cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Nghị quyết số 221/2018/NQ-HĐND ngày 06/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp Về thông qua Quy hoạch nông nghiệp, phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

  • Số hiệu văn bản: 221/2018/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Đồng Tháp
  • Ngày ban hành: 06-12-2018
  • Ngày có hiệu lực: 16-12-2018
  • Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2169 ngày (5 năm 11 tháng 14 ngày)
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 221/2018/NQ-HĐND

Đồng Tháp, ngày 06 tháng 12 năm 2018

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÔNG QUA QUY HOẠCH NÔNG NGHIỆP, PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG THÁP ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP
KHÓA IX - KỲ HỌP THỨ TÁM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/ 01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Xét Tờ trình số 99a/TTr-UBND ngày 26 tháng 11năm 2018 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Nghị quyết về việc thông qua dự án “Rà soát, Điều chỉnh Quy hoạch nông nghiệp, phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân Tỉnh; ý kiến thảo luận của Đại biểu Hội đồng nhân dân Tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1.Thông qua Quy hoạch nông nghiệp, phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Quan điểm, mục tiêu quy hoạch nông nghiệp, phát triển nông thôn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030

a. Quan điểm

Quan điểm phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp cần đáp ứng các yêu cầu sau:

- Tập trung mọi nguồn lực, ưu tiên đầu tư khoa học kỹ thuật tiên tiến phát triển các ngành hàng chủ lực để cho ra sản phẩm có chất lượng, an toàn, đạt hiệu quả kinh tế cao.

- Khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của các vùng sinh thái cho phát triển và chuyển đổi, đạt mức tăng trưởng và giá trị gia tăng cao và bền vững, hình thành các tiểu vùng nông nghiệp đặc trưng, gồm: vùng sản xuất lúa gạo xuất khẩu, vùng sản xuất lúa - màu, vùng sản xuất luân canh lúa - thủy sản, vùng chuyên nuôi trồng thủy sản (NTTS),…

- Phát triển nhanh, toàn diện nông nghiệp - nông thôn theo hướng hiện đại, xanh, sạch; mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa hướng mạnh vào xuất khẩu và cung ứng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; duy trì diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất; khôi phục và phát triển các ngành nghề, làng nghề truyền thống và ngành nghề, làng nghề mới ở nông thôn.

- Đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn theo hướng hiện đại, đạt chuẩn về xây dựng nông thôn mới.

- Nâng cao hiệu quả kinh tế trên 01 ha đất nông nghiệp, là cơ sở để tăng thu nhập cho kinh tế hộ nông dân, giải quyết việc làm và thực hiện xoá đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa thành thị và nông thôn; đóng góp sản phẩm và thực hiện mục tiêu phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước.

- Phát triển nông nghiệp gắn liền với tái cơ cấu nền kinh tế, xây dựng nông thôn mới và quá trình đô thị hóa, thực hiện công bằng xã hội, giảm nghèo, bảo đảm an ninh quốc phòng, ổn định xã hội và môi trường nông thôn.

- Thực hiện triệt để cơ chế kinh tế thị trường trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, đồng thời đẩy mạnh tích tụ ruộng đất sản xuất lớn và xã hội hóa dịch vụ công, thu hút đầu tư tư nhân vào phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

- Phát triển rừng phòng hộ ven sông, rạch, đẩy mạnh trồng rừng trên đất trống trong lâm phần sẽ giúp cải thiện môi trường, phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu. Nâng cao hiệu quả sử dụng lâu bền tài nguyên thiên nhiên, hạn chế dư lượng hóa chất, thuốc trừ sâu trong sản phẩm nông sản và trong môi trường đất, nước.

b. Mục tiêu

* Mục tiêu chung

Quy hoạch nông nghiệp, phát triển nông thôn gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nền nông nghiệp hiện đại có ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, có hiệu quả, bền vững; để tạo ra thật nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng, an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và thế giới, góp phần thực hiện thắng lợi Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh.

* Một số chỉ tiêu cụ thể (kèm theo Phụ lục I)

Tốc độ tăng GRDP ngành nông, lâm, ngư nghiệp bình quân các giai đoạn 5 năm đạt trên 3,5%/năm; tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, ngư nghiệp bình quân các giai đoạn 5 năm đạt trên 3,74%/năm; cơ cấu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đến năm 2020 đạt: 71,98% - 0,95% - 27,07%, đến năm 2025 đạt: 71,52% - 0,87% - 27,61% và đến năm 2030 đạt: 71,33% - 0,78% - 27,90%; Giá trị sản xuất (GTSX) bình quân trên 01 ha đất canh tác trồng trọt đến năm 2020 đạt trên 122 triệu đồng, đến năm 2025 đạt trên 153 triệu đồng và đến năm 2030 đạt trên 187 triệu đồng; Giá trị sản xuất bình quân trên 01 ha đất NTTS đến năm 2020 đạt trên 2.530 triệu đồng, đến năm 2025 đạt trên 2.867 triệu đồng và đến năm 2030 đạt trên 3.204 triệu đồng;

Phấn đấu đến năm 2020 có 51% số xã đạt nông thôn mới, các xã còn lại đều đạt trên 13 tiêu chí, 02 đơn vị cấp huyện cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới; đến năm 2025 có khoảng 90% số xã đạt chuẩn, 5 đơn vị cấp huyện cơ bản đạt chuẩn, trong đó có 30% số xã đạt chuẩn nâng cao; đến năm 2030 có trên 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 50% số xã đạt chuẩn nâng cao, 10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

2. Quy hoạch các ngành sản xuất nông nghiệp

a. Ngành trồng trọt

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất ngành trồng trọt, trên cơ sở kết hợp mở rộng diện tích với tăng vụ, chuyển vụ, phát triển theo chiều sâu và đa dạng nhanh các loại cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao, hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung có quy mô lớn phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Tập trung phát triển một số cây trồng chủ lực.

* Cây lúa

- Định hướng phát triển

Phát triển ngành lúa gạo trở thành ngành xuất khẩu chiến lược quốc gia theo hướng bền vững, đảm bảo hiệu quả, chất lượng, an toàn, có giá trị gia tăng cao và theo nhu cầu thị trường. Rà soát quy hoạch vùng chuyên canh, cải thiện cơ cấu giống, tổ chức luân canh với hoa màu và thủy sản, áp dụng cơ giới hóa, kỹ thuật thân thiện môi trường, chủ động điều tiết cung, mở rộng thị trường, tăng cường liên kết kinh doanh giữa nông dân và doanh nghiệp, giảm tổn thất sau thu hoạch, tăng cường chế biến tinh, chế biến sâu các sản phẩm từ lúa gạo, chế biến phụ phẩm, cải thiện công tác vận tải và hậu cần hỗ trợ tiếp thị, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu của lúa gạo Đồng Tháp.

- Bố trí sản xuất

Đến năm 2020, diện tích gieo trồng (DTGT) lúa 497.060 ha, sản lượng 3,2 triệu tấn; đến năm 2025 DTGT lúa 470.940 ha, sản lượng 3,1 triệu tấn; đến năm 2030 DTGT lúa 441.870 ha, sản lượng 2,9 triệu tấn.

* Hoa cây cảnh

- Định hướng phát triển

Phát triển ngành hoa cảnh trở thành ngành hàng chiến lược cấp tỉnh của Đồng Tháp theo hướng bền vững, có giá trị gia tăng cao thông qua tăng hiệu quả sản xuất, tăng cường liên kết giữa các hình thức kinh tế hợp tác nông hộ với doanh nghiệp. Xây dựng Sa Đéc trở thành vùng sản xuất hoa tập trung lớn nhất ĐBSCL, phát huy vai trò của cộng đồng làng nghề trong phát triển dịch vụ du lịch gắn với vùng sản xuất hoa.

- Bố trí sản xuất

Đến năm 2020 DTGT hoa cây cảnh 3.260 ha, trong đó diện tích hoa các loại là 2.312 ha, cây cảnh các loại là 948 ha, đến năm 2025 DTGT hoa cây cảnh 4.150 ha, trong đó diện tích hoa các loại là 2.981 ha, cây cảnh các loại là 1.169 ha, đến năm 2030 DTGT hoa cây cảnh 4.800 ha, trong đó hoa các loại 3.290 ha, cây cảnh các loại 1.510 ha

* Xoài

- Định hướng phát triển

Phát triển ngành hàng xoài tỉnh Đồng Tháp thành ngành hàng mũi nhọn theo hướng bền vững, có giá trị gia tăng cao thông qua tăng quy mô sản xuất, áp dụng tiêu chuẩn GAP và các tiêu chuẩn kỹ thuật vững bền tại vùng chuyên canh, cải thiện khu chế biến, bảo quản, vận chuyển, nâng cao chất lượng, khả năng tiếp thị và xây dựng thương hiệu của xoài Đồng Tháp ở thị trường trong nước và thế giới.

- Bố trí sản xuất

Đến năm 2020: Diện tích trồng xoài 10.050 ha, năng suất đạt 170 tạ/ha, sản lượng đạt 157.756 tấn; Đến năm 2025: Diện tích trồng xoài 11.055 ha, năng suất đạt 171 tạ/ha, sản lượng đạt 176.099 tấn; Đến năm 2030: Diện tích trồng xoài 11.370 ha, năng suất đạt 172 tạ/ha, sản lượng đạt 180.944 tấn.

b. Ngành chăn nuôi

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh theo hướng sản xuất thịt, con giống, trứng chất lượng cao, gắn với xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung bảo đảm an toàn sinh học và vệ sinh thực phẩm, hình thành chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội tỉnh, các tỉnh trong khu vực và cả nước. Quy mô đàn và sản phẩm chủ yếu của vật nuôi chủ lực đến năm 2030 như sau:

Chăn nuôi vịt: Phát triển tổng đàn với quy mô lớn, tập trung, vững bền, khai thác hết phụ phẩm và phối hợp hiệu quả với việc phát triển ngành lúa gạo và cá tra của tỉnh, tạo ra giá trị gia tăng cao. Phát triển đàn vịt của tỉnh lên khoảng 4,32 triệu con vào năm 2020 và 5,46 triệu con vào năm 2030.

c. Ngành lâm nghiệp

Quản lý bảo vệ, phát triển và sử dụng hợp lý đất lâm nghiệp nhằm bảo vệ và phát triển diện tích rừng, phát huy được vai trò bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học đất ngập nước và các nguồn gen sinh vật quý hiếm. Huy động các nguồn lực xã hội, đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lâm nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế nghề trồng rừng, thúc đẩy việc trồng lại và trồng mới rừng tập trung trên đất lâm nghiệp, kết hợp trồng cây lâm nghiệp phân tán trên các bờ bao, bờ kênh, cụm tuyến dân cư, trường học cơ quan,...nhằm tăng độ che phủ của rừng, phát huy vai trò phòng hộ lũ lụt, bảo vệ an ninh quốc phòng. Từ năm 2020 đến 2030 giữ ổn định diện tích đất lâm nghiệp 12.300 ha, giảm 365,86 ha so với hiện trạng năm 2017.

d. Ngành thủy sản

Nuôi trồng thủy sản là thế mạnh thứ 2 cần được tiếp tục đẩy mạnh phát triển để tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn của tỉnh. Tập trung phát triển thủy sản chủ lực:

- Định hướng phát triển

Phát triển cá tra trở thành ngành xuất khẩu chiến lược quốc gia theo hướng bền vững, có giá trị gia tăng cao, thỏa mãn nhu cầu thị trường đa dạng thông qua phát triển vùng chuyên canh cá tra gắn với cụm công nghiệp - dịch vụ phục vụ sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiếp thị cá tra tại tỉnh Đồng Tháp. Sản xuất giống cá tra có chất lượng cao đạt được những tính năng tăng trưởng nhanh, kháng bệnh, tỷ lệ sống cao, thích ứng với BĐKH, có thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, nhằm cung cấp nguồn giống cho việc nuôi cá tra thương phẩm ở tỉnh Đồng Tháp nói riêng và toàn vùng ĐBSCL nói chung.

- Bố trí sản xuất

+ Quy hoạch nuôi cá trá thương phẩm

Phân vùng nuôi cá tra thương phẩm theo 2 vùng. (i) Vùng nuôi chính: Tiếp giáp với Sông Tiền, sông Hậu các kênh rạch lớn tập trung ở huyện có tiềm năng năng như huyện Thanh Bình, huyện Cao Lãnh, huyện Châu Thành, huyện Tam Nông, huyện Tân Hồng, TX Hồng Ngự và huyện Hồng Ngự. (ii) Vùng nuôi phụ ở các huyện còn lại.

Đến năm 2020: diện tích (DT) mặt nước 2.000 ha (DT nuôi trồng 3.054 ha), năng suất 296 tấn/ha, sản lượng 592.856 tấn. Đến năm 2025: DT mặt nước 2.292 ha (DT nuôi trồng 3.495 ha), năng suất 299 tấn/ha, sản lượng 686.016 tấn. Đến năm 2030: DT mặt nước 2.297 ha (DT nuôi trồng 3.506 ha), năng suất 299 tấn/ha, sản lượng 687.245 tấn.

+ Quy hoạch sản xuất cá giống:

Quy hoạch vùng sản xuất giống trên 11 huyện, thị xã, thành phố (trừ thành phố Sa Đéc), tuy nhiên tập trung ở thị xã Hồng Ngự và 03 huyện: Hồng Ngự, Cao Lãnh, Châu Thành để sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao.

e. Định hướng phát triển dịch vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn

Đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, bao gồm: giống, phân bón, thức ăn, thuốc bảo vệ thực vật, thủy lợi, điện, cơ giới hóa, sơ chế biến, tiêu thụ và khoa học công nghệ theo chuỗi sản xuất, nhằm góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cho sản phẩm nông, lâm ngư nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

3. Định hướng phát triển nông thôn

a. Chương trình xây dựng nông thôn mới

Đến năm 2020, có 51% số xã đạt nông thôn mới, các xã còn lại đều đạt trên 13 tiêu chí, 02 đơn vị cấp huyện cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới ; đến năm 2025, có khoảng 90% số xã đạt chuẩn, trong đó có 30% số xã đạt chuẩn nâng cao và 05 đơn vị cấp huyện cơ bản đạt chuẩn; đến năm 2030, có trên 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 50% số xã đạt chuẩn nâng cao, 10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

b. Phát triển ngành nghề nông thôn

Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống hiện có, phát triển thêm các nghề truyền thống mới làm nòng cốt cho công tác bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp; tạo việc làm cho lao động nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

c. Phát triển kinh tế tập thể

Phấn đấu đến năm 2020, cơ bản hình thành các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) liên kết với các doanh nghiệp trong cung cấp dịch vụ đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân trong các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Phấn đấu nâng tỷ lệ HTX hoạt động có hiệu quả đạt trên 70%. Hoàn thành Đề án thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020, theo Quyết định 445/QĐ-TTg ngày 21/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

d. Chương trình bố trí ổn định dân cư

Hỗ trợ sắp xếp ổn định đời sống dân cư vùng biên giới, vùng có nguy cơ thiên tai ổn định cuộc sống, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, di cư tự do, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo, bảo vệ môi trường và củng cố an ninh, quốc phòng.

4. Giải pháp thực hiện quy hoạch

Gồm 12 nhóm giải pháp. Cụ thể:

a. Giải pháp tổ chức lại sản xuất

b. Nhóm giải pháp về bảo quản, chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch

c. Nhóm giải pháp về xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, xây dựng thương hiệu, quản lý chất lượng sản phẩm

đ. Giải pháp khoa học và công nghệ

e. Giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao

g. Giải pháp về đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất

h. Nhóm giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực

i. Giải pháp về vốn đầu tư

k. Nhóm giải pháp về rà soát, điều chỉnh, bổ sung hệ thống cơ chế chính sách ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp - nông thôn

l. Giải pháp về thông tin truyền thông

m. Giải pháp về đất đai

n. Nhóm giải pháp về môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu - nước biển dâng. Trong đó quan tâm đối với môi trường nuôi trồng thủy sản và tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong môi trường.

Điều 2.Giao cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh phê duyệt, triển khai thực hiện theo đúng quy định.

Điều 3.Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và các Đại biểu Hội đồng nhân dân Tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp khóa IX, kỳ họp thứ tám thông qua ngày 06 tháng 12 năm 2018 và có hiệu lực từ ngày 16 tháng 12 năm 2018./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 3;
- UBTVQH, VPCP (I,II), VPQH, BCTĐB;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- TT/TU, UBND, UBMTTQVN Tỉnh;
- UBKTTU, Đoàn ĐBQH Tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể Tỉnh;
- Văn phòng HĐND Tỉnh;
- TT/HĐND, UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Công báo Tỉnh;
- Lưu: VT, KT-NS.

CHỦ TỊCH




Phan Văn Thắng

 

PHỤ LỤC I

NHỮNG CHỈ TIÊU CHỦ YẾU PHẤN ĐẤU ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Nghị quyết số 221/2018/NQ-HĐND ngày 06 tháng 12 năm 2018 của HĐND tỉnh)

Quy hoạch đề ra 09 nhóm chỉ tiêu quy hoạch gồm:

STT

Chỉ tiêu

ĐVT

QH 2020

QH 2025

QH 2030

1

GRDP nông, lâm, ngư nghiệp tăng BQ các GĐ

%

3,6

3,6

3,5

2

GTSX nông, lâm, ngư nghiệp tăng BQ các GĐ

%

3,74

3,74

3,92

3

Cơ cấu GTSX nông, lâm nghiệp và thủy sản

 

 

 

 

-

Nông nghiệp

%

71,98

71,52

71,33

-

Lâm nghiệp

%

0,95

0,87

0,78

-

Thủy sản

%

27,06

27,61

27,90

4

Sản lượng lương thực

 

 

 

 

 

Lúa

Tr. Tấn

> 3

> 3

> 2,9

 

Hoa cây kiểng

1000 ha

> 3,2

> 4,1

4,8

 

Xoài

Tấn

> 157

> 176

> 180

 

Sản lượng cây trồng khác

Tấn

> 971,1

> 1112,7

> 1318,5

5

Sản lượng chăn nuôi

 

 

 

 

 

Vịt

Tr. Con

4,3

> 5

> 5,6

 

Tr. Con

4

> 4,9

6

 

Sản lượng chăn nuôi khác

1000 con

> 368

> 388

> 446

6

Sản lượng thủy sản

 

 

 

 

 

Cá tra

1000 tấn

> 539

> 633

> 636

 

Sản lượng thủy sản khác

1000 tấn

> 90

> 93

> 93

7

Độ che phủ rừng

%

2,22

2,7

3,32

8

GTSX/ha đất NN

 

 

 

 

 

Trồng trọt

Tr. đồng

122

153

187

 

Thủy sản

Tr. đồng

2.530

2.867

3.204

9

Xã đạt tiêu chí nông thôn mới

%

51

90

>90

 

PHỤ LỤC II

ĐỀ XUẤT CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Nghị quyết số 221/2018/NQ-HĐND ngày 06 tháng 12 năm 2018 của HĐND tỉnh)

1. Các Đề án phát triển

Đề án phát triển chi tiết nông nghiệp, phát triển nông thôn cấp huyện, tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

2. Kế hoạch phát triển giai đoạn 2018 - 2020

Kế hoạch thực hiện Chương trình Phát triển Nông nghiệp Ứng dụng Công nghệ cao tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2017 - 2020 (Quyết định số 289/QĐ-UBND.HC ngày 24/3/2017).

3. Các chương trình phát triển giai đoạn 2018 - 2020

a) Chương trình mục tiêu phát triển thủy sản kinh tế bền vững

- Dự án xây dựng nhà máy bảo quản, chế biến các sản phẩm chủ lực của tỉnh;

- Dự án Sản xuất phân hữu cơ khoáng, phân bón lá từ bùn đáy ao nuôi cá Tra;

- Dự án xây dựng, điều chỉnh, bổ sung chuỗi giá trị cá tra.

b) Chương trình tái cơ cấu phát triển ngành nông nghiệp

- Dự án Trung tâm Dịch vụ hoa kiểng và Du lịch;

- Dự án Xây dựng điểm dừng chân, chợ hoa kiểng, khu ẩm thực và trưng bày sản phẩm đặc thù của địa phương;

- Dự án nghiên cứu sản xuất giống gia súc, gia cầm chất lượng cao;

- Dự án Đầu tư nâng cấp, xây dựng Lò giết mổ tập trung trên địa bàn tỉnh;

- Dự án Chợ đầu mối hoa kiểng tại thành phố Sa Đéc;

- Dự án Kho dữ liệu nguồn thông tin về nông nghiệp, phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp;

- Dự án Trung tâm nghiên cứu và phát triển giống công nghệ cao;

- Dự án xây dựng, điều chỉnh, bổ sung chuỗi giá trị lúa;

- Dự án xây dựng, điều chỉnh, bổ sung chuỗi giá trị hoa cây kiểng;

- Dự án xây dựng, điều chỉnh, bổ sung chuỗi giá trị xoài;

- Dự án xây dựng, điều chỉnh, bổ sung chuỗi giá trị vịt.