cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 47/2018/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 Về Quy chế quản lý vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ sử dụng để sản xuất vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

  • Số hiệu văn bản: 47/2018/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Bắc Kạn
  • Ngày ban hành: 28-12-2018
  • Ngày có hiệu lực: 08-01-2019
  • Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2147 ngày (5 năm 10 tháng 22 ngày)
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 47/2018/QĐ-UBND

Bắc Kạn, ngày 28 tháng 12 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP, TIỀN CHẤT THUỐC NỔ SỬ DỤNG ĐỂ SẢN XUẤT VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 20 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số: 71/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ về vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ;

Căn cứ Thông tư số: 13/2018/TT-BCT ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Bộ Công Thương quy định về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ sử dụng để sản xuất vật liệu nổ công nghiệp;

Căn cứ Quyết định số: 51/2008/QĐ-BCT ngày 30 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về an toàn trong bảo quản, vận chuyển, sử dụng và tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công thương tại Tờ trình số: 79/TTr-SCT ngày 18 tháng 12 năm 2018.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ sử dụng để sản xuất vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Điều 2.Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08 tháng 01 năm 2019 và thay thế Quyết định số: 2835/2010/QĐ-UBND ngày 27 tháng 12 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc ban hành Quy định quản lý vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Điều 3.Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Công thương; Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Giám đốc Công an tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lý Thái Hải

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP, TIỀN CHẤT THUỐC NỔ SỬ DỤNG ĐỂ SẢN XUẤT VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 47/2018/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định về quản lý hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ sử dụng để sản xuất vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh và trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động VLNCN, tiền chất thuốc nổ (TCTN) sử dụng để sản xuất VLNCN trên địa bàn tỉnh Bắc Kan.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân liên quan trong quản lý và hoạt động VLNCN, TCTN sử dụng để sản xuất VLNCN trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Điều 3. Nguyên tắc quản lý và phối hợp

1. Đảm bảo sự phối hợp đồng bộ trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng ngành, từng cấp; đề cao trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp.

2. Đảm bảo tính thống nhất, tập trung; không hình thức, chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác quản lý hoạt động VLNCN, TCTN.

3. Tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật; bảo đảm an toàn tuyệt đối trong mọi trường hợp; phát huy hiệu quả của hoạt động VLNCN, TCTN sử dụng để sản xuất VLNCN vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

Điều 4. Báo cáo trong hoạt động VLNCN, TCTN

Các tổ chức liên quan đến hoạt động VLNCN, TCTN có trách nhiệm báo cáo cho các cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 18, Điều 19 Thông tư số: 13/2018/TT-BCT ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Bộ Công thương quy định về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ sử dụng để sản xuất vật liệu nổ công nghiệp (Thông tư số: 13/2018/TT-BCT).

Chương II

QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG VLNCN VÀ TCTN

Điều 5. Kinh doanh VLNCN

Các doanh nghiệp kinh doanh VLNCN hoạt động trên địa bàn tỉnh phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 3, Điều 37 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Điều 6. Sử dụng VLNCN

Tổ chức, doanh nghiệp sử dụng VLNCN phải bảo đảm đủ các điều kiện và tuân theo các quy định tại Điều 41 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Điều 7. Hoạt động dịch vụ nổ mìn

1. Tổ chức, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ nổ mìn (DVNM) trên địa bàn tỉnh có quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Khoản 2, Điều 43 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

2. Các tổ chức, cá nhân thuê DVNM có quyền và nghĩa vụ quy định tại Khoản 3, Điều 43 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Điều 8. Vận chuyển VLNCN

Việc vận chuyển VLNCN theo các quy định tại Điều 44 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Điều 9. Thời gian không được tiến hành nổ mìn

1. Thời gian không được nổ mìn:

a) Thời gian nghỉ Tết và những ngày nghỉ Lễ theo quy định của pháp luật.

b) Đối với những địa điểm nổ mìn gần khu dân cư (khoảng cách đến nhà dân gần nhất tối thiểu 300 mét): Sau 21h00’đến 05h00’ hằng ngày.

2. Những trường hợp khác: Trong một số trường hợp đặc biệt, Sở Công thương sẽ có thông báo bằng văn bản việc không được tiến hành nổ mìn trong một khoảng thời gian nhất định.

Điều 10. Quy định về quản lý, sử dụng TCTN

Thực hiện theo quy định từ Điều 46 đến Điều 51 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 20 tháng 6 năm 2017.

Chương III

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ VÀ CƠ CHẾ PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG VLNCN, TCTN

Điều 11. Công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ hoạt động VLNCN, TCTN

1. Sở Công thương chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan có liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động VLNCN, TCTN trên địa bàn tỉnh.

2. Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Công thương thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về an ninh trật tự, vận chuyển, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ thuộc thẩm quyền quản lý của Công an tỉnh trê n địa bàn tỉnh.

3. Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động VLNCN, TCTN đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều cơ quan quản lý nhà nước về các lĩnh vực có liên quan trực tiếp từ hoạt động VLNCN, TCTN để giảm thiểu tối đa một đối tượng, một nội dung trong một năm không quá 01 đợt kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước.

Điều 12. Công tác kiểm tra đột xuất

1. Sở Công thương chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan liên quan thực hiện kiểm tra, xác minh các vụ việc có liên quan đến sự mất an toàn trong hoạt động sử dụng, bảo quản VLNCN, TCTN; theo đơn khiếu nại, tố cáo hoặc chỉ đạo của cơ quan cấp trên.

2. Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Công thương và các cơ quan liên quan thực hiện kiểm tra, xác minh các vụ việc có liên quan đến sự mất an toàn trong hoạt động vận chuyển VLNCN, TCTN; theo đơn khiếu nại, tố cáo hoặc chỉ đạo của cơ quan cấp trên.

Điều 13. Công tác xử lý sai phạm trong hoạt động VLNCN, TCTN

Khi phát hiện tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động sử dụng, bảo quản VLNCN, TCTN, đơn vị chủ trì có trách nhiệm kiểm tra, xác minh, xử lý vi phạm theo thẩm quyền. Trường hợp không thuộc thẩm quyền thì chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo đúng chức năng, nhiệm vụ.

Điều 14. Phối hợp xử lý sai phạm gây ra tai nạn lao động, tai nạn lao động nghiêm trọng trong quá trình sử dụng, bảo quản VLNCN, TCTN

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Công thương, Công an tỉnh điều tra tai nạn lao động, tai nạn lao động nghiêm trọng và những vi phạm quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn lao động, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp vi phạm vượt quá thẩm quyền xử lý của các Sở, Ban, Ngành, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

Điều 15. Trách nhiệm chung quản lý nhà nước về hoạt động VLNCN, TCTN trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

1. Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động VLNCN, TCTN trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền.

2. Sở Công thương là cơ quan chuyên môn đầu mối giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động VLNCN, TCTN trên địa bàn tỉnh.

Điều 16. Trách nhiệm của Sở Công thương

Ngoài việc thực hiện theo quy định tại Điều 21 Thông tư số 13/2018/TT- BCT, Sở Công thương còn có trách nhiệm:

1. Chủ trì, hướng dẫn việc thực hiện các quy định pháp luật trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ trên địa bàn tỉnh. Tổng hợp báo cáo định kỳ về hoạt động VLNCN, TCTN trên địa bàn tỉnh cho Ủy ba nhân dân tỉnh, Bộ Công thương theo quy định.

2. Phê duyệt thiết kế hoặc phương án nổ mìn của tổ chức, doanh nghiệp sử dụng VLNCN trong khu vực dân cư, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, khu vực có các di tích lịch sử - văn hóa, bảo tồn thiên nhiên, công trình an ninh, quốc phòng hoặc công trình quan trọng khác của quốc gia, khu vực bảo vệ khác theo quy định pháp luật (trừ các tổ chức, doanh nghiệp có Giấy phép sử dụng VLNCN do Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp cấp).

3. Chủ trì kiểm tra việc thực hiện phương án giám sát ảnh hưởng nổ mìn của các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng VLNCN đối với công trình, đối tượng cần bảo vệ nằm trong phạm vi ảnh hưởng của nổ mìn và trong các trường hợp cần thiết khác.

4. Chỉ định các địa điểm, khu vực bắt buộc phải sử dụng DVNM nhằm đảm bảo an ninh, an toàn trật tự xã hội.

5. Tiếp nhận Thông báo về sử dụng VLNCN của các tổ chức, d oanh nghiệp có dịch vụ nổ mìn, Giấy phép sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh do Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp cấp. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, Sở Công thương chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra thực tế khu vực sử dụng VLNCN của tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về công tác đả m bảo an toàn trước khi sử dụng VLNCN.

6. Thẩm định hồ sơ thiết kế công trình kho VLNCN của các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động VLNCN trên địa bàn tỉnh theo quy định. Trong quá trình thẩm định, Sở Công thương có trách nhiệm xin ý kiến Công an tỉnh về công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.

7. Chủ trì, phối hợp các Sở, Ban, Ngành, Ủy ban nhân dân địa phương giải quyết các trường hợp khiếu nại, tố cáo và các vấn đề liên quan đến hoạt động VLNCN, TCTN trên địa bàn tỉnh. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

8. Trao đổi, cung cấp thông tin với Công an tỉnh các trường hợp vi phạm hành chính trong hoạt động VLNCN, TCTN.

Điều 17. Trách nhiệm của Công an tỉnh

1. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền theo quy định và theo Quy chế này.

2. Tổ chức kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự; thẩm duyệt, kiểm tra, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với kho, phương tiện chuyên dùng vận chuyển VLNCN, TCTN cho các tổ chức hoạt động VLNCN, TCTN trên địa bàn tỉnh; kiểm tra, cấp Giấy phép vận chuyển VLNCN, TCTN trên địa bàn tỉnh cho các tổ chức không thuộc thẩm quyền cấp mệnh lệnh vận chuyển của Bộ Quốc phòng.

3. Ban hành các Văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc ngành, lĩnh vực được phân công tổ chức thực hiện Quy chế này.

4. Tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất hoạt động của các tổ chức, cá nhân có hoạt động VLNCN, TCTN trên địa bàn tỉnh.

5. Chủ trì, phối hợp cùng Sở Công thương đưa ra biện pháp xử lý đối với VLNCN, TCTN trái phép được thu hồi trên địa bàn tỉnh.

6. Trao đổi, cung cấp thông tin với Sở Công thương các trường hợp vi phạm hành chính về công tác an ninh trật tự, công tác phòng, chống cháy nổ trong hoạt động VLNCN, TCTN.

7. Thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy hồ sơ thiết kế công trình kho VLNCN của các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động VLNCN trên địa bàn tỉnh theo quy định. Trong quá trình thẩm duyệt, có trách nhiệm xin ý kiến Sở Công Thương về thiết kế công trình kho chứa VLNCN để đảm bảo thống nhất nội dung thiết kế kho và thiết kế phòng cháy kho chứa VLNCN.

Điều 18. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

1. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền.

2. Ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc ngành, lĩnh vực được phân công tổ chức thực hiện Quy chế này.

3. Phối hợp trong việc hướng dẫn, kiểm tra và xử lý vi phạm về thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động của các tổ chức, cá nhân hoạt động VLNCN, TCTN theo quy định hiện hành.

4. Tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất hoạt động của tổ chức, cá nhân có hoạt động VLNCN, TCTN trên địa bàn tỉnh khi được yêu cầu.

Điều 19. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

1. Tổ chức thực hiện các nội dung công tác quản lý nhà nước về VLNCN, TCTN trên địa bàn quản lý.

2. Phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc quản lý hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng VLNCN, TCTN.

3. Chỉ đạo các cơ quan chức năng và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn sở tại theo dõi, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động VLNCN, TCTN trên địa bàn.

4. Xử lý vi phạm về hoạt động VLNCN, TCTN theo thẩm quyền được phân cấp hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.

5. Báo cáo kịp thời các sự cố liên quan đến VLNCN, TCTN trên địa bàn quản lý cho Sở Công thương và các cơ quan chức năng liên quan để phối hợp xử lý.

6. Tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất hoạt động của tổ chức, cá nhân hoạt động VLNCN, TCTN trên địa bàn do Sở Công thương hoặc Công an tỉnh chủ trì khi có yêu cầu.

Điều 20. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân hoạt động VLNCN, TCTN

Thực hiện theo quy định của pháp luật và các quy định sau:

1. Phối hợp chặt chẽ với các đoàn thanh, kiểm tra để thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật.

2. Phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương khi được yêu cầu.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 21. Tổ chức thực hiện

1. Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức phổ biến, triển khai thực hiện Quy chế này và các quy định hiện hành của pháp luật liên quan đến hoạt động VLNCN, TCTN trên địa bàn tỉnh.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, các Sở, Ban, Ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân phản ánh bằng văn bản về Sở Công thương để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh cho phù hợp./.