Nghị quyết số 10/NQ-HĐND ngày 12/07/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang Về biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, giai đoạn 2019-2021
- Số hiệu văn bản: 10/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Tiền Giang
- Ngày ban hành: 12-07-2019
- Ngày có hiệu lực: 12-07-2019
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1961 ngày (5 năm 4 tháng 16 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/NQ-HĐND | Tiền Giang, ngày 12 tháng 07 năm 2019 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG, GIAI ĐOẠN 2019 - 2021
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
KHÓA IX - KỲ HỌP THỨ 9
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa;
Căn cứ Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 - 2021;
Xét Tờ trình số 133/TTr-UBND ngày 15 tháng 5 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết về biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, giai đoạn 2019 - 2021; Báo cáo thẩm tra số 45/BC-HĐND ngày 02 tháng 7 năm 2019 của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, giaiđoạn 2019 - 2021 gồm các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như sau:
1. Mục tiêu:
a) Nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong mọi tầng lớp nhân dân; nâng cao năng lực trách nhiệm quản lý nhà nước và sự tham gia của các ngành chức năng về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông;
b) Nâng cao năng lực, hiệu quả và trách nhiệm của lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông vận tải và các lực lượng thực thi công vụ khác trong việc thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông;
c) Tai nạn giao thông phải được kiềm giảm dần qua các năm. Phấn đấu mỗi năm giảm từ 5 đến 10% so với năm trước, giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương) trên cả hai lĩnh vực đường bộ và đường thủy nội địa; không để ùn tắc giao thông nghiêm trọng, kéo dài trên các trục giao thông chính như QL.1, QL.60, khu vực cầu Rạch Miễu và nội ô thành phố Mỹ Tho.
2. Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm:
a) Phát huy sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, trách nhiệm và sự phối hợp của các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và địa phương trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các cấp chính quyền và cá nhân người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông. Nơi nào, địa phương nào để xảy ra tình hình phức tạp về trật tự an toàn giao thông thì xem xét trách nhiệm người đứng đầu, chính quyền nơi đó;
b) Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị; kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn và thân thiện môi trường cho mọi tầng lớp nhân dân. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn giao thông trong trường học. Nội dung, hình thức tuyên truyền phải ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang phải gương mẫu và có trách nhiệm tuyên truyền, vận động mọi người và người thân trong gia đình nâng cao ý thức tự giác chấp hành nghiêm pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Tiếp tục xây dựng, nhân rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động các mô hình “Tự quản về trật tự an toàn giao thông” ở ấp, khu phố, khu dân cư nhằm thực hiện tốt công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông ở cơ sở, xem đây là một trong các tiêu chí để xét công nhận, tái công nhận các danh hiệu gia đình văn hóa; ấp, khu phố, xã an toàn về an ninh trật tự, xã văn hóa nông thôn mới, xã nông thôn mới, phường văn minh đô thị... Phát huy, nhân rộng các sáng kiến của nhân dân về các mô hình bảo đảm trật tự an toàn giao thông;
c) Tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, theo hướng hiện đại bảo đảm phát triển bền vững, lâu dài, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và các chiến lược, quy hoạch của các chuyên ngành có liên quan; lồng ghép mục tiêu an toàn giao thông, phòng chống ùn tắc giao thông vào trong các đề án, chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh;
d) Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông gắn với duy tu, bảo đảm an toàn giao thông và khai thác có hiệu quả các công trình hiện hữu; nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa. Từng bước xây dựng, mở rộng, nâng cấp, phát triển hệ thống giao thông đường bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, đi lại của nhân dân được thuận lợi an toàn và giảm thiểu tai nạn giao thông;
e) Quản lý chặt chẽ hoạt động xây dựng bảo đảm việc đầu tư, xây dựng mới hoặc điều chỉnh, sắp xếp các khu công nghiệp, đô thị, các trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện,... trong các đô thị phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải công cộng;
f) Tăng cường kêu gọi đầu tư, phát triển, nâng cao chất lượng các tuyến xe khách cố định, triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện cho người dân trong khu vực đô thị và các vùng lân cận, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường. Hàng năm, tăng cường nguồn kinh phí ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, xã nhằm tập trung xử lý “điểm đen”, điểm tiềm ẩn xảy ra tai nạn giao thông; kịp thời duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống giao thông hiện hữu nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng ngừa tai nạn giao thông. Tăng cường đầu tư hệ thống chiếu sáng trên các đoạn tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện hoặc tại các cầu, giao lộ qua đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, cụm công nghiệp;
g) Quản lý chặt chẽ công tác đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và phương tiện đường thủy nội địa, bảo đảm các phương tiện khi tham gia giao thông phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật vệ sinh môi trường, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông; triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch chi tiết cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; gắn với việc xây dựng quy hoạch về công tác quản lý các bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh;
h) Tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, đường thủy nội địa. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, chứng chỉ, bằng thuyền trưởng, máy trưởng; xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, sách nhiễu; các phương tiện tham gia giao thông phải được đăng ký, đăng kiểm đúng quy định; 100% phương tiện ô tô kinh doanh vận tải trong tỉnh có lắp đặt hệ thống thiết bị giám sát hành trình theo quy định, kiên quyết loại bỏ, đình chỉ các phương tiện không bảo đảm các điều kiện an toàn giao thông;
i) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với công tác quản lý, điều hành, tổ chức giao thông, hướng dẫn người tham gia giao thông cũng như hỗ trợ công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông;
k) Xây dựng lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong sạch, vững mạnh, có tinh thần trách nhiệm cao, hoạt động có hiệu quả, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đối với lực lượng thi hành nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong thực thi công vụ;
l) Nâng cao năng lực, hiệu lực của lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, chú trọng tuần tra lưu động trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn giao thông; bảo đảm tình hình trật tự an toàn giao thông thông suốt, không để xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng kéo dài; tập trung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của người tham gia giao thông có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, thiết bị nghiệp vụ để phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông;
m) Kịp thời khen thưởng, động viên những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; phê bình, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân có hành vi cố ý vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết, định kỳ hàng năm sơ kết việc tổ chức thực hiện.
Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang Khóa IX, Kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 12 tháng 7 năm 2019 và có hiệu lực từ ngày thông qua./.
| CHỦ TỊCH |