Quyết định số 874/QĐ-UBND ngày 03/05/2019 Quy định về Bộ tiêu chí, trình tự, thủ tục đánh giá và xếp hạng sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bến Tre
- Số hiệu văn bản: 874/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Bến Tre
- Ngày ban hành: 03-05-2019
- Ngày có hiệu lực: 03-05-2019
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-07-2017
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 671 ngày (1 năm 10 tháng 6 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 01-07-2017
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 874/QĐ-UBND | Bến Tre, ngày 03 tháng 5 năm 2019 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH BỘ TIÊU CHÍ, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐÁNH GIÁ VÀ XẾP HẠNG SẢN PHẨM THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM TỈNH BẾN TRE
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020;
Xét đề nghị của Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh tại Tờ trình số 105/TTr-VPĐP ngày 08 tháng 4 năm 2019,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định Bộ tiêu chí, trình tự, thủ tục đánh giá và xếp hạng sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bến Tre.
Điều 2. Các Sở, ban, ngành tỉnh và địa phương có liên quan căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo hiệu quả và đúng theo quy định.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan theo dõi, tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện; chủ động tham mưu, đề xuất các biện pháp để thực hiện có hiệu quả các nội dung của Bộ tiêu chí, trình tự, thủ tục đánh giá và xếp hạng sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bến Tre.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ; Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
BỘ TIÊU CHÍ, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐÁNH GIÁ, XẾP HẠNG SẢN PHẨM THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM TỈNH BẾN TRE
(Ban hành kèm theo Quyết định số 874/QĐ-UBND Ngày 03 tháng 05 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định Bộ tiêu chí, trình tự, thủ tục đánh giá, xếp hạng sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bến Tre (sau đây viết tắt Chương trình OCOP).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Tất cả chủ thể sản xuất sản phẩm của địa phương, tập trung vào chủ thể là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh, có đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình OCOP và tham gia đánh giá, xếp hạng (hoặc thi phân hạng) sản phẩm.
2. Các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, đơn vị có liên quan đến Chương trình OCOP.
Điều 3. Nhóm ngành hàng trong đánh giá, xếp hạng sản phẩm
1. Thực phẩm: Nông, lâm, thủy sản tươi sống (rau, củ, quả, nấm, thịt, cá, tôm, côn trùng ăn được,... tươi sống); Sản phẩm nông lâm thủy sản sơ chế, chế biến (sản phẩm thịt chế biến: chả lụa, xúc xích, lạp xưởng, chà bông, thịt hun khói,...; sản phẩm thủy sản chế biến: cá khô, tôm khô, chả cá, các loại mắm, nước mắm, thủy sản đông lạnh,...; sản phẩm rau củ, quả chế biến: trái cây sấy hoặc phơi khô, nước ép rau quả, trái cây muối, trà, cà phê, cacao, trà thảo mộc,...).
2. Đồ uống: Gồm đồ uống có cồn (rượu ngâm ủ, rượu chưng cất, rượu vang,…); đồ uống không cồn (nước trái cây, trà, trà thảo dược,…).
3. Thảo dược: Gồm các sản phẩm có thành phần từ thảo dược như thuốc y học cổ truyền, thực phẩm chức năng, thuốc từ dược liệu, mỹ phẩm từ thảo dược (mặt nạ dừa, son dừa,...), chế phẩm xua đuổi hoặc diệt trừ côn trùng,...
4. Lưu niệm - nội thất - trang trí:Gồm các sản phẩm từ gỗ, sợi, mây tre, kim loại, gốm sứ, dệt may,... làm đồ lưu niệm, đồ gia dụng, đồ dùng nhà bếp, đồ nội thất, trang trí các tòa nhà,…
5. Dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng, gồm: các sản phẩm dịch vụ phục vụ hoạt động tham quan, du lịch, giải trí, học tập, nghiên cứu,...
Chương II
BỘ TIÊU CHÍ VỀ ĐÁNH GIÁ, XẾP HẠNG SẢN PHẨM
Điều 4. Mục đích ban hành Bộ Tiêu chí
1. Cung cấp thông tin tiêu chuẩn chất lượng cần đạt cho các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất kinh doanh để so sánh với hiện trạng sản phẩm, từ đó triển khai tổ chức sản xuất có hiệu quả hơn, nâng cấp, phát triển các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ đáp ứng yêu cầu của Chương trình OCOP.
2. Làm cơ sở cho cán bộ cấp huyện, cấp tỉnh sử dụng để tư vấn và hỗ trợ các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất trong xây dựng, củng cố bộ máy tổ chức sản xuất, kinh doanh, phát triển sản xuất và sản phẩm theo tiêu chuẩn; định hướng các tổ chức kinh tế trên địa bàn phát triển theo hướng cộng đồng.
3. Làm căn cứ để các đơn vị có thẩm quyền đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP ở cấp huyện, cấp tỉnh.
Điều 5. Nội dung Bộ Tiêu chí đánh giá, xếp hạng sản phẩm Chương trình OCOP
Bộ Tiêu chí đánh giá, xếp hạng sản phẩm Chương trình OCOP gồm 03 phần:
1. Phần A: Sản phẩm và sức mạnh cộng đồng (35 điểm).
2. Phần B: Khả năng tiếp thị (25 điểm).
3. Phần C: Chất lượng sản phẩm (40 điểm).
(Chi tiết Bộ Tiêu chí xem tại Phụ lục 01 đính kèm)
Chương III
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐÁNH GIÁ, XẾP HẠNG SẢN PHẨM THUỘC CHƯƠNG TRÌNH OCOP
Điều 6. Trình tự, thủ tục đánh giá, xếp hạng sản phẩm
1. Chủ thể sản xuất nộp hồ sơ theo quy định tại Điều 8 đến Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Cơ quan phụ trách OCOP cấp huyện (Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện hoặc Phòng Kinh tế thành phố). Trong thời gian 03 (ba) ngày từ ngày nhận hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp xã kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và gửi về Cơ quan phụ trách OCOP cấp huyện. Trong thời gian 05 (năm) ngày kể từ ngày nhận hồ sơ từ Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc chủ thể sản xuất, Cơ quan phụ trách OCOP cấp huyện tiến hành kiểm tra tính hợp lệ của thành phần và nội dung hồ sơ để tổ chức đánh giá, xếp hạng cấp huyện.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố thành lập Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm cấp huyện (sau đây viết tắt là Hội đồng cấp huyện). Trong thời gian 10 (mười) ngày kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan phụ trách OCOP cấp huyện trình Hội đồng cấp huyện và tổ chức đánh giá sản phẩm đăng ký theo Bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng sản phẩm Chương trình OCOP. Sau khi có kết quả đánh giá sao đối với những sản phẩm đăng ký, Cơ quan phụ trách OCOP cấp huyện thông báo kết quả cho các chủ thể sản xuất và tiếp tục thực hiện như sau:
a) Đối với những sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên: Lập danh sách kèm theo hồ sơ quy định tại Điều 8 gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thông qua Chi cục Phát triển nông thôn) để tổ chức đánh giá, xếp hạng cấp tỉnh.
b) Đối với những sản phẩm đạt dưới 3 sao: Cơ quan phụ trách OCOP cấp huyện hướng dẫn chủ thể sản xuất khắc phục các nội dung còn khiếm khuyết để hoàn thiện sản phẩm, tiếp tục tham gia đánh giá, xếp loại sản phẩm các lần sau.
3. Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm cấp tỉnh (sau đây viết tắt là Hội đồng cấp tỉnh). Trong thời gian 10 (mười) ngày kể từ ngày nhận hồ sơ từ Cơ quan phụ trách OCOP cấp huyện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Hội đồng cấp tỉnh và tổ chức đánh giá sản phẩm cấp tỉnh theo Bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng sản phẩm Chương trình OCOP. Sau khi có kết quả đánh giá sao đối với những sản phẩm đăng ký, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện như sau:
a) Đối với những sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên: Lập danh sách kèm hồ sơ trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, ban hành quyết định cấp Giấy công nhận.
b) Đối với những sản phẩm đạt dưới 3 sao: Thông báo trực tiếp cho chủ thể sản xuất các nội dung sản phẩm còn khiếm khuyết để hướng dẫn các chủ thể sản xuất khắc phục, hoàn thiện sản phẩm, tiếp tục tham gia đánh giá lần sau.
4. Đối với các sản phẩm đã được cấp Giấy công nhận, nhưng có nhu cầu đánh giá, xếp hạng sao cao hơn, các sản phẩm của chủ thể sản xuất thuộc khu công nghiệp và các sản phẩm đã được xuất khẩu có thể nộp hồ sơ tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn). Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, hướng dẫn chủ thể sản xuất hoàn thiện sản phẩm, hồ sơ để trình Hội đồng cấp tỉnh tổ chức đánh giá như lần đầu.
5. Đối với sản phẩm đánh giá, xếp hạng lại (Giấy công nhận hết giá trị hiệu lực): Trình tự, thủ tục đánh giá, xếp hạng sản phẩm thực hiện như đối với sản phẩm đánh giá, xếp hạng lần đầu.
Điều 7. Xếp hạng sản phẩm OCOP
Tổng điểm đánh giá cho mỗi sản phẩm là 100 điểm và được xếp thành 5 hạng sao. Cụ thể như sau:
a) Hạng 5 sao (90 - 100 điểm): Sản phẩm chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế.
b) Hạng 4 sao (70 - 89 điểm): Sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có thể nâng cấp để đạt tiêu chuẩn quốc tế.
c) Hạng 3 sao (50 - 69 điểm): Sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có thể phát triển lên hạng 4 sao.
d) Hạng 2 sao (30-49 điểm): Sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn, có thể phát triển lên hạng 3 sao.
đ) Hạng 1 sao (Dưới 30 điểm): Sản phẩm yếu, có thể phát triển lên hạng 2 sao.
Điều 8. Hồ sơ đăng ký đánh giá, xếp hạng sản phẩm
1. Thành phần hồ sơ
a) Đối với sản phẩm tiêu dùng (áp dụng cho các sản phẩm quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 4 Điều 3 Quy định này), thành phần hồ sơ bao gồm:
- Bản giới thiệu về tổ chức hoặc hộ cá thể tham gia Chương trình OCOP có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã theo mẫu Phụ lục 02 (bản chính).
- Mẫu sản phẩm: Thực phẩm, đồ uống và thảo dược (ít nhất 6 mẫu); Lưu niệm - nội thất - trang trí (ít nhất 01 mẫu).
- Bản chính Phiếu đăng ký ý tưởng sản phẩm mới tham gia Chương trình OCOP (Phụ lục 04) hoặc phiếu đăng ký sản phẩm đã có (Phụ lục 05).
- Bản chính Phương án/Kế hoạch/Dự án sản xuất kinh doanh (có thể sử dụng biểu mẫu tại Phụ lục 06).
- Hợp đồng/Phiếu mua hàng/Hóa đơn chứng minh nguồn gốc nguyên liệu (bản sao).
- Bản Kế hoạch bảo vệ môi trường, cam kết bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền (bản sao từ sổ gốc, bản sao có chứng thực hoặc bản sao xuất trình bản chính để đối chiếu).
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bản sao từ sổ gốc, bản sao có chứng thực hoặc bản sao xuất trình bản chính để đối chiếu).
- Phiếu kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của sản phẩm (còn thời hạn hiệu lực) theo Luật An toàn thực phẩm năm 2010, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm (bản sao từ sổ gốc, bản sao có chứng thực hoặc bản sao xuất trình bản chính để đối chiếu). Không áp dụng phiếu này đối với sản phẩm Lưu niệm - nội thất - trang trí.
- Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc bản cam kết sản xuất thực phẩm an toàn/đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm/đủ điều kiện sản xuất thuốc,... (bản sao từ sổ gốc, bản sao có chứng thực hoặc bản sao xuất trình bản chính để đối chiếu).
- Bản công bố chất lượng sản phẩm đối với sản phẩm thực phẩm thông thường theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành luật An toàn thực phẩm (bản sao từ sổ gốc, bản sao có chứng thực hoặc bản sao xuất trình bản chính để đối chiếu).
- Chương trình hoặc Kế hoạch kiểm soát chất lượng sản phẩm và hồ sơ ghi chép đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm (bản sao).
- Các tài liệu khác (nếu có): Giấy chứng nhận sở hữu nhãn hiệu sản phẩm hoặc giấy phép được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; Bản giới thiệu sản phẩm bao gồm Phần cốt lõi (trả lời cho câu hỏi khách hàng mua sản phẩm để làm gì), phần vật lý (đặc điểm, tính chất, bao bì, kiểu dáng, nhãn hiệu); chứng nhận mã số, mã vạch; xác nhận kiến thức An toàn vệ sinh thực phẩm; các tài liệu khác về nguồn gốc nguyên liệu, bảo vệ môi trường, sự tham gia của cộng đồng, kế toán, khu vực phân phối, quảng bá sản phẩm, các giấy tờ hoặc hình ảnh, tờ rơi, video liên quan khác,…(bản sao).
b) Đối với sản phẩm dịch vụ (áp dụng cho các sản phẩm thuộc nhóm ngành thuộc Khoản 5 Điều 3 Quy định này), thành phần hồ sơ gồm:
- Bản giới thiệu về tổ chức hoặc hộ cá thể tham gia Chương trình OCOP có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã theo mẫu Phụ lục 02 đính kèm (bản chính).
- Bản giới thiệu về sản phẩm dịch vụ du lịch: Vị trí (giao thông, cảnh quan, môi trường,…), kiến trúc, khu đón tiếp, trang thiết bị phục vụ, chất lượng dịch vụ, danh mục hàng hóa phục vụ và nguồn gốc, 01 bộ ảnh bao gồm các nội dung nêu trên (bản chính).
- Bản chính Phiếu đăng ký ý tưởng sản phẩm mới tham gia Chương trình OCOP (phụ lục 04) hoặc phiếu đăng ký sản phẩm đã có (phụ lục 05).
- Bản chính Phương án/Kế hoạch/Dự án sản xuất kinh doanh (có thể sử dụng biểu mẫu tại phụ lục 06).
- Bản Kế hoạch bảo vệ môi trường, cam kết bảo vệ môi trường trong quá trình tổ chức dịch vụ có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền (bản sao có công chứng).
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bản sao có công chứng).
- Các tài liệu hoặc hình ảnh khác (nếu có): Văn bằng, chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ về lĩnh vực du lịch của quản lý, nhân viên phục vụ; Quyết định hoặc Thông báo cơ sở đạt chuẩn hoặc đủ điều kiện phục vụ khách du lịch; kết quả đánh giá chất lượng sản phẩm (bình chọn tốt) của các tổ chức có uy tín,... (bản sao có công chứng).
2. Số lượng hồ sơ
a) Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc nộp trực tiếp tại Cơ quan phụ trách OCOP cấp huyện: 03 bộ.
b) Hồ sơ do Cơ quan phụ trách OCOP cấp huyện nộp về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thông qua Chi cục Phát triển nông thôn để tổng hợp): 01 bộ.
Điều 9. Nguyên tắc chấm điểm sản phẩm
1. Cuộc họp Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm phải có ít nhất 3/4 số thành viên tham dự, trong đó, phải có Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng được Chủ tịch Hội đồng ủy quyền điều hành. Từng thành viên Hội đồng đánh giá chấm điểm, sau đó lấy điểm cộng trung bình của các thành viên Hội đồng cho từng sản phẩm.
2. Điểm của các thành viên trong Hội đồng không được chênh lệch quá 20 điểm. Trong trường hợp chênh lệch quá quy định, Hội đồng đánh giá sẽ thảo luận để thống nhất cho điểm lại.
3. Căn cứ chấm điểm:
a) Bộ Tiêu chí được quy định tại Điều 5 Quy định này.
b) Hồ sơ đăng ký đánh giá, xếp hạng sản phẩm.
c) Hồ sơ minh chứng.
d) Mẫu sản phẩm của chủ thể sản xuất.
đ) Tùy theo tình hình thực tế và yêu cầu của việc đánh giá, Chủ tịch Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm cấp tỉnh quyết định việc kiểm tra, đánh giá thực tế tại các tổ chức, cá nhân có sản phẩm đăng ký tham gia.
Không chấm các sản phẩm (khi phát hiện) giả mạo hồ sơ, sử dụng mã số, mã vạch của cơ sở khác, không có tên cơ sở sản xuất, không có minh chứng sự tồn tại của cơ sở sản xuất, các trường hợp khác mà Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm cấp huyện, tỉnh phát hiện có sai phạm.
Điều 10. Công nhận kết quả đánh giá
1. Căn cứ kết quả đánh giá của Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm cấp tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định cấp Giấy công nhận.
2. Mẫu Giấy công nhận theo Phụ lục 03 đính kèm.
Điều 11. Tổ chức trao Giấy công nhận
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức trao Giấy công nhận cho các chủ thể sản xuất, đảm bảo trang trọng và nghiêm túc.
Điều 12. Quyền lợi và trách nhiệm của chủ thể sản xuất có sản phẩm được cấp Giấy công nhận
1. Quyền lợi: Được xem xét hỗ trợ theo quy định tại Thông tư 43/2017/TT-BTC và Thông tư 08/2019/TT-BTC ngày 30 tháng 01 năm 2019 của Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 43/2017/TT-BTC ngày 12 tháng 5 năm 2017 của Bộ tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 để chủ thể sản xuất tiếp tục thực hiện việc hoàn thiện, nâng cấp các sản phẩm đã được cấp Giấy công nhận; hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm theo quy định.
2. Trách nhiệm: Tiếp tục duy trì, hoàn thiện, nâng cấp, phát triển các sản phẩm đã được cấp Giấy công nhận nhằm đăng ký tham gia đánh giá để được xếp hạng sao cao hơn.
Điều 13. Xử lý khiếu nại, thu hồi Giấy công nhận
1. Thời hiệu xử lý khiếu nại đối với sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm là 15 ngày, kể từ ngày thông báo Quyết định cấp Giấy công nhận.
2. Các chủ thể sản xuất có khiếu nại đối với kết quả đánh giá, xếp hạng sản phẩm cấp tỉnh nộp đơn tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn). Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tiếp nhận đơn và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết đơn khiếu nại liên quan đến kết quả đánh giá, xếp hạng sản phẩm trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn.
3. Trong trường hợp sau khi sản phẩm đã được cấp Giấy công nhận nhưng phát hiện có sai sót trong quá trình đánh giá, xếp hạng hoặc chủ thể sản xuất sản phẩm có dấu hiệu vi phạm các quy định trong quá trình sản xuất, lưu thông, vi phạm việc sử dụng logo Chương trình OCOP, sử dụng tem Chương trình OCOP, và các vi phạm liên quan khác thì tùy theo mức độ vi phạm mà Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Ủy ban nhân dân tỉnh biện pháp xử lý hoặc thu hồi Giấy công nhận đã cấp.
Điều 14. Kinh phí thực hiện
Kinh phí tổ chức thực hiện việc đánh giá, xếp hạng cấp tỉnh, cấp huyện; kinh phí cấp Giấy công nhận được sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 15. Tổ chức thực hiện
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy định này; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định thành lập và quy chế hoạt động của Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm cấp tỉnh; tiếp nhận hồ sơ của Cơ quan phụ trách OCOP cấp huyện và tham mưu Hội đồng cấp tỉnh tổ chức xét, đánh giá sản phẩm theo quy định.
2. Các Sở, ban, ngành tỉnh liên quan: Theo chức năng nhiệm vụ được giao có trách nhiệm cử cán bộ chuyên môn nghiệp vụ tham gia thành viên Hội đồng cấp tỉnh để tổ chức xét, đánh giá các sản phẩm theo Bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng sản phẩm Chương trình OCOP.
3. Ủy ban nhân dân cấp huyện
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan ở cấp huyện tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các nội dung tại Quy định này.
- Cơ quan phụ trách OCOP cấp huyện chịu trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ và kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ từ chủ thể sản xuất hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã; tham mưu Ủy ban nhân dân cấp huyện thành lập Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm cấp huyện và tổ chức công tác đánh giá, xếp hạng sản phẩm cấp huyện, đảm bảo chất lượng, hiệu quả; tổng hợp danh sách và hồ sơ các sản phẩm đạt theo quy định gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xét, đánh giá ở cấp tỉnh.
4. Ủy ban nhân dân cấp xã: Chịu trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ từ chủ thể sản xuất và gửi về Cơ quan phụ trách OCOP cấp huyện theo đúng thời gian quy định.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị kịp thời phản ảnh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thông qua Chi cục Phát triển nông thôn) để tổng hợp, báo cáo và đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.
Văn bản này có file đính kèm, bạn phải tải Văn bản về để xem toàn bộ nội dung. |