Quyết định số 4924/QĐ-UBND ngày 10/12/2018 Về phê duyệt Đề án nghiên cứu phục dựng, phát huy giá trị các lễ hội tiêu biểu và các loại hình văn hóa dân gian đặc sắc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, phục vụ phát triển du lịch
- Số hiệu văn bản: 4924/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
- Ngày ban hành: 10-12-2018
- Ngày có hiệu lực: 10-12-2018
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2175 ngày (5 năm 11 tháng 20 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4924/QĐ-UBND | Thanh Hóa, ngày 10 tháng 12 năm 2018 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NGHIÊN CỨU PHỤC DỰNG, PHÁT HUY GIÁ TRỊ CÁC LỄ HỘI TIÊU BIỂU VÀ CÁC LOẠI HÌNH VĂN HÓA DÂN GIAN ĐẶC SẮC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014, Hội nghị Trung ương 9, Khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;
Căn cứ Luật Du lịch ngày 19 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Luật Di sản văn hoá ngày 29/6/2001 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18/6/2009;
Căn cứ Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ngày 18 tháng 11 năm 2016;
Căn cứ Quyết định số 2161/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 290-QĐ/TU ngày 27/5/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khoá XVIII về việc ban hành Chương trình phát triển du lịch tỉnh Thanh Hoá, giai đoạn 2016 - 2020;
Căn cứ Thông báo kết luận số 565-KL/TU ngày 05/9/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc triển khai Đề án “Nghiên cứu phục dựng, phát huy giá trị các lễ hội tiêu biểu và các loại hình văn hóa dân gian đặc sắc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phục vụ phát triển du lịch”;
Căn cứ Kế hoạch số 156/KH-UBND ngày 17/10/2016 về thực hiện Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII của UBND tỉnh; căn cứ các quyết định của UBND tỉnh: Số 492/QĐ-UBND ngày 09/02/2015 về phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; số 5382/QĐ-UBND ngày 22/12/2015 về ban hành quy định quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; số 1554/QĐ-UBND ngày 11/5/2017 về ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;
Xét đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 3426/TTr - SVHTTDL ngày 14 tháng 11 năm 2018 (Kèm theo ý kiến thẩm định của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 5821/SKHĐT-VX ngày 30/10/2018 của Sở Tài Chính tại Công văn số 4380/STC-HCSN ngày 19/10/2018; của Sở Tư pháp tại Công văn số 2029/STP-XDVB ngày 29/10/2018),
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án nghiên cứu, phục dựng, phát huy giá trị các lễ hội tiêu biểu và các loại hình văn hóa dân gian đặc sắc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, phục vụ phát triển du lịch, với các nội dung chủ yếu sau:
A. MỤC TIÊU
I. Mục tiêu chung
Đề xuất, nghiên cứu, xây dựng lễ hội mới mang sắc thái đặc trưng của tỉnh Thanh Hóa trở thành sản phẩm du lịch; lựa chọn, tập trung đầu tư, khai thác, phát huy một số lễ hội tiêu biểu và loại hình văn hóa dân gian đặc sắc trở thành sản phẩm du lịch, hoặc hỗ trợ làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch nhằm phục vụ, thu hút khách du lịch đến tỉnh Thanh Hóa; kết hợp cùng các giá trị văn hóa của địa phương để góp phần xây dựng thương hiệu du lịch tỉnh Thanh Hóa.
II. Mục tiêu cụ thể
- Lựa chọn, tổ chức 03 lễ hội tiêu biểu cấp tỉnh; 05 lễ hội tiêu biểu cấp huyện, từng bước hình thành và bổ trợ cho sản phẩm, thương hiệu du lịch tỉnh Thanh Hóa;
- Nghiên cứu, tổ chức 06 lễ hội mới tại các khu di tích trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa nhằm từng bước phát triển thành sản phẩm, thương hiệu du lịch Thanh Hóa;
- Bảo tồn, phát huy 06 loại hình văn hóa dân gian đặc sắc có khả năng trình diễn tại các khu, điểm du lịch để bổ trợ cho sản phẩm du lịch, phục vụ du khách.
B. LỰA CHỌN LỄ HỘI TIÊU BIỂU, NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG CÁC LỄ HỘI MỚI PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH
I. LỰA CHỌN LỄ HỘI TIÊU BIỂU TỔ CHỨC VỚI QUY MÔ CẤP TỈNH
1. Lễ hội Lam Kinh
a) Thời gian tổ chức: Ngày 21,22,23/8 âm lịch hàng năm.
b) Địa điểm:
- Địa điểm chính: Khu di tích lịch sử Lam Kinh, xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa;
- Địa điểm khác: Thái miếu nhà Hậu Lê, Tượng đài Lê Lợi, đền thờ Trung túc vương Lê Lai.
c) Quy mô: Cấp tỉnh.
d) Tần suất: Tổ chức hàng năm.
e) Đơn vị chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý Di tích lịch sử Lam Kinh.
f) Đơn vị phối hợp: UBND huyện: Thọ Xuân, Ngọc Lặc; UBND Thành phố Thanh Hóa và các sở, ngành, đơn vị liên quan.
g) Nội dung, ý tưởng:
- Đầu tư xây dựng lễ hội Lam Kinh trở thành sản phẩm du lịch độc lập, điểm đến du lịch hoàn chỉnh có tính liên vùng, mang tầm quốc gia;
- Xây dựng lễ hội Lam Kinh theo hướng lễ hội cung đình; chuyển dần các hình thức sân khấu hóa sang lễ hội cung đình; các hoạt động lễ hội chủ yếu thiên về biểu diễn trình thức nghi lễ cung đình thời Lê; những năm chẵn tổ chức lễ hội liên vùng, có sự tham gia của các tỉnh, thành phố liên quan tới cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, có danh nhân, tướng lĩnh xuất sắc tham gia vào cuộc khởi nghĩa Lam Sơn;
- Nghiên cứu các trình thức nghi lễ cung đình thời Lê, tổ chức trình diễn vào dịp lễ hội và xuyên suốt cả năm, phục vụ nhân dân và du khách tham gia trải nghiệm; tổ chức cho các dòng họ, tỉnh thành và du khách tham gia tế lễ biểu diễn các loại hình văn hóa mang tính tưởng nhớ, tri ân...
h) Hướng phát triển:
- Phát triển lễ hội Lam Kinh trở thành lễ hội Cung đình, mang tính liên vùng;
- Liên kết, kết nối tổ chức chuỗi sự kiện tại Thái Miếu nhà Hậu Lê, đền thờ Trung túc vương Lê Lai, Hội thề Lũng Nhai, điểm thờ tự bà Trịnh Thị Ngọc Lữ, Phạm Thị Ngọc Trần, Hài Thị Cai...
- Xây dựng các mô hình phỏng dựng hoặc trình diễn nghi thức phỏng dựng theo nghi lễ cung đình thời Lê tại chính điện; khuyến khích các hình thức du khách được thực hành, trải nghiệm.
- Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh liên kết đưa đoàn khách tham quan về di tích lịch sử Lam Kinh và lễ hội Lam Kinh.
2. Lễ hội Bà Triệu
a) Thời gian tổ chức: Ngày 21,22,23/2 âm lịch hàng năm.
b) Địa điểm:
- Địa điểm chính: Khu di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật đền Bà Triệu, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
- Địa điểm khác: Am Tiên, xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa (nơi Bà Triệu luyện quân và phất cờ khởi nghĩa); khu di tích lịch sử nghè Trúc, xã Định Tiến, huyện Yên Định; khu di tích đền Bà Triệu, xã Trung Thành, huyện Nông Cống.
c) Quy mô: Cấp tỉnh.
d) Tần suất: Tổ chức hàng năm.
e) Đơn vị chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa tỉnh.
f) Đơn vị phối hợp: UBND huyện: Hậu Lộc, Triệu Sơn, Nông Cống, Yên Định và các sở, ngành, đơn vị liên quan.
g) Nội dung, ý tưởng: Đầu tư xây dựng lễ hội Bà Triệu trở thành sản phẩm du lịch độc lập, điểm đến du lịch hoàn chỉnh có tính liên vùng, mang tầm quốc gia.
h) Hướng phát triển:
- Phát triển lễ hội Bà Triệu trở thành lễ hội mang tính liên vùng, lễ hội nhằm tôn vinh quảng bá hình ảnh, ý chí, nghị lực của người phụ nữ Việt Nam;
- Tổ chức kết nối chuỗi các hoạt động tại các địa phương nơi lưu giữ những dấu tích về Bà Triệu: Am Tiên, vùng núi Nưa (nơi Bà Triệu luyện quân và phất cờ khởi nghĩa); khu di tích lịch sử nghè Trúc, xã Định Tiến, huyện Yên Định; Khu di tích đền Bà Triệu, xã Trung Thành, huyện Nông Cống và các hoạt động dâng hương tưởng nhớ Nữ anh hùng dân tộc của Việt Nam.
- Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh liên kết đưa đoàn khách tham quan khu di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật đền Bà Triệu và lễ hội Bà Triệu.
3. Lễ hội Lê Hoàn
a) Thời gian tổ chức: Ngày 7,8,9/3 âm lịch hàng năm.
b) Địa điểm: Khu di tích lịch sử đền thờ Lê Hoàn, huyện Thọ Xuân
c) Quy mô: Cấp tỉnh.
d) Tần suất: Tổ chức hàng năm.
e) Đơn vị chủ trì: UBND huyện Thọ Xuân
f) Đơn vị phối hợp: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở, ngành có liên quan.
g) Nội dung, ý tưởng: Đầu tư xây dựng lễ hội Lê Hoàn trở thành sản phẩm du lịch độc lập, điểm đến du lịch hoàn chỉnh có tính liên vùng, mang tầm quốc gia.
h) Hướng phát triển:
- Phát triển lễ hội Lê Hoàn trở thành lễ hội mang tính liên vùng, kết nối với cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình - nơi in dấu tích về thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc vào thế kỷ X, gắn liền với công lao to lớn của Lê Hoàn tạo thành chuỗi kết nối tour tham quan.
- Đầu tư, xây dựng kịch bản lễ hội theo hướng tổ chức nhiều loại hình văn hóa dân gian độc đáo, đặc sắc thời tiền Lê, tổ chức nhiều hoạt động trong khuôn khổ lễ hội; đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn thiện, đồng bộ kết nối khách tham quan khu di tích Lam Kinh, Lê Hoàn, khu di tích lịch sử Yên Trường, đền thờ Trung túc vương Lê Lai và các khu điểm du lịch trên địa bàn tỉnh và cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình...
- Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh liên kết đưa đoàn khách tham quan về với di tích và Lễ hội.
II. NGHIÊN CỨU, PHỤC DỰNG, XÂY DỰNG MỚI LỄ HỘI TẠI CÁC KHU DI TÍCH TRỌNG ĐIỂM CỦA TỈNH, PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH
1. Nghiên cứu, phục dựng, xây dựng mới lễ hội tại Phủ Trịnh
a) Đơn vị chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
b) Đơn vị phối hợp: UBND huyện Vĩnh Lộc, các sở, ngành, địa phương có liên quan.
c) Thời gian nghiên cứu, xây dựng mô hình lễ hội: Năm 2019 - 2020
d) Thời gian tổ chức lễ hội: Bắt đầu từ năm 2021; sau đó lễ hội được duy trì tổ chức hằng năm.
2. Nghiên cứu, phục dựng, xây dựng mới lễ hội tại Lăng Miếu Triệu Tường
a) Đơn vị chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
b) Đơn vị phối hợp: UBND huyện Hà Trung, các sở, ngành, địa phương có liên quan.
c) Thời gian nghiên cứu, xây dựng mô hình lễ hội: Năm 2019 - 2020
d) Thời gian tổ chức lễ hội: Bắt đầu từ năm 2021; sau đó lễ hội được duy trì tổ chức hằng năm.
3. Nghiên cứu, xây dựng mới lễ hội Tình yêu- Hòn Trống Mái, Sầm Sơn
a) Đơn vị chủ trì: UBND thành phố Sầm Sơn.
b) Đơn vị phối hợp: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các sở, ngành, địa phương có liên quan.
c) Thời gian nghiên cứu, xây dựng mô hình lễ hội: Năm 2018
d) Thời gian tổ chức lễ hội: Bắt đầu từ năm 2019; sau đó lễ hội được duy trì tổ chức hằng năm.
4. Nghiên cứu, xây dựng mới Festival di sản Thành Nhà Hồ
a) Đơn vị chủ trì: Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ.
b) Đơn vị phối hợp: UBND huyện Vĩnh Lộc, các sở, ngành, địa phương có liên quan.
c) Thời gian nghiên cứu, xây dựng mô hình, kịch bản Festival: Năm 2021
d) Thời gian tổ chức Festival: Bắt đầu từ năm 2022; sau đó 2 năm tổ chức Festival một lần.
5. Nghiên cứu, phục dựng lễ Tế Giao tại khu di tích Đàn Tế Nam Giao
a) Đơn vị chủ trì: Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ.
b) Đơn vị phối hợp: UBND huyện Vĩnh Lộc, các sở ngành, địa phương có liên quan.
c) Thời gian nghiên cứu, xây dựng kịch bản lễ Tế Giao: Năm 2019
d) Thời gian tổ chức lễ Tế Giao: Bắt đầu từ năm 2020; sau đó duy trì tổ chức 2 năm/lần.
6. Nghiên cứu, xây dựng, tổ chức lễ hội mới Hương sắc vùng cao
a) Đơn vị chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
b) Đơn vị phối hợp: UBND 11 huyện miền núi, các sở, ngành, địa phương có liên quan.
c) Thời gian nghiên cứu xây dựng mô hình lễ hội: Năm 2020
d) Thời gian tổ chức: Bắt đầu từ năm 2021; sau đó duy trì 2 năm tổ chức một lần.
III. LỰA CHỌN LỄ HỘI TIÊU BIỂU TỔ CHỨC VỚI QUY MÔ CẤP HUYỆN
1. Lễ hội Mẫu Tam phủ (Sòng Sơn, Phố Cát, Hàn Sơn - Cô Bơ)
a) Đơn vị chủ trì: UBND thị xã Bỉm Sơn; UBND huyện: Thạch Thành, Hà Trung,
b) Đơn vị phối hợp: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở ngành liên quan.
c) Thời gian tổ chức:
- Lễ hội Mẫu Tam Phủ: Tổ chức vào thời điểm diễn ra lễ hội truyền thống của đền Sòng: Vào ngày 22 - 25/2 âm lịch hàng năm.
- Lễ hội Phố Cát: Ngày 21 - 23/2 âm lịch hàng năm.
- Lễ hội Hàn Sơn: Ngày 12-16/6 âm lịch hàng năm.
c) Địa điểm: Đền Sòng Sơn (thị xã Bỉm Sơn), Đền Phố Cát (huyện Thạch Thành), Đền Hàn Sơn (huyện Hà Trung).
d) Quy mô: Lễ hội quy mô cấp huyện.
e) Tần suất: Tổ chức hàng năm.
f) Nội dung, ý tưởng tổ chức:
- Tổ chức sự kiện chính: Lễ hội Mẫu Tam Phủ
+ Nghiên cứu, xây dựng kịch bản, phục dựng, hoàn chỉnh việc tổ chức các lễ hội Mẫu Tam Phủ tại đền Sòng, trên cơ sở kết nối trình thức nghi lễ của lễ hội đền Hàn - Cô Bơ, lễ hội đền Phố Cát, tổ chức thành nghi lễ thờ Mẫu Tam Phủ; tương lai, kết nối tổ chức lễ hội quy mô cấp khu vực (mời các tỉnh, thành phía Bắc - nơi có các điểm di tích thờ Mẫu cùng tham gia).
+ Tổ chức lễ hội Mẫu Tam Phủ, từng bước liên kết thế mạnh giá trị lễ hội và di tích thờ mẫu của Thanh Hóa; kéo dài ngày khách du lịch; khách thập phương khi đến đền Sòng, có thể kết nối đến điểm thờ Mẫu tại đền Phố Cát, đền Cô Bơ - Hàn Sơn...tạo thành tính liên hoàn và thu hút khách du lịch tâm linh.
- Tổ chức lễ hội Phố Cát, Hàn Sơn - Cô Bơ truyền thống
Ngoài sự kiện liên kết tổ chức lễ hội Mẫu Tam Phủ là sự kiện chủ đạo mang tính liên vùng, các lễ hội thường niên tại đền Sòng, đền Phố Cát, đền Hàn - Cô Bơ tổ chức theo thông lệ nhằm thu hút khách đến thực hành tín ngưỡng tâm linh.
k) Hướng phát triển:
- Liên kết, hình thành, tổ chức lễ hội Mẫu Tam Phủ, tạo thành sự kiện chủ đạo, sản phẩm du lịch tín ngưỡng tâm linh, điểm đến du lịch hoàn chỉnh có tính liên kết, từng bước đưa lễ hội trở thành lễ hội tín ngưỡng thờ Mẫu lớn của khu vực.
- Duy trì và phát triển các lễ hội thường niên tại các điểm di tích thờ Mẫu nhằm thu hút khách du lịch đến với Thanh Hóa vào nhiều thời điểm trong năm.
- Đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất, không gian di tích tại khu vực đền Sòng, đền Hàn Sơn - Cô Bơ; đền Phố Cát; từng bước hoàn thiện phục vụ lễ hội tại khu vực.
- Vận động cộng đồng dân cư trong vùng tham gia tích cực lễ hội; gia tăng các hoạt động văn hóa dân gian; nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ du khách.
- Xây dựng cơ chế quản lý, khai thác lễ hội tại các điểm di tích đền Sòng, đền Phố Cát, đền Cô Bơ; có cơ chế phối hợp liên vùng giữa các điểm di tích thờ Mẫu trên địa bàn tỉnh và khu vực, tạo sự liên kết, sâu chuỗi các hoạt động, kéo dài thời gian lưu trú ở Thanh Hóa đối với du khách.
- Xây dựng cơ chế chính sách trong khuyến khích các công ty lữ hành tổ chức tour du lịch cho khách về với các điểm di tích; cơ chế chính sách trong kêu gọi xã hội hóa các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia tổ chức lễ hội và đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ lễ hội.
2. Lễ hội Am Tiên - Phủ Nưa
a) Thời gian: Tháng 1- 2 âm lịch hàng năm.
b) Địa điểm: Di tích Đền Nưa (huyện Triệu Sơn);
c) Quy mô: Cấp huyện.
d) Tần suất: Tổ chức hằng năm
e) Đơn vị chủ trì: UBND huyện Triệu Sơn.
f) Đơn vị phối hợp: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Hậu Lộc, các sở ngành liên quan.
g) Nội dung, ý tưởng tổ chức:
- Nghiên cứu, xây dựng kịch bản phục dựng, tổ chức lễ hội Am Tiên một cách hoàn chỉnh, có thể trở thành sản phẩm du lịch; kết hợp nghiên cứu nghi thức tế lễ, ngưỡng vọng linh khí trời đất tại huyệt đạo Quốc gia, từng bước kéo dài thời gian lễ hội, đưa các hoạt động ngưỡng vọng linh khí trời đất thành hoạt động tín ngưỡng chủ đạo thu hút khách thập phương về di tích và tham dự lễ hội.
- Kết nối lễ hội Am Tiên - Phủ Nưa và lễ hội Bà Triệu tạo thành sự liên kết điểm đến tâm linh trọn vẹn (Am Tiên, nơi Bà Triệu luyện quân, phất cờ khởi nghĩa - đền Bà Triệu - nơi Bà Triệu an nghỉ); trong thời gian tổ chức lễ hội có thể kết nối đến các điểm thờ tự Bà Triệu như: Nghè Trúc, xã Định Tiến, huyện Yên Định (quê hương Bà Triệu); di tích đền Bà Triệu, xã Trung Thành, huyện Nông Cống.
h) Hướng phát triển:
- Xây dựng, đưa lễ hội Am Tiên - Phủ Nưa thành sản phẩm du lịch tín ngưỡng tâm linh độc đáo đầu xuân, trong đó tập trung phát triển, quảng bá tính thiêng trong nghi thức tế lễ ngưỡng vọng linh khí trời đất vào dịp đầu xuân, tôn vinh anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh - người có công trong lịch sử dựng nước và giữ nước; khơi dậy nét đẹp truyền thống văn hóa, đậm đà bản sắc dân tộc của xứ Thanh.
- Đầu tư, hoàn chỉnh các hạng mục về di tích, cơ sở hạ tầng, dịch vụ đáp ứng phục vụ khách với số lượng lớn.
- Xây dựng cơ chế quản lý và khai thác di tích, quản lý và tổ chức lễ hội khoa học, hiệu quả; chấn chỉnh công tác quản lý của Ban quản lý di tích hiện tại; xây dựng đội ngũ trực tiếp quản lý di tích đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.
- Khuyến khích nhân dân tham gia các hoạt động văn hóa lễ hội, các hoạt động dịch vụ du lịch để gia tăng tính đặc sắc văn hóa của địa phương;
- Xây dựng cơ chế, chính sách trong thu hút nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho di tích và các hoạt động lễ hội; chính sách khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành, các tổ chức cá nhân trong tuyên truyền, quảng bá và đưa khách du lịch về với di tích và lễ hội.
3. Lễ hội đền Đồng Cổ
a) Thời gian: Ngày 14-15/3 âm lịch hàng năm.
b) Địa điểm: Đền Đồng Cổ (huyện Yên Định).
c) Quy mô: Cấp huyện.
d) Tần suất: Hằng năm
e) Đơn vị chủ trì: UBND huyện Yên Định.
f) Đơn vị phối hợp: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các sở ngành liên quan.
g) Nội dung, ý tưởng: Nghiên cứu, xây dựng kịch bản, từng bước phục dựng hoàn chỉnh lễ hội đền Đồng Cổ trở thành sản phẩm du lịch; nghiên cứu bổ sung những trình thức liên quan đến nghi lễ xin linh khí thần trống Đồng; tổ chức mô phỏng hoạt động giao thương văn hóa thời Lý trên sông Mã; rước kiệu từ đình làng Đan Nê về đền Đồng Cổ; trình diễn nghệ thuật đúc trống đồng, trải nghiệm và tham gia đúc trống đồng, giới thiệu, bán sản phẩm trống đồng…
h) Hướng phát triển:
- Đầu tư xây dựng lễ hội đền Đồng Cổ thành sản phẩm du lịch tín ngưỡng tâm linh, điểm đến du lịch hoàn chỉnh.
- Duy trì tổ chức, quảng bá về lễ hội và di tích; kết nối các hoạt động lễ hội tại đền Đồng Cổ Thanh Hóa với đền Đồng Cổ Hà Nội tạo thành chuỗi tín ngưỡng tâm linh; nghiên cứu hướng tới tổ chức hoạt động rước linh khí thần trống Đồng từ đền gốc huyệnYên Định ra đền thờ vọng ở phường Bưởi, thành phố Hà Nội; thông qua đó nhằm quảng bá, thu hút đông đảo khách thập phương, nhất là khách từ thành phố Hà Nội về với đền Đồng Cổ, huyện Yên Định vào dịp lễ hội.
- Kết nối du lịch với khu vực Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ qua đường bộ và qua tuyến du lịch Sông Mã.
- Đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ khách du lịch tại khu vực đền Đồng Cổ; xây dựng cơ chế chính sách trong kêu gọi xã hội hóa các hoạt động tu bổ di tích, tổ chức lễ hội; xây dựng chương trình liên kết phát triển du lịch giữa điểm du lịch đền Đồng Cổ, huyệnYên Định và đền Đồng Cổ, phường Bưởi, thành phố Hà Nội.
- Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ các công ty lữ hành tham gia giới thiệu, quảng bá điểm đến, đưa khách du lịch về tham dự lễ hội, tham quan khu di tích danh thắng đền Đồng Cổ.
4. Lễ hội Mai An Tiêm
a) Thời gian: Ngày 12-14/3 âm lịch hàng năm.
b) Địa điểm: Khu di tích lịch sử Mai An Tiêm, xã Nga Phú, huyện Nga Sơn.
c) Quy mô: Cấp huyện.
d) Tần suất: Hằng năm.
e) Đơn vị chủ trì: UBND huyện Nga Sơn.
f) Đơn vị phối hợp: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các sở ngành liên quan.
g) Nội dung, ý tưởng: Nghiên cứu, phục dựng, xây dựng hoàn chỉnh lễ hội Mai An Tiêm trở thành lễ hội phục vụ du lịch; ngoài tổ chức lễ hội truyền thống tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền bối đã có công gây dựng, gìn giữ và bảo vệ non sông đất nước; nghiên cứu, tổ chức lễ hội dưa hấu với quy mô toàn quốc với nhiều hoạt động phong phú như: Thi khắc dưa, thi bổ dưa, nghệ thuật tạo hình dưa, kỹ thuật trồng dưa; tổ chức các trò chơi trò diễn: Võ, vật, hội trại các làng nghề trồng dưa, gian hàng giới thiệu sản phẩm dưa... thông qua đó tôn vinh nghề trồng dưa hấu.
h) Hướng phát triển:
- Đầu tư xây dựng lễ hội Mai An Tiêm thành sản phẩm du lịch tín ngưỡng tâm linh, du lịch làng nghề, điểm đến du lịch hoàn chỉnh.
- Duy trì tổ chức, quảng bá về lễ hội và di tích; kết nối các hoạt động lễ hội với phần nghi thức tôn vinh nghề trồng dưa hấu, giới thiệu, quảng bá sản phẩm dưa hấu từ khắp mọi miền của tổ quốc.
- Đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ khách du lịch tại khu vực di tích lịch sử Mai An Tiêm, động Từ Thức, Cửa Thần Phù; làng nghề Chiếu Cói, vườn dưa hấu thuộc huyện Nga Sơn.. . tạo thành chuỗi du lịch trải nghiệm; xây dựng cơ chế chính sách trong kêu gọi xã hội hóa các hoạt động tu bổ di tích, tổ chức lễ hội; xây dựng chương trình liên kết phát triển du lịch giữa các khu điểm du lịch trên địa bàn huyện Nga Sơn với các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
- Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ, kích cầu các công ty lữ hành tham gia giới thiệu, quảng bá điểm đến, đưa khách du lịch về tham dự lễ hội, tham quan khu di tích danh thắng đền Mai An Tiêm và các khu điểm du lịch của Nga Sơn.
5. Lễ hội Cầu Ngư của cư dân vùng ven biển
a) Thời gian: Tháng 2 âm lịch hàng năm.
b) Địa điểm: Các huyện Hậu Lộc, Tĩnh Gia; Thành phố Sầm Sơn.
c) Quy mô: Cấp huyện.
d) Tần suất: Hàng năm.
e) Đơn vị chủ trì: UBND huyện Hậu Lộc, Tĩnh Gia; TP Sầm Sơn.
f) Đơn vị phối hợp: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các sở ngành liên quan.
g) Nội dung, ý tưởng:
Nghiên cứu xây dựng kịch bản, phục dựng, xây dựng hoàn chỉnh lễ hội Cầu Ngư của các cư dân vùng ven biển Thanh Hóa, phát triển thành sản phẩm du lịch có tính liên vùng, hàng năm tổ chức thành chuỗi các hoạt động tín ngưỡng thờ thần biển.
h) Hướng phát triển:
- Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh lễ hội Cầu Ngư của cư dân vùng ven biển Thanh Hóa thành sản phẩm du lịch tín ngưỡng tâm linh, điểm đến du lịch hoàn chỉnh.
- Duy trì tổ chức, quảng bá về lễ hội; kết nối các điểm thờ thần biển của Thanh Hóa thành chuỗi các sự kiện của lễ hội Cầu Ngư hàng năm phục vụ khách du lịch.
- Đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ khách du lịch tại khu vực diễn ra lễ hội của các huyện ven biển, tạo thành chuỗi trải nghiệm; xây dựng cơ chế chính sách trong kêu gọi xã hội hóa các hoạt động tu bổ di tích, tổ chức lễ hội; xây dựng chương trình liên kết phát triển du lịch giữa điểm du lịch ven biển: Sầm Sơn, Hoằng Hóa, Nga Sơn, Hậu Lộc, Tĩnh Gia, Quảng Xương với các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
- Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ các công ty lữ hành tham gia giới thiệu, quảng bá điểm đến, đưa khách du lịch về tham dự lễ hội, tham quan các khu điểm du lịch ven biển Thanh Hóa.
C. LỰA CHỌN CÁC LOẠI HÌNH VĂN HÓA DÂN GIAN ĐẶC SẮC, PHÁT TRIỂN THÀNH SẢN PHẨM DU LỊCH
1. Trò diễn Xuân Phả
a) Thời gian thực hiện: Giai đoạn năm 2019 - 2025.
b) Đơn vị chủ trì xây dựng các Câu lạc bộ phục vụ du lịch: UBND thành phố Sầm Sơn, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ, Ban quản lý di tích Lam Kinh.
c) Đơn vị phối hợp: UBND huyện Thọ Xuân và các đơn vị có liên quan.
d) Nội dung, ý tưởng:
Xây dựng, hình thành các câu lạc bộ trò diễn Xuân Phả, biểu diễn tại các khu điểm du lịch: Sầm Sơn, Lam Kinh, Thành Nhà Hồ; một số khu, điểm du lịch và các lễ hội, các sự kiện văn hóa - du lịch.
e) Hướng phát triển:
- Sưu tầm và tư liệu hóa di sản.
- Đầu tư, khôi phục toàn bộ trò diễn Xuân Phả, hình thành các câu lạc bộ Xuân Phả phục vụ khách du lịch tại khu du lịch Lam Kinh, Thành Nhà Hồ và Sầm Sơn.
- Đầu tư một số cơ sở vật chất, trang thiết bị, trang phục, dụng cụ trình diễn để các tổ, nhóm, câu lạc bộ hoạt động.
- Hỗ trợ các nghệ nhân truyền dạy di sản, hỗ trợ các thành viên tham gia gìn giữ di sản.
2. Hò Sông Mã
a) Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2019 - 2025.
b) Đơn vị chủ trì xây dựng các CLB phục vụ phát triển du lịch: UBND thành phố Thanh Hoá.
c) Đơn vị phối hợp: UBND huyện Hà Trung, các huyện, thị xã, thành phố và đơn vị có liên quan.
d) Nội dung, ý tưởng: Đầu tư, khôi phục lại loại hình văn hóa dân gian Hò Sông Mã đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch tại khu du lịch tour ngược xuôi Sông Mã nối tuyến Sầm Sơn, Hàm Rồng, Cô Bơ; tuyến du lịch Sông Mã và một số khu, điểm du lịch.
e) Hướng phát triển:
- Đầu tư, khôi phục, truyền dạy và duy trì Hò Sông Mã; thành lập các CLB Hò Sông Mã biểu diễn tại nhiều khu điểm du lịch và tại các sự kiện lễ hội lớn của tỉnh.
- Tư liệu hóa di sản văn hóa Hò Sông Mã.
- Xây dựng chính sách hỗ trợ các cá nhân duy trì di sản văn hóa và truyền nghề; hỗ trợ trang thiết bị, trang phục đạo cụ phục vụ duy trì và phát triển loại hình di sản văn hóa tại địa phương.
3. Trò Chiềng
a) Thời gian thực hiện: Giai đoạn năm 2019-2025.
b) Đơn vị chủ trì xây dựng CLB: Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ.
c) Đơn vị phối hợp: UBND huyện các huyện Yên Định, Vĩnh Lộc và các đơn vị có liên quan.
d) Nội dung, ý tưởng:
Hình thành câu lạc bộ biểu diễn thường xuyên phục vụ khách tại Thành Nhà Hồ, một số khu, điểm du lịch và các lễ hội, các sự kiện văn hóa - du lịch.
e) Hướng đầu tư phát triển:
- Đầu tư, khôi phục toàn bộ các tích trò Chiềng, huyện Yên Định, đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch tại khu du lịch Thành Nhà Hồ và một số khu điểm du lịch trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa.
- Duy trì đội trình diễn trò Chiềng tại địa phương, sẵn sàng phục vụ tại các khu du lịch liên quan.
- Xây dựng chính sách hỗ trợ các cá nhân duy trì di sản văn hóa và truyền nghề; hỗ trợ trang thiết bị, trang phục đạo cụ phục vụ duy trì và phát triển loại hình di sản văn hóa tại địa phương.
4. Dân ca - Dân vũ Đông Anh
a) Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2019-2025.
b) Đơn vị chủ trì xây dựng CLB: UBND thành phố Sầm Sơn.
c) Đơn vị phối hợp: UBND huyện Đông Sơn và các đơn vị có liên quan.
d) Nội dung, ý tưởng:
Hình thành các câu lạc bộ hát múa Đông Anh đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch tại khu du lịch Sầm Sơn; một số khu, điểm du lịch và các sự kiện văn hóa du lịch.
e) Hướng phát triển:
- Đầu tư, phục dựng các loại hình dân ca Đông Anh, duy trì các câu lạc bộ trình diễn tại địa phương, các khu du lịch liên quan, sẵn sàng phục vụ theo yêu cầu của khách du lịch; nhân rộng thành các câu lạc bộ phục vụ tại nhiều khu điểm khác nhau của tỉnh.
- Xây dựng chính sách hỗ trợ các cá nhân duy trì di sản văn hóa và truyền nghề; hỗ trợ trang thiết bị, trang phục đạo cụ phục vụ duy trì và phát triển loại hình di sản văn hóa tại địa phương.
5. Trò diễn Pồn Pôông
a) Thời gian thực hiện: Giai đoạn năm 2019 - 2025.
b) Đơn vị chủ trì xây dựng Câu lạc bộ: UBND huyện: Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Bá Thước, Như Thanh.
c) Đơn vị phối hợp: UBND các huyện miền núi và các đơn vị có liên quan.
d) Nội dung, ý tưởng:
Hình thành các câu lạc bộ biểu diễn Pồn Pôông tại một số khu điểm du lịch suối cá Cẩm Lương, Bến En, Pù Luông.. và các lễ hội quanh khu vực.
e) Hướng phát triển:
- Đầu tư, khôi phục, duy trì trò diễn Pồn Pôông của dân tộc Mường đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch tại khu du lịch Pù Luông, khu du lịch Bến En, suối cá Cẩm Lương và từng bước nhân rộng mô hình biểu diễn tại nhiều khu điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
- Sưu tầm và tư liệu hóa di sản;
- Thành lập các đội văn nghệ, câu lạc bộ tại các địa phương và các khu điểm du lịch để sẵn sàng phục vụ trình diễn theo yêu cầu của khách du lịch;
- Xây dựng chính sách hỗ trợ các cá nhân duy trì di sản văn hóa và truyền nghề; hỗ trợ trang thiết bị, trang phục đạo cụ phục vụ duy trì và phát triển loại hình di sản văn hóa tại địa phương.
6. Kin chiêng Bọc mạy; Khua luống
a) Thời gian thực hiện: Giai đoạn năm 2019 - 2025.
b) Đơn vị chủ trì xây dựng các Câu lạc bộ: UBND các huyện: Như Thanh, Bá Thước, Lang Chánh.
c) Đơn vị phối hợp: UBND các huyện miền núi, các đơn vị có liên quan.
d) Nội dung, ý tưởng:
- Đây là loại hình văn hóa dân gian mang những bản sắc riêng có của người Thái, có tính nghệ thuật và thu hút cao, dễ dàng trở thành các tiết mục trình diễn; Kin chiêng bọc mạy và Khua luống có thể trở thành những trò diễn cho du khách thực hành và trải nghiệm vì vậy nó có thể trở thành sản phẩm du lịch độc đáo phục vụ tại khu điểm du lịch.
- Hình thành các câu lạc bộ văn hóa dân gian biểu diễn Khua luống; Kin chiêng bọc mạy tại khu du lịch Pù Luông, Thác Ma Hao, Bến En… và các lễ hội, các sự kiện văn hóa - du lịch.
e) Hướng phát triển:
- Đầu tư, khôi phục lại loại hình văn hóa dân gian: khua luống, kin chiêng bọoc mạy đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch tại khu du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
- Sưu tầm và tư liệu hóa các giá trị di sản.
- Xây dựng chính sách hỗ trợ các cá nhân duy trì di sản văn hóa và truyền nghề; hỗ trợ trang thiết bị, trang phục đạo cụ phục vụ duy trì và phát triển loại hình di sản văn hóa tại địa phương.
D. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP
1. Về hoàn thiện cơ chế, chính sách
- Có cơ chế, chính sách bảo tồn, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị phục vụ tại khu điểm du lịch, nơi diễn ra lễ hội nhằm đáp ứng tốt nhu cầu tham quan, vui chơi, giải trí của khách du lịch.
- Xây dựng hệ thống cơ chế chính sách kêu gọi xã hội hóa tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động bảo tồn, tổ chức lễ hội; cơ chế chính sách khuyến khích, kích cầu các doanh nghiệp lữ hành, các tổ chức, cá nhân tham gia kết nối tour tuyến du lịch lễ hội và tham quan di tích danh thắng Thanh Hóa.
2. Về tăng cường công tác quản lý Nhà nước
- Xây dựng cơ chế quản lý, tổ chức lễ hội mang tính đặc thù cho các loại hình lễ hội định hướng đầu tư trở thành sản phẩm du lịch; có cơ chế chính sách quản lý, khai thác và kết nối tour tuyến du lịch trong tỉnh và liên vùng.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chấn chỉnh các hoạt động lễ hội, từng bước thực hiện tốt nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa trong lễ hội, trong kinh doanh các dịch vụ, tạo tiền đề xây dưng thương hiệu, hình ảnh người Thanh Hóa thông qua các hoạt động tín ngưỡng tâm linh; có chế tài quản lý, giám sát các nguồn thu, nguồn đầu tư tu bổ tôn tạo các hạng mục di tích, tạo sự minh bạch, nề nếp trong các hoạt động tín ngưỡng tâm linh, từng bước tạo sự thiện cảm của du khách khi đến với các điểm lễ hội của Thanh Hóa.
3. Về huy động nguồn vốn đầu tư
- Xây dựng cơ chế chính sách phân bổ một phần nguồn vốn của Nhà nước, một phần nguồn vốn địa phương và nguồn xã hội hóa, đầu tư vào việc phát triển các loại hình lễ hội và loại hình văn hóa dân gian phục vụ phát triển du lịch, dựa vào nguyên tắc đầu tư cho lễ hội phải phát huy và thu hút khách du lịch, phát triển du lịch để phát triển kinh tế, lấy nguồn thu từ du lịch tái đầu tư cho các hoạt động lễ hội.
- Tăng cường huy động các nguồn lực xã hội hóa cho hoạt động tổ chức lễ hội; kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhân dân tham gia xã hội hóa các hoạt động lễ hội.
4. Về phát triển nguồn nhân lực
- Phát huy vai trò quan trọng của các nghệ nhân dân gian, khai thác vốn hiểu biết về văn hóa dân gian và truyền dạy cho các thế hệ kế tiếp.
- Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực về các mặt: Quản lý văn hóa, tổ chức sự kiện, hướng dẫn viên, thuyết minh viên về du lịch văn hóa lễ hội.
- Có chính sách khuyến khích hình thành và duy trì các câu lạc bộ văn hóa truyền thống tại các địa phương trong toàn tỉnh; khuyến khích các doanh nghiệp du lịch thực hiện đào tạo, tái đào tạo đội ngũ nhân viên; ưu đãi về thuế đối với các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác đào tạo, tái đào tạo tại chỗ.
5. Về tuyên truyền, quảng bá
- Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp các ngành, các tổ chức chính trị xã hội và cộng đồng dân cư hiểu rõ hơn về vai trò và ý nghĩa của việc giữ gìn bản sắc văn hóa, phát huy giá trị lễ hội và các loại hình văn hóa dân gian đặc sắc phục vụ phát triển du lich, qua đó tạo sự đồng thuận giữa các bên liên quan trong việc triển khai các hoạt động văn hóa và du lịch tại địa phương.
- Tăng cường công tác xúc tiến quảng bá các giá trị văn hóa và lễ hội tại tỉnh Thanh Hóa nhằm xây dựng hình ảnh du lịch với những yếu tố đổi mới về các sản phẩm du lịch văn hóa, lễ hội.
- Tích cực triển khai các nội dung về xúc tiến, quảng bá các giá trị văn hóa và lễ hội của tỉnh Thanh Hóa tại các sự kiện, hội chợ du lịch trong và ngoài nước để giới thiệu các tới đông đảo du khách trong và ngoài nước.
- Xây dựng hình ảnh lễ hội, văn hóa và các loại hình du lịch, tạo ra sức hấp dẫn riêng đối với du khách bằng các hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng các cụm pa nô, biển quảng cáo về du lịch; xây dựng băng video, đĩa CD - Rom, Website, sổ tay du lịch; tăng cường quảng bá du lịch gắn kết với hoạt động xúc tiến du lịch, các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư.
6. Về hợp tác và liên kết phát triển
- Tăng cường liên kết giữa các ngành, các lĩnh vực nhằm nâng cao hiệu quả vốn đầu tư. Trong đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động nắm bắt các kế hoạch của tỉnh, của các ngành, qua đó đề xuất lồng ghép các mục tiêu phát triển văn hóa và du lịch liên quan.
- Xây dựng các chương trình hợp tác trong kết nối các doanh nghiệp du lịch, trong quảng bá văn hóa và lễ hội chung cho các địa phương có tính tương đồng, có sản phẩm du lịch tương đồng; hợp tác, liên kết tổ chức các lễ hội, sự kiện; hợp tác trong việc đưa các giá trị văn hóa liên quan phát huy tại các điểm đến du lịch.
- Tích cực tham gia các chương trình khảo sát, quảng bá, xúc tiến, hội chợ triển lãm của các địa phương nhằm kết nối, học hỏi lẫn nhau để cùng nâng cao năng lực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phục vụ phát triển du lịch.
7. Về phục dựng các lễ hội và loại hình văn hóa dân gian tiêu biểu, đặc sắc
- Mời các chuyên gia, nhà hoạch định chiến lược, đầu tư xây dựng kịch bản lễ hội hoàn chỉnh, phù hợp với định hướng, cơ chế chính sách, khả thi để từng bước tạo thành sản phẩm du lịch.
- Tìm kiếm sự hỗ trợ ban đầu về nguồn lực tài chính cho các công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, trong đó chú trọng vào sự tham gia của cộng đồng dân cư trong triển khai, thực hiện các kịch bản lễ hội.
8. Về tổ chức, quản lý
- Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa lễ hội và loại hình văn hóa dân gian của địa phương;
- Sau khi các lễ hội được đầu tư, xây dựng và phát triển theo định hướng sản phẩm du lịch, các cấp chính quyền địa phương có trách nhiệm duy trì, từng bước đầu tư, tuyên truyền, quảng bá nhằm thu hút khách du lịch.
E. DANH MỤC DỰ ÁN ƯU TIÊN THỰC HIỆN
1. Nhóm dự án đầu tư, phát triển lễ hội tiêu biểu tổ chức với quy mô cấp tỉnh
- Tổ chức nghiên cứu, phục dựng (hội thảo, xây dựng mô hình, kịch bản...)
- Bổ sung, điều chỉnh, sáng tạo, nâng cấp, hoàn thiện các nội dung, kịch bản lễ hội sẵn có.
- Tổ chức các lễ hội theo nội dung, ý tưởng, kịch bản được duyệt.
2. Nhóm dự án nghiên cứu, phục dựng, xây dựng mới các lễ hội
- Nghiên cứu, xây dựng nội dung, kịch bản một số lễ hội mới.
- Tổ chức các lễ hội mới theo nội dung, ý tưởng, kịch bản được duyệt.
3. Nhóm dự án đầu tư, phát triển lễ hội tiêu biểu tổ chức với quy mô cấp huyện
- Tổ chức nghiên cứu, phục dựng (hội thảo, xây dựng đề án, kịch bản...)
- Bổ sung, điều chỉnh, sáng tạo, nâng cấp, hoàn thiện các nội dung, kịch bản lễ hội.
- Tổ chức các lễ hội theo nội dung, ý tưởng, kịch bản được duyệt.
4. Nhóm dự án đầu tư phát triển loại hình văn hóa dân gian thành sản phẩm du lịch phục vụ tại khu điểm du lịch
- Thành lập và hỗ trợ phát triển một số câu lạc bộ, các đoàn biểu diễn các loại hình văn hóa dân gian tại khu vực phát triển du lịch; hỗ trợ một số trang thiết bị chủ yếu.
- Có chính sách miễn phí phục vụ biểu diễn loại hình văn hóa dân gian tại các khu, điểm du lịch cho khách đoàn do các doanh nghiệp lữ hành tổ chức.
- Nghiên cứu bảo tồn và phát huy một số loại hình văn hóa dân gian đặc sắc như dân ca, các trò chơi, trò diễn dân gian.
- Hỗ trợ các nghệ nhân văn hóa dân gian hành nghề và truyền nghề;
5. Nhóm dự án về tuyên truyền quảng bá, tập huấn nguồn nhân lực du lịch
- Xây dựng ấn phẩm, CD, DVD, biển, bảng, tranh, ảnh giới thiệu, quảng bá Lễ hội và các loại hình văn hóa dân gian đặc sắc của Thanh Hóa tại khu, điểm du lịch và phát hành rộng rãi tới các doanh nghiệp lữ hành; trong các hội chợ, triển lãm du lịch.
- Đào tạo các kỹ năng, kiến thức văn hóa, du lịch, học tập kinh nghiệm, đặc biệt trong việc tổ chức các lễ hội.
6. Nhóm chính sách hỗ trợ tổ chức, khai thác, phát huy
- Cơ chế xã hội hóa trong đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ lễ hội;
- Chính sách đối với doanh nghiệp lữ hành đưa khách tham dự sự kiện lễ hội, sử dụng khai thác loại hình Văn hóa dân gian;
- Chính sách đối với nghệ nhân truyền dạy loại hình Văn hóa dân gian, xây dựng, duy trì phát triển CLB loại hình Văn hóa dân gian phục vụ phát triển du lịch.
- Chính sách đối với các tổ chức cá nhân đăng cai tổ chức, đưa sự kiện, hoạt động về Thanh Hóa.
G. KINH PHÍ TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN
I. Tổng kinh phí thực hiện đề án (từ năm 2019 đến 2025): 117.270 triệu đồng.
Trong đó:
Nguồn kinh phí:
- Nguồn ngân sách tỉnh (Nguồn kinh phí thực hiện Chương trình phát triển du lịch; nguồn kinh phí sự nghiệp phát triển văn hóa): 22.195 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 18,93%
- Nguồn ngân sách huyện: 28.765 triệu đồng, chiểm tỷ lệ 24,53%
- Nguồn xã hội hóa và các nguồn vốn khác: 66.310 triệu đồng, chiểm tỷ lệ 56,54%
(Có phụ lục kèm theo).
II. Nguyên tắc bố trí kinh phí
1. Kinh phí thực hiện đề án được bố trí từ các nguồn: Ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, xã hội hóa và các nguồn huy động khác.
2. Ngân sách Nhà nước chi thực hiện các nhiệm vụ:
- Công tác nghiên cứu mô hình, kịch bản lễ hội và tổ chức triển khai mô hình kịch bản theo hướng khai thác thành sản phẩm du lịch;
- Đào tạo nguồn nhân lực, tuyên truyền quảng bá và đầu tư hạ tầng thiết yếu ở những nơi có điều kiện thu hút lượng khách du lịch.
- Hỗ trợ một phần kinh phí triển khai mô hình trong các năm đầu theo kịch bản được nghiên cứu, xây dựng để khai thác lễ hội phục vụ phát triển du lịch, kinh phí hỗ trợ theo hình thức giảm dần nguồn ngân sách tỉnh, ngân sách địa phương và tăng dần nguồn kinh phí xã hội hóa hoặc huy động hợp pháp khác tiến đến việc tổ chức lễ hội sử dụng 100 % nguồn xã hội hóa.
- Hỗ trợ kinh phí cho các địa phương đang lưu giữ loại hình văn hóa dân gian duy trì, truyền nghề và các địa phương có khu điểm du lịch dự kiến khai thác hình thành sản phẩm du lịch từ loại hình Văn hóa dân gian phục vụ xây dựng mô hình câu lạc bộ biểu diễn tại khu điểm du lịch.
H. TỔ CHỨC THỰCHIỆN
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố có liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng các kế hoạch cụ thể, chính sách hỗ trợ, tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội tham gia phục dựng và phát huy các giá trị các loại hình văn hóa dân gian truyền thống đặc sắc phục vụ phát triển du lịch.
