Kế hoạch số 177/KH-UBND ngày 26/04/2019 Về tuyên truyền Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2019-2020
- Số hiệu văn bản: 177/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Lào Cai
- Ngày ban hành: 26-04-2019
- Ngày có hiệu lực: 26-04-2019
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 24-07-2015
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1372 ngày (3 năm 9 tháng 7 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 24-07-2015
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 177/KH-UBND | Lào Cai, ngày 26 tháng 4 năm 2019 |
KẾ HOẠCH
TUYÊN TRUYỀN ĐỀ ÁN SỐ HÓA TRUYỀN DẪN, PHÁT SÓNG TRUYỀN HÌNH MẶT ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH, GIAI ĐOẠN 2019-2020
Thực hiện Quyết định số 2451/QĐ-TTg ngày 27/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020; Quyết định số 310/QĐ-TTg ngày 14/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của quyết định số 2451/QĐ-TTg ngày 27/12/2011 về việc phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020; UBND tỉnh ban hành kế hoạch thông tin, tuyên truyền Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất giai đoạn 2019-2020 trên địa bàn tỉnh với những nội dung cụ thể sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích:
- Thông tin, tuyên truyền có hiệu quả các nội dung Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là Đề án) nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, tạo sự thống nhất về nhận thức trong xã hội và sự tham gia tích cực của người dân, bảo đảm hoàn thành Đề án theo đúng lộ trình.
- Thông tin kịp thời, chính xác về mục tiêu, nội dung, lộ trình thực hiện và kết quả triển khai Đề án trên phạm vi cả nước và trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
2. Yêu cầu:
- Việc triển khai Đề án có phạm vi ảnh hưởng rất lớn đến nhân dân toàn tỉnh, đặc biệt đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách, đồng bào miền núi, nông thôn; ảnh hưởng đến công tác thông tin tuyên truyền của Đảng, Nhà nước. Vì vậy, công tác tuyên truyền cần được triển khai đồng bộ, kịp thời từ tỉnh đến cơ sở, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, địa phương. Các hoạt động tuyên truyền phải đa dạng, phù hợp với từng đối tượng cụ thể; xác định rõ các trọng tâm, ưu tiên; tùy theo thời điểm mà có nội dung tuyên truyền phù hợp đảm bảo thông tin nhanh, kịp thời, thiết thực và hiệu quả.
- Từng bước tuyên truyền để người dân trên địa bàn hiểu rõ lợi ích về việc số hóa truyền dẫn truyền hình mặt đất; biết được thời điểm triển khai, kết thúc truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất tương tự sang phát sóng truyền hình số mặt đất và có phương án chuẩn bị sẵn phương tiện để thu sóng truyền hình số mặt đất.
- Phát huy thế mạnh của các phương tiện truyền thông như: phát thanh, truyền hình, viễn thông, Internet, hệ thống thông tin cơ sở... trong việc tuyên truyền để đảm bảo công tác tuyên truyền được sâu rộng, bảo đảm đông đảo cán bộ, đảng viên và tầng lớp nhân dân đều được phổ biến, tuyên truyền về Đề án.
II. THỜI GIAN, NỘI DUNG, HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN
1. Thời gian tuyên truyền:
- Tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền trong năm 2019-2020.
- Sau năm 2020, trên cơ sở kết quả đã triển khai, sẽ cập nhật, bổ sung các nội dung mới phù hợp với tình hình thực tế.
2. Nội dung tuyên truyền:
- Tuyên truyền nội dung Đề án; các văn bản của Chính phủ, của Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Chỉ đạo Đề án, các bộ, ngành liên quan, văn bản của UBND tỉnh về số hóa truyền hình.
- Cung cấp các thông tin về số hóa truyền hình, về lợi ích của người dân, lợi ích của doanh nghiệp, lợi ích của Nhà nước khi thực hiện chuyển đổi từ truyền hình tương tự mặt đất sang truyền hình số mặt đất. Cụ thể:
+ Số hóa truyền hình mặt đất là quá trình chuyển đổi công nghệ phát sóng và thu, xem từ truyền hình tương tự mặt đất sang truyền hình số mặt đất. Quá trình số hóa truyền hình mặt đất được thực hiện cả ở phía phát và phía thu nhằm mang lại nhiều lợi ích cho người xem truyền hình, cho công nghiệp truyền hình và cho Nhà nước.
+ Việc chuyển đổi công nghệ truyền hình mặt đất tương tự sang truyền hình số mặt đất là xu hướng tất yếu, đem lại nhiều lợi ích chung cho xã hội với số lượng kênh chương trình nhiều hơn (người dân ở một địa phương không chỉ thu xem được kênh truyền hình tỉnh mà còn có thể xem được các kênh truyền hình của các tỉnh khác), âm thanh, hình ảnh sắc nét, trung thực hơn; có khả năng cung cấp nhiều dịch vụ truyền hình khác nhau, trên nhiều loại thiết bị như ti vi, máy tính, điện thoại di động... phục vụ việc thu xem của người dân mọi nơi mọi lúc; bảo đảm tiết kiệm năng lượng, nguồn tài nguyên tần số quốc gia.
+ Các hộ gia đình đang xem truyền hình mặt đất phát sóng quảng bá (thu analog bằng anten dàn), ti vi số mặt đất DVB-T (chủ yếu tập trung tại khu vực nông thôn) sẽ phải chuyển đổi thiết bị thu xem. Để xem được truyền hình số, người dân đang sử dụng ti vi đã mua từ những năm trước, chưa tích hợp bộ thu tín hiệu truyền hình số thì chỉ cần mua thêm một đầu thu tín hiệu truyền hình số mặt đất chuẩn DVB-T2 là có thể thu được tất cả các các kênh truyền hình thiết yếu, các phần còn lại như tivi, anten... đều sử dụng lại bình thường. Các hộ gia đình đang xem truyền hình trả tiền không phải chuyển đổi thiết bị thu xem.
- Tuyên truyền lộ trình và kết quả thực hiện số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất trên phạm vi cả nước, trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Tuyên truyền thời điểm chấm dứt phát sóng truyền hình tương tự trên địa bàn tỉnh. Cụ thể: theo Quyết định số 2451/QĐ-TTg , tỉnh Lào Cai thuộc nhóm IV - nhóm địa phương thực hiện kế hoạch số hóa. Lộ trình, Lào Cai cùng với 15 tỉnh, thành phố nằm trong nhóm IV (Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông) sẽ thực hiện kế hoạch số hóa truyền hình mặt đất bắt đầu từ năm 2017 đến 2020 và ngày 31/12/2020, các đài truyền hình Trung ương và địa phương kết thúc việc phát sóng tất cả các kênh chương trình truyền hình trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình tương tự mặt đất để chuyển hoàn toàn sang phát sóng trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất tại các tỉnh thuộc nhóm IV. Sau thời điểm này, các ti vi đang thu tín hiệu truyền hình tương tự mặt đất sẽ không còn thu được các chương trình truyền hình như trước đây nữa.
- Thông tin về chính sách và chương trình hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh cho người dân khi triển khai số hóa truyền hình. Việc hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất được thực hiện theo Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 24/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020. Trong đó, có hỗ trợ kết nối truyền hình số với mục tiêu bảo đảm người dân trên cả nước, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ cận nghèo và một số đối tượng chính sách xã hội theo quy định của Nhà nước ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng biên giới, hải đảo thu xem các chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu qua hệ thống truyền dẫn, phát sóng tín hiệu truyền hình công nghệ số mặt đất hoặc vệ tinh.
- Thông tin về vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất, các khu vực bị ảnh hưởng khi ngừng truyền hình tương tự mặt đất.
- Hướng dẫn cách nhận biết ti vi có tích hợp đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2; phương thức thu, xem truyền hình số và các phương thức khác (truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh...); giới thiệu thiết bị truyền hình số đến người tiêu dùng đảm bảo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
- Thông tin, tuyên truyền các sự kiện, các hoạt động số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất của Trung ương và địa phương.
- Mọi thông tin về Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất, các cơ quan, đơn vị có thể truy cập vào địa chỉ http://mic.gov.vn/shth/Pages/trangchu.aspx để biết thêm thông tin.
3. Hình thức tuyên truyền:
a) Tuyên truyền qua báo chí:
- Xây dựng các chuyên mục, chuyên trang, phóng sự, tin bài để cung cấp thông tin chi tiết về việc triển khai Đề án đến đông đảo người dân.
- Phát sóng, đăng tải các audio, video clip quảng bá về số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất do Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp.
b) Tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh - truyền hình các huyện, thành phố, cụm loa truyền thanh thôn, bản, tổ dân phố: phát các audio clip do Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp.
c) Tuyên truyền trên mạng Internet (trang thông tin điện tử, mạng xã hội); qua mạng viễn thông:
- Thông tin, tuyên truyền về triển khai Đề án trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội của các sở, ngành, UBND cấp huyện.
- Tuyên truyền về số hóa truyền hình mặt đất với định dạng phù hợp (tin nhắn, thu điện tử, hóa đơn điện tử, hóa đơn thu cước dịch vụ viễn thông,...) đến các thuê bao viễn thông di động, cố định, Internet trên địa bàn tỉnh.
d) Tuyên truyền qua các phương thức khác: biên soạn và xuất bản các tài liệu hướng dẫn tuyên truyền; tờ rơi, tờ gấp...
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Kinh phí thực hiện: Từ nguồn Ngân sách địa phương.
Căn cứ vào nhiệm vụ được giao các sở, ngành, đơn vị xây dựng dự toán kinh phí thực hiện, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
2. Huy động từ nguồn xã hội hóa, vận động tài trợ.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Thông tin và Truyền thông:
- Hướng dẫn các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn tỉnh thực hiện tuyên truyền Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất.
- Phát hành sản phẩm tuyên truyền về số hóa (băng, đĩa, tài liệu tuyên truyền,..) của Bộ Thông tin và Truyền thông đến các cơ quan báo chí, Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Truyền thông các huyện, thành phố, hệ thống truyền thanh cơ sở phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền.
- Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động tổ chức các đợt tin nhắn tuyên truyền về số hóa truyền hình mặt đất, đặc biệt là tại thời điểm tắt sóng truyền hình tương tự tại địa phương trên các mạng viễn thông di động.
- Phối hợp với Sở Tài chính xây dựng dự toán kinh phí thực hiện kế hoạch hàng năm.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai, kiểm tra, tổng kết, báo cáo UBND tỉnh về kết quả thực hiện kế hoạch.
2. Văn phòng UBND tỉnh:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông mở chuyên mục “Số hoá truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất” trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Lào Cai.
- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các Cổng Thông tin điện tử thành viên đưa tin, đặt banner về “Số hoá truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất” trên Cổng thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, địa phương.
3. Sở Tài chính:
Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thẩm định dự toán kinh phí tuyên truyền, tham mưu, đề xuất phương án bố trí nguồn kinh phí thực hiện kế hoạch, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
4. UBND các huyện, thành phố:
Chỉ đạo các Phòng Văn hóa và Thông tin; Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Truyền thông, UBND các xã triển khai nhiệm vụ được giao. Cụ thể:
- Mở chuyên mục “Số hoá truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất” trên Cổng Thông tin điện tử của huyện.
- Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Truyền thông các huyện, thành phố phát lại các video clip, audio clip do Đài Truyền hình Việt Nam hoặc Đài Phát thanh - Truyền hình Lào Cai sản xuất, do Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp. Tiếp phát sóng các chương trình có liên quan đến Đề án.
- Các trạm truyền thanh cơ sở tiếp, phát lại các chương trình phát thanh, audio clip tuyên truyền về Đề án.
5. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh:
Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng các chuyên mục, sản xuất các phóng sự, tin, bài viết về số hóa truyền hình để phát sóng trên sóng phát thanh, truyền hình; Dành thời lượng, dung lượng phù hợp để phát sóng các video clip, audio clip do Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp.
6. Báo Lào Cai:
Mở chuyên trang, tăng cường tin, bài tuyên truyền về nội dung số hóa truyền hình trên báo in và báo điện tử.
7. Các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh:
Tổ chức đưa nội dung thông tin tuyên truyền về số hóa truyền hình tới các thuê bao, khách hàng của doanh nghiệp (bằng các hình thức: qua tin nhắn, thông báo cước, hóa đơn, ...) phù hợp với năng lực, cơ sở hạ tầng mạng lưới của doanh nghiệp viễn thông.
Căn cứ nội dung kế hoạch này, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |