Quyết định số 167/QĐ-UBND ngày 18/04/2019 Phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực hoạt động mạng lưới y tế cơ sở tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2019-2025
- Số hiệu văn bản: 167/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Bắc Ninh
- Ngày ban hành: 18-04-2019
- Ngày có hiệu lực: 18-04-2019
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2104 ngày (5 năm 9 tháng 9 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 167/QĐ-UBND | Bắc Ninh, ngày 18 tháng 4 năm 2019 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NÂNG CAO NĂNG LỰC HOẠT ĐỘNG MẠNG LƯỚI Y TẾ CƠ SỞ TỈNH BẮC NINH GIAI ĐOẠN 2019 - 2025
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;
Căn cứ Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới;
Căn cứ Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 5/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án “Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới”;
Căn cứ Chương trình hành động số 1379/CTr-BYT ngày 19/12/2017 của Bộ Y tế về triển khai thực hiện Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở theo Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016, giai đoạn 2018 - 2020;
Căn cứ Kết luận số 467-KL/TU ngày 30/01/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thông qua Đề án “Nâng cao năng lực hoạt động mạng lưới y tế cơ sở tỉnh Bắc Ninh, giai đoạn 2019 - 2025”;
Căn cứ Quyết định số 273/QĐ-UBND ngày 31/5/2018 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc sáp nhập Bệnh viện Đa khoa, Trung tâm y tế và Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình các huyện, thị xã, thành phố thành Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực hoạt động mạng lưới y tế cơ sở tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2019 - 2025 (Có Đề án kèm theo).
Điều 2. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án được phê duyệt tại Điều 1 của Quyết định này đảm bảo đúng quy định hiện hành. Định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo kết quả thực hiện Đề án về UBND tỉnh.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh, các Sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
ĐỀ ÁN
NÂNG CAO NĂNG LỰC HOẠT ĐỘNG MẠNG LƯỚI Y TẾ CƠ SỞ TỈNH BẮC NINH GIAI ĐOẠN 2019 - 2025
(Kèm theo Quyết định số: 167 /QĐ-UBND ngày 18/4/2019của UBND tỉnh Bắc Ninh)
Phần I
SỰ CẦN THIẾT, CƠ SỞ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Trong những năm qua, công tác y tế cơ sở đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy sự nghiệp y tế trên địa bàn tỉnh; Thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn; Triển khai đầy đủ và có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia/Chương trình Y tế - Dân số; từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đẩy mạnh thực hiện quy tắc ứng xử, nâng cao tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ y tế, tích cực áp dụng kỹ thuật mới trong chẩn đoán, điều trị để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân.
Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay hoạt động của tuyến y tế cơ sở vẫn còn nhiều khó khăn khi chất lượng dịch vụ y tế còn thấp, năng lực hoạt động của cán bộ y tế chưa được cao, cơ chế tài chính, ngân sách còn hạn chế, danh mục thuốc còn ít, đầu tư còn dàn trải nên chưa thu hút được người dân đến khám, chữa bệnh.
Nhằm phát triển, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Bắc Ninh xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực hoạt động mạng lưới y tế cơ sở tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2019 - 2025”.
II. CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
1. Văn bản của Đảng, Chính phủ
- Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng;
- Các Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương Đảng khóa XII; chương trình, kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết;
- Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 22/01/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở;
- Nghị định số 117/2014/NĐ-CP ngày 08/12/2014 của Chính phủ quy định về y tế xã, phường, thị trấn;
- Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế;
- Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 5/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án “Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới”;
- Quyết định số 1125/QĐ-TTg ngày 31/7/2017 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 - 2020;
- Quyết định số 1092/QĐ-TTg ngày 02/9/2018 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Sức khỏe Việt Nam;
- Quyết định số 122/QĐ-TTg ngày 10/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, Chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030;
- Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020;
- Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Tiêu chí huyện nông thôn mới và Quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới;
2. Văn bản của Bộ Y tế
- Chương trình hành động số 1379/CTr-BYT ngày 19/12/2017 của Bộ Y tế, về triển khai thực hiện Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở theo Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016, giai đoạn 2018 - 2020;
- Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/05/2016 của Liên bộ Bộ Y tế - Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về công tác y tế trường học;
- Thông tư số 37/2016/TT-BYT ngày 26/10/2016 của Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Quyết định số 4667/QĐ-BYT ngày 7/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020;
- Thông tư số 33/2015/TT-BYT ngày 27/10/2015 của Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của Trạm y tế xã, phường, thị trấn;
- Thông tư số 39/2017/TT-BYT ngày 18/10/2017 của Bộ Y tế quy định gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở;
- Quyết định số 1568/QĐ-BYT ngày 27/4/2016 của Bộ Y tế về việc phê duyệt kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình phòng khám bác sỹ gia đình tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020;
- Quyết định số 3756/QĐ-BYT ngày 21/06/2018 của Bộ Y tế ban hành hướng dẫn hoạt động dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị và quản lý một số bệnh không lây nhiễm phổ biến cho tuyến y tế cơ sở;
- Quyết định số 2559/QĐ-BYT ngày 20/04/2018 của Bộ Y tế ban hành Kế hoạch tăng cường thực hiện điều trị, quản lý tăng huyết áp và đái tháo đường theo nguyên lý y học gia đình tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn giai đoạn 2018-2020.
3. Văn bản của tỉnh
- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX;
- Các chương trình hành động số 44-CTr/TU ngày 25/01/2018; Chương trình hành động số 45, 46, 48-CTTr/TU ngày 26/01/2018 của Tỉnh ủy thực hiện các Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII;
- Quyết định số 11/2016/QĐ-UBND ngày 01/4/2016 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh;
- Quyết định số 273/QĐ-UBND ngày 31/5/2018 của UBND tỉnh về việc sáp nhập Bệnh viện Đa khoa, Trung tâm y tế và Trung tâm Dân số - KHHGĐ các huyện, thị xã, thành phố thành Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố;
- Kế hoạch số 878/KH-UBND ngày 08/5/2013 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc thực hiện Chiến lược quốc gia bảo vệ, Chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030;
- Kế hoạch số 262/KH-UBND ngày 21/10/2016 của UBND tỉnh về việc triển khai mô hình Bác sĩ gia đình tỉnh Bắc ninh giai đoạn 2016-2020;
- Kế hoạch số 425/KH-UBND ngày 08/11/2018 của UBND tỉnh về việc triển khai quản lý, dự phòng và điều trị các bệnh không lây nhiễm theo nguyên lý y học gia đình tại các Trạm y tế cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020.
Phần II
MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Đổi mới tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, phát triển nguồn nhân lực để nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở, thực hiện quản lý sức khỏe toàn dân, bảo đảm cung ứng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn, cung ứng dịch vụ theo hướng toàn diện, liên tục, phối hợp và lồng ghép chặt chẽ giữa dự phòng và điều trị, giữa các cơ sở y tế trên địa bàn với tuyến trên, góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, bảo đảm công bằng, hiệu quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Giai đoạn đến năm 2020
- Đảm bảo số lượng người làm việc của các Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi tắt là Trung tâm y tế huyện), Trạm y tế xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Trạm y tế xã)đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
- Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, hoàn chỉnh cho các Trung tâm y tế huyện đa chức năng bao gồm y tế dự phòng, khám chữa bệnh, dân số và công tác y tế khác hoạt động ổn định, hiệu quả.
- 100% Trung tâm y tế huyện thực hiện được tối thiểu 60% danh mục kỹ thuật của tuyến huyện.
- 100% Trạm y tế triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thực hiện được tối thiểu 85% danh mục kỹ thuật của tuyến xã.
- 90% Trạm y tế triển khai dịch vụ dự phòng, quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm.
- Duy trì 100% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã.
- Phấn đấu 95% dân số thường trú trên địa bàn được quản lý, theo dõi sức khỏe trên phần mềm Hồ sơ sức khỏe điện tử.
2.2. Giai đoạn đến năm 2025
- Tiếp tục quan tâm phát triển đội ngũ cán bộ y tế cơ sở cả về số và chất lượng.
- Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các Trung tâm y tế huyện đa chức năng.
- 100% Trung tâm y tế huyện thực hiện được tối thiểu 80% danh mục kỹ thuật của tuyến huyện.
- 100% Trạm y tế xã triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và thực hiện được đầy đủ các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, thực hiện được tối thiểu 95% danh mục kỹ thuật của tuyến xã.
- 95% Trạm y tế triển khai dịch vụ dự phòng, quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm.
- Duy trì 100% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã.
- Phấn đấu 100% dân số thường trú trên địa bàn được quản lý, theo dõi sức khỏe trên phần mềm Hồ sơ sức khỏe điện tử.
- Tăng cường công tác phối hợp liên ngành triển khai đầy đủ các nội dung về công tác y tế trường học.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Cơ sở vất chất và trang thiết bị
1.1. Trung tâm y tế huyện
Đầu tư mở rộng, nâng cấp cơ sở vật chất Trung tâm y tế huyện đa chức năng, đảm bảo đáp ứng nhiệm vụ chuyên môn về y tế dự phòng, dân số và khám chữa bệnh với quy mô 250 - 300 giường bệnh.
Căn cứ vào nhu cầu phát triển và tình hình thực tế của từng địa phương, Sở Y tế phối hợp với các Sở, Ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng các đề án, dự án cụ thể bố trí đất đai và đầu tư, xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các Trung tâm y tế huyện đa chức năng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
1.2. Trạm y tế xã
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 bố trí các nguồn: Ngân sách địa phương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, ngân sách Trung ương hỗ trợ ngân sách địa phương trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã hội hóa, kinh phí giảm cấp cho các cơ sở khám chữa bệnh và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để đầu tư cơ sở vật chất cho các Trạm y tế xã, phường, thị trấn xuống cấp cần phải xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp; Việc đầu tư xây dựng mới, cải tạo mở rộng, nâng cấp các trạm y tế xã theo thiết kế, quy mô phù hợp với phân vùng Trạm y tế xã và theo nhu cầu thực tế ở địa phương, bảo đảm tiết kiệm, tránh lãng phí.
1.3. Trang thiết bị
- Rà soát thực trạng, xây dựng định mức và danh mục trang thiết bị cần đầu tư; bố trí kinh phí từ nhiều nguồn (nguồn của tỉnh, nguồn của ngành, nguồn của đơn vị) để mua sắm, trang bị phù hợp với tình hình nhân lực, cơ sở vật chất, kế hoạch phát triển của từng đơn vị.
- Tổ chức thí điểm mô hình Phòng xét nghiệm tập trung, thu gom các mẫu xét nghiệm, bệnh phẩm từ các Trạm y tế xã và các đơn vị lân cận để xét nghiệm, đọc, phân tích, trả kết quả về nơi gửi mẫu; trước mắt lựa chọn Trung tâm y tế huyện Quế Võ là đơn vị đầu tiên của tuyến huyện thực hiện mô hình này.
- Rà soát, điều chuyển trang thiết bị từ nơi thừa, nơi không có nhu cầu sử dụng hoặc nơi chưa có khả năng sử dụng sang nơi thiếu, nơi có khả năng sử dụng ở tất cả các tuyến.
2. Củng cố, hoàn thiện tổ chức bộ máy và nhân lực y tế cơ sở
- Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của Trung tâm y tế huyện đa chức năng.
- Rà soát việc phân vùng Trạm y tế xã theo quy định tại Quyết định 4667/QĐ-BYT ngày 07/11/2016 của Bộ Y tế về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến 2020.
- Xây dựng quy chế đánh giá, phân loại hoạt động của Trạm y tế xã để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Trung tâm y tế cấp huyện đối với Trạm y tế xã.
- Có cơ chế quản lý chặt chẽ, đảm bảo nhân lực làm công tác y tế dự phòng và dân số ở Trung tâm y tế huyện và Trạm y tế xã, tránh tình trạng tập trung nhân lực phục vụ chủ yếu cho công tác khám chữa bệnh tại Trung tâm y tế.
- Chú trọng phát triển mô hình bác sỹ gia đình trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng củng cố và phát triển tất cả Trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, thành lập một số phòng khám bác sỹ gia đình tại Trung tâm y tế huyện và Trạm y tế xã; khuyến khích các phòng khám tư nhân đăng ký tổ chức phòng khám bác sỹ gia đình theo từng khu vực, từng địa bàn; phát triển số lượng và đảm bảo chất lượng phòng khám bác sỹ gia đình; tăng cường hoạt động truyền thông, giới thiệu cho cộng đồng và xã hội biết rõ lợi ích của hoạt động bác sỹ gia đình trong việc quản lý và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
- Về biên chế: Giao Sở Y tế phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan, đơn vị có liên quan đề xuất phương án bổ sung số lượng người làm việc cho mạng lưới y tế cơ sở và các cơ sở y tế công lập khác trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo nguồn nhân lực y tế thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
- Tích cực thu hút bác sỹ, cán bộ có trình độ đại học trở lên, trình độ y, dược về công tác tại y tế cơ sở kết hợp với xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn cán bộ tại chỗ, phấn đấu đủ bác sỹ, dược sỹ cho cả lĩnh vực y tế dự phòng, khám chữa bệnh; phấn đấu tiến tới mỗi Trạm y tế xã có 02 bác sỹ cơ hữu tại Trạm trở lên.
- Chỉ đạo Trung tâm y tế huyện thực hiện chế độ điều động hoặc luân phiên có thời hạn 2 chiều cán bộ từ tuyến xã lên tuyến huyện và ngược lại để tăng cường năng lực hành nghề.
- Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các Sở, ngành liên quan xây dựng Đề án tổ chức hệ thống Trạm y tế xã gắn với y tế học đường; quản lý sức khỏe công nhân tại các Khu công nghiệp. Triển khai ký hợp đồng giữa Trạm y tế cấp xã với các cơ sở giáo dục mầm non, Trường tiểu học, Trường trung học cơ sở, Trường trung học phổ thông để chăm sóc sức khỏe học sinh.
- Triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII: "Nơi có cơ sở y tế trên địa bàn cấp xã thì có thể không thành lập Trạm y tế xã" sau khi có hướng dẫn của Trung ương và Bộ Y tế.
- Đề xuất với HĐND tỉnh xem xét, quy định lại chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế - dân số và trẻ em ở thôn, khu phố.
3. Nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở
3.1. Về y tế dự phòng, truyền thông giáo dục và nâng cao sức khoẻ
- Lồng ghép các hoạt động thuộc Dự án phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và các bệnh không lây nhiễm phổ biến của chương trình mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2016 - 2020.
- Triển khai thực hiện tốt công tác tiêm chủng cho trẻ em, phụ nữ có thai, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt công tác phòng, chống một số bệnh dịch nguy hiểm như HIV/AIDS, lao, sốt xuất huyết,.. phòng chống các bệnh do giun sán, ký sinh trùng, côn trùng, bệnh dại, tiêm phòng ngay khi bị súc vật cắn, quan tâm phòng, chống các bệnh không lây nhiễm, hướng dẫn chuyên môn về thực hiện các hoạt động, dự án về dự phòng khác thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số.
- Kết hợp giữa phòng bệnh, chăm sóc sức khoẻ ban đầu với điều trị các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi, hen phế quản, tâm thần,… đã được triển khai thí điểm thành công ở một số địa phương.
- Tăng cường ý thức tự bảo vệ, nâng cao sức khoẻ người dân thông qua chế độ ăn uống, rèn luyện thể chất, sinh hoạt lành mạnh, công tác vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, y tế học đường.
- Xây dựng kế hoạch và thực hiện, vận động nhân dân triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn theo chỉ đạo của ngành Y tế.
- Tiếp tục rà soát, đầu tư thiết bị truyền thông cơ bản cho phòng truyền thông, góc truyền thông của Trung tâm y tế huyện, Trạm y tế xã; Đào tạo tập huấn kỹ năng truyền thông cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở.
3.2. Về khám bệnh, chữa bệnh
- Tuyến huyện
+ Tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, phát triển các dịch vụ, kỹ thuật khám chữa bệnh ngoại trú, chăm sóc sức khỏe ban đầu. Thường xuyên chỉ đạo, hỗ trợ trực tiếp về chuyên môn, gắn kết chặt chẽ hoạt động của các Trung tâm y tế huyện và các Trạm y tế xã.
+ Công tác khám chữa bệnh của Trung tâm y tế huyện tiếp tục phát triển các kỹ thuật chuyên sâu của cơ sở khám chữa bệnh hạng II. Thực hiện khám, chữa bệnh và điều trị nội trú, phát triển các dịch vụ kỹ thuật nhằm giảm quá tải cho các đơn vị y tế tuyến trên.
+ Đa dạng hoá các hướng phát triển công tác khám chữa bệnh kể cả nội trú và ngoại trú phù hợp với quy mô bệnh tật, quy mô, thế mạnh của từng đơn vị; Thực hiện mô hình Trung tâm y tế huyện là cơ sở khám chữa bệnh vệ tinh của các Bệnh viện tuyến trên, khuyến khích hợp tác với Bệnh viện tuyến trung ương và Hà Nội.
- Tuyến xã
Thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, thực hiện theo nguyên lý y học gia đình bao gồm quản lý sức khoẻ toàn diện, liên tục cho từng người dân trên địa bàn, tổ chức khám chữa bệnh ban đầu, thực hiện tốt tư vấn về sức khoẻ, chăm sóc giảm nhẹ, phục hồi chức năng, chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, bà mẹ, trẻ em; phòng chống các bệnh lây nhiễm, bệnh không lây nhiễm, quản lý các bệnh mãn tính; Đa dạng hoá hoạt động khám chữa bệnh với các loại hình Phòng khám đa khoa vệ tinh của Trung tâm y tế huyện, kêu gọi xã hội hoá mô hình Phòng khám tại Trạm y tế xã nhằm nâng cao năng lực khám chữa bệnh tại Trạm y tế xã và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất được đầu tư.
3.3. Về công tác dân số
- Lồng ghép với các hoạt động thuộc Dự án dân số và phát triển của chương trình mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2016 - 2020.
- Chỉ đạo các địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác dân số kể cả về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số.
- Xây dựng kế hoạch và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, kỹ thuật về dân số; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện khám sức khoẻ tiền hôn nhân, đẩy mạnh việc khám, sàng lọc trước sinh, sơ sinh, duy trì khoảng cách giữa các lần sinh, giảm tình trạng có thai ngoài y muốn và làm tốt công tác KHHGĐ, giảm mất cân bằng giới tính khi sinh.
- Tư vấn và cung cấp dịch vụ thiết yếu chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho vị thành niên, thanh niên; tư vấn và giáo dục kỹ năng sống cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai và chăm sóc trẻ sơ sinh.
- Triển khai Đề án chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, nghiên cứu và thực hiện các mô hình quản lý, chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi ngay tại nhà, tại cộng đồng và tại Trạm y tế xã.
3.4. Lập và quản lý hồ sơ sức khoẻ cá nhân
- Tiếp tục triển khai lập hồ sơ sức khoẻ cá nhân đến 100% dân số trên địa bàn tỉnh.
- Từng bước cập nhật các thông số sức khoẻ vào sổ sức khoẻ điện tử, trước mắt là cập nhật nhóm máu cho trẻ dưới 6 tuổi.
- Triển khai việc kết nối, đồng bộ việc lập và quản lý hồ sơ sức khoẻ cá nhân với các dự án thành phần khác của thành phố thông minh.
3.5. Về Dược và y, dược cổ truyền
- Nâng cao năng lực của Khoa y học cổ truyền thuộc Trung tâm y tế huyện và khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại Trạm y tế theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật.
- Tổ chức các tủ thuốc tại Trạm y tế xã để đáp ứng nhu cầu sử dụng thuốc của người dân; xây dựng, bổ sung danh mục các thuốc được bảo hiểm y tế chi trả cho các bệnh không lây nhiễm, bệnh mãn tính, bệnh nhân tâm thần, người cao tuổi phải điều trị lâu dài tại tuyến xã.
- Hướng dẫn, chỉ đạo các Trạm y tế xã thành lập nhà thuốc nếu đủ điều kiện để bán thuốc cho nhân dân theo quy định.
4. Bảo đảm tài chính cho mạng lưới y tế cơ sở gắn với thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân
- Đẩy nhanh lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân
+ Tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế đặc biệt là đối với bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; nghiên cứu, đề xuất hình thức hỗ trợ đối với một số đối tượng.
+ Trạm y tế xã có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.
- Tổ chức khám bệnh, chữa bệnh và các dịch vụ y tế thanh toán bảo hiểm y tế đối với phòng khám bác sỹ gia đình gắn với Trạm y tế xã.
- Thực hiện cơ chế giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo lộ trình tính đủ; Tổ chức phân loại, giao quyền tự chủ cho các cơ sở y tế thuộc tuyến y tế cơ sở.
- Ưu tiên sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp y tế hàng năm để phân bổ cho Trạm y tế và các hoạt động y tế dự phòng; sử dụng nguồn kinh phí giảm cấp cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để tăng chi cho y tế cơ sở.
- Phân bổ ngân sách nhà nước, sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế và các nguồn lực khác cho y tế cơ sở theo hướng dựa trên kết quả hoạt động và các chỉ tiêu đầu ra.
- Tổ chức thực hiện sự gắn kết giữa y tế tư nhân và y tế công lập trong cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu trên địa bàn. Cho phép các Trạm y tế xã liên doanh, liên kết, triển khai các dịch vụ xã hội hoá với các doanh nghiệp, cá nhân thực hiện việc khám, chữa bệnh cho nhân dân.
5. Ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao chất lượng hoạt động y tế cơ sở
- Xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ cả về phần cứng và phần mềm cho Trung tâm y tế huyện và Trạm y tế xã.
- Xây dựng lộ trình ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, gắn việc quản lý các hoạt động chuyên môn với quản lý hồ sơ sức khoẻ cá nhân.
- Triển khai thống nhất 01 phần mềm quản lý hoạt động của Trạm y tế xã kết nối với Trung tâm y tế huyện, đồng bộ giữa (1) hệ thống công nghệ thông tin quản lý hoạt động của Trạm y tế; (2) quản lý tiêm chủng; (3) quản lý hồ sơ sức khoẻ người dân gắn với hệ thống quản lý thẻ bảo hiểm y tế và thanh toán bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội,… bảo đảm quản lý tốt hoạt động chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân xuyên suốt và toàn diện.
- Từng bước tích hợp cơ sở dữ liệu, thông tin y tế, tích hợp các phần mềm đơn lẻ vào một phần mềm duy nhất để quản lý hoạt động của Trạm y tế xã; rà soát, sửa đổi các quy định về sổ sách, biểu mẫu báo cáo.
- Nghiên cứu triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y khoa PACS tại Trung tâm y tế huyện, triển khai bệnh án điện tử.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Kinh phí thực hiện Đề án được bố trí từ Ngân sách địa phương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, ngân sách Trung ương hỗ trợ ngân sách địa phương trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, nguồn xã hội hóa, nguồn kinh phí giảm cấp cho các cơ sở khám chữa bệnh và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
2. Kinh phí thực hiện công tác y tế trường học được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế và Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/05/2016 của Liên bộ Bộ Y tế - Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về công tác y tế trường học.
3. Căn cứ các nhiệm vụ được quy định trong Đề án, các Sở, Ngành, địa phương có trách nhiệm lập dự toán kinh phí thực hiện và tổng hợp cùng với dự toán chi ngân sách của cơ quan, đơn vị, gửi cơ quan tài chính cùng cấp tổng hợp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Y tế
- Chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, các Sở, ngành liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai Đề án.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch hàng năm về xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2018-2022, tầm nhìn đến năm 2030.
- Rà soát, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số quy định, chính sách về phát triển y tế cơ sở phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn phát triển (trong đó có chính sách thúc đẩy xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến y tế cơ sở).
- Chỉ đạo các đơn vị y tế trong ngành tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, thực hiện công tác luân phiên cán bộ, tập huấn nâng cao kiến thức chuyên môn cho tuyến y tế cơ sở.
- Hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh, định kỳ báo cáo UBND tỉnh.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Y tế và các Sở, ngành liên quan lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm ở cấp tỉnh; hướng dẫn lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh vào việc xây dựng và đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, hàng năm ưu tiên bố trí tỷ trọng ngân sách để thực hiện các chỉ tiêu về xây dựng và phát triển hệ thống y tế cơ sở.
3. Sở Tài chính
- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế căn cứ khả năng ngân sách hàng năm, ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện các hoạt động các đề án, dự án, hoạt động về xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh sau khi được phê duyệt.
- Hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc sử dụng kinh phí thực hiện các đề án, dự án, hoạt động về xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt.
4. Sở Nội vụ
- Phối hợp với Sở Y tế hoàn chỉnh tổ chức bộ máy mạng lưới y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh; đề xuất bố trí bổ sung số lượng người làm việc tại tuyến y tế cơ sở; triển khai các giải pháp thu hút cán bộ có trình độ cao đặc biệt là bác sỹ về công tác tại tuyến y tế cơ sở.
- Phối hợp với Sở Y tế trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho tuyến y tế cơ sở.
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh
Phối hợp với Sở Y tế và các Sở, ngành liên quan để đưa nội dung đầu tư cho Trạm y tế xã vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và bố trí ngân sách hàng năm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để thực hiện Kế hoạch.
6. Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường
Phối hợp với Sở Y tế và các Sở, ngành liên quan bố trí đất đai và triển khai đầu tư, nâng cấp, xây dựng các cơ sở y tế trên địa bàn toàn tỉnh theo phê duyệt của UBND tỉnh.
7. Bảo hiểm xã hội tỉnh
- Phối hợp với Sở Y tế và các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nâng cao tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế, hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân.
- Tổ chức thực hiện thanh toán chi phí bảo hiểm y tế theo gói dịch vụ tại tuyến y tế cơ sở, thanh toán dịch vụ cho bác sỹ gia đình, Trạm Y tế khi chăm sóc sức khỏe cho người bệnh tại gia đình và quản lý sức khỏe người dân.
8. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn các cơ quan báo chí và chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở tăng cường thông tin tuyên truyền về công tác xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh. Tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu trên địa bàn, giảm tải bệnh viện; góp phần thực hiện các mục tiêu Chiến lược bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn 2030. Chú trọng tuyên truyền về mô hình bác sỹ gia đình, quản lý sức khỏe người dân và tham gia Bảo hiểm y tế hướng tới Bảo hiểm y tế toàn dân.
- Phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan xây dựng phần mềm quản lý sức khỏe cho nhân dân và quản trị mạng đảm bảo an toàn bảo mật thông tin.
9. Sở Giáo dục và Đào tạo
Phối hợp với Sở Y tế xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện công tác y tế trường học, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm,...
10. Báo Bắc Ninh, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh
Tăng thời lượng phát sóng, số lượng bài viết và nâng cao chất lượng tuyên truyền về xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh trong các chương trình, chuyên trang, chuyên mục.
11. Các Sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, Trường Cao đẳng Y tế Bắc Ninh
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp với ngành Y tế và các địa phương tổ chức triển khai có hiệu quả các nội dung của Đề án thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao.
12. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tỉnh
- Tuyên truyền, vận động các thành viên, hội viên tích cực triển khai thực hiện các nội dung của Đề án.
- Phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện xã hội hóa công tác y tế.
13. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới tại địa phương. Xây dựng, triển khai kế hoạch xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở hàng năm của huyện, thị xã, thành phố trong tình hình mới cho phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong cùng thời kỳ.
- Phối hợp bố trí đất đai để đầu tư xây dựng các cơ sở y tế trên địa bàn; Chủ động, tích cực huy động các nguồn lực để thực hiện Đề án; lồng ghép việc thực hiện có hiệu quả Đề án này với các Đề án, Kế hoạch khác có liên quan trên địa bàn.
- Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện Đề án tại địa phương; thực hiện chế độ báo scáo hàng năm việc thực hiện Đề án trên địa bàn theo quy định hiện hành./.
DANH MỤC
CÁC ĐỀ ÁN, DỰ ÁN, KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN Y TẾ CƠ SỞ
(Kèm theo Quyết định số 167/QĐ-UBND ngày 18/04/2019 của UBND tỉnh Bắc Ninh)
Stt | Tên dự án, Kế hoạch | Dự kiến kinh phí | Hình thức, nguồn vốn đầu tư | Ghi chú |
|
| |||||
I | Giai đoạn đến năm 2020 |
| |||
1 | Dự án đầu tư xây dựng mới Trung tâm y tế thị xã Từ Sơn | 450.000 | Ngân sách tỉnh và các nguồn thu hợp pháp khác | Đã có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 (NQ 88/NQ-HĐND ngày 08/12/2017) |
|
2 | Cải tạo sửa chữa Trung tâm y tế thị xã Từ Sơn (cải tạo sửa chữa Bệnh viện đa khoa thị xã Từ Sơn thuộc Trung tâm y tế Từ Sơn) | 25.000 | Ngân sách tỉnh | Đã có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và đã được Phê duyệt Dự án (1947/QĐ-UBND ngày 29/10/2018) |
|
3 | Dự án đầu tư nâng cấp Trung tâm Y tế huyện Yên Phong | 50.000 | Ngân sách tỉnh | Đã có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 (NQ 143/NQ-HĐND ngày 06/12/2018) |
|
4 | Dự án đầu tư nâng cấp Trung tâm Y tế huyện Thuận Thành | 50.000 | Ngân sách tỉnh | Đã có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 (NQ 143/NQ-HĐND ngày 06/12/2018) |
|
5 | Kế hoạch cải tạo, sửa chữa, bảo dưỡng Trạm y tế | 100.000 | Ngân sách tỉnh |
|
|
6 | Hệ thống công nghệ thông tin trao đổi thông tin trong chẩn đoán, điều trị trong ngành y tế (Telemedicine) | 15.000 | Ngân sách tỉnh | Đã có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 (NQ 143/NQ-HĐND ngày 06/12/2018) |
|
7 | Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động trạm y tế và kết nối liên thông các phần mềm | 20.000 | Ngân sách tỉnh |
|
|
8 | Dự án Phòng khám vệ tinh của Bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến tỉnh tại y tế cơ sở |
| Xã hội hóa |
|
|
9 | Triển khai khám chữa bệnh theo yêu cầu tại các Trung tâm y tế tuyến huyện. |
| Xã hội hóa |
|
|
10 | Triển khai Hệ thống Lưu trữ và truyền tải hình ảnh y khoa (PACS) |
| Nguồn thu dịch vụ KCB |
|
|
II | Giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025 |
| |||
1 | Dự án triển khai Xét nghiệm tập trung tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm y tế huyện Quế Võ |
| Xã hội hóa |
|
|
2 | Dự án đầu tư nâng cấp Trung tâm Y tế huyện Quế Võ | 100.000 | Ngân sách tỉnh |
|
|
3 | Dự án đầu tư nâng cấp Trung tâm Y tế huyện Tiên Du | 100.000 | Ngân sách tỉnh |
|
|
4 | Dự án đầu tư nâng cấp Trung tâm Y tế huyện Gia Bình | 100.000 | Ngân sách tỉnh |
|
|
5 | Dự án đầu tư nâng cấp Trung tâm Y tế huyện Lương Tài | 100.000 | Ngân sách tỉnh |
|
|
6 | Dự án đầu tư nâng cấp Trung tâm Y tế thành phố Bắc Ninh | 50.000 | Ngân sách tỉnh |
|
|