- Hàng năm xây dựng Kế hoạch và triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ triển khai Đề án, trong đó phải đặc biệt chú trọng tới công tác nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý văn hóa, hướng dẫn, thuyết minh.
- Thực hiện tuyên truyền, quảng bá các giá trị lễ hội và văn hóa dân gian đặc sắc trên các phương tiện thông tin đại chúng, website, các hội chợ triển lãm... trong và ngoài nước; xây dựng ấn phẩm quảng bá du lịch các điểm, tuyến du lịch văn hóa và lễ hội theo hướng chuyên nghiệp và đa ngôn ngữ.
Xây dựng cơ chế chính sách kêu gọi nguồn lực xã hội hóa trong đầu tư trang thiết bị phục vụ khu điểm du lịch và tổ chức lễ hội; cơ chế chính sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp kết nối tour du lịch lễ hội và đưa khách du lịch đến tham quan tại khu điểm du lịch trên địa bàn tỉnh; chính sách đối với nghệ nhân truyền dạy loại hình văn hóa dân gian, xây dựng duy trì phát triển Câu lạc bộ loại hình văn hóa dân gian... phục vụ du lịch; chính sách đối với các tổ chức cá nhân đăng cai tổ chức, đưa sự kiện, hoạt động về Thanh Hóa...;
- Kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Đề án theo từng giai đoạn, tổng hợp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện hàng năm.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc cân đối, bố trí ngân sách hằng năm cho việc triển khai thực hiện các dự án đạt hiệu quả.
- Tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục hành chính nhằm thu hút các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực văn hóa kết hợp du lịch.
- Xây dựng chính sách huy động xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ các hoạt động lễ hội...
3. Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh (nguồn kinh phí thực hiện Chương trình phát triển du lịch; nguồn kinh phí sự nghiệp phát triển văn hóa) triển khai quyết định theo đúng tiến độ đề ra; kiểm tra giám sát việc sử dụng kinh phí đúng mục đích và có hiệu quả.
4. Sở Xây dựng
Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh lập quy hoạch, dự án xây dựng các không gian tổ chức các lễ hội trên để tạo sản phẩm du lịch văn hóa, lễ hội; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các ngành, địa phương kiểm tra chặt chẽ hoạt động xây dựng, khai thác, sử dụng đất có ảnh hưởng đến các không gian văn hóa và lễ hội.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường
Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát xây dựng phương án, kế hoạch bảo vệ tài nguyên môi trường tại các điểm lễ hội, làng nghề. Phối hợp với các sở, ngành trong công tác tuyên truyền vận động người dân, du khách bảo vệ môi trường nước, không khí, chất thải, khí thải… tại các điểm lễ hội, làng nghề.
6. Sở Công thương
Xây dựng kế hoạch khôi phục các nghề, làng nghề truyền thống công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn; hỗ trợ địa phương trong việc quảng bá, giới thiệu và xây dựng thương hiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hàng nông sản, đặc sản của địa phương.
7. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn
- Chủ trì nghiên cứu xây dựng mô hình, dự án phát triển các cây dược liệu, cây nông nghiệp (rau sạch, hoa…) kết hợp với các tri thức dân gian tạo ra các sản phẩm hàng hóa và du lịch.
- Chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền quản lý tổ chức tốt công tác bảo vệ tài nguyên rừng, bảo vệ cảnh quan, môi trường rừng, góp phần tích cực trong giữ gìn không gian lễ hội.
- Thực hiện lồng ghép thực hiện các chương trình, dự án, kế hoạch liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa và du lịch trên địa bàn tỉnh.
8. Sở Thông tin và Truyền thông
Chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, hệ thống truyền thanh cơ sở tuyên truyền về Đề án Nghiên cứu, phục dựng, phát huy giá trị các lễ hội tiêu biểu, loại hình văn hóa dân gian đặc sắc phục vụ phát triển du lịch và quảng bá các lễ hội, loại hình văn hóa dân gian đặc sắc được lựa chọn là sản phẩm du lịch của tỉnh tại đề án.
9. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh
- Chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các doanh nghiệp tham gia phát triển du lịch văn hóa, lễ hội, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, kêu gọi các dự án đầu tư. Kêu gọi, vận động các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa và lễ hội gắn với phát triển du lịch.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các nội dung về xúc tiến, quảng bá các giá trị văn hóa và lễ hội của tỉnh Thanh Hóa tại các sự kiện, hội chợ du lịch trong và ngoài nước mà tỉnh tham gia.
10. Các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố
- Các sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ cụ thể, chủ động xây dựng kế hoạch chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai các quy hoạch, dự án có hiệu quả trong việc nghiên cứu phục dựng và phát huy giá trị các lễ hội đặc trưng và các loại hình văn hóa dân gian đặc sắc trên địa bàn tỉnh phục vụ phát triển du lịch. Phối hợp với các sở, ngành chuyên môn trong xây dựng cơ chế hỗ trợ đầu tư xây dựng liên quan đến khai thác và phát triển các điểm, tuyến du lịch. Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư xây dựng, triển khai thực hiện dự án phát triển du lịch tại địa phương.
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong công tác quản lý, phát huy giá trị các lễ hội và các loại hình văn hóa dân gian đặc sắc gắn với phát triển du lịch. Hàng năm, tích cực phối hợp xúc tiến du lịch, kêu gọi các dự án đầu tư cho du lịch tại địa phương. Chỉ đạo các các phòng chức năng, cơ quan chuyên môn cấp huyện phối hợp với phòng chức năng, cơ quan chuyên môn của các sở, ngành của tỉnh trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong đề án đã đặt ra.
11. Các tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoạt động du lịch
- Tuân thủ các quy định trong việc nghiên cứu phục dựng và phát huy giá trị các lễ hội đặc trưng và các loại hình văn hóa dân gian đặc sắc trên địa bàn tỉnh phục vụ phát triển du lịch; thực hiện các quy hoạch, dự án một cách đồng bộ, toàn diện.
- Tham gia xúc tiến, quảng bá các giá trị văn hóa và lễ hội của tỉnh Thanh Hóa tại các sự kiện, hội chợ du lịch trong và ngoài nước mà tỉnh tham gia.
12. Đề nghị các tổ chức chính trị, xã hội, cộng đồng dân cư
- Theo chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động, có trách nhiệm hỗ trợ, tuyên truyền và tham gia phối hợp trong các hoạt động nghiên cứu phục dựng và phát huy giá trị các lễ hội đặc trưng và các loại hình văn hóa dân gian đặc sắc trên địa bàn tỉnh phục vụ phát triển du lịch.
- Kêu gọi, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia các hoạt động nghiên cứu phục dựng và phát huy giá trị các lễ hội đặc trưng và các loại hình văn hóa dân gian đặc sắc trên địa bàn tỉnh phục vụ phát triển du lịch.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
| KT. CHỦ TỊCH |
Văn bản này có file đính kèm, bạn phải tải Văn bản về để xem toàn bộ nội dung. |