Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 05/07/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước Quy định về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước
- Số hiệu văn bản: 07/2019/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Bình Phước
- Ngày ban hành: 05-07-2019
- Ngày có hiệu lực: 15-07-2019
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1958 ngày (5 năm 4 tháng 13 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/2019/NQ-HĐND | Bình Phước, ngày 05 tháng 7 năm 2019 |
NGHỊ QUYẾT
QUY ĐỊNH VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ LIÊN KẾT SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP CỦA TỈNH BÌNH PHƯỚC
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ TÁM
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ về Khuyến nông;
Căn cứ Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;
Căn cứ Thông tư số 43/2017/TT-BTC ngày 12 tháng 5 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 -2020;
Xét Tờ trình số 11/TTr-UBND ngày 05 tháng 6 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Báo cáo thẩm tra số 23/BC-HĐND-KTNS ngày 20 tháng 6 năm 2019 của Ban kinh tế - ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
a) Nghị quyết này quy định về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp (sau đây gọi chung là sản phẩm nông nghiệp) trên địa bàn tỉnh Bình Phước;
b) Các nội dung khác không quy định trong Nghị quyết này thực hiện theo quy định tại Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
2. Đối tượng áp dụng
a) Nông dân, chủ trang trại, người được ủy quyền đối với hộ nông dân, tổ hợp tác (sau đây gọi chung là nông dân);
b) Cá nhân, người được ủy quyền đối với nhóm cá nhân, hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh (sau đây gọi chung là cá nhân);
c) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (sau đây gọi chung là hợp tác xã);
d) Doanh nghiệp;
đ) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong quy định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (sau đây gọi chung là liên kết) là việc thỏa thuận, tự nguyện cùng đầu tư, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thuộc các đối tượng quy định tại khoản 2, Điều 1 Nghị quyết này (sau đây gọi chung là các bên tham gia liên kết) để nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
2. Liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp quy định tại Nghị quyết này là hình thức liên kết trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, sản xuất, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (sau đây gọi chung là liên kết chuỗi giá trị). Các hình thức liên kết cụ thể quy định tại Điều 3 Nghị quyết này.
3. Vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung: là vùng sản xuất tập trung một hay một nhóm sản phẩm nông nghiệp cùng loại có quy mô phù hợp với từng loại hình sản xuất và điều kiện của mỗi địa phương, tuân thủ các quy định của nhà nước về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường, có liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Điều 3. Các hình thức liên kết
1. Liên kết từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
2. Liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
3. Liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
4. Liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
5. Liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
6. Liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
7. Liên kết sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Điều 4. Hợp đồng liên kết
Hợp đồng liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (sau đây gọi chung là hợp đồng liên kết) là hợp đồng được ký giữa các bên tham gia liên kết trên nguyên tắc tự nguyện nhằm thực hiện các hình thức liên kết quy định tại Điều 3 Nghị quyết này.
Điều 5. Dự án liên kết
1. Dự án liên kết là dự án do doanh nghiệp hoặc hợp tác xã và các bên tham gia hợp đồng liên kết cùng thỏa thuận, xây dựng và triển khai đầu tư liên kết theo các hình thức quy định tại Điều 3 Nghị quyết này.
2. Các bên tham gia liên kết lập dự án liên kết để làm căn cứ hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của Nghị quyết này. Trường hợp không đề xuất hỗ trợ theo các chính sách nêu trên, chỉ cần lập kế hoạch đề nghị hỗ trợ liên kết.
3. Chủ trì liên kết: Trường hợp doanh nghiệp hoặc hợp tác xã ký hợp đồng liên kết trực tiếp với cá nhân, nông dân thì doanh nghiệp hoặc hợp tác xã sẽ là chủ trì liên kết. Đối với trường hợp các doanh nghiệp, hợp tác xã ký hợp đồng liên kết với nhau thì các bên thống nhất cử ra chủ trì liên kết.
4. Chủ trì liên kết xây dựng hồ sơ đề nghị hỗ trợ liên kết. Trường hợp phải lập dự án liên kết, chủ trì liên kết là chủ đầu tư dự án liên kết.
5. Ngoài các nội dung tự thỏa thuận giữa các bên tham gia liên kết, dự án liên kết phải có ít nhất một trong các nội dung sau:
a) Thiết kế, cải tạo đồng ruộng, đầu tư xây dựng, mở rộng quy mô diện tích vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung;
b) Đầu tư xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;
c) Góp vốn, tài sản, giá trị quyền sử dụng đất, công nghệ hay quy trình sản xuất.
6. Trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án liên kết thực hiện theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ.
Điều 6. Hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết
1. Chủ trì liên kết được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết, tối đa không quá 200 triệu đồng cho 01 dự án liên kết, bao gồm tư vấn, nghiên cứu để xây dựng hợp đồng liên kết, dự án liên kết, phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường.
2. Nguồn kinh phí, mức hỗ trợ và cơ chế hỗ trợ quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo các kế hoạch, chương trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác.
Điều 7. Hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết
1. Dự án liên kết được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết bao gồm: nhà xưởng, bến bãi, kho tàng phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tổng mức hỗ trợ không quá 5 tỷ đồng cho 01 dự án liên kết.
2. Nguồn kinh phí, mức hỗ trợ quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo các kế hoạch, chương trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư và nguồn vốn từ các chương trình, dự án hợp pháp khác.
Điều 8. Hỗ trợ khuyến nông, đào tạo, tập huấn và giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm
1. Ngoài phần hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết quy định tại Điều 3, các bên tham gia liên kết được ngân sách nhà nước hỗ trợ để thực hiện các nội dung sau:
a) Xây dựng mô hình khuyến nông mức hỗ trợ tối đa cụ thể như sau:
- 100% chi phí về giống, thiết bị, vật tư thiết yếu đối với mô hình triển khai ở địa bàn xã, thôn, ấp khó khăn, đặc biệt khó khăn và biên giới;
- 50% chi phí về giống, thiết bị, vật tư thiết yếu đối với mô hình triển khai tại địa bàn các xã còn lại;
- 40% tổng chi phí thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ cao;
- 100% chi phí thực hiện mô hình nhưng không quá 100 triệu đồng/mô hình đối với mô hình tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh nông nghiệp;
- 100% chi phí chứng nhận cơ sở sản xuất thực phẩm an toàn, cơ sở an toàn dịch bệnh khi tham gia xây dựng mô hình theo quy định hiện hành;
- 100% chi phí tổ chức đào tạo, tập huấn, thông tin tuyên truyền, hội nghị, hội thảo, tham quan học tập để nhân rộng mô hình.
b) Ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí tập huấn kỹ thuật, nâng cao nghiệp vụ quản lý, kỹ thuật sản xuất, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường cho cán bộ quản lý hợp tác xã và nông dân theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
c) Hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm tối đa không quá 03 vụ hoặc 03 chu kỳ sản xuất, khai thác sản phẩm thông qua các dịch vụ tập trung của hợp tác xã, cụ thể mức hỗ trợ tối đa như sau:
+ 100% chi phí mua bao bì, nhãn mác sản phẩm;
+ 100% chi phí mua giống và các vật tư thiết yếu (bao gồm: Các loại phân bón, hóa chất, thức ăn chăn nuôi) ở địa bàn xã, thôn, ấp khó khăn, đặc biệt khó khăn và biên giới;
+ 50% chi phí mua giống và 30% chi phí mua vật tư thiết yếu ở địa bàn còn lại.
d) Ngân sách hỗ trợ tối đa 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi.
2. Nguồn kinh phí, mức hỗ trợ và cơ chế hỗ trợ quy định tại các điểm a, b khoản 1, Điều này, thực hiện theo quy định của các chương trình, dự án về khuyến nông; chương trình đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn; chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đối với hợp tác xã và nguồn vốn từ các chương trình, dự án hợp pháp khác.
3. Nguồn kinh phí, mức hỗ trợ và cơ chế hỗ trợ quy định tại các điểm c, d khoản 1, Điều này, thực hiện theo quy định của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và nguồn vốn từ các chương trình, dự án hợp pháp khác.
Điều 9. Phân cấp phê duyệt dự án liên kết
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: phê duyệt dự án liên kết có địa bàn thực hiện từ 02 đơn vị cấp huyện trở lên hoặc sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước từ 500 đồng triệu trở lên.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện: phê duyệt dự án liên kết có địa bàn thực hiện trong phạm vị cấp huyện hoặc sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước dưới 500 triệu đồng.
Điều 10. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện; giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước khóa IX, kỳ họp thứ tám thông qua ngày 03 tháng 7 năm 2019 và có hiệu lực từ ngày 15 tháng 7 năm 2019./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |