Thông báo số 186/TB-VPCP ngày 14/05/2019 Về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp
- Số hiệu văn bản: 186/TB-VPCP
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Cơ quan ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Ngày ban hành: 14-05-2019
- Ngày có hiệu lực: 14-05-2019
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2021 ngày (5 năm 6 tháng 16 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 186/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 14 tháng 5 năm 2019 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VƯƠNG ĐÌNH HUỆ TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH ĐỒNG THÁP
Ngày 16 tháng 4 năm 2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, kết quả 3 tháng đầu năm 2019; chuẩn bị Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18 tháng 3 năm 2002 Hội nghị lần thứ 5, Khóa IX về tiếp tục đổi mới phát triển, nâng cao kinh tế tập thể; 5 năm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12 tháng 3 năm 2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp; nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới và một số kiến nghị của Tỉnh. Cùng dự buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ có đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông vận tải, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Dân tộc, Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam và Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe báo cáo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, ý kiến của các Bộ, cơ quan, phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG:
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Đồng Tháp về những kết quả kinh tế - xã hội đã đạt được trong thời gian qua: Năm 2018 cùng với cả nước, Tỉnh đạt và vượt 15/16 chỉ tiêu kinh tế xã hội chủ yếu, trong đó tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 6,91%, nông nghiệp tăng 6,07% (cao gấp 2 lần so với bình quân chung của cả nước); thu ngân sách tăng 4,34%; doanh thu du lịch tăng trên 16% so với cùng kỳ; Tỉnh đã xây dựng vùng sản xuất lúa gần 600 nghìn ha, sản lượng 3,3 triệu tấn (thứ 3 cả nước), sản lượng cá basa trên 400 nghìn tấn (đứng đầu cả nước về xuất khẩu cá basa); xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực; tư duy kinh tế, cách làm năng động, đã áp dụng nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đã lập 68 hội quán nông dân gắn với từng ngành hàng đặc trưng của địa phương. Trong 3 tháng đầu năm 2019 kinh tế - xã hội của Tỉnh tiếp tục phát triển và đạt nhiều kết quả tích cực góp phần cùng cả nước thực hiện nhiệm vụ năm 2019.
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18 tháng 3 năm 2002 Hội nghị lần thứ 5, Khóa IX về tiếp tục đổi mới phát triển, nâng cao kinh tế tập thể, kinh tế tập thể Đồng Tháp đã có chuyển biến tích cực, các loại hình kinh tế tập thể phát triển đa dạng trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề; đã xuất hiện nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới, điển hình, tiên tiến. Kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm của tỉnh Đồng Tháp có ý nghĩa quan trọng đối việc tổng kết, đánh giá Nghị quyết của Đảng về kinh tế tập thể của Bộ Chính trị.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt kết quả tích cực, y tế, giáo dục tiếp tục được quan chỉ đạo; cải cách hành chính có tiến bộ, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 được xếp thứ hạng cao (thứ 2/63 tỉnh, thành phố của cả nước); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,28%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 82,4%; đã quan tâm thực hiện chính sách gia đình người có công, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, hệ thống chính trị được tăng cường, tai nạn giao thông được kiềm chế.
Kết quả kinh tế - xã hội mà Đồng Tháp đạt được trong thời gian qua là tích cực, tuy nhiên, Tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, quy mô kinh tế nhỏ, kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng kết nối giao thông còn hạn chế; dịch bệnh trong chăn nuôi diễn biến phức tạp; sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỜI GIAN TỚI:
1. Tiếp tục thực hiện tốt các Nghị quyết số 01/NQ-CP , số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ và triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 09/CT-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6 tháng và cả năm 2019. Đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo các công trình trọng điểm, quan trọng, cấp bách, phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2019. Tập trung chuẩn bị tốt mọi mặt cho đại hội đảng các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025.
2. Phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hoàn thiện quan hệ sản xuất; chủ động phương án và biện pháp tổ chức sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu; thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
3. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chương trình cụ thể phát triển kinh tế - xã hội đặc biệt là nông nghiệp, xây dựng hệ thống giao thông kết nối vùng và giữa các địa phương trong Tỉnh. Phối hợp với các địa phương liên quan hoàn chỉnh Đề án Liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng Đồng Tháp Mười. Quan tâm hơn nữa đến phát triển nguồn nhân lực trong nông nghiệp đặc biệt là đội ngũ quản lý nhà nước để phát triển nông nghiệp.
Quan tâm hỗ trợ, khuyến khích phong trào khởi nghiệp, ứng dụng công nghệ cao trong các lĩ nh vực kinh tế - xã hội; sớm hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến và thị trường; thực hiện liên kết vùng, hành lang kinh tế.
4. Thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính; rà soát, cắt giảm, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; khuyến khích tinh thần chủ động, sáng tạo của người đứng đầu các ngành, các cấp, nhằm thực hiện tốt vai trò chính quyền kiến tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp.
5. Tiếp thu ý kiến các bộ, ngành sớm hoàn thiện báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18 tháng 3 năm 2002 Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới phát triển, nâng cao kinh tế tập thể, trong đó, làm rõ và có số liệu cụ thể đánh giá tình hình và kết quả, bài học kinh nghiệm, xác định mục tiêu, phương hướng, trong việc tổ chức thực hiện, lưu ý đưa những điểm nổi bật về các mô hình hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị điển hình của Tỉnh gửi Ban Chỉ đạo Trung ương để tổng hợp chung, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ
1. Về đầu tư tuyến Quốc lộ mới An Hữu - Cao Lãnh: Tỉnh làm việc với Bộ Giao thông vận tải để xem xét, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc chỉ định Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện Dự án. Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp rà soát quy mô, phương án đầu tư phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
2. Về đầu tư Quốc lộ 30 (đoạn tuyến tránh thành phố Cao Lãnh): Đây là công trình có tính lan tỏa, liên kết vùng, cần xem xét ưu tiên bố trí vốn để đầu tư trong các năm 2019 và 2020. Trường hợp khó khăn về vốn, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ khi có chủ trương xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
3. Về đầu tư mới cầu Sở Thượng 2 trên tuyến Quốc lộ N1: Bộ Giao thông vận tải có ý kiến về chủ trương đầu tư, trên cơ sở đó làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để xem xét, đề xuất nguồn vốn phù hợp hỗ trợ Tỉnh thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
4. Về việc Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đề nghị tiếp tục làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp, Công ty cổ phần Cấp nước và Môi trường đô thị Đồng Tháp, Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp: Tỉnh đẩy nhanh tiến độ thoái vốn trong năm 2019; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xem xét trong quá trình sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 18 tháng 7 năm 2017, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
5. Về đầu tư dự án xây dựng các cụm, tuyến dân cư từ nguồn vốn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020: Căn cứ Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phương án phân bổ nguồn dự phòng đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; Bộ kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan triển khai, thực hiện.
6. Về bố trí vốn đầu tư dự án ổn định dân di cư tự do vùng biên giới tỉnh Đồng Tháp: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, tổng hợp các dự án ổn định dân cư tự do, trong đó có Dự án nêu trên của Tỉnh theo chỉ đạo tại văn bản số 14/TB-VPCP ngày 08 tháng 01 năm 2019, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
7. Về dự án đầu tư xây dựng kè chống sạt lở và trồng cây bảo vệ đường tuần tra biên giới: Tỉnh có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất nguồn vốn phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
8. Về đầu tư dự án đường ĐT 849 giai đoạn II (đoạn từ Quốc lộ 80 đến Quốc lộ 54) và dự án đường ĐT 852B giai đoạn II (đoạn từ ĐT 849 đến đường vành đai ĐT 848): Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải xem xét, đề xuất nguồn vốn phù hợp hỗ trợ Tỉnh thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
9. Về vốn đầu tư dự án Nâng cấp tuyến đê bao, kè chống sạt lở, xây dựng hệ thống cống dọc sông Tiền, thành phố Cao Lãnh (giai đoạn II): Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến về sự cần thiết phải triển khai dự án; trên cơ sở đó, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan xem xét, đề xuất nguồn vốn phù hợp hỗ trợ Tỉnh thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |