Kế hoạch số 227/KH-BYT ngày 07/03/2019 Về triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế năm 2019
- Số hiệu văn bản: 227/KH-BYT
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Cơ quan ban hành: Bộ Y tế
- Ngày ban hành: 07-03-2019
- Ngày có hiệu lực: 07-03-2019
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2090 ngày (5 năm 8 tháng 25 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 227/KH-BYT | Hà Nội, ngày 07 tháng 03 năm 2019 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG QUẢN LÝ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH VÀ THANH TOÁN BẢO HIỂM Y TẾ NĂM 2019
A. CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH
1. Căn cứ pháp lý
- Luật Công nghệ thông tin số 67/2006/QH11 ngày 22/6/2006;
- Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi số 46/2014/QH13 ngày 13/6/2014;
- Nghị quyết số 68/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới BHYT toàn dân;
- Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử;
- Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20/6/2017 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
- Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg ngày 30/12/2014 của Chính phủ quy định thí điểm về thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước;
- Kế hoạch hành động số 1212/KH-BYT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử;
- Quyết định số 445/QĐ-BYT ngày 30/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt Kế hoạch ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ Y tế;
- Thông tư số 48/2017/TT-BYT ngày 28/12/2017 của Bộ Y tế quy định trích chuyển dữ liệu điện tử trong quản lý và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
2. Căn cứ thực tiễn
- Kết quả đã đạt được trong năm 2018 (Báo cáo của Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế tại Hội nghị trực tuyến tổng kết hoạt động triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) và giám định bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2018 tổ chức ngày 26/12/2018).
- Kết quả kiểm tra, giám sát triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý KBCB và giám định, thanh toán chi phí KBCB BHYT năm 2018 theo Kế hoạch số 250/KH-BYT ngày 19/3/2018 của Bộ Y tế (Báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý KBCB và giám định, thanh toán chi phí KBCB BHYT năm 2018 của Vụ BHYT).
B. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung: Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả tin học hóa trong quản lý KBCB BHYT nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về KBCB BHYT, góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, bảo đảm công khai và minh bạch trong quản lý và giám định chi phí KBCB BHYT.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Hoàn thiện cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện ứng dụng CNTT trong quản lý KBCB và giám định BHYT;
b) Xây dựng cơ chế tài chính đáp ứng việc tin học hóa phục vụ quản lý KBCB và giám định BHYT tại các cơ sở KBCB BHYT;
c) Xây dựng phần mềm ứng dụng phân tích, báo cáo thống kê dữ liệu liên quan đến chi phí KBCB BHYT để phục vụ công tác quản lý, điều hành được kịp thời, có hiệu quả;
d) Tập trung trọng tâm vào việc kiểm tra, giám sát tại các địa phương, đơn vị; đào tạo tập huấn, nâng cao năng lực cho các cán bộ làm công tác quản lý tại các cơ sở KBCB cũng như các cán bộ của các khoa, phòng liên quan đến việc triển khai tin học hóa trong KBCB BHYT;
đ) Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc kết nối, liên thông dữ liệu điện tử để phục vụ quản lý thông tuyến và giám định điện tử
C. KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI
I. NỘI DUNG
1. Một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019
a) Công tác chỉ đạo, điều hành
Tiếp tục rà soát ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện ứng dụng CNTT trong KBCB BHYT, gồm:
- Bộ mã DMDC (phiên bản tiếp theo);
- Quyết định và hướng dẫn thực hiện quy định về dữ liệu đầu ra (bổ sung và sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn khi có phát sinh);
- Quy định Định mức thuê dịch vụ CNTT làm cơ sở để các bên liên quan thực hiện thuê dịch vụ CNTT theo chỉ đạo của Chính phủ;
- Tổ chức Hội nghị tổng kết để đánh giá, chỉ đạo việc ứng dụng CNTT phục vụ quản lý KBCB và giám định, thanh toán chi phí KBCB BHYT.
b) Công tác hỗ trợ,đào tạo, tập huấn, hướng dẫn, nâng cao năng lực quản lý, triển khai ứng dụng CNTT phục vụ quản lý KBCB và giám định, thanh toán BHYT tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ sở KBCB
- Tiếp tục duy trì nhóm Skype hỗ trợ, giải đáp thắc mắc trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện;
- Hỗ trợ trực tiếp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong kết nối, liên thông dữ liệu điện tử KBCB BHYT thông qua kiểm tra, giám sát tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ sở KBCB;
- Xây dựng nội dung, kế hoạch và tổ chức một số lớp đào tạo, tập huấn, hướng dẫn, nâng cao năng lực triển khai ứng dụng CNTT phục vụ quản lý KBCB và giám định, thanh toán chi phí KBCB BHYT tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ sở KBCB.
c) Công tác kiểm tra, giám sát
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai ứng dụng CNTT trong KBCB BHYT tại các địa phương, các cơ sở KBCB ở tất cả các khâu liên quan đến việc trích chuyển dữ liệu, kết nối, liên thông dữ liệu, bảo đảm đúng quy định, yêu cầu, chất lượng và kế hoạch đề ra;
- Tiếp nhận và giải quyết các phản ánh về chất lượng dịch vụ CNTT (như truy cập dữ liệu thẻ BHYT, kiểm tra thông tuyến,...) và một số khó khăn, vướng mắc, bất cập khác thông qua các kênh thông tin (Skype, văn bản, e-mail,...);
- Thông qua kết quả kiểm tra, giám sát và cảnh báo của Hệ thống thông tin giám định BHYT của cơ quan BHXH để kiến nghị Bộ Y tế kiểm tra thực hiện chính sách, pháp luật về KBCB BHYT, nhằm phòng, chống gian lận, trục lợi quỹ BHYT (nếu có).
2. Thực hiện việc kết nối, liên thông dữ liệu điện tử để phục vụ quản lý thông tuyến và giám định điện tử
Bảo đảm thực hiện gửi dữ liệu điện tử từ cơ sở KBCB BHYT đến Cổng tiếp nhận dữ liệu được đầy đủ, thường xuyên, liên tục để phục vụ quản lý thông tuyến và giám định điện tử theo quy định, cụ thể:
- Đạt tỷ lệ gửi hồ sơ gửi đúng ngày ít nhất 90% đối với các cơ sở KCB tuyến Tỉnh và tuyến TW;
- Đạt tỷ lệ gửi hồ sơ gửi đúng ngày 100% đối với các cơ sở KCB tuyến huyện, tuyến xã (trừ các đơn vị không có/ không đủ điều kiện về hạ tầng CNTT).
II. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Văn phòng Điều phối nghiên cứu xây dựng và triển khai Đề án ứng dụng CNTT trong KBCB và thanh toán BHYT (Sau đây viết tắt là Văn phòng Điều phối) làm đầu mối tổng hợp nhu cầu, dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ theo Kế hoạch.
2. Vụ Kế hoạch - Tài chính tổng hợp nhu cầu báo cáo Lãnh đạo Bộ Y tế bố trí kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch này; ưu tiên bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước, từ các dự án để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019.
3. Các đơn vị sự nghiệp ưu tiên sử dụng kinh phí từ ngân sách được giao, từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để đầu tư và thuê dịch vụ CNTT để đáp ứng đúng chỉ đạo, hướng dẫn và yêu cầu của Bộ Y tế, trên cơ sở sử dụng kinh phí đúng mục đích, hiệu quả.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Vụ Bảo hiểm y tế và Văn phòng Điều phối
Giao Vụ Bảo hiểm y tế và Văn phòng Điều phối làm đầu mối chủ trì, phối hợp với các Vụ/Cục có liên quan thuộc Bộ Y tế và một số cơ sở KBCB để tiếp tục tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai ứng dụng CNTT trong KBCB BHYT trên toàn quốc, cụ thể như sau:
a) Chỉ đạo các cơ sở KBCB trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương và y tế các Bộ, ngành:
- Triển khai thực hiện ứng dụng CNTT trong KBCB BHYT theo kế hoạch, quy định, hướng dẫn đã ban hành;
- Thường xuyên đôn đốc việc kết nối, liên thông dữ liệu giữa các cơ sở KBCB BHYT với cơ quan BHXH đúng quy định;
b) Xây dựng dự thảo bổ sung, sửa đổi các văn bản liên quan đến dữ liệu đầu vào, dữ liệu đầu ra phục vụ quản lý và giám định chi phí KBCB BHYT;
c) Điều phối các Vụ/Cục và các đơn vị có liên quan trong quá trình triển khai ứng dụng CNTT phục vụ quản lý KBCB và giám định chi phí KBCB BHYT;
d) Thuê doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT xây dựng phần mềm ứng dụng phân tích, báo cáo thống kê dữ liệu liên quan đến chi phí KBCB BHYT thông qua dữ liệu điện tử do BHXH Việt Nam cung cấp qua tài khoản cho Bộ Y tế, để phục vụ công tác quản lý, điều hành được kịp thời, có hiệu quả;
đ) Tổ chức đào tạo, hướng dẫn, nâng cao năng lực trong việc triển khai ứng dụng CNTT phục vụ quản lý KBCB và thanh toán BHYT cho các đối tượng liên quan tại các cơ sở KBCB trên phạm vi toàn quốc;
e) Theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá, đôn đốc các cơ sở KBCB trên toàn quốc; tổ chức các Hội nghị tổng kết và định kỳ báo cáo Lãnh đạo Bộ kết quả thực hiện kế hoạch.
2. Cục Công nghệ thông tin:
a) Chủ trì, phối hợp xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, tiêu chí thực hiện nội dung giao dịch điện tử liên quan đến ứng dụng CNTT trong quản lý KBCB BHYT;
b) Tổ chức xây dựng Cổng Tiếp nhận dữ liệu và Kho quản lý dữ liệu KBCB BHYT để triển khai tiếp nhận được đầy đủ, chính xác dữ liệu điện tử KBCB BHYT, bảo đảm bảo mật, an toàn thông tin trong quá trình tiếp nhận dữ liệu điện tử KBCB BHYT và triển khai ứng dụng CNTT phục vụ quản lý KBCB và giám định chi phí KBCB BHYT.
3. Vụ Kế hoạch - Tài chính:
a) Chủ trì, phối hợp với Vụ BHYT và Văn phòng điều phối báo cáo Lãnh đạo Bộ bố trí ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến ứng dụng CNTT trong quản lý và giám định, thanh toán chi phí KBCB BHYT;
b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan:
- Xây dựng phương án tính toán giá, xác định mức chi phí thuê dịch vụ CNTT, làm căn cứ để các cơ sở KBCB chi trả chi phí thuê dịch vụ CNTT;
- Xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, kết cấu chi phí ứng dụng CNTT vào trong giá dịch vụ y tế, bảo đảm tính đúng, tính đủ.
4. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh:
a) Chủ trì, phối hợp với các Vụ, Cục, đơn vị có liên quan tham mưu, trình lãnh đạo Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản liên quan đến KBCB BHYT và các văn bản đối với các dịch vụ kỹ thuật tương đương về kỹ thuật tại Thông tư 43/2013/TT-BYT và Thông tư 50/2014/TT-BYT , phù hợp với tên, giá dịch vụ kỹ thuật ban hành kèm theo Thông tư 39/2018/TT-BYT , làm cơ sở pháp lý triển khai ứng dụng CNTT trong KBCB BHYT;
b) Cập nhật Bảng phân loại thống kê quốc tế về bệnh tật và các vấn đề sức khỏe có liên quan phiên bản lần thứ 10 (ICD-10) Tập 1, 2 vào Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu DMDC;
c) Ban hành hướng dẫn, quy định cấp mã cơ sở KBCB BHYT được đầy đủ, kịp thời, đúng quy định.
5. Cục Quản lý Dược:
- Chủ trì, phối hợp với Vụ Bảo hiểm y tế tham mưu, trình lãnh đạo Bộ Y tế phê duyệt, ban hành các phiên bản cập nhật danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT được thay đổi, loại bỏ hoặc bổ sung, cấp mới;
- Cung cấp danh mục cập nhật (được cấp mới hoặc loại bỏ) đối với thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền được Cục Quản lý Dược cấp số đăng ký lưu hành cho Cục Quản lý Y, dược cổ truyền để làm cơ sở rà soát, mã hóa và bổ sung vào các phiên bản Bộ mã DMDC.
6. Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền:
a) Chủ trì, phối hợp với Vụ BHYT tham mưu, trình lãnh đạo Bộ Y tế phê duyệt, ban hành các phiên bản cập nhật đối với danh mục thuốc từ dược liệu, thuốc cổ truyền thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT được cấp số đăng ký mới hoặc loại bỏ;
b) Chủ trì biên soạn Bảng phân loại thống kê quốc tế về bệnh, tật và các vấn đề sức khỏe có liên quan phiên bản lần thứ 11 (ICD-11) trong lĩnh vực y học cổ truyền, trình lãnh đạo Bộ Y tế phê duyệt và bổ sung vào Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu DMDC;
c) Chủ trì, phối hợp với Vụ BHYT trong việc cập nhật, hoàn thiện danh mục mã bệnh y học cổ truyền;
7. Vụ Trang thiết bị và công trình y tế
Chủ trì, phối hợp với Vụ BHYT trong việc xây dựng, cập nhật, bổ sung danh mục mã vật tư y tế sử dụng trong KBCB BHYT, chuyển cho Vụ BHYT để tổng hợp, trình lãnh đạo Bộ Y tế phê duyệt, ban hành các phiên bản Bộ mã DMDC tiếp theo.
8. Các cơ sở KBCB trực thuộc Bộ Y tế
a) Tổ chức triển khai thực hiện việc ứng dụng CNTT trong KBCB BHYT theo Kế hoạch này;
b) Chủ động lựa chọn và đề xuất giải pháp ứng dụng CNTT phù hợp đảm bảo khả năng tích hợp, liên thông và chia sẻ thông tin/dữ liệu điện tử phục vụ công tác quản lý KBCB và giám định chi phí KBCB BHYT.
c) Chủ động triển khai, đánh giá kết quả việc triển khai ứng dụng CNTT trong KBCB BHYT tại đơn vị, định kỳ 06 tháng một lần báo cáo Bộ Y tế; Kịp thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp phù hợp đối với những vấn đề mới phát sinh;
9. Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương
a) Chỉ đạo tổ chức thực hiện, hướng dẫn các đơn vị thuộc quyền quản lý thực hiện ứng dụng CNTT trong KBCB BHYT theo Kế hoạch này; định kỳ 06 tháng một lần báo cáo Bộ Y tế và kịp thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp phù hợp đối với những vấn đề mới phát sinh;
b) Đầu mối tổ chức cập nhật, ánh xạ, chuẩn hóa DMDC tập trung của các cơ sở KBCB trên địa bàn tỉnh/thành phố nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở KBCB có bộ mã DMDC phù hợp với từng tỉnh/ thành phố để phục vụ triển khai ứng dụng CNTT trong KBCB BHYT; chủ động việc tổng hợp, đề xuất Bộ Y tế cấp mã cho các dịch vụ còn thiếu;
c) Chỉ đạo các cơ sở KBCB phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp CNTT để kịp thời cập nhật phần mềm quản lý bệnh viện (Phần mềm HIS) khi có sự điều chỉnh, thay đổi quy định về dữ liệu đầu vào, dữ liệu đầu ra, đảm bảo việc kết nối liên thông dữ liệu phục vụ quản lý KBCB và thanh toán chi phí KBCB BHYT theo đúng quy định;
d) Thực hiện kiểm tra, giám sát việc triển khai ứng dụng CNTT trong KBCB BHYT tại các cơ sở KBCB thuộc quyền quản lý; kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và Bộ Y tế những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề mới phát sinh trong tổ chức thực hiện để xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.
10. Bộ Y tế yêu cầu các Vụ, Cục có liên quan, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành chịu trách nhiệm tổ chức và triển khai thực hiện Kế hoạch này; định kỳ 06 tháng một lần tổng hợp, báo cáo tiến độ thực hiện Kế hoạch gửi Bộ Y tế (qua Vụ Bảo hiểm y tế và Văn phòng Điều phối) để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |