh vực quản lý; vấn đề đổi mới sáng tạo, thay đổi về mô hình phát triển, nâng cao đời sống nhân dân; vai trò chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu tối đa các ý kiến phát biểu tại cuộc họp, ý kiến góp ý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ để hoàn thiện dự thảo Báo cáo, bảo đảm chất lượng, rõ nét, thuyết phục hơn; báo cáo Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2019; trong đó lưu ý một số nội dung sau:
a) Đối với năm 2019, cần làm nổi bật, đậm nét hơn đối với các vấn đề như: bối cảnh tình hình trong và ngoài nước; những biện pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các ngành, các cấp, sự quyết tâm của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội; các vấn đề bứt phá, đổi mới, điểm sáng năm 2019 của các ngành, lĩnh vực; tình hình lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa thể thao; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; xây dựng kỷ cương, chống tham nhũng tiêu cực; các sự kiện đối ngoại, hội nhập và vị thế của đất nước trên trường quốc tế; rà soát các tồn tại, hạn chế, nhất là phân tích rõ, đầy đủ các nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, bảo đảm đánh giá khách quan, đúng bản chất.
b) Đối với kế hoạch năm 2020, cơ bản đồng ý với các chỉ tiêu định hướng tại dự thảo Báo cáo. Tuy nhiên, cần thể hiện rõ nét hơn tinh thần chủ động, tích cực, phấn đấu cao, thúc đẩy và tạo niềm tin xã hội trong năm 2020; cần phân tích kỹ hơn về bối cảnh, nhất là vấn đề căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, tranh chấp trên Biển Đông có ảnh hưởng đến phát triển và tăng trưởng năm 2020; rà soát mục tiêu tổng quát theo hướng ngắn gọn; lựa chọn các đột phá chiến lược; đổi mới mô hình tăng trưởng; đánh giá, xác định chỉ tiêu về tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu, bảo đảm phù hợp với diễn biến xuất nhập khẩu; xác định các giải pháp mạnh mẽ, trong đó cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế để tạo động lực cho sản xuất kinh doanh, phát triển công nghiệp, công nghệ cao, đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực đào tạo và dạy nghề, thúc đẩy phát triển kinh tế.
4. Bộ Tài chính thực hiện quyết liệt các giải pháp thu ngân sách nhà nước bảo đảm cân đối đủ nguồn vốn đầu tư công năm 2020 và kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 đã được Quốc hội thông qua; nghiên cứu đề xuất giải pháp huy động nguồn lực để tiếp tục đầu tư các dự án dở dang, các dự án mang tính chất liên vùng, các dự án cho vùng đồng bào dân tộc, vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan biết, thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